Gia Long tẩu quốc – Hồi thứ mười chín

TÂY SƠN ĐEM BINH XÔNG VÀO GIA ĐỊNH,

NGUYỄN VƯƠNG BẠI TRẬN THẤT THỦ SÀI GÒN.

Đây nói về từ khi đức Nguyễn Ánh đánh dẹp quân giặc Tây Sơn mà thâu phục Nam kỳ lại, rồi lên ngôi quốc vương mà trấn thủ đất Gia Định.

Lúc bấy giờ ngài lo chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương, dưới thủy thì lo chế tạo chiến thuyền, trên bộ thì lo tập rèn binh sĩ, đặng phòng ngự quân giặc Tây Sơn trong khi tranh chiến.

Còn vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc thì chiếm cứ Qui Nhơn để làm thành đô, và sai em là Nguyễn Huệ trấn thủ tại Phú Xuân là Huế, đặng ngăn ngừa binh của chúa Trịnh ngoài Bắc.

Nước Nam ta lúc bấy giờ phân tranh ra làm ba nước, cũng như đời Tam Quốc bên Tàu khi trước vậy.

Ngoài Bắc thì Trịnh Sum xưng chúa, chỉ để cho vua Triều Lê một biển hiệu đó thôi, còn bao nhiêu quyền hành chính trị, thì một tay chúa Trịnh đoạt thâu dành hết, cũng như Tào Tháo đoạt quyền vua Hiếu Đế thuở nọ vậy.

Mấy tỉnh Trung kỳ thì Tây Sơn Nguyễn Nhạc xưng vương, mà chiếm cứ từ Huế sắp về Bình Định.

Còn trong Nam kỳ thì đức Nguyễn Ánh xưng vương mà chiếm cứ từ Bình Thuận trở về lục tỉnh, ấy vậy chẳng phải nước ta lúc bấy giờ đã tam phân đảnh túc, và các cứ xưng hùng như đời Tam Quốc đó sao?

Thật là: Nhãn trung chiến quốc thành tranh lộc (Dịch nghĩa: Trước mắt các nước đánh nhau dành một con hươu đời Tàu).

Nhưng mà: Hải nội nhơn tài thục Ngọa long (Dịch nghĩa: Ai gỏi được như Ngọa Long Khổng Minh đời Tam Quốc?)

Khi Nguyễn Nhạc xưng vương và sửa soạn kinh dinh thành đô tại Qui Nhơn xong rồi, kế nghe tin Đỗ Thanh Nhơn là một viên kiện tướng của đức Nguyễn Ánh đã bị xử tử, thì vỗ tay mừng và nói với các tướng rằng:

 – Đỗ Thanh Nhơn chết rồi, thì ta không còn lo sợ gì nữa.

Liền truyền lịnh cho tam quân tướng sĩ, sắp sửa chiến thuyền, vận tải lương thảo, và trạch ngày đặng đại cử hùng binh mà xông vào Gia Định và hội chư tướng lại bàn nghị.

Lúc bấy giờ có quan Tư khấu là Nguyễn Kiêm tâu rằng:

 – Tâu bệ hạm bệ hạ muốn thâu phục Nam kỳ cho mau, thì xin bệ hạ nhứt diện đem chiến thuyền đi đường biển, vào cửa Cần Giờ mà đánh lấy Saigon, còn nhứt diện thì sai một đạo binh đi đường bộ, đánh lấy Khánh Hòa, Bình Thuận, rồi thẳng vào Biên Hòa và tấn vô Gia Định, đặng binh thủy binh bộ hai đạo hiệp lực cùng nhau, mà đoạt trại phá đồn, thì mới mau được thành công thắng trện.

Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc nghe tâu thì lắc đầu và nói rằng:

 – Nguyễn Ánh có hai viên kiện tướng là Đỗ Thanh Nhơn với Châu Văn Tiếp, nay Đỗ Thanh Nhơn đã chết rồi, còn Châu Văn Tiếp cũng là một tướng có đủ mưu mô đảm lược, lại thêm võ dõng siêu quần, bây giờ đương trấn thủ Bình Thuận và Khánh Hòa, là một chỗ đường sá gay go, núi non hiểm trở, mà Châu Văn Tiếp hắn trấn thủ đó, thì chắc như một cái vạn lý trường thành, dẫu có mấy vạn binh ròng tướng giỏi, cũng không thế gì qua nổi. Chi bằng ta đem thủy binh chiến thuyền nhắm ngay chỗ trung tim mà đánh vào, là chỗ Saigon. Nếu ta thâu phục đặng Saigon và các trấn ở miền hạ du kia rồi, thì Châu Văn Tiếp mất thế ỷ y, mất đường cứu viện, thì tự nhiên Bình Thuận, Khánh Hòa sẽ thuộc về tay ta, bấy giờ cần gì đem binh đánh phá, cho tổn tướng hao quân, lại e không bề thắng nổi.

Nói rồi truyền lịnh cho các tướng sắp đặt chiến thuyền, qua tháng ba năm Nhâm Dần (1782) bữa nọ nhằm lúc ban mai, trời vựa rựng sáng, trống đã tàn canh, bỗng thấy dưới trại thủy binh, xẹt ra một ánh hào quang chớp nháng, rồi phun lên một lằng khói mít mù, kế nghe ba tiếng đại bác thần công, nổ lên đùng đùng dường như trời gầm sấm dậy, tức thì ba đạo chiến thuyền cả thảy hơn một trăm năm chục chiếc đều trương buồm bọc gió, chạy bổng ra khơi. Nguyễn Huệ lãnh năm chục chiếc đi tiền đạo làm tiên phong, Nguyễn Nhạc lãnh năm chục chiếc làm chỉ huy tư lịnh. Còn năm chục chiếc thì Nguyễn Kiêm lãnh làm hậu đạo để theo tiếp ứng.

Khi ba đạo chiến thuyền ra Qui Nhơn, thì chỉ thấy trời cao lồng lộng, biển rộng thinh thinh, mấy trăm lá buồm đua nhau bọc gió phùng ra, kéo ba đạo chiến thuyền, trườn trên ngọn sóng mà đi, dường như một con trường xà, uốn éo quanh co, xem rất xuê sang oai võ.

Lúc ra ngoài xa, ngó lại thành đô Qui Nhơn, thì thấy non xanh nước biếc, cây cỏ mù mù, thẳng rẳng liền với chơn mây, như một lằng mực đen của thợ trời giăng theo mé đất, còn ngó ra ba đạo chiến thuyền, lại thấy một đám cạnh buồm trắng nõn, phất phất phơ phơ, xem như một bầy cô, trải cánh xòe lông, bay trên mặt biển.

Khi ba đạo chiến thuyền của Tây Sơn gần tới cửa biển Cần Giờ thì có mấy chiếc chiến thuyền của đức Nguyễn vương đi tuần dương, dọc theo mé biển, thấy liền lập tức trở về, báo tin cho quan thủy sư Đô đốc Huỳnh Thiêm Lộc hay, đặng tâu cùng chúa thượng.

Huỳnh Thiêm Lộc liền lật đật vào triều xin ra mắt đức Nguyễn vương và tâu cho ngài hay rằng, thuyền giặc Tây Sơn đã gần tới Cần Giờ hải khẩu.

Đức Nguyễn vương nghe báo tin giặc, thì ngó chăm chỉ Huỳnh Thiêm Lộc mà hỏi rằng:

 – Quan Đô đố hay tin ấy đã bao giờ?

 – Tâu chúa thượng, đội quân tuần phòng dọc theo mé biển, mới về báo tin ấy cho tôi hay đây nên tôi vội vã vào tâu cho Chúa thượng rõ.

 – Số chiến thuyền của Tây Sơn được bao nhiêu, Đô đốc có rõ chăng?

 – Tâu Chúa thượng, theo lời đội quân tuần thám nói cả thảy ba đạo chiến thuyền, độ chừng gần hai trăm chiếc.

 – Trong ba đạo chiến thuyền ấy, có thuyền lớn mấy chiếc, và thuyền nhỏ bao nhiêu?

