Bến ghe của thương hồ, thương lái ở Long Hồ nhộn nhịp không thua chợ phiên. Khói bếp lơ thơ, dân thương hồ chủ yếu là đàn ông, có rất ít đàn bà đi theo hành trình gian nan này. Xuồng của đôi phu thê từ miệt nào đó vừa gia nhập nhóm. Họ vội vàng neo ghe, lên bờ dựng bếp. Người đàn bà vẫn còn trẻ, mái tóc dài buột sau lưng đen huyền như lụa. Giúp chồng dựng bếp xong nàng lại xuống ghe, chống ra xa khoảng nước trong giặt giũ. Trời chiều nước lớn, vọng lại tiếng chim bìm bịp như gần như xa. Nàng cất giọng hò hòa theo.
Hò …. hơ …… bìm bịp kêu nước lớn ai ơi!
Buôn bán không lời, hò …. ơ ….. buôn bán không lời chèo chống mỏi mơi!
Tiếng hò như tâm sự của khách thương lái lênh đênh trên những dòng sông mênh mông ngang dọc khắp vùng đất này.
Lưu Tương vẫn còn thẩn thờ nhìn khung cảnh đang chìm dần trong đêm. Đã bao lâu rồi mình không còn hào hứng của chàng trai trẻ muốn đi tìm những vùng đất mới?
Đã bao lâu rồi mình mải miết chống chèo mỏi mê mong được đi xa khỏi những khúc sông quen thuộc, để không phải thấy cảnh nhớ người?
Trăng hạ tuần chưa lên, bầu trời chỉ có vài ngôi sao nhấp nháy. Lẫn trong màn đêm như hiện lên dáng hình thướt tha yểu điệu của người con gái ấy. Mái tóc dài bay bay, tà áo thiên thanh, nét cười và ánh mắt đó vẫn in rõ trong tâm trong trí.
Ngày cha mua được chiếc ghe lớn, a Tương háo hức được theo cậu đi chành, làm lái đò ngang dọc vũng Đông Hồ. Lúc nhà phú hộ tìm người chở lúa gạo, hắn đã vui vẻ đến làm. A Tương rất nhiệt tình, nói cười cùng mấy gia đinh khuân vác. Hắn cũng chạy tới lui giúp sức, vác lúa từ kho lẫm xuống ghe. Trong một lần tình cờ, hắn nhặt được cái khăn thêu theo cơn gió rớt gần chân. Hắn còn đang nhìn đường thêu khéo léo tự hỏi ai làm rớt thì Từ tiểu thơ đi đến.
Trong mấy câu chuyện của những người làm có nhắc đến vị tiểu thơ Từ gia, khen nàng tính nết dịu dàng và khéo léo. Đây là lần đầu tiên hắn nhìn thấy Từ tiểu thơ ở khoảng cách gần như vậy. Dáng người, nụ cười mỉm và ánh mắt làm trái tim thiếu niên xao động.
Rồi vô tình hay hữu ý, số lần hai người gặp nhau nhiều hơn. Những lời khen ngợi của mọi người đối với Từ tiểu thơ chỉ là phần nhỏ. Trong mắt Lưu Tương, Từ Thị Liên giống như nàng tiên giáng trần, giọng nói thanh tao, nụ cười xinh đẹp.
Giấc mộng uyên ương lớn dần theo những lần gặp gỡ. Chiếc khăn thêu hôm nào thành vật kỷ niệm hắn luôn giữ trong túi áo. Những lần đi chành dài ngày, nỗi nhớ tương tư vừa ngọt ngào và da diết. Hắn ngày đêm làm bạn với hai con sáo nhỏ, đem niềm vui nỗi buồn gởi theo từng câu hò trên sông vắng.
Hai con sáo nhỏ như hiểu lòng người, lúc thì vui vẻ líu lo gọi a Liên, lúc buồn thiu ầu ơ theo giọng hò lẫn vào tiếng gió.
Gần một năm dài hắn ngược xuôi, cố gắng kiếm tiền, góp nhặt để mong giấc mộng thành sự thật. Nhưng mà tuổi trăng tròn của người thiếu nữ đâu thể đợi. Nàng vừa đầy tuổi trăng thì đã có người dạm hỏi. Nhà bên đó là phú hộ giàu có vùng Tô Châu, hai nhà thật môn đăng hộ đối.
Hôm đó nghe tin nhà trai Tô Châu đến, hắn lỡ một nhịp chèo, chiếc ghe nghiêng ngã tưởng đâu sắp lật. Hắn giật mình giữ vững tay chèo, nhưng trái tim thì đã chìm xuống lòng sông.
Nhà mình có bao nhiêu bạc hắn đều biết. Bao nhiêu đó thì tính là gì, chỉ bằng một mâm cổ nhà người ta. Vậy mà hắn vẫn ôm hy vọng, chạy về nhà xin cha nương trầu cau dạm hỏi. Cha thì giận dữ, nương thì chỉ lau nước mắt, nói:
– Con làm sao vậy? Nhà người ta là gì, nhà mình là gì, con không thấy sao?
