Sau một đêm thì mọi chuyện trở lại bình thường, ai lo việc nấy. Nương, lục cô và a Lan nấu bữa sáng, Mai phụ mấy đứa con trai đem giàn phơi mực, mẹt cá ra sân. Mùa này phơi cá khoẻ nhất, sáng chiều mang ra hai lượt là xong. Nếu là mùa mưa thì phải nhìn trời, nhìn trăng xem có mưa hay không mới dám mang ra. Mà lúc đó không khí ẩm cá rất dễ ương, thúi, có khi phải hong cá trên bếp than cả đêm.
Mai cẩn thận kéo a Bình ra góc sân:
– Chút nữa ca nhớ xin đi theo ông nội và cha vô Đông Hồ.
– Tại sao?
A Bình thắc mắc.
– Có việc, muội sẽ nói sau.
Mai nhanh giọng đáp rồi quay vào trong nhà.
Mặt trời chưa lên mà bãi làng chài đã tan, ai neo thuyền thì neo, ai mang cá đi bán thì đi. Rất nhiều ngư phụ, bé gái mang thúng cá tôm về nhà. Cá lớn thì bán, cá nhỏ, tôm, nghêu sò thì mang về. Vào mùa sò, dân làng chài cũng không muốn mang chúng về mà quăng lên bãi cạn.
Tối qua nhà Mai không đi đánh cá, nhưng sáng sớm ông nội cùng người lớn trong nhà cũng đi ra bãi xem những nhà khác. Thỉnh thoảng phụ kéo ghe lên bãi. Ông cũng đến xem lại cái ghe đã sửa hôm qua. Về đến nhà, ông đã dặn bà nội dọn cơm sáng.
– Ta có hỏi trong làng, nhà Chu bá vô Phương Thành (1), cho mình đi nhờ theo.
Ăn sáng là cháo nghêu, khoai và chuối. Mấy nải chuối còn lại sau một đêm đã chín tới, còn một chút vị chát nhưng lại giòn hơn chuối quá chín. Mai vừa ăn cháo vừa chú ý nghe bàn trên nói chuyện, trong lòng hơi lo lắng không biết Bình ca có nói theo cô dặn hay không.
– Ông nội, con đi theo ông và cha vô trong đó được không?
Cuối cùng cũng lên tiếng, Mai thở nhẹ. Ông nội và cha chắc sẽ đáp ứng. Lần này vô đó là quyết định dựng nhà, xin đất, là chuyện lớn của nhà Mai. Bình ca là con trai lớn trong nhà, dù con nhỏ cũng cần tham dự. Tính tình Bình ca ít nói, làm được việc, từ trước giờ cha hay dẫn theo ra ngoài.
– Cha, để a Bình theo cũng có người phụ việc lặt vặt.
– Được, tối nay ngủ lại trong đó một đêm, bà mang đồ đơn giản thôi.
Ông nội nói vọng xuống bàn dưới với bà nội.
Ăn cơm xong, Mai đi xuống sau nhà phụ rửa chén. Vừa cúi xuống cô đã nôn ra gần hết cháo. Cúc tỷ đứng gần đó thấy vội kêu to:
– Nương ơi, a Mai bị nôn!
Nương và a Cúc vội chạy đến đỡ Mai vào trong phòng. Cô vẫn tiếp tục nôn, mắt đỏ hoe, người lảo đảo.
– Mai, con sao rồi? Nằm xuống đây. A Cúc ra lấy cái chậu đi. A Vĩnh, con rót ly nước nóng.
Nguyễn thị cuống quít, thấy Vĩnh ca chạy đến cũng kêu giúp.
– Con không sao, nương. Chỉ muốn nôn thôi.
Mai cất tiếng khàn khàn nói như hết sức. ‘Xin lỗi nương’ cô thầm nói. Mai nôn thêm một chút vào chậu để dưới đất, xúc miệng rồi nằm im trên giường. Tiếng Nguyễn thị đang nói.