 – Tâu Chúa thượng, trong ba đạo chiến thuyền ấy, có sáu chiếc đại chiến hạm, còn bao nhiêu thì thuyền nhỏ.

Đức Nguyễn vương ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi rằng:

 – Trong ba đạo chiến thuyền ấy cả thảy độ binh ước được bao nhiêu?

Huỳnh Thiêm Lộc ngó xuống đất suy nghĩ một chút rồi đáp rằng:

 – Tâu Chúa thượng, sáu chiếc chiến hạm ấy, mỗi chiếc độ chừng hai trăm binh, còn chiến thuyền nhỏ thì mỗi chiếc độ chừng một trăm binh, cộng cả thảy chừng hai vạn binh bộ và binh thủy.

Đức Nguyễn vương nghe rồi liền hạ lịnh truyền cho quan thủy sư Đô đốc là Huỳnh Thiêm Lộc phải hội chiến thuyền lại sông Nhà Bè và sắp đặt trận đồ mà cự chiến.

Huỳnh Thiêm Lộc vâng lịnh tức thì lui về, rồi truyền các đạo chiến thuyền cả thảy là một trăm hai chục chiếc, kéo ra sông Tam Kỳ tại ngã ba Nhà Bè sắp hàng hai bên mé sông, mỗi bên sáu chục chiếc, trong đó năm chiếc đại chiến hạm, một chiếc của đức Nguyễn Vương, một chiếc của Đô đốc Huỳnh Thiêm Lộc, một chiếc của Mạng-Hòe (tên tây là Manuel – theo sử của Charles Maybon) là người nước Pháp, lãnh làm Phó Đề đốc, một chiếc thì Dương Công Trừng lãnh làm Trung húy và một chiếc của Tôn Thất Thiện lãnh làm thủy sư Đô húy, còn năm chục chiếc phong hỏa thuyền, thì núp theo mấy ngọn sông nhỏ, đều cụ bị rơm khô củi đốt sẵn sàng, để phòng khi có dụng hỏa công mà đốt thuyền quân giặc. Đâu đó bày binh liệt trận xong rồi, Nguyễn Vương bèn sai một đội tiểu khoái thuyền (là ghe nhỏ) ra tại Cần Giờ, thám dọ thuyền giặc hành động thế nào, đặng về báo tin cho lẹ.

Khi ba đạo chiến thuyền của Tây Sơn tới cửa Cần Giờ, bèn truyền lịnh cho các thuyền phải đi mỗi hàng mười chiếc ngang nhau, rồi lần lần kéo tới, chừng vô gần Nhà Bè, thì hạ lịnh bủa ra mỗi hàng năm chiếc tấn tới.

Lúc bấy giờ ba chiếc đại chiến hạm của đức Nguyễn Vương đậu giăng ngang nhau một hàng giữa sông Nhà Bè, chiếc của Nguyễn Vương ở giữa, chiếc củ Đề đốc Huỳnh Thiêm Lộc ở phía hữu và chiếc của Tôn Thất Thiên ở phía tả.

Còn hai chiếc chiến hạm nữa, một chiếc của Dương Công Trừng, coi đạo chiến thuyền mé sông bên tả, và một chiếc của Mạng Hòe thì coi đạo chiến thuyền mé sông phía hữu.

Đức Nguyễn Vương và các tướng đứng trên chiếc chiến hạm của ngài, thấy thuyền Tây Sơn buồm giăng trắng lốt, cột dựng như rừng, đã phăng phăng vô tới Nhà Bè, ngài liền kéo cờ lịnh lên, truyền cho hai đạo chiến thuyền hai bên mé sông, xông vào xáp trận, và năm chiếc đại chiến hạm đều phát súng thần công đùng đùng, bắn qua thuyền giặc.

Thuyền giặc thuận buồm xuôi gió, ùn ùn lướt tới như bay, tướng giặc là Nguyễn Huệ liền truyền quân phát súng thần công bắn lại một cách rất dữ dội, nghe thôi dậy đất long trời, khói bay mù mịt, và phân ra làm hai đạo, một đạo đánh phía tả, và một đạo đánh phía hữu.

