Tam thập lục thao dĩ đào vi thượng.
Ngày kia, chú Bảy cũng mắc đi góp tiền, Hà Hương nằm nhà một mình, gác tay lên trán, chạnh nhớ Nghĩa Hữu, bèn than thầm rằng: “Xét lại phận gái như mình ở ăn đen bạc, làm cho ai phải chịu nhọc nhằn; vợ chồng kết cùng nhau đã lâu, tình mặn nghĩa nồng, đắng cay chung chịu, người ta thương mình cho đến đỗi xa cha xa mẹ, lặn suối trèo non, cực khổ biết mấy ngàn, cũng theo mình trọn nghĩa.
Tới đến đây mình ham của phụ tình tấm mẵng để cho người ra đi xứ lạ một mình, nắng chẳng biết mưa chẳng hay, biết cùng ai nương dựa. Lẽ phải mình chẳng nệ làm thân trâu ngựa, mà đền bồi ơn đó chưa xong, có đâu lại phụ lòng, dường ấy sao cho an dạ. Rất đỗi là loài chim loài cá, mà còn rõ đạo tào khang, huống chi lựa người tâm chí vẹn toàn, chẳng giữ trọn tam cang rất hổ.
Nay mình dặn Nghĩa Hữu tới Trà Vinh tìm nơi tạm đỡ, nơi quán lầu mướn ở ít ngày, chờ mình tới đó chớ chầy, nay tính đã tháng ngày lắm lúc. Lâu rồi mà mình còn ở đây, khó cha chả, Nghĩa Hữu bạc không đầy chục, có đâu đắp đổi cho qua, một mình, người lạ xứ xa, biết cậy ai giúp đỡ.
Làm sao bây chừ; khó cha chả là khó, đây không thiệt chồng chồng vợ vợ, đó phải niềm lại lỡ nợ duyên, ngỡ là đương khi túng phải quyền, chờ đến lúc sẵn tiền thay đổi. Hay đâu để dây dưa đến đỗi, cũng vì Hắc diện tình còn nghi nỗi lòng đen, bởi vậy cho nên, hễ nó bước chơn ra thì khóa cửa gài then. Tủ sắt bạc tiền niêm chặt.
Đã biết hoa nguyệt đẩy đưa đắm sắc, nên ngày đêm giữ chặt trong buồng, hễ đi thì chớ, về thì cứ đeo theo giỡn hớt luông tuồng, mình thì buồn gần chết, nó cứ gầy cuộc mây mưa đánh đổ? Dẫu cho rằng mình gỗ, lâu ngày cũng phải ốm o, chi bằng tính vầy, xưa Kiều nương cấp của Hoạn Thơ, đem tới cùng Giác Duyên am tự. Nay ta o bế hỏi cho ra khóa chữ, đặng thừa cơ mở tủ lấy tiền, không đem tới Giác Duyên, cắp theo cho Nghĩa Hữu”
Đang suy nghĩ tới đây, bỗng đâu chú Bảy bước vào, thấy Hà Hương nằm có sắc buồn, chú Bảy mới cười mơn, nhăn răng coi như quỉ! Chú Bảy quăng túi nơi ghế, bước thẳng vào nựng nịu Hà Hương, Hà Hương lăn tuốt vô vách mùng mà nằm, cũng vì biết thân như én lạc đàng, thấy cung phải sợ cung làng máy!!!
Chú Bảy không nghe kéo lại, tay thì kéo miệng thì cười mơn, rằng: “Chị hai, lại đây chị hai, lại đây mà chị hai; Đá mẹ chị hai dại quá, muốn cái gì thì nói chớ, buồn làm sao?”
Hà Hương nghe nói buồn cười, chú Bảy ngỡ Hà Hương vui, lòng mừng khấp khởi. Chú Bảy mới vui … Hà Hương nắm tay lại mà nói: “Khoan đã, để tao nói chuyện mầy nghe, mầy nói với tao tiển bạc cả xe, mà từ hôm đó tới nay, mầy chưa cho tao một mảy. Áo quần xơ xải, không có vải mà may, kiềng cổ chuỗi tay, không có một phân vàng chảy. Hay là mầy không tưởng ngãi, muốn làm như bướm lại với hoa, nút nhụy rồi chớp cánh bay xa, chẳng biết chi là ngãi?”
“Không phải, không phải, chị may chi quần vải, Đá mẹ chị hai dại quá, để tôi viết thơ gởi lãnh lại may, mua thêm hàng Bom Bay, may ít cái áo dài chị bận, buông ra, buông ra mà, rồi đây tôi lại thợ đặt cho vài ba thiên chuỗi vấn, chị muốn đeo huyền cẩn hay không? Không thì tôi đặt luôn cho một đôi vàng bông, với hai giây neo đặt! Mua cho chị một đôi giày thêu cườm cắt, sắm thêm cho chị hai sợi chuyền vàng, coi có cà rá nhận xoàn, tôi mua cho ba chiếc. Sướng không đá mẹ chị hai dại quá!”