Thấy chứ, hắn thấy và hiểu chứ! Nhưng mà nỗi đau trong tim cứ từng hồi quặn thắt. Lưu Tương nhìn xuống đôi tay đã chai sần còn có những vết sẹo của mình, hắn cũng nhớ những vết chai trên tay của nương, của tam Mi, của tứ Mi.
– Làm sao Từ tiểu thơ có thể làm lụng như chúng ta? Con nhìn tay nương đi. Tương ơi! Sao con không biết!
Ừ, nàng ấy chưa hề biết vất vả lội ruộng cắt lúa, chưa hề nấu nồi cơm lớn cho cả nhà ngày gặt lúa. Hai cánh tay thanh mảnh, đôi bàn tay như ngọc đó chắc chưa hề cầm đũa cả, còng lưng làm cá khô hay đương giỏ đệm như tứ Mi.
Hắn có thể chịu khổ thay nàng, nhưng còn nương và các muội muội thì sao?
Hắn biết vì sao nương vẫn muốn sanh thêm em trai, là để đỡ hắn trong tương lai. Giống như nhà Lê tứ thúc, có mấy đứa con trai giúp đỡ. Hắn chỉ có một mình, nương luôn lo lắng. Vậy mà bây giờ hắn làm sao nỡ chất lên trên vai nương thêm một gánh nặng nữa.
Những ngày đêm lênh đênh theo con nước lớn ròng, những dòng sông mênh mông ở nơi xa lạ này làm hắn vơi đi nỗi nhớ. Trái tim cũng dần chai sạn, tâm trí cũng dần chấp nhận một sự thật là hai người không cùng chung một dòng sông. Nàng uống nước ngọt trời cho, sống đời sang cả. Hắn chỉ uống nước sông mằn mặn phù sa, sống đời chèo chống.
A Liên, là ta đã phụ nàng, ta không đủ sức chăm lo cho nàng. Ta đã buông tay rồi, nàng sẽ được sống đời giàu sang sung túc. Chúng ta chắc không bao giờ gặp lại nữa rồi! Nàng … đừng hờn trách ta, được không?
Đã mấy lần hắn muốn quăng bỏ chiếc khăn tay này mà không nỡ. Năm sau tam Mi đến tuổi định hôn rồi. Cả nhà đều có ý chờ hắn, hắn biết chứ. Nhưng bây giờ hắn vẫn chưa thể. Trước khi bước xuống ghe dông về Long Hồ, hắn đã nói với nương:
– Nương tìm mối cho a Mi đi. Chuyến này con ráng dành dụm tiền làm của hồi môn cho muội ấy.
Nhà Lê thúc cho a Cúc hai mươi quan làm của hồi môn, nhà mình không thể kém hơn. Số tiền mua chiếc ghe lần này Lê thúc chỉ nhận trước một nửa, nói để cho hắn làm vốn buôn bán. Phần còn lại từ từ rồi hắn trả cũng không sao. Ân tình nhà Lê thúc hắn ghi nhớ trong lòng. Có nhà Lê thúc đỡ đần, hắn dầu có đi xa cũng yên dạ.
Đường từ vũng Đông Hồ đến đây, nghe nói miệt này nước lên cao lúa gạo không kịp gặt về nên năm nay giá sẽ cao. Ngược lại cá tôm thì nhiều vô kể. Hắn đã hỏi ý cậu, có thể qua lại nhiều chuyến hơn, mua bán các vùng. Hắn sẽ gắng, cứ kiếm thêm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Trăng hạ tuần đã lên giữa trời, ánh trăng vàng vọt úa màu. Trăng khuyết rồi lại tròn, con nước ròng rồi lại lớn, mỗi năm mấy lượt. Không biết qua mỗi lượt trăng có già và hư hao hơn không, hay bất dịch với thời gian.
Chỉ tiếc cho đời người ngắn ngủi, buồn nhiều vui ít, đâu còn để tâm xem trăng mờ hay tỏ. Người ta vẫn thường nói: ngày vui ngắn tựa gang tay, nỗi buồn như mây bốn hướng.
Lưu Tương với tay rút ống sáo nhỏ nhét ở vách mui ghe. Hắn đã nài nỉ một vị thúc thúc xa lạ dạy hắn thổi, để lúc gặp nàng sẽ làm nàng vui. Bây giờ người không còn, tiếng sáo lẻ loi văng vẳng da diết trên khúc sông lặng gió, hòa với tiếng nỉ non của côn trùng.
Mắt đã nhắm, tay đã mỏi, hơi sắp tàn nhưng sao giấc ngủ chưa tìm đến!
Hắn không dám ngủ, vì trong giấc mơ hắn sẽ lại thấy nàng! Đêm nay chắc nàng sẽ hờn trách hắn đã buông tay, như hôm nào hắn đã sổ lồng cho hai con sáo bay xa. Vùng trời bào la kia mới là nơi sáo ở. Cuộc sống an nhàn kia mới là chỗ của nàng, phải không Liên!