Gia Long tẩu quốc – Hồi thứ hai mươi lăm

DỰNG QUYỆT KẾ CÔNG CHÚA CƯỚP DINH

PHÁ ĐỒN QUÂN TAY SƠN THẮNG TRẬN.

Bài binh liệt trận;

Đạo quân nương tử vẫn quan phòng;

Kính cổng cao tường;

Cửa thành phu nhơn đều đóng chặt;

Vùng vẫy ngọn gươm địch khái,

Máu phi thường nhuộm đỏ nước Biên giang,

Hơn thua mấy trận tranh hùng,

Xương đồng loại chất đầy hào chiến lũy.

Trong khi cỏ cây man mát, bóng xế đài tây, ngó ra trước mặt đồn phía hữu, thấy một viên nữ tướng, đương cỡi ngựa mang đao chạy lúp xúp nơi mé rừng, sau lưng có hai thể nữ cũng cỡi ngựa thỉnh thoảng chạy theo, còn bốn mặt đồn quân lính đều canh giờ nghiêm nhặt, viên nữ tướng nào đây? Ấy là công chúa Ngọc Duệ đi tuần du các trại.

Khi công chúa đi tuần du các trại và các đồn rồi trở về ngồi nơi trướng liễu, nhớ tới mẹ và anh, gặp lúc binh cùng thế nhược, vận đảo thời điên, phải lưu lạc ngoài chỗ góc biển chơn trời, mà tạm chốn thê thân ký túc, còn chồng là Nguyễn Hữu Thoại phụng sứ qua Xiêm, đường xá sơn trường thủy viễn, chưa biết đắc thất lẽ nào, khiến cho trong lòng những mảng bồi hồi lo ngại. Công chúa ngồi một mình lúc cúi đầu suy nghĩ, khi dựa gối ngẩn ngơ, lúc đón nhạn mà ngóng đợi tin chồng, nhưng nhạn đâu chẳng thấy, khi trông mây mà cảm thương phần mẹ, những mây vẫn biệt mù.

Thật là:

Nam bắc bơ vơ trời mỗi một,

Đêm ngày dồn dập tháng như ba.

Bữa nọ công chúa Ngọc Duệ đương ở tại đồn Bình Hóa bỗng có quân nhơn vào báo rằng: có tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Kiêm đem binh tới đóng trước đồn cách đây ước chừng mười dặm.

Công chúa liền truyền cho đồn tả và đồn hữu, các tướng sĩ ngày đêm phải phòng thủ chắc chắn, còn công chúa thì coi thủ đồn giữa, chờ quân Tây Sơn kéo tới thì sẽ cự chiến, còn binh của tướng giặc là Nguyễn Kiêm, đóng dựa triền núi đặng dọ thám binh tình địa thế, rồi sẽ xáp trận hỗn chiến.

Tối bữa đó công chúa nai nịt tử tế, rồi cho đòi hai tên thể nữ Huỳnh Anh và Bạch Yến đến và bảo rằng:

 – Hai ngươi hãy sắp sửa đi với ta qua trại quân giặc, đặng thám thính động tịnh thế nào.

Thể nữ Huỳnh Anh nghe công chúa bảo vậy thì bẩm rằng:

 – Bẩm công chúa, công chúa là một bị nữ tướng ở đây, trong lúc đêm khuya tăm tối, công chúa không nên khinh suất qua trại quân giặc, e quân giặc biết thì sanh sự khó lòng, vậy xin công chúa để hai tôi qua đó thám thính động tịnh cho, chẳng vần gì công chúa phải xông pha vào chỗ binh đao chiến địa.

Công chúa nói:

 – Việc nầy là một việc trọng yếu, ta làm một viên chủ tướng, mắt ta phải thấy cái địa thế của giặc, đóng binh chỗ nào, và phải biết binh giặc hư thiệt nhiều ít thế nào, nên bổn thân ta phải đi mới được, hai ngươi cứ việc theo ta không sao phòng ngại.

Nói rồi công chúa với hai thể nữ lên ngựa ra đi.

