“Đùng, đùng,”
Hai tiếng nổ liên tiếp xé tan không gian buổi sớm. Mai giựt mình tỉnh dậy. Cô đang mơ sao, là tiếng súng. Trong phút chốc cô mơ màng không rõ cái nào là tỉnh, cái nào là mơ. Ở thời này đã có súng rồi sao? Hay chuyện cô đến vũng Đông Hồ chỉ là giấc mộng?
– Cha, có chuyện gì vậy?
Tiếng Sinh ca hỏi lớn sang bên kia làm Mai bừng tỉnh. Cô nhanh chóng ngồi dậy, theo sau mọi người chạy về hướng tiếng nổ. Đúng là tiếng súng, hai người đàn ông đang chỉa súng bắn con cá sấu, máu đỏ đã loang trên mặt nước. Con cá sấu trúng thương nhưng vẫn còn sức đang quẫy rất giữ làm bùn đất văng tứ phía.
Xem ra con sấu thấy trời gần sáng, con người mỏi mệt nên muốn tấn công. May mắn nhóm người đàn ông này vẫn tỉnh táo bắn hạ nó. Mai nhìn cây súng trong tay hai người đàn ông. Là loại súng thân dài, đường kính lớn, không phải dùng đầu đạn mà là thuốc pháo, sức sát thương không lớn như đầu đạn kim loại. Chắc đây là kiểu súng thời đầu khi con người mớt biết chế tạo thuốc súng.
Xem ra nhóm người này không phải dân thường rồi. Thời này chỉ có quân đội triều đình mới có thể có loại súng này, mà phải là quân tinh nhuệ mới có.
Mai nhìn nhanh người đàn ông lớn tuổi nhứt trong nhóm. Râu ông dài che bớt cằm vuông cương nghị. Đôi mắt ông ta trầm tĩnh nhìn con sấu đang vùng vẫy trong phút cuối. Ông bị thương trên vai và cả cánh tay nữa. Gương mặt ông có chút mệt mỏi. Đây là lý do họ chậm bước sao? Nhưng nhìn dáng người vẫn còn tráng kiện của ông thì vết thương này sẽ không thể cản bước ông được.
Rất nhanh sau đó Mai biết lý do họ chậm bước, và đó cũng là lý do làm cô căng thẳng mấy ngày kế tiếp.
Mọi người trên cồn đều nhìn chăm chăm vào hai cây súng pháo, hiếu kỳ tò mò đủ cả. Có thể giết con sấu ở khoảng cách như vậy? Xem ra họ không sợ đám thồ lộ này trên đường về rồi. Mai nhìn ánh mắt khao khát của mấy đứa con trai thì bĩu môi, tưởng bở! Mỗi lần bắn có một viên pháo, lỡ không trúng điểm yếu thì con sấu vẫn dư sức hạ mình, biết đâu nó còn giận dữ và dữ tợn hơn!
“Ẳng, ẳng”,
Tiếng con Vện rên rỉ như bị ai đánh làm mọi người giựt mình. Hùng huynh lớn tiếng gọi cậu:
– Cậu, nhanh qua đây, có nguy hiểm.
Lâm bá cũng nói câu gì đó với Thon bá. Ông ấy rất nhanh khoác gùi trên vai lội xuống qua bên này. Cậu hai và ba người còn lại như tỉnh ra, hai người cầm súng trước sau hộ tống người bị thương đi nhanh về cồn đất.
Nhóm người trước sau vừa đặt chân lên cồn thì nghe tiếng “g .. rầm,.. g rừ…” vang vọng khắp khu rừng. Trời ơi, đã xuất hiện rồi! Mai kéo con Vện sát người, cả thân hình nó run rẩy không kiềm được. Cô và nó đứng phía trong nhìn mấy người lớn cảnh giác quan sát xung quanh. Lâm bá và Thon bá nói với nhau mấy câu. Bên này cậu cũng giải thích.
– Mấy ngày nay chúng ta bị vây trong rừng, không biết hướng để tránh.
Đâu có ai muốn đấu với vị chúa tể này, mà tránh thì không biết tránh đường nào. Giữa nơi này, bản năng sinh tồn là quan trọng nhất. Con người sống thành làng, thành trấn sẽ dần mất đi các giác quan tinh nhạy của mình. Chỉ có những người đi rừng như Lâm bá, Thon bá mới còn giữ lại chút ít.
