Lê nhị và Lê tam mặc dù không phải đối đãi hết lòng với người em khác mẹ này, nhưng sống chung cũng mấy chục năm, cùng nhau lớn lên. Ngày thường có chút so đo, khi gặp chuyện vẫn là đoàn kết, là người nhà. Lần này Lê tứ muốn ra ngoài, còn đi xa như vậy họ cũng bất ngờ, tự nhiên ngẫm lại mình cũng tệ quá nên em trai mới muốn đi?
Cách đây hai năm, khi a Vinh cưới vợ, nhà đông người không có phòng. Nhà Lê lão suy tính xây phòng mới cho cả nhà Lê nhị, đương nhiên là bên cạnh nhà chính, chứ không phải ở riêng. Chưa kịp làm thì Lê tứ gãy chân, tốn hết tiền trong nhà mới khoẻ lại. Sau đó, đành phải thu dọn một phòng nửa sau chái nhà cho vợ chồng a Vinh ở.
Năm nay a Hân đã gần mười tám, sắp cưới vợ; Lê lão còn chưa biết tính toán thế nào. Phía trên sườn núi vẫn còn mấy vị trí dựng nhà được, ông đang định gặp trưởng làng hỏi thăm; giờ con trai muốn vô miệt trong sinh sống làm ông suy nghĩ đủ đường.
Mấy đứa nhỏ biết đây là chuyện lớn, chỉ im lặng theo dõi, không dám chen miệng.
– Cha, ‘đất lành chim đậu’ là gì vậy? Con nghe Đỗ ông nói vũng Đông Hồ là đất lành đó. Tương huynh dẫn con với a Phúc, Bình ca đi tát đìa quá chừng cá tôm luôn; nướng, nấu canh ăn đều ngon.
Mai cất giọng hỏi cha nàng, giọng không lớn không nhỏ trong không khí yên lặng làm mọi người đều nghe được. A Phúc gật đầu liên tục.
– Tương huynh dẫn con với Bình ca đi tát đìa, quá chừng cá, con tự mình bắt được đó, con còn đào khoai trên ruộng sau nhà Lưu bá nữa,
Không biết a Phúc có hiểu ý Mai không nhưng nhóc huyên thuyên khoe khoang tự mình làm cái này cái kia. Vĩnh ca, An ca chăm chú nghe rất hâm mộ.
– Tương huynh nói năm sau muốn mua cái ghe nhỏ.
A Bình liếc Mai rồi không nhanh không chậm nói.
Cả nhà hít hà.
– Thật sự?
Tam bá mẫu nhanh miệng hỏi. Không trách được mọi người đều ngạc nhiên.
Ở vùng đất mà bước chân ra là sông rạch này, có một cái ghe là có cuộc sống tốt. Nhưng đóng ghe không dễ nên giá rất cao. Có nhà tích luỹ hàng năm mới mua được chiếc ghe đi lại, đánh bắt cá kiếm sống. Nhà ông nội Mai cũng vậy, để dành rất lâu mới mua được chiếc ghe hiện tại, là tài sản quí nhất trong nhà.
Nhà ở hư hỏng có thể từ từ sửa, chứ ghe hư là phải sửa ngay. Nhà tam bá mẫu khá như vậy cũng vì có chiếc ghe lớn, đi đánh bắt xa bờ, chở nhiều cá hơn. Tam bá mẫu hãnh diện vì cái này, không phải sao?
Nhà Lưu bá đến vũng Đông Hồ hơn một năm mà đã dành dụm đủ tiền mua ghe, thật sự làm mọi người hâm mộ!
Mai liếc nhìn Bình ca ‘ha, đúng là người càng ít nói, một khi nói ra là hù chết người ta’. Sau này Mai phải cẩn thận mới được, không để tên nhóc phát hiện ra ‘bất thường’ của cô.
– Hèn chi, Lưu tẩu nói lần dựng nhà này cũng không tốn bao nhiêu. Là muốn để dành tiền sắm ghe.
Nương Mai cũng thấp giọng nói.
– Cha, đi ghe từ đây vô đó xa không?
– Theo con nước thì chừng hai canh giờ là đến.
Những điều cần nói cũng đã nói, Mai kín đáo quan sát biểu tình của ông bà nội.