Đi đặng một đỗi, cách xa đồn chừng ít dặm, kế tới một khoảng rừng cây tậm rạp, công chúa với hai thể nữ cỡi ngựa đi chậm chậm dựa nơi mé rừng, bỗng nghe tiếng lá khô kêu rạo rạo trong rừng, kế thấy một người ở trong bụi cây nhảy ra, tay cầm gươm, tay cầm đèn, rọi qua một cái rồi mất.

Công chúa liền la lên một tiếng:

 – Đàng ta,

Thì thấy tên kia đã nhảy tới trước mặt công chúa, và cúi đầu rồi chống gươm đứng dựa bên đường hầu đón, công chúa với hai thể nữ liền giục ngựa tới và hỏi tên ấy rằng:

 – Phục binh của ta ở đâu?

Tên ấy đáp rằng:

 – Bẩm công chúa phục binh đều núp trong đám rừng nầy.

 – Nãy giờ ngươi có thấy quân giặc léo hánh đến đây chăng?

 – Bẩm công chúa, nãy giờ chúng tôi núp trong rừng nầy rình coi, mà chưa thấy chúng nó léo tới.

Công chúa nghe tên ấy nói vậy, liền lấy tay khoát ra một cái và bảo rằng:

 – Thôi, ngươi cứ việc vào rừng núp theo chỗ cũ mà coi chừng chẳng nên hơ hỏng.

Tên ấy thưa vâng, rồi lui lại nhảy ngay vào rừng một cái, và chun mất trong mấy bụi cây.

Thể nữ Huỳnh Anh thấy vậy thì hỏi công chúa rằng:

 – Bẩm công chúa, khi nãy chúng tôi thấy một ánh sáng rọi lại, kế nghe công chúa la lên một tiếng “đàng ta” đó là nghĩa gì? Chúng tôi không hiểu.

Công chúa nghe thể nữ hỏi, thì day lại đáp rằng:

 – Chỗ nầy là chỗ ta để phục binh mà coi chừng và ngăn ngừa quân giặc; khi chúng ta đến đây, quân mai phục trong rừng không biết ai, nên phải rọi đèn mà coi, hễ rọi một lần thứ nhứt, thì phải lấy khẩu hiệu riêng mà trả lời ‘đàng ta’, thì chúng nó biết là người của mình, còn khi chúng nó rọi đèn hai lần, mà không trả lời theo khẩu hiệu ấy, thì là người giặc, tức thì mấy trăm mũi tên trong rừng, đều phát ra một lượt, đó là một đội quân ta để phòng trong lúc đêm khuya, sợ quân giặc đem binh đến thình lình mà cướp đồn phá lũy.

Nói rồi công chúa và hai thể nữ đều giục ngựa chạy tới.

Khi chạy qua khỏi rừng ít dặm, kế tới một chỗ đồng trống, công chúa và hai thể nữ liền quất ngựa chạy mau, bỗng thấy dưới đất nhảy lên hơn ba chục người, đều mặc đồ đen, tự đầu tới chơn, mỗi người đều một tay mang khiên, một tay cầm giáo rần rần áp lại, bộ tướng dữ dằn.

Công chúa liền la lên một tiếng.

 – Đàng ta.

Thì thấy mấy người ấy cúi đầu, rồi đứng ra hai bên mé đường đều có hàng ngũ thứ tự.

Công chúa ngồi trên ngựa, tay gò cương, tay cầm bửu kiếm, day lại hỏi rằng:

 – Nãy giờ chúng bây ở đây có thấy quân giặc động tịnh thế nào không?

Mấy tên kia trả lời rằng:

 – Bẩm công chúa, hồi nãy chúng tôi thấy có một toán quân giặc, ước chừng hai mươi người, đi phía bên kia đồng, rồi thẳng qua hướng bắc, chắc là quân đi do thám của giặc.

Công chúa nghe rồi thì bảo rằng:

 – Vậy chúng bây cứ việc chun xuống hang mà núp đó, chờ chúng nó đi ngang qua đây, thì áp lên bắt nó cho được, rồi dẫn về cho ta.

