Xưa nay những nhà văn chương hễ có xúc cảnh quang tình thì hay ngâm thơ vịnh phú, hoặc đặc ra những trường thiên đoản cú, cho đặng tỏa cái tình tứ ức uất ưu sầu. Song các sách ấy, duy tiểu thuyết là một truyện có tình tiết cao xa, có tư tưởng rộng rãi hơn hết, chẳng những đọc đến thì đặng khiển muộn tiêu sầu mà thôi, lại cũng đặng mở mang trí thức thêm nữa.
Vì vậy trong lúc mưa Âu gió Mỹ, thời đợi văn minh nầy, tiểu thuyết cũng đặng chiếm một địa vị cao đẳng, để làm phương châm mà chỉ vẽ những việc phải quấy của thế thới nhơn tình; và làm cái gương khuyến trừng cho đám dân đoàn xã hội.
Nên những nhà tiểu thuyết đại danh bên Tây Âu, và các tay Hồng nho danh sĩ bên Đông Á, mỗi năm xuất bản cũng đã sa số hằng hà. Như: Victorhugo, Alexandre Dumas là nhà tiểu thuyết đại danh bên Pháp Quốc; như Bồ Tòng Linh, Trần Cầu là nhà trước tác đại danh bên Trung Hoa. Còn Việt Nam ta thì có Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và các ông khác nữa.
Những truyện sách của các ông ấy, để đến ngày nay hãy còn miệng thế nhắc nhở bia truyền, người tuy mất mà phương danh chẳng mất.
Nay Tân Dân Tử đại nhơn ra quyển tiểu thuyết nầy chẳng phải dám đối với các bậc tiền triết trên đây, song nhơn lúc phong triều tiểu thuyết đã phấn phát nơi cõi Á Đông nên đem sự tích của một công tử là con của một vị tướng quân đã vị quốc vong xu trong lúc Hoàng triều Gia Long phục nghiệp, ngỏ đặng xem đến sự tích công tử thì nhớ đến lịch sử của tướng quân ngày xưa, cho khỏi thẹn với các tiểu thuyết của người ngoại bang; và khỏi tiếng mai một những người anh hùng trong xứ sở.
Quyển tiểu thuyết nầy dùng theo thể cách Tây Âu mà bố trí một sự tích hoàn toàn ước gần hai trăm chương, đem những sự tử biệt sanh ly của gái sắc trai tài, mà diễn nên một pho tình sử, rất thanh tân tao nhã, như mấy lối bi tình thảm trạng, cũng khiến cho kẻ đọc xót dạ, mà ủ mặt chau mày; như mấy cơn hân hạnh kỳ phùng, cũng khiến cho người xem được vui lòng, mà chơn xoan tay múa.
Vậy nếu quyển tiểu thuyết nầy, may mà đặng hậu thế ham mộ ban hành, và đem mà khai diễn trong các võ đài trong xứ ta thì cũng chẳng khác chi truyện sách của các đấng tiền triết trước đây, chừng ấy cái danh dự của tác giả có lẽ cũng đặng chút thơm rơi trong đất việt.
Thủ Đức
Châu Sơn: Nguyễn Đăng Cao