Qua khỏi ngã ba một đoạn, có một ngả rẽ vào là đến bến chợ, từ hai hướng khác cũng có ghe xuồng cập bến. Nương ra giúp cha cập ghe vào bờ, An ca mang đồ ra mũi ghe. Ghe vào sau cập sát ghe trước, rồi mọi người bước qua hàng dài ghe chòng chành mà đi vào.
Mai chưa đi quen và bước chân cô nhỏ nên lúc bước qua khe hở giữa hai ghe hơi chới với. Cha nắm tay cho cô đứng vững.
– Lên cha cõng.
Mai nhìn cha đang vác túi đường nặng trịch nên lắc đầu.
– Cha đi trước đi, con đi chậm theo sau là được.
Chưa nói xong cô đã nghe tiếng phì cười, nhìn phía sau có thằng nhóc lùn hơn cô đang nhanh nhẹn nhảy qua từng chiếc ghe. Nhóc con không mang giày, hai bàn chân đen chắc nịch, đôi mắt sáng long lanh linh động. Hừ, vái cho ngươi đạp trúng dằm gỗ thốn chân! Cô lầm bầm trong miệng, né qua cho nó đi trước.
Phía ngoài bờ sông chủ yếu bán lúa gạo, cá, tôm sống. Khoảng đất trống lớn bên trong người bán ngồi thành từng nhóm. Trong chợ có mười mấy gian nhà, họ đặt sạp bán hàng trước cửa, người từ nơi khác đến thì cứ chọn chỗ trống mà bày hàng. Nương và An ca quen thuộc đi thẳng đến góc cây cổ thụ bên trong. An ca nhặt mấy cục đá kê lên cao, đăt rổ tre lên rồi xếp đường ra. Cha và nương lo đặt và nhóm bếp.
Mai nhìn ngó xung quanh, ở đây họp chợ trễ hơn chợ làng, chắc nhiều người từ xa đến. Mặt trời đã lên nhưng người chưa đông lắm. Nghe nương nói phía trong cách chợ một khoảng có hai ngôi làng lớn có vài nhà bán tạp hoá, có nhà bán đường nữa. Lò rèn cũng nằm trong làng lớn bên trong.
Thấy cha nhóm bếp có hai thiếm hiếu kỳ đứng xem. Mai lấy bình to đựng dầu rót một ít ra chén, giới thiệu.
– Thiếm xem, mỡ thực vật này chiên tôm, xào rau rất ngon, như chiên bằng mỡ heo vậy. Thím chờ chút nương cháu chiên liền, rất nhanh.
Nương cho một ít dầu vào, đợi nóng thì cho rau muống vào xào, nêm nếm gia vị, chín rồi cho ra dĩa. Mai lấy đôi đũa:
– Thiếm ăn thử đi, rất ngon, béo còn thơm,
Mai tự gắp cho mình ăn trước, rồi mới đưa đôi đũa khác cho thiếm đó. Bà thấy rau xào xanh um, bóng loáng dầu, mùi dầu và gia vị thơm thơm cũng gắp ăn thử.
– Ngon phải không thiếm, mỡ thực vật này nhà cháu tự làm, ăn ngon mà rẻ nữa.
Lúc Mai đang bán bên này thì nương đã chiên thêm mấy con tôm, cô gắp con tôm được lột vỏ ướp gia vị hồng hồng thơm thơm mời.
– Mỡ này mua về để lâu được, ở nhà thím ướp gia vị tôm cá xong, chiên ăn còn ngon hơn nhà cháu làm nữa.
An ca liếc Mai đang ba hoa, hơi nhướng mày rồi nhanh tay lột vỏ khối đường mẫu ra.
– Thiếm xem đường nhà con làm đi, rất ngọt đó.
Cô nhanh tay cắt miếng đường,
– Không cần, lần trước ta mua đường nhà cháu rồi.
– A, vậy … cảm ơn thiếm.
– Mỡ này bán nhiêu tiền?
A, chờ câu hỏi này đây.
– Một ống tre như vậy là mười lăm văn, một ống này ăn được một đến hai tháng, chiên cá, xào rau đều ngon.
Giá này là ở nhà đã tính toán, cần ba trái dừa mới nấu được một ống, giá mỡ heo là ba mươi văn thắn ra một chén mỡ, gần một nửa ống. Nên giá này là hợp lý, nếu mười lăm bán không được sẽ giảm mười hai văn, rẻ hơn thì Mai không muốn bán, đi chợ xa rất vất vả đó.
