Gia Long tẩu quốc – Hồi thứ mười bảy

CỨU CHƠN LẠP HỮU THOẠI HÒA XIÊM

BÃI BINH NHUNG CHẤT-TRI NGHỊ ƯỚC.

Nói về nước Xiêm La với nước Cao Man thuở nay hai nước giáp giới lân bang cùng nhau, nên nước Xiêm nhiều khi muốn xâm lược bờ cõi Cao Man, và bức ép nước Cao Man thần phục, nhưng nước Cao Man cứ giữ quyền độc lập, chẳng chịu thuận tùng, chỉ lấy sự tình nghĩa lân bang mà đối đãi giao thiệp.

Từ khi vua Xiêm La là Trịnh-Quốc-Anh, thấy vua Cao Man thọ tước xưng thần cùng Nguyễn vương và phục tùng dưới quyền bảo hộ của nước Nam ta, nên đem lòng ganh ghét, sợ nước ta ngày sau chiếm đoạt Cao Man, và di họa tới nước hắn, vì thấy Nam kỳ nầy ngày xưa là địa phận của Cao Man, mà ngày nay nước ta đã chiếm cứ cả thảy; và Ngũ Quảng kia ngày xưa là đất nước của Chiêm Thành, mà ngày nay cũng bị nước Nam ta xâm lăng mà phải diệt quốc, nên quân Xiêm La gọi ta là một con rắn hổ mang rất to, nằm dọc theo mé biển mà ăn hết một nước Chiêm Thành, nuốt hết nửa nước Chơn Lạp; bây giờ lại còn cất mỏ quay đầu vào đất Nam Vang, muốn nuốt vào cả nước Cao Man luôn thể.

Bởi thế nên bữa nọ vua Xiêm La hội các quan văn võ lại bàn nghị, quyết đem binh đánh nước Cao Man một trận, đặng đặt quyền bảo hộ của nước hắn, và kiếm thế dứt dây liên lạc của ta đã buộc vào nước Cao Man, đặng làm cho rời rã nhau ra, cho khỏi bề hậu hoạn.

Lúc bấy giờ có một vị đại thần Xiêm, tên la Lang-Cốc-Xi-Ma tâu rằng:

 – Muôn tâu bệ hạ, vua Cao Man nhờ Nguyễn vương dẹp giặc và tôn lên làm vua, nay đã thọ sắc xưng thần cùng Nguyễn vương nước Nam, và chịu cho nước Nam bảo hộ, nếu bệ hạ bây giờ đề binh khiển tướng qua đánh Cao Man, thế nào Nguyễn vương cũng cử binh cứu viện, mà đối địch cùng ta, thì binh ta khó bề thắng nổi. Vậy xin bệ hạ phải tuyển luyện binh rồng tướng giỏi, rồi thình lình vượt qua biên thùy nước Cao Man mà tấn tới cho mau, nội mười ngày thì phải đoạt thủ kinh đô Nam Vang, bắt vua Cao Man cho được, rồi phân binh ngăn ngừa mấy nơi hiểm yếu và mấy ngã đàng sông, đừng cho binh Annam tấn tới, như vậy thì họa may có thủ thắng đặng chăng, nếu bê trễ ngày giờ, ắt binh của Annam tấn lên cứu viện Cao Man, thì binh ta không thế gì thắng nổi.

Vua Xiêm là Trịnh-Quốc-Anh nghe tâu liền hạ lịnh sai hai tướng là Chất-Tri với Xô-Ri, mỗi người lãnh một đạo binh ba ngàn và sai Hoàng tử Xiêm lãnh một đạo binh vận tải lương thảo theo sau, rồi một đạo kéo qua ngã Đế Thiên dựa phía Biển Hồ, còn một đạo kéo qua ngã Con-Bông-Sơ-Năn (Kompongchnan). Ngày đêm băng rừng vượt núi, lướt ải xông đèo, kéo tới như sóng dập gió dùa, tới trấn nào thì đánh rạp trấn nấy, quân Cao Man chống cự không nổi, bèn kéo nhau chạy lui, rồi chạy tờ cáo cấp về triều xin binh tiếp cứu.

