Gia Long tẩu quốc – Hồi thứ mười ba

ĐỖ THANH NHƠN Ỷ THẾ LỘNG QUYỀN

CHÚA NGUYỄN ÁNH THI OAI TRỪ NGHỊCH

Từ khi Đỗ Thanh Nhơn lập quân Đông Sơn đánh thắng quân Tây Sơn Nguyễn Nhạc, sau đem binh chinh phạt Cao Man mấy trận, đều đặng dựng cờ đắc thắng, giục trống thành công, bởi thế nên Đỗ Thanh Nhơn vi cánh càng ngày càng đông, oai quyền càng ngày càng lớn, các tướng tá tâm phúc người nào có tài năng võ dõng, thì Đỗ Thanh Nhơn đều cho vào một họ của mình, đặng tỏ là người đồng quyến đồng thân, và tăng chức phong quan, để làm kẻ tay chơn nha trảo.

Vua thấy vậy cũng trọng dụng nhơn tài, rồi phong cho Đỗ Thanh Nhơn làm chức Thượng tướng công, và phú thác việc binh nhung cho Thanh Nhơn quản suất, bởi cớ ấy Đỗ Thanh Nhơn sanh lòng kiêu căng tự đắc, rồi lần lần chẳng thèm kiêng nể tới vua, đến đỗi việc thủy bộ quan viên, đều muốn chuyên quyền thưởng phạt.

Bữa nọ vua Cao Man sai quan đem lễ vật và hai cặp bạch tượng rất tốt xuống cống sứ cho Nguyễn vương, khi tới Saigon ghé vào dinh Đỗ Thanh Nhơn ra mắt, và trình các lễ vật cống sứ, đặng xin Đỗ Thanh Nhơn bảo tấu cùng vua. Đỗ Thanh Nhơn bèn bảo quan sứ Cao Man trở về, rồi thâu nhận lễ vật ấy mà làm của riêng mình, chẳng thèm tâu lại cho vua biết, ấy là một sự lạm dụng tới lễ vật của vua.

Chẳng những vậy thôi, cách ít lâu Đỗ Thanh Nhơn sai tướng tâm phúc qua Biên Hòa, truyền bắt nhơn dân vào rừng đốn cây vỡ gỗ, đốc suất các thợ đóng năm chục chiến thuyền, và đóng một chiếc tàu lớn, đặt tên là Đông Sơn chiến hạm, trên tàu nầy thuyền lầu phòng buồng, đều chạm trổ sơn son thiếp vàng, trang sức xem rất hoa mỹ, như một chiếc ngự thuyền của Đức Nguyễn vương kia vậy, trên sân tàu có trí súng đại bác thần công, sau lái có dựng một cây Huỳnh kỳ, đề bốn chữ “Quận công chiến hạm”.

Khi chiếc Đông Sơn nầy và năm chục chiến thuyền kia hoàn thành, Đỗ Thanh Nhơn định ngày làm lễ khánh hạ, và truyền lịnh cho quan địa phương Biên Hòa phải thâu trong nhơn dân cho đủ số ba ngàn hộc lương, rồi đem nạp trước ngày khánh thành đặng để dùng làm quân nhụ (là lương thực vật dụng của quân) cho đạo chiến thuyền mới lập.

Quan địa phương nầy vẫn là người phe đảng của Đỗ Thanh Nhơn ỷ thế cậy oai, thừa dịp ấy mà ép buộc nhơn dân, chẳng những bức sách hiến nạp quân lương mà thôi, lại còn kiếm chuyện hà lạm bạc tiền, đặng bỏ cho đầy túi, bằng ai bất tuân mạng lịnh, thì phải bị khảo kẹp giam cầm còng, và làm nhiều điều rất hà khắc thảm khổ, lại sai một đội quân đi rảo các làng các xóm, coi nhà nào lúa nhiều, thì thâu năm bảy chục hộc, một đôi trăm; còn nhà nào có năm mười giạ để chi độ vợ con, thì cũng ép mỡ rán dầu, mà tóm thâu sạch hết.

Xưa nay cái thói quân sai nha, là quân lòng sâu nọc rắn độc ác phi thường, mượn thế trộm lịnh quan trên như cáo mượn oai hùm, tới đâu thì nhát khỉ rung cây, kiếm chuyện vu oan cho người, mà làm muôn ngàn sự thương tàn đồng loại.

Tội nghiệp cho một đám dân nghèo, canh chẳng ngọt, cơm chẳng no, áo không lành, manh không ấm, hễ ăn bữa trưa, thì phải chạy lo bữa tối, hột lúa là mạng mạch của đám bần dân, mà lúa không đủ ăn, thì lấy gì mà dưỡng nuôi mạng sống, vì vậy mà phải cơ hàn đói khát, thì còn kể gì là pháp luật phải không, bởi cớ ấy đám dân nghèo nầy, coi nhà giàu nào có lúa đống gạo bồ, thì áp tới xúc ăn, dẫu đánh đuổi cũng chẳng đi, ngăn cấm cũng không sợ.

vả lại dân xứ nầy, đều là dân nghèo nàn khổ sở, phần bị mùa màng thất phát, không đủ nuôi dưỡng vợ con, có đâu dư giả mà hiến nạp cho quân binh nhụ dụng. Vì vậy mà phải thảm khổ cơ hàn, và sanh sự bất bình dấy loạn.

Lúc bấy giờ có quan huyện lịnh là Đặng Hữu Tâm, vẫn là người công bình cang trực, thấy dân bất bình, kẻ dắt vợ người dắt con, quần áo lang thang, cả lũ cả đoàn, kéo nhau tới trước nha môn, quì dưới đất mà khóc than cầu khẩn.

Quan huyện thấy vậy thì hỏi rằng:

 – Chúng bây nghèo thì mỗi nhà nạp đôi ba hộc lúa, lại không có nữa sao?

 – Bẩm quan lớn, chúng tôi nhà đã nghèo, phần thì con đông, phần thì mùa thất, làm mãn năm rồi chỉ dư đặng một đôi giạ, thì để nuôi con, mà các cậu sai nha bảo nạp quân lương, thì một đám hài nhi nầy phải chết đói, thà chúng tôi chịu chết, chớ chúng tôi không nỡ để cho đứa nhỏ, trẻ dại con thơ nầy, mới ở trong lòng mẹ lọt ra, chưa đặng bao lâu mà phải chịu chết đói, thì thảm khổ cho kẻ làm cha mẹ biết là dường nào! Quan lớn là cha mẹ chúng tôi, cũng như chúng tôi là cha mẹ những đứa thơ bé ấy, xin quan lớn lấy lòng ái truất, mà trần bẩm cùng quan trên, cho chúng tôi miễn nạp quân lương, đặng cứu giúp dân nghèo, cho khỏi sự khảo kẹp giam còng, và khỏi sự cơ hàn đói khát, nếu quan thượng ty không chịu chuẩn miễn cho bọn cùng dân, thà là chúng tôi chịu chết, chớ chẳng chịu vâng theo lịnh dạy.

Quan huyện thấy dân nghèo kéo đến kêu nài như vậy, thì cảm động lòng thương, bèn trầm tư nghĩ nghị một hồi, rồi day lại nói với ch1ung dân rằng:

 – Chúng dân hãy lui về cứ việc làm ăn, còn việc đó để bổn huyện đích thân lên quan trần bẩm cho, không sao phòng ngại.

Chúng dân nghe quan huyện nói vậy, thì mừng rỡ cảm ơn, rồi kéo nhau trở về đặng chờ lịnh quan trên phát lạc.

