Chương 148: Kỷ niệm những ngày cuối năm

Ở những cuộc nói chuyện của người trong làng, đương nhiên sẽ nhắc đến chuyện Đinh gia đến thăm nhà Mai. Chín người mười ý, còn là chuyện người ta nên tha hồ mà nói. Nào là Đinh gia thật biết chọn thời, nào là phận đàn bà phải chính chuyên. Từ đó lại bắt qua chuyện hai đứa con gái Lê tứ. A Cúc gả sớm rồi, đợi một hai năm nữa xưởng đóng ghe phát đạt thế nào cũng kén được rể sang. A Mai thì nhỏ quá, mà biết đâu lúc đó Lê tứ thành phú hộ, lại càng có nhiều nhà đến dạm hỏi.

Nhà Mai nhiều việc bận rộn nên ít đến ngồi lâu nhà khác, cũng không hay tụ tập nên không nghe hết lời bàn tán trong làng. Lưu tam bá mẫu Thị Bi thì khác. Từ ngày nhà bà mở quán tạp hóa, sau đó lại cất thêm quán lá bán rượu thì nơi này trở thành chỗ tụ tập của nhiều người.

Quán rượu đàn ông thì bàn chuyện đàn ông như mùa màng, thời tiết rồi tin tức các nơi. Quán tạp hóa của đàn bà thì nói chuyện đàn bà. Mấy ngày này bà cứ nghe mọi người hay nhắc chuyện Lê gia, bà cũng góp phần. Chỉ là khi nhắc đến hai đứa con gái Lê tứ làm bà đôi lúc bực mình. Cái gì mà sẽ kén rể nhà giàu rồi nhiều nhà muốn đến làm thân. Sao mọi người không nhìn kỹ a Ngọc và a Trân nhà mình.

A Ngọc hơn năm nay ở nhà dưỡng nhan, da dẻ đã trắng trẻo, tay chơn thon thả, tóc dài suôn mượt mà chứ đâu phải quần quật làm việc như a Cúc, a Mai bên kia. Nhiều nhà khen đàn gà đàn vịt bên đó mập mạp tốt mã, nhưng mà nuôi thì rất cực nhọc. A Ngọc nhà mình chắc chắn sẽ tìm được nhà chồng tốt, của ăn của để, còn có gia đinh thị nữ trong nhà. Học làm việc cực nhọc làm gì?

Nghĩ tới đây bà lại nhớ chuyện hai nhà phú hộ Từ, Châu. Lễ cưới vừa rồi thật rình rang, nở mày nở mặt. Như vậy mới gọi là nhà giàu sang cả. Nhưng mà nhà mình thì không có nhiều tiền bạc như vậy. Cả năm nay mở quán buôn bán chẳng kiếm được bao nhiêu, tiền vô cửa trước đã ra cửa sau.

Nhà Lê tứ chắc nhờ xưởng đóng ghe mới có tiền. Chớ cái tiệm Đông Hồ phướn đỏ đó cũng không kiếm được bao nhiêu.

– Hai ơi!, ra trông quán. Nương đi thăm thiếm hai bên kia.

Bà gọi với vào trong dặn con dâu lớn rồi xách nón đi về hướng nhà Lưu Hà. “Nhà a Hà có ba cô con gái, nghe chuyện này chắc cũng tức mình lắm đây” vừa đi Thị Bi vừa nghĩ bụng. Kiếm người đồng bệnh tương lân chia sẻ bực bội trong lòng mới được.

Trời nắng nóng, người ở cữ còn nằm than, che kín gió. Người lớn đã khó chịu huống hồ con nít. Mỗi khi trời trưa là tiểu Tương cứ quậy quọ không yên, còn khóc oe oe thấy thương. Bà ngoại tiểu Tương đến thăm cháu, rồi giúp lau mình cho con gái. Tam Mi còn là thiếu nữ, mấy chuyện này đâu thể làm.

Nhưng mà tam Mi có kinh nghiệm chăm em, cô đang đung đưa tiểu Tương qua lại, miệng nho nhỏ ầu ơ. Phòng ở cử không một tia gió, mồ hôi rịn trên trán, nơi chân tóc cũng không làm cô gái mất vẻ dịu dàng. Đứa em trai này đã mang đến niềm vui cho cả nhà, tam Mi khẽ xoa đôi chân bé nghĩ thầm.

