Sáng hôm sau mặt trời vừa lên thì cha dẫn a Vĩnh mang rượu và túi vải có một quan tiền đi vào trong làng. Mọi người ở nhà tuy hơi trông nhưng ai cũng phải làm việc. Mai đếm số gạch trên thanh tre treo vách, hai mươi lăm ngày rồi, còn ba đến năm ngày nữa là vịt con nở, không biết vịt nước sớm hơn hay trễ hơn vịt nhà. Mai vẩy nước lên khay trứng, kiểm tra nhiệt độ lò rồi hỏi Cúc tỷ.
– Cái chậu nào để nuôi vịt con vậy tỷ?
– Cái này, tỷ để úp vách đó, cái rổ to rộng vành này làm ổ. A Phúc đã phơi khô rơm lót ổ rồi.
Mai mỉm cười gật đầu, tiếp tục vẩy nước ở lò thứ hai. Lò này có sáu khay gần một trăm trứng, thanh tre thứ hai mới có tám vạch là tám ngày.
Giữa giờ tỵ thì cha về, cũng không nói gì mà ra ruộng luôn. Nương và An ca từ sớm đã đi nhổ cỏ lúa và xem sâu bệnh. Bình ca làm kệ và móc áo. Nhà Lưu tam bá gần xong, cuối tháng này sẽ cúng tân gia và Đòn đông. Nghe nói Lưu tam bá mời nhiều khách ở làng chài và làng Đông Hồ. Lần này cha nương không cần nghĩ tặng quà gì, vì người ta đã ‘gợi ý’ rồi, đương nhiên là mấy món Bình ca đang làm.
Lúc Lưu bá mẫu biết chỉ lắc đầu nói:
– Ta cũng không cần nghĩ cho mệt, người ta cũng gợi ý rồi.
Tứ Mi và Mai đều phì cười, Mai huých tay tứ Mi ý hỏi là món gì.
– Giày, mỗi người một đôi.
– Cái gì?
Giỡn sao? Tân gia tặng giày? Không phải giày chỉ do người trong nhà làm sao?
– Nói là tam bá mẫu lo dựng nhà không làm giày được, đất bùn nên đi giày mau hư. Cả nhà ai cũng chỉ còn đôi cuối cùng. Còn nói người trong nhà, đâu có gì ngại.
– Không phải con dâu bá mẫu ở làng chài sao? Sao không làm?
– Nói con dâu không khéo như tam Mi.
Mai á khẩu, không biết nói gì, ‘bá đạo’ thứ thiệt! Bá mẫu tiếp lời hai đứa nhỏ:
– Còn nói ta qua nấu nướng, ta làm thức ăn ngon.
– Tẩu nhận lời à?
– Hôm đó cả nhà Lưu tam thúc vào, nhà họ đâu có thiếu người, ta chen vào làm gì? Ta nói hôm đó chợ phiên. Ta đi chợ với a Tương, không qua sớm được.
– Phải rồi, tẩu làm vậy đi. Nói tẩu không qua, chắc muốn kêu ta, ta chặn ngang xin lỗi hôm đó ta đi chợ Sông Lớn, xế mới về.
Ha ha, nương cũng có lúc nhanh miệng!
– Cười cái gì? Nấu xong ăn ngon ăn dở đều mang tiếng, ta không thèm!
Nương bình thường ít nói, không nghĩ lúc nói ra cũng chẹn người ta chết nghẹn.
Buổi trưa a Vĩnh về, lúc ăn cơm cha mới nói:
– Đỗ lang nhận lễ a Vĩnh rồi. Mấy năm đầu hắn còn nhỏ sẽ không dẫn hắn theo thăm bệnh mà ở nhà học sao thuốc. Lúc ông đi xa thì a Vĩnh vẫn có thể đến tịnh xá học với sư ông. Sư ông cũng đồng ý. Ta thấy nhà gần nên xin lang y cho hắn về nhà ăn trưa.
Còn việc học chữ? Sao ngưng nửa chừng? Thấy mấy đứa nhỏ vẫn nhìn mình không chịu ăn cơm, cha đằng hắng nói tiếp.
– Việc học chữ thì … ừ, được.
Haiz, có cần nói chậm vậy không?
– Nhưng Đỗ lang y nói ông cũng biết vài chữ trong đơn thuốc, ông sẽ dạy a Vĩnh từ từ.
Vậy là được rồi, cứ như vậy trước, mình học nét chữ cơ bản trước. Vài năm sau nơi này sẽ đầy ‘văn nhân’ không lo không có thầy dạy! Ở đây sẽ có Tao đàn Chiêu Anh Các nổi danh khắp nơi đó!