Nói rồi công chúa lấy tay khoát ra một cái, tức thì ba mươi mấy tên quân ấy đều nhảy ra lề đường lẹ làng, rồi chun mất xuống hang, chẳng còn một người ở trên mặt đất. Hai thể nữ ngó lại, thì thấy trên mặt đất liền lạc như thường, không thấy lổ hang chi hết, đó rồi công chúa và hai thể nữ giục ngựa chạy tới; chạy được ước chừng ít dặm, thấy một vòng binh trại của giặc Tây Sơn đóng dựa mé triền dài theo chơn núi.

Công chúa liền gò cương ngừng ngựa, đứng nhắm một hồi, rồi lấy tay chỉ trên một hòn núi nhỏ kia, và day lại nói với hai thể nữ rằng:

 – Chúng ta phải lên hòn núi Thổ Sơn nầy mà xem vào binh trại của giặc mới rõ.

Hai thể nữ nói:

 – Bẩm công chúa, hòn núi đó ở gần dinh trại của giặc lắm, nếu chúng ta lên đó, e quân giặc ngó thấy thì khó lòng.

Công chúa mỉm cười và nói rằng:

 – Hễ muốn tìm châu thì phải xuống biển, muốn biết ngọc thì phải vào non, nay ta muốn biết binh tình của giặc hư thiệt, nhiều ít thế nào, thì phải đến đó xem coi mới rõ.

Nói rồi, công chúa và hai thể nữ cỡi ngựa chạy tuốt lên núi, lần lần leo lên trên chót, đứng ngó bốn phía vòng binh của giặc, thấy đèn đuốc lờ lờ, chói ra leo lét, ngó vào chính giữa vòng binh, thấy trước dinh trại có cặm một cây đại kỳ, thì biết là dinh trại của tướng giặc, rồi ngó ra phía sau, thấy đồ đạc ngổn ngang, thì biết là chỗ nhung xa lương phạn, còn chung quanh vòng binh đều lẳng lặng yêm lìm, chỉ nghe vẳng vẳng những tiếng dùi trống nhịp sanh trong mấy trại quân, thỉnh thoảng nghe kêu thùng thùng rắc rắc.

Công chúa đương cỡi ngựa đi qua rảo lại trên đảnh núi, rồi đứng chăm chỉ xem coi các trại binh giặc, Kế thể nữ Huỳnh Anh chạy lại nói rằng:

 – Bẩm công chúa, tôi nghe ở dưới chơn núi, có tiếng người nói lào xào, chắc là quân giặc tới đây, xin công chúa phải mau mau trở về, kẻo chúng nó nó thấy.

Công chúa nghe nói liền quày ngựa xuống núi, bỗng thấy một tướng giặc ở dưới núi bước lên.

Công chúa với hai thể nữ lật đật quất ngựa chạy mau, tướng giặc thấy tức thì giật ngựa rượt theo xuống núi.

Nguyên tướng giặc nầy là một viên tiểu tướng của Tây Sơn tên là Lê Văn Quang, đêm ấy đem một toán quân đi tuần chung quanh binh trại, bỗng thấy có bóng người qua lại trên đảnh núi, liền bảo quân ở dưới chơn núi coi chừng, rồi day lại nói với tên bộ hạ kia rằng:

 – Ta thấy trên núi có dạng người, vậy ta cùng ngươi cỡi ngựa lên coi, hay là quân giặc lén tới dòm hành, thám dọ binh trại của ta đó chăng?

Nói rồi liền dắt nhau tuốt lên trên núi.

Khi lên tới đảnh núi, thấy ba người nữ tướng đương cỡi ngựa chạy xuống phía mé bên kia.

Lê Văn Quang với tên bộ hạ, hai người giục ngựa rượt theo. Công chúa và hai thể nữ chạy quanh lộn trong núi một hồi, rồi cứ noi theo đường cũ thẳng tới.

