Không cần tiễn Lưu bá, cả nhà bắt đầu dọn cỏ dại trên miếng đất. Nương cùng Cúc tỷ bưng một mâm nhỏ có cơm, cá, tôm, mấy cái ly, bình rượu và mấy cây nhang đến. Cha đặt lên khoảng đất trống nhỏ vừa dọn, mời ông nội cúng đất. Mọi người đứng im sau lưng ông nội, Mai nghe ông lâm râm khấn vái, cắm nhang rồi quỳ lạy. Ai nấy đều làm theo, ông bước lên rải rượu xuống đất.
Sau đó cả nhà bắt đầu chặt cây, dọn cỏ. Mai cứ phân tâm sợ gặp rắn, có lẽ tiếng động sáng giờ quá lớn, mấy con rắn đã rời đi nên không thấy con nào. Đến khi nước ròng ra biển, nhị bá lên ghe xuôi về làng chài thì đã dọn gần xong. Lúc mọi người dọn thì ba đứa nhỏ đã đem về thêm mấy quài chuối, mấy rổ đu đủ, rau xanh đủ loại. Nương chọn chuối, đu đủ, khoai đưa nhị bá mang về.
Mai nhìn mấy cái đìa trũng gần cạn nước trên ruộng, ngày mai đường ca vô sẽ tát nước bắt cá. Cô chạy đi gom đống xả đã héo, có cái này tối ngủ mới được đó. Muỗi là ác mộng của cô.
Lo cơm chiều, dọn dẹp xong ba mẹ con Mai đi đến nhà cũ Lưu bá ngủ. Bên này dành chỗ ông nội và tam bá. Cha và Bình ca mang theo giường tre qua, nương dặn Bình ca trông chừng a Vĩnh, a An rồi mới yên tâm để hai cha con đi.
– Hồi nãy bá mẫu có nói con gì không?
– Dạ, có hỏi nhà mình ai vô, làm đến đâu rồi, cần cái gì qua nhà bá mẫu lấy. Con thấy Tương huynh cuốc đất rộp tay luôn, làm ruộng cũng cực quá.
Mai than thở, người ta nói ‘có sức người sỏi đá cũng thành cơm’ mà sức người cũng bị vắt thành nước, thành máu rồi.
– Con tưởng làm ruộng nhẹ nhàng như chiều nay con đi nhặt mấy trái cây đó sao.
Nương nhìn gương mặt nhỏ nhắn đỏ rực rám nắng thở dài như ‘người lớn’ của Mai mà phì cười, đúng là con nít. Hôm nay mấy đứa nhỏ biết lo việc tìm thức ăn mà không phải chạy loạn chơi đùa làm bà cũng vui. Nhưng nhìn con gái nhỏ mặt đỏ bừng vì nắng lại đau lòng, đan thêm mấy cái nón rộng vành che nắng mới được.
Nghĩ đến bà liền ra ngoài chặt mấy tàu lá dừa nước, chọn mấy lá lớn, không bị rách, sáng mai phơi ít nắng khi lá dốt thì đan, nan tre chắc sáng mai mới làm được.
Bữa ăn sáng là canh đu đủ xanh nấu tôm, khô cá nướng với cơm. Trên bếp nương còn nấu sẵn nồi khoai ăn thêm. Mặt trời chưa lên đã ăn xong, ai cũng bắt tay làm việc.
Chiều hôm qua Mai thấy mấy con ong nhỏ bay về hướng góc xa miếng đất, nếu có tổ ong thu được mật thì tốt quá. Mật ong rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt ông bà nội. Còn sớm như vậy không biết ong rời tổ chưa ta?
Mai kéo Vĩnh ca theo hỏi:
– Ca biết lấy mật ong không?
– Ong gì? Ở đâu có?
Vĩnh ca mắt sáng lên hỏi, lần trước bọn chúng chọc tổ ong nhỏ ở chân núi Lộc Trĩ, bị ong đuổi theo chạy như điên. Mật ong đâu chẳng thấy chỉ thấy chạy muốn vỡ mật luôn.