Học chữ vậy giấy viết thì sao? Phải nghĩ cách thay giấy viết, dùng tạm trước. Khi nhà có đủ tiền đi Trấn Giang hoặc Nam Vang mua giấy viết sau.
Nhà có thợ mộc thật thích, muốn đóng gì có đó. Mấy anh em tụm nhau lại rù rì trong chòi lá. Chòi làm kho sân trước được nới rộng thêm một gian làm chỗ đóng đồ gỗ, rất tiện dụng, không làm mạc cưa bay vào nhà. Hết một buổi chiều thì mỗi đứa có một cây bút gỗ, giống bút chì nhưng không có ruột than bên trong. Một cái bảng gỗ một thước (1), khung dày hai thốn tay. Cả đám nhỏ ùa ra bờ rạch đào bùn dẻo đắp vào bảng gỗ, khi nào đất khô thì tưới nước hoặc đổi đất khác.
Trời râm mát, có đám mây đen nặng nề trôi trên vũng Đông Hồ.
– Ca, nhìn kìa!
Đàn chim lớn vỗ cách bay lên từ bãi cây lát ven bờ. Tiếp đó là tiếng chim kêu vang xa và một mảng trắng loáng vọt lên, là đàn cò trắng hay mò cá tôm ở bãi bùn trên cồn. Giống như hiệu ứng domino, bốn phía Đông Hồ mấy con cò vạc đang ăn rải rác từng nhóm cũng kêu quàng quạc vỗ cánh bay vút lên.
Trên mặt sông là hai chiếc ghe nối đuôi nhau hướng vào trong làng. Mấy con chim cò này cũng làm quá đi! Cách xa như vậy mà.
Tiếng bìm bịp kêu nước lớn rộn lên. Bà ngoại nói nghe tiếng kêu sẽ biết chim bìm bịp trống hay mái vì giọng kêu khác nhau, nhất là vào tháng chúng tìm nhau thành đôi. Chim bìm bịp bị mất bạn đời kêu càng thê lương hơn.
– Sao huynh nói hôm nay Trương nhị bá sẽ đến đón hai người về làng cũ ở Giá Khê, chắc họ đến đó.
Lý thúc đã chống nạng đi lại được, chỉ cần đắp thuốc để vết thương liền sẹo, ăn uống bồi bổ khí huyết là ổn.
Sáng hôm sau nhà Trương bá, Lý thúc đến nhà Mai tạ ơn và cáo biệt về Giá Khê. Tam đệ của Lý thúc rất gầy và thấp, da hơi đen. Ông ngồi nghe Trương bá và cha nói chuyện, không hề chen lời. Lý Sao đặt túi vải lên bàn, lấy ra hai miếng gỗ nhỏ cỡ bàn tay màu nâu, mùi hương nhàn nhạt từ từ lan toả: Trầm hương!
Cha giật mình nhìn miếng gỗ rồi vội vàng đứng dậy chắp tay nói:
– Lý đệ, lễ này quá trọng, ta không thể nhận được.
– Lê huynh, không phải nhà huynh giúp thì mạng ta cũng không còn. Cái này là nhà ta tìm được trong rừng, không phải tốn tiền mua, không đáng giá lắm đâu.
Nhà Lý thúc còn có nghề đi tìm trầm. Trầm là vật quý hiếm đâu dễ tìm như thúc ấy nói. Hai miếng trầm này chắc là bảo vật trong nhà, giờ vì đền ơn nên mới mang ra. Nhà mình không thể nhận được.
Mai nói nhỏ trong tai An ca để hắn chạy ra ngoài còn mình bước xuống bếp mang chén nước ấm mật ong pha gừng đặt lên bàn:
– Lý thúc khoẻ chưa ạ? Thúc uống nước mật ong này cho mau khoẻ.
Mai mời xong lui lại đứng sau lưng chỗ cha ngồi, nói nhỏ vào tai ông.
– Lê đệ có con trai con gái hiếu thuận, giỏi giang. Trương huynh ta thật hâm mộ.
Trương bá cười vui vẻ nói, hắn đúng là hâm mộ thật. Có con trai nhỏ là lang y thì không lo bệnh tật.
– Huynh quá khen rồi, mấy đứa nhỏ này còn ham chơi lắm. Làng huynh đi như thế nào, có dịp đệ đến cho biết.
Trương bá nói làng ông ở rạch lớn có nhiều cây giá (2). Làng chỉ hơn mười ngôi nhà, gần đó có hai ngôi làng nhỏ hơn. Hàng ngày họ chài lưới, đánh cá trên sông trên rạch, săn thú trong rừng. Họ đi chợ phiên mua lúa gạo từ thương lái. Ông kể có năm nước lên ngập đến nóc nhà không kịp dời đi phải ăn rau cỏ. Họ treo gạo lúa trên nhánh cây cao thì bị mấy con khỉ quen hơi người đến phá, có lúc bọn nó cũng hái trái rừng ném cho.