Còn hai đạo chiến thuyền của Nguyễn Vương, lớp vụt hỏa hổ, lớp bắn tên ra như mưa, cả hai bên hỗn chiến một trận rất dữ, độ hơn vài giờ, song đạo chiến thuyền của Nguyễn Vương cự địch không nổi, lần lần kéo nhau thối lui.

Còn ba đạo chiến thuyền của Tây Sơn, bây giờ đã vào hết cả trong sông Nhà Bè, và ùn ùn lướt tới. Trận thế xem như một con lưỡng đầu xà, hai đạo đi đầu bét ra hai bên, còn đạo chiến thuyền phía sau thì kéo dài một dọc, như hình con rắn hai đầu, đương xung xăng lội tới.

Đề đốc Huỳnh Thiêm Lộc thấy thuyền Tây Sơn ào ào tấn tới như giông, thì truyền cho các chiến thuyền, đều giăng một hàng ngang sông mà đón ngăn thuyền giặc, bấy giờ trận thế lại đổi ra một hàng “chữ nhứt” mà chống lại với thuyền giặc rất dữ dằn. Nào là lằng tên, nào là mũi đạn, nào là hỏa hổ, nào là thần công, hai bên bắn ra như mưa. Mặt trận chiến thuyền của Tây Sơn cũng đổi lại, như hình “chữ nhơn” rồi xông vào hãm trận một cách rất mãnh liệt. Cả hai hỗn chiến cùng nhau hơn trót giờ.

Đạo chiến thuyền của Nguyễn Vương lúc nầy, chỉ có vừa đánh vừa lui, từ từ trở lại.

Lúc bây giờ Quan phó Đề đốc Mạng-Hòa là người nước Pháp, ở trên chiếc chiến hạm, đốc quân xốc tới xáp trận với thuyền giặc hơn trót giờ, bị thuyền Tây Sơn phủ vây bốn phía, nhưng Mạng-Hòe không nao núng chút nào, cứ đốc suất thủy binh cự chiến rất kịch liệt, chừng thấy thuyền mình đã hãm vào một cảnh ngộ nguy cấp, không thế cự nổi, quân sĩ trên thuyền lớp bị thương lớp bị tên, lần lần chết mất rất nhiều, còn binh thuyền của giặc thì áp tới ào ào như sôi, phủ vây chặt cứng.

Mạng-Hòe nghĩ rằng: “Nếu để cho quân giặc lấy thuyền mà dùng thì càng thêm ích lợi cho nó, thà là đốt thuyền mà tự tử thì hay hơn.” Nghĩ như vậy rồi vào trong lấy một bao thuốc súng, châm lửa bừng lên, đốt tàu cháy lên rần rần, rồi nhảy vào mà tự tử, chớ chẳng để cho quân giặc bắt mình và lấy tàu mà dùng làm lợi khí của nó.

Đức Nguyễn Vương đứng trên thuyền thấy lửa cháy rần rần, khói bay mịt mịt, kế nghe báo Đề đốc Mạng-Hòe đốt tàu tự tử và thấy tàu giặc lượt tới như giông, thì ngài đốc suất binh thuyền xốc ra tiếp chiến.

Đạo chiến thuyền của Huỳnh Thiêm Lộc và Tôn Thất Thiện đánh không lại thuyền giặc Tây Sơn, lớp chạy tản lạc trong sông, lớp bị chúng nó đoạt thủ.

Lúc bấy giờ đức Nguyễn Vương mình mặc áo nhung y, đầu đội nón chiến lịp đứng trên thuyền lầu, đốc quân hỗn chiến, bỗng có một viên đạn bên thuyền giặc bắn qua, trúng cây cột buồm gãy xuống, rớt một bên ngài, các binh sĩ đều thất kinh.

Nhưng đức Nguyễn Vương đứng trước thuyền nghiễm nhiên, không chút chi nao lòng động ý, tay cầm súng ô thương bắn qua thuyền giặc, chết hết năm viên chiến tướng, thuyền giặc không dám xốc vào, rồi ngài truyền lịnh binh sĩ vừa đánh vừa thối lui mà chạy.