Quan huyện tức thì làm tờ trần bẩm cho Đỗ Thanh Nhơn, nhưng Đỗ Thanh Nhơn bất cử. Cách ít lâu đến kỳ nạp lương, mà không thấy quan Huyện giải nạp.

Đỗ Thanh Nhơn truyền lịnh đòi quan Huyện Đặng Hữu Tâm tức tốc lên hầu về việc quân lương trễ nãi.

Bữa sau quan huyện đặng tờ, liền sắm sửa khăn áo tuốt lên Trấn Biên (Biên Hòa), lúc nầy Đỗ Thanh Nhơn đương ở dưới chiếc thuyền Đông Sơn cùng các tướng thủ hạ.

Quan huyện bắt ghe đưa ra, rồi xin vào ra mắt.

Đỗ Thanh Nhơn thấy quan huyện bước vào, thì nghiêm sắc mặt và thạnh nộ quở rằng:

 – Đặng Hữu Tâm ngươi làm một chức huyện lịnh, sao ngươi chẳng biết thôi thúc nhơn dân nạp lương, để cho trễ nãi nhựt kỳ như vậy, thì tội ngươi không còn dung đặng.

Quan huyện đứng cách thong thả, sắc diện có vẻ nghiêm trang rồi bẩm rằng:

 – Bẩm Quận công, tôi làm một chức hạ quan, trấn nhậm biên thùy, thay mặc cho nhơn dân bá tánh, đến đây bẩm trần cho Quận công rõ: Từ khi Quận công hạ lịnh, bảo dân hiến nạp quân lương, tôi xem lòng dân cả thảy đều bất bình, và phàn nàn ta thán, vì lê dân xứ nầy đều cơ hàn cùng khổ, lúa kém gạo cao, trên chẳng đủ nuôi cha mẹ, dưới chẳng đủ dưỡng vợ con, nay Quận công ra lịnh bảo chúng nó phải hiến nạp quân lương, thì chúng nó lấy gì mà hoạn dưỡng thê nhi, chi độ hồ khâu. Bởi thế mà nhơn dân trong bổn địa, đến khóc lóc kêu nài cùng tôi, vậy nên tôi phải thay mặt cho nhơn dân, đến đây trần bẩm cùng Quận công, xin Quận công lấy lòng ái truất, mà biểu tấu cùng vua, chuẩn miễn việc ấy cho dân nhờ, hay là xin lịnh vua đình hưỡn hạn kỳ, đặng cho chúng có đủ ngày giờ mà lo liệu, nếu có lịnh vua thì chúng nó mới chẳng dám kêu nài, bằng không thì tôi e lòng dân bất phục.

Đỗ Thanh Nhơn nghe huyện lịnh Đặng Hữu Tâm nói thì trợn mắt nhíu mày, và vỗ bàn thạnh nộ mà nói rằng:

 – Ngươi phải biết rằng: Lịnh ta tức là lịnh vua, lịnh vua tức là lịnh ta. ngươi cứ việc y lịnh thi hành, sao ngươi dám trễ nãi hạn kỳ, mà còn kiếm chuyện kêu nài chuẩn miễn, nay ngươi đã cố ý bất tuân, thì ta phải chém đầu ngươi mà răn đe dân chúng mới đặng.

Nói rồi liền kêu đao phủ quân, bảo đem Đặng Hữu Tâm trảm thủ.

Đặng HỮu Tâm nghe Đỗ Thanh Nhơn buông lời tự thị nói rằng: Lịnh vua tức là lịnh ta, thì biết Đỗ Thanh Nhơn tỏ ý khinh mạng triều đình, và xem quốc dân như rơm rác, liền đỏ mặt phừng gan, ngó Đỗ Thanh Nhơn gườm gườm, rồi lấy lời trung ngôn mà mạ nhục và nói:

 – Đỗ Thanh Nhơn hỡi mi! Mi làm nhục một chức Quận công Thượng tướng là một bực cha mẹ của nhơn dân, sao mi chẳng biết bảo hộ dân nghèo, xót thương kẻ khó, nhơn dân là kẻ xích tử của triều đình, là cội rễ của nhà nước, nếu không có dân thì mi làm quan với ai? Ta đã chạy tờ trần bẩm sự cơ hàn cùng khổ của dân, mà mi chẳng chút lòng thương, mi hẳn là một đứa đại thù đại hận của chúng dân, và là một đứa tàn tặc thất phu, chớ chẳng phải là nhơn dân phụ mẫu. Đỗ Thanh Nhơn, ta tội gì mà mi lại bảo chém ta? Ta nói cho mi biết, mi giết đặng cái xác thịt ta, nhưng không khi nào mi giết đặng cái tấm lòng công lý của ta, đầu ta đứt, thân ta chết, nhưng mà lòng cang trực trung thành của ta không bao giờ chết đặng, ta là người hưởng thọ tước lộc của nhà vua, thì ta chỉ biết vâng theo mạng lịnh nhà vua, nếu ta có phạm tội, thì triều đình được phép xử ta, mi không phép nào dám lấy luật riêng của mi mà xử trảm ta được, ta chẳng phải là bọn thủ hạ của mi, và cũng chẳng phải là kẻ hưởng thọ tước lộc của nhà mi, mi chớ quen thói khi quân hiếp chúng, ỷ thế chuyên quyền, ta nòi cho mi biết, nếu đầu ta rớt, thì đầu mi cũng rớt.

Nói tới đây Đỗ Thanh Nhơn hét lên một tiếng, bỗng thấy tướng tâm phúc của Đỗ Thanh Nhơn là Đỗ Bản tuốt gươm nhảy tới, huơi một cái, thì đầu Đặng hữu Tâm đã rớt, rồi truyền quân quăng thây xuống nước.

Thảm thiết thay cho Đặng Hữu Tâm vẫn là người có lòng công bình cang trực, mến nước thương dân, chẳng thèm đem thói đệ tiện tiểu nhơn, mà dua mị cúi lòn theo một kẻ lộng quyền hiếp chế, vì vậy mà phải hy sanh tánh mạng dưới một lưỡi đao của đứa táng tận lương tâm, và phải chôn một khối cang trực trung hồn theo dòng nước chảy.

Lúc bấy giờ nhơn dân trong địa phương nghe Đặng Hữu Tâm bị Đỗ Thanh Nhơn giết chết, thì bất bình, rồi cả xứ đều náo động dấy lên, không chịu phục tùng mạng lịnh.

Đỗ Thanh Nhơn liền sai một đạo binh đến dẹp, nhơn dân thấy quan binh ỷ thế, đều nổi trận bất bình, rồi kẻ mác người dao kéo nhau ra mà kêu nài kháng cự; quan binh bất kể phải chẳng, cứ ỷ thế cậy oai, chém giết một hồi, rồi bắt đặng ba chục người dẫn về nạp cho Đỗ Thanh Nhơn phát lạc.

Đỗ Thanh Nhơn thấy thì truyền quân trói cả tay chơn, lấy lửa than đốt cho phồng da cháy thịt mà chết.

Thảm thay cho một đám bình dân nghèo khổ, chỉ lo lam lụ làm ăn, mà bị Đỗ Thanh Nhơn lấy một thế lực bức sách hoành hành, mà làm sự sát sanh tàn ngược.

Bữa nọ Nguyễn Vương đương ở tư dinh, bàn nghị quốc sự với một ít quan cận thần, bỗng thấy quan Chưởng cơ là Huỳnh Thiêm Lộc bước vào, xem trạng mạo có vẻ vội vàng hăm hở.

Nguyễn Vương day lại ngó hUỳnh Thiêm Lộc mà hỏi rằng:

 – Quan Chưởng cơ có việc chi muốn tỏ cùng ta chăng?

