Chương 149: Lộc biển đầu năm

Giống như nếp nhà đã quen, sáng Mùng một Tết mấy đứa nhỏ lục tục lạy rồi chúc Tết cha nương. Mai vẫn không thích chuyện lạy bái người sống nên chỉ “cuốc” qua loa cho xong. Tiền lì xì năm nay khá hơn một chút. Ngũ cô cũng gói gém lì xì cho mấy đứa, không sao, nhiều ít miễn có là được. Mai lẩm bẩm làm cả nhà cười rần.

Ngày đầu năm thảnh thơi, loáng cái đã hết ngày. Sáng mai, Bình ca sẽ chèo ghe đưa ngũ cô, Mai và Cúc tỷ về nhà nội. Hôm trước bà nội dặn chở Cúc tỷ ra chơi, còn ở lại một đêm. Con gái sắp về nhà chồng ai cũng quyến luyến. A Phúc muốn theo mà không được. Mùng ba này An ca và hắn phải đi chúc Tết Trần tú tài theo lễ. A Phúc rất sợ thầy, nhưng mà được giống Vĩnh ca đi chúc Tết Thầy làm hắn cũng hăng hái, giống “người lớn” hơn một chút.

Trời chưa sáng ngũ cô đã chuẩn bị xong xuôi. Sáng nay trời có gió nhẹ, đám mây đen lớn trên đầu như hù dọa, không lẽ trời sắp mưa! Mai lấy thêm hai cái nốp đặt trong mui. Chiếc ghe tách ra tiến về làng chài. Đường về làng chài nhộn nhịp hơn, dọc bờ vũng Đông Hồ đã có nhiều xóm nhà mọc lên thấp thoáng sau những rặng dừa nước. Có mấy bóng trẻ con chạy giỡn, có đứa cầm cây dí mấy con chim dạn dĩ đáp xuống sân nhà kiếm ăn.

Lúc chiếc ghe ra gần tới khúc cua cổ chai thì thấy hơi lạ, nhiều ghe xuồng hơn bình thường. Mà các nhóm người cười nói lớn tiếng hối hả, đua nhau hướng về phía biển. Bình ca lớn tiếng hỏi chiếc ghe gần nhứt:

– Thúc ơi, có chuyện gì vậy?

Vị thúc thúc ấy vẫn còn niềm vui trên mặt, cười nói:

– Chưa nghe tin gì sao? Làng ngoài trúng mẻ cá lớn lắm. Đi nhanh, ra coi phụ một tay, kiếm mớ cá lấy lộc đầu năm.

Đúng là tin vui rồi, ngũ cô nghe nói thì chui ra phụ tay chèo bám sát nút ghe thúc thúc phía trước. Mai nghe nói mẻ cá lớn lòng càng khấp khởi. Chắc nhà nội cũng đánh cá được nhiều, nhìn qua đôi tay ngũ cô đang chèo rất nhanh.

Càng gần tới làng chài không khí càng rộn ràng, gần trăm chiếc ghe xếp thành hàng dài trên bãi. Người lớn, con nít chạy tới lui. Ủa, mà cá đâu không thấy, chỉ thấy người và ghe!

Bốn người rất nhanh đi về nhà nội, phía trước làng là,

Trời! Cũng quá phô trương đi!

Một đống cá lớn như ngôi nhà nhỏ. Mai như bị hoa mắt vì nắng chiếu lên vảy cá lấp lánh. Nhiều người trong làng chài đang tranh thủ chia cá thành từng đống nhỏ theo chỉ dẫn của trưởng làng.

– Ngũ cô, a Bình, ở đây!

Là Bảo ca, hắn chỉ mặc chiếc áo cụt tay đơn sơ, cả người ướt nhem, dính vẫy cá, máu cá lên tay lên mặt. Bình ca chạy lên trước phụ.

– Chỗ cá này là của nhà mình. Còn nữa. Ông nội và cha dông ghe ra đó rồi.

Bảo ca hồ hởi nói, tiếp đó là tiếng a Hỉ chạy tới hổn hển vừa la lớn vừa chỉ ra phía biển.