Còn tướng giặc là Lê Văn Quang, với tên bộ hạ, giục ngựa chạy trước, và truyền quân rượt tiếp theo sau. Khi rượt theo đặng ít dặm đường, thình lình con ngựa của Lê Văn Quang, với tên bộ hạ đều quị hai chơn trước xuống đất, làm cho hai tướng giặc nầy té nhào xuống ngựa, chừng ngó lại thì thấy ngựa bị vấp chơn vào mấy sợi dây giăng ngang qua đường nên phải quị xuống.

Công chúa và hai thể nữ chạy trước, thấy hai tướng giặc té nhào xuống ngựa, liền quày lại bảo thể nữ bắt hai tướng ấy vừa người vừa ngựa, rồi dẫn đi về trại, còn một toán quân giặc lục thụt rượt theo phía sau, mới vừa rần rần chạy tới, bỗng thấy hai bên đường thình lình dưới đất trồi lên hơn ba chục người, đều cầm khiên vác giáo, áp lại hỗn chiến một trận, quân giặc thất kinh, hàng ngũ lộn xộn, chẳng biết binh tướng ở đâu dưới đất thình lình trồi lên, ào ào áp tới, thì hoảng vía kinh hồn, chẳng dám cự chiến, rồi cả thảy đều bị quân mai phục của công chúa bắt hết.

khi công chúa về tới dinh ra giữa thính đường, thì quân đao phủ đã dẫn tướng giặc là Lê Văn Quang vào dinh.

Lê Văn Quang ngó lên thấy công chúa ngồi trên ghế cao, oai nghi trầm tịnh, sắc diện nghiêm trang, hai bên có hai thế nữ Bạch Yến với Huỳnh Anh, đều đai kiếm mang gươm, đứng hầu tề chỉnh, thì nghĩ thầm rằng: “Khi nãy ta gặp người nầy trên núi, ngỡ là một người tướng sĩ tầm thường, chẳng dè là Ngọc Duệ công chúa, ta đã nghe danh bấy lâu, nay mới thấy đây, thật là đáng một viên nữ tướng, nghi biểu đường đường, lại có vẻ thuyền quyên quốc sắc”, nghĩ vậy rồi theo quân đao phủ bước vào thính đường yết kiến.

Công chúa thấy thì hỏi rằng:

 – Ngươi tên chi, và làm chức gì của giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc?

 – Thưa, tôi là Lê Văn Quang làm chức thiếu úy.

 – Còn chánh tướng đạo binh ấy là ai?

 – Thưa chánh tướng của đạo binh Tây Sơn nầy là Nguyễn Văn Kiêm.

 – Đạo binh của Nguyễn Văn Kiêm quân sĩ ước đặng bao nhiêu? Ngươi hãy nói thiệt ta nghe, bằng nói sai lời, thì ta không dung ngươi được.

 – Thưa, đạo binh nầy chỉ có một ngàn mà thôi.

Công chúa nghe rồi, liền truyền cho đao phủ quân đem Lê Văn Quang và mấy chục quân giặc đều giam cấm vào ngục, và bảo lấy đồ sắc phục của quân giặc ấy cho tướng sĩ mặc vào, giả làm đội quân của Lê Văn Quang, rồi đi tiên phong kéo tới trại binh Tây Sơn, áp vào mà cướp giết quân giặc, còn công chúa với các tướng đem năm trăm binh mã theo sau đặng làm hậu tập.

Khi quân tiền đội của công chúa kéo tới dinh trại Tây Sơn, mấy tên quân canh nhựt trước dinh, thấy quân ấy mặc một sắc phục như chúng nó, thì tưởng là quân tuần thám của Lê Văn Quang trở về; nên không nghi ngờ tra hỏi chi hết, đến chừng đội quân ấy lại gần, liền rút gươm giết chết mấy tên quân canh, rồi kéo thẳng vào trại, còn năm trăm binh hậu tập của công chúa theo sau, tức thì kéo tới như giông, rồi xông vào áp giết quân giặc một trận rất dữ.

Quân giặc đương ngủ, thình lình nghe binh mã ào ào áp tới, thì hồn bất phụ thể, không kịp trở tay, bị binh của công chúa tràn tới, lớp chém lớp đâm, tên bắn ra như mưa bấc, quân Tây Sơn hoảng kinh rùng rùng kéo nhau chạy hết.