Lúc Thị Bi đến nơi thì phòng cử đã im tiếng, Nguyễn bà và Tam Mi, tứ Mi vừa đương đệm vừa nhỏ giọng nói chuyện nhà. Tứ Mi mang chén nước mát cho khách thì lại ngồi xuống tiếp tục làm.

Thị Bi than thầm mình đến không đúng lúc. Vợ Lưu Hà còn gọi bà một tiếng tam tẩu nên nhiều khi không vui cũng không dám có thái độ gì. Còn Nguyễn bà lại khác. Nguyễn gia đã sinh sống lâu đời trong làng Đông Hồ. Dương ông, Nguyễn thương lão (ngoại a Tương) và Nguyễn quan lão (nhà a Tùng) là ba nhà có vai vế trong làng.

Nguyễn thương lão ngoài chuyện làm ruộng còn là thương lái có hai ghe lớn chuyên đi chành từ Đông Hồ đến miệt Long Hồ. Người ta hay nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, Nguyễn thương lão tinh thông con nước, thủy vận, quen biết nhiều, còn biết được nhiều tin tức nhứt.

Trong gia đình, đàn ông đi chành xa hàng tháng trời thì đàn bà phải cáng đáng việc nhà, lo trong lo ngoài. Nguyễn bà có tiếng đảm đang khéo léo, tính nết rất cương trường. Thị Bi nói chuyện với bà luôn phải sợ uy, đơn giản vì hai người rất khác nhau. Nguyễn bà lại vai vế lớn, Thị Bi đâu dám phản pháo mà nói ngang.

Ngồi được một lúc Thị Bi tiu nghĩu đứng dậy đi về, đúng là công cốc. Mà sao trời lại nắng như đốt vậy chứ!

Tam Mi hơi cười nghe tiếng lầm bầm ngoài xa. Nguyễn bà cũng bật cười nhẹ, rồi nghiêm mặt nói:

– Đừng có học theo thói đó. Mà tụi con đừng đến quán bên đó. Ông ngoại con nói vài người lạ mặt hay ghé đó uống rượu. Họ nói là thương lái, nhưng ai biết được thực hư.

– Dạ, bà ngoại. Con mua đồ chỗ a Mai không hà.

Tam Mi nghe lời đáp. Tứ Mi cũng nói vô:

– Phải đó ngoại. Bởi vậy tam bá mẫu không vui, còn hỏi cha nương sao không mua đồ quán nhà bá ấy. Mà bán đồ gì xấu quắc!

Tứ Mi trẻ con bĩu môi nói. Nhớ lại lúc tam bá mẫu đem mấy món kim chỉ, vải, rồi trâm lược ra. Ôi trời, không biết mua của ai làm nữa! Hay là tam bá mẫu tự làm, vì cái trâm gỗ còn thô, sần sùi không được chà bóng như người ta, thiệt là!

Sư ông đã “nghiện” món nước tương nhà Mai làm. Sư ông muốn tự mình học làm nên nhà Mai cúng dường chục cân đậu nành. A Vĩnh vác bao đậu còn Mai thảnh thơi đi đàng trước. Hai đứa nhỏ cùng làm nước tương chỗ Sư ông. Lúc chờ nước muối nguội, Mai không khỏi ngắm nghía mấy cây mai vàng đã nhú ra nụ to nhỏ trên cành.

– Sư ông, sau Tết con xin nhặt mấy bông nhài rụng, mấy bông mai rụng được không?

– Được, qua Mùng sáu con đến hái hết mang về. Lúc đó hột mai chắc đã ra rồi.

Mai tạ ơn sư ông, a Vĩnh hơi cười nói:

– Không phải muội cũng tướt lá mai sao. Mà bây giờ chẳng thấy cái nụ nào.

A, cái này là “nỗi đau” của cô đó. Không hiểu sao mấy cây mai cô trồng không được như mong muốn. Cây mai trắng thì ra lá xanh um, mà không một cái hoa nào. Cây mai vàng thì đã tướt lá rồi mà giờ chỉ trơ cành, không có cái nụ nào. A Phúc còn nói chắc hai cây mai chết khô luôn rồi!