Vua Cao Man là Nặc-In nghe các biên trấn gởi tờ cáo cấp, thì thất kinh, bèn nhóm các quần thần hội nghị, rồi sai. Chiêu-Căng-Mu tức tốc đem binh kháng cự, nhứt diện xin quan bảo hộ là Hồ Văn Lân báo tin cho Nguyễn vương ở Saigon hay, đặng đem binh cứu cấp.

Hồ Văn Lân liền tư tờ về báo cho Nguyễn vương rồi đem binh ra tiếp với binh Cao Man. Lúc bấy giờ binh Cao Man kéo lên cự chiến cùng binh Xiêm tại Đế Thiên một trận, song binh Xiêm đông như kiến cỏ, tràn tới như nước bẻ bờ, quân Cao Man cản cự không lại, phải rút chạy thối lui, quân Xiêm rượt theo một đạo gần tới Ô-Đông, và một đạo đã vượt khỏi Đế Thiên địa phận, gặp đạo binh Annam của Hồ Văn Lân chận lại, xáp chiến với binh Xiêm một trận rất kịch liệt, đánh trọn một đêm, tướng Xiêm liền dừng binh thối hậu.

Tướng Cao Man là Chiêu-Căng-Mu bèn rút binh các tỉnh hội lại Ô-Đông mà chống cự, cà sai quan tốc xuống Saigon, xin Nguyễn vương đem binh cứu viện.

Lúc bấy giờ nhằm tháng Giêng năm Nhâm Dần (1782) Nguyễn vương đặng tờ của Hồ Văn Lân cáo cấp, liền hội các quan văn võ bàn nghị và hỏi rằng:

 – Nay nước Xiêm đem binh xâm phạt Cao Man là nước của ta bảo hộ, vậy các quan ai có ý kiến thế nào, hãy trần bẩm cho quả nhơn nghe thử?

Có quan Hộ bộ là Trần Phước Giai tâu rằng:

 – Tâu chúa thượng, hạ thần xét lại việc vua Xiêm La là Trịnh-Quốc-Anh đem binh đánh nước Cao Man, là chủ ý muốn dành quyền bảo hộ của ta tại nước ấy. Vì sợ vua Cao Man thần phục nước ta, thì ngày sau sanh điều hậu hoạn cho nước hắn, còn nước ta hiện thời bấy giờ có giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc là một mối giặc đại thù đại nghịch cùng ta, chưa biết lúc nào hắn cử binh vào Nam mà xâm lăng chinh phạt, nếu bấy giờ ta đem binh cứu viện Cao Man, mà đối địch cùng quân Xiêm, chưa biết thắng bại lẽ nào, như may được thắng trận thành công, thì chẳng nói gì, còn nếu bị tranh chiến lâu ngày, e quân Tây Sơn thừa cơ đem binh xông vào, thì ta lấy gì mà ngăn đỡ trong cơn nguy cấp? Vậy theo ý hạ thần, thì xin chúa thượng sai sứ giao hòa cùng Xiêm, để nước Cao Man độc lập, ta không bảo hộ Cao Man, mà Xiêm cũng chẳng đặng quyền bảo hộ nước ấy, như vậy vua Xiêm kh6ong còn lo sợ nước Cao Man thuộc về tay ta, thì tự nhiên bãi binh hết giặc. Thế ấy đặng ta có ngày giờ dưỡng binh súc nhuệ, mà phòng ngự quân giặc Tây Sơn, và thừa dịp mà khôi phụ san hà xã tắc, đó là một điều cần nhứt của chúng ta phải lo trước hết.

