Phần 25: Câu 2563 – 2664

Phút đâu hơn một năm chầy,

Tôn sư điển ấy hết bày vẽ chi.

Lần hồi ngày tháng qua đi,

Vừa nên tám tuổi gặp kỳ trùng dương.

Người xưa gặp tiết trùng dương,

Đều lên kiếm núi lánh đường họa tai.

Có thầy dạy học cao tài,

Tên là Trình Kiệt ở ngoài Hạc lâu. (2570)

Làm người ở ẩn khôn cầu,

Gió trăng vui thú công hầu mặc ai.

Thường đi non nước chơi hoài,

Đôi ba chén rượu một vài câu thi.


Thi rằng

Cảnh xuân cho mất mấy mươi  điều,

Gấm nhiễu văn người phải gắng theo.

Luôn tháng ngày Châu tin phụng gầy,

Buồn non nước Tống tiếng quyên kêu.

Nhà nho leo lét công đèn lửa,

Biển thánh linh đinh phận bọt bèo.

Ôm đạo một lòng trời đất thấy,

Luống vì bầy trẻ dựng làm nêu.


Than rằng: Sanh chẳng gặp thì,

Phải cam ở dưới cán kỳ tư văn.

Một lòng giữ mối đạo hằng,

Trau lời thế giáo cằm dằn nhân luân.

Phút đâu gặp bữa thanh thần,

Thật ngày trùng cửu là phần cuối thu. (2580)

Đem bầy trò nhỏ ngao du,

Tới non Cẩm thạch ở đầu châu Khê.

Nghĩ xem phong cảnh ra đề,

Thấy hai ông lão ngồi kề trên non.

Lại xem bên bến Suối Son,

Thấy bầy hươu chạy như tuồng binh đi.

Ra hai câu đối nên kỳ,

Các trò ngơ ngáo đáp chi xong lời.

Xúm nhau đương nghĩ đối chơi,

Phút đâu Trân Bửu đến nơi xem tường. (2590)

Trân rằng: Câu đối cũng thường,

Tôi xin đáp lại coi dường sức nao.


Tôn sư xuất đối đề

Chữ “mao” chữ “điệt”,

Hai ông lão tử ngồi trên.

Dương Trân đáp đối đề

Đàn sắt đàn cầm,

Bốn kẻ vương tôn đứng trước

(Giải thích: Theo cách viết chữ Nho xưa thì chữ mao và chữ điệt đều có chữ lão ở trên. Giống vậy, chữ sắt và chữ cầm cũng gồm có bốn chữ vương ở trên)


Dương Trân đối một câu rồi,

Lại thêm Dương Bửu đối bồi một câu.


Tôn sư xuất đối đề

Hùng hổ tỳ hưu,

Nhà tướng rằng muôn đội.

Dương Bửu đáp đối đề

Long lân qui phụng,

Nước vua gọi bốn linh.


Thầy Trình thấy đối nên kinh,

Khen cho hai gã tiểu sinh thần đồng.

Thầy bèn gạn hỏi thủy chung,

Liền theo hai gã thẳng xông về nhà.

Anh em Trân Bửu về nhà,

Thưa cùng cậu mẹ đều ra mừng thầy. (2600)

Cùng nhau chuyện vãn tỏ bày,

Rượu cơm thết đãi trọn ngày vầy vui.

Người trong làng xóm tới lui,

Mới hay họ Đỗ có nuôi thần đồng.

Thầy rằng: Nay dám bày lòng,

Xin nuôi hai trẻ theo dòng nho gia.

Hạc lầu về ở cùng ta,

Học cho biết đạo ngỏ ra giúp đời.

Đỗ nương Đỗ Khoái vâng lời,

Đành cho hai trẻ theo nơi Hạc lầu. (2610)

Hạc lầu là chốn nho lưu,

Ra công mài ngọc lưu cầu vẽ văn.

Anh em Trân Bửu hai thằng,

Nay đà khỏi việc nhọc nhằn ngỗng dê.

Theo thầy Trình Kiệt ra về,

Đua nhau gắng sức học nghề văn chương.

Hôm mai ở chốn thơ đường,

Bao nhiêu sĩ tử đều ngường ngôi trên.

Nói ra thơ phú liền nên,

Sách coi qua mắt chẳng quên câu nào. (2620)

Cho hay tuổi nhỏ tài cao,

Thông minh hẳn có trời trao tánh tình.

Đến khi đọc sách Thi Kinh,

“Lục Nga” thơ ấy động tình xiết bao.

Nhớ câu chín chữ cù lao,

Công ơn cha mẹ no nao đặng đền.

Chạnh lòng buông tiếng khóc lên,

Giòng châu lai láng thấm trên đất dày.

Anh em bái tạ ơn thầy,

Trở về viếng mẹ chầy ngày cách xa. (2630)

Nàng rằng: Mừng thấy con ta,

Bấy lâu thương nhớ mình già thêm suy.

Kể từ hai trẻ ra đi,

Ba năm học đạo biết gì cùng không?

Mẹ già mòn mỏi lòng trông,

Nương lều dựa cửa bỏ công tháng ngày.

Thơ rằng: Đạo thánh kể bày:

Làm con thảo thuận tiếng hay xa đồn.

Thường xem trong sách thánh môn,

Hai mươi bốn thảo mới tròn người hay. (2640)

Ngưỡng trông trời rộng đất dày,

Ơn cha nghĩa mẹ sánh tày lưỡng nghi.

Ấu thơ còn chửa biết gì,

Lớn khôn lòng rất yêu vì hai thân.

Ngày xưa trong miễu Hà phần,

Hai con hỏi việc phụ thân đã rồi.

Hiềm vì non nước xa xôi,

Phận nhà khó đói ngùi ngùi khôn đi.

Bây giờ nhờ có cậu đây,

Con xin lên chốn am mây hỏi tìm. (2650)

Đỗ nương nghe mấy lời êm,

Mày châu mặt ủ lại thêm buồn lòng.

Than rằng: Mình những luống trông,

Thấy con mà lại thấy chồng ở đâu!

Am mây dấu tích đã lâu,

Mất còn hai lẽ ai hầu thông tin!

Hai con dạ đã lâm đền,

Biết bao giờ đặng mặt nhìn thấy cha.

Nói thôi nước mắt nhỏ sa,

Anh em Trân Bửu đều hòa khóc than! (2660)

Thưa rằng: Mẹ hãy tạm an,

Hai con mai sẽ lên đàng am mây.

Đỗ nương lòng cũng ưng vầy,

Sắm ăn cho trẻ phen nầy tầm cha.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!