Tiếng nổ và mùi máu rất nhanh đã dẫn đường cho vị chúa tể sơn lâm tới đây. Từ trong những thân cổ thụ, con cọp to lớn xuất hiện, bộ lông hơi xám màu, vằn vện giúp nó ẩn đi giữa những thân cây và lá mục. Bước chân nhẹ nhàng, thân hình uyển chuyển, nó từ từ tiến tới. Cả đoàn người đã lui về góc xa của cồn đất.
Lâm bá ra hiệu cho mọi người bất động. Ông hy vọng thịt và máu con sấu đủ để con cọp thỏa mãn và bỏ qua bọn họ. Thật ra bản năng của cọp cũng biết con người nguy hiểm, có khả năng giết được chúng, nhất là cả nhóm đông người như vầy. Ngoại trừ nó bị khiêu khích hay giận dữ thì nó mới liều mà tấn công.
Con cọp không vội tiến về phía con sấu, nó nấn ná chỗ nhóm người đốt lửa, nằm ngủ tối qua. Lát sau nó mới từ từ đi về phía này, rồi dừng lại quan sát, từ từ tiến gần tới xác con sấu đang nằm ven bờ. Dù có thể con sấu nặng hơn nhưng nó vẫn dễ dàng cắn và lôi xác con sấu vào rừng. Nó vẫn không hề lơ là, luôn cảnh giác nhìn về bên này.
Chừng một khắc sau, không còn nghe động tĩnh gì nữa. Có đàn khỉ lại khẹt khẹt chuyền cành thì mọi người mới thở ra.
– Ta họ Trần, đây là hai thuộc hạ của ta. Đa tạ các vị đã đến hiệp trợ.
Người đàn ông lớn tuổi xưng họ Trần, chắp tay về phía Lâm bá nói.
– Không dám, ta nhận sự nhờ cậy của gia đình Nguyễn huynh đây.
Cậu hai nói:
– Đây là người nhà ta, muội phu Lê tứ. Đa tạ Lâm huynh đã cực nhọc.
Cậu hai nhăn mày nhưng không nói gì khi thấy Mai trong nhóm người. Lúc mọi người chia nhau chuẩn bị thức ăn bữa sáng cậu mới hỏi cha tỉ mỉ chuyện mấy ngày nay. Sau đó cậu kể mấy chuyện chính từ khi cùng Thon bá vào rừng.
– Hôm đó a Thon có thấy nhóm người dượng năm vào rừng.
Nước đang lên, trong rừng rất nguy hiểm. Tối hôm sau Thon bá thoáng nghe tiếng gầm rú phía này. Nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy ai trở ra, chắc là dữ nhiều lành ít. Đến khi cậu hai đến hỏi thăm, Thon bá kể lại chuyện ông ấy suy đoán.
Hai người định chỉ vào mé rừng để xem có thêm dấu hiệu gì không. Ghe cậu hai lớn, không chen được vào bên trong như nhà Mai. Thon bá biết một đường khác để vào, nhưng không may lúc đó nước lại đang rút mạnh. Hai người cố gắng chèo ngược dọc đến chỗ gò đất thì nghỉ chân lại một đêm. Sáng hôm sau, hai người còn chưa biết nên tiến hay lùi thì lại có tiếng gầm và tiếng nổ lạ (là tiếng súng bắn) rất gần. Môt khắc sau thì dòng nước loang máu đỏ chảy xuôi dòng về chỗ cậu. Cậu và Thon bá chèo nhanh lên để xem sự việc.
Nghe đến đây thì Trần gia lên tiếng như tiếp lời.
– Ở chỗ vòng xoáy nước phía dưới, xuồng của nhóm a Thế bị lật, dạt về phía biển. Chúng ta đành phải nhập lại một xuồng. Nhưng người nhiều, xuồng khẳm không thể đi tiếp, chúng ta đành ghé lên bờ. Vừa lên thì con sấu chờ sẵn táp tới, lôi một người về phía sông. Hắn nóng ruột nổ súng. Không nghĩ tới là người không cứu được, còn kinh động đến nó.
Trần gia hất đầu chỉ hướng con cọp mất hút khi nãy.
– Hôm đó chúng ta buộc phải hợp sức đấu với nó. May là con đó nhỏ, cỡ hai khắc sau thì nó rút lui. Nhóm chúng ta tổn thất không ít. Chiếc xuồng còn lại cũng bị thồ lộ đánh gãy.
