Tháng chạp trôi qua thật nhanh, thoáng cái đã đến ngày rằm. Trần tú tài cho tụi nhỏ nghỉ học, qua đầu tháng hai mới đi học lại. Đúng là được nghỉ một tháng rưỡi, thật đã. Cậu hai nhắn tin về có một thương lái muốn mua cả đàn gà vịt bán ở Trấn Biên. Vừa kịp lúc Tương huynh cũng chở hàng hóa về. Nhà Mai nhờ Tương huynh chở gà vịt đi chuyến này, có tỷ phu Hùng huynh và An ca theo nữa.
Trong làng, nhà nào cũng bắt đầu chuyện mua sắp cuối năm, dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn. Dựng xong gian nhà mới thì Vinh ca, Hân ca và a Bảo cũng về làng chài. Một năm này vất vả luôn tay, bù lại thấy trong nhà sắm áo quần, đồ đạc sung túc thì mệt nhọc đều quên.
Một năm nay vào đây đóng ghe, a Bảo đã thay đổi rất nhiều. Ca ấy cao lớn gần bằng Vinh ca rồi, tay chân chắc nịch, còn có nhiều vết chai, thẹo trong mấy lần bị cái bào cái cưa cắt trúng. So với Vinh ca trầm tĩnh thì Bảo ca có vẻ sáng láng và nhanh nhạy hơn. Mấy thúc bá trong làng đều khen, còn trêu ghẹo muốn gả con gái cho ca ấy nữa.
Vinh ca thì đã là cha của người ta rồi, đang ở tuổi hai mươi khỏe mạnh. Tính tình trầm tĩnh, lại là anh lớn nên càng thuần thục. Việc trong xưởng ghe ca ấy có thể quán xuyến thay cha. Chỉ có điều Vinh ca không khéo tay được như cha Mai thôi. Cái năng khiếu này thuộc về thiên bẩm rồi. Lần này về làng chài Vinh ca sẽ rước nhị tẩu và em bé về, đã qua ba tháng ở cữ nhà ngoại rồi. Chắc huynh ấy nôn nao muốn về cho nhanh.
Hân ca cũng có vẻ muốn về làng chài sớm, không phải huynh ấy có “động cơ” ở đây sao? Có chuyện gì mà muốn về sớm vậy chứ! A, không chừng là nhà nội sắp có chuyện vui rồi!
Hôm đầu tháng mười hai, nhà chồng lục cô đã đến cùng bà mai, xin được coi ngày tốt để làm lễ thành thân. Qua sang năm là lục cô mười tám rồi, đã hơi trễ so với con gái nhà khác. Ông bà nội đồng ý, chọn tới lui thì chọn vào ngày Tết của người Chân Lạp. Lúc đó là khoảng tháng ba tháng tư lúc giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Thời điểm đó cũng đủ thời gian để nhà nội chuẩn bị.
Đã gả đi hai cô gái rồi, cũng nên rước về một cô chớ!
Thất thúc ở lại đây, đợi cúng tổ ngày hai mươi tháng chạp xong thì mới về làng chài. Thật ra thúc ấy giống Bình ca, đang trông chờ coi hình dạng cái ghe mới mà cô đang lắp ghép thử.
Đúng là những ngày này Mai không để ý chuyện khác được. Lúc sư ông đi Nam Vang, Mai chạy ra xem hai bình nước tương ở sân trước, cũng được năm tháng rồi. Nhìn trời đang nắng tốt như vầy rất lý tưởng để phơi ủ nước tương. “Chờ đến cuối năm sẽ có mùi vị thơm ngon hơn. Lúc đó sư ông đã về, kịp cúng dường ngày Tết” Mai nhủ bụng rồi quay lại với chuyện cái ghe mới.
Chuyện dời đồ đạc từ phòng cũ của Mai ra gian nhà mới đều có ngũ cô và a Cúc lo, Mai không phải tới lui nữa. Bầy vịt chỉ giữ lại hơn năm mươi con đang rớt hột. Bầy gà cũng chỉ giữ lại mấy con đang ấp hoặc có con nhỏ, chục con để tháng hai làm tiệc. Ngũ cô rảnh tay hơn trước đây một chút, lại ấp gà vịt con, còn quay sang lo dọn dẹp trong nhà.
