Cha bắt đầu cuốc cỏ từ góc ruộng gần nhà. Đất này trước đây có người canh tác, loạn lạc người ta bỏ đi. Cũng hơn năm năm không ai chăm sóc, cỏ, rau dại mọc đầy. Cỏ nhỏ, rau dại bị nhổ trước, bụi lớn thì cha phải dùng cuốc, sau đó gom bọn chúng lại quăng vào góc bờ. Đất khô cằn, queo quắt nên rất cứng, chỉ có cuốc sắt mới cuốc lên được.
An ca, Vĩnh ca còn nhổ được, Mai và a Phúc không đủ sức, chỉ có thể dẹp cỏ vô góc bờ. Có mấy cọng cỏ lá gai cào vô da rát rát. Trong đám này có lẫn cỏ mực, cây mắc cỡ. Cỏ mực hình như có thể dùng làm thuốc, Mai nghĩ cứ trồng lại biết đâu sau này dùng đến.
– Cha, cha con trồng mấy cây có bông này ở góc vườn sau được không?
– Được, con phải tưới nước cho nó.
– Dạ, con biết.
Được phép rồi, Mai chạy lên phía trước tìm trên ruộng mấy loại cây quen thuộc, nhổ cả rễ lên mang đến góc vườn. Cô lại lấy cái chậu mẻ, đổ ít nước để ngâm chúng không bị héo. Được nhiều cây thì đi một lần trồng chúng xuống góc vườn. A Phúc chạy tới chạy lui, lúc tìm cỏ gà, lúc phụ dọn cỏ, dí bắt châu chấu, không ai quản, nó chơi như điên.
Nhà Lưu bá cũng ra ruộng, cha và Lưu bá vẫy vẫy tay chào, khoảng cách hơi xa nên nói chuyện không nghe rõ. Mai nhìn xa xa, nhà nào trong làng cũng ra ruộng, từ xa chỉ thấy dáng người nho nhỏ di động.
Con người thích sống chung theo nhóm nên biết xung quanh mình có người sinh sống sẽ cảm thấy an tâm, vui vẻ hơn. Có nhiều bóng dáng nhỏ xíu chạy loăn quăng trong ruộng. Nhà nông ra đồng luôn mang con nít đi theo, vừa trông chừng chúng vừa có thể làm mấy việc lặt vặt.
Nương từ trong nhà ra, mang cái liềm, đội nón lá, còn xách theo bình nước đặt trên bờ. Nương chọn đám lát gần đó, tay cầm liềm tay nắm lát cắt xoàn xoạt rất thuần thục. Thật ra nương có kinh nghiệm làm ruộng nhiều hơn cha. Nhà ngoại ở miệt trong có nhiều mẫu ruộng trồng lúa, khoai, đậu, còn có vườn cây ăn trái nữa.
Lát mọc hoang rất nhiều, dọc theo con rạch có từng đám lớn. Người ta dùng lát dệt chiếu, đan giỏ, làm đệm, còn làm thành tấm nốp che mưa. Nhà mình cũng cần thêm chiếu, tận dụng hôm nay chẻ lát này phơi luôn.
Mai chạy về nhà lấy con dao nhỏ ra, chọn mấy cọng lát tốt, dài đều nhau, ôm đến gốc cây mát ngồi chẻ lát. Dù sao mình cũng không nhổ được cỏ, làm việc này thích hợp hơn.
Muốn làm chiếu hay giỏ đệm thì dùng lát chẻ, phơi khô cho hết nước rồi đan. Nhiều người chọn lát cọng nhỏ, không cần chẻ đôi vẫn đang được. Cọng lát xanh thì có dạng hình vuông, khi khô lại thì thành tròn tròn.
Mấy loại vật dụng làm bằng lát không xài được lâu, qua một hai mùa mưa là phải bỏ đi, dùng cái mới. Lát khô mà bị ngâm nước lại sẽ mau mục, còn có mùi mốc, ẩm nữa. Cho nên đàn bà con gái trong nhà không lúc nào ngơi tay. Chưa kịp đan cái mới thì cái cũ đã hư rồi.
Mấy đứa con trai toàn đi chân không ra ruộng. Có hôm làm cỏ lâu, phơi người trong nắng, da cháy sạm, đen thui. Nương và Cúc tỷ thì cẩn thân quấn khăn, búi tóc cao giấu trong khăn, đội nón lá, quấn vải cũ ở hai bàn chân.
Liên tiếp hai ngày làm cỏ, tay của An ca, Vĩnh ca có mấy vết xước, chảy máu. Mai cố nhớ các loại cây cầm máu, sát trùng nhưng không nhớ ra.
Lúc trước, uống thuốc tây không hết bệnh, ba mẹ cô chuyển sang thuốc nam. Nhiều lần cô được đưa đến viện y học cổ truyền khám, cô cũng tò mò còn mua rất nhiều sách cây thuốc về xem. Thuốc nam chủ yếu dùng các loại cây quanh nhà, nhìn xung quanh Mai chưa nhớ được, nếu tìm được phải trồng trong vườn để phòng khi khẩn cấp.