Kế có quan Tham mưu là Trần Đại Thể bước ra tâu rằng:

 – Tâu chúa thượng theo lời quan Hộ bộ tấu như vậy thì thần hạ e chưa đúng lý, vả chăng nước Cao Man là một nước đã tùng phục dưới quyền bảo hộ nước ta, thọ tước xưng thần, từ ấy đến nay. Nếu bây giờ ta thấy quân Xiêm chinh phạt Cao Man, mà ta chẳng đem binh cứu viện, đặng bảo thủ lợi quyền, lại thinh không bỏ quyền bảo hộ ta đi, và xin nghị hòa cùng Xiêm quốc, thì tức nhiên hắn tự đắc kiêu căng, chê ta rằng khiếp sợ binh oai của hắn, ắt hắn khinh thị cả nước ta không có tướng dõng binh cường, nếu hắn đem lòng khinh thị ta như vậy, thì chẳng hề khi nào hắn chịu nghị hòa, mà không lập quyền bảo hộ của hắn nơi nước Cao Man ấy đâu. Còn như hắn chịu nghị hòa, thế nào hắn cũng chiếm dành sự quyền lợi cho hắn, như vậy chẳng phải là thất thể diện oai quyền của nước ta mà thôi, lại còn mất một nước Cao Man, là nước đã thuộc về tay ta nắm chặt. Chí như sự phòng bị quân giặc Tây Sơn thì binh ta cũng đủ, song hạ thần biết chắc quân Tây Sơn lúc bấy giờ, còn đương lo phòng binh của chúa Trịnh ngoài Bắc Hà, nên chưa dám đường đột cử binh mà xông vào Gia Định đây đâu. Vây xin chúa thượng phải sai một đạo binh tức tốc kéo lên Nam Vang, hiệp với Hồ Văn Lân, đặng chống cự quân Xiêm, mà giữ quyền bảo hộ, nhứt diện truyền cho vua Cao Man và quan Nhiếp chánh Chiêu-Căng-Mu, bảo phải hội tập binh mã Cao Man, tấn lên Ô-Đông và Đế Thiên Đế Thích, mà cự địch với binh Xiêm, nhứt diện lại truyền lịnh bố cáo cho tướng sĩ và cả nước Cao Man biết rằng: Ta đã đem đại binh cứu viện nước nó, đặng cho binh sĩ dân Cao Man ỷ có thế ta, thì tráng kiện tâm thần, và nống sức vững lòng mà cự chiến với giặc, còn binh ta thì cứ việc theo sau cầm quyền giám đốc cho chúng nó thì đủ. Như thế thì có sợ gì là không thắng đặng quân Xiêm, và sợ gì là chẳng đặng bảo tồn quyền lợi ta trong nước Chơn Lạp, hà tất phải bỏ quyền bảo hộ mà cầu hòa cùng Xiêm, cho hắn khinh khi tự đắc.

Các quan nghe Trần Đại Thể nghị luận mấy điều, thì cả thảy đều ý hiệp tâm đầu, và cho là hữu lý.

Nguyễn vương nghe rồi liền phán rằng:

 – Thế nào ta cũng phải cứu viện Cao Man cho gấp, đặng giữ gìn quyền bảo hộ ta mới đặng, nếu chậm trễ thì quân Xiêm kéo đến đoạt thủ thành đô Nam Vang (Phnompenh) và bắt cua Cao Man đặng rồi, thì khó bề tranh dành lại được, vả lại nước Cao Man là một miếng ngon, ta đã nắm đặng vào tay, ngậm đặng vào miệng, lẽ nào ta lại điên gì nhả ra quăng lại cho ai sao?

Nói rồi, liền hạ lịnh cho quan chưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại đem một trăm chiến thuyền và ba ngàn binh mã, ngày đêm trực chỉ Nam Vang đặng hiệp binh cùng Hồ Văn Lân là quan bảo hộ ở nước Cao Man mà cự chiến với quân giặc.

Lúc bấy giờ hai tướng Xiêm là Chất-Tri- với Sô-Xi, vẫn là hai anh em ruột cùng nhau, một người đã kéo binh vượt qua tới xứ Com-Bông-Sơ-Năn, còn một người gần tới Ô-Đông địa phận. Bỗng nghe Nguyễn Hữu Thoại đã tấn lên Nam Vang hiệp với đạo binh Hồ Văn Lân và binh Cao Man, cả thảy độ hơn năm ngàn binh bộ, hai ngàn binh thủy, rồi liệt hàng bố trận, giăng ngan trước vòng binh Xiêm, dài hơn chục dặm, và chắc như một cái trường thành, mà che đậy cả thành đô Cao Man, như một cái màn từ Nam chí Bắc.