– Ca, sắp về rồi đó!

– Còn không phụ ca bỏ cá vô thúng, chạy chơi không!

Không khí trên bãi thật ồn ào náo nhiệt, niềm vui tràn ngập trong từng cử chỉ, trên gương mặt mọi người.

– Về nhà phụ bà nội làm cá, mau!

– Dạ, ngũ cô về đi. Trong nhà giờ chắc túi bụi.

Bình ca ở lại phụ với a Bảo nhận phần chia, xếp từng loại cá, tôm, mực vô từng thúng. Đường về nhà nội qua lại từng người đang vác từng thúng. Mai còn lượm được con tôm lớn chắc tự búng ra khỏi thúng nên rớt xuống cát.

Ở làng chài, nhà nào cũng có vài cái thúng, sọt tre đựng cá. Dịp cá nhiều không đủ xài thì có thể mượn hàng xóm. Nhưng mà cả làng đều cần dùng thì chỉ còn cách trải lớp lưới cũ dưới nền đất rồi đổ cá lên.

Ba cô cháu thưa hỏi bà nội và người lớn xong thì nhào vô làm phụ. Mai ngồi xuống chỗ Trúc tỷ đang ngồi làm mực. Chế biến mực khô là dễ nhất so với làm mắm cá, nước mắm.

Wow! Mấy con mực này lớn thiệt, một tay là cầm không nổi luôn. Chậu nước muối lớn bên cạnh đã gần đầy. Ngũ cô thì cùng nhị bá mẫu, tam bá mẫu nhanh tay làm sạch cá lớn chuẩn bị làm khô mắm. Bà nội và Cúc tỳ, Lan tỷ thì lựa cá nhỏ, rửa sơ chuẩn bị làm nước mắm. Chung quanh đâu đâu cũng là cá, là mực, là tôm.

A, tôm này để làm gì? Chắc cũng phơi khô để dành bán vào miệt trong hoặc Nam Vang.

Ngũ cô hỏi thăm chuyện mẻ cá lớn này, mỗi người một câu kể lại. Hôm qua cúng đầu năm xong, ông nội đi chúc Tết trưởng làng, cũng gặp mấy người nhà khác nên ngồi chuyện vãn. Chuyện của những người đàn ông làng chài thì quanh quẩn là thời tiết năm nay ra sao, đánh cá như thế nào, luồng cá, lạch biển ở đâu.

Được một lát thì ông nội thấy phía xa có quầng mây đen cứ “lao xao” trên bầu trời. Thật ra đó là phản chiếu luồng cá đang vờn trên mặt biển. Kinh nghiệm ông nội cũng đoán ra, ông vẫn còn bán tín bán nghi. Thuận dịp ông chỉ cho trưởng làng và nói nghi ngờ của mình. Đầu năm mà có được mẻ cá lớn là điềm may biết bao nhiêu. Thế là sáng nay nhóm người lớn trong làng cùng nhau chuẩn bị dông ghe ra vùng biển đó.

Quả thật là luồng cá lớn. Các ghe hợp sức quây bầy cá lại. Trưởng làng dông ghe về báo tin, nhà nào cũng góp sức góp công; nhà thì thả lưới bắt cá, nhà thì chở về bãi. Đàn bà con gái thì lo chuẩn bị thúng mủng, sọt nia để xử lý.

– Nghe nói là mới đánh được một nửa. Chưa hết luồng, mà bầy cá cũng thoát ra không ít rồi. Mà vậy là được rồi, để bọn chúng còn sanh sản cho năm sau.

Bà nội nói xong thì Bình ca và Bảo ca đã vác hai thúng vào. Công việc luôn tay, không ngớt, phải có thêm người phụ. Vừa nhắc đã nghe tiếng chân bước vô nhà, là nương Mai. Thưa bà nội và bá mẫu xong, nương giải thích:

– Nhà Lưu bá nhắn tin, con lật đật giang ghe Lưu bá, có tam Mi, tứ Mi ra rồi. Sáng mai đi lễ Trần tú tài và Đỗ lang y xong chàng và mấy đứa nhỏ sẽ ra tiếp tay.