Khi thuyền của Nguyễn Vương về tới sông Saigon thì thuyền giặc ào ào lướt tới, không thế cự nổi.

Đức Nguyễn Vương và các tướng liền lên bờ rồi kéo binh vào thành Saigon mà cự chiến, kế binh Tây Sơn kéo tới công thành rất dữ, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Kim Phẩm, đem binh lên mặt thành cự chiến, và các khẩu súng thần công trong thành lúc bấy giờ cũng diệu võ giương oai, phun khói khạc đạn ra đùng đùng và gầm hét nghe đã long trời dội đất.

Nhưng binh Tây Sơn áp đến như kiến, lớp bắt thang leo thành, lớp lấy búa phá cửa, tràn tới ào ào như ngọn sóng hải triều.

Nguyễn Huỳnh Đức đứng trên mặt thành, truyền quân bắn tên và lấy đá quăng xuống ào ào như mưa, hai đàng cự nhau hơn mấy ngày.

Bữa nọ Nguyễn Huệ là tướng giặc Tây Sơn truyền cho đạo binh thần cơ đào lỗ dưới chơn thành, rồi đem thuốc súng đặt làm Hỏa lôi phục, đốt vỡ thành ra, và tấn binh lướt tới; quân trong thành ngăn cự không lại, thế phải lần lần rút lui.

Đức Nguyễn Vương thấy thế nguy cấp, ngài liền rút gươm cỡi ngựa xông ra, đốc sức tướng sĩ cự chiến, nhứt diện truyền cho Tôn Thất Thiện và các tướng tâm phúc đem cung quyến của ngài chạy trước về Mỹ Tho, rồi ngài và các tướng rút binh thối lui, vừa chạy vừa đánh, cách lui binh đều có hàng ngũ thứ tự.

Thành Saigon bây giờ đã thuộc về quân Tây Sơn chiếm cứ, và các đạo binh của Nguyễn Vương trong lúc nguy cấp đều thối về các nơi, đạo thì trở lên Biên Hòa, đạo thì kéo về Bến Lức, còn theo ngài không đầy một ngàn binh bộ, rồi lần lần cah5y xuống Mỹ Tho đặng tránh đỡ binh giặc.

Châu Văn Tiếp đương trấn thủ Bình Thuận nghe tin đức Nguyễn Vương thất thủ Saigon, liền hội các tướng văn võ bàn nghị, và nói rằng:

 – Giặc Tây Sơn ta xem có Nguyễn Huệ là một tay võ công đệ nhứt, chiến lược phi thường, cách dụng binh khiển tướng rất tài, ít người đối địch lại nổi, chớ chi ta không mắc trấn thủ chỗ nầy thì ta đem binh vào mà cứu viện Saigon họa may mới đặng.

Quan Tiết chế là Tôn Thất Dũ nghe Châu Văn Tiếp nói, thì nhướng mắt nheo mày mà đáp rằng:

 – Tướng quân nói vậy là khi bọn tôi vô dụng hết sao? Vậy để tôi đem một đạo binh vào Saigon đối địch cùng Nguyễn Huệ mà tiếp cứu đức Nguyễn Vương cho.

Châu Văn Tiếp thấy Tôn Thất Dũ khẳng khái đòi đi, thì nói rằng:

 – Nếu quan Tiết chế tình nguyện đem binh cứu ứng, thì tôi mới yên lòng, song quan Tiết chế có gặp đạo binh Nguyễn Huệ thì phải cẩn thận đề phòng, chẳng nên khinh suất mà hư việc.

Nói rồi hạ lịnh sai hai tướng là Trần Xuân Trạch và Trần Công Chương mỗi người lãnh một ngàn binh theo Tôn Thất Dũ mà tiếp ứng, còn Tôn Thất Dũ đem một ngàn binh đi tiên phong, rồi cả ba đạo tức tốc tấn binh vào Gia Định.