Thấy cha, thất thúc và Bình ca đều trông ngóng kiểu ghe mới Mai đành phải gom hết bản vẽ vào xưởng. Cô vừa chỉ bản vẽ vừa chỉ mô hình ghe mẫu. Những ngày An ca đi Trấn Giang, cô đi học về thì ra coi quán, vừa tỉ mẫn làm mô hình này. Chỉ được một buổi thì khách mua đồ thấy lạ cứ hỏi, làm Mai phải nói qua loa là làm đồ chơi cho a Phúc thôi.
Thế là cô chuyển sang làm mô hình buổi tối. Mà phải chi có băng keo như ở hiện đại, làm mô hình này dễ hơn biết mấy. Những thứ tiện nghi đó nghĩ là vụn vặt, lúc cần mới thấy quí giá biết chừng nào.
Từ ngày biết trái lửa, a Phúc và Vĩnh ca rảnh rỗi sẽ chống ghe lườn dọc mấy con rạch hái đem về đốt. Buổi tối mấy anh em có thể quây quần học bài, làm ghe mẫu, còn nướng khô mực ăn nữa.
Mẫu ghe mới này làm kỹ lưỡng hơn mấy kiểu trước, hình dạng nó cũng khác hẳn cái ghe hột vịt. Nó giống hình trái cây đước chẻ đôi, đáy ghe bằng phẳng, thành ghe không cao lắm. Cách đóng ghe giống như làm bè, chọn loại gỗ nhẹ, nổi trên mặt nước.
– Cha, ghe này điểm mấu chốt là tay lái và các mối nối. Mình phải dùng loại gỗ cứng phần lái. Con tính mình cần dùng hai loại đinh khác nhau mới hiệu quả.
– Ừ, cha thấy rồi.
Thời này kim loại như sắt, đồng hay bạc đều mắc tiền và quý, đôi khi có tiền cũng khó mua được. Cái ghe này phải dùng nhiều đinh ghép nối mấy tấm ván lại. Ván ghép mỏng hơn, bản thân ghe không quá nặng mà lại có mặt đáy rộng thì nó mới chở nhiều được. Cái này là theo nguyên lý lực đẩy ac-si-met trong nước, chỉ là Mai không thể giải thích kiểu như vậy.
– Mấy cây đinh ở đây phải nhỏ hơn mới được, lớn quá sẽ nứt ván hết. Thợ rèn làm được không cha?
Bình ca lăn lăn cây đinh trong tay. Thời này đinh sắt pha kẽm và tạp chất nên mềm hơn, cộng với việc rèn bằng tay nên cây đinh rất lớn. So ra, cây đinh tròn gần một nửa độ dày lớp ván rồi, làm sao đóng được?
– Ngày mai cha qua nhà thợ rèn một chuyến. Hai đứa chọn gỗ trước đi. Gỗ phần lái để cha hỏi thăm xem ở đâu có.
Cha quay sang dặn thất thúc và Bình ca. Ông cũng háo hức muốn đóng thử loại ghe này.
– Cha, sáng mai cha con quá giang đi Chợ Sông Lớn được không?
– Được, đi với tứ Mi à?
– Dạ phải.
Ngày mai là chợ phiên, tam Mi tỷ đã đi cùng Lưu bá lúc khuya để bán hàng. Cô với tứ Mi đã hẹn nhau đi trễ hơn chút, chủ yếu là vòng vòng chợ xem thôi. Thật ra Mai có thêm một bạn gái mới. Là bé gái tên Hậu nhà ở ven sông.
Sau khi đi rừng về, có một bữa bé gái đó chống bè chầm chậm đến quán nhà cô. Cũng ngần ngừ một lát mới dám ghé lên, còn mang theo cái chậu đựng trái mù u khô cho cô nữa. Mai mỉm cười nhìn cô bé nhút nhát, hiền lành đó. Cô nhận và đương nhiên tặng lại bé gái hai cái kẹp tóc bằng gỗ nhỏ. Cô bé rất thích, cứ mân mê hai cái kẹp.
