Gần cuối tháng tám thì Vãi Pran và hai thầy trò của thầy đồ về làng. Dương ông trưởng làng và mấy người lớn trong làng đều ra đón. Mấy đứa nhỏ thì rối rít thập thò đứng phía xa nhìn. Thầy đồ mặc bộ đồ dài màu xám, đầu vấn khăn xanh, gương mặt hơi dài, môi hơi mỏng. Ông cỡ hơn bốn mươi, lưng đã hơi còng, là do viết chữ nhiều sao?
Ha, giọng nói chuyện còn giữ nhiều âm sắc người miền ngoài, cách dùng từ cũng văn vẻ. Có lẽ ông biết mình nói hơi khác dân bản xứ, nên ông nói rất chậm rãi. Thỉnh thoảng chen vài từ bản địa. Mai hơi mỉm cười, gật gật đầu. Xem ra thầy đồ không phải cổ hủ, thuần nho. Học hỏi và thích ứng người bản xứ là chuyện tốt, phải không? Giống như cô vậy, người ta hay nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” đó thôi.
Mấy đứa nhỏ cũng hiếu kỳ về học trò được thầy đồ dẫn theo. Thiếu niên hơi gầy, tay chân dài loằng ngoằng, thấy nhiều người nhìn thì cúi mắt, đứng yên sau lưng thầy. Chỉ có hai bàn tay khẽ nắm khẽ buông là tiết lộ bản thân đang căng thẳng.
Ngôi nhà làm trường học được xây ở giữa làng, trên khoảng đất cao. Có mấy bụi tre ở phía sau trường, phía trước sân được trồng hai cây sung. Dương ông nói hai cây này “phontg thủy” rất tốt. Cách một cái sân là nơi ở của thầy đồ. Ngôi nhà ba gian hai chái như nhà dân xung quanh, sân sau có mấy bụi chuối, mấy luống rau đã lên xanh.
Mai đợi mấy ngày sau, mới mang một tô tương hột thơm lừng đến chùa. Sư ông và Vãi Pran đang trò chuyện trong phòng. Cô chắp tay thưa hai người rồi trao cái tô đất qua nói:
– Nhà con làm món tương này từ đậu nành, gọi đơn giản là tương hột. Sư ông dùng thử có hợp không? Ăn với cơm nóng rất ngon, mà để lâu ăn dần được, không bị hư. Sư ông đậy nắp kín là được.
– Ha ha, được rồi. Ta nhận, ta vừa mới bàn chuyện lớp học với Vãi Pran. Lát nữa sẽ cùng Dương ông đến thăm chỗ ăn ở Trần sư phụ.
Trong lúc sư ông nói Mai cảm thấy Vãi Pran đang quan sát mình. Không biết sư ông đã kể chuyện gì rồi. Vị Vãi này là người Chân Lạp, là người dẫn dắt sư ông theo Phật Pháp. Chắc Vãi cũng có thanh thế trong Giáo hội, bản lĩnh cũng không nhỏ.
Mai rất muốn theo học chữ, có người hướng dẫn vẫn tốt hơn là cô tự mày mò rồi. Hiện trong nhà cô chỉ có a An, a Vĩnh và a Phúc là có trong độ tuổi đi học. A Vĩnh thì chắc sẽ không vào lớp. A An thì hơi lớn so với tuổi bắt đầu học. Mà mục tiêu của a An rất rõ ràng, chỉ học để làm bàn tính, ghi ghép sổ sách là được. Thậm chí ca ấy còn nói đã biết đủ các con số rồi, học chi nữa?
A Phúc thì, nghĩ tới là Mai lắc đầu. Ở nhà mỗi lần nhắc hắn học chữ, hắn sẽ như con loăn quoăn uốn éo, viết chữ thì còn tệ hơn con loăn quoăn. Không biết nghe ai nói vào lớp học một buổi, phải ngồi yên tập đọc tập viết hắn đã muốn rút lui, không muốn đến lớp. Hắn còn lý sự, viện cớ:
– Con đi học thì ai chăn vịt, cho gà ăn?
