Ông ngoại như đang nói tiếp câu chuyện dang dở:
– Không cần nghỉ mệt đâu, cha ra xem ruộng nhà con. Lúc này phải chú ý sâu ăn lá, đục thân, đi.
– Dạ, cha.
Ông ngoại và cha đi thì mọi người xuống sạp tre trong bếp ngồi.
– Nương đi nằm chút không?
– Ta không mệt đâu, chiều nay kho thịt hột vịt cho mấy đứa ăn.
Bà ngoại và nương đang nói chuyện thì Cúc tỷ kéo tay a Phúc nói:
– Đệ chạy đi xem chuồng gà của đệ đi.
A Phúc không hiểu, nhưng cũng chạy đi. Cúc tỷ nháy mắt cười với Mai, loáng cái nhóc đã chạy vào hớn hở nói:
– Có mấy con gà con trong chuồng, ở đâu có vậy tỷ? Của nhà mình sao?
Hắn vui vẻ hỏi liến thoắng, nương cười cười nói:
– Ông bà ngoại mua cho con đó.
Hai đứa nhóc cảm ơn bà, bà vuốt gương mặt, cánh tay tròn tròn của a Phúc.
– Nghe nói a Phúc thích nuôi gà nên bà mua cho. Con cho nó ăn uống đầy đủ. Mai mốt nó đẻ trứng cho con ăn.
Chắc là dì dượng năm kể cho bà ngoại nghe rồi. Có thêm gà nhà được thuần hoá vậy con của chúng là gà lai, chúng có tính trội của hai loài, tốt quá, Mai vui vẻ nghĩ tới đàn gà con tương lai.
Ông ngoại là lão nông đúng nghĩa, từ sáng đến tối ở ngoài ruộng, ngoài vườn. Ông chỉ cha cách phân biệt các loại sâu, cách diệt sâu, còn canh mực nước trong ruộng nữa. Cha như học trò nhỏ chăm chỉ vâng dạ, Mai có cảm giác cha hơi sợ ông ngoại. Lúc cô lén hỏi nhỏ nương, nương mỉm cười xỉ trán cô ‘nói gì đâu’. Lưu bá cũng sang nghe ông ngoại nói, mời ông sang ruộng xem giúp.
Ngày thứ ba sau khi ông bà ngoại đến, cha mời Dương ông, Bùi ông, Đỗ lang y, Nguyễn bá và mấy người đàn ông nhà Lưu bá đang dựng nhà bên kia đến nhà Mai ăn cơm chiều. Bữa cơm chỉ là mấy món quen thuộc nhưng đều là người có giao tình với cha nên không khí thật hài hoà.
Bà ngoại nấu món măng vịt, nước mắm gừng thật ngon. Vịt nước không có lớp mỡ dày, thịt săn, ngọt. A Phúc và ngũ Mi cầm cái đùi vịt ăn ngon lành. Vĩnh ca kéo Lý Sao từ nhà lang y đến tham gia. Vết thương trên tay hắn đã khô mặt, không rướm máu nữa, nhưng vết sẹo còn có đường khâu giống như chân rít sẽ rõ mồn một. Cô chỉ có thể làm được như thế, đắp thuốc liền sẹo cũng không tốt hơn bao nhiêu. Lý thúc đã khoẻ hơn, chỉ là việc đi lại rất khó khăn, phải nhờ người khác giúp đỡ.
Ăn cơm xong nhóm đàn ông bày rượu ngồi uống ngoài sân. Trăng thượng tuần mọc sớm, treo trên bầu trời trong vắt. Hôm nay ông bà ngoại muốn làm quen với người trong làng nên mời đến dùng cơm thôi. Như ông nói: bà con xa không bằng láng giềng gần. Ông bà ở xa, có việc sẽ không đến giúp được nên dặn cha nương đối đãi người trong làng tốt, lúc có chuyện còn nhờ cậy qua lại.
Ông ngoại lo lắng tiếp khách đàn ông chu đáo. Bà ngoại tất bật nấu nướng món ngon đãi khách, giúp con gái con rể thêm bạn thêm người tương trợ. Không cần dạy đạo lý cao xa, nhìn ông bà ngoại đối đãi với người thân sơ mấy đứa nhỏ sẽ học được cách sống ở đời.
Dương ông đặt chén rượu vừa uống hết xuống hỏi ông ngoại.
– Bên Trấn Giang có tin gì không?
Ông ngoại trầm ngâm chút mới lên tiếng.
– Ta cũng nghe nói vài tin tức, nghe nói đã Quốc Chúa ban chiếu lập Dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, mai mốt phái Lễ Thành Hầu đưa thêm người vào khai hoang.
– Cái này đáng tin. Dạo gần đây nhiều ghe lái tìm mua lương thực, nghe nói là Nguyễn hầu tích trữ cho di dân đàng ngoài vào đây.
Đỗ lang y nói, ông hay đi các vùng tìm thuốc, trị bệnh nên tin tức cũng linh thông.
– Việc văn tự đất đai cũng khó khăn, chắc sắp có thay đổi. Làng mình có thêm nhiều nhà, xin đất làm ruộng, ta lo lắng.
Dương ông không nói rõ lo lắng cái gì, nhưng mọi người trầm mặc. Lo lắng nhất của người dân ở đây là giặc cướp. Làng nào trù phú, thịnh vượng mà không có quan phủ binh lính đều là mối hoạ ngầm. Người dân thì đâu có vũ khí, cũng không thể liều mình đánh đuổi bọn cướp hung hãn được nên chỉ có thể cam chịu mất của, mất người.
– Nguyễn huynh xem năm nay thời tiết thuận lợi, chắc được mùa chứ?