Hai tướng Xiêm liệu thế tấn tới không nổi, liền truyền lịnh đồn binh lập trại tại địa phận Ô-Đông, đặng chỉnh đốn quân lương, và dọ thám binh tình rồi sẽ xáp chiến cùng ta một trận.

Bữa nọ, Sô-Xi đương hội tập các tướng, bàn. nghị chiến sự, bỗng có một tên gia thần ở bên thành Vọng-Các (Bangkok) nước Xiêm qua báo tin rằng:

 – Bẩn chủ tướng, vua Xiêm là Trịnh-Quốc-Anh nghe lời nịnh thần sàm tấu nói rằng: nhị vị chủ tướng không chịu tấn binh, nên vua bắt cả thảy gia quyến vợ con của hai ngài mà hạ ngục.

Sô-Xi nghe tin báo như vậy, thì sảng sốt tâm thần, dường nghe sét nổ bên trai, đất bằng dậy sóng, chẳng biết cớ gì vua Xiêm lại bắt hết vợ con mà hạ ngục, liền tuốt qua dinh anh là Chất-Tri hội nghị cùng nhau mà rằng:

 – Anh em chúng ta thuở nay vào sanh ra tử, trục bắc bôn nam, giáo chẳng hở lưng, đao không rời cánh, lập công nghiệp cho nhà Vua, chẳng biết bao nhiêu lam tâm hạn mã, nay vua đã chẳng xét đến công lao của anh em chúng ta, lại nghe lời sàm tấu của lũ nịnh thần, bắt vợ con ta mà hạ ngục, thế thì dầu ta có hết lòng hết sức, xông tên đột pháo, giữa chốn chiến trường, cũng chẳng ai biết cho, thì nhọc công vô ích, chi bằng ta cầu hòa cùng Annam, để làm ngoại viện giúp mình, rồi chúng ta kéo binh về triều giết quách Vua điên ấy đi, mà trả thù rửa hận.

Chất-Tri nghe rồi cũng hiệp ý cùng em là Sô-Xi và đồ mưu toán kế, nhứt định cầu hòa với nước ta, sáng bữa sau Chất-Tri viết một văn thơ, rồi sai một tướng tâm phúc với hai tướng bộ hạ, đem qua dinh Nguyễn Hữu Thoại, xin vào ra mắt.

Khi ba tướng Xiêm qua tới vong binh Annam ta, thấy binh trại liên lạc cùng nhau chẳng biết bao nhiêu, cờ xí quân ngũ nghiêm trang, xem rất lớp lang thứ tự.

Bỗng có quân nhơn vào báo cùng Nguyễn Hữu Thoại rằng:

 – Có sứ Xiêm xin vào ra mắt.

Nguyễn Hữu Thoại liền hội chư tướng lại, và truyền lịnh mở vòng binh ra, các võ tướng đều mang gượm mặc giáp, chỉnh chỉnh tề tề, kéo vào đứng trước viên môn, kế đó thấy phía tả kéo ra một đội quân ky bài, phía hữu một đội quân pháo thủ, đứng dàn hai bên, một lát nghe nhạc linh đánh lên hai chập, kế thấy Nguyễn Hữu Thoại trong Hổ trướng bước ra, mình mặc áo võ bào xanh, trước ngực có thêu một mặt sư tử bằng kim tuyến, phía dưới thêu một lớp thủy ba, lưng đai một thanh bữu kiếm, oai nghi lẫm liệt, khí võ đường hoàng.

Kế Hồ Văn Lân ở bên tây dinh, cỡi một con ngựa sắc hồng, mình mặc một bộ võ phục sắc xanh, có thêu kim ngân rực rỡ, hai bên có một đội mã kỵ dàn hầu chạy theo; vó ngựa rần rần, ngọn gươm chởm chởm, khi tới viên môn, Hồ Văn Lân xuống ngựa bước vào nghị đường ngồi một bên Nguyễn Hữu Thoại, còn các tướng tá đứng hầu hai bên, xem rất nghiêm trang oai võ.