Cả nhà bật cười cái rần. Trời, làm như không có hắn thì gà vịt đói hết. Ngũ cô giải hòa nói:
– Con đi học một buổi hai canh giờ, ngũ cô coi chừng cho. Ráng học biết chữ với người ta chớ.
Thành ra, cô không đến lớp sẽ không thể hỏi ai trong nhà. Nhà Lưu bá thì đâu có ai đi học.
Mai tin là nếu Vãi Pran mời được Trần sư phụ về đây, thì ông cũng sẽ thuyết phục được thầy cho cô vào lớp. Nhưng mà ông ấy không lên tiếng, cô không biết cần làm gì để qua cửa này đây.
Thầy đồ họ Trần, đã đỗ tú tài gần mười năm trước ở quê nhà. Người lớn trong làng mỗi lần gặp đều chắp tay thưa Trần tú tài hoặc Trần sư phụ.
– Về nhà nhờ ca con mang mấy bảng chữ còn lại qua chỗ Trần sư phụ, con theo luôn.
– Dạ. Bạch sư con về.
Ha, vậy là cô có hy vọng rồi, là muốn thầy đồ nhìn cô sao. Nữ giới ở thời này đúng là thiệt thòi đủ thứ, chỉ muốn học vài chữ thôi mà! Đâu có muốn thi trạng nguyên tiến sĩ gì đâu!
Cô và An ca xếp hết mấy chữ gỗ lên ghe nhỏ, cô kéo a Phúc đi theo. Hắn nhăn nhó nhưng mà hiếu kỳ nên cũng lên ghe. Trời đã về chiều, gió thổi trên con rạch mát rượi. Mai ngồi cạnh a Phúc nhìn ra tứ phía.
– Tỷ, thêm hai nhà sàn nữa đó, hôm trước nhà đó bắt được con ba ba lớn lắm.
Nhìn tay a Phúc diễn tả, chắc hơn chục cân.
– Ca, hai nhà bên đó không mua dầu, họ đốt bằng cái gì?
Mấy đứa nhỏ để ý thấy hai nhà bên đó có mua đá lửa, kim chỉ nhưng không thấy mua dầu đốt. Không lẽ nào buổi tối không cần đốt đèn trong nhà? Hay họ mua bên quán của Lưu tam bá?
– A Phúc, đệ xem thử nhà họ có mua dầu ở quán bên kia không?
A Phúc hiểu ý gật đầu. Hắn còn nhỏ, theo mấy đứa nhóc trong làng chạy chơi khắp nơi, cũng dễ “thám thính” tình hình hơn. Mai nhìn a Phúc đã tròn thêm một chút nữa rồi, hai bàn tay càng múp míp hơn, mắt hai mí giờ chỉ còn mí lót. Da con nít nên vẫn mát mịn, rờ rất thích. Mai suy nghĩ rất nhiều chuyện học chữ của a Phúc, có nên ép hắn hay không?
Rõ ràng là hắn không thích, nhưng hắn bảy tuổi rồi, đúng tuổi học chữ. Những nhà trong làng có con trai ai cũng đang chờ xem tiền học, mua bút mực rồi giấy là bao nhiêu để còn lo liệu.
Chuyện học hành mười năm, hai mươi năm đợi ngày đỗ đạt thành danh nhà nào cũng mơ tưởng. Nhưng được bao nhiêu người đạt thành. Cuộc sống ở đây không giống như Chánh Dinh hay Kinh đô. Chuyện mưu sanh, ăn no mặc đủ mới là thiết yếu.
Nhà mình không đến nỗi thiếu tiền học, cũng có thể cáng đáng mười năm nhưng quan trọng là người học phải có thiên bẩm, còn phải có chí học hỏi rèn luyện thì mới được. Người ta hay nói “ngọc bất trát bất thành khí”, nhưng mà cốt lõi đó phải là ngọc mới được.
