Sáng hôm sau cha ăn sáng xong, còn đang chờ Lưu bá đi qua nhà cũ thì Bùi ông đến.
– Trong làng có mấy nhà mới đến, cần dựng nhà gấp, ta và a Trăn làm không kịp, ngươi khéo tay qua phụ mấy ngày, tiền công trả như a Trăn.
– Được thúc, khi nào cháu tới làm?
– Hôm nay cũng được.
– Chiều cháu đến làm được không? Sáng nay cháu phụ Lưu Hà huynh dỡ nhà cũ bên kia.
– Vậy được, trưa cháu qua nhà ta, con trai út ta dẫn cháu đi.
– Được.
Bàn xong thì Lưu bá và Tương huynh qua, ba người vừa đi vừa nói chuyện lúc nãy. Bình ca và thất thúc đi lấy nước thốt nốt về, ăn cơm sáng xong cũng qua bên đó, đông người mau xong việc. Dựng nhà thì lâu, dỡ thì nhanh như chớp, mấy cây gỗ lớn muốn dùng lại không nhiều, mỗi người kéo hai lượt là xong.
Lưu bá mẫu đi theo hái hết đu đủ, rau cải đem chia nhà Mai một nửa. Trong đó có rổ khoai lang củ còn nhỏ cũng đào luôn. Nếu không mấy đứa con gái chẳng chịu qua bên đó nữa.
Mai rửa sạch rồi gọt vỏ khoai, kêu Vĩnh ca phụ nhóm bếp làm khoai lang chiên, khoai lang còn non ăn mềm mềm, ngọt ngọt như tàu hủ. Lâu rồi không được ăn tàu hủ, không biết ở đây có đậu nành không? Mai thấy đậu xanh, đậu đen, chưa thấy ai trồng hoặc bán đậu đỏ, đậu nành, còn đậu phộng nữa. Ở đây không có, biết đâu miệt khác có? Nhờ ai hỏi bây giờ?
Đang nhớ mấy món ăn hấp dẫn thì có người kéo tay cô, là thất thúc. Mai mở to mắt nhìn thúc ấy, hắn còn nhỏ tuổi hơn mình mà ‘chức’ lớn ghê!
– Ta nghe a Bình nói muốn mua gà, ta có tiền, muốn góp chung.
Mai cười hì hì nói:
– Thúc nha, bà nội giấu cho thúc phải không?
Ha ha, đánh bừa mà trúng, thất thúc lúng túng nói:
– Lúc vô đây bà nội nhét cho ta hai mươi văn.
Nương đang ngồi đan rổ lên tiếng:
– A Mai, không biết lớn nhỏ, nói lung tung gì vậy.
– Con, con,… bà nội thương thúc nhất nhà, tiền thúc có đương nhiên là bà cho rồi, ai chẳng biết!
Xì, nương liếc nàng như bảo im miệng. Thất thúc vẫn đứng gãi tóc không biết nói gì. Nương sinh hắn lúc đã lớn tuổi nên cha nương có chút nuông chìu, nhiều lúc hắn cũng ngượng; giờ bị a Mai nói trắng ra bảo hắn trả lời sao đây.
– Được, thúc góp mười văn đi, chúng ta mua được hai mươi con gà.
A An tham tiền đã giải vây cho thất thúc. Nói xong hắn chạy vào trong lấy túi vải ra đếm lại tiền, cộng thêm mười văn tiểu thúc đưa là tròn tám mươi văn. Từ hôm Mai nói hắn giữ tiền mua gà, hắn vừa vui vừa lo lắng, mỗi ngày đều sờ túi vải như sợ mất khiến cả nhà có thêm chuyện cười chọc ghẹo hắn.
– Vậy An ca tối nay thức canh tiền đó, thiếu một văn cũng không được,
Ha ha ha, Vĩnh ca lên tiếng làm mọi người vui vẻ. Hai hôm nữa là chợ phiên rồi.
– Chợ phiên này mình có bán đường trong chợ làng không nương?
Mai hỏi, dù sao cô cũng đi chợ mua gà, bán thêm đường cũng tốt.
– Con đi chợ với ai? Mang theo mười đòn bán đi.
Mấy đứa nhỏ đều trông mong muốn đi chợ làng lần này. Mua gà con là chuyện trọng đại của tụi nhỏ mà. Nương phì cười nhìn mấy đứa.
– Được rồi, nương và a Bình đi chợ Sông Lớn. Mấy đứa muốn thì đi chợ làng hết đi, nhà cũng không có gì.
