Gia Long tẩu quốc – Hồi thứ mười hai

Qua tháng 11 năm Kỷ Hợi (năm 1779). Lúc bấy giờ Đức Nguyễn Ánh đương lo chấn chỉnh đất Nam kỳ, định lập bản đồ phân làm ba trấn: một là Trấn Biên, hai là Phan Trấn, ba là Long Hồ, và chiêu mộ dân cư, mở mang điền thổ.

Qua tháng giêng năm Canh Tị (1780) các tướng văn võ xin tôn Đức Nguyễn Ánh lên làm tước vương, ngài khiêm nhường không chịu, và nói rằng:

 – Quân nghịch chưa trừ, thù nước chưa trả, mà lên ngôi xưng vương, thì lòng ta không khứng.

Các quan xúm lại gắn vó khuyên ngài nhiều lần và nói rằng:

 – Xin Nguyên soái phải bằng lòng tức vị quốc vương, đặng mở rộng oai quyền trong nước, mà chiêu nạp nhơn tài, thưởng phong tướng sĩ, cho các xứ thần dân mến đức nghe oai, mới vui lòng đến mà đầu hàng qui phục, chừng ấy nước mạnh binh nhiều, thì dẹp trừ quân giặc Tây Sơn mới dễ.

Đức Nguyễn Ánh thấy các quan đều khuyên nài gắn vó, mới chịu lên ngôi quốc vương, đó rồi cất một cái Thài Hòa Điện trong thành Saigon, bên hữu cất một tòa Văn Minh Điện, bên tả cất một tòa Võ Hiển Điện, và lập thêm dinh trại, sắp đặt lễ nghi, đâu đó cuộc tiệc hoàn thành. Bữa nọ làm lễ tôn Đức Nguyễn Ánh lên ngôi quốc vương, các quan văn võ đều có thứ tự lớp lang, y quan tề chỉnh, rồi ra trước triều đình, tung hô bái yết.

Đức Nguyễn Ánh lên ngôi quốc vương rồi, liền phong cho Đỗ Thanh Nhơn làm chức Ngoại Hữu Phụ Chánh thượng tướng công; Tống Phước Khuông làm chức Ngoại tả; Tống Phước Lương làm chức Nội hữu, Trần Đại Thể làm chức Tham nghị, Hồ Đồng làm chức lại bộ; Trần Phúc Giai làm chức Hộ bộ, Nguyễn Nghị làm chức Lễ bộ; Trần Minh Triết làm Hình bộ, và phong các tướng sĩ mỗi người đều đặng thăng quan tấn chức, rồi thiết trần đại yến tại trong thành vua ba ngày, đặng khao thưởng tam quân tướng sĩ.

Trong năm ấy Nguyên phối của Đức Nguyễn Ánh là Tống thị vương phi, hạ sanh Hoàng tử Cảnh tại Saigon, là con đầu lòng của ngài, sau phong làm Đông cung Thái tử.

Cách ít lâu sau tại Trà VInh có một tướng Cao Man tên là Ốc-Nha-Suất, đồ mưu dấy loạn, bấy lâu dân Cao Man ở Trà Vinh, đã thuộc về Nam kỳ ta cai trị, còn từ Nam Vang sắp lên, thì mới thuộc về địa phận nước Cao Man.

Lúc bấy giờ Ốc-Nha- Suất xui mưu đồ loạn, xúi giục dân Cao Man sanh lòng phản nghịch, dấy động can qua.

Đức Nguyễn Vương nghe thì thạnh nộ, bèn sai Đỗ Thanh Nhơn và Dương Công Trừng đem binh xuống Trà Vinh mà diệt trừ quân nghịch.

Tướng Cao Man là Ốc-Nha-Sát nghe Đỗ Thanh Nhơn đại cử hùng binh kéo xuống, thì thất kinh rồi ngăn đồn bế lũy mà kháng cự, chung quanh đồn lũy đều là hào hố vũng bàu, núp ẩn trong đồn, rồi lấy ná bắn ra mà cự địch, còn binh ta bị lầy áp vô không đặng.

Dương Công Trừng thấy vậy bèn hạ lịnh bảo đóng tam bản trẹt lường, và lấy lòi tói xiềng lại, trên tam bản đều có thang leo lên hãm đồn, và bện tre làm vạt để ngăn tên bắn, rồi dắt nước ngoài sông tràn vô, làm cho xung quanh đồn lũy đều ngập.

Lúc bấy giờ binh ta chống tam bản xốc tới, quân Cao Man trong đồn bắn ra bao nhiêu, đều bị vạt tre đỡ hết, không trúng một ai, chừng các tam bản của binh ta lại gần dựa đồn, liền bắt thang leo lên, lớp chém lớp đâm, quân Cao Man hoảng kinh, đều bỏ đồn kéo nhau chạy hết.

Đỗ Thanh Nhơn rượt theo bắt đặng tướng Cao Man là Ốc-Nha-Sát, liền chém đầu, còn bao nhiêu quân Cao Man đều xin hàng phục, quân Cao Man ở Trà Vinh từ đây chỉ lo giữ phận làm ăn, an cư lạc nghiệp, mỗi năm đều nạp thuế đóng sưu, chẳng dám sanh sự dấy loàn phản nghịch.

Xin coi tiếp cuốn thứ ba.

error: Content is protected !!