 – Bẩm chúa thượng có việc bí mật hạ thần muốn tỏ cho chúa thượng rõ.

Nguyễn Vương nghe nói liền đứng dậy ngó Thiêm Lộc và bảo rằng:

 – Quan Chưởng cơ, ngươi hãy vào Cơ mật viện với ta, nói rồi cả hai đều vội vàng đi tới Cơ mật viện, bước vào đóng cửa lại rồi, Nguyễn Vương ngó Thiêm Lộc mà hỏi rằng:

 – Ngươi nói việc bí mật ấy là việc chi? Hãy nói cho ta nghe thử.

 – Bẩm chúa thượng, trước khi chúa thượng muốn rõ việc bí mật ấy, xin chúa thượng nói cho hạ thần biết rằng: trong Nam kỳ lúc nầy bây giờ, có một vua hay là hai vua?

Đức Nguyễn Ánh nghe hỏi lấy làm lạ, ngó sững quan Chưởng cơ HUỳnh Thiêm Lộc và nói rằng:

 – Tại Nam kỳ nầy có một ta là vua đấy thôi, ngươi muốn nói gì ta không hiểu đặng.

 – Bẩm chúa thượng, xin lỗi cùng chúa thượng, tôi tưởng trong Nam kỳ nầy hiện nay đã có hai vua.

Đức Nguyễn Vương nghe nói liền nheo mày trợn mắt, ngó chăm chỉ Thiêm Lộc lấy làm lạ mà hỏi tiếp rằng:

 – Ngươi nói rằng tại Nam kỳ nầy, hiện nay đã có hai vua mà hai vua ấy là ai?

Huỳnh Thiêm Lộc đứng cách tề chỉnh và đáp rằng:

 – Bẩm chúa thượng, vua thứ nhứt là chúa thượng đây, cả thảy thần dân ai ai cũng biết, song nay có một vua thứ hai nữa là Đỗ Thanh Nhơn, thì tôi mới biết đây, nên phải đến tỏ cho chúa thượng rõ.

Đức Nguyễn Vương nghe nói rất rối trí, liền kéo ghế cái rột đứng dậy mà hỏi rằng:

 – Quan Chưởng cơ, sao ngươi gọi Đỗ Thanh Nhơn là vua thứ hai, là nghĩa lý gì vậy? Hãy nói ta nghe.

 – Bẩm chúa thượng, nếu Đỗ Thanh Nhơn chẳng phải là vua thứ hai, mà sao hắn dám đại ngôn nói với một quan huyện lịnh kia, câu rằng: “Lịnh vua tức là lịnh ta, lịnh ta tức là lịnh vua” như vậy chẳng phải Đỗ Thanh Nhơn là một bực vua nữa sao? Và chẳng phải là một người địch thể với chúa thượng đó sao?

Đức Nguyễn Vương nghe nói câu ấy, thì phừng phừng sắc mặt và hỏi rằng:

 – Lời ấy Đỗ Thanh Nhơn đã nói tại đâu? Và sao nhà ngươi biết đặng?

Huỳnh Thiêm Lộc liền lấy một cái mật thơ trong áo ra, trao cho Nguyễn Vương và nói rằng:

 – Bẩm chúa thượng, Đỗ Thanh Nhơn nói câu ấy trong khi làm lễ khánh thành đạo chiến thuyền tại Trấn Biên, người tâm phúc tôi là Triệu Hùng có qua dự khán cuộc ấy của Đỗ Thanh Nhơn, thấy vậy nên gởi mật thơ nầy cho tôi hay, đặng bẩm trần lại chúa thượng rõ.

Đức Nguyễn Vương liền dở thơ ra xem, trong thơ đại lược nói như vầy.

“Kính gởi mật thơ nầy cho quan Chưởng cơ HUỳnh đại nhơn rõ, ngày lễ khánh thành đạo chiến thuyền của Đỗ Thanh Nhơn Quận công, có quan huyện là Đặng Hữu Tâm kêu nài xin lịnh vua chuẩn miễn việc giải nạp quân lương, Đỗ Thanh Nhơn thạnh nộ và nói rằng: lịnh vua tức là lịnh ta, lịnh ta tức là lịnh vua, rồi truyền đao phủ quân xử trảm quan huyện, vì vậy nên nhơn dân trong địa phương đều bất bình dấy loạn, rồi Đỗ Thanh Nhơn đem binh đánh giết, bắt đặng ba chục lương dân, dụng khổ hình lấy lửa than mà đốt cho phồng da cháy thịt, thật là Đỗ Thanh Nhơn ỷ quyền làm nhiều sự hoành hành bạo ngược, xem triều đình như không ai, coi mạng dân như rơm rác, nên hạ thần phải mật thơ cho đại nhơn rõ biết.

TRIỆU HÙNG đốn thủ.”

Nguyễn Vương xem thơ rồi sắc mặt thạnh nộ, và nói:

 – Đỗ Thanh Nhơn dám tự lịnh chuyên quyền vậy sao?

Quan Chưởng cơ Huỳnh Thiêm Lộc bước tới bẩm rằng:

 – Bẩm chúa thượng, Đỗ Thanh Nhơn cậy thế binh cường tướng dõng mà sanh lòng mạng pháp khi quân, nếu chúa thượng dung dượng một kẻ quyền thần, thì chẳng khác chi nuôi một ghẻ ung độc trong tim gan, ngày kia lớn ra, thì không thuốc nào trị đặng. Nay hạ thần xe ý Đỗ Thanh Nhơn đã gấm ghé mong lòng Tháo, Mảng, ắt ngày sau chẳng khỏi gây họa cho nước nhà, vậy xin chúa thượng phải sớm lo ngắt ngọn dứt chồi, nếu để cội lớn vừng to, tàng cao nhánh rậm, chừng ấy dẫu có búa bén rìu hay, cũng chẳng khỏi tổn công mệt sức, mà lại e khó nỗi tuyệt hoạn trừ căn, đào cây bứng gốc cho đặng.

Nguyễn vương nghe quan Chưởng cơ Huỳnh Thiêm Lộc nghị luận mấy lời thì nghiêm sắc mặt mà nói rằng:

 – Ta chẳng phải nhu nhược như Hiến đế, hôn muội như Bình đế, thì ta có sợ gì Đỗ Thanh Nhơn sanh lòng Tháo, Mảng.

Kế Tôn Thất Thiện ngoài cửa bước vô, Nguyễn vương liền đưa cái mật thơ của Triệu Hùng cho Tôn Thất Thiện xem.

Tôn Thất Thiện xem rồi, bẩm rằng:

 – Bẩm chúa thượng, thật Đỗ Thanh Nhơn nay đã chuyên quyền ỷ thế, đến đỗi lương tiền trong kho đều lấy ra dùng về việc riêng của va, không chịu cấp phát cho quân cơ lính tráng trong cung viện.

Đức Nguyễn vương nghe nói thì lửa giận phừng gan rồi nói rằng:

 – Ta dòm thấy Đỗ Thanh Nhơn mấy tháng nay, đã lộ ra cái mòi khinh thị ta, vậy để ta dụng một thế lực thủ đoạn cho hắn biết chừng.

Nói rồi đòi các tướng tâm phúc là Lê Văn Quân, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương, Võ Giảng Triêm đến Cơ mật viện, và bảo các tướng ấy cứ việc thi hành như vầy như vầy ….

