Diệp Thúy bảo anh tài xế tắc xi lại chỗ ngã năm chợ Thái Bình rồi nhìn quanh quẩn như tìm kiếm ai. Đã hơn 4 giờ chiều, nàng rời bệnh viện là đến đây cho kịp giờ hẹn trong thư.
Thúy nói với anh tài xế:
– Anh đợi tôi một chút.
Nàng mở bóp lấy mảnh giấy của Vũ viết lúc sáng:
Cô Diệp Thúy
Bốn giờ chiều nay, sau khi rời bệnh viện, cô đến đường Võ Tánh, chỗ ngã năm chợ Thái Bình đợi tôi.
Vũ
Diệp Thúy đã chắc chắn đúng nơi nầy, nhưng nàng còn phân vân không biết có nên xuống xe không? Nàng nhìn va li đồ đạc của mình, cảm thấy e ngại. Nếu đứng ở bên lề đường đợi Vũ, cạnh chiếc va li to tướng thì người qua lại thế nào cũng chú ý xầm xì! Ngược lại, nàng ở mãi trên xe tắc xi, Vũ sẽ không nhìn thấy. Nghĩ kỹ lại, Diệp Thúy thấy ngồi trên xe vẫn tiện hơn và khi bác sĩ đã hẹn, thế nào ông cũng tìm được nàng.
Mấy ngày trước, cô Phương cho Thúy biết các bác sĩ trong Hội Đồng y khoa đã đồng ý cho Thúy xuất viện, sau 7 tháng điều trị. Kể ra, Diệp Thúy là bệnh nhân được hưởng nhiều đặc ân hơn hết. Một phần nhờ Vũ chú ý chăm sóc, còn phần khác là nhờ tánh tình của nàng rất hiền dịu, dễ thương, nên hầu hết các cô y tá, các thầy điều dưỡng đều mến.
Bác sĩ Vũ đến thăm bệnh lần chót hôm qua và đã bảo nàng:
– Tôi đã hứa giúp cô tìm một nghề khác thì tôi giữ lời. Tôi mong cô cố gắng trở lại cuộc sống bình thường và đừng làm cho tôi phải ân hận.
Giọng nói của bác sĩ thật nghiêm nghị, Diệp Thúy cúi đầu vâng dạ, trong lòng cảm thấy nể trọng và kính mến ông vô cùng. Nàng biết mình có nói lời cám ơn bác sĩ cũng vô ích. Ơn của ông đối với nàng thật nặng nề biết làm sao trả được.
Diệp Thúy rất nôn nao, mong cho đến giờ hẹn để gặp Vũ. Nàng băn khoăn không biết Vũ sẽ giúp đỡ nàng ra sao? Thúy xem lại mảnh giấy không biết mấy lần và chợt nghe có tiếng kèn xe vang lên phía sau. Nàng quay đầu lại thấy Vũ đang đậu xe và mỉm cười với nàng.
Diệp Thúy vội trả tiền tắc xi, mở cửa bước xuống đường. Nàng vừa lôi chiếc va li ra khỏi xe thì Vũ đã đến:
– Để tôi xách cho.
Diệp Thúy lúng túng cúi đầu. Vũ xách chiếc va li bỏ ra băng sau rồi bảo Thúy:
– Cô lên ngồi phía trước kìa.
Diệp Thúy riu ríu vâng lời, mà không hỏi một câu. Vũ điềm đạm lên xe mở máy, chạy thẳng đường Võ Tánh vào Chợ Lớn. Xe qua khỏi chỗ đèn xanh đỏ rồi, Vũ mới nhìn Thúy mỉm cười:
– Thế nào? Cô thấy sao?
– Dạ… thưa bác sĩ.
Biết con không hiểu kịp câu hỏi của mình, Vũ tiếp:
– Nằm lâu trong bệnh viện, chừng ra ngoài cô thấy thế nào? Có gì khác lạ không?
Diệp Thúy nhìn hai bên đường, mỉm cười:
– Dạ… thấy khác nhiều lắm. Nhiều nhà mới cất, đường phố khác lạ hẳn…
Vũ lại hỏi:
– Cô thấy trong mình thế nào? Yêu đời hơn, ham thích vui sống hay vẫn cảm thấy bi quan chán đời.
Diệp Thúy lặng thinh có vẻ suy nghĩ, thình lình quay sang Vũ:
– Thưa bác sĩ! Tôi cảm thấy như mình đang bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi muốn làm việc, một việc có ích…
Vù vui mừng nhìn con với vẻ tin tưởng:
– Tôi mừng lắm. Cô tìm lại được nguồn vui sống là đủ an ủi tôi rồi.
Diệp Thúy cúi đầu, nước mắt muốn trào ra. Cứ mỗi lần nghĩ đến ơn sâu của Vũ, nàng muốn khóc. Vũ không khác nào một bậc hiền nhân đã cứu nàng thoát cảnh trầm luân.
Vũ quay lại, thấy thái độ của nàng thì cười nói:
– Thôi chớ! Cứ khóc hoài sao? Mỗi lần hỏi chuyện là cô khóc, riết rồi tôi không dám hỏi nữa.
Diệp Thúy sợ Vũ buồn, ngước lên mỉm cười:
– Ơn nghĩa của bác sĩ đối với tôi thật quá lớn. Tôi không còn nói bằng lời để cám ơn được nữa. Nếu không có bác sĩ…
Vũ lắc đầu:
– Từ rày về sau, cô Thúy không phải nói với tôi những lời đó nữa. Cô cứ xem tôi như là…
Vũ ngập ngừng không biết có nên nói cho con biết sự thật bây giờ chưa? Chàng muốn để ít lâu, việc làm ăn của Thúy phát đạt chàng rồi sẽ cho con biết cũng không muộn.
Trong khi đó, Diệp Thúy lặng thinh chờ đợi. Nàng không biết bác sĩ bảo nàng xem ông như thế nào? Thấy Vũ không nói, nàng hỏi:
– Thưa bác sĩ. Xin bác sĩ cứ nói tiếp…
Vũ cười:
– Cứ хеm tôi như một người cha là được rồi.
Diệp Thúy mở to mắt nhìn Vũ! Bác sĩ muốn nàng xem ông như một người cha! Nàng xúc động vô cùng, nhưng không biết nói thế nào bây giờ?
Vũ lại cất tiếng:
– Theo lời cô Thúy thì cha cô đã quên bổn phận mình, để mẹ cô và cô phải khổ. Chắc cô oán hận người cha đó lắm.
Thúy cúi đầu lặng thinh. Một lúc sau, nàng đáp:
– Đã xa xôi quá rồi. Tôi không còn hiểu được tình cảm của mình đối với ông ấy như thế nào nữa. Nhưng có điều chắc chắn là tôi… không yêu kính ông ta! Bác sĩ xem, mình yêu thương làm sao được một người cha quá ích kỷ?
– Ích kỷ? Thúy cho cha cô là người ích kỷ?
– Đúng vậy! Vì ông ta quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới mình, nên thân tôi ngày nay mới trôi nổi như vầy. Phải chi ông ta thành thật yêu thương mẹ tôi?!
Vũ cất giọng hoang mang:
– Mẹ Thúy cũng cho là cha cô không thương yêu thành thật sao?
– Đời nào mẹ tôi nói ra chuyện đó. Vả lại, lúc ấy tôi còn nhỏ quá, nào hiểu được những chuyện ngang trái trong cuộc đời. Nhưng khi lớn khôn rồi, tôi mới nhận thấy thái độ ích kỷ, tồi tệ của cha tôi.
Vũ nín lặng và cảm thấy như có gì uất nghẹn trong lòng. Chàng đã nhứt định nói hết ra, để Diệp Thúy biết rõ mình là cha ruột của nó, nhưng bất ngờ Thúy lại tỏ rõ niềm oán hận đối với kẻ sanh thành.
Một lúc, Vũ mới mở lời:
– Tôi chỉ sợ là cô nhận xét… lầm cha cô! Không lẽ “người ấy” lại tồi tệ đến vậy sao?
Diệp Thúy khẽ đáp:
– Thưa bác sĩ! Tôi không lầm đâu?
– Sao cô không nghĩ là “ông ta” đã gặp phải hoàn cảnh khó khăn?