Khoan, ý Trần gia là có hai con lận hả?
Thấy mọi người há miệng nhìn ông mà không thốt nên lời, ông đành gật đầu,
– Phải, ta nghĩ là hai.
Trời ơi, không phải nói là một rừng không thể có hai cọp sao. Sao mình lại gặp toàn chuyện hiếm có không vậy!
– Dượng năm con bị thương nặng, nên ta đưa ghe cho dượng con về trước. Không hiểu sao không về tới nhà.
Chuyện này không ai trả lời được. Trước mắt là họ phải vượt qua đã, an toàn rời khỏi đây rồi tính tiếp. Bây giờ họ có mười hai người, không thể lên được hai chiếc ghe nhỏ. Đường quay trở lại cũng không dễ dàng gì. Ăn sáng rất nhanh xong thì mọi người sẽ đi xuyên rừng về chỗ neo ghe.
– Chỗ đó vẫn chưa ra khỏi phạm vi của nó. Nhưng cứ đến đó chúng ta sẽ xếp đặt chuyện canh phòng, rồi nghĩ cách rời đi.
Chuyến về vẫn để Lâm bá chỉ huy, thỉnh thoảng bá ấy nói chuyện riêng bằng tiếng Chân Lạp với Thon bá. Đúng như Mai nghĩ, vết thương trên vai vị Trần gia này chỉ làm sắc mặt ông hơi tái, nhưng không cản được bước chân ông.
Lúc nhóm người đi cùng nhau Mai thoáng ngửi thấy mùi dầu hôi, là từ mấy cây đuốc. Chuyện này càng khẳng định họ không phải là dân thường vô tình lạc trong rừng. Chỉ là nhà mình vì cậu nên mới mạo hiểm, còn việc riêng của họ thì không nên tò mò. Hiện tại họ đi chung nhóm vì lợi ích chung thôi. Ra khỏi khu rừng nầy thì đường ai nấy đi, sẽ không còn liên hệ.
Giống như những người khác, Mai cũng không lường được sự kỳ diệu của chữ “duyên phận”, hữu tình hay vô tình không phải chỉ vì mình không nghĩ tới thì nó sẽ không tới!
Đoàn người đến gò đất chỗ neo ghe lúc trời vẫn còn sáng. Theo lời Lâm bá, họ chia nhau làm việc. Mai vừa canh bếp lửa, vừa nghiền mấy loại thuốc trong chén đất. Cậu không bị thương nặng, nhưng vết cắt nông sâu trên cánh tay thì có. Không riêng gì cậu, ai cũng có. A Sao còn bị đĩa vắt hút máu thành vết lớn, rướm máu. Cô bắt hắn tự rịt vết thương, không được coi thường.
Dù sao thì nhiệm vụ cô là chế và nghiền thuốc thôi. Mọi người tự đắp, ai không đắp được thì nhờ Hùng huynh. Lâm bá và Thon bá cũng biết mấy vị thuốc trị thương này, hai người nhanh tay tự rịt cho mình.
– Cô nương có học y thuật sao?
Mai ngẩn người nhìn vị hộ vệ trước mặt người vừa hỏi cô.
– Cháu chỉ biết một chút, chỉ trị mấy vết thương nhỏ thôi. Cháu không biết bắt mạch, kê thang.
Ba người Trần gia nhìn nhau như phân vân. Vết thương trên vai Trần lão chắc do cọp vồ. Từ đó đến giờ đã mười ngày rồi, không biết có nhiễm trùng không? Mai nghĩ chắc họ có mang theo thuốc quí chuyên dùng, nhìn hành trang họ đi, súng, đuốc, túi da, giày da, còn có mấy thanh kiếm và đao nhỏ giắt lưng nữa. Toàn là những thứ chuyên dụng, thuốc chắc là phải có rồi, trừ khi.
– Để cô nương xem đi, dù sao cũng không thể tệ hơn.
A, xem ra vết thương rất tệ rồi!