Có người lớn xung quanh, Mai dạn dĩ hơn, cầm cây xua xua đi về góc xa. Hai đứa nhỏ ngẩng đầu chăm chú nhìn lên mấy tán cây xanh rờn. Đi một vòng mà chưa thấy tổ ong nào, bỗng nhiên Vĩnh ca la lên:
– Nghe thấy không? Tiếng vo ve như tiếng ong, gần đây nè.
Mai đi lại gần hơn, đứng im. Trong tiếng gió, tiếng lao xao Mai nghe được âm thanh rù rù nho nhỏ, đúng rồi, chúng ở gần đây. Ánh nắng sáng chiếu lung linh trên tán cây cao, thỉnh thoảng chui vào mắt chói loà.
– Ở kia, gốc cây mục lớn đó.
Vĩnh ca háo hức chạy đi bị Mai nắm tay kéo lại. Hai đứa nhìn về hướng gốc cây có gò đất nổi lên. Ong cũng thích làm tổ ở gốc cây, gò đất mà Mai quên mất. Cái tổ chắc lớn, có năm sáu con đang bay xung quanh, vo ve giống như bảo vệ.
Mai không dám lớn tiếng, nháy mắt hất càm về phía người nhà, a Vĩnh hiểu ý gật đầu. Cô rón rén bước đi, xa một chút thì hưng phấn chạy về phía cha.
– Cha ơi, có tổ ong. Cha đi lấy cho con.
Nghe tiếng cô, cha và tam bá gần đó quay lại.
– Ở đâu, lớn không?
– Dạ, lớn. Vĩnh ca đang ở đó canh chừng.
– Được,
Tam bá nói xong thì cùng cha đi theo Mai. Vĩnh ca đã lùi xa hơn vị trí ban nãy, ha ha nhóc con này cũng sợ. Tam bá nhìn xung quanh rồi nói:
– Hướng gió bên này, ta hun khói ở đây. Nhìn giống ong lổ.
Theo tam bá chỉ, tìm mấy nhành cây khô đốt lửa, rồi nhét nhánh còn tươi vào. Khói bắt đầu bay lên, theo hướng gió về phía tổ ong. Chỉ một lát sau, mấy trăm con ong bay vèo vèo ra khỏi tổ, Mai hơi hoảng, không ngờ mình cũng thấy được cảnh này.
Tam bá chạy đến tổ, nhanh tay đào gốc cây mục, cha phụ đào đất xung quanh lấy ra cái tổ ong đặt vô rổ Vĩnh ca đang cầm. Một ít miếng vụn cũng được đặt vào rổ Mai. Mùi mật thơm lan toả, Mai hít thật sâu, nước miếng muốn chảy ra.
Tam bá dập khói, bốn người rời đi. Mai nghĩ đến mấy động tác thuần thục của tam bá, ngạc nhiên nhìn nhìn. Cha hiểu ý cười cười:
– Lúc nhỏ bá con là cao thủ săn ong đó.
– Ha ha, lâu rồi không đi nữa. Nhớ lần đầu đệ theo ta săn ong không?
– Sao không nhớ, ca hại ta bị ong chích mấy mũi trên mặt, …
Thấy hai đứa nhỏ hứng thú nghe chuyện, còn nhìn mình hâm mộ, tam bá vui vẻ kể mấy chuyện đi săn ong, ong gì, tổ lớn như thế nào. Mai không biết là tam bá cũng có những lúc sảng khoái như vậy. Trong trí nhớ cô thì bá ấy hay nhăn nhó, ít khi cười lớn. Có thể cuộc sống vất vả, mệt nhọc làm người ta quên đi cảm giác vô tư, sảng khoái và thoả mãn.
Về đến chòi, thấy ông nội đang uống nước. Cả nhà rôm rả nói xem nên làm món gì với tổ ong này. Mai nhờ Cúc tỷ tìm cái bình có nắp, Bình ca bẻ một nửa tổ ong đặt vào.