Thúy gật đầu:
– Rất có thể! Nhưng nếu cha tôi thành thật yêu mẹ tôi, thì có đâu làm hại cuộc đời bà, rồi bỏ rơi không ngó ngàng tới. Lúc nhỏ đã bao lần tôi khóc với mẹ tôi khi bị các trẻ nhạo báng là “đồ con không cha”! Bác sĩ nghĩ xem nếu thật tình yêu thương mẹ tôi, “ông ấy” đâu nỡ để cho mẹ tôi phải ngậm sầu nuốt tủi!
– Biết đâu… ngày xưa hai người quá tha thiết yêu nhau, nên không nghĩ đến những hậu quả?!
– Không đâu bác sĩ! Tôi đồng ý là mẹ tôi rất thành thật đối với cha tôi, nhưng khốn nỗi bà lại gặp một kẻ lừa đảo, dối gạt phụ nữ yếu hèn.
Vũ nhìn con đau đớn, xót xa. Thật không ngờ Diệp Thúy oán hận, khinh khi cha đến bực đó. Riêng Diệp Thúy vì nhớ đến hoàn cảnh khốn khổ của mình mà thốt ra những lời quá chua chát. Vũ nhìn con cố bào chữa cho chính mình:
– Tôi sợ cô quá khe khắt với cha, chớ ông ta đâu đến đổi nào?
– Thưa bác sĩ! Tôi dám quả quyết với ông như vậy! Tôi nhớ rõ đã có lần tôi đã gặp cha tôi trong một tòa nhà rộng lớn lắm. Cha tôi có nói chuyện với tôi nữa.
Vũ hình dung lại hình ảnh bé Lệ ngày xưa. Diệp Thúy tiếp:
– Nhưng rồi mẹ con tôi khăn gói ra đi. Không biết vì lý do gì? Đến khi lớn khôn, nhận định lại chuyện xưa, tôi mới hiểu là cha cố tình bỏ rơi hai mẹ con tôi. Tôi được gặp mặt cha vào lúc mẹ tôi lặn lội từ dưới quê lên Sài Gòn tìm ông. Chắc là đã bị ông hất hủi nên mới tủi nhục mà đi?
Vũ không còn chịu đựng được nữa. Chàng nhứt quyết nói hết sự thật cho con nghe:
– Diệp Thúy!
Thúy lắc đầu, chận lời chàng:
– Thôi bác sĩ! Tôi mong bác sĩ đừng nhắc tới chuyện đó nữa. Cái gì đã qua, cho nó qua luôn. Tôi cầu xin từ nay, không còn nghe nhắc đến những chuyện đau thương đó? Cha tôi có thế nào, tôi cũng không cần biết. Ông không có bổn phận đối với con, tôi có tìm biết cũng chẳng ích gì? Thôi cầm bằng như mình không có cha.
Vũ đau đớn vô cùng, nhưng không mở lời được. Sự lầm lỡ của tuổi trẻ cứ dày dò chàng mãi không thôi! Chàng đã ăn năn, hối hận nhiều rồi mà đến từng tuổi nầy vẫn chưa hết khổ. Một lúc, chàng mới nói:
– Tôi nghĩ Thúy quá cố chấp người đã sinh thành ra mình. Biết chừng đâu cha Thúy cũng đau khổ lắm mà không bày giải được. Và có lẽ mẹ Thúy đã hiểu rõ hoàn cảnh ngang trái kia.
Diệp Thúy ngạc nhiên nhìn Vũ, hỏi lại:
– Hoàn cảnh ngang trái nào thưa bác sĩ?
Vũ biết mình lỡ lời, lúng túng đáp:
– Hoàn cảnh ngang trái? Ví dụ như cha mẹ đôi bên không đồng ý cuộc hôn nhân… Hoặc giả, cha Thúy không ngờ mẹ Thúy có thai, nên đi cưới vợ khác.
Diệp Thúy lắc đầu:
– Thưa bác sĩ! Như vậy, cha tôi càng dáng khinh ghét hơn! Đã biết cha mẹ đôi bên không đồng ý mà còn phá hoại cuộc đời con gái của mẹ tôi? Và khi người yêu đã giao phó trọn tâm hồn thể xác cho mình rồi, sao lại đi cưới vợ khác? Thử hỏi con người đó có ra gì không?
Vũ nghẹn lời. Chàng không thể giải thích câu chuyện ngày xưa với con. Dưới mắt nó, chàng là kẻ có tội. Thôi thì cứ để một thời gian nữa xem sao? Sớm muộn gì Diệp Thúy cũng biết chàng là cha nó.
Đến một dãy phố lầu mới cất, Vũ ngừng xe lại. Diệp Thúy nhìn bề mặt sang trọng của dãy phố, khẽ hỏi Vũ:
– Ở đây hả bác sĩ?
– Phải!
– Trời ơi! Sang quá, làm sao tôi trả tiền phố nổi?
Vũ mở cửa xe bước xuống, bảo Thúy:
– Coi vậy chớ chẳng có bao nhiêu đâu?
– Thưa bác sĩ! Xem chừng phố quá rộng lớn với tôi. Tôi biết làm gì với căn phố lầu nầy?
– Tôi đã tính trước giúp cô. Từng lầu trên để ở. Còn từng dưới, bán đồ văn phòng và sách báo.
Rồi chàng chỉ tay sang bên kia đường nói:
– Đằng kia là trường Trung học Nguyễn Lâm, học sinh đông lắm. Nhứt định các cậu sẽ là khách hàng của Diệp Thúy.
Diệp Thúy nhìn Vũ, nhủ thầm:
– “Tại sao bác sĩ lại chu đáo như vậy? Ông lo lắng tất cả cho mình. Có thật ông thương yêu mình như đứa con gái ông không?”
Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu Thúy, nhưng nàng vội xua đuổi ngay, vẻ mặt nghiêm trang trầm lặng của Vũ, không cho phép nàng nghĩ quấy về ông. Vũ đưa Diệp Thúy sang qua đường, rồi lấy chìa khóa mở cửa căn phố. Những người ở kế cận tò mò nhìn cha con Vũ, nhưng không ai nói gì.
Hai người vào trong rồi, Vũ liền mở tung các cửa và chàng chỉ cho Diệp Thúy xem cách thức trang hoàng theo ý muốn của chàng: chỗ đóng kệ sách, chỗ để tủ kiếng, bàn ghế vân vân…
Diệp Thúy chỉ biết vâng dạ theo câu nói của Vũ, nhưng nàng rất bỡ ngỡ, phân vân. Theo lời Vũ, nàng được biết ông suy tính lập tiệm nầy cho nàng từ lâu lắm. Tại sao có sự sắp đặt quá lâu ngày như vậy? Bác sĩ Vũ có ý định giúp mình khi mới gặp sao? Sự tận tụy đó khiến nàng nghĩ ngợi. Bác sĩ giúp mình vì thương hại ư? Không có lẽ. Ở ngoài đời biết bao người còn đau khổ hơn mình. Chắc có một lý do nào khác mà nàng chưa hiểu được! Vũ đưa Diệp Thúy lên lầu. Phòng ngủ của nàng đã có sẵn giường nệm, bàn ghế, nhưng tất cả đều mới sắm. Diệp Thúy giựt mình, khi thấy có cả bàn trang điểm riêng cho mình. Nàng bước đến chỗ tấm kiếng lớn, bờ ngỡ nhìn hình dáng mình, sau bảy tháng nằm bệnh viện.
Vũ thương mến nhìn con, trong lòng tràn ngập hạnh phúc. Tuy tóc còn hơi ngắn, nhưng Diệp Thúy đã tìm lại được vẻ đẹp ngày nào. Thúy quay lại thấy Vũ chăm chú nhìn mình thì bèn lẽn cúi đầu. Vũ hỏi:
– Thế nào? Cô Thúy có tin lời tôi nói trước đây chưa?
Diệp Thúy mĩm cười:
– Dạ! Nhờ bác sĩ hết lòng, tôi mới còn được như vầy.
– Thôi… Cô Thúy đừng nói nữa. Lại muốn nhắc đến ơn với nghĩa rồi.
Chàng toan dẫn Thúy ra phía nhà sau để cho nàng xem qua tất cả, nhưng Thúy bỗng gọi chàng:
– Thưa bác sĩ! Tôi…
Vũ quay lai hỏi:
– Cô Thúy muốn hỏi gì?
Diệp Thúy liền nói:
– Tôi mong bác sĩ nói thật một điều!
Vũ ngạc nhiên hỏi:
– Điều gì vậy Diệp Thúy? Tôi nào có giấu giếm gì đâu?