Mai liếc mắt nhìn a Phúc đang hi ha kể chuyện “xấu” mấy đứa nhóc khác không khỏi phì cười. Phúc à, đệ không phải là ngọc, thôi thì để đệ làm chàng nông dân sống một đời vui vẻ là tốt rồi.
Lúc đến nhà Trần sư phụ thì người lớn đã đến, có Dương ông, sư ông, Vãi Pran và một lão ông râu dài hơi bạc. Mai đoán là Nguyễn lão ông lâu lâu mới xuất hiện. Nghe nói ông ấy đã từng học chữ mấy năm lúc ở nguyên quán. Nguyễn bá được ông dạy nên cũng biết vài chữ.
Trần sư phụ kêu thiếu niên Đồng Sanh ra phụ ba đứa nhỏ. Huynh ấy chắc cỡ tuổi a An, vóc người cao hơn nhưng không mạnh khỏe, chắc nịch như An ca. Điển hình của thư sinh nho nhã, dài lưng tốn vải đây mà.
Mai đi vòng ngoài cửa chuyển đồ nghe loáng thoáng câu chuyện bên trong. Đang bàn chuyện khi nào bắt đầu thu nhận học trò, tiền học, chuyện sinh hoạt của hai thầy trò Trần sư phụ tính sao.
– Sanh nhi là nghĩa tử của ta, theo học cũng mấy năm rồi. Theo lời Nguyễn lão và Dương ông, mỗi ngày học hai canh giờ buổi sáng cho thuận tiện. Ta có xem qua sách Vãi đưa, sơ học quyển đó phù hợp, đợi thời gian sau, trò nào tiến bộ thì tách lớp dạy thêm quyển mới. Những chuyện khác đều theo sắp xếp của Dương ông.
– Mai, con vào đây.
A, gọi mình vào sao? Mai trao mấy bảng gỗ đang cầm cho a An rồi vuốt thẳng vạt áo đi vào. Trần sư phụ nhìn nhanh qua gương mặt cô, hỏi:
– Bảng tập viết chữ là nhà cháu làm sao?
– Dạ phải.
– (Hừm,) Trong giờ học ta cần người dâng trà nước, cháu đến làm được không? Ta có trả chút tiền, lúc không có việc cháu ngồi phía cuối lớp là được.
Hả, là sắp xếp cho cô tham gia học bằng cách này sao? Cũng thiệt là,… mà như vậy cũng được rồi!
– Dạ, đa tạ bá, cháu sẽ xin cha nương.
Hôm sau, các nhà trong làng đều hỏi nhau chuyện cho đứa nào đi học. Học phí là hai quan một năm, chưa kể tiền giấy, bút, mực. Mỗi ngày hai canh giờ, lúc mùa vụ thì được nghỉ ở nhà làm việc. Con trai từ bảy đến mười lăm tuổi đều có thể đăng ký học. Qua ngày rằm tháng chín này là ngày tốt sẽ bắt đầu khai giảng lớp đầu tiên.
Có một thúc thúc trong làng đến cưa gỗ nhà Mai nói:
– Nhà ta chỉ để đứa lớn đi học, đứa nhỏ phải đợi năm sau coi như thế nào mới tính. Mà Trần tú tài muốn khai hoang hai mẫu đất trồng ít lúa năm sau. Ta xin Dương ông nói giúp, ta cuốc đất bù tiền học phí, không biết được không.
– Vậy hả, ta không biết để xin. Sắp đến vụ mùa rồi, đi học không được mấy ngày. Mấy đứa con ta đều để qua năm mới học, đâu có gấp gáp gì.
Mỗi người một câu, tùy hoàn cảnh mỗi nhà mà sắp xếp. Trần sư phụ biết làm ruộng sao? Nhìn hai bàn tay của ông ấy và Đồng Sanh đều có vẻ như chưa hề cầm cuốc, cầm liềm. Đúng là phải nhờ người trong làng giúp rồi. Mà trao đổi như vậy lại tốt, hai bên đều hưởng lợi.