Cha cầm rổ khoai lang từ ruộng vào bếp, mấy củ khoai hơi nhỏ, củ thuôn dài, hơn mười ngày nửa mới thu hoạch được. Đất trồng khoai cao không được phù sa bồi đắp nên không phì nhiều màu mỡ. Nương nói dù có trồng thêm cây gì cũng thu hoạch kém, đợi qua mấy tháng nữa cho đất nghỉ mới trồng tiếp.
Đất cần phân bón mới giữ được độ phì nhiêu nhưng tìm đâu ra phân? Hôm trước ông ngoại chỉ cách ủ phân bằng lá cây, rơm rạ, nếu thêm phân gà phân heo càng tốt. Nhưng nhà cô chỉ có mấy con gà sao đủ cho ba mẫu đất. Phải nuôi thêm gà heo thì mới có phân bón. Trồng cây cỏ mới có thức ăn cho heo gà, đúng là vòng sinh học luẩn quẩn nhức đầu ghê!
Từ ngày Tương huynh làm lái đò đưa khách đi chợ Sông Lớn, hai nhà càng thêm thân thiết. Nương và An ca cũng không vất vả đi bộ khoảng đường dài, ở trên ghe còn có thể chợp mắt nghỉ ngơi. Lưu bá và Tương huynh còn dựng hẳn cái sạp nhỏ, lợp mái lá ven chợ Sông Lớn để có chỗ bày bán giỏ, đệm tre, móc gỗ, kệ mỗi lần chợ phiên. Sau khi đi chành Long Hồ về, Tương huynh học được cách buôn bán, xem con nước, hiểu biết hơn trước nhiều.
– Trên đó có nhiều loại trái cây lạ, ăn ngon. Cháu định lần sau đi chành sẽ mua về bán ở chợ. Mang cá, mực khô ông nội đánh bắt được đến đó bán, giá cao hơn ở đây.
Trước ngày đi chợ phiên Tương huynh nói với cha Mai.
– Thúc muốn bán đường và mỡ thực vật ở đó không? Giá cao hơn ở đây nhiều, trong đó không thấy có cây thốt nốt như ở mình.
Ý tưởng rất tốt, chỉ là đường đi xa quá, giống như lúc bàn chuyện với dì dượng năm. Không thể đem hàng đi bán thường xuyên như chợ phiên thì tiền kiếm được rất ít, chỉ làm lúc nông nhàn. Hai nhà tính xong thì quả thật không ổn, đành phải bỏ qua, bán ở chợ Sông Lớn trước.
Khi mặt trời gần lặn sau dãy núi thì nhà Lưu tam ông từ làng chài đến, thất thúc cũng theo vào. Mấy đứa nhỏ lâu ngày gặp lại nói cười ríu rít. A Phúc kéo thúc ấy đến xem đàn gà trong sân. Còn tỉ tê kể chuyện hai con gà rừng đem đi hầm hạt sen và hai con gà con nhỏ đã chết. An ca trêu nó:
– Hôm đó đệ cũng ăn hết chén cháo gà hầm rồi, ngon không?
A Phúc phụng phịu liếc a An không thèm trả lời. Cha nương hỏi thăm nhà ông nội, cả nhà đều khoẻ. Tam bá và tam bá mẫu đang tìm mối cho Hân ca, nhưng hắn không chịu, nói là chưa muốn. Hân ca xin vô đây, ông nội nói để lúc thu hoạch lúa cả nhà nội vào giúp.
Bây giờ đang mùa đánh cá làm khô, nước mắm để bán cho dịp giáp năm. Nhà nội cũng bận rộn suốt ngày.
– Sao đệ không ở nhà làm phụ cha, cha cũng lớn tuổi rồi.
– Thiếu đệ cũng không sao, cha nói nếu ca biết đóng ghe xuồng thì tốt quá. Hôm nào không ra biển được cha cũng vào xem sao.
Ông nội đúng là biết phân nặng nhẹ, nhà mình đóng được ghe xuồng sẽ không lo cơm áo nữa. Giờ đến mùa lúa còn gần hai tháng, mấy cây gỗ ngâm dưới rạch chắc cũng dùng được rồi. Ngày mai đi tân gia nhà Lưu tam bá hết cả buổi, đi xong về bắt đầu xẻ gỗ.