– Xin bác sĩ hiểu cho nỗi thắc mắc trong lòng tôi. Tại sao bác sĩ lại tận tình giúp tôi như vậy?
Vũ đứng dựa lưng vào tường, qua cửa sổ nhìn xuống dưới đường. Trời đã về chiều. Có một gã đàn ông đang dẫn một đứa bé gái, đi trên lề. Chàng nghĩ đến hình ảnh của bé Lệ… của Diệp Thúy ngày còn nhỏ. Chưa bao giờ Thúy được hưởng cảnh vui vẻ bên cha. Giờ phút nầy, chàng đang lo cho con mà nó cũng không hiểu được! Vũ biết trước thế nào Diệp Thúy cũng hỏi mình những việc đó. Đúng ra thì chàng nên nói thật với con những bí ẩn trong đời.
Nhưng mới rồi, Diệp Thúy lại biểu lộ rõ rệt nỗi oán hận trong lòng đối với cha, khiến chàng e ngại. Vũ muốn để một thời gian, chàng giúp cho con hiểu rõ hoàn cảnh ngang trái giữa chàng và mẹ nó khi xưa rồi hẵn hay. Chớ bây giờ, chàng nói thật ra, chưa hẳn Diệp Thúy còn kính trọng chàng. Nếu Thúy trở nên lạnh lùng đối với mình là Vũ khổ tâm lắm. Diệp Thúy thấy Vũ lặng thinh, khẽ hỏi tiếp:
– Thưa bác sĩ! Tôi thắc mắc nhiều lắm. Tại sao thiếu chi người đau khổ ở ngoài đời, bác sĩ lại đặc biệt lo lắng giúp đỡ tôi?
Vũ quay phắt lại nhìn nàng:
– Diệp Thúy đừng bận tâm! Không có gì lạ đâu… Rồi đây có ngày Diệp Thúy sẽ biết. Tôi chỉ mong Thúy làm lại cuộc đời, hãy cố gắng với những phương tiện sẵn có nầy để lập nên cơ nghiệp…
Thúy lắc đầu nói:
– Thưa bác sĩ! Tôi rất thắc mắc. Bác sĩ hết lòng cứu chữa cho tôi, giành lấy mạng sống của tôi trên tay tử thần, rồi lại lo nghĩ tới tương lai của tỏi. Như vậy là ý gì? Thưa bác sĩ, từ trước đến giờ, chưa bao giờ ai giúp tôi mà không có hậu ý…
Vũ nhìn con hỏi lại:
– Như vậy là cô nghĩ tôi có hậu ý ư?
Diệp Thúy biết mình lỡ lời nên lắc đầu:
– Dạ không. Tôi đâu đám có ý nghĩ đó. Nhưng…
– Không! Cô có quyền nghĩ chớ? Tôi hiểu ý cô mà. Tôi không trách cô vì thực tế cuộc đời đã chỉ cho cô thấy rõ điều đó. Nhưng riêng về tôi cô khỏi phải lo. Nếu muốn trả ơn tôi thì cô hãy cố làm lại cuộc đời. Tôi chỉ mong cô thoát khỏi cái nghề vũ nữ.
Thấy Diệp Thúy còn ngơ ngác, Vũ tiếp:
– Cô đừng nên có thành kiến với tất cả mọi người. Không phải ai giúp mình cũng đều nghĩ đến chuyện lợi dụng. Hãy bỏ thành kiến đó một lần xem sao?
Diệp Thúy nhìn xuống đất. Nàng không hoàn toàn đồng ý với Vũ nhưng không tiện nói thêm. Vũ bỗng hỏi:
– Cô Thúy! Còn điều nầy, tôi muốn hỏi cô.
– Thưa bác sĩ!
– Ở chỗ nhà cũ trước kia, có bà nào thương cô và tin cẩn được không?
Diệp Thúy ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
– Dạ không!
– Thế thì khó quá há…
– Thưa bác sĩ! Bác sĩ cần một bà như thế để làm gì?
Vũ nhìn Thúy, đáp:
– Tôi muốn có một người ở đây với Thúy. Không lẽ cô ỏ đây một mình sao?
Diệp Thúy mỉm cười:
– Bác sĩ khỏi bận tâm… Từ khi mẹ tôi chết đến giờ, tôi vẫn ở một mình có sao đâu? Tôi quen như vậy rồi, bác sĩ à!
Vũ nghẹn lời. Một lúc, chàng mới nói:
– Nhưng từ đây đến lúc tiệm khai trương, cô còn bận rộn nhiều lắm. Ở nhà không ai hết, cô lo sao cho xiết.
Diệp Thúy lặng thinh suy nghĩ.
Một lúc sau, Thúy bảo Vũ:
– Bác sĩ không phải bận tâm. Tôi liệu xoay sở được mà.
Vũ không biết tính sao nên cũng đành chịu. Diệp Thúy bơ vơ quá, ngoài chàng ra không còn ai là thân bằng quyến thuộc. Chính chàng cũng không biết nhờ ai săn sóc con?
Lúc ban đầu, chắc chàng phải đến đây hằng ngày để giúp đỡ Thúy. Vũ bảo con:
– Ngày mai, họ sẽ chở tủ kiếng, bàn ghế và kệ sách tới. Cô chỉ cho họ làm nghen.
– Dạ. Bác sĩ không đến sao?
– Có chớ! Nhưng chắc ở bệnh viện ra, tôi mới đến đây được.
Rổi chàng lấy trong bóp ra một số tiền, đưa cho Thúy nói:
– Cô cầm đỡ số tiền nầy để chi dụng trong nhà.
Thúy có vẻ e ngại khi cầm lấy tiền. Vũ nhìn con nói:
– Cô cứ cầm lấy, bao giờ tiệm nầy phát đạt sẽ trả lại tôi, có sao đâu?
Rồi không muốn cho Diệp Thúy nghĩ ngợi xa xôi, chàng nói lảng sang chuyện khác:
– Nếu bận rộn quá, cô nên ăn cơm tháng tiện hơn.
Diệp Thúy nhìn chàng, lắc đầu:
– Bác sĩ không lo! Tôi lo cơm cho mình được mà.
Nàng nói xong, mỉm cười trước những lo lắng quá chu đáo của Vũ. Ông lo cho nàng từng chút, từ nơi ăn, chốn ở. Vũ vẫn chưa hết băn khoăn, khi nghĩ Diệp Thúy phải ở một mình, trong căn phố lầu nầy. Chàng bỗng nói:
– Cô Thúy nầy… Hay là tôi mời cô Phương ở bệnh viện đến đây ở với cô cho có bạn?
Diệp Thúy lặng thinh. Mấy lúc gần đây, Phương hay hỏi nàng những câu thật lạ lùng. Nàng có cảm tưởng như Phương có ý nghi ngờ một chuyện gì không mấy đẹp giữa bác sĩ Vũ với nàng. Rồi tự nhiên, Phương đâm ra mất cảm tình với nàng và thường nói những câu gần như mỉa mai. Thật khổ tâm quá!
Vũ hỏi tiếp:
– Cô nghĩ sao Diệp Thúy? Cô Phương không có gia đình, chưa có chồng con gì cả. Cô ấy đến đây ở, chắc cũng tiện mà.
Diệp Thúy đành nói sự thật:
– Thưa bác sĩ! Dạ chắc không nên… Vì tánh cô Phương cổ hơi khó.
Vũ mỉm cười:
– Cô không thích cô Phương chớ gì? Tánh tình cô đó cũng lạ. Nghĩ gì thì nói đại, chẳng nể nang ai cả. Ở bệnh viện, nếu không có tôi, cô ấy ra Hội Đồng không biết mấy lần. Tuy vậy, chớ tính tình tốt lắm!
Diệp Thúy biết Vũ hiểu lầm lời nói của mình, nhưng cũng không đính chánh. Miễn Phương đừng đến đây và cũng đừng biết chuyện Vũ giúp đỡ nàng là được rồi! Thúy nghĩ mình không thể nào giải thích được lý do Vũ chăm sóc mình! Chính nàng cũng chưa hiểu rõ ràng ý nghĩ của bác sĩ. Ông bảo nàng xem ông như cha. Nhưng mà tại sao như vậy chớ? Cách cư xử của ông thật đứng đắn, nhưng liệu người ngoài có tin như vậy không? Bác sĩ không hề lợi dụng nàng, nhưng người đời, nhứt là Phương cứ xét đoán theo lý lẽ thông thường thì sẽ nghi ngờ có điều ám muội giữa nàng và Vũ ngay. Chỉ có nàng và bác sĩ hiểu lòng nhau nhưng thiên hạ làm sao khỏi xầm xì. Vũ thấy con không thích cho ai đến đây cả thì nói:
– Được rồi! Nếu Diệp Thúy liệu ở một mình được thì thôi. Tôi chỉ sợ Thúy buồn rồi cảm thấy cô độc như xưa.