Tụi nhỏ cũng không được đi đâu chơi, gần đây chỉ có qua lại nhà Lưu bá, dù sao cũng một nửa buổi sáng là về. Hơn nữa thấy mấy đứa nhỏ háo hức chuyện nuôi gà, bà cũng vui vui, nếu thành thì tốt, không thành cũng không sao.
Nương quay sang dặn Cúc tỷ lúc mua gà, mang gà về chú ý cái gì. Dọc đường cũng nên cho bọn nó uống chút nước, cho ăn gạo nát thử xem sao, chúng không ăn thì cho ăn cỏ xanh. Mấy đứa đều lắng nghe, gật gù. A còn chuồng nuôi gà thì sao?
Nương nói gà còn nhỏ chưa cần chuồng. Cúc tỷ đan cái rổ to, lót rơm buổi tối bỏ chúng vô đó là được. Ban ngày thì thả ra đất, làm hàng rào không cho chúng ra ngoài chạy mất.
Cha ra thăm ruộng, ăn vội cơm trưa rồi đi nhà Bùi ông. Cha chỉ Bình ca và thất thúc làm cỏ, đắp bờ thêm mảng đất hoang gần hào sen, làm từ từ cây cỏ nhỏ, cha rãnh sẽ đào gốc mấy cây lớn.
Chiều nay Vĩnh ca sang tịnh xá học với sư ông, nương lấy rổ đựng đường và một ống dầu qua cúng dường, dặn dò hắn chăm chỉ, đi đường cẩn thận. Hào sen gần nhà nhưng đi vòng vèo bờ đất cũng hơn một khắc mới tới. Nương ở ruộng nhìn theo đến khi Vĩnh ca vào khúc quanh tịnh xá mới yên lòng.
Sáng ngày chợ phiên, chỉ có cha ở nhà đi lấy nước thốt nốt xong, đóng cửa đi dựng nhà. Lúc đó mấy đứa nhỏ đã gần đến chợ, a Phúc chân nhỏ đoạn đường sau là thất thúc cõng hắn để theo kịp.
Đến chợ Cúc tỷ bày đường bán, bá mẫu bán chiếu không đến. Vĩnh ca chỉ chỗ thiếu niên bán gà hôm trước, chỗ đó còn trống. Nhà huynh ấy trong núi gọi là Bình San nên đến trễ hơn. Mấy người khách quen lại mua đường không cần Mai ‘quảng cáo’ nữa. Một lát sau Vĩnh ca chỉ đầu chợ:
– Huynh ấy đến kìa.
Vĩnh ca sốt sắng chạy đến. Đi phía trước thiếu niên đó là một thằng nhóc, cỡ tuổi An ca, người lùn hơn nhưng chắc nịch. Nhóc liếc a Vĩnh thủ thế:
– Làm gì? Cướp đồ?
Vĩnh ca bất ngờ mở to mắt ngạc nhiên nhìn nhóc đó, không biết nói gì. Thiếu niên thấy vậy vỗ đầu nhóc:
– A Báo, không được nói lung tung, đệ muốn bán gà con kiếm tiền mà, là hắn muốn mua đó.
Nghe đến đây thì đến phiên nhóc đó há miệng, nhưng hắn rất nhanh trở mặt cười,
– A, ta không biết ngươi mua gà con, gà con ta bắt rất mạnh khoẻ, nuôi mau lớn, đảm bảo mau lớn.
Lúc này thất thúc, An ca và a Phúc đã tới, nghe câu đảm bảo này đều vui cười.
– Ngươi đưa ta xem gà con trước đi, ngươi ngồi bán ở đâu? Hay lại gần chỗ nhà ta ngồi luôn đi.
Thất thúc vừa nói vừa chỉ chỗ Cúc tỷ và Mai đang bán. Thiếu niên quét mắt nhìn qua, hơi khựng lại rồi gật đầu.
– Được.
Một đám đi tới, thiếu niên đặt gánh xuống, lom khom mở gùi lấy ra mấy con gà rừng và mấy con thỏ xếp trên đất. Gùi bên kia mở ra liền nghe tiếng chíp chíp của gà con.
– Ca, để đệ bắt cho.
Nhóc nhỏ a Báo giành lấy gùi, cẩn thận bắt từng con gà con ra để vào trong rổ. Mấy con gà này đã lớn, chắc được hơn mười ngày rồi, rất hoạt bát vừa mổ rơm vừa kêu lớn. A Phúc thích mê đưa tay sờ sờ.
– Thấy không, chúng háu ăn chóng lớn.
Vừa nói hắn vừa thảy búi cỏ xanh trong gùi xuống rổ.