Các tướng lãnh mạng lui về, Nguyễn vương liền sai thị vệ đòi quan Lễ bộ thượng thơ là Nguyễn Nghi, đến và dặn rằng:

 – Quan Lễ bộ ngươi phải về sắm sửa một tiệc cho long trọng, mời các tướng tâm phúc của Đỗ Thanh Nhơn đến dự tiệc tại tư dinh của người, và tiếp đãi các tướng ấy cho tử tế, chờ chừng nào có lịnh ta, thì sẽ bãi tiệc.

Quan Lễ bộ Nguyễn Nghi vâng lịnh rồi khấu đầu lui ra.

Nguyễn vương liền kêu thị vệ đòi quan Chưởng dinh là Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thoại vào rồi truyền mật lịnh cho hai người ấy mà nói rằng:

 – Hai ngươi phải về sắp đặt các việc cho sẵn sàng, rồi y lịnh thi hành, chẳng nên sơ thất.

Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thoại lãnh mạng rồi, bái từ lui về, cách ba ngày sau, Nguyễn vương sai quan Thị giảng là Châu Lâm qua dinh mời Đỗ Thanh Nhơn định ngày mai phải vào đền đặng bàn nghị quốc sự.

Đặng lịnh, sáng bữa sau Đỗ Thanh Nhơn sắm sửa y giáp trang hoàng rồi lên ngựa đi với hai mươi quân nhơn thẳng vào thành vua, liền xuống ngựa để các quân nhơn đứng trước Ngọ môn, bèn đi vòng theo sân rồi bước vào nguyệt đài, thẳng tới kim môn, tấn lên Thái Hòa điện là chỗ vua thường khi triều ngự, ngó vào đền thì thấy vắng vẻ yêm lìm, chỉ có quan Đô soát với quan Lãnh binh, hai người đương đứng trò chuyện cùng nhau bên cạnh đền.

Đỗ Thanh Nhơn bước tới, quan Đô soát với quan lãnh binh thấy liền vội vã chạy lại tiếp chào.

Đỗ Thanh Nhơn đáp lễ rồi hỏi rằng:

 – Hai ông đến đây bao giờ, còn chúa thượng ở đâu, mà chưa ra triều ngự?

Quan Đô soát nghe hỏi hỏi liền đáp rằng:

 – Thưa Quận công, chúa thượng hôm giờ cảm hàn, quới thể bất yên, nên người ở tại hậu dinh, không ra triều ngự, và chúa thượng có dặn hai tôi ở đây đặng nghinh tiếp quận công, vậy xin quận công thẳng vào hậu dinh ra mắt chúa thượng.

Đỗ Thanh Nhơn liền đi ra khỏi Thái Hòa điện, thấy bên hữu một tòa Văn Minh điện, bên tả một tòa Võ Hiển điện, chính giữa có một khoảng rộng để nhiều chậu bông, và một hòn giả sơn cao lên chớn chở, kế thấy cách sân bên kia, chừng trăm thước, có một tòa Trung Ương điện, trước sân có thạch trụ lan can, và để hình kỳ lân sư tử.

Khi Đỗ Thanh Nhơn đi khỏi sân, bước lên chín cấp thạch đầu, rồi vòng theo song ly bước qua tả môn, vào tới Trung Ương điện, ngó vô giữa đền, thấy màn bay phưởng phất, trướng xũ yêm lìm, xem trước ngó sau, mà chẳng thấy vua ra triều ngự.

Đỗ Thanh Nhơn lấy làm lạ, đứng trước đền ngó xem một hồi, rồi rảo lại đi qua, mà chẳng thấy ai hết, bỗng thấy quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại sau điện bước ra, chào Đỗ Thanh Nhơn và nói:

 – Thưa Quận công, chúa thượng đương ở hậu cung, chờ Quận công nghị sự.

Đỗ Thanh Nhơn hỏi:

 – Chúa thượng khỏe chăng?

 – Thưa Quận công, chúa thượng bị cảm phong sương nên sanh chứng đầu đông, chớ không chi trọng bịnh.

Nói rồi Nguyễn Hữu Thoại dắt Đỗ Thanh Nhơn đi tới một sân rộng, hai bên có hai dãy thị vệ quân dinh, và một dải ngự lâm pháo thủ, còn bên nam có cất một tòa Cơ Mật viện, bên bắc cất một Nguyệt Thanh cung, thảy đều rộng rãi nguy nga, cửa tía lầu son, phân biệt đường qua ngả lại rồi Nguyễn Hữu Thoại đi vòng ra sau.

Khi Đỗ Thanh Nhơn qua khỏi sân, rồi bước vào hậu điện, thấy trên cửa có để một tấm biển vàng, đề ba chữ: Cần Chánh điện.

Đỗ Thanh Nhơn liền bước vào, ngó lên long án, cũng chẳng thấy vua, thì lấy làm lạ mà tự nghĩ rằng: ” Nãy giờ ta đã vào ba điện rồi, chỗ nầy là chỗ hậu điện, sao chúa thượng ở đâu mà không ra triều ngự? Bèn rảo lại đi qua một hồi, kiếm coi có tên thị vệ nào đặng hỏi, kế thấy Nguyễn Huỳnh Đức phía sau bước ra tiếp chào.

Đỗ Thanh Nhơn hỏi rằng:

 – Chúa thượng có ngự đây chăng?

Nguyễn Huỳnh Đức đáp rằng:

 – Chúa thượng còn ở hậu cung, vậy xin Quận công chờ đây một chút, để tôi vào bẩm cho người hay, rồi sẽ tấn vào ra mắt.

Đỗ Thanh Nhơn gặc đầu, rồi đứng trước ngự đình chờ lịnh, một lát hai bên cửa đền kéo ra hơn hai mươi đao phủ quân, đều rút gươm dàn hầu, kế thấy Nguyễn vương ở trong hậu cung bước ra, một bên thì Nguyễn Huỳnh Đức, một bên thì Nguyễn Hữu Thoại và bốn tướng hộ vệ theo sau.

Đỗ Thanh Nhơn thấy Nguyễn vương ra ngự giữa Kim Quang điện, bên tả có Nguyễn Văn Thành, bên hữu có Trịnh Hoài Đức hai bên hộ vệ đứng hầu tề chỉnh khác hơn mọi khi, và xem các tướng sĩ người người đều có vẻ hùng hào oai võ. Thình lình nghe trên Trung Ương điện đánh lên ba tiếng trống, kế thấy hai đội ngự lâm quân ở hai bên Trung Ương điện, kéo vòng ra ngự đình, giăng ngay hai hàng và rút gươm bồng súng, đứng cách nghiêm chỉnh; Đỗ Thanh Nhơn rất nên kinh ngạc và nghĩ thầm rằng: “Thế có việc chi quan trọng đây, mà sao lại có hai đội ngự lâm pháo thủ dàn hầu cũng lạ? Bình nhựt Nguyễn vương lâm triều nào có quân gia nghiêm nghị như vậy, sao nay lại có quân ngự lâm dàn hầu tước diện, quân đao phủ chầu chực bên màn, nghĩ rồi liền bước tới yết kiến Nguyễn vương mà nói rằng:

 – Bẩm chúa thượng, hạ thần hôm nay đến viếng chúa thượng, xin chúc chúa thượng quới thể bình yên.

Nguyễn vương ngồi cách tề chỉnh oai nghi, rồi nghiêm sắc mặt ngó Đỗ Thanh Nhơn mà hỏi rằng:

 – Ta nghe nói Đỗ Thanh Nhơn đã làm tước vương rồi phải chăng? Hãy nói đặng quả nhơn làm lễ cung nghinh cho xứng đáng một bực vương hầu thể diện?