Lúc bấy giờ tướng giặc là Nguyễn Văn Kiêm, xông ra cản cự không lại, rồi cũng vỡ chạy theo quân.

Công chúa đắc thế đùa binh rượt theo một hồi rất xa, rồi mới truyền lịnh thâu binh trở lại.

Trận nầy công chúa đoạt được lương phạn khí giới rất nhiều, và nổi lửa đốt hết dinh trại quân giặc, rồi kéo binh trở về, thì canh đã gần tàn, trời hầu rựng sáng,

Nguyên tướng Tây Sơn Nguyễn Văn Kiêm có tánh kiêu căng khinh thị công chúa Ngọc Duệ là một nữ tướng, tài bộ bao nhiêu, nên ơ hờ chẳng thèm để ý đề phòng cẩn thận, vì vậy mà đêm ấy bị công chúa đem binh cướp trại, và bị thất bại một trận rất to, chiến trượng nhung xa, hao mất chẳng biết bao nhiêu mà kể.

Sáng bữa sau Nguyễn Văn Kiêm hội tập binh mã lại đặng sáu bảy trăm quân, còn đồ đạc, khí giới lương thảo đều bị công chúa đoạt hết.

Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc ở Saigon nghe Nguyễn Văn Kiêm thất trận, liền sai Nguyễn Danh Tập, làm đốc chiến đem năm trăm quân lên Biên Hòa mà trợ chiến cùng Nguyễn Văn Kiêm, đặng đánh với công chúa.

Khi Nguyễn Danh Tập đem binh lên hiệp với Nguyễn Văn Kiêm, rồi phân làm hai đạo, kéo tới vây phủ đồn lũy của công chúa Ngọc Duệ, quyết đánh một trận mà rửa sạch tiền cừu.

Công chúa liền truyền lịnh cho các tướng sĩ phải cố thủ trong đồn mà cự chiến với giặc.

Nguyễn Văn Kiêm liền truyền quân áp tới phá đồn hãm trận, công chúa đứng trên mặt đồn, đốc suất tướng sĩ lấy cung nổ súng ống bắn ra như mưa.

Quân Tây Sơn phủ vây đánh phá mặt tiền hơn mười bữa, quân sĩ bị nhằm tên đạn, mà chết chẳng biết bao nhiêu, nhưng không lấy đặng.

Bữa nọ quân Tây Sơn nửa đêm áp tới, mỗi đứa đều mang một cái khiên để đỡ tên bắn, rồi xốc vào bên đồn, bắc thang leo lên hãm trận một cách dữ dội.

Công chúa thấy binh Tây Sơn ào vô hằng hà sa số, quân sĩ trong đồn thế cự không lại, bèn truyền lịnh mở cửa đồn sau, rồi rút binh theo đường rừng mà chạy.

Khi Nguyễn Văn Kiêm đoạt đặng đồn giữa rồi, kéo binh qua lấy đồn tả, và đồn hữu, đặng kiếm công chúa mà bắt, thì công chúa đã đem quân sĩ bộ hạ chạy đi xa rồi, kế gặp Lê Văn Quang ở trong ngục phá cửa chạy ra.

Nguyễn Văn Kiêm bèn sai Lê Văn Quang hiệp với Nguyễn Danh Tập đem binh rượt theo, truy tầm công chúa mà bắt cho được.

Lúc bây giờ công chúa chạy theo đường rừng tuốt qua Thủ Dầu Một, thì chỉ còn quân sĩ bộ hạ chẳng đầy một trăm.

Công chúa bèn kiếm chỗ tìm tàng, tạm ẩy ít ngày, đặng chờ tin chồng là Nguyễn Hữu Thoại qua Xiêm về, rồi sẽ tùy cơ liệu lượng.

Bữa nọ công chúa với hai thể nữ Huỳnh Anh và Bạch Yến, đương ngồi nơi nhà hậu đường bàn tính công việc, bỗng có một người xin vào ra mắt.