Nguyễn Hữu Thoại bèn truyền cho kỳ bài quan ra mời xứ Xiêm vào dinh yết kiến.

Khi sứ Xiêm vô tới viên môn, thấy hai bên quân sĩ đều tuốt gươm đứng cách nghiêm chỉnh, và ngó vào nghị đường thấy một đội pháo thủ bồng súng dàn hầu, và các tướng tá thảy đều mang đoản đao, người người xem bộ oai nghi võ dõng:

 Tướng Xiêm thấy vậy có ý khủng khiếp, rồi day lại nói nhỏ với hai tên phó sứ kia rằng:

 – Lần nầy là lần thứ nhất, ta mới thấy binh sĩ Annam, thật xem rất nghiêm trang oai võ hơn binh của nước ta nhiều lắm.

Nói rồi bước lên nghị đường yết kiến.

Nguyễn Hữu Thoại đáp lễ rồi mời ngồi nơi cẩm đôn, và dùng tiếng Xiêm mà hỏi rằng:

 – Quan sứ đến đây có việc chi, xin nói cho ta rõ.

Tướng sứ thấy Nguyễn Hữu Thoại khí võ đường hoàng, phong tư tuấn dật, lại biết nói tiếng Xiêm, thì lấy làm lạ và đáp rằng:

 – Bẩm tướng công! Chủ tướng tôi là Chất-Tri sai tôi đến kính mời tướng công qua dinh hội nghị quốc sự.

Nguyễn Hữu Thoại nghe tướng sứ Xiêm nói vậy, thì ngạc nhiên và nghĩ rằng: “Hai nước đương tranh chiến cùng nhau, mà cớ gì lại sai sứ mời qua hội nghị”, rồi day lại hỏi tướng sứ rằng:

 – Chủ tướng của người là Chất-Tri với Sô-Xi phải chăng?

 – Bẩm phải. Hai chủ tướng tôi có việc mật sự cẩn cấp, nên mời tướng công qua dinh đặng hội nghị cầu hòa về việc chiến tranh.

Nguyễn Hữu Thoại lấy làm lạ, ngó sứ Xiêm chăm chỉ và hỏi rằng:

 – Chủ tướng của ngươi mời ta qua nghị hòa về việc chiến tranh, nhưng binh ta cùng binh Xiêm, chưa giao chiến lần nào, và chưa phân thắng bại, sao ngươi gọi rằng: Chủ tướng ngươi xin hội nghị cầu hòa?

 – Bẩm tướng công, vì nhị vị chủ tướng tôi có việc đại cừu trong nước mới vừa xảy ra, bây giờ nhứt định thối binh về triều, nên xin mời tướng công qua dinh, đặng hai nước giao hòa, và thối binh bãi chiến, chớ không việc gì khác hết.

 – Mà ngươi có văn thơ chi của chủ tướng đó không?

 – Bẩm có,

Nói rồi liền lấy một phong thơ trao cho Nguyễn Hữu Thoại.

Nguyễn Hữu Thoại liền dở văn thơ ra xem thấy nói như vầy:

” Xiêm La Chánh tổng binh Chất-Tri và Phó tổng binh là Sô-Xi. Kính trình cùng Việt Nam Tướng quân tường lãm.

Anh em chúng tôi vâng lịnh vua Xiêm, đem binh chinh phạt Cao Man, chẳng dè vua tôi là Trịnh-Quốc-Anh nghe lời nịnh thần sàm tấu, chẳng xét công nghiệp của kẻ phụ quốc trung thành, vô cớ lại bắt vợ con gia quyến của chúng tôi mà hạ ngục.

Vì vậy chúng tôi đều ức uất bất bình, nhứt định bãi việc chiến tranh, quyết đem binh hồi triều đặng giết lũ nịnh thần mà rửa hận. Vậy xin Tướng quân ngự mã thân lâm, đặng hai nước nghị hòa, kết nghĩa đồng minh, và xin tướng quân bằng lòng giúp làm ngoại viện.

