Hơn một canh giờ thì đến ngả bảy Phụng Hiệp. Đoạn này chỉ là một nhánh của Hậu Giang nên mặt sông nhỏ hơn nhiều. Nhớ tới chuyện tai nạn hôm trước ở khúc sông này, vậy lúc nước lũ về càng có nhiều ghe xuồng chìm sao? Xuồng phải lớn như vầy mới mong lèo lái qua cơn lũ. Mai không khỏi chăm chú nhìn từng chi tiết chiếc ghe, cô thầm ghi nhớ trong đầu.
Thấy chiếc ghe lớn tiến vào, mấy nhà đầu làng đều đi ra nhìn. Chuyện về nhà hôm nay không báo trước nên ông bà ngoại, mợ hai và tam tẩu đều ra ruộng. Trong nhà chỉ có a Cơ và hai nhóc Duyên, Phúc đang cho gà vịt ăn và đùa giỡn trong sân. Vĩnh ca và thất thúc đi lên trước vào nhà sắp xếp bàn ghế. Nương đi vội ra sau bếp bắt nồi nấu nước, kêu a Cơ chạy ra ruộng mời ông bà về nhà.
Nhà trên cậu hai mời Bùi quản gia vào trong bàn khách dài giữa nhà. Nhóm mấy người lính thì tự giác chia hai nhóm. Nhóm đứng gác ngoài cổng, nhóm theo vào ngồi một bên bộ ván. Chưa uống hết chung trà thì ông bà ngoại về. Ông ngoại sửa lại khắn vấn đầu rồi bước ra chào khách. Bà ngoại thì vào bếp với nương, nhỏ to kể chuyện đã xảy ra.
Nhà trên Bùi quản gia hỏi thăm gia cảnh, chuyện vãn vài câu thì nói muốn đi xem mấy cái ghe. Bên ngoài cầu ván, mấy đứa nhỏ đang ngắm nghía cái ghe lớn đẹp đẽ, còn ganh tỵ với a Vĩnh và Mai được đi trên ghe lớn. Lúc Bùi quản gia đi ra nghe mấy đứa nhỏ vẫn còn rì rầm nói chuyện thì quay lại nói với ông ngoại:
– Nguyễn bá để các cháu lên ghe luôn đi.
– Thật ngại quá.
– Không có gì, đừng khách khí.
Nói rồi ông còn ý tứ nhìn Mai và a Vĩnh một cái. Cậu hai hiểu ý gật đầu, dặn mấy đứa:
– Tạ ơn Bùi quản gia. Lên ghe không được phá đó.
– Dạ.
Ngoài cửa tiệm vang lên tiếng cưa đục, xẻ gỗ. Sinh ca, Bình ca và Hữu ca đổ mổ hôi dầm dề, sắp đến giờ nghỉ trưa, chắc là làm ráng. Ông ngoại đi trước dẫn giải mấy câu về chuyện mở tiệm, xưởng đóng thì ở nhà Mai ở tận Đông Hồ.
Bùi quản gia vừa nghe vừa đưa mắt quan sát xung quanh. Vị trí đúng là rất thuận lợi, chuyện sửa ghe cho khách thương hồ qua lại cũng kiếm được tiền, lại làm bước dẫn cho khách đến mua ghe. Đúng là khéo tính toán.
Trên sông có chiếc ghe nhỏ cập vào bờ, là một lão ông và thiếu niên. Lão ông nhanh nhẹn bước lên chào ông ngoại. Cậu hai và Sinh đều đi lên chắp tay thưa. Thì ra là ông nội của tam tẩu, là bằng hữu thâm giao của ông ngoại.
Nhóm người không vào trong nhà khách mà dừng lại xem mấy cái ghe. Bùi quản gia và nhóm tùy tùng đi theo đều ngạc nhiên nhìn hình dáng cái ghe nhỏ, thật sự mới lạ, bộ dạng ngồ ngộ.
– Có thể cho người của ta lên thử không?
– Đương nhiên, mời Bùi gia.
Bùi quản gia gật đầu, một người lính chắc là trưởng đội bước lên ghe chèo thử. Ông nhìn các “bậc thang” trong lòng ghe, nhanh chóng nắm được công dụng của nó, đứng trụ vững vàng trên các bậc rồi chèo đi. Nhìn xem ông không tốn chút sức nào, lượt về ông lại ngồi xuống chèo thử, chiếc ghe cứ thế lướt nhẹ trên mặt nước.
Ông gật đầu nhìn Bùi quản gia. Ông ngoại nhìn bóng nắng chắp tay mời:
– Mời Bùi quản gia ở lại dùng bữa cơm đạm bạc.