Thúy lắc đầu:
– Dạ, bây giờ, tôi không thấy cô độc nữa. Dù sao cũng còn bác sĩ lo lắng giúp đỡ tôi. Đời tôi như vậy cũng đủ rồi. Lời nói của Thúy nghe buồn và thấm thía vô cùng. Vũ nhìn con bồi hồi xúc động.
Chàng bỗng nói:
– Thôi tôi về đây! Buổi tối cô nhớ đóng cửa ngoài cho cẩn thận.
Thúy vâng dạ, trong lúc Vũ bước xuống thang lầu. Chàng vừa đi vừa nói:
– Ngày mai, tôi sẽ đến để tính với cô cách thức mua sách, mướn người làm giúp, còn quảng cáo… Cha! Còn nhiều chuyện quá.
Diệp Thúy nói:
– Nghề nầy mới mẻ đối với tôi! Chắc phải cố gắng nhiều mới thành công được.
Vũ mỉm cười:
– Dĩ nhiên rồi! Ở đời, người ta hơn nhau nhờ sự cố gắng thôi. Thúy đừng lo, rồi thì nghề dạy nghề mà.
Vũ bước ra cửa rồi qua đường, lên xe. Thúy đứng nhìn theo, đến khi Vũ cho xe chạy khuất ở đầu đường. Nàng khóa cửa ngoài lại, nhìn khắp căn phố một lượt. Thật là trống trải. Mùi sơn, mùi vôi còn hăng hắc khắp nhà.
Diệp Thúy đi lên cầu thang. Trong nhà vắng vẻ quá nhưng lòng nàng không thấy buồn bã như xưa. Thúy thay áo rồi lên giường nằm. Đây là nhà nàng, nhà của riêng nàng? Có thế như vậy được sao? Thật lạ lùng và gần như không tưởng tượng nổi. Nàng tưởng chừng như mình đang sống trong mơ và tâm hồn đang lơ lửng trên chín từng mây. Nàng không còn đủ lý trí sáng suốt, để xét đoán những chuyện đưa đến cho nàng. Bác sĩ Vũ xem mình như “người thế nào” đối với ông? Là con hay một thứ “tình nhân” sang trọng? Thúy không thể hiểu được và nàng cũng không thể xét đoán một cách rõ ràng những ý nghĩ trong đầu Vũ! Có điều nàng chắc chắn Vũ không có ý lợi dụng nàng như bao kẻ khác.
Có lúc, Diệp Thúy lại ví mình như một thiếu nữ quá khổ sở trên đường đời rồi tự nhiên có Đức Phật hiền từ hiện đến. Đức Phật đã rủ lòng thương xót nên dùng phép mầu biến hóa cho nàng lành bệnh, mang sắc đẹp trả lại cho nàng và tạo ra tiện nghi để nàng được hoàn toàn hạnh phúc. Diệp Thúy mỉm cười một mình với những ý nghĩ ngộ nghĩnh đó. Và nàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết…
***
Bác sĩ Trọng ngồi ở bàn viết, soát lại bản danh sách các bệnh nhân vừa rời bệnh viện và một số khác mới vào. Có hai người bệnh quá trầm trọng mà lại thiếu giường nằm, nên chàng phải tạm cho vào phòng lạnh.
Lúc nãy, lại thêm bốn người xin vào nữa. Trọng muốn gặp Vũ để bàn chuyện đó, nhưng suốt buổi chiều Vũ không đến. Chuyện kia kể ra không mấy gì quan trọng, nên chàng không điện thoại đến nhà bạn, nhưng trong lòng hơi thắc mắc.
Vũ bận việc gì mà không đến bệnh viện? Ít khi chàng vắng mặt bất thường như vậy lắm! Đáng lý ra, vào giờ nầy, Trọng đã về rồi, nhưng vì không có Vũ, chàng phải trực thay bạn vài giờ. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang, Trọng cầm ống nghe lên hỏi:
– A lô… Ai đó? Trọng đây.
Chàng nghe tiếng Vũ ở đầu dây bên kia:
– Vũ đây? Anh Trọng đó hả?
– Anh Vũ! Có chuyện gì đó anh? Sao không đến?
– Chiều nay, mình bận việc riêng không đến được! Giúp giùm mình một lần nghen.
– Được rồi! Nhưng có chuyện gì quan trọng lắm không?
Trọng nghe Vũ đáp với vẻ ngập ngừng:
– Không quan trọng gì, nhưng… thiếu mình không được! Tiếp giùm mình một buổi đi!
Trọng cười:
– Được rồi! Sáng mai anh có đến không?
– Đến chớ! Sao anh lại hỏi vậy?
– Vì ở đây, có nhiều việc cần giải quyết, muốn có ý kiến của anh. Đừng đến trễ đó.
Vũ đáp nhanh:
– Anh khỏi phải lo! Chào anh.
Trọng gác ống điện thoại và chợt nhìn thấy cô Phương đứng cạnh bên mình tự bao giơ. Chắc cô vào phòng lúc chàng đang nói chuyện với Vũ.
Trọng chưa kịp nói gì thì Phương đã hỏi:
– Thưa bác sĩ! Có phải bác sĩ Vũ không?
Trọng gật đầu:
– Ờ, anh Vũ! Ảnh bận việc nên không tới được, nhờ tôi trực thay.
Trọng chú ý thấy Phương thở dài, nhìn xuống, dáng điệu có vẻ buồn phiền, chán nản. Chàng ngạc nhiên hỏi:
– Việc gì vậy, cô Phương?
Phương lắc đầu:
– Dạ, một việc quá hệ trọng. Mấy hôm nay, tôi định thưa qua cho bác sĩ rõ, nhưng không tiện…
Trọng hỏi tiếp:
– Việc gì? Cô nói đi?
Phương ngập ngừng:
– Bác sĩ… có nghe rồi… xin để tâm dò xét, đừng quá nóng… tiết lộ ra sẽ có hại cho tôi. Đáng lý, tôi cũng câm miệng luôn, nhưng vì thanh danh của bệnh viện, tôi khó nghĩ quá…
Trọng sửng sốt:
– Cô nói gì vậy? Chuyện của ai? Mà chuyện gì?
Phương lặng thinh một lúc mới nói:
– Dạ, chuyện bác sĩ Vũ…
– Chuyện anh Vũ? Anh ấy làm gì?
Trọng đứng phắt dậy, trong lòng rất lo âu. Chàng thấy cánh cửa phòng khép không kín vội bước tới đóng chặt lại. Nhứt định là chuyện hệ trọng rồi. Chàng lại hỏi Phương:
– Thế nào? Cô nói đi…
Phương chậm rãi cất tiếng:
– Thưa bác sĩ trong bệnh viện hiện thời, có một luồng dư luận không hay cho bác sĩ Vũ. Nhứt là phía mấy cô nữ y tá. Họ bàn bạc nhiều lắm…
– Bàn bạc chuyên gì?
– Dạ, chuyện bác sĩ Vũ với cô Diệp Thúy…
Trọng kêu lên:
– Diệp Thúy! Cô vũ nữ đó ư?
– Vâng! Đúng là cô đó.
– Sao họ nói bậy vậy? Bác sĩ Vũ làm gì? Họ đặt chuyện, bị ra Hội đồng hết đó…
Phương thấy Trọng hơi giận nên nín lặng. Một lúc, nàng mới nói:
– Thưa bác sĩ! Lúc đầu, tôi cũng có rầy họ, nhưng luồng dư luận đó xảy ra từ mấy tháng nay. Riết rồi tôi cũng khó đàn áp nổi.
Bác sĩ Trọng có vẻ suy nghĩ, rồi nói:
– Chắc họ thấy anh Vũ săn sóc cô Diệp Thúy quá tận tình chớ gì? Trởi ơi! Nếu ai chăm sóc bệnh nhân chu đáo, đều mang tiếng hết, thì làm sao?