Gương mặt bà nội dàu dàu, nhìn con trai hơi cúi đầu cũng không thể không đồng ý. Đợi vài năm gả a Hạnh thì bà cùng a Tấn có thể ra đó thường xuyên săn sóc bù lại vậy.
Đứa con này của bà luôn lo nghĩ cho bà. Tuổi của Lê tam và Lê tứ gần nhau, từ nhỏ hắn luôn nhường Lê tam để bà không khó xử. Tiếng mẹ kế của bà muốn vuông tròn đành phải ép con ruột mình nhường nhịn.
– Hai canh giờ cũng không lâu, A Phúc, a Mai hai đứa phải nhớ về thăm bà đó.
Cuối cùng bà nội cũng lên tiếng. Như vậy coi như đồng ý rồi. A Phúc còn chưa hiểu thì Mai đã dịch lại gần bà, ôm bà nhõng nhẽo:
– Ngày nào cháu cũng về nha, cha không rãnh thì Bình ca chèo ghe đưa cháu về.
– Cháu đó, miệng thật ngọt.
Bà nội xỉ trán Mai nói. Được sự đồng ý của bà nội coi như hơn một nửa rồi. Lê lão vốn hiểu rõ tình cảnh Lê tứ, sớm muộn cũng phải tự mình lo kế sinh nhai, bây giờ vợ chồng nó đang khoẻ cứ tách ra tìm cách sống. Ông ở đây dành dụm còn giúp được vài năm. Nghĩ xong, ông quay sang hai con trai lớn dặn.
– A Tân, a Kim, mấy ngày này hai đứa ra biển. Cha đi cùng a Tâm vô trong đó xem sao.
– Có Lưu bá con trong đó cũng nhờ giúp một chút. Nếu kịp có thể gieo lúa mùa này, đến hết năm cũng có lương thực giằng bồ (1).
– Được cha.
Mai thở dài, thông qua cũng không khó. Những ngày sau không biết Mai có hối hận không, nhưng con người cần tiến từng bước một, khó khăn thì cố gắng vượt qua thôi.
Ai cũng có tâm tình riêng nên không ai nói thêm nữa. Ông nội đứng dậy vào nhà trong chuẩn bị đi ngủ.
Đêm nay là hạ tuần tháng ba, trăng còn chưa lên, chỉ vài ánh sao nhấp nháy phía xa. Ánh sáng yếu ớt không đủ sáng mặt biển. Làng chài nằm khuất dưới chân núi và mấy cây cổ thụ càng tối hơn. Chỉ còn vài ngôi nhà leo lét ánh đèn dầu trông thật lẻ loi, tội nghiệp.
Người đã từng thấy ánh đèn sáng rực bãi biển ở thời hiện đại như Mai nhìn khung cảnh này càng cảm khái sự khác biệt của thời gian và không gian. Bao trùm cảnh đêm là tiếng sóng biển và tiếng gió hú. Thiên nhiên ngự trị hoàn toàn. Nếu như đêm có bão thì càng doạ người hơn.
Trong căn phòng ngủ nhỏ, giường sát vách ngoài là của Cúc tỷ, Mai và bé Trúc. Mai nằm phía trong sát cửa sổ đã khép.
– A Cúc, ở trong đó được lắm hả?
Lục cô nhỏ giọng hỏi. Hai cái giường chỉ cách nhau một lối đi, lục cô cùng Cúc tỷ đều nằm phía ngoài nên thì thầm nói chuyện. Ở đây chữ ‘được’ nghĩa là tốt lắm.
– Trong đó, nhà không sát nhau như ở làng mình. Cách xa nhau, đi một đoạn mới tới. Nhưng mà ruộng thì sát bên nhà. Tam Mi tỷ nói có con trâu cày ruộng, nếu có tiền mua con trâu về sẽ đỡ vất vả. Mà nó còn kéo xe được nữa. Nhưng nó mắc tiền lắm.
Cúc tỷ cứ thì thầm, a Lan cùng nghe, thỉnh thoảng hỏi này kia, bé Trúc xoay xoay một hồi thì ngủ. Mai không biết làm ruộng, cũng chưa biết rõ cuộc sống ở Hà Tiên thời hiện đại ra sao. Cô có tới đây một lần lúc nhỏ, nhưng chỉ nhớ vài hình ảnh và vài thông tin tóm lược lịch sử Hà Tiên qua các chương trình du lịch bốn phương.