Sáng nay nhà Lưu tam bá thật náo nhiệt, có rất nhiều người trong làng đến tham dự. Tam bá mẫu hay thật, chưa tròn trăng đã giao du rộng rãi như vậy, Người ở đây rất thân thiện, cởi mở. Nhưng ai cũng lo việc bếp núc, may vá, ruộng vườn nên ít đến nhà nhau, đặc biệt sắp vào vụ lúa như bây giờ. Trong nhà chỉ còn Cúc tỷ và Mai, hai chị em bận rộn trong bếp. Mai luôn ở cạnh lò bếp, theo cô đoán mấy ngày này vịt con đợt một sẽ nở. Không chỉ Mai mà cả nhà đều hồi hộp chờ đợi.
Cha đi tân gia vừa về thì nương và An ca đi chợ cũng về tới. Sau đó nương cùng Lưu bá mẫu sang nhà bên kia giúp dọn dẹp. Cha nói khách còn chưa về đâu, cha giả vờ say về trước. Mai mỉm cười, cha đúng là tham công tiếc việc, biết ông nội ủng hộ chuyện đóng ghe nên cha muốn bắt tay làm sớm.
Nếu đóng ghe thì cái chòi lá sân trước không đủ chỗ nên mọi người cùng nhau dọn xung quanh trống trải đủ chỗ cho khung uốn gỗ, đặt hai chiếc ghe và chỗ cắt xẻ nữa. Cúc tỷ và nương quét dọn sạch sẽ, mấy người còn lại kéo mấy cây gỗ lớn vào. Trong chòi có bảng gỗ đắp đất lớn vẽ hình ba tấm gỗ, hai mũi ghe và sườn ghe (sau này gọi là cong).
Bình ca lấy thước ra đo, làm dấu rồi bắt đầu cưa. Cha và thất thúc thay phiên nhau cưa cây gỗ lớn. Công việc thật vất vả, bụi gỗ bay khắp mặt mũi. Người cưa đứng khom lưng hai tay dùng sức mồ hôi nhỏ giọt theo mỗi đường cưa. Cái cưa dài gần hai thước hình chữ nhật, có một cạnh là lưỡi bằng sắt. Một người làm mất sức quá, nhưng lưỡi cưa này không đủ cho hai người cầm hai đầu.
– Tỷ ơi, tỷ, vịt con nở, nhanh lên.
A Phúc vừa chạy ra vừa gấp gáp nói.
– Thật?
Không kịp đợi a Phúc trả lời Mai chạy nhanh vào bếp. Mọi người cũng bỏ việc đang làm đi vào. Trong ngăn trên lò ấp vẫn được giữ ấm áp, khay giữa có hai trứng đã vỡ một đầu, mỏ vịt hồng hồng đã lộ ra. Con vịt con loay hoay phá vỏ làm quả trứng xoay một vòng. Hai trứng đặt gần nhau nên đụng nhau bộp bộp. Mai hơi lo lắng nhìn mấy cái trứng còn lại trong khay, hơi chật rồi. Nếu mang chúng ra khỏi khay không đủ độ ấm chúng không nở được, hoặc vịt con sẽ chết mất.
Mai kéo Cúc tỷ nhóm bếp còn lại hay dùng nấu cơm hàng ngày, nói ý cô đang lo. Tỷ gật đầu hiểu ý, mang cái rổ to chuẩn bị cho đám vịt con đặt gần bếp ‘hâm nóng’ nó.
Mai nhìn qua lò ấp, a Phúc cười tươi rói đưa ba ngón tay cho cô, ba con nở rồi sau.
– Cha. Tỷ, con và a Phúc trông chừng được rồi, cha không đi xẻ gỗ sao.
– Đi, đi chứ.
Cha nói thật nhỏ. Cả đám nhẹ bước ra ngoài, gương mặt đều vui vẻ, những giọt mồ hôi đã khô từ lúc nào.