– Đa tạ Nguyễn bá, ta phải về trấn có việc. Hẹn Nguyễn bá lần sau sẽ làm phiền.
Miệng nói là muốn về nhưng chân ông không bước ra. “Còn chuyện gì sao?” Mai thầm nghĩ trong bụng, “Không phải muốn đến biết nhà biết chỗ thôi sao? Muốn đền ơn?”
– Bùi bá bá thấy ghe này không? Rất tiện lợi mà giá lại rẻ nữa, chỉ có nhà cháu đóng được thôi. Bùi bá đi nhiều nơi, quen biết nhiều, nếu thấy có ai cần, giúp giới thiệu đến mua. Nhà cháu rất cảm ơn.
Nghe Mai nói xong, ông ngoại tiếp lời:
– Phải, nhà lão mới ra làm ăn. Sau này nhờ Bùi quản gia lưu ý một chút.
“Chỉ vậy thôi sao? Không đòi hỏi gì thêm à?” Nghĩ vậy, nhưng ông chắp tay cười nói:
– Đương nhiên, Nguyễn bá chớ khách sáo. Hay là như vầy đi, ta mua chiếc ghe này về dùng việc trong nhà. Sau này có ai cần ta cũng dễ dàng nói chuyện.
– Vậy thì đa tạ. Ghe này để giăng câu thả lưới trong rừng thưa, hoặc vào mùa nước nổi là tiện nhất.
Chuyện mua bán rất nhanh, Bùi quản gia trả tiền xong thì thong thả từ biệt lên ghe về. Haiz, tiễn xong “khách quí” về rồi, nhóm người lớn thở phào nhẹ nhõm. Lần này bán được chiếc ghe nhỏ mà cả nhà không vui chút nào. Ông ngoại và cậu không hiện ra nét mặt nhưng ánh mắt có vẻ cảnh giác. Là lo lắng chuyện Bùi gia “muốn” gì sao? Hai bên đều thăm dò qua lại, Bùi gia bên kia chắc cũng muốn biết nhà Mai sẽ “đòi hỏi” trả ơn cứu tiểu thơ đó bằng cái gì đây mà.
Trời ơi, không cần nghĩ nhiều như vậy, đợi vài ngày họ biết là nhà mình không mong được hồi đáp thì sẽ yên lòng thôi. Chỉ là có một chuyện “bí mật” về cái ghe nhỏ cô cần nói trước với ông ngoại và cậu, phòng hờ thôi. Mai theo ghe về nhà ăn trưa rồi ngủ một chút.
Lúc cô ngủ dậy đã qua giờ mùi, nước lớn rồi, tiếng bìm bịp kêu vang. A Vĩnh đã dậy trước đang lom khom ngoài vườn. Mai ra bờ hào chỗ a Cơ và hai đứa nhỏ vừa chăn vịt vừa nặn đất. Bầy vịt lớn nhanh, mỗi con đã được cỡ một cân rồi. Mấy đứa nhỏ vẫn còn bàn tán về chiếc ghe lớn sáng nay.
– Sáng nay tỷ được đi xe ngựa hả? đã không?
Mai hơi bĩu môi nói, ngồi xe ngựa lúc đường bằng thì được, gặp đường đất gập ghềnh thì trời ơi, đau mông đau lưng muốn chết. Mấy đứa nhỏ ha ha góp lời vào. A Phúc hỏi:
– Tỷ, nhà mình đóng được ghe lớn giống vậy không? Tỷ vẽ đi, cho cha đóng.
– Chưa được đâu,
“Tưởng dễ lắm hả nhóc?” với nữa ghe lớn thì cần nhiều người chèo, không thấy ghe đó cần sáu người mới chèo được, nhà mình ai chèo đây? Nhưng mà mai đang nghĩ đến cái ghe đủ lớn hoặc là cái bè thành cao hơn để chở ghe mới từ Đông Hồ vào đây. Khách mua thấy ghe mới toanh chưa hạ thủy sẽ thích hơn nhiều là ghe đậu dưới bến, đúng không? Rồi còn chuyện lật ghe nữa, nghĩ cách để ghe nhà mình an toàn hơn, giảm tai nạn.
Buổi chiều lúc từ cửa tiệm về Hữu ca chọc Mai,
– Nghe nói là mấy ngày nay a Mai oai lắm nha, được làm khách sang.
Ha ha, là thất thúc kể rồi. Mấy hôm nay Mai thấy thúc ấy rất thích nghe chuyện từ mấy thúc bá lính tráng kể, còn theo cậu đi tửu lâu nữa. Lúc chiều ở tiệm thúc ấy không khỏi khoe khoang những chuyện được nghe. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn; thất thúc nghe học nhiều là chuyện tốt.