Phương lắc đầu:
– Dạ không phải vậy đâu, bác sĩ! Chính tôi cũng đâm ra nghi ngờ bác sĩ Vũ!
– Sao? Cô cũng nghi ngờ ư?
– Vâng! Tôi cho là bác sĩ Vũ cư xử không được đứng đắn.
Trọng nghẹn lời. Từ lâu, chàng cũng biết tánh Phương hay nói thẳng, nhưng việc nầy nào phải chuyện đùa! Tố cáo bác sĩ Giám đốc bệnh viện không đứng đắn, là chuyện quan trọng vô cùng. Phải có đủ bằng cớ, bằng không thì kẻ tố cáo sẽ bị đuổi ngay. Trọng nhìn Phương hỏi lại:
– Cô dám chắc như vậy không? Hãy thận trọng lời nói, không thì nguy cho cô lắm đó.
Phương quả quyết:
– Thưa bác sĩ! Tôi dám chắc như vậy. Nhưng đây không phải là lời tố cáo của tôi đối với bác sĩ Vũ trước Hội Đồng, mà chỉ là chuyện nói riêng với bác sĩ, để nhờ khuyên ông Vũ. Bác sĩ là bạn thân, chắc cũng không muốn cho ông Vũ sa ngã. Ý tôi muốn thế thôi, chớ đâu có lòng hại ông Vũ.
Trọng ngồi xuống ghế, bảo Phương:
– Cô kể hết cho tôi nghe đi.
Phương khẽ cất tiếng:
– Thưa bác sĩ! Từ năm, sáu tháng nay, trong bệnh viện, ai ai cũng chú ý thấy cảm tình riêng của bác sĩ Vũ với cô Diệp Thúy. Bác sĩ coi trại A mà lại sang trại B săn sóc cho cô kia.
Trọng bênh vực bạn:
– Cô quên là lúc đó tôi cũng đồng ý cho anh Vũ sang trại В sao? Tại vì bệnh tình cô Thúy hơi khác thường, tôi chuyên trị cũng khó thuyên giảm. Nếu trong bệnh viện ai ai cũng nhận định như cô thì từ nay sẽ không có một bác sĩ nào dám chăm sóc bệnh nhân tận tình nữa.
Phương lắc đầu:
– Thưa bác sĩ! Nói thì phải có đầu có đuôi chớ không phải có bao nhiêu yếu tố đó mà dám quả quyết bác sĩ Vũ không đứng đắn. Đồng ý là lúc ban đầu, ông Vũ tận tụy săn sóc cho cô Diệp Thúy không có chút ẩn ý gì. Nhưng mấy tháng nay, có nhiều chuyện khác thường, nên tôi mới để ý.
– Như chuyện gì chẳng hạn?
– Bác sĩ nghĩ xem, mỗi ngày ông Vũ đến trại B thăm bệnh cho cô Thúy một lần là đủ rồi. Đôi khi tôi gặp bác sĩ đến vào buổi chiều một mình ở trong phòng cô Thúy, không ai hay biết.
Bác sĩ Trọng bắt đầu ngạc nhiên về thái độ của bạn, nhưng vẫn cố bênh vực:
– Việc đó có gì là lạ! Tôi đây, đôi khi buổi chiều trước khi về nhà cũng tạt qua thăm những bệnh nhân trầm trọng, có sao đâu?
Phương lắc đầu:
– Không phải vậy, thưa bác sĩ! Thăm bệnh nhân là một việc, nhưng tâm tình riêng là một việc khác.
– “Tâm tình riêng” nghĩa là sao?
– Dạ. Giữa cô Diệp Thúv và ông Vũ có nhiều chuyện riêng tư. Có khi ngồi rù rì cả buổi trời.
Bác sĩ Trọng hỏi gằn lại: – Cô chứng kiến sự việc đó? – Dạ. Nhiều lúc có mặt tôi trong phòng, bác sĩ Vũ còn mời tôi ra ngoài nữa.
Trọng đứng lên đi qua, đi lại trong phòng. Thật là lạ lùng hết sức. Vũ là người đứng đắn, không hề bị tai tiếng gì cả, tự nhiên mà dính vô chuyện nầy! Sự thật nó như thế nào? Có đúng như những lời cô Phương mới nói không? Một ý nghĩ thoáng hiện lên trong đầu, khiến chàng phải quay lại nhìn Phương. Hay là cô Phương thầm yêu Vũ, rồi đâm ra ganh ghét Diệp Thúy? Chuyện nầy dù sao, chàng cũng phải tìm hiểu cho ra lẽ. Trọng đứng dừng lại hỏi Phương:
– Chỉ có bao nhiêu chuyện đó mà cô dám quả quyết có điều ám muội xảy ra giữa bác sĩ Vũ và cô Diệp Thúy sao?
Phương bình tĩnh đáp:
– Dạ, còn nữa… Điều nầy mới quan trọng.
– Điều gì?
– Dạ, bác sĩ có biết cô Diệp Thúy đã rời bệnh viện rồi không?
– Biết chớ! Cô ấy đã ra mấy hôm rồi.
Cô Phương nói nhỏ:
– Thưa bác sĩ! Trong bệnh viện họ nghi ngờ bác sĩ Vũ mướn nhà riêng cho cô Diệp Thúy ở.
– Trời! Sao họ dám nói chuyện động trời như vậy? Ai nói? Chuyện nầy thật quá lắm.
Phương thấy Trọng có vẻ giận nên lặng thinh. Nàng chờ Trọng dịu xuống mới tiếp:
– Thưa bác sĩ! Tôi mong bác sĩ trầm tĩnh, trước chuyện nầy. Không khéo bệnh viện mình sẽ mang tai tiếng đó. Tôi nói với bác sĩ những gì đã nghe được bên ngoài, để bác sĩ liệu mà giúp ông Vũ. Chớ đâu nào phải lời tố cáo của tôi!
Trọng nói:
– Nhưng họ đặt điều như vậy, cô cũng nghe theo sao? Bác sĩ Vũ xưa nay là người gương mẫu, không hề có cử chỉ khiếm nhã với bất cứ một ai, đừng nói chi có hành động tác tệ như thế.
Phương đáp:
– Chính vì vậy mà ai nghe nói cũng phải ngạc nhiên.
Trọng hỏi lại:
– Ai bảo với cô là bác sĩ Vũ mướn nhà riêng cho Diệp Thúy ở?
Phương sợ Trọng làm khó dễ người đã nói ra chuyện đó, nên nói trớ đi: – Thưa bác sĩ! Trong bệnh viện họ đồn đãi như vậy, chớ không biết rõ người nào?
– Ai đồn? Người nào bày ra chuyện vô cớ đó? Tôi nghi họ muốn làm mất thanh danh của bác sĩ Vũ đó. Cô Phương! Cô là người rất mến anh Vũ, sao cô không tìm хеm ai đang âm mưu hại anh ấy?
Phương thấy mình khó thể lặng thinh. Đã lỡ lời, phải nói ra luôn. Phương cất tiếng: – Thưa bác sĩ! Bác sĩ có tin lời tôi nói không? Chắc bác sĩ cũng không có ý nghi ngờ tôi âm mưu làm hại ông Vũ.
– Không! Cô thì tôi biết từ lâu. Cô đâu có làm chuyện đó.
– Vậy tôi xin nói thật. Chính hôm cô Diệp Thúy rời bệnh viện nầy, tôi đã gặp cô ấy đi trên xe bác sĩ Vũ. Hình như bác sĩ chở cô ấy đến nơi nào về phía Chợ Lớn.
Trọng ngẩn ngơ trước sự việc lạ lùng đó. Trời đất! Vũ chở Diệp Thúy trên xe? Mà chở đi đâu? Phương tiếp lời:
– Buổi chiều đó tôi nghỉ, nên có ra chợ Sài Gòn. Dọc đường lại gặp xe bác sĩ Vũ. Tôi chú ý nhìn thấy một cô ngồi bên mặt. Ban đầu tôi tưởng cô Ngọc Dung, con gái bác sĩ. Đến chừng xe vọt qua, tôi mới kịp nhận ra cô Thúy.
Bác sĩ Trọng vụt hỏi:
– Nhà của cô Diệp Thúy ở đâu?
Phương lắc đầu:
– Cô ấy làm gì có nhà? Trước khi vào bệnh viện, cô ấy ở phòng riêng, nhưng thiếu tiền phòng nhiều quá, họ siết đồ đạt gần hết. Cô ấy có thuật những chuyện đó cho tôi nghe mà.