Một chặp lâu, ước đặng một khắc đồng hồ, chú Bảy nằm đổ mồ hôi, hàm thinh không nói chuyện. Hà Hương bước ra, làm bộ rầy: “Túi tiền sao bỏ đó không mở tủ cất cho rồi.” Nói rồi bước lại biểu chú bảy đưa chìa khóa tủ sắt đặng mở, chú Bảy tin thật đưa ra, lại nói: “Chị mở sao cho đặng!”
“Ậy, thì mầy đưa tao mở thử coi có đặng hay không, mầy sắp bốn chữ gì, nói cho tao lần mở.”
“Tủ khóa Sina bốn chữ chị lựa chử S, chữ I, chữ N, chữ A, thì chị mở ra.” Hại thay cho chú Chà Và mắc phải bợm già rồi đấy!
Hà Hương tuy ở với chú Bảy mặc lòng, ngày đêm tưởng Nghĩa Hữu hoài, trông cho có dịp may đặng thừa cơ lén bước.
Bữa nọ trong làng, có bà Xã, nhơn vì chồng ham vui chịu lận, đem đến chú Bảy xin cầm năm trăm đồng bạc, vàng. Chú Bảy mở ra coi, thấy những là hột vàng, vàng đôi, neo đặt, lại có một chiếc cà rá nhận hột xoàn giá đáng đôi trăm. Chú Bảy đem thẳng vào phòng cho Hà Hương coi, và hỏi có nên cầm cùng chăng. Hà Hương thấy của báu, mừng thầm, nghĩ cho của tìm người, vì mình đang sửa soạn đi, lại có của báu đem cho làm vi kiến. Nghĩ rồi liền thỏ thẻ, xúi chú Bảy cầm, lại rằng của đáng bạc ngàn cầm năm trăm không hại.
Chú Bảy cười mà rằng: “Để tôi cầm, nó không chuộc, tôi lấy cho chị hai đeo chơi, tốt quá.”
Nói rồi ra mở cửa tủ lấy bạc đưa cho thiếm Xã trở về, rồi xách hết vàng vòng đem vào biểu Hà Hương đeo thử. Tốt thay, hình dung chải chuốt, mắt phụng mày tầm, má phấn môi son, đeo đồ vô, coi tợ hoa thêu trên gấm. Ngó càng lâu càng thắm, xem càng lịch càng mê, chú Bảy chẳng phải dê, song chẳng hề rời đặng.
Đẹp mắt, chú Bảy để luôn cho Hà Hương đeo chẳng cần cổi cất.
Chiều lại, vì có việc chú bảy phải đi, dặn Hà Hương ở nhà ăn cơm trước, lại rằng: “Chắc không về đặng sớm, sao cũng trễ canh khuya, chị hai thức đợi tôi về, rồi sẽ vào phòng ngủ.” Chú bảy đi.
Hà Hương ngồi ngó theo, mỉm cười thầm rằng: “Úy châu cha! Thấy hết chi nổi! Phấn với than hòa hiệp khác nào, phụng lộn với gà, mình mà lấy chồng Chà, tỉ như đũa mun mà bịch bạc.
Nay mà nó đi khỏi, lại dặn ta thức đợi, dịp may đà sẵn tới, chẳng thứa cơ còn đợi lúc nào, vậy thì ra tay mở tủ sắt lấy tiền, lánh mặt tìm thuyền nhẹ tách.”
Nói rồi bước lại tủ sắt. Hà Hương đứng sững, quên phức chữ Sina, một chặp nghĩ mới ra “à à Sina, đã phải. Mình làm điều phi ngãi, đoạt hết của cải người, nếu không thì chồng vợ phải rã rời, góc biển chơn trời phân cách.”
Xét rồi Hà Hương vặn khóa, mở tủ lấy mười miếng giấy CENTS, mưới miếng giấy CẢNH, năm miếng giấy FIW, một xấp giấy ONE DO LA, lấy ra rồi khóa lại.
Hà Hương mới nghĩ: “Mình mà đi không để tiếng chi lại sao cho phải, dầu không đành vầy ngãi, cũng đôi tiếng phân trần, tỉ như Nguyệt Nga vi Bùi Kiệm mà sẩy chơn, còn để lại đôi lời nơi vách phấn”. Nghĩ rồi lấy giấy viết bốn câu như vầy:
Đũa mun bịch bạc uổng thay là,
Miệng thế dèm pha gái lấy chà,
Thiếp mượn của nầy làm phi lộ,
Có thương xin chớ oạnh – ni – na.
Viết rồi, mở cửa tủ sắt bỏ vào, vừa muốn khóa lại, sực nhớ vuông khăn và sợi giây lưng của Nghĩa Hữu, nàng bèn lấy ra gói lại kĩ lưỡng, rồi khóa tủ ra đi.