Khi Tôn Thất Dũ kéo binh tới Gia Định, gặp một đạo binh của tướng giặc Tây Sơn là Phạm Ngạn làm chức hộ giá cho Nguyễn Nhạc. Hai đàng liền xáp binh hỗn chiến một trận.

Tôi Thất Dũ cỡi ngựa tới trước mặt, đốc suất quân sĩ nỗ lực đánh giết binh giặc chẳng biết bao nhiêu, kế đạo binh của Trần Xuân Trạch và Trần Công Chương cũng rần rần kéo tới tiếp ứng.

Tướng giặc là Phạm Ngân đánh không lại, liền thối quân chạy về, Tôn Thất Dũ đắc thế rượt theo, khi chạy tới cầu Tham Lương, con ngựa của Phạm Ngân thấy sông sâu cầu nhỏ, nên nhút nhát chẳng dám chạy qua, kế Tôn Thất Dũ chạy tới chém Phạm Ngạn một đao té nhào xuống ngựa mà chết, khi Nguyễn Nhạc nghe tin báo rằng: Quan hộ giá là Phạm Ngạn bị tướng của đức Nguyễn Vương là Tôn Thất Dũ giết chết thì dậm chơn mà than rằng:

 – Ta mất một tướng tâm phúc là Phạm Ngạn, cũng như gãy hết một cánh tay.

Kế nghe quân báo nói rằng: Có quân Chệt Hòa Nghĩa Đạo theo phụ tá với binh Tôn Thất Dũ rất đông, quân ấy toàn là Thanh nhơn, trước đã qui hàng chúa Nguyễn, bây giờ nhập với đạo binh Tôn Thất Dũ mà cự chiến cùng binh ta.

Nguyễn Nhạc nghe tin báo vậy, thì thạnh nộ nói rằng:

 – Ta quyết bắt quân Chệt khốn nầy mà giết hết không chừa một đứa.

Nói rồi sai Nguyễn Huệ đem binh đánh với Tôn Thất Dũ một trận rất dữ tại cầu Tham Lương.

Tôn Thất Dũ cự địch không nổi, liền rút binh chạy về Mỹ Tho, tuốt theo Nguyễn Vương mà hộ giá.

Còn quân Chệt Hòa Nghĩa Đạo bị binh của Nguyễn Huệ vây bắt được mấy trăm dẫn về Saigon, còn bao nhiêu thì chạy tản lạc các chỗ.

Nguyễn Nhạc liền sai một đạo binh đi truy tầm các xứ má bắt, bất luận là Chệt binh lính hay là Chệt bán buôn, đều bắt luôn hết, cả thảy gần trót ngàn người, rồi truyền lịnh chém đầu quăng thây xuống nước, làm cho cả sông Nhà Bè, thây nổi lêu bêu, hơn trót tháng trời, không ai dám vào sông mà câu tôm đánh cá chi hết, thật là một thảm trạng của người Thanh khách rất ghê gớm biết là dường nào.

Lúc bấy giờ đức Nguyễn Vương và cung quyến chạy về Mỹ Tho, các tướng tùy tùng theo ngài là Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thoại, Trần Xuân Trạch, Tôn Thất Dũ, Nguyễn Kim Phẩm và Dương Công Trừng, còn qâun sĩ cả thảy chẳng đầy năm trăm.

Khi lấy được thành Saigon rồi, Nguyễn Huệ liền đem binh rượt theo Nguyễn Vương; Huỳnh Thiêm Lộc bèn tụ tập các quân sĩ đem ra cản cự một trận tại Bến Lức, nhưng binh của Nguyễn Huệ đông như kiến cỏ, còn binh của Huỳnh Thiêm Lộc thì chỉ có ít trăm, nên bị Nguyễn Huệ bắt đặng giết chết tại trận, rồi kéo binh rượt theo đức Nguyễn Vương. May gặp một đội quân của Lưu Thủ Thăng ở trấn Long Hồ đem chiến thuyền qua đón rước Nguyễn Vương rồi cả thảy chúa tôi chạy vào Rạch Giá.

error: Content is protected !!