– Trồng cây như trồng người, không thể gấp gáp được. Con quan tâm chăm sóc đúng mực thì nó sẽ ra hoa kết quả. Ra hoa nhiều chưa hẳn là tốt, có nhiều người trồng vì muốn có nhiều hoa mà thúc cây, đợi qua mùa nở bông cây đã kiệt lực, lần lần cây phải chết.

Hai đứa nhỏ nghe ông nói, hiểu hay không cũng gật gù làm ông vui vẻ. Trẻ nhỏ đúng là luôn làm người ta nhẹ lòng.

Mấy ngày trước Tết rộn ràng, đến chiều ba mươi thì mọi người không vội nữa. Nhà Mai đã gói xong bốn mươi đòn bánh Tét, cũng có nhưn mặn, nhưn ngọt. Đêm nay hai bếp lửa sẽ bập bùng sáng. Ngày mai đầu năm mới vừa có bánh cúng ông bà, vừa cúng dường nhà chùa. A Phúc nôn nao muốn đón giao thừa, nhóc sợ mình thức khổng nổi, cứ dặn cha nương đánh thức mình.

Đêm giao thừa nương có vẻ bịn rịn, cứ nhìn Cúc tỷ mãi. A, đúng rồi, giao thừa này là lần cuối tỷ ấy ở nhà mình. Sau này tỷ ấy sẽ đón giao thừa ở La gia rồi. Chẳng trách nương không vui vẻ như năm trước. Mấy ngày này nương vừa làm vừa dặn dò a Cúc từng việc, bổn phận mà người đàn bà phải lo toan.

Thí dụ như chuyện nấu cơm, dọn cơm là của đàn bà; nhưng lúc bưng mâm cơm lên cúng thì mình không được rớ tới. Còn một chuyện nữa Mai lần đầu tiên nghe, đó là mấy ngày không khỏe của đàn bà thì không được vo gạo. Lúc đó, phải nhờ người khác vo gạo dùm, rồi mình chỉ nấu trên bếp thôi. Trời, đúng là thật lạ lùng. Nương không giải thích tại sao, nhiều khi nương cũng không biết, chỉ làm theo lời bà ngoại dặn trước đây.

Mai để hai người thủ thỉ trò chuyện, cô về phòng mình ở gian nhà trong. Kể từ ngày dời vô phòng này, cô và a Cúc ở riêng một gian, ngũ cô ở một gian. Gian chính để dành nhà nội ngoại đến thì ở.

Đêm ba mươi gió thổi nhẹ, trời rất tối. Mai làm sang đốt ngọn đèn cầy. Ánh sáng mờ tỏ rọi lên căn phòng. Mai nằm xuống giường, kéo mền vải giấu mặt vào trong. Nhìn cảnh nương và a Cúc thân thiết lúc nãy cô chạnh lòng nhớ ba mẹ, nhớ anh hai nữa.

Lúc còn nhỏ thì ba mẹ hay chở hai anh em đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Anh hai lớn lên đi chơi với bạn, cô thì hay ở nhà coi vô tuyến với ba mẹ. Mai nhớ mấy lúc làm cơm cúng ông bà cũng giống như nương dặn a Cúc lúc nãy. Hai mẹ con cô dọn sẵn chén đũa, thức ăn. Nhiệm vụ của ba với anh hai là lau dọn bàn thờ, lư hương, rồi bưng mâm cơm lên cúng. Khoảng cách ba trăm năm, thói quen sinh hoạt con người vẫn vậy. Nhưng ý nghĩa thì đã khác rất nhiều rồi.

Tiếng mấy đứa con trai đùa giỡn bên kia kéo Mai về thực tại. A Phúc chạy ào vô nhà, vừa thở vừa cười nhìn a An đứng ở ngoài kia. Ha ha, hắn thật là biết chỗ trốn. An ca đã lớn, hắn tự biết mình không nên vào gian nhà này. Chỉ có a Phúc còn nhỏ, hắn vẫn thích chạy qua đây chơi với Mai.

Mai đi ra, kéo tay hắn ra ngoài. Có sức chơi có sức chịu, không thể trốn chui trong này được. Bây giờ đến phiên Mai và a Phúc kéo nhau chạy ra sân.

Tan hợp, hợp tan là lẽ thường; có thể được ở cùng nhau như hiện tại là tốt rồi!

Viết một bình luận

error: Content is protected !!