Khay giữa đặt mười hai trứng đã nở hết, Cúc tỷ nhẹ nhàng nhấc khay ra, lấy vỏ trứng bỏ đi, nâng từng con vịt nhỏ vào rổ lớn đã hâm nóng sẵn cho chúng. A Phúc vội vàng mang chén múc nước cho chúng. Đám vịt này có bộ lông ướt nhẹp, màu vàng pha xám. Chúng lớn lên sẽ có màu trắng xám như cha mẹ hoang dã của chúng.
Mai chỉ a Phúc lấy cơm nguội, bóp nhỏ ngâm vào trong chén nước. Hai đứa bé chạy qua lại xem hai khay trên lò rồi xem vịt trong rổ. An ca thỉnh thoảng chạy vào xem. A Phúc không dời mắt khỏi đám vịt con, lâu lâu rờ vào rổ xem độ nóng. Mai dặn nhóc không được để vịt con lạnh, nước trong chén không đổ nhiều, không để nước văng ra ngoài rổ.
Lúc ca ấy đi lấy nước thốt nốt về còn mang theo năm trứng vịt nhặt được ở góc bờ lúa nếp. Thấy đám vịt nở gần hết Mai rủ An ca chống ghe lườn ra bãi lát tìm thêm ổ vịt nước, ấp lò thứ ba nữa, ha ha.
Trời chiều râm mát, con rạch ngoằn ngèo uốn lượn, dòng nước lững lờ. Hai bờ rạch là từng rặng dừa nước chen chúc nhau, quài dừa cũng chen giữa những thân cây, bẹ lá. Cha hay chặt quài dừa để góc sân, đứa nào thèm thì chẻ trái ra ăn. Mấy cây dừa cạn và thốt nốt vươn cao, ngọn hùa theo chiều gió.
Gần đến vũng Đông Hồ thì con rạch rộng hơn, nước sâu hơn và đất mềm hơn. Bãi lát xâm xấp nước là chỗ đám vịt nước khoái nhất, ở đây có ốc, tôm và cá nhỏ cho chúng ăn. Vịt nước đi ăn theo đàn, nhưng đàn không nhiều con như chim hay cò. Mỗi đàn khoảng hai mươi con, có lớn có nhỏ. Bọn chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, lúc nước ít bị nhiễm mặn. Nghe nói chúng sống chủ yếu ở rừng tràm phía trong, có người còn kể đã từng thấy đàn vịt lớn kêu quạt quạt vang cả góc rừng.
Đến bãi lát An ca chống ghe dừng lại, nói:
– Ở đây đất lún sâu, muội đừng xuống.
– Dạ.
Đất ven sông mềm, lún đến đùi An ca nhưng hắn vẫn nhanh nhẹn đi vào phía trong. Có mấy gò đất nhỏ nổi lên khô ráo, mấy con vịt nước rất thích đẻ trứng ở đây. Chúng dùng mỏ gom cỏ lát quây vòng tròn lót bên dưới trước khi đẻ trứng. Trứng vịt nước chỉ lớn hơn trứng gà một chút, có màu xanh nhạt.
An ca nhẹ nhàng nhặt từng quả bỏ vào rổ nhỏ đã lót rơm, ở trên ghe lườn là rổ tre lớn. Vòng quanh bãi lát gần nửa canh giờ hai đứa nhỏ nhặt được hơn ba mươi trứng. Mặt trời đã xuống biển, mặt nước dát ánh đỏ như than, nước lớn ngang hông An ca thì hai đứa về nhà.
Nhóm xẻ gỗ vẫn đang làm, Vĩnh ca đã về nhà đang giúp việc lặt vặt. Mai ôm rổ trứng vào bếp. Nương đã về đang nấu cơm cùng Cúc tỷ. Thấy hai đứa thì nương vội đến đón lấy rổ nói:
– Nhanh đi tắm, coi chừng lạnh.
Mai đến nhìn đàn vịt con trong rổ một lúc mới chuẩn bị đi tắm. Cả nhà ăn cơm và vui vẻ nói chuyện nuôi vịt, làm chuồng, kiếm thức ăn. Đám vịt con cũng chíp chíp góp vui.