Đỗ Thanh Nhơn nghe câu hỏi ấy, thình lình trúng ngay vào tâm, làm cho trái tim nhảy lên một cái rất dữ dội, và trán đổ mồ hôi, nghĩ thầm trong trí rằng: “Cuốc sách phương lược của mình đã sắp đặt giấu diếm trong lòng, mà sao Nguyễn vương lại biết được,” rồi đứng sững sờ một chút và nói rằng:

 – Bẩm chúa thượng, sự ấy hạ thần đâu dám vượt phẩm triều đình, mà làm sự nghịch lý.

Nguyễn vương liền vỗ lên long án cái bốp, rồi hia mắt phóng xạ hào quang, lườm lườm ngó ngay vào mặt Đỗ Thanh Nhơn một cách oai khí và nói rằng:

 – Ngươi không dám, mà Đỗ Thanh Nhơn kia dám, nếu ngươi chẳng phải tước vương sao ngươi dám đại ngôn nói rằng: Lịnh vua tức là lịnh ta, lịnh ta tức là lịnh vua, và nếu ngươi không phải tước vương, sao vua Cao Man đem lễ vật cống sứ ta, mà ngươi dám nhận lãnh, ngươi không ý ỷ thế lộng quyền, sao ngươi dám tự lịnh chém một quan huyện ở Trấn Biên, là một vị viên quan của triều đình mà chẳng cho ta biết? Ngươi lại dụng độc hình sanh sát lương dân, tàn ngược lê thứ, cái sách Tào Tháo Vương Mảng của ngươi, ta đã nắm chặt trong tay, không sao chối đặng, cái tội ngươi chuyên quyền tự lịnh, nghịch quốc khi quân, nay đã hiển hiện ra trước mắt muôn người, không thế gì trốn tránh đâu đặng. Vậy thì ngươi hãy đem một sanh mạng của ngươi mà chuộc cái tội nghịch quốc khi quấn ấy đi.

Nói rồi liền kêu võ đao quân một tiếng, tức thì hai bên điện, quân võ đao rút gươm áp lại.

Lúc bấy giờ Đỗ Thanh Nhơn như cọp kia phải rọ, chim nọ mắc lồng, dẫu có nanh vút cánh vi, cũng khó bề bay nhảy, liền trợn hai tròng mắt tròn như viên đạn, ngó quân võ đao mà nói cách nghiêm nghị rằng:

 – Khoan, chúng bây hãy dang ra, ta làm một chức thượng tướng của triều đình, dưới tay ta có chiến trường dư trăm, hùng binh quá vạn. Ta đối với quân Tây Sơn giữa chốn kịch liệt chiến trường thiên đao vạn nhẫn, ta còn thị tử như qui, chẳng hề để vào lòng chút chi gọi rằng sợ hãi. Vậy chúng bay hãy đứng yên, để ta bẩm cùng chúa thượng ít lời, nếu tah65t ta là người hữu tội, thì ta sẽ nạp mình ta giữa chốn pháp trường, chúng bây không cần chạo rạo.

Quân võ đao thấy Đỗ Thanh Nhơn nói cách khẳng khái như vậy, thì đứng yên một bên.

Đỗ Thanh Nhơn liền cung tay trước Nguyễn vương và nói rằng:

 – Bẩm chúa thượng, chúa thượng buộc tôi cho hạ thần rằng: chuyên quyền sanh sát, nghịch quốc khi quân, mà hạ lịnh xử tử Đỗ Thanh Nhơn nầy, thì hạ thần xin bẩm lại một lời rằng tội ấy chưa đúng công lý.

Nguyễn vương ngó chăm chỉ Thanh Nhơn và hỏi rằng:

 – Người nào chuyên quyền sanh sát, ngươi hãy nói đí, nói đi.

 – Bẩm chúa thượng, người chuyên quyền sanh sát ấy là người đương ngồi trên long án kia, mà hạ lịnh cho quân võ đao xử tử Đỗ Thanh Nhơn nầy, người ấy tức là chúa thượng đó? Người ấy chính là người chuyên quyền, sanh sát một kẻ phụ quốc công thần là tôi đây, chớ tôi chưa tội chi gọi rằng đáng tội xử tử.

Nguyễn vương nghe Thanh Nhơn nói vậy thì cười gằn một tiếng rất gay gắt, tiếng cười nầy nghe ra chua như dấm, mà bén nhu đao, và hỏi rằng:

 – Thanh Nhơn, ngươi chuyên quyền sanh sát, chém một quan huyện lịnh, giết hại một đám lương dân, và mạng pháp khi quân, mà ngươi còn cượng từ gọi rằng chưa đáng, vậy thì tội chi ngươi mới gọi là đáng tội xử tử?

 – Bẩm chúa thượng, quan huyện lịnh với một đám nhơn kia là kẻ bất tuân mạng lịnh, tôi làm một viên thượng tướng, lại không quyền pháp mà giết chết quân nghịch ấy sao? Vả lại tên huyện lịnh Đặng Hữu Tâm là người của triều đình đặt ra để trị dân giúp nước, nay hắn chẳng vâng lịnh trừng trị nhơn dân, mà lại xúi giục nhơn dân phản đối cùng hạ thần, là một tôi phụ quốc của chúa thượng, vậy thì không nên giết nó cho rảnh, còn để làm gì? Còn tội đáng xử từ một kẻ đại thần là tội đồ mưu soán nghịch cùng vua, dấy loạn cang qua trong nước, nếu có bằng cớ rõ ràng, dâu cho chúa thượng muốn dụng nghiêm hình mà tru di tam tộc cũng đáng, song nay hạ thần, chẳng phải là kẻ đồ mưu dấy loạn, cũng chẳng phải là kẻ soán nghịch triều đình, như VƯơng Mảng khi xưa, như Tào Tháo thuở nọ. Nay chúa thượng lại hạ lịnh xử tử Đỗ Thanh Nhơn nầy, về tội sát hại lương dân, khi quân mạng pháp? Tôi xin hỏi chúa thượng, sao chúa thượng không suy đi nghĩ lại mà xét cho thằng Đỗ Thanh Nhơn nầy, là thằng đã ra giúp chúa Nguyễn vua Duệ Tôn là chú ruột của cháu thượng khi trước, mà đối địch với Nguyễn Nhạc Tây Sơn mấy trận tại Qui Nhơn, sau vua Duệ Tôn chạy vào Gia Định nầy, quân Tây Sơn rượt theo bắt đặng giết đi. Lúc ấy chúa thượng chạy ra cù lao Thổ Châu, tôi ở Bình Thuận nghe quân Tây Sơn truy tầm chúa thượng mà bắt, tôi liền đem binh vào nam kỳ cứu giúp chúa thượng, đánh đổ quân giặc Tây Sơn, giết chết tướng Tây Sơn là Tư Khấu Oa và thâu phục Saigon lại đặng, rồi tôi đem binh xuống Bến Lức nghinh tiếp chúa thượng và cung quyến trở về Saigon, tôn chúa thượng lên làm Đại Nguyên soái. Ấy vậy chẳng những thằng Đỗ Thanh Nhơn nầy có công nghiệp với tiền vương của chúa thượng là vua Duệ Tôn mà thôi; lại cũng có công nghiệp lớn lao nhọc nhằn với chúa thượng bây giờ đây nữa, chẳng những vậy thôi, sau tôi lại đem binh chinh phạt Chơn Lạp là nước Cao Man, giết Nặc-Vinh tại thành Ô-Đông, rồi tôn hoàng tử là Nặc-In lên ngôi, và bắt vua Cao Man phải thọ xưng thần, phục tùng dưới quyền bảo hộ của chúa thượng, ấy chẳng phải là một sự công lao hạng mã  của thằng Đỗ Thanh Nhơn nầy sao? Kế đó tại Trà Vinh quân Cao Man dấy loạn, tôi đem binh dẹp yên quân giặc, rồi bắt đặng tướng Cao Man là Ốc-Nha-Suất mà giết chết tại Trà Vinh, từ đó đến giờ, quân Cao Man ở Trà Vinh không dám dấy động cang qua, đâu đó đều an cư lạc nghiệp. Lúc bấy giờ tôi thấy toàn cõi Nam kỳ đã yên, Cao Man đã phục, thế phải có một vị quốc vương đặng cầm quyền chánh trị, chiêu nạp nhơn tài, tôi bèn công đồng hội nghị cùng các hàng võ tướng văn quan, xin tôi chúa thượng lên ngôi quốc vương, đặng mở mang bờ cõi. Vậy xin hỏi chúa thượng, thằng Thanh Nhơn nầy chẳng phải là thằng chinh Nam phạt Bắc, tế khổn phò nguy cho chúa thượng đó sao? Nay chúa thượng lại buộc cái tội mạng pháp khi quân, lộng quyền sanh sát, mà hạ lịnh xử tử thằng Thanh Nhơn nầy, thật tôi lấy làm cảm tạ cái lòng nhơn từ đại độ, cái lượng ân đức hải hà của chúa thượng lắm đó. Trong thế chúa thượng ngày nay muốn bắt chước Hán bái công khi trước, hễ cao điểu tận lương cung tàng giảo thố tử, tẩu cẩu phanh. Tôi biết chúa thượng rồi, hễ đặng chim rồi thì bẻ ná, đặng cá rồi thì quên nôm; nên ngày nay chúa thượng lấy cái luật hình xử tử nầy mà ban thưởng cho tôi đó hê. Vậy xin chúa thượng hãy hỏi lại lương tâm của chúa thượng mà coi: Đỗ Thanh Nhơn nầy là một tướng phụ quốc công thần của chúa thượng ngày nay, chớ chẳng phải bọn Tào Tháo, Vương Mảng của nhà Hàn khi trước đó đâu. Nếu chúa thượng muốn, thì tôi sẽ cho chúa thượng cái đầu tôi đây, song tôi xin chúa thượng một điều là đừng mạ nhục tôi là đồ Tháo, Mảng.

