Cúc tỷ vừa đan giày vừa trông chừng phơi trở lát. Mùa mưa trời lạnh, đan thêm chiếu, đệm tối đắp không lạnh. Mai hỏi giá chiếu bá mẫu trong chợ bán là tám văn chiếu đôi, bốn văn chiếu đơn. Chiếu trơn chưa được nhuộm, nếu nhuộm giá sẽ mắc hơn. Nhà nông ở đây, đàn bà con gái rảnh rỗi đều tự đan chiếu, đan giỏ nhà mình xài.
Mặt trời không bị mây che nên ánh nắng rọi xuống mặt sông mênh mông ngoài xa. Ánh sánh lấp lánh dao động theo từng con sóng nhỏ. Tiếng chim kêu vang lên đây đó. Nương nói vịt trời, chim nước sắp về theo con nước. Mai không biết nhiều các loại chim, không biết ở đây có mấy loại chim lớn săn mồi không? Bên trong cánh rừng cũng có nhiều âm thanh của chim thú ‘sống dậy’ sau mấy tháng khô nóng.
Buổi tối ăn cơm cha nương nhìn mấy món ăn đều ngạc nhiên hỏi chiên xào bằng mỡ heo sao? Không phải, có mùi hơi khác. A Phúc nhanh miệng kể câu được câu không, mấy đứa nhỏ nói thêm mới hiểu. Thật không ngờ cơm dừa còn làm ra được dầu.
– Nương ăn ngon không? Có nghe mùi dừa không?
– Ngon, đúng là có nghe mùi dừa.
Nghe mấy đứa kể xong, ăn thêm thì nhận ra mùi cơm dừa khét, nếu không nói thì không nhận ra. Như vậy cũng tính là được, Mai nghĩ, dầu dừa cũng giống như cách lấy nước thốt nốt, không khó chỉ là mọi người không nghĩ muốn thay đổi, tìm tòi thôi. Nhà cô có thể làm dầu dừa bán kiếm ít tiền trong thời gian ngắn. Việc chính vẫn là trồng lúa, nuôi gà heo mới ổn định lâu dài, từ từ nghĩ cách kiếm tiền lâu dài, vững chắc hơn.
– Nương, nhà mình ăn được, chắc nhà khác cũng muốn ăn. Mình làm dầu này đem ra chợ bán giống bán đường được không?
Mai chưa kịp nghĩ xong, a An đã lên tiếng. Ngẫm nghĩ một hồi nương nói:
– Chắc được, mà đợi sạ lúa xong đã.
– Vậy mình cũng đừng nói bên ngoài biết cách làm, a Phúc?
– Đệ biết rồi.
Thấy Mai nhìn, hắn lập tức gật đầu. Mấy ngày sau đó, a An, a Vĩnh và A Phúc kéo nhau đi xung quanh hái dừa khô, có rất nhiều dừa mọc dọc theo rạch lớn, phía bờ sông cũng có. A Phúc không thể bơi qua con rạch nên chỉ ở bên này lượm dừa mang vào sân. Sáng chiều cha và Bình ca chặt tre làm ống đựng dầu. Người ta đi chợ ít mang theo bình, Mai muốn bán phải có sẵn ống tre đựng tiện dụng mới được.
Lúc sạ lúa đất nhà. Cha cũng sạ, lúc đầu không đều, từ từ cũng quen. Do đó ba mẫu ruộng có thêm cha, Bình ca làm nên nhanh hơn, đến xế ngày thứ ba đã xong. Cha nương thở phào nhẹ nhõm, hơn tháng nay chạy đua dựng nhà, làm cỏ ruộng, giờ sạ lúa xong rồi, còn lại chăm sóc và nhờ ơn ông trời nữa năm nay sẽ không lo đói.
Cha cũng không nghỉ ngơi mà xách dao chặt tre làm ống đựng dầu, đan thêm hai cái đục cho a An, a Vĩnh đi bắt cá. Rồi cha kiểm tra tới lui mấy cái thang tre gắn ở cây thốt nốt, cái nào sắp hư là thay liền.
Chiều nay có cha nương, Bình ca lột dừa, gọt vỏ nên làm rất nhanh. Hai bếp lửa liên tục nấu dầu, nấu cơm, nấu đường. Bếp đỏ rực làm nhà cửa ấm áp và vui tươi như niềm vui nhà Mai. Mấy ngày nữa mới đến chợ phiên, lần này Mai sẽ không đi chợ làng mà đi chợ Sông Lớn, Mai háo hức muốn đến xem chợ đó như thế nào, người ta sống ở chợ khác nhiều không.
Nắng trưa vàng nhạt giăng khắp nơi, nương nấu bồ kết gội đầu cho Cúc tỷ và Mai. Trái bồ kết khô, đem phơi nắng rồi ngâm trong nước nóng. Mỗi lần ngâm ba bốn trái, nước ngâm ra có màu nâu, mùi hương thoang thoảng. Tóc Mai dài quá vai, xuông mịn nhưng không dày như tóc nương và Cúc tỷ.
