Rất nhanh tam bá đến, phía sau là Hân ca cười hì hì chạy theo. Hân ca năm nay gần mười tám, rất hoạt bát, thích náo nhiệt, chỗ nào đông vui là có mặt ca ấy.
– Cha, để con lấy cho.
Tam bá gật đầu đưa đá lửa cho Hân ca. Hắn cũng nhìn nhìn hướng gió, ra vẻ lắm, Mai suýt chút phì cười. Cái rổ mang theo đã gần đầy khoai, Mai đi xé mấy tàu lá chuối gần đó chuẩn bị đựng mật ong. Trời trưa đứng gió, khói do Hân ca đốt lên không bay đến được tổ ong. Gương mặt Hân ca, Vĩnh ca đều nhăn, ta xem bây giờ ca làm sao!
Hân ca gấp gáp chụp tàu lá chuối Mai đang cầm quạt gió về hướng tổ ong. Khói nhè nhẹ thổi tới, tiếng vo ve trong tổ lớn hơn, mấy con ong bắt đầu bay ra. Tam bá lùi ra xa phía đám khói, Mai nhanh chân lùi theo, đưa tam bá tàu lá chuối khác cùng nhau quạt.
Khói từ từ dày đặc thổi về hướng tổ ong, từ trong tổ ào một đám mấy chục con giống như vệt đen di động, liên tiếp là mấy lượt nữa. Tam bá quạt càng nhanh, càng mạnh. Mai cùng a Vĩnh tìm lá khô, lá tươi thêm vào.
Theo số lượng ong bay ra, tổ này lớn hơn tổ trước nhiều, ở chỗ trống gió đổi chiều. Đàn ong bay loạn xạ, như muốn ào ào về chỗ mọi người đứng; thật nguy hiểm. Thấy tam bá gật đầu, Hân ca mới đi đến tổ, đào lớp đất mặt, xắn tổ ong mang ra, thật lớn, thật thơm.
Lúc về là tam bá ôm tổ lớn trong lá chuối, Hân ca ôm cái rổ phía trên là phần vụn ong. Tam bá còn dạy Hân ca cách đoán tổ lớn nhỏ, đặc biệt là loài ong gì. Mỗi loài ong phải chú ý cái gì. Ba đứa trẻ nghe say mê. Đúng là cao thủ săn ong!
Ăn trưa xong tam bá về làng chài, nương gói theo khoai, đậu và nguyên tổ ong lớn lúc nãy. Ông nội dặn mấy chuyện rồi mọi người quay vào làm việc tiếp.
Ở đây người ta thích ăn khoai lang hơn khoai mì. Khoai mì có vị hơi đắng, không ngọt. Trước khi nấu phải lột võ nên không dễ mang theo bên người như khoai lang. Mai đang nhớ lại cách làm món khoai mì ở hiện đại. Khoai mì nấu nước dừa hoặc rắc cơm dừa nạo lên chấm muối mè ăn cũng ngon. Mai không thấy hạt mè, dừa thì có nhưng không có cái bàn nạo, làm sao?
Quanh đây, dừa mọc tự nhiên rất nhiều, người dân thích uống nước dừa, ăn cơm dừa non, nhưng cơm dừa già, cứng bị quăng đi. Trái dừa khô tự rụng xuống, đâm chồi thành cây mới. Góc trong vườn sau có hai cụm dừa lớn, mỗi cụm năm sáu cây, rễ đan xen trồi lên mặt đất. Không cần ai chăm bón, chúng vẫn vươn cao, trái chen nhau thành những quài dừa lớn.
Ở hiện đại thì người ta dùng được hết các bộ phận của cây dừa. Sản phẩm từ cây dừa nhiều vô số kể, nước dừa tươi, thạch dừa, kẹo dừa, rồi các món đồ trang trí từ gáo dừa nữa. Thời này thì cây dừa chưa có nhiều công dụng như vậy. Quan trọng nhứt là không có các công cụ để làm, dùng tay thì không thể rồi.
Mai suy nghĩ lan man một hồi cũng chưa thể bắt đầu làm gì ngay được, đành gác lại.
Nền nhà đắp cao hơn sân ngoài mấy tấc, tưới nước cho mềm rồi dùng cây đầm xuống, tất cả đều dùng sức người. Nhìn mồ hôi đổ xuống ướt đẫm áo cha, ông nội, nhị bá, Mai thấy xót xa.
Bùi ông chỉ dẫn cha dựng cột, gác kèo, thanh chống, làm nền xong thì không đến nữa. Bùi ông hẹn ngày cúng gác Đòn Đông sẽ đến.
Nhà Mai không làm kỹ như nhà Lưu bá, đầu cột không đục đẽo, bào tiện công phu, đẹp mắt mà chỉ vát đầu gỗ cho tròn. Các công việc còn lại người nhà tiếp tục làm. Trong mấy ngày này, nhị bá và tam bá thay phiên nhau về làng chài mấy lần. Ngoài đó chỉ có thất thúc năm nay mười lăm tuổi trông nhà. Còn lại là đàn bà, trẻ em nên cũng không an tâm.