Bác sĩ Trọng lẩm bẩm: – Như vậy thì Vũ đưa Diệp Thúy đi đâu? Mà tại sao anh ấy phải lo cho cô ta nhiều đến thế?
– Chính vì vậy mà trong bệnh viện nầy, họ đồn đãi những chuyện không hay cho ông Vũ.
Bác sĩ Trọng lặng thinh một lúc rồi bảo Phương: – Thôi được rồi! Cô để tôi dò xét lại đã. Điều cần nhứt là từ giờ trở đi, cô đừng tiết lộ chuyện nầy cho người khác biết. Và nếu có thể, cô chận đứng những lời đồn đãi kia.
Phương lo ngại nói: – Thưa bác sĩ! Nói thêm thì chắc tôi không nói với ai rồi. Còn chận đứng lời đồn đãi không phải là dễ. Nhứt là những y tá, gác dan thường bị ông Vũ khiển trách vì làm bậy, gặp dịp nầy lại đồn tung ra cho ông Vũ mất uy tín.
Trọng nói ngay: – Đó! Cô thấy không? Tôi nói trong vụ nầy, nhứt định có kẻ âm mưu làm giảm uy tín bác sĩ Vũ mà. Tôi sẽ điều tra ngay vụ nầy và đưa ra Hội Đồng xét xử.
Phương nhìn Trọng, cất giọng nghiêm nghị: -Tôi nghĩ bác sĩ nên cẩn thận. Đừng quá nóng mà khó gỡ tai tiếng cho ông Vũ. Việc gì cũng vậy, “không có lửa làm sao có khói”? Vả lại, chính mắt tôi cũng đã chứng kiến nhiều chuyện đáng nghi ngờ, thì không hẳn những lời đồn đãi của họ hoàn toàn bịa đặt?! Tôi mong bác sĩ vì tình bạn mà tìm hiểu rõ hành động của ông Vũ trước đã. Vì nếu không khéo, đưa ra Hội Đồng bệnh viện thì chuyện nầy lùm xùm trước dư luận. Báo chí đăng lên, chẳng có lợi gì đâu.
Bác sĩ Trọng thở dài không nói gì hết. Lời bày giãi của Phương cũng phải; việc nầy đưa ra trước dư luận thì gia đình Vũ sẽ xào xáo trước tiên. Phương nói tiếp:
– Bác sĩ nên tin ở tấm lòng chân thật của tôi. Làm ở bệnh viện nầy, có gần 10 năm rồi, tôi mến bác sĩ và ông Vũ, còn hơn tình ruột thịt. Tôi không muốn có tai tiếng gì cho ông Vũ, nên tỏ hết cho bác sĩ rõ những điều nghe thấy.
– Tôi hiểu rồi, cô Phương à! Cô để tôi lo liệu.
Phương cúi chào Trọng rồi lui ra. Trọng cũng đứng lên để đi thăm các bệnh nhân trầm trọng trước khi về. Và suốt đêm hôm đó. Trọng bị ám ảnh luôn bởi câu chuyện của Vũ. Chàng về nhà không được vui vẻ như mọi khi nên ai nấy đều lấy làm lạ. Mấy lần vợ Trọng hỏi chồng, chàng đều lắc đầu không nói. Chàng suy tính không biết có nên hỏi thẳng Vũ không? Hay là âm thầm dò xét bạn.
Giữa tình bạn với nhau, chàng hỏi Vũ thì được rồi, nhưng lỡ ra chuyện kia không có! Tức nhiên, Vũ phải làm cho ra lẽ thì bệnh viện sẽ xáo trộn cả lên. Thật là phiền phức và rắc rối! Sau cùng Trọng nghĩ mình nên âm thầm dò xét bạn. Như vậy Vũ sẽ không biết mà phòng bị. Chừng biết rõ ngôi nhà Vũ mướn cho Diệp Thúy ở như lời họ đồn đãi thì chàng sẽ cố gắng giúp bạn khỏi sa ngã.
Sáng hôm sau, Vũ đến bệnh viện, xem chừng vui vẻ hơn mọi hôm. Trọng gặp bạn vẫn niềm nở như lúc bình thường. Vũ vô tình không rõ Trọng đang có ý dò xét mình. Sau khi giải quyết những chuyện trong bệnh viện, Trọng mới hỏi Vũ:
– Hôm qua, bận việc gì mà anh không đến?
Vũ lộ vẻ suy nghĩ rồi đáp:
– Chuyện riêng trong gia đình, anh à.
Mỗi khi Vũ nói đến chuyện riêng thì không bao giờ Trọng hỏi thêm nữa. Nhưng lần nầy khác. Chàng vừa nói xong thì Trọng gạn hỏi:
– Chuyện gì vậy? Có phải chuyện Ngọc Dung không?
Trọng hỏi thế vì mấy thấng nay, Vũ thường than phiền với chàng về việc hôn nhân của Ngọc Dung. Thấy bạn hỏi tới, Vũ đành nói theo:
– Phải! Chuyện con bé ngày càng rắc rối.
– Kìа. Hình như anh đã cấm Trân đến nhà rồi mà.
Vũ gật đầu:
– Đúng thế! Tôi và vợ tôi đã hết lời bày giãi cho Ngọc Dung rõ dã tâm của Trân. Tôi chỉ cho nó thấy những gương “xe trước đổ”. Mộng Ngọc đã đưa Ngọc Dung lên Đà Lạt mấy tháng nay rồi.
– Ngọc Dung có nghe theo lời anh chị không?
– Nghe theo chớ, nhưng xem chừng nó buồn bã lắm. Lúc nầy, tuy ở Đà Lạt, có ông ngoại nó, mà vợ tôi gởi thư về cho biết, nó ốm nhiều lắm. Tôi lo quá.
Trọng lại hỏi:
– Còn Trân?
– Cậu ta thật là lì. Trân làm như quá say mê Ngọc Dung vậy. Nhứt định tìm cho được Ngọc Dung. May là nhà ba tôi khít vách với nhà anh Quí, bạn tôi, làm Quận trưởng ở trên đó, chớ không thì cậu ta đã xông đại vô nhà.
– Lì đến thế kia à? Hay là cậu ta yêu thương Ngọc Dung thật tình.
– Điều đó không biết sao mà nói? Theo lời cậu Phiên, Trân có tánh lạ lùng lắm. Nếu cô gái nào chín chắn, anh ta không làm gì được thì cứ đeo đẳng mãi như vậy. Còn để cho anh ta được dễ dàng “hái mận, bẻ hoa” thì sớm muộn gì anh ta cũng trở ngón “sở khanh”.
Hai người cùng lặng thinh. Một lúc, Trọng hỏi:
– Ngọc Dung vẫn còn ở Đà Lạt hả?
– Vâng! Chắc tôi để cháu ở trên đó ít lâu nữa.
– Nếu vậy, hôm qua, anh bận lo việc gì? Tự nhiên, bị Trọng hỏi đột ngột, Vũ đâm ra lúng túng. Hôm qua, chàng bận giúp Diệp Thúy trang hoàng tiệm sách nên không đến bệnh viện. Không ngờ Trọng lại tò mò hỏi đến. Một lúc, chàng mới đáp lời bạn:
– Cũng có một vài chuyện khác.
Trọng đã thấy rõ thái độ lúng túng của bạn và chàng cũng bắt đầu nghi ngờ Vũ không thật với mình.
***
Diệp Thúy ra khỏi nhà sách Xuân Thu, liền theo đường Tự Do, để vào hành lang Eden. Nàng qua khỏi chỗ chưng hình quảng cáo phim thì có cảm tưởng như ai đó đang theo sau mình. Thúy bước đều đều. Nàng không tiện quay nhìn lại, nên chưa rõ kẻ ấy là ai? Khách lạ hay là người quen biết cũ ngày xưa? Từ hôm rời bệnh viện đến nay, đây là lần đầu tiên, Diệp Thúy ra phố. Không phải nàng nhàn nhã dạo chơi mà đi “côm măng” sách cho tiệm của nàng. Thúy rất sáng trí, nên Vũ chỉ sơ qua là nàng tự đi mua sách được ngay.
Vì là ngày đầu liên xuất hành nên lúc nãy, Thúy cứ đứng ngắm mãi trước kiếng. Nàng lấy bức ảnh cũ ra nhìn để đối chiếu với nhan sắc hiện tại thì thấy mình khác xưa nhiều. Nhan sắc tuy không suy giảm, nhưng cách trang điểm hình như thay đổi hẳn.