– Hôm trước muội dặn bảy con, ta bắt được ổ gà này mười một con. Nếu muội không mua hết không sao.
Thiếu niên nhìn Mai nói.
– Muội mua hết, muội muốn mua thêm chín con nữa, huynh bắt được không?
– Thật?
Thiếu niên chưa kịp trả lời thì nhóc a Báo đã chen miệng. Mai cười gật đầu.
– Được, ta bắt cho ngươi.
Hắn vỗ ngực cam đoan, miệng cười vui vẻ, Mai thấy hắn thật thú vị. Cô quay qua Cúc tỷ:
– Tỷ xem gà có khoẻ mạnh không?
– Được,
Cúc tỷ bước đến xem từng con gà. Mai thoáng thấy thiếu niên hơi căng thẳng, hai tay chà sát hai bên đùi, có gì không ổn sao? Nhưng mà nhóc nhỏ vẫn nhe răng cười nói:
– Đảm bảo gà tốt, đảm bảo.
Hình như hắn chỉ biết nói hai chữ đảm bảo thôi, Mai nhịn cười. Mấy con gà đều khoẻ mạnh, An ca đếm tiền trong túi đưa cho thiếu niên, bốn mươi bốn văn. Nhận tiền xong, thiếu niên nghĩ nghĩ rồi nói:
– Ta có mấy cái trứng gà, tặng nhà ngươi ăn.
Hắn nói xong thì dỡ một lớp lá trong gùi, lấy ra gần mười trứng gà. An ca xua tay từ chối.
– Không được, ta không dám nhận, huynh để bán lấy tiền.
– Không sao, ngươi lấy đi, trứng gà này trong nhà ta nhiều. Ta đi nhặt một buổi sáng là có.
Nhóc ‘đảm bảo’ ba hoa nói. Sau khi thấy An ca đưa tiền, hắn nhẹ nhõm cười còn tươi hơn, chắc sợ Mai không mua gà con thật.
Mai đoán đúng rồi, trước nay chưa có ai mua gà rừng con cả. Nhóc a Báo nghe ca ca mình nói có người muốn mua hắn rất hưng phấn. Tuy hắn gần mười hai tuổi nhưng cha và nhị ca không cho vô rừng đi săn. Hắn chỉ có thể săn ở bìa rừng, mà bìa rừng thì có con gì chứ? Gà rừng cũng hiếm khi mới có, nhưng mấy con gà con thì khác, chúng còn nhỏ dễ làm mồi cho thú khác. Gà mẹ khi ấp nở xong dẫn chúng xuống phía dưới chân núi gần bìa rừng để tránh nguy hiểm.
Đúng dịp hắn bắt được ổ gà con này mấy hôm trước. Hôm nay đã bán được rồi, hắn kiếm được tiền cho nhà rồi, bảo sao hắn không vui. Tặng người ta mấy trứng gà có sao đâu, người ta muốn mua thêm chín con gà nữa, ha ha hắn sẽ kiếm thêm ít tiền nữa.
Từ chối qua lại không được nên Cúc tỷ tặng một đòn đường coi như đáp lễ. Mấy đứa nhóc kéo a Báo ra phía sau hỏi cách cho gà ăn, chỗ ngủ sao, hỏi hắn thật sự biết đi săn. Hắn liếc nhìn thiếu niên rồi nói:
– Cha và nhị ca săn trong rừng, ta chỉ săn ở bìa rừng thôi. Nhưng mà hai con thỏ mập đó là ta săn đó.
Hắn chỉ hai con thỏ mập nhất nằm trên đất, vẻ mặt rất đắc ý.
– Thật?
Nhìn thấy ánh mắt mọi người nhìn mình, nhóc ha ha kể. Thì ra hôm có tiếng gầm trong rừng, nhà a Báo cũng nghe thấy, muông thú trong rừng chắc cũng hoảng sợ. Hai con thỏ mập kia chạy từ trong rừng ra, hoảng sợ thế nào mà chạy đập đầu trúng gốc cây, lăn ra ngất, a Báo ở gần đó thấy nên chỉ việc chạy đến nhặt về.
Ha ha ha, cả đám ôm bụng cười, a Báo cũng cười. Mai và Cúc tỷ không nhịn được cũng cười theo, thiếu niên liếc qua rồi đằng hắng nói:
– Ở nhà bà nội chìu hắn thành quen. Ta tên La Hùng.
Ủa, hai cái này có liên quan sao? Hình như chỉ có mình Mai nhìn ra chuyện thú vị này.