Công chúa lật đật bước ra, thấy tên nội thị của Nguyễn vương là Phụng Tường thì vội vàng hỏi rằng:

 – Ủa quan nội thị Phụng Tường, ngươi đến đây có việc chi?

Phụng Tường thấy công chúa liền vội vàng bước tới thi lễ rồi bẩm rằng:

 – Bẩm công chúa, tôi vâng lịnh Nguyễn vương đến tìm công chúa.

 – Vương mẫu và vương huynh ta bình yên mạnh giỏi chăng?

 – Bẩm công chúa, lịnh vương mẫu và đức Nguyễn vương đều mạnh khỏe hết cả.

 – Vậy thì nhà ngươi tìm ta đến đây về việc binh tình quốc sự, hay là về việc gia quyến của ta?

 – Bẩm công chúa, tôi phụng mạng lịnh quốc mẫu và đức Nguyễn vương sai đến tìm kiếm công chúa, đặng trao thơ nầy cho công chúa khai khán.

Nói rồi liền lấy phong thơ trong áo trao ra.

Công chúa lấy thơ rồi đứng trước bàn, chúc cho lịnh vương mẫu và vương huynh hai tiếng bá phúc, rồi dở thơ ra xem; thơ nói như vầy:

“ta vội vàng tả ít hàng, vắn tắt cho công chúa hiềm muội đặng rõ, trước khi ta cất bút đề thơ, ta đã gạt mấy giọt nước mắt thương tâm mà tỏ cho hiền muội hay rằng: Phu tướng của hiền muội là quan CHưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại, trong lúc phụng sứ qua Xiêm, cầu binh cứu giúp, rủi thay mới vừa nửa đường, gặp quân Tây Sơn và quân Cao Man cản trở, làm cho quan Khâm sứ Nguyễn Hữu Thoại phải sa xuống vực thẳm, mà táng mạng giữa chốn chiến trường kia rồi.”

Công chúa đứng trước bàn, vừa đọc tới đây, thì la lên một tiếng:

 – Ủa!

Và nói:

 – Trời ôi! Phu tướng ta đã táng mạng giữa chốn chiến trường kia rồi!

Nói vừa dứt, thì hai mắt công chúa dường như có một chòm mây kéo qua, làm cho tối tăm mờ mịt, rồi mặt mày choáng váng, bủn rủn tay chơn, bức thơ đương cầm nơi tay, bỗng chút đã rớt ngay xuống đất, rồi xỉu mình nơi bàn mà bất tỉnh.

Hai thể nữ đứng hai bên thấy vậy liền chạy lại đỡ công chúa ngồi nơi ghế, thì thấy công chúa, mặt đã tái xanh, hai thể nữ kêu gọi một hồi, công chúa tỉnh lại, liền lấy khăn lau nước mắt, rồi dở thơ xem tiếp đoạn sau, thấy nói như vầy:

“Hiền muội ôi! Ấy là cơ trời xui khiến, vận nước đảo điên, nên gặp nhiều cảnh ngộ gian nan, làm cho lòng người lắm điều chua xót, nay cung quyến còn tỵ nạn tại cù lao Phú Quốc, và ta đương lo chiêu tập các đạo binh nghĩa dõng cần vương, rồi sẽ toan bề phục thâu bờ cõi, bây giờ hãy còn nước bước linh đinh, minh mang trời bể, chưa định đi ở nơi nào! Vì vậy ta vâng lịnh từ mẫu gởi thơ nầy, khuyên hiền muội chẳng nên quá ư chuốc thảm mua sầu, mà tâm thần hao tổn, vậy thì hiền muội hãy bỏ đồn Bình Hóa, bãi việc chiến chinh, đặng mau mau theo quan nội thị Phụng Tường mà trở ra Phú Quốc, ngỏ cùng cung quyến sum hiệp một nhà, kẻo lịnh từ mẫu ngày đêm trông đợi.”