Vất vả hơn mười ngày thì nhà cũng xong, qua rằm tháng tư là ngày tốt cúng cất Đòn Đông. Tam bá và mấy đường ca quay về làng chài, định nghỉ ngơi một ngày, đợi ông nội và nhị bá về sẽ ra biển. Không đi biển nửa tháng nay là mất một khoản tiền, mùa mưa bão sắp đến nhà nào cũng đều đặn ra biển tích trữ phòng lúc có bão. Nhưng dựng nhà cho con trai cũng cần thiết, ông nội biết phân nặng nhẹ. Giờ nhà con trai đã xong, ông lại nôn nao muốn về nhà.
Sáng nay nương đã đi chợ mua thịt heo, hột gà, rượu, nhang chuẩn bị cúng. Lưu bá kêu Tương huynh mang hai con cua lớn, tôm càng xanh qua. Cái này gọi là “bộ tam sên” gồm thịt, trứng gà, tôm hoặc cua để cúng đất hay thổ thần.
Ngày mai cúng đầu giờ Tỵ, nên khuya nương dậy thật sớm nấu cơm. Trời nóng sợ thịt heo mau hư, nương đã ướp muối, cá lóc lựa con to nhất rộng riêng trong chậu. Mọi thứ đã sẵn sàng, mọi người đều thở dài nhẹ nhõm.
Đang dọn dẹp chuẩn bị về bên kia thì trời bỗng sáng loè, sét vạch ngang trời, sấm đánh ầm ì. Mọi người đểu ngẩn người, mưa sao?
Hôm nay mới giữa tháng tư, theo lệ thường là đầu tháng năm mới bắt đầu mưa. Năm nay trời mưa sớm! Ông trời đừng đùa chứ, ba mẫu đất đã nộp thuế còn chưa làm gì, mưa đến sớm, đất ướt, công việc cuốc đất, làm cỏ càng vất vả hơn.
Mọi người lại bận rộn gom đồ vào, gió thổi mạnh làm đống lửa cháy lớn, ngọn lửa liếm ra tứ phía. Ông nội ra bờ sông nhìn trời.
– Chưa mưa đâu, ta nghĩ mưa ở phía Trấn Biên.
‘Trấn Biên’ là Đồng Nai phải không? Lời ông nội như nhắc Mai nhớ ‘Cô là ai, từ đâu đến’. Từ hôm dựng nhà này bận rộn, mệt mỏi, cô không kịp nhớ ‘nhà’ đã ngủ. Khoảng cách không gian, thời gian như gần như xa, cũng may trời tối không ai thấy đôi mắt cô đã ngấn lệ. Trong đó còn chứa những hoài niệm, cảm xúc mà đứa bé tám tuổi không thể có được.
– Mai, về nhanh.
Tiếng a Cúc gọi ngắt ngang suy nghĩ, Mai nhìn xung quanh như lần đầu tiên đến đây, chầm chậm theo chân nương và Cúc tỷ về. Sấm sét vẫn còn chớp động lúc Mai lên giường. Thân thể cô mỏi nhừ nhưng đầu óc vẫn chưa thể ngủ. Trấn Biên có mưa, vậy Sài Gòn thì sao? Không rõ năm nay là năm nào, chắc nơi đó vẫn còn hoang sơ lắm, mà người ta cũng chưa gọi là Sài Gòn đâu. Lướt qua trong tâm trí cô là những kỷ niệm, đã rất lâu rất xa rồi sao vẫn còn in rõ. Có muốn quên không? Có thể quên không?
Nếu mình lưu luyến và chìm đắm trong ký ức đó, mình sẽ không thể vượt qua cuộc sống hiện nay được. Biết đâu mình sẽ bỏ lỡ cơ hội quý già này. Có phải ông trời muốn đền bù cho mình hay duyên phận của mình vẫn còn vương vấn nơi đây? Những câu hỏi cứ nối nhau làm Mai bối rối, như kẹt trong những lớp sương mù.
Nằm bên cạnh cô, nương đưa tay sang xoa xoa lưng dỗ dành. Hơi ấm nhè nhẹ lan ra khắp thân thể, Mai thở nhẹ, cố đưa mình vào giấc ngủ.
Đêm qua trời không mưa, chỉ báo hiệu thôi. Ông nội đoán cũng hay quá!
Bùi ông đến sớm, xem xét trước sau, thỉnh thoảng sửa sửa một chút, nhìn chung cũng được. Sắp đến giờ cúng thì Dương trưởng làng và ba người lớn nhà Lưu bá qua. Mấy ngày này hai nhà này đều lo cuốc đất, làm cỏ, chỉ thi thoảng ghé xem rồi về.
Lễ cúng đơn giản, Bùi ông khấn vái rồi trèo lên nóc nhà, nhận cây Đòn chính gác lên đỉnh mái, buộc chặt là xong nghi thức. Nhà ở đây theo hướng nam, nên cây đòn chính đặt theo hướng đông tây nên người ta gọi là cây Đòn Đông. Cây đòn này nằm ở chỗ cao nhất nhà nên có ý nghĩa quan trọng đối với gia chủ và cả thợ mộc.
Chủ nhà cúng bái để cầu bình yên, mà cũng là đại biểu nhà đã dựng xong, cầu trời đất chứng giám, phù hộ. Tên gọi lễ cúng rút ngắn dần thành Cúng gác Đòn Đông hay cúng Cất nóc nhà.