Tuy nhiên, kiến thức cơ bản về địa lý, tự nhiên miền này cô cũng biết. Cô muốn theo ông nội và cha quay lại Đông Hồ ngày mai để ‘tư vấn’ cha khi cần thiết. Bình ca cũng cần đi theo. Sau buổi tối nay, cô và a Bình đã ‘nhìn’ ra nhau và cùng phát hiện ra rằng cả hai sẽ ‘hợp tác’ được.
Làm cách nào để ông và cha đồng ý cho cô theo. Thuốc mà lang y bốc chắc có loại an thần nên cô thấy buồn ngủ. Ah, có cách rồi, Mai mỉm cười trước khi chìm sâu vào giấc ngủ.
Phía sau gian thờ, khoảng giữa nhà chính và bếp đặt mấy cái giường tre cho đám cháu trai ngủ. Mấy đứa nhỏ cũng chưa ngủ mà rì rầm kể chuyện, thỉnh thoảng a Phúc ré lên, A Bảo – con trai thứ hai của nhị bá – thì cười ha ha, chắc đang nhát nhóc con đây.
– Còn chưa chịu ngủ, muốn ăn đòn phải không?
Nhị bá từ phòng trong nói vọng ra. Đám nhóc im được một lúc lại rì rầm, lâu sau thì từ từ cũng ngủ hết.
Trong phòng nhỏ của vợ chồng tam bá thì tam bá mẫu đang kề sát nói:
– Lần này tứ đệ dựng nhà chắc tốn thêm tiền nữa. Liệu còn tiền cưới vợ cho a Hân không?
– Cha sẽ tính toán, dù sao lần này tứ đệ đi xa như vậy, cũng phải cho đệ ấy nhiều một chút.
Lê tam không kiên nhẫn nghe vợ cằn nhằn. Từ lúc Lê tứ nói muốn chuyển đến Đông Hồ, ông thấy hơi ‘hụt hẫng’. Hai người gần tuổi nhau, ông luôn so đo tính toán sợ kế mẫu chỉ lo cho con ruột, xử ép anh em mình. Giờ thì người ta rõ ràng không xem những việc đó là gì, luôn nhường mình. Đúng, Lê tam nhận ra kế mẫu và Lê tứ luôn nhường hắn mấy phần.
Lúc nhỏ không hiểu gì, nghe bên ngoài xì xầm chuyện kế mẫu, con riêng nên hắn rất cảnh giác, để ý so đo. Từ từ lớn lên, bắt đầu nhận ra sự thật. Nhất là lúc cưới vợ, nhà vợ cho của hồi môn nhiều nhưng cũng đòi sính lễ nhiều. Sính lễ thì lấy tiền trong nhà ra, của hồi môn thì là riêng hai vợ chồng hắn dùng, cha và kế mẫu chưa hề hỏi tới. Đến khi Lê tứ cưới thì trong nhà chỉ còn ít tiền, phải đi mượn một ít. Vợ Lê tứ vào cửa thì xuất tiền ra trả lại.
Mấy năm nay Lê tứ gãy chân, sức lao động yếu, hắn và vợ hắn lúc nào cũng so đo hơn thiệt. Nào là Lê tứ con nhiều, còn nhỏ, nhiều miệng ăn mà lao động ít. Giờ thì xong rồi, ha, cả nhà người ta chạy thật xa, tự mình kiếm ăn.
Sao trước đây hắn không nghĩ lúc a Hân, a Thịnh, a Lan còn nhỏ chẳng phải vợ chồng họ cũng có phần nuôi dưỡng sao? Người ta có than câu nào đâu? Mấy đứa nhỏ ngoan ngoãn gọi hắn tam bá, còn hắn xứng sao? Cha đã mấy lần nhắc nhở nhưng hắn không phục, nghĩ là cha thiên vị nữa chứ. Càng nghĩ hắn càng khó chịu.
(1): bồ là nơi cất lúa có hình tròn, vách là mấy tấm đan bằng tre, cao ngang vai người lớn, rộng thì tuỳ vào lượng lương thực cần chứa.