Công chúa xem thơ rồi, khóc nức nở một hồi, bèn day lại nói với Phụng Tường rằng:

 – Quan nội thị, phiền ngươi về trước tâu lại cho vương mẫu và vương huynh ta hay rằng: Ta đã thất thủ đồn Bình Hóa, và quân Tây Sơn đương đem binh rượt theo, truy tầm tứ hướng, vậy ta phải kiếm nơi tạm trú mà tỵ nạn út ngày, đặng chờ quân Tây Sơn rút binh trở về, chừng ấy ta sẽ lần ra Phú Quốc mà sum hiệp cùng từ mẫu và vương huynh ta mới đặng.

Phụng Tường lãnh mạng rồi từ giã công chúa ra về, bỗng có quân thám thính vào báo rằng:

 – Bẩm công chúa, có Lê Văn Quang và Nguyễn Danh Tập đem binh truy tầm công chúa, bây giờ đương đóng dinh trại nơi rừng nầy, cách chừng năm dặm.

Công chúa hỏi:

 – Binh nó cả thảy ước chừng bao nhiêu?

 – Bẩm công chúa, đội quân của Lê Văn Quang đi tiền đạo ước chừng năm chục người, còn đạo binh của Nguyễn Danh Tập đi sau độ chừng hai trăm quân sĩ.

Công chúa nghe nói ngẫm nghĩ một hồi, rồi day lại nói với các quân sĩ rằng:

 – Thằng Lê Văn Quang đã bị ta bắt được một lần, không giết là may, bây giờ hãy còn đem binh rượt theo, vậy thì số nó đã muốn chết về tay ta, nên ngày nay đến đây mà nạp mạng.

Nói rồi công chúa liền bảo năm chục quân sĩ đem cung tên ra núp dựa mé rừng, chờ Lê Văn Quang đi đến, thì bao nhiêu mũi tên sẽ phát ra một lượt mà giết nó, còn công chúa với hai thể nữ, đem ba chục quân nhơn ra dẫn dụ tướng giặc.

Lê Văn Quang thấy công chúa cỡi ngựa ra trận, chỉ có hai ba chục quân nhơn, liền đốc binh kéo tới xáp chiến.

Công chúa truyền quân vừa đánh vừa chạy thối lui, Lê Văn Quang thấy công chúa chạy trước, thì đốc quân sĩ rượt theo, quyết bắt công chúa cho được mà lập đầu công, khi rượt tới khoảng rừng rậm kia.

Lê Văn Quang sợ có phục binh, bèn bảo hai mươi quân sĩ đi trước dọ đường, còn mình đem binh theo sau, lần lần tấn tới.

Khi thấy quân tiền đội đi trước đã xa, mà chẳng có phục binh ngăn trở, thì cười và nói với tướng sĩ rằng:

 – Ngọc Duệ chẳng biết dụng binh, nếu chỗ nầy mà có phục binh, thì ta ắt không đường sanh lộ.

Nói rồi liền giục ngựa kéo binh rượt theo, chẳng dè công chúa đứng núp trong rừng, để quân tiền đội đi qua, chẳng cho náo động chi hết, chờ khi Lê Văn Quang đi tới, tức thì công chúa hô lên một tiếng, thì năm chục quân mai phục trong rừng, cũng rập nhau ré lên dậy trời, rồi nhắm ngay Lê Văn Quang, bắn ra như mưa bấc.

Lê Văn Quang hoảng kinh quày ngựa muốn chạy, bỗng đâu một mũi tên bay tới trúng ngay vào mặt, anh ta la lên một tiếng châu ôi! Thì đã bị mười mấy mũi tên khác bay tới găm vào trên mình, tức thì té nhào xuống ngựa mà chết, còn mấy chục quân sĩ lớp bị thương, lớp bị chết, rồi kéo nhau chạy hết.

Kế đạo binh của Nguyễn Danh Tập ùn ùn kéo tới hơn hai trăm, binh của công chúa tuy cứ hiểm, ẩn núp trong rừng bắn ra, nhưng mà số binh ít lắm, nên đánh không lại, còn binh của Nguyễn Danh Tập ào ào tràn tới, lớp lấy lửa đốt rừng, khói bay mù mịt, lửa cháy đỏ trời, lớp đem binh rượt theo công chúa mà tập nã.

error: Content is protected !!