Hôm qua, An ca bắt được hai con ếch lớn trong hang. Mùa này bọn chúng nấp trong hang sâu ở vùng đất trũng còn ẩm ướt, chỉ việc đào hàng là lôi chúng ra. Nhưng nương dặn phải cẩn thận trông chừng, mấy con rắn hổ đất thích ăn cóc ếch hay quanh quẩn gần đó. Có khi rắn cũng trốn trong mấy cái hang đó. Mấy đứa nhỏ nghe rắn hổ đều sợ, đi đâu cũng cầm nhành cây dài xua xua phía trước.
Đường làm được hơn hai mươi đòn, khoảng năm cân, nương muốn mang ra chợ làng ở ngã ba sông bán. Chợ làng nằm cạnh sông Giang Thành, cách nhà Mai hơn một canh giờ đi bộ quanh co theo đường đất. Lúc trước nương và Lưu bá mẫu mua thịt, dầu đốt đều ở đó. Mai đương nhiên muốn đi theo nhưng chưa biết mở miệng thế nào, may là có người còn nôn nóng hơn cô.
– Nương, cho con đi với!
Nương nhìn a Phúc hớn hở, không đành lòng nói:
– Xa lắm, con đi sẽ mỏi chân. Nương sẽ về nhanh.
A Phúc mím môi, mắt ngấn nước:
– Nương lại bỏ con, hic hic.
Ôi trời, nhóc có chiêu mới. Nương vội ôm nhóc dỗ dành, vuốt ve.
– Đâu có, đi chợ đông người, nương sợ con lạc mất làm sao!
– Con đi trông chừng đệ ấy cho.
Mai không bỏ lỡ cơ hội nói nhanh. Nương nhìn qua cha hỏi ý.
– Nàng dẫn hai đứa đi theo cũng được.
Vậy là được thông qua, hai đứa nhỏ hớn hở, ăn thêm một chén chè nữa mới thôi. Việc làm cỏ ruộng hai đứa nhỏ cũng làm không được, đi chợ cùng nương cũng vui vẻ, quên mất quãng đường dài.
– Nương, mình bán đường sao? Nhà mình không có cân.
– Nương cũng chưa biết, lần trước nhà mình mua đường là hai văn một lạng, mua một cân là hai mươi tám văn. Nhà mình bán rẻ hơn chút sẽ có người mua.
– Mỗi đòn này cỡ sáu lạng, bán mười văn được?
Mai không biết giá cả ở đây, nghe theo ý mọi người trước vậy.
– Ta thấy được, nàng cứ liệu mà bán.
Định xong giá bán, cô lại đếm trên sạp có hai mươi đòn, để lại hai đòn ở nhà. Bán mười tám đòn được một trăm tám mươi văn, làm ba ngày được nhiêu đây cũng tạm rồi.
Mai tính xong thì báo cả nhà biết số tiền, nghĩ tới thật vui vẻ. Cha thở phào nhẹ nhõm:
– Để dành tiền này mua lúa giống, lần sau mua thêm lương thực mang về cho nhà nội. Lần này dựng nhà, tiền nhà nội đã cho chúng ta hết rồi.
Mấy đứa nhỏ đều gật gật đầu, chỉ cần kiếm được tiền nữa, thì cũng không lo.
– Ngày mai ai hỏi nhà mình làm sao có đường, mình sẽ nói cha lo kiếm tiền mua lúa giống, được không?
Ý trong câu này là nhà nghèo quá nên cha mạo hiểm lấy nước thốt nốt. Thế nào cũng có người khuyên cẩn thận, không cần liều mạng, đành chịu thôi.
– Cứ nói như vậy đi.
Cha đồng ý rồi, tạm thời không thể tiết lộ cách lấy nước được. Nhìn bình nước thốt nốt vừa lấy được mà không khỏi xót xa. Cảnh ra riêng khó khăn Lê tứ ước gì có ba đầu sáu tay để lo toan việc đồng ruộng.
Nương và Cúc tỷ lo dọn cơm chiều, nấu mẻ đường mới, ngủ sớm. A Phúc chạy vào ngủ chung với nương, hắn sợ nương dậy sớm đi chợ mà không cho hắn theo. Cả nhà đều cười trêu chọc nó.
Đêm nay có cơn gió lạnh lướt qua, mang theo chút hơi ẩm làm cha nương lo lắng không yên, mở cửa trông trời. Mong là ông trời ráng thêm vài ngày nữa hẳn mưa. Tiền mua lúa giống còn chưa có mà trời mưa thì biết làm sao?
Buồng bên này a Cúc cũng xoay qua lại, làm con gái lớn trong nhà nên tỷ ấy hiểu được lo lắng của cha nương. Mai thì lần đầu tiên hiểu được thế nào là túng thiếu không tiền. Cô lại nhớ đến ba mẹ mình, những năm tuổi thơ của mình luôn an ổn đủ đầy, chắc ba mẹ cũng vất vả lắm, vậy mà cô nào hay nao biết.