– Làng Đông Hồ này sẽ ngày càng thịnh vượng. Chiều qua ta gặp hai nhà theo vào đây sống.
Chưa hết câu chuyện thì Nguyễn bá đến. Là lúc nãy Mai nói An ca đi mời bá ấy. Chào hỏi nhau xong, Nguyễn bá ngồi xuống bàn hỏi thăm sức khoẻ Lý thúc. Đợi Nguyễn bá dứt lời cha nói:
– Lý đệ mang đến hai miếng gỗ trầm nói là đáp lễ tạ ơn. Nói thật Nguyễn huynh là nhà đệ chỉ giúp một chút nên không dám nhận lễ trọng. Hôm đó nhờ có nhân sâm Nguyễn huynh nên Lý đệ mới qua khỏi. Đệ mời huynh đến cốt để nhận lễ cho Lý đệ an lòng.
– Mong Nguyễn huynh nhận thì tiểu đệ mới an lòng. Nghĩa tình đệ vẫn ghi trong lòng, không dám quên.
Lý thúc khó khăn đứng dậy trên cây nạng nói. Trương bá cũng gật đầu nói phải. Từ Giá Khê đến đây một ngày đường, không xa, sau này còn qua lại thăm hỏi. Nguyễn bá nhận lễ nói gặp là duyên, sau này còn tương trợ nhau.
– Lý đệ, miếng trầm còn lại lưu để phòng thân. Cuộc sống sau này còn nhiều khó khăn.
Cha không nói tiếp nhưng ai cũng hiểu, ai cũng trầm mặc không tiếp lời.
– Ông bà nội muội thích uống mật ong pha gừng, uống vào khoẻ người. Sao huynh biết lấy tổ ong không?
Mai đành chen ngang giải quyết cho xong, giằng co hoài mất công Lý thúc về nhà không kịp trước khi trời tối. Mai quay sang chỗ Lý Sao đứng như đang hỏi hắn. Hắn hơi giật mình, hiểu ra thì gật đầu. Đương nhiên Mai biết hắn biết, bé trai ở tuổi hắn ở gần rừng tràm mà không biết lấy tổ ong thì cũng quá tệ!
Cha giống như hiểu ý cô, vui cười nói:
– Đúng là cha nương đệ nói uống mật ong thấy người khoẻ ra. Nhà ta xin Lý đệ mấy tổ ong ngon hiếu thảo ông bà là được.
Mai nhanh tay gói miếng trầm còn lại giao cho Lý Sao.
‘Đứa nhỏ này lanh lợi hiểu chuyện, biết y thuật lại can đảm quyết đoán, hiếm thấy’ Nguyễn San thầm nghĩ. Hắn nhìn kỹ gương mặt nhỏ nhắn tròn tròn mà cảm thán hậu vận nhà Lê tứ sẽ rất tốt.
– Được, huynh yên tâm ta sẽ tìm tổ ong ngon gửi biếu bá phụ, bá mẫu.
– Đa tạ đệ.
Nói thêm vài câu dặn dò rồi tiễn khách, Nguyễn bá cũng về. Trên ghe Lý Trám nhìn con trai dặn:
– Ơn nghĩa nhà Lê bá, con ghi nhớ trong lòng ngày sau có dịp phải đáp tạ.
– Con biết.
Tối qua mưa rải rác làm buổi sáng càng trong lành. Mặt trời vừa lên ấm áp nhưng nghĩ đến việc cha và mình đến ở nhà tam thúc. Lý Sao thật khó chịu. Hắn chưa đủ sức một mình đi rừng hay đánh cá, phải nhờ cậy thúc ấy một hai năm.
Xoay đầu nhìn lại ngôi nhà nằm ẩn dưới rặng cây kia. Nơi đó có ấm áp, có tiếng cười làm hắn càng nhớ những ngày còn nương, còn a Sóc. Hắn cố ngăn giọt nước đang muốn tràn ra trong mắt.
Lý Sao năm nay mười hai tuổi, hắn chưa biết sự kỳ diệu của duyên phận. Có những cuộc hội ngộ rồi phân ly mãi mãi, cũng có những cuộc hội ngộ là khởi đầu của những con người sẽ trở thành thân thuộc.
Mấy năm phân ly tưởng như dài, thật ra chỉ rất ngắn ngủi, là thử thách của duyên phận. Chỉ cần bền lòng, chặt dạ thì người ta sẽ được như nguyện.
(1): 1 thước = 0.47m
(2): một họ với cây đước, mắm