Ha, đúng là mấy hôm được ăn gạo trắng, cơm thịt ngon miệng. Mai lại gần nhỏ giọng hỏi nương. Nương nghe cũng động lòng nhưng còn ngần ngừ, mợ hai cười nói:
– A Mai muốn ăn món gì hả? Coi mợ làm được không, mợ làm cho.
Mai cười cười dạ nhỏ, cô không trả lời mà nhìn nương. Nương đành nói:
– A Mai nói muốn làm món ngon đãi ông bà ngoại, là nó thấy nhà bếp Bùi gia làm. Chỉ là hơi tốn kém.
Mai biết nương cũng muốn làm món ngon cho ông bà ngoại, đúng là làm món này hơi “hoang phí” chút.
– Là món gì? Cũng không phải là không ăn được.
Có cậu hai lên tiếng, nương nói cách làm; là món xôi chiên gà. Thật ra món này không phải Mai thấy nhà bếp Bùi gia, chưa chắc họ đã biết món này. Xôi chiên gà là món khoái khẩu nhất của Mai ở hiện đại. Xôi chiên vừa giòn lớp ngoài vừa mềm lớp trong, thịt gà ngon lại béo, a, nghĩ tới đã thèm rồi. Món này nguyên liệu không khó tìm, gà và xôi nhà ngoại đều có. Chỉ có dùng dầu hơi nhiều, lúc chiên phải đổ ngập con gà và xôi thì mới ngon. Mai đã nói nương là chặt con gà làm bốn mới chiên, đã “tiết kiệm” dầu hơn rất nhiều rồi.
Mấy ngày nay ở chỗ Bùi gia ăn được món ngon, cậu hai và nương đương nhiên muốn người nhà cùng hưởng nên cuối cùng là đồng ý làm xôi chiên gà ăn sáng mai. Mấy đứa nhỏ hí hửng chờ món ăn mới, sốt sắng bắt ba con gà, ngâm nếp.
Buổi tối nay Nguyễn gia yên bình trôi qua. Nhà Bùi gia ở Trấn Giang thì không được vậy. Bùi tam công tử ngồi trong phòng nghe quản gia báo mấy chuyện trong ngày. Đến chuyện đi Nguyễn gia thì hỏi thêm:
– Thúc có hỏi thăm xung quanh không?
– Bẩm có, Nguyễn gia cũng được lòng người trong làng. Đúng là mới mở bán ghe gần đây, những chuyện khác không có điều tiếng gì. Chỉ là công tử xem cái ghe nhỏ này thử. Ta thấy rất lạ, với dạng đó mà giữ được thăng bằng tốt vậy thì chưa từng thấy.
Công tử gật đầu, ra dấu chú ý.
– Lúc chiều a Bàn và nhóm lính chèo thử mấy lượt, nếu dùng loại này đi tuần trên mấy vùng đồng bưng rất thuận lợi. Vận chuyển quân dược hay truyền tin rất nhanh, lại kín đáo.
Vừa nghe đến đó Tam công tử càng tập trung. Trương Bàn là đội trưởng trong nhóm quân thân cận, là người có kinh nghiệm dày dạn, nếu đã nói vậy thì chiếc ghe này quả đáng xem. Tam công tử nghĩ vậy liền đứng dậy, ra hiệu đi ra ngoài xem cái ghe. Bên ngoài trời đã tối hẳn, trăng hạ tuần đã qua khỏi ngọn tre.
Để làm được món xôi gà chiên đúng bữa ăn sáng, ngoại, nương và mợ hai, phải dậy từ canh tư. Ba người nhóm bếp, làm gà, nấu xôi. Canh năm thì người trong nhà đã dậy, tam tẩu từ ngoài tiệm chống ghe vào phụ. Mùi gà và xôi hấp cách thủy bay ra thơm phức. Mấy đứa nhỏ chạy xuống bếp dòm ngó, mợ hai theo lời Mai nói khéo léo bọc xôi xung quanh gà rồi thả vào nồi dầu vừa sôi bắt đầu chiên. Lúc này mùi thơm càn lan rộng, bụng Mai đã réo inh ỏi. Hơn một năm rồi mới được thấy lại món này.
Hôm qua trong nhà chỉ có hai con gà mập, mợ hai qua hàng xóm mua được con gà mái mập mạp hơn ba cân. Sáng nay lại tốn nửa nồi dầu để chiên, nương gõ đầu Mai nói “Phá của”. Đúng là món ăn nhà giàu, đủ công phu mà hao tốn không ít. Bình thường nhà nào có tiệc mới dám ăn uống như vầy. Nói ra bên ngoài biết chắc bị đồn đại dữ lắm.