Từ hôm đó, a Hậu cứ cách vài ngày lại đến chơi, mà cũng canh đúng lúc Mai bán quán để đến, có “theo dõi” cô sao!
Gần hai năm nay Mai chỉ có tứ Mi là bạn gái “bằng tuổi”, giờ có thêm a Hậu nữa càng vui. Ba cô gái nhỏ sau vài lần nói chuyện thì thành thân thiết. A Hậu cũng có đi chợ làng mua bán, nhưng chưa được đi Chợ Sông Lớn. Thế nên lần này ba đứa rủ nhau cùng đi.
Haiz, đến chợ phiên thì lòi thêm một cục thịt dư, a Phúc cũng muốn đi theo. Thế là cha Mai cho bốn đứa nhỏ quá giang đến chợ Sông Lớn, còn mình thì đi thẳng qua nhà thợ rèn bên trong chợ.
Chợ Sông Lớn đông đúc nhộn nhịp hơn. Chưa đến phiên cuối năm mà mọi người đã xôn xao rao hàng, bán hàng. Sạp bán hàng nhà Lưu bá đã mở ra rất lớn rồi. Bán đủ thứ hàng hóa do Tương huynh mua từ các nơi về. Mai cũng đứng xem một hồi.
– Tỷ xếp lại như vầy đi, dễ nhìn mà dễ chọn hơn.
Mai kiếm thanh gỗ kê những rổ tre phía sau cao hơn, nghiêng nghiêng để khách dễ nhìn món hàng bên trong.
– Ừ, dễ nhìn hơn đó.
Mặt trời đã lên rồi, Mai chạy đi mua thịt heo để ngày mai cha cúng tổ. Cô gởi thịt lại trên sạp của tam Mi tỷ rồi cùng mấy đứa nhỏ đi dạo vòng vòng. Nương đã tính với ngũ cô các thứ cần mua, đến chợ phiên cuối năm thì sẽ đi một lần luôn. Bây giờ ba người ở nhà đang lo cắt may quần áo, đan giày cho kịp. May là đã bán được phần lớn gà vịt, nếu không cô và a Phúc cũng không được rảnh rang như hôm nay.
– Tỷ, có phải thúc thúc bán trống năm trước không?
A Phúc kéo tay cô chỉ về hướng nhóm người đang gõ trống, múa võ. Bốn đứa chen vào xem, đúng là họ rồi. Thiếu niên và cô bé giả trai đã cao lớn lên thêm chút. nước da cũng đen hơn vài phần. Mai liếc nhìn a Phúc, đâu còn là thằng nhóc gầy gầy nữa! Bây giờ đã là chú bé tròn tròn, đen đen rồi. Đôi mắt nhóc cũng sắp thành mắt hí luôn.
Mai nhìn mấy món đồ trên thùng dán giấy đỏ, cũng như năm ngoái, có trống nhỏ cho con nít, xấp giấy điều đề mấy chữ Cung chúc Tân Xuân, năm mới là năm Canh Thìn, hình vẽ con rồng thật sinh động.
A Hậu lần đầu tiên đi chợ đông, cái vẻ háo hức mà nhút nhát đó thật dễ thương, giống như mình năm trước. A Phúc đã lớn, hắn không còn thích cái trống con nữa. Chỉ vui vẻ xem vị thúc thúc múa quyền theo nhịp trống.
Mấy sạp gà vịt không nhiều khách mua lắm. Năm nay nước lên, mấy nhà ven sông rạch bẫy rất nhiều vịt nước, chim cò. Họ chọn mấy con lớn trọng đem bán. Nhiều người bán mà ít người mua, tính ra cũng không được giá lắm. Sạp thịt heo thì lúc nào cũng đắt, năm nay Nguyễn gia chỉ bán một con cho nhà phú hộ Từ. Dịp Tết cũng không bán mà để lại hai con làm nái luôn.
Nguyễn gia và nhà Mai đã hẹn nhau cùng mướn con heo nọc về gác giống khoảng đầu tháng hai. Nhà có heo nọc là ở nhà ngoại a Tùng, còn phải nhờ nhà bên đó tính ngày.