Ngày xưa, nàng diêm đúa, lòe loẹt bao nhiêu, bây giờ nàng lại trang nhã, bình dị bấy nhiêu. Chính Diệp Thúy cũng không ngờ mình đổi khác nhiều đến thế và nàng chắc khi ra phố những người quen biết cũ sẽ khó thể nhìn ra nàng. Điều đó rất có lợi cho Thúy, vì nàng không còn muốn ai nhắc nhở đến những ngày buồn thảm xa xưa.
Bác sĩ đã Vũ bảo nàng:
– Cô đừng bao giờ nghĩ đến cái dĩ vãng đen tối ấy nữa. Hãy nhìn thẳng đến tương lai mà đi…
Câu nói của bác sĩ giúp Thúy rất nhiều. Lắm lúc chán nản, nàng nhớ đến lời ông thì thấy hăng say làm việc ngay.
Diệp Thúy đến trước cửa rạp Eđen thì dừng lại xem hình. Nàng cốt ý dò xem người lạ có còn theo dõi mình nữa không? Nàng chợt nghe tiếng chân bước đến gần bên.
Diệp Thúy lúng túng rời đi nơi khác, dù chưa được biết rõ kẻ đang theo mỉnh là ai? Bỗng nàng nghe tiếng gọi nhỏ:
– Diệp Thúy! Diệp…
Thúy vẫn lặng thinh cất bước và nàng đoán chừng kẻ kia là một trong số những khách đến vũ trưởng khi xưa. Đi một đỗi xa nàng bước chậm lại và vẫn nghe tiếng chân người ở sau lưng. Diệp Thúy đứng nhìn vào kiếng tủ một cửa hàng và nàng rợn người, tay chân tự nhiên lạnh đi.
Nàng kêu nhỏ:
– Trân!
Hình như Trân đã nhìn ra được nàng nên cứ mãi theo sau! Qua phút hồi hộp ban đầu, Diệp Thúy cố định tĩnh tâm thần. Nàng nhứt định không để Trân nhìn ra nàng là Diệp Thúy ngày xưa, người con gái ngây thơ đã bị hắn gạt gẫm, làm hư hỏng cả một đời… Trân đã theo đuổi Diệp Thúy từ nãy đến giờ. Hắn thấy Thúy từ trong nhà sách đi ra thì hết sức ngạc nhiên. Ban đầu, hắn cũng ngờ là người giống người nhưng khi Thúy đi qua, hắn mới quyết chắc là nàng chớ không ai khác. Khuôn mặt đó, thân hình đó, hắn lầm làm sao được. Nhưng khi Trân gọi đến tên Thúy mà nàng không trả lời, hắn hơi chùn bước. Nếu đúng là Thúy thì ít ra nàng cũng quay lại chớ? Sao cô ta lại lầm lũi đi luôn? Trân định không theo nàng nữa nhưng chợt nghĩ:
– Hay là Diệp Thúy đã thấy mình trước nên làm mặt lạ? À, có thể như thế lắm?
Hắn nghĩ vậy nên bước đến trước mặt Diệp Thúy rồi thình lình cúi chào:
– Thưa cô!
Diệp Thúy đã đủ bình tĩnh để đối phó với tên “sở khanh”, nên cất tiếng hỏi lại:
– Ông muốn hỏi gì?
Trân nghe giọng nói càng quả quyết nàng là Diệp Thúy chớ không ai khác? Hắn mỉm cười thân thiện:
– Diệp Thúy không còn nhớ tôi nữa sao?
Thúy kinh tởm cái giọng nói hiên lành nhưng chất chứa đầy nọc độc đó! Nàng lắc đầu:
– Thưa ông! Ông nói gì… tôi không hiểu!
Trân nhìn chiếc răng vàng nhỏ bên trái của nàng thì quả quyết nói:
– Thúy! Em đừng làm mặt lạ với anh. Anh là Trân đây. Anh biết mình có lỗi nhiều lắm, nhưng…
Diệp Thúy thấy khách đi đường liếc nhìn hai người thì đâm ngượng, lùi lại bảo Trân:
– Ông nhìn lầm rồi. Ông đi đi, không tôi…
Trân thấy Diệp Thúy có vẻ quyết liệt như vậy thì không dám hỏi thêm, bước đi thật mau, cho người chung quanh không chú ý tới.
Diệp Thúy thở ra nhẹ nhàng. Nàng nhìn theo tên “sở khanh” mỉm cười khinh bỉ. Một thiếu phụ chứng kiến được thái độ của Trân liền bước đến bên Thúy, hỏi:
– Hắn định giở trò gì vậy cô?
Diệp Thúy không muốn rắc rối nên mỉm cười đáp:
– Tôi không biết nữa. Chắc ông ta nhìn lầm ai đó?
Thiếu phụ lẩm bẩm:
– Có thể như vậy lắm! Chớ ai đâu ăn mặc sang trọng mà sàm sỡ giữa đường.
Diệp Thúy cúi chào thiếu phụ rồi bước lần ra đường Nguyễn Huệ. Nàng không ngờ Trân vẫn theo sau, song lại đứng xa xa, cho Thúy đừng chú ý. Hắn thấy Diệp Thúy đưa tay ngoắc tắc xi, liền bước ra xe, leo lên, rồ máy sẵn. Trân nhứt định theo Thúy đến tận nhà, xem nàng còn chối được nữa không?
Đã mấy năm qua, hắn không biết tin Thúy, bất thình lình gặp lại người xưa, hắn thấy lòng “ham muốn” khác thường. Và hắn cũng vừa nhận thấy một điều rất lạ, là khuôn mặt Thúy phảng phất giống Ngọc Dung, người thiếu nữ mà hắn say mê đắm đuối! Tuy không giống hẳn, nhưng cả hai có nhiều đường nét tương tợ như nhau.
Diệp Thúy vô tình không biết Trân đang lái xe đuổi theo mình, nên chỉ đường cho anh tài xế tắc-xi chạy thẳng về nhà. Trân lấy làm thích thú lắm! Hắn đinh ninh hiện tại, Diệp Thúy vẫn còn là một vũ nữ. Tìm gặp được nàng là cả một sự may mắn, vì bạn bè của hắn vẫn thường nhắc tới Diệp Thúy!
Lần nầy, tìm ra chỗ ở của Thúy, họ còn phục hắn thêm. Nghĩ thật lạ quá! Mấy năm trước, Trân “sống chung” với Diệp Thúy đến độ phát chán, nhưng sao bây giờ gặp lại vẫn thấy say mê như thường? Tại sao vậy? Trân không phân tách được lòng mình. Có lẽ ngày xưa, Diệp Thúy trang điểm quá diêm dúa, mất đi bản sắc tự nhiên, còn bây giờ, trông nàng thật bình dị, gợi nhớ đến hình ảnh cô thợ may, tóc còn buông xõa, ở tiệm Tây Тhi độ nào?
Còn một điều, khiến Trân theo đuổi Diệp Thúy là vì nàng phảng phất giống Ngọc Dung, nhưng Thúy có vẻ già dặn hơn. Tắc-xi về đến nhà, Thúy trả tiền xe, đi vào. Trân đậu xe ở góc đường và nhìn thấy Diệp Thúy vào tiệm sách “Ngọc Thanh”.
Thật là lạ! Không lẽ Diệp Thúy ở đây? Hay là nàng đi mua sách? Trân nhớ lại lúc nãy đã gặp nàng, từ trong nhà sách “Xuân Thu” đi ra. Thật hắn không còn hiểu gì được nữa! Một cô vũ nữ làm gì say mê sách đến độ đó? Một ý nghĩ thoáng qua: “Hay tại lúc sau nầy có nhiều khách ngoại quốc, nên Diệp Thúy định học tiếng Anh để dễ giao thiệp?”
Trân nghĩ thế, nên ngồi trên xe chờ Diệp Thúy. Hắn cứ chờ mãi, hơn nửa giờ sau, vẫn không thấy Diệp Thúy trở ra. Trân nóng ruột, liền bước xuống xe, đi lần về phía tiệm sách. Hắn sợ Diệp Thúy nhìn thấy nên mang kiếng đen rồi liếc nhìn bên trong. Tiệm sách hình như chưa có khai trương!