Mai đành bước lại chỗ Trần lão, hỏi tỉ mỉ vết thương từ đâu, bao lâu rồi, hiện giờ ông cảm thấy thế nào. Đúng là người có ý chí kiên cường. Mai vừa đưa tay sờ trán ông vừa nghĩ. Ông ấy sốt cao như vậy mà vẫn giữ được tỉnh táo, còn tự thân vượt rừng nữa. Chắc chắn là vết thương nhiễm trùng rồi. Vuốt cọp, dù là chúa sơn lâm thì cũng không phải loài ưa sạch sẽ, thích tắm rửa. Trong móng vuốt của nó vi trùng rất nhiều, gặp ngay vết thương hở thì bọn vi trùng như gặp đại tiệc rồi.
Mai nấu thêm hai nồi nước sôi, cô hỏi mượn thanh đao sắc trên người Trần gia, rồi nói:
– Cháu sẽ rạch vết thương, nặn máu độc rồi mới rịt thuốc. Sẽ rất đau, rất xót.
– Ta biết, cô nương cứ làm.
Mai còn hỏi ông có muốn cắn vải để tránh cắn phải lưỡi lúc đau hay không. Ông có vẻ suy nghĩ rồi gật đầu ra hiệu một hộ vệ đưa cán đao đến.
Phải rồi, phụ nữ và con nít mới cắn vải, ông ấy thì cắn đao mới đúng.
Lúc vết thương được tháo ra thì đúng như Mai dự đoán. Thịt bị thối rửa, vùng da xung quanh ửng đỏ, chuẩn bị làm mồi cho vi trùng. Cô hơ lửa lưỡi đao nhỏ, rạch vết thương, dùng vải sạch và nước ấm vệ sinh vết thương.
Công việc này ở thời hiện đại chỉ là chuyện nhỏ. Bác sĩ có đủ dụng cụ thanh trùng, chỉ cần dạn tay là làm được. Bệnh nhân thì có thuốc giảm đau, thuốc tê nên không cảm thấy gì.
Còn ở đây thì chuyện này là một cực hình với bệnh nhân. Người nào yếu là ngất xỉu, mê mang luôn. Và chuyện thanh trùng hơi khó, chuyện phải mở vết thương ra lần nữa rất dễ xảy ra. Lúc Mai sắp rịt vết thương và băng bó, cô quay lại hai hộ vệ nói:
– Thúc lại gần đây, cháu chỉ cách đắp vết thương và băng vải.
Sau khi ra khỏi rừng thì họ đã đi hai hướng rồi, dù sao cũng nên hướng dẫn để họ săn sóc cho lão gia nhà mình.
Lúc cô tập trung chỉ cách quấn vải, cô không thấy được ánh mắt Trần gia trầm xuống một chút. Là đang trách họ lôi người nhà cô vào nguy hiểm sao? Không phải ông đã nhường chiếc ghe duy nhất cho dượng cô đi về trước?
Nói thật ra thì không phải ông nhường, mà ông không thể giành chiếc ghe đó. Nguyễn gia và người Chân Lạp này hiểu rõ khu rừng, mà chắc chắn Nguyễn gia chỉ để chiếc ghe cho em rể mình về thôi. Ông nhường một bước sẽ nhận lại trợ giúp từ hai người này. Lúc đó mới có thể an toàn ra khỏi nơi đây.
Bằng chứng là mấy hôm loanh quanh trong rừng nhưng họ vẫn tránh con hổ dữ kia. Hộ vệ của ông quen chinh chiến sa trường, nhưng kinh nghiệm đi rừng, đi sông thì không thể nào sánh bằng dân địa phương được.
Hơn nữa trong nhóm người trên chiếc ghe quay về có một thân tín đi thông báo tin mật gấp. Bên kia khi nhận tin này sẽ thêm phần thắng, ông không cần lộ diện không cần thiết.
Ông nghiến chặt răng vào cán đao khi cô bé siết băng vải. Lúc thấy có cô gái nhỏ trong đoàn người ông rất ngạc nhiên, ai lại dẫn vào rừng nguy hiểm người như vậy, còn phải cõng nữa, thêm gánh nặng. Nhưng mà bây giờ ông hiểu tại sao cô bé này đến.
Những vết thương không được chữa trị kịp thời còn nguy hiểm hơn quân thù trước mặt. Một người khi bị thương mất máu, choáng váng rồi thì chỉ là vô dụng. Họ có thể phải ở trong rừng này thêm mấy ngày nữa, thức ăn nước uống không là vấn đề, những vết thương lở loét mới là chuyện lớn. Cô gái nhỏ này đúng là rất cần thiết.