– Ừ, tính như vậy mới được. Lễ Thầy không được bỏ. Nếu không cha con ổng lại rầy rà.

A, con mực này chắc là mực chúa rồi, bự quá cỡ. Nhìn coi, nang mực dày bằng hai đốt ngón tay cái Mai luôn. Đó là chưa kể mấy con cá thu, cá chình lớn gần bằng nửa cái thúng luôn.

“Phụt”.

Ôi trời, nang mực đen đen xanh xanh văng tùm lum. A Trúc cười như nắc nẻ chỉ vô mặt Mai, cô dùng hai tay bấm thật mạnh chỗ túi mực, “phụt”. Lần này chắc chắn là trúng vô mặt a Trúc rồi. Đến phiên Mai cười hớn hở. Hai cô gái nhỏ cười lớn làm mọi người nhìn qua, thấy tình cảnh thì cười rần.

– Hai đứa rửa mặt đi, lỡ trúng mắt không nên đâu. A Lan, con phụ nhị tẩu dọn cơm đi, cũng trưa rồi. Ăn xong thì làm tiếp.

Nãy giờ lo làm cá mà quên mất con gái mấy tháng tuổi của Vinh ca. Nhị tẩu vừa trông con vừa lo phần cơm nước, mà không nghe đứa bé ứ, á gì hết. Nhóm đàn bà trong nhà không chờ nhóm đi biển về mà ăn cơm trước.

– Cháu giữ cơm canh nóng để ông nội về dọn cơm liền.

– Dạ, bà nội.

Mọi người lại quay lại làm việc, Mai nhìn mớ ruột cá, đầu tôm, nang mực bị bỏ lại trên mặt đất, chắc nhà nào cũng nhiều như vầy, bỏ hết thật tiếc. Cô lại gần chỗ nương thì thầm.

– Được hả?

– Dạ được đó nương. Mình xin hết về, cho mấy nhà trong làng nữa.

– Xin cái gì?

Thấy nương và Mai thì thầm, bà nội quay sang hỏi.

– A Mai nói mấy ruột cá, đầu tôm này ủ lâu ngày làm phân bón ruộng cũng tốt. Con tính xin chở về làng trong. Được không nương?

– Được, để ta chạy đi dặn mấy nhà kia. Mà phải chở đi liền, để hôi thúi đầu năm không hay.

Nương còn kêu a Trúc dẫn Mai qua nhà Lưu ông để nói cho Lưu bá hay. Nhà bá ấy ruộng lúc này cũng nhiều, rất cần phân bón ruộng.

– Đúng rồi, cái này làm phân bón thì ngon rồi. Ta dặn mấy nhà gần đây. Để ta nhắn người trong làng ra chở về.

Có Lưu bá đi thông tin thì tốt quá rồi. Bá ấy làm lái đò, ai mà không quen biết.

Lúc nhóm đàn ông về nhà là mặt trời sắp lặn. Đống cá trên bãi thêm mấy ghe chất lên, lại như mái nhà nhỏ. Vui thì vui thiệt, mà sao thấy đau lưng, mỏi cổ quá đi. Da tay ai cũng bị sộp vì ngâm nước lâu, lại là nước biển mặn nên rất xót.

Cũng may người trong làng Đông Hồ muốn xin đầu tôm, ruột cá làm phân bón nên kéo ra phụ khiêng cá, làm cá. Làng gần đó, có nhiều nhà giống như vị thúc thúc sáng nay vậy. Họ đến phụ một tay, chủ nhà sẽ tặng mấy loại cá tươi ngon về lấy thảo. Nhứt là mấy con mực, tôm; làm được nhiều món ăn ngon mấy ngày Tết.

Trời chạng vạng mà trên bãi vẫn vang tiếng cười nói. Mấy ngôi nhà đã đốt đuốc trước sân tranh thủ làm đêm. Mẻ cá lớn này đến làm hai ba làng hưởng lộc đầu năm. Người ta lại càng hy vọng một năm mới thịnh vượng.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!