Nguyễn vương nghe rồi, nheo mày trợn mắt, nổi trận lôi đình, vỗ trên long án một cái và nói rằng:

 – Ta đã dòm thấy trong khối óc ngươi giấu diếm một con ma chọc trời khuấy nước, trong tim đen ngươi chứa chẫm một lũ quỉ thế lực quyền hành, bây giờ tuy còn núp mặt ẩn danh, mà sau đây sẽ hiện hình lố dạng. Cái thói lộng quyền khi chúa đó, là hai tên quan hướng đạo, để dẫn nẻo đem đường cho kẻ nghịch thần; và cũng là hai tướng tiên phong của quân tặc tử. Ngày nay ngươi là Đỗ Thanh Nhơn, mà ngày mai ngươi là Tháo, Mảng, ngươi phải biết rằng: ta có hai Đỗ Thanh Nhơn. Đỗ Thanh Nhơn khi trước là người phò vua vực nước, đỡ vạc nưng thành, giữ một lòng trung nghĩa với ta, thì ta kỉnh trọng và cảm ơn; còn Đỗ Thanh Nhơn ngày nay đây là đứa mạng pháp khi quân, lộng quyền nghịch quốc, thì ta không thế gì dung thứ hắn đặng.

Nói rồi kêu võ đao quân một tiếng. Quân võ đao liền áp lại.

Đỗ Thanh Nhơn ngoảnh mặt vào đền, thoảng qua một cặp mắt tự thị ngó chúa Nguyễn mà hỏi rằng:

 – Vậy thì chúa thượng chỉ quyết hạ một lịnh xử tử Đỗ Thanh Nhơn nầy mà thôi sao?

 – Ta chỉ có một lịnh mà thôi, không bao giờ có hai lịnh đâu mà ngươi phải hỏi.

Đỗ Thanh Nhơn liền nhích hai môi, tỏ ra một dấu mỉm cười rất thảm buồn, rồi day lại nói với quân võ đao rằng:

 – Chúng bây chẳng cần gì bắt buộc, nói rồi đi chẩm hẩm ra giữa ngự đình, vạch ngực ra, rồi hai tay chống nạnh đứng trơ như một hình đồng, và kêu quân võ đao mà bảo rằng:

 – Bây hãy y lịnh thi hành ta đi.

Kế thấy Nguyễn HUỳnh Đức ra đứng trước điện nói lớn rằng:

 – Chúa thượng truyền lịnh cho quan giám sát, lập tức thi hành.

Nói vừa dứt lời, bỗng nghe trước điện đánh ba tiếng chiêng, kế hai đội ngự lâm kéo tới, thì thấy ba mũi súng của ba tên Ngự lâm pháo thủ, phát ra một lượt đùng đùng, bắn vào ngực Đỗ Thanh Nhơn, tức thì thấy một vòi máu nóng trong tim vọt ra đỏ điều, và một đường nhiệt khí bay lên ngun ngút.

Đỗ Thanh Nhơn lúc bấy giờ hai mắt ngó vào đền lườm lườm, và đưa chơn bước tới ba bước, rồi mới chịu riu ríu ngã xuống.

Đỗ Thanh Nhơn bị tội xử tử nhằm ngày … tháng ba năm Tân Sửu (1781).

Vậy có thi rằng:

Soi gương kim cổ hỡi nầy ai.

Chớ cậy quyền cao chớ ỷ tài.

Mê tỉnh huỳnh lương trong một giấc.

Cuộc đời vinh nhục chẳng bao giai.

Đỗ Thanh Nhơn chết rồi, đức Nguyễn vương liền truyền cho thị vệ đem thây ra ngoại thành để nơi hữu dinh sứ quán mà tẩn liệm, rồi hạ một đạo chỉ dụ bảo thị vệ đem qua dinh quan Lễ bộ Nguyễn Nghi đặng truyền cho các tướng Đỗ Thanh Nhơn hay biết.

Lúc bấy giờ các tướng của Đỗ Thanh Nhơn đương dự tiệc tại dinh quan Lễ bộ Nguyễn Nghi, bỗng có quân thị vệ đem chỉ cụ của vua, Nguyễn Nghi bèn lấy chỉ dụ đọc cho các tướng ấy nghe, trong chỉ dụ đại lược nói như vầy:

“Ta là Nguyễn vương truyền chỉ dụ cho các tướng rõ Đỗ Thanh Nhơn có phạm mấy điều đại tội, nghịch quốc khi quân, chuyên quyền sanh sát, vì vậy luật nước không dung, nên phải bị hành hình tru lục, còn các tướng là người vô can, nên quả nhơn đều rộng tình tha thứ”

Các tương đương ăn uống chơi bời, bỗng nghe Đỗ Thanh Nhơn là chủ tướng, bị vua xử tử, thì cả thảy đều sảng sốt kinh hoàng, liền rùng rùng kéo nhau về dinh, đặng cho các đạo binh hay rằng: Chủ tướng đã bị vua xử tử.

Khi về tới dinh thấy các tướng của Nguyễn vương là Lê Văn Quân, Tống Phước Lương, Võ Giản Triêm và Trương Văn Bác, đã đem binh đến giữ các dinh trại quân thủy và quân bộ của Đỗ Thanh Nhơn và nói với các tướng của Đỗ Thanh Nhơn rằng:

 – Chúng ta vâng lịnh chúa thượng đến đây quản suất các đạo quân dinh, còn các ngươi xin hãy lui về tư dinh, đặng chờ lịnh vua xử trí.