Kính lời thành thật, chẳng dám giả trá sai ngoa, nếu tướng quân vì nghĩa quan lâm, thì anh em chúng tôi sẽ tỏ hết sự tình, và thiết tiệc dàn hầu mà hoan nghinh tốn giá.

Xiêm La Tổng binh Chất-Tri và Sô-Xi.

Kỉnh đốn.”

Nguyễn Hữu Thoại xem văn thơ rồi, ngó tướng sứ Xiêm và hỏi rằng:

 – Binh của nhị vị Tổng binh độ được bao nhiêu?

Tướng sứ Xiêm đáp rằng:

 – Bẩm tướng công, hai đạo binh của nhị vị Tổng binh tôi, cả thảy là sáu ngàn, trong đó có năm chục tượng binh và năm trăm mã kỵ.

 – Còn binh số tại Xiêm, hiện thời bây giờ hết thảy chừng bao nhiêu? Ngươi có biết chăng?

 – Bẩm tướng công, tôi chỉ biết số binh hiện tại thành đô Vọng-Các bây giờ độ chừng một muôn, còn ngoài các trấn, thì tôi chưa kể tới nếu kể các trấn thì cũng được ngoài ba muôn là ít.

Nguyễn Hữu Thoại nghe rồi, ngẫm nghĩ một chút và mỉm cười rồi nói rằng:

 – Số binh trong nước ngươi, ta đã biết chắc rồi. Hiện thời giờ cả thảy chẳng đầy hau muôn, chỉ có một muôn sáu ngàn binh bộ, và hai ngàn binh thủy đó thôi, tổng cộng lại thì là một muôn tám ngàn binh cả thảy. Lúc bấy giờ chủ tướng ngươi đem hết sáu ngàn binh bộ qua đây và một ngàn binh vận tải nữa, thì còn tại nước Xiêm chỉ có mười một ngàn mà thôi, chớ chưa tới số ba muôn như lời ngươi nói đó.

Tướng sứ Xiêm nghe Nguyễn Hữu Thoại nói vậy, thì cả kinh mà nghĩ thầm rằng: “Làm sao Nguyễn Hữu Thoại biết tình hình của nước ta rõ ràng như thế,” rồi day lại bẩm rằng:

 – Thật tướng công biết rõ lắm, lúc thái bình thì trong nước tôi chỉ có hai muôn, nhưng lúc bây giờ đây thì mộ thêm, cũng được ba muôn như lời tôi nói vậy.

Nguyễn Hữu Thoại nói:

 – Thôi, ngươi hãy trở về bẩm cùng nhị vị Tổng binh hay rằng: Ngày mai ta sẽ qua dinh mà hội nghị quốc sự.

Tướng sứ Xiêm vâng lịnh lui ra, rồi trở về dinh Xiêm phục mạng.

Hồ Văn Lân thấy Nguyễn Hữu Thoại hứa với sứ Xiêm ngày mai sẽ qua dinh Xiêm hội nghị, thì thất kinh mà nói với Nguyễn Hữu Thoại rằng:

 – Tướng quân chẳng nên quá tin Xiêm sứ, mà khinh suất ra đi, vì e chúng nó giả danh cầu hòa, rồi đồ mưu ám hại, ấy là một cái quyệt kế của chúng nó đó chăng? Vậy xin tướng quân chớ đem cái thân ngàn vàng vào nơi hổ huyệt, rủi có điều chi nguy biến, thì tướng quân biết liệu làm sao?

Nguyễn Hữu Thoại cười và đáp rằng:

 – Tướng quân không nhớ thuở xưa Quan Vân Trường đơn đao phó hội, Hán Bái Công dự yến Hồng Môn, đó chẳng phải là hổ huyệt long đàm hay sao? Nhưng hai ông ấy yên như bàn thạch, huống chi tôi đã hứa cùng Xiêm sứ, thì chẳng lẽ thất ngôn, mình là một đứng khí phách anh hùng, thì sợ gì chỗ lửa giặc đao binh, mà không ra thân mạo hiểm, song xem lời văn thơ của hắn, thì tôi đã rõ biết chơn tình, vì vua Xiêm là Trịnh-Quốc-Anh bắt gia quyến hắn mà hạ ngục nên hắn đem lòng thù hận, quyết toan mưu trả oán rửa hờn, song sợ sức yếu thế cô, muốn cầu hòa cùng ta, đặng mượn thế ta để làm ngoại viện, chớ chẳng phải giả trá chi đâu, vậy ta cũng nên thừa dịp ấy mà giao hòa cùng tướng Xiêm, đặng ngày sau có việc gì, viện cầu cho dễ, ấy cũng là một sự may mắn cho nước ta, đã chẳng hao binh tổn tướng mà cũng không thất chút lợi quyền nào trong việc bảo hộ nước Cao Man, bây giờ tuy thấy đó là chỗ ổ giặc hang hùm, nhưng ta tới đó yên như thái san bình địa, không sao mà tướng quân phòng ngại.

Hồ Văn Lân thấy Nguyễn Hữu Thoại quả quyết ra đi, tuy chẳng nói ra, mà trong lòng vẫn còn bồi hồi nghi ngại.

Sáng bữa sau Nguyễn Hữu Thoại bảo mười tên quân nhơn tùy tùng cùng người, rồi lên ngựa chẩm hẩm ra đi, không chút chi nghi ngờ lo sợ.

Em ruột Nguyễn Hữu Thoại là Nguyễn Hựu, thấy anh đi đơn thân độc mã, chẳng có tướng tá hộ tùng, đem theo chỉ có mười tên quân nhơn, nếu gặp sự hiểm nguy thì lấy ai đỡ gạt, liền đem theo hai đội mã kỵ và một đội pháo thủ lục thục theo sau, rồi đóng binh tại mé rừng, cách dinh quân Xiêm độ chừng năm dặm, để phòng có việc chi tiếp ứng cho lẹ.

Khi Nguyễn Hữu Thoại đi với mười tên quân nhơn qua tới dinh Xiêm, thấy tướng Xiêm là Chất-Tri với Sô-Xi cùng các tướng tá đã dàn hầu trước dinh, quân Xiêm thấy Nguyễn Hữu Thoại qua chỉ có mười tên quân nhơn tùy tùng, chớ chẳng có binh gia tướng tá chi hết, thì khen cho Nguyễn Hữu Thoại là một người gan đởm phi thường, rồi kéo ra tiếp rước cách lễ nghi kính trọng.

Nguyễn Hữu Thoại liền xuống ngựa thẳng vào viên môn, thì hai anh em Chất-Tri đã vội vã bước ra chào mừng nghinh tiếp, rồi dắt vào đại dinh bày tiệc thiết đãi rất ân cần tử tế.

Kế Chất-Tri lấy lời hoàn nhã, nói với Nguyễn Hữu Thoại rằng:

 – Thưa tướng quân, thuở nay quí quốc với tệ bang vẫn giữ một cuộc hòa bình giao hảo, chẳng phải hiềm khích chi nhau, song lúc bấy giờ vua tôi là Trịnh-Quốc-Anh, sanh lòng tàn ngược mà gây cuộc chiến tranh, làm cho quí quốc nhọc lòng dấy động can qua, đem binh cứu viện Chơn Lạp. Ngày nay tướng quân đem lòng cố cập, chẳng chút hiềm nghi, và giá lâm đến đây, làm cho anh em chúng tôi được tiếp kiến tôn nhan, thì chúng tôi chẳng xiết vui lòng cảm phục. Số là vua Trịnh-Quốc-Anh chẳng biết tín nhậm trung thành, lại nghe lời xàm tấu, bắt cả gia quyến chúng tôi mà nhốt váo hắc ngục, chẳng biết chết sống ngày nào, nếu nay mai tiếng nịnh lời dèm tâu vô, ắt là chúng tôi cũng chẳng khỏi toàn gia tru lục. Vì vậy nên anh em chúng tôi quyết đem binh về triều giết quách vua tàn bạo ấy đi, đặng trả oán rửa hờn, và cầm quyền chánh trị trong nước, nhưng chúng tôi trước khi về triều, xin kết nghĩa đồng minh cùng tướng quân, và xin tướng quân giúp làm ngoại viện, nếu việc của chúng tôi được thành, thì từ đây về sau, hai nước giao hòa và giúp đỡ nhau trong cơn hữu sự, như vậy chẳng biết tướng quân bằng lòng cùng chăng? Như tướng quân bằng lòng theo lời tôi xin, thì nội ba ngày đây, chúng tôi sẽ rít binh về nước.