Mai ngồi trên ghế tre thấp, cúi đầu xuống, xoã tóc để nương thấm ướt bằng nước ấm. nương múc nước bồ kết lên tóc, vò, gãi nhè nhẹ, bồ kết không nhiều bọt chỉ làm sạch da đầu và tóc. Mai nhắm tịt mắt, nước bồ kết vô mắt sẽ làm đỏ mắt mấy ngày liền.
Cây bồ kết mọc tự nhiên trên đất gò, tàng cây rộng, cành nhánh sum xuê. Mỗi năm nó ra hoa kết trái một lần. Trái cây già thì tự rụng xuống. Không biết từ bao giờ người ở đây đã biết dùng trái bồ kết phơi khô, gội đầu dưỡng tóc. Ở hiện đại, người ta chiết xuất chất dưỡng tóc trong trái bồ kết, rồi lại làm hương giả nên mùi hơi khác so với hương nguyên chất tự nhiên.
Tóc Cúc tỷ đã dài đến thắt lưng, dày và đen như gỗ mun. Mai pha thêm nước ấm vào chậu, nhìn nương từ từ gội sạch từ chân đến ngọn tóc tỷ ấy. Nhìn mái tóc đen mượt của Cúc tỷ, không biết tóc đen hơn hay bồ kết đen hơn; đây mới đúng là mái tóc huyền.
– Nương, tóc tỷ bị chẻ ngọn nè.
– Ừ, tóc con cũng vậy. Vài hôm nữa nương cắt đuôi tóc cho.
Sau đó, hai chị em cùng giúp nương gội đầu. Tóc nương rất dài, từng sợi chắc khoẻ. Nương thường búi tóc theo kiểu phụ nhân nên sợi tóc uốn lượn theo nếp, không thẳng như tóc tỷ.
– Nương xem ngày tốt, cắt tóc mượn cho a Cúc.
– Nương, còn sớm mà.
Cúc tỷ thẹn thùng nói.
– Năm nay con mười sáu rồi. Năm ngoái bá mẫu đã cắt tóc mượn cho tam Mi rồi.
Con gái đến tuổi lấy chồng sẽ được người mẹ cho lọn tóc mượn để búi tóc trong lễ thành hôn. Mẹ con cùng huyết thống nên tóc mẹ con cùng màu lúc búi lên không thấy khác, trang điểm cho cô gái thêm đoan trang dịu dàng.
Con gái rất quí tóc mượn của mẹ, cũng gội chải, chăm sóc tóc mượn rất chu đáo. Nương Mai cũng được bà ngoại cho lọn tóc mượn, được cất cẩn thận trong phòng. Thỉnh thoảng nương mang tóc mượn ra chải chuốt vuốt ve, chắc lúc đó nương nhớ ngoại. Hai năm rồi nương không về thăm ngoại, làm sao không nhớ chứ.
Chuyện cắt tóc mượn cho con gái cũng có nhiều kiêng cử và mỗi nhà mỗi cảnh. Ngoài việc phải xem ngày tốt để cắt ra thì người mẹ không thể cắt tóc trong lúc nhà có tang. Lúc vừa sanh đẻ hay đang bệnh cũng không thể cắt, người ta lo lắng mang điềm gở đến cho cô gái. Người mẹ cho con tóc mượn lúc sức khỏe tốt, mái tóc óng mượt như tơ như một phần của hồi môn và lời chúc phúc.
Tuổi của nương Mai là độ tuổi sung mãn, tóc chắc khỏe mượt mà. Nhà Lưu bá mẫu có ba con gái, lẽ ra cắt tóc mượn cho tam Mi tỷ từ trước. Nhưng bá mẫu mới sanh ngũ Mi, nên đợi hơn hai năm mới dám cắt. Bà nội Mai lúc sanh ngũ cô đã hơi lớn tuổi, nên cũng tròn hai năm sau vội cắt tóc mượn cho cô. Lúc sanh tiếp lục cô và thất thúc bà nội còn lo lắng tóc mình không còn tốt để dành cho lục cô sau này.
– Tóc con dày, nương cắt cỡ bốn tấc cho con. A Mai tóc mỏng, cần nhiều hơn.
– Dạ.
Nương vừa vuốt mái tóc dày mượt của a Cúc vừa nói.
Tóc mượn là tình thương của người mẹ cho con gái mang theo khi xuất giá. Cứ truyền từ đời này đến đời sau giống như huyết thống thâm tình chảy xuôi bao đời như câu nói xưa “Răng với tóc, là gốc con người”.
Hả, chưa gì mà nương đã tính để dành tóc mượn cho Mai lấy chồng rồi. Mình mới có tám tuổi thôi mà. Nương thiệt là tính xa quá đi. Mà ai dám lấy cô vậy?