Các tướng tâm phúc của Đỗ Thanh Nhơn thấy vậy đều bất bình, nhưng chẳng biết tính sao, rồi kéo nhau tới dinh của Đỗ Thanh Nhơn báo tin cho vợ Đỗ Thanh Nhơn là Mai yên Ngọc hay.

Lúc bấy giờ Mai Yến Ngọc đương ở nơi hậu đường, bỗng có thế nữ vào báo rằng: có các tướng ở tiền dinh, cầu xin ra mắt.

Mai Yến Ngọc nghe nói, lật đật bước ra thấy Võ Nhàn, Đỗ Bản và chư tướng thì hỏi rằng:

 – Các tướng quân đến đây có việc chi cẩn cấp chăng?

Đỗ Bản đáp rằng:

 – Bẩm phu nhơn, Đỗ tướng công đã bị Nguyễn vương xử tử tại Cần Chánh điện rồi, nên chúng tôi vội vàng về đây báo tin cho phu nhơn rõ.

Mai Yến Ngọc nghe báo tin ấy, thì sốt mặt bưng đầu, dường như sét nổ bên tai, trời nghiêng đất sụp, rồi mặt mày thất sắc, rất nên kinh hãi mà hỏi rằng:

 – Phu tướng ta có tội gì mà lại bị Nguyễn vương xử tử?

Võ Nhàn đáp rằng:

 – Bẩm phu nhơn, khi chúng tôi đương dự tiệc tại dinh quan Lễ bộ Nguyễn Nghi, thì có chỉ dụ của Nguyễn Vương nói rằng: Đỗ tướng công bị tội khi quân nghịch quốc, nên Nguyễn vương xử tử tướng công tại giữa Ngự đình kia rồi.

Mai Yến Ngọc nghe rồi thì tâm thần rối loạn, bủn rủ tay chơn, mắt đổ hào quang, té xỉu nơi ghế mà bất tỉnh, các thể nữ xúm lại kêu đỡ một hồi, khi Mai Yến Ngọc tỉnh lại, thì giọt lụy dầm dề, xiết bao là gan xàu ruột đứt, rồi day lại hỏi các tướng rằng:

 – Nay chống ta đã bị Nguyễn vương xử tử như vậy, thì các tướng quân tính liệu thế nào?

 – Bẩn phu nhơn, chúng tôi thấy tướng công bị giết vô cớ như vậy thì cả thảy đều bất bình, quyết về đem binh phản đối, nhưng chẳng dè các đạo binh bộ của tướng công đã bị các tướng của Nguyễn vương là Lê Văn Quân, Tống Phước Lương đem binh giữ gìn hết cả, nên ch1ung tôi bây giờ chưa biết toan liệu thế nào.

Mai Yến Ngọc nghe các tướng nói vậy, thì sửng sốt nheo mày mà hỏi rằng:

 – Các ngươi nói rằng, các dinh trại binh bộ của chồng ta đã bị các tướng của Nguyễn vương thâu phục hết rồi, còn các đạo binh thủy bây giờ làm sao?

 – Bẩn phu nhơn, các đạo binh thủy lại bị tướng của Nguyễn vương là Võ Giản Triêm, Trương Văn Bác đem binh phòng thủ hết cả.

Mai Yến Ngọc nghe nói liền rưng rưng nước mắt và nói rằng:

 – Nếu vậy bây giờ binh bộ và binh thủy của chồng ta, đã bị Nguyễn vương thâu đoạt hết rồi.

Nói tới đây thì rủn liệt tâm thần, ngồi xỉu nơi ghế, hai tay bụm mặt mà khóc một hồi rất thảm thiết ai bi, rồi đứng dậy lấy khăn lau nước mắt và nói với các tướng rằng:

 – Các tướng quân ôi! Vậy xin các tướng hãy lui về dinh trại, đặng ta vào thành tìm chồng ta mà tẩn liệm thi hài, dẫu Nguyễn vương có nói rằng, ta đồng tội cùng chồng ta mà giết đi, thì ta cũng cam lòng, miễn là ta gặp đặng thi hài của chồng ta, dầu sanh tử thế nào ta cũng liều cho thấy mặt.

Các tướng nghe Mai Yến Ngọc nói vậy, đều động lòng rơi lụy rồi khấu đầu từ giã lui ra.

Mai Yến Ngọc liền bảo quân nhơn thắng ngựa gác xe, rồi đi với hai tên thể nữ, thẳng tới thành vua, thì trời đã tối, thấy hai tên quân nhơn đứng nhựt hai bên cửa thành. Mai Yến Ngọc liền bước xuống xe, lại hỏi hai tên quân ấy rằng:

 – Hai ngươi có biết tướng công Đỗ Thanh Nhơn đã bị vua xử tử, bây giờ thi hài ở đâu không?

Tên quân thấy hỏi thì đáp rằng:

 – Thưa bà tôi không biết việc ấy. Xin bà qua phía đông môn mà hỏi thử coi, ở đây chúng tôi không rõ.

Mai Yến Ngọc nghe tên quân nhơn nói vậy, liền lật đật trở ra, rồi đi với hai đứa thể nữ, lần qua phía cửa thành đông, lúc bấy giờ trời đã tối rồi, hai bên đường đèn chong leo lét, cây cỏ lờ mờ, ngó vào trong thành, thấy mấy trại quân đều lẳng lặng yêm lìm, bỗng nghe vẳng vẳng bên mé thành đông, mấy tiếng trống canh, mấy hồi canh nhịp, thỉnh thoảng lọt vào trong tai, giọng nghe thùng thùng rắc rắc.

Cái tiếng trống canh, tiếng sanh nhịp ấy, dường như kêu gọi nàng mà thôi thúc rằng: Cửa thành đông môn ở đây, nàng hãy trổi bước cho mau. Nàng Mai Yến Ngọc nghe tiếng trống ấy rền rĩ chừng nào, thì trong lòng lại càng thêm đau đớn xót xa mà bâng khuâng chứng nấy.

Mai Yến Ngọc vừa đi vừa nghĩ: “Cái thân phận của chồng, bấy lâu quyền cao tước trọng, phú quí vinh hoa, mà ngày nay phải chết tức tưởi như vầy, chẳng biết thi hài thất lạc vào đâu, nghĩ tới chừng nào, thì hai tròng thu ba, lại dầm dề hột lụy, rồi day lại nói với hai đứa thể nữ rằng:

 – Hai đứa bây hãy vịn giùm lấy ta, đặng đi tới cho mau, kẻo để đêm vắng canh khuya, cửa thành đóng đi, thì biết đâu mà tìm kei61m thi hài chồng ta cho đặng.

Nói rồi cập tay hai đứa thể nữ lần hồi đi tới.

Đi một hồi, bỗng nghe trong một cái nhà ở dựa mé đường, có người đàn bà đưa em, hát nghe văng vẳng như vầy:

Cuộc đời dâu biển, biển dâu,

Công danh phú quí phong hầu mà chi.

Nàng Mai Yến Ngọc đương lúc ly sầu biệt hận, buồn bã vì chồng, thoạt nhiên nghe câu hát nầy, như ai khêu đoạn thảm, ai nhắc cơn sầu, thì xiết bao là ruột tầm khô héo, kế đó lại nghe hát thêm một câu nữa rằng:

Trách ai bẻ gánh cang thường,

Để cho phận thiếp giữa đường bơ vơ.

Trong lúc đêm thanh canh vắng, mà nghe tiếng hát thảnh thót nỉ non như vầy, làm cho khách chung tình nghĩ tới chừng nào, càng thêm ruột héo gan xàu mày châu mặt ủ.