Nguyễn Hữu Thoại nghe nói thì vui sắc mặt và trả lời rằng:

 – Mấy điều quan Tổng binh nói đó, tôi sẽ sẵn lòng, vậy nếu quan Tổng binh muốn hai nước giao hòa, thì xin tỏ một lời tín thệ giữa đây, đặng hai ta kết nghĩa đồng minh mà cứu giúp nhau trong cơn nguy cấp, chừng nào đại sự hoàn thành, nghĩa là khi Tổng binh được lên ngôi Quốc vương, cầm quyền chánh trị thì chứng ấy hai nước sẽ lập tờ hòa ước cùng nhau cho rõ ràng điều lệ. Vả lại vua Trịnh-Quốc-Anh nay đã phạm hai điều tội ác: một là nước Xiêm cùng nước Cao Man, thuở nay vẫn là hữu bang lân quốc, nay vua Trịnh-Quấc-Anh vô cớ mà đem binh chinh phạt Cao Man làm cho mất cuộc hòa bình, sanh điều chiến họa; hai là vua Trịnh-Quấc-Anh chẳng biết trọng dụng công thần, nghe lời xàm tấu, bắt vợ con quí quyến mà cầm tù, làm thiệt hại cho người trung lương vô tội, ấy là một vua hôn quân bạo ngược, chẳng biết trọng sĩ thân hiền, dẫu quan Tổng binh có hết sức hết lòng, cũng chẳng ai kể đến, nên lời xưa có nói rằng hễ vua xem tôi như loài thảo giới thì tôi xem vua như kẻ nghịch thù. Nay quới quan muốn đem binh về triều mà vấn tội cua Trịnh-Quấc-Anh là vua tàn nhẫn điên cuồng, thì tôi một lòng cầu chúc cho quới quan mau được rửa oán trả hờn và xin quới quan chớ quên ngày nay là ngày hai ta đã giao lời thệ ước.

Chất-Tri nghe bấy nhiêu lời rồi, liền nắm tay Nguyễn Hữu Thoại dắt ra trước sân, và lấy một mũi tên chỉ trời gạch đất mà thệ nguyện rằng:

 – Tôi là Chất-Tri nếu quên lời giao ước, bội nghĩa đồng minh, thì tôi sẽ như mũi tên nầy, và phải bị luật trời hành phạt.

Nói rồi liền bẻ mũi tên gãy ngang, đặng chứng lời thệ nguyện.

Nguyễn Hữu Thoại thấy Chất-Tri bẻ tên thệ nguyện thì biết người đã thiệt tình, bèn lấy một cây cờ và một thanh bữu kiếm, trao cho Chất-Tri để làm kỷ niệm, rồi cáo từ trở về. Còn Chất-Tri với Sô-Xi và ba mươi võ tướng đều kéo theo đưa ra khỏi dinh, rồi mới phân tay từ biệt, liền truyền cho tướng sĩ tam quân nhổ trại kéo binh về nước.

Khi Nguyễn Hữu Thoại ra khỏi dinh Xiêm ước chừng 5 dặm, bỗng thấy một đạo quân mã đóng nơi mé rừng, kế thấy em là Nguyễn Hựu cỡi ngựa chạy tới tiếp rước, rồi hai anh em mừng rỡ kéo nhau về dinh một lượt.

Lúc bấy giờ Nguyễn Hữu Thoại còn đóng binh ở tại Cao Man, đặng thăm nghe binh Xiêm động tịnh thế nào, rồi sau sẽ rút binh về Saigon, và đem hết sự tình hòa ước với Xiêm mà tâu cùng Nguyễn vương tường tất.

Xin coi tiếp cuốn thứ tư.

error: Content is protected !!