– Để dành Vinh ca mang về.
– Ở đây chắc còn nữa, rãnh rỗi ta đi xung quanh tìm thêm, có thì mang về.
Tam bá nói rất tự tin. Dù sao cũng không ăn hết cả tổ, Mai vẫn đem cất. Chiều nay sẽ có thêm món cháo đậu xanh nấu ong non. Cô chưa từng ăn món này, không biết mùi vị ra sao. Nhưng cô rất thích uống nước mật ong pha gừng. Hôm trước thấy nhà Lưu bá có gừng, chắc là xung quanh đây có gừng mọc hoang. Cô sẽ đi kiếm rồi mang về trồng, gừng sẽ dùng trong nấu ăn và trị bệnh cảm đươc.
Phía xa có dáng người đi về phía này, hình như là Bùi ông, thợ mộc chính của làng Đông Hồ. Mọi người không đi mà đứng lại chờ ông. Chào hỏi xong thì ông nội nói ý hôm qua về tình hình trong nhà. Bùi ông nghe rồi gật đầu.
– Tính vậy cũng được. Ta chỉ mấy cây cần, khi đốn chỉ vát cành thôi. Hai ngày sau là ngày tốt, ta đến cúng dựng nhà. Huynh làm nhỏ thì ta làm tầm ba bốn ngày là xong cột kèo, còn lại nhà huynh làm tiếp, được không?
– Được, tạ ơn huynh.
– Không cần khách sáo. Theo ta chỉ mấy cây mà làm dấu. Ta mang theo cái rìu cho nhà huynh dùng, sẽ nhanh hơn. Hai hôm nay ta nhận đóng bộ ván nhà a Hà, không cần nó.
Ông nội cảm ơn rồi đi theo chọn cây. Có cái rìu sắc bén kia thì sẽ đỡ nhiều công sức. Thời này công cụ sắt thật quý, đắt tiền, không phải ai cũng có thể sắm cho nhà mình.
Mai thấy không cần lo nữa nên lại kéo Vĩnh ca đi làm việc của mình: kiếm thức ăn bổ sung dinh dưỡng. Mặc dù cá tôm ngon, cũng có chất dinh dưỡng, nhưng thiếu thịt. Mấy hôm nay chỉ có Lưu bá mẫu mua miếng thịt heo cúng gác Đòn Đông, còn lại là cá, tôm bắt từ rạch, đìa xung quanh.
Mai nghĩ ở đây chắc có gà rừng, vịt trời, chim chóc và các loài thú khác như thỏ, heo. Cô chỉ mới biết vài nhà như Lưu bá, Bùi ông, Dương ông, họ đều không đi săn nhưng nhà khác chắc có. Phía trong khoảng rừng xanh rậm kia là thiên đường của bôn chúng. Có thể đang là mùa khô nên động vật đều trốn nắng, đến mùa mưa chúng sẽ xuất hiện đi kiếm ăn, sinh sản.
Đi một vòng xung quanh, Mai tìm thấy một nhóm bụi gừng, củ từng chùm. Cô đào một ít mang về, còn lại để chúng sinh thêm cây con sẽ mang về trồng. Lát sau, Vĩnh ca tìm được một mảng khoai lang, củ hơi trắng không phải đỏ như loại hôm qua tìm được. Cách đó vài thước có mấy cây khoai mì khẳng khiu.
Lúc đầu cô không nhớ đó là khoai mì, nhìn quen quen nên đào thử dưới gốc, phát hiện ra củ khoai mì dài gần bằng cẳng tay. Chắc là nó sống ở đây lâu lắm rồi, không ai tìm ra. Củ dài mà ốm như vầy chỉ sợ là bị xơ, nhưng mà có còn hơn không. Mai mốt mình trồng, đủ chất dinh dưỡng thì mới đòi hỏi củ mập được chớ.