– Chàng xem xin với cha được không? Ta lo quá.
– Ừ, nàng xếp đồ cho con đi. Ta xin cha.
Mai nằm khép mắt trên giường, nghe tiếng nương thở dài rồi xếp quần áo trên kệ vào túi vải. Phía nhà trên loáng thoáng tiếng cha nói chuyện, nghe không rõ lắm. Bà nội cũng vào phòng ngồi bên giường, sờ trán Mai hỏi:
– Còn nôn nữa không? Haiz,… Sáng nay cha con bảo ta đưa cho a Tâm tiền. Giờ ta đưa con luôn, xem lang y nói sao. Bệnh chữa càng sớm càng tốt, để lâu không được đâu. Vợ chồng con đừng vội, ở nhà có nương lo.
– Dạ, cảm ơn nương.
Giọng bà nội chầm chậm, từ tốn ẩn ẩn lo lắng làm Mai thấy ấm áp. Ông bà nội lúc trước cũng rất thương cô. Thời hiện đại ít con cháu nên ông bà nội yêu quí, chăm sóc cháu. Giờ bà nội có mười mấy cháu nội ngoại mà bà vẫn quan tâm lo lắng như vậy thật hiếm có.
Thay vì chỉ có ông nội và cha đi thì giờ thêm Bình ca, có nương theo để săn sóc cho Mai. Thấy cả nhà lo lắng, cô cúi đầu hơi thẹn, là cô móc họng nôn để được trở vô trong đó. Cô muốn tham gia ý kiến trong việc dựng nhà mới, cô tin sẽ giúp nhà mình sau này. Bây giờ đành phải xin lỗi mọi người trước.
Lần này cha nhất định cõng cô từ nhà ra ghe nhà Chu ông. Bến ghe cách cũng không xa lắm, ngay góc cua ven bờ lặng sóng.
– Chu huynh, nhà ta đi thêm ba người nữa. Thật xin lỗi, làm phiền huynh.
– Không sao, ngồi được.
– Tạ ơn huynh, chúng ta chèo đoạn này. Huynh và a San nghỉ chút đi.
– Được, được.
Chu ông cũng không khách sáo, dù sao ông và a San cũng đánh cá vất vả đêm qua. Ghe đánh cá biển lớn hơn ghe sông, thành ghe cao hơn ngăn sóng biển. Nắng và gió sớm mai mơn man nhẹ nhàng, chỉ có Mai được đặt nằm trong mui. Chu ông và San bá ngồi bên ngoài nói chuyện với ông nội. Cha thì đang chèo ghe, ghe đang xuôi theo dòng vào vũng Đông Hồ nên cũng không mất nhiều sức.
Người dân ở đây rất rành tận dụng ‘thuận’ dòng nước, tiết kiệm sức. Buổi chiều, Chu ông cũng sẽ ‘xuôi dòng’ từ Đông Hồ ra lại làng chài.
Mai rất muốn nhìn phong cảnh cửa biển và dọc theo dòng sông nhưng cô không dám. Cô phải giả bệnh ít nhất cho đến nhà Lưu bá mới được.
– Gần đây, chợ cá miệt trong đông người hơn. Nghe nói nhiều nhà tránh đi đã trở về. Haiz,… cũng mấy năm rồi không nghe nói giặc Xiêm La đến nữa.
– Cũng mong như vậy, chưa nghe nói tăng số lượng sản vật phải dâng nạp.
Giặc Xiêm La, dâng sản vật? Tin tức này làm Mai tỉnh người. Cô hoàn toàn không biết việc này, phải cẩn thận lưu ý mới được, lại thêm một nỗi lo lắng nữa. Trời, hy vọng không có đánh nhau nha.
Nhóm trẻ im lặng ngồi nghe Chu ông và ông nội nói chuyện. Lát sau thì nội nhắc Chu ông nghỉ ngơi nên trên ghe yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng ‘cạch, cạch’ do cây sào chạm vào thành ghe.