– Ta cũng nghĩ vậy, phía trong nhà ta mưa sớm hơn, mong là gặt được trước khi nước lên.
– Cha, lúc đó nhà con vào gặt phụ.
– Không cần đâu, làng trong đó làm dần công. Nhà con làm lúa năm đầu tiên, phải lo đương đệm, láng sân, dựng bồ.
Chuyện làm nông luôn là đề tài thường trực của nhóm đàn ông.
– Ta thấy làng mình cũng làm dần công đi.
Dương ông vừa nói là mọi người đều gật đầu, dần công là cách người làm nông giúp đỡ lẫn nhau vào mùa thu hoạch.
Trong bếp mấy người đàn bà cũng rôm rả vừa nói chuyện vừa làm luôn tay. Bà ngoại biết làm mấy loại kẹo mứt từ cây trái quanh nhà. Có kẹo dừa, kẹo chuối, mứt chùm ruột, mứt khoai lang. Bé ngũ Mi đã nuốt luôn hột chùm ruột nên bá mẫu không cho bé ăn nữa. Bé mếu máo làm nương mủi lòng nhét thanh kẹo chuối cho bé ăn tiếp.
Ở làng chài, thời gian của đàn bà con gái thường là vá lưới, làm cá muối, phơi mực, phơi cá. Ít có thời gian làm bánh mứt như ở làng làm nông. Mấy năm nương Mai ở làng chài cũng không làm bánh mứt thường xuyên mà theo bà nội học vá lưới, làm khô cá.
– Bá mẫu thật khéo tay, a Châu nhà cháu thích ăn nhất kẹo mứt.
Lưu bá mẫu ngồi bên bàn nhìn mọi người làm chen miệng nói. Mời khách đến nhà cũng không thể để khách làm việc. Chỉ là lúc nãy ăn cơm không thấy bá mẫu giống khách mà như đang ở nhà, nhìn vào nồi măng hầm thịt vịt xem còn nhiều ít. Lúc này thì tam bá mẫu quay lai ‘làm khách’ chỉ ngồi nhìn người ta làm. Lại có ý muốn mang đồ ăn về nhà nữa, thiệt là!
Người ở đây khi đến nhà người ta làm khách sẽ mang theo ít đồ đến gọi là tặng lễ, tuỳ theo đám tiệc gì mà chủ nhà sẽ ‘trả lễ’ mang về. Ví dụ như đám giỗ, cúng đầy tháng, giáp năm cho em bé thì có quà đáp lễ; còn đám cưới, đám hỏi thì không có. Mời cơm đâu có lệ cho mang về nhà?
Ý tứ của tam bá mẫu đứa nhỏ như a Phúc cũng hiểu, Mai cười cười nói:
– Bá mẫu xem bà ngoại cháu làm đi, dễ lắm, mai mốt bá mẫu hay Ngọc tỷ làm nhiều nhiều cho a Châu ăn. Ngũ Mi cũng ăn ké chút. Mà tam Mi tỷ khéo tay lắm, cái này làm dễ ợt.
– Miệng a Mai mới ăn lén kẹo hay sao mà ngọt dữ! Tỷ có làm chỉ cho a Phúc ăn thôi.
Tam Mi cười nói lớn, còn vươn tay búng lỗ tai Mai nữa. Thật ra mứt kẹo này làm không khó, có người dạy làm, nguyên liệu có sẵn chỉ tốn chút công là làm được. Còn khéo tay thì làm đẹp mắt, không khéo thì làm hơi xấu nhưng ở nhà ăn vẫn được, trẻ nhỏ mà đâu có khen chê nhiều. Quan trọng là đàn bà con gái trong nhà có siêng năng bỏ công ra làm hay không thôi.
Lúc khách về thì trời đã tối hẳn, sao lấp lánh trên bầu trời. Nương đốt ngọn đèn nhỏ để bà ngoại ngồi trên sạp tre soi trứng vịt, xoay đầu to của trứng lên trên, chụm tay che, bà nói:
– Cháu nhìn nè, chấm đen này, cái này là có con.
Mấy đứa nhỏ đều bu xung quanh xem bà làm, còn thử soi nữa. Bốn mươi tám trứng có hai trứng bị nứt vỏ, mười bốn trứng không có con, còn lại ba mươi hai trứng. Mai thì rầu rĩ mà mọi người lại vui mừng. Ba mươi hai trên bốn mươi tám, tỷ lệ hơi thấp so với kỳ vọng của Mai. Nhưng mà mấy trứng không con sẽ thành hột vịt vữa, luộc ăn đỡ buồn.
– Cha thấy làm cái lò ấp này được.
Ông ngoại chắp tay sau lưng nhìn cha đặt hai khay trứng có con lại vào lò nói.
– Dạ, ngày mai con đắp thêm một lò nữa.
Mai hì hì cười. Cha đúng là nghe lời, ông ngoại nói gì nghe nấy.
– Vịt mau lớn hơn gà. Tháng sau có vịt con thì nhà con bán được vịt lớn lúc giáp năm, mua quần áo mới. Qua giêng còn bán thêm được, mùa khô giá vịt cũng khá.
– Bà ngoại, con muốn nuôi heo. Ở đâu bán heo con vậy ngoại?
Ừ, nuôi heo đi, nghe Mai hỏi ai cũng muốn nuôi heo.
– Để ông bà ngoại hỏi thăm xem nhà ai bán heo con.
Nguyễn gia bên kia có nuôi heo nhưng không nghe nói là bán heo con ra ngoài, chắc là chỉ có người quen biết mới bán. Nhà Mai mới vào đây ở, không coi là thân thiết nên cha nương không hỏi. Làng nhà ngoại thì khác, trong đó chắc có nhiều nhà đã nuôi heo rồi. Mai thật mong chờ chuyện này.