Mùi tôm cá chiên giòn, rau xào thu hút thêm hai mẹ con đến xem. A, đứa nhỏ này là khách mà Mai đang cần. Mai gắp một con tôm cho đứa bé, nó há miệng ăn rồi đòi thêm một con nữa.
– Thiếm mua mỡ thực vật này về chiên tôm cá cho đệ đệ ăn, rất ngon, mau lớn nữa.
An ca nói rất hay, Mai muốn đưa ngón cái khen ngợi!
– Thiếm mua một ống.
Người mẹ nào nghe nói con mau lớn mà không thích, quyết định rất nhanh. Thiếm đầu tiên chẳng những mua dầu mà còn mua thêm đường.
Bếp lửa ấm áp, mùi thức ăn nóng toả ra thu hút giác quan con người. Lúc đầu ai cũng thấy lạ cái gì là mỡ thực vật, ăn vào thì có vị béo, không béo như mỡ heo nhưng cũng thay đổi khẩu vị.
Có một tỷ muốn mua một nửa ống, nương chiều ý bán nửa giá tám văn. Lần sau làm mấy ống nhỏ hơn, bán nhanh hơn, dù sao xung quanh đa số là nhà nghèo như nhà Mai vậy, đâu có tiền mà mua nhiều.
Nói đa số vì hôm trước nghe mấy thiếm trong chợ nói nhà Từ phú hộ làng bên rất giàu, nhà có hơn trăm mẫu ruộng, có người hầu, có gia đinh. Nhà Nguyễn bá cha a Tùng cũng khá giả, nhìn quần áo huynh ấy mặc là biết. Chỗ nhà ông bà ngoại cũng có nhiều phú hộ, miệt trong không loạn lạc, không giặc cướp, người dân định cư lâu đời, tích luỹ được của cải nên đời sống sẽ giàu có, sung túc hơn ở đây.
Nương muốn mua ít thịt về đãi cậu mợ và cho mấy đứa nhỏ đổi món nên để quầy hàng cho cha và An ca bán, dắt theo Mai đi xem các sạp bán thịt. Có một sạp bán thịt heo, một sạp bán gà rừng, chồn, thỏ săn được từ trên núi. Thịt heo năm văn một lạng (1), một cân tám mươi văn (2), mỡ heo và xương rẻ hơn. Nương mua một cân thịt ba chỉ và một cân xương sườn, thêm tiêu hạt.
– Nương định nấu món gì?
– Nương đổ bánh xèo, cậu hai con thích ăn bánh xèo, bà ngoại cũng thích. Xương heo nấu canh đu đủ rất ngọt, cho tụi con đổi món.
– A, lâu rồi không ăn bánh xèo,
Mai cười hớn hở ôm rổ đựng thịt đi trước. Nguyễn thị nhìn con gái vui vẻ cũng cười, cũng không thể để con nhịn miệng, ráng làm thêm đường và dầu mua cho mấy đứa nhỏ thêm thịt rồi vải may quần áo nữa.
Mai nhìn hạt tiêu khô sần sùi hỏi:
– Nương ơi, hạt tiêu có trồng được không? Sao nhà mình không trồng?
– Dây tiêu khó trồng, ngập nước nó chết, mà nó hay bị mốc hạt, không ăn được.
À, mấy hôm nay Mai tự khoanh một khoảng đất ở cuối vườn, cô thấy cây nào có thể làm thuốc, gia vị hay nhìn quen quen mọc dại xung quanh thì đều đào gốc mang về trồng. Lúc trước cô có xem mấy sách về cây thuốc nam nhưng chỉ nhìn hình, không thấy cây thực nên không biết rõ lắm. Cô nghĩ mình cứ trồng rồi từ từ vừa nhớ lại vừa tìm hiểu ở cửa hiệu thuốc. Dù sao cô còn nhỏ cha nương chỉ bảo ở nhà phụ a Cúc làm việc vặt, ngoài đồng không cần cô.
Chuyện ăn uống ở đây không đáng lo, siêng năng một chút sẽ kiếm được cái ăn. Nhưng chuyện bệnh hoạn thì đáng lo. Mấy làng mới có một lang y, mà không phải bệnh là có thể mời được. Hơn nữa người ta hay nói ‘phòng bện hơn chữa bệnh’, mình cứ chuẩn bị sẵn cây thuốc quanh nhà để phòng cảm mạo và bệnh vặt khác.
Mấy ngôi nhà trong chợ chắc cũng là ở tạm, mỗi gian đều nhỏ. Phía trước làm cửa hàng buôn bán, phía sau được ngăn bởi vách lá làm nơi ở. Khói bếp bay lững lờ trên những mái nhà, tiếng xôn xao người mua người bán vừa quen vừa lạ.