Nguyễn thị chốc chốc lại rờ trán Mai, thấm nước vào khăn tay nhỏ, lau mặt cho cô. Tối qua ngủ ngon nên giờ cô không buồn ngủ, giả bệnh cũng khổ. Sáng ăn bao nhiêu đều nôn ra, bây giờ bụng thấy hơi đói. Cô xin nương chút nước uống đỡ vậy. Cha cô thấy vậy càng chèo nhanh hơn. Bình ca cũng lấy chèo phụ bò về phía đầu này ghe giúp sức.
Gần trưa thì đến nơi, cha cõng Mai từ bờ sông lớn hướng vào nhà Lưu bá. Có thêm người nhà Lưu bá từ làng chài vào nên số người dựng nhà đông hơn. Mọi người đang làm việc hăng say, tiếng nói chuyện rôm rả, Thỉnh thoảng có tiếng trêu đùa mấy cậu trai trẻ.
Lưu bá thấy nhà Mai đi đến đã vội ra đón.
– Lê bá, nhà Lê tứ đệ đến rồi.
Ông nội, cha và Bình ca đi sân trước, nương dìu Mai vào sân sau. Lưu bá mẫu và tam Mi tỷ đứng ở sân sau nhìn ra.
– A Mai sao vậy?
Lưu bá mẫu đưa tay xách giúp túi vải trên vai nương, cùng vào nhà.
– Sáng nay a Mai nôn quá, ta sợ nên đưa đến nhờ lang y xem.
– Nương, con đói bụng.
Mai không muốn nương mời lang y tốn tiền, mà nhà nàng phải để dành tiền dựng nhà mới nữa. Nhưng cô cũng không thể nói không mời lang y, chắc chắn nương sẽ không đồng ý. Cách hiện thực nhất là để nương thấy cô không còn nôn nữa, kéo dài thêm thời gian – chưa vội mời lang y. Sau đó thì cô khoẻ mạnh, hết bệnh.
– Ăn cháo cá được không?
Lưu bá mẫu hỏi nương Mai.
– Được, để ta làm, phiền nhà tẩu quá.
– Nói vậy làm gì.
– Ta tính mượn nhà cũ bên kia một hai ngày, được không?
– Được, sao không được.
Nghe hai người nói chuyện, Mai chen vào:
– Giờ mình qua đó luôn đi nương. Bá mẫu còn lo cơm trưa mà.
– Ừ, đi đi.
Nương ra ngoài rồi quay lại cùng Bình ca. Lưu bá mẫu đưa ít gạo trong chậu, mấy con cá bị xỏ mang bằng dây lạt, dặn:
– Ta còn để nồi niêu bên đó, nấu cháo cho a Mai thôi, cơm qua bên này ăn, khỏi nấu rườm rà.
– Đa tạ tẩu.
Ba mẹ con đeo túi vải quần áo, chậu gạo, cá đi lại nhà cũ hôm trước. Con đường đất có thêm nhiều vết nứt, đất khô cứng hơn. Bây giờ là ngày nóng nhất trong năm, mặt trời gay gắt, mồ hôi vừa rịn ra đã bị nắng gió làm khô, dính vào người như lớp dầu.
Múc mấy gàu nước trong lu trước bếp, nương vo gạo nhóm bếp, Bình ca thì mang cá ra bờ rạch làm sạch, Mai vào nhà lên giường soạn quần áo trong hai túi vải. Túi của ông nội chỉ có hai bộ quần áo nửa cũ nửa mới, một cái khăn vấn đầu.
Túi nhà Mai nhiều đồ hơn, có túi gút nhỏ được nhét trong áo nương, là túi tiền bà nội đưa sáng nay. Lần này dựng nhà không biết tốn bao nhiêu, còn hạt giống lúa, khoai nữa. Nhà Mai trước đây đánh cá, những cái này không có, chắc phải mua rồi. Còn mấy dụng cụ cuốc, liềm, nồi niêu nữa, nghĩ đến là rầu.