Mai Yến Ngọc đi với hai thể nữ một hồi nữa, đã tới cửa thành đông, trông lên vọng đài, ngó trước sem sau, thấy hai tên quân đứng nhựt trước cửa, thì bước lại hỏi rằng:

 – Ngươi có biết Đỗ tướng công bị vua xử tử, bây giờ thi hài còn để tại đâu không?

Tên quân nhơn nhìn Mai Yến Ngọc một hồi rồi hỏi rằng:

 – Thưa nàng là ai, mà hỏi Đỗ tướng công. Xin tỏ danh tánh cho tôi rõ.

 – Ta là Mai Yến Ngọc là chánh thất của Đỗ tướng công.

Tên quân nhơn nghe nói thì đáp rằng:

 – Bẩm phu nhơn, thi hài của tướng công, không có trong thành, vua dạy đem để ngoài thành, tại dinh sứ quán.

 – Dinh sứ quán ở chỗ nào, ngươi hãy chỉ cho ta đi.

 – Bẩm phu nhơn, dinh sứ quán ở phía hữu thành nầy, xin phu nhơn hãy đi chút nữa thì tới.

Mai Yến Ngọc nghe rồi vội vàng đi với hai tên thể nữ vừa đi được ít bước, kế gặp hai tên gia thần chạy lại bẩm rằng:

 – Bẩn phu nhơn nãy giờ chúng tôi đi kiếm phu nhơn cùng hết, mà chẳng biết phu nhơn ở đâu, còn thi hài của tướng công bây giờ, còn để tại nhà sứ quán, vậy xin phu nhơn đi với chúng tôi lại đó thử coi.

Mai Yến Ngọc nghe nói liền lật đật đi theo hai tên gia thần, khi đi tới nhà sứ quán, thấy một đội ngự lâm quân, cầm giáo mang gươm, đương đứng nhựt canh trước ngõ.

Mai Yến Ngọc liền bước tới, kế có một quan thiếu húy ở trong bước ra, thấy Mai Yến Ngọc thì hỏi rằng:

 – Nàng ở đâu mà đêm khuya đến đây, có việc chi xin nói cho biết.

Mai Yến Ngọc đáp rằng:

 – Ta là chánh thất của Đỗ Thanh Nhơn tướng công, nghe chồng ta bị xử tử hình, nên đến tìm thi hài, đặng cho thấy mặt nhau trong cơn tử biệt.

Quan thiếu húy nghe nói thì đáp rằng:

 – Bẩm phu nhơn, thi hài của Đỗ tướng công còn để tại trong nhà sứ quán nầy, vậy xin phu nhơn theo tôi vào trong thì thấy.

Mai Yến Ngọc với hai tên thể nữ liền bước theo quan thiếu húy vào trong, thấy hai bên cửa đều đóng chặt, chỉ có cửa giữa thính đường mở ra mà thôi.

Mai Yến Ngọc lật đật bước ngay lên thềm ngó vào, thấy màn treo giã dượi, đèn thắp lờ mờ, và thấy một hương án để giữa thính đường, phía trong thì một tấm màn trắng bỏ xuống.

Quan thiếu húy lấy tay chỉ vào màn trắng ấy và day lại nói với Mai Yến Ngọc rằng:

 – Bẩm phu nhơn, thi hài của Đỗ tướng công nằm trong tấm màn nầy, xin phu nhơn vào đó thì thấy.

Mai Yến Ngọc lật đật bước lại, hai tay vói tới vén tấm màn ra, thì thấy Đỗ Thanh Nhơn nằm trên một bàn dài, có lót một tấm khảm xanh, và trên mặt đắp một khăn nhiểu đỏ, trên đầu có chong hai ngọn đèn bạch lạp, đương cháy nhấp nháng lờ mờ, xem ra một cảnh tình rất quạnh hiu thê thảm.

Mai Yến Ngọc liền chạy lại bên chồng, dỡ khăn đắp mặt ra, thấy Đỗ Thanh Nhơn hai mắt còn trợn lên lườm lườm như sống, và hai môi mím lại, sắc mặt tỏ ra một vẻ thạnh nộ bất bình.

Mai Yến Ngọc thấy vậy thì hai tay ôm lấy chồng, rồi quì một bên bàn mà khóc cách bi ai thảm thiết rằng:

 – Phu tướng ôi! Phu tướng trong lúc sanh tiền, lao công hạn mã, đông phạt tây chinh, quyết một lòng vực nước phò vua, bao nài sự xông tên đột pháo, khi thì chống với Tây Sơn Nguyễn Nhạc, lúc thì đánh cùng Chơn Lạp Cao Man, cái công nghiệp phu tướng tế khổn phò nguy, công thành đoạt trại trong mấy năm nay, cũng tưởng là ngày sau được quyền cao lộc trọng, phu quí thê vinh, đặng vợ chồng an hưởng sự chung đảnh vinh hoa, cùng nhau cho được nhứt tràng cộng lạc. Nào có dè đâu ngày nay phu tướng lại bị tan xương nát thịt nơi dưới mấy mũi súng vô tình kia, mà chết cách tức tưởi như vầy, làm cho vợ chồng ta phải gương bể bình rơi, keo tan hồ rã. Phu tướng ôi! Thiếp nghĩ chừng nào thì càng đứt ruột đau lòng cho vợ chồng ta, đương lúc tình nồng nghĩa mặn, phận đẹp duyên ưa, sum hiệp cùng nhau chưa đặng mấy hồi, chẳng dè ngày nay nước chảy công danh, hoa tàn sự nghiệp, làm cho đôi ta phải anh én lạc bầy, kẻ còn người mất như vầy, thì dẫu cho ai thiết thạch tâm trường, mà gặp cái tình cảnh thê thảm nầy, thì cũng gan tầm ruột héo.

Mai Yến Ngọc than khóc nỉ non một hồi rồi day lại ngó vào mặt Đỗ Than Nhơn, thì thấy trong khóe mắt, chảy ra hai hàng máu đỏ, liền lấy khăn chậm đi, rồi khóc và nói tiếp rằng:

 – Phu tướng ôi! ngày nay phu tướng bị Nguyễn vương xử tử thình lình như vầy, thế thì cái oan hồn uổng tử của phu thướng còn vương vấn một mối ức uất bất bình nơi lòng, nên không hề nhắm mắt lại đặng, nay vợ chồng ta đã thấy mặt nhau rồi, vậy thiếp xin quì xuống bên đây, mà cầu khẩn cùng phu tướng một điều, là xin cho linh hồn phu tướng sanh ký tử qui, bỏ sạch cái kiếp khốn nạn ở trần gian nầy, và xin nhắm mắt lại, đặng xuống chốn tuyền đài, cho yên bề mạng vận. Phu thướng ôi! Thiếp cũng cầu xin phu tướng phò hộ cho thiếp thể tráng thân cường, thì thiếp nhứt nguyện cùng phu tướng một lời rằng: Ngày kia thiếp sẽ hiệp cùng các tướng tâm phúc mà toán kế đồ mưu, đặng trả oán rửa hờn cho phu tướng được yên lòng nơi chín suối.

Mai Yến Ngọc nói tới đây rồi ngước mặt lên xem chồng, thì thấy hai mắt của Đỗ Thanh Nhơn đã nhắm khít lại.

Kế thấy các tướng tâm phúc Đỗ Thanh Nhơn là Võ Nhàn, Đỗ Bản và mấy tướng khác, ngoài cửa bước vô, lại quì một bên thi hài của Đỗ Thanh Nhơn rồi cả thảy đều rưng rưng hai hàng soái lụy.

error: Content is protected !!