Trân thấy vài người đang sắp sách lên kệ, còn Diệp Thúy ở đâu không rõ? Nghĩ cũng lạ thật, tiệm sách người ta chưa mở, Diệp Thúy đến đây làm gì? Trân nghĩ ngợi băn khoăn về sự việc đó. Bỗng hắn nhìn thấy Diệp Thúy từ trong buồng bước ra. Nàng không còn mặc áo dài nữa mà mặc áo bà ba trắng trông thật gọn gàng. Trân nép mình bên cửa sổ nhìn vào, trong lòng hết sức ngạc nhiên. Một người đang chất sách, quay lại bảo Thúy:
– Thưa cô! Sách học không đủ chất lên kệ nầy…
Diệp Thúy đáp tự nhiên:
– Để rồi mình mua thêm.
Trân sửng sốt nhìn Thúy rồi nhủ thầm:
– “Trời đất! Cô ta là chủ tiệm sách nầy”.
Trân lặng yên trước sự thật bất ngờ đó. Diệp Thúy đã từ giã nghề vũ nữ trở lại cuộc sống bình thường như bao nhiêu cô gái khác. Mà sao Diệp Thúy có đủ tiền để lập tiệm?
Theo sự suy luận của Trân thì Thúy đã lấy một nhà giàu nào đó, chịu làm bé làm mọn, để rút tiền lập tiệm sách. Trân đã định bỏ đi, nhưng nghĩ kỹ lại, hắn muốn bước vào tiệm cho Diệp Thúy thấy mặt mình, xem nàng xử trí ra sao? Chắc có lẽ cô ta sẽ không còn được bình tĩnh như lúc nãy ở hành lang Eden. Trân nhìn vào nhà một lần nữa xem Diệp Thúy đứng đâu rồi bước lại cửa. Hắn bỗng kêu lên:
– Trời! Bác sĩ Vũ!
Trân chợt nhìn thấy Vũ từ phía nhà trong bước ra. Bác sĩ nhìn Diệp Thúy với đôi mắt thương yêu rõ rệt. Diệp Thúy quay lại ngó ông mỉm cười. Thoạt nhìn qua, Trân đã hiểu hết. Hắn không còn muốn đứng đây làm gì nữa, nên vội bước mau ra xe. Thật hắn không ngờ Diệp Thúy ngày nay lại là tình nhân của bác sĩ Vũ! Hèn gì Thúy mới có tiền lập tiệm sách, ở đời, sao có sự ngẫu nhiên như vậy được kìa?
Nhưng khi Trân lên xe rồi thì trong lòng bình tĩnh trở lại và nhận định rõ ràng mọi việc. Bác sĩ Vũ đã quen biết với Diệp Thúy từ bao giờ mà đi đến chỗ lập tiệm sách riêng cho cô ta?
Trân nhớ lại những lời Ngọc Dung đã nói mấy tháng trước về những người yêu của hắn! Dung cũng có thắc mắc đến Lệ, cô bé thợ may ở tiệm Tây Thi. Lệ đó chính là Diệp Thúy. Nếu thế thì rõ ràng Diệp Thúy đã nói hết chuyện ngày xưa cho bác sĩ Vũ biết chớ không ai khác. Bởi vậy, ông ta mới tức trí không cho chàng cưới Ngọc Dung. Trân suy luận và hiểu được “sự thật”, theo ý hắn! Có lần Ngọc Dung hỏi hắn chuyện cô Lệ nhưng không chịu cho biết ai nói cho nàng nghe. Bây giờ thì Trân hiểu hết. Hắn nhủ thầm:
– “Diệp Thúy nguy hiểm thật! Nàng đã làm hại mình thì nhứt định mình không để cho nàng được yên vui và hưởng hạnh phúc đâu?!”
Bác sĩ Vũ cản trở cuộc hôn nhân của Trân với Ngọc Dung thì hắn cũng sẽ làm cho ông phải tâm sầu bạch phát. Riêng Ngọc Dung tuy biết chuyện Lệ nhưng chắc không ngờ được “con bé” đó hiện là tình nhân của cha ruột mình?!
Trân nghĩ đến đó thì mỉm cười thích chí! Hắn mở máy cho xe chạy thật nhanh, nhưng trong đầu lại nghĩ đến nhiều chuyện khác. Hắn không cưới được Ngọc Dung thì hắn cũng sẽ làm cho gia đình bác sĩ Vũ “xào xáo” lên, chớ không khi nào chịu nhịn “ông bác sĩ” giả đạo đức đó.
Trong khi ấy, Vũ và Diệp Thúy nào hay biết âm mưu sâu độc của Trân. Vũ nhìn quanh cửa hàng rồi bảo Diệp Thúy:
– Như vậy tạm đủ rồi. Mấy hôm nữa khai trương là vừa.
Thúy quay lại đáp lời Vũ:
– Vâng! Tôi không ngờ họ dọn mau như vậy.
– Những người giúp mình trước kia làm ở nhà sách “Việt Hương”. Họ rành nghề lắm.
– Dạ! Tôi cũng thấy như vậy. Хеm chừng cũng tin cậy được lắm.
Diệp Thúy hạ thấp giọng vì sợ những người làm công nghe được tiếng mình. Vũ bỗng nhìn Thúy nói:
– Tôi có việc cần phải lên Đà Lạt vài hôm. Chắc bữa khai trương không có tôi.
Diệp Thúy lặng thinh, lộ vẻ buồn. Nàng biết bác sĩ Vũ đã nói thế thì việc ra đi chắc cần thiết lắm. Nàng cảm thấy buồn tủi trong lòng không biết nói gì hơn. Vũ hiểu thấu lòng con nên nói:
– Đáng lý tôi phải có mặt trong ngày khai trương tiệm sách của Diệp Thúy, nhưng chuyện nhà quá rối ren… Tôi không thể làm khác được.
Diệp Thúy vội hỏi:
– Thưa bác sĩ. Bác sĩ đừng bận tâm. Tôi…
Nàng ngừng lại không biết nói gì hơn nữa… Mối cảm tình giữa nàng và bác sĩ Vũ không có gì rõ rệt. Hai người chỉ biết trọng nhau, mến nhau thôi. Chính những người đang sắp sách trong tiệm nầy, cũng không rõ sự liên hệ giữa nàng và bác sĩ Vũ như thế nào? Họ gọi nàng bằng “Cô” và gọi Vũ bằng “Ông”! Trước mặt họ, Diệp Thúy thường nói với Vũ thật nhỏ. Nàng không muốn họ nghe mình kêu Vũ bằng bác sĩ. Vũ cũng hiểu thế, nên trước mặt người giúp việc chàng thường nói “trỏng” với con… Vũ bỗng nói với Thúy:
– Tôi ráng thu xếp cho xong việc nhà để về sớm hơn. Nhưng Diệp Thúy đừng chờ, nóng ruột vô ích.
Diệp Thúy cúi đầu nói:
– Không mong làm sao được, bác sĩ. Bây giờ tôi chỉ còn có mỗi một mình bác sĩ là… người thân.
Vũ cảm động lắm. Chàng thấy ngày mình sẽ nói thật với con về chuyện liên hệ giữa mình và nó không còn bao lâu nữa. Nếu không có bức thư của Mộng Ngọc ở Đà Lạt gởi về thì chàng đâu có vắng mặt trong buổi khai trương tiệm sách “Ngọc Thanh”.
Vũ nhìn vào đồng hồ đã gần 11 giờ. Hai giờ, chàng phải lên sân bay nên đành bảo Thúy:
– Thôi, tôi đi đây. Ở dưới nầy, Diệp Thúy ráng lo liệu cho ngày khai trương được tốt đẹp…
– Dạ! Vũ quay lại nói lớn với những người giúp việc:
– Mấy anh em cố gắng làm việc. Tiệm mình phát đạt tôi không quên công lao anh em đâu. Mọi người đều vâng dạ, nhìn Vũ với đôi mắt cảm tình. Vũ chào họ rồi bảo Thúy:
– Tôi đi đây.
Diệp Thúy đưa Vũ ra đến cửa ngoài, trong lòng cảm thấy quyến luyến khác thường. Nàng không biết Vũ đi đâu và làm gì, nhưng cảm thấy âu lo. Nàng nhớ trong những chuyện đời xưa: Khi người hoạn nạn được Phật, Tiên cứu rỗi qua cảnh đớn đau, khổ sầu, cho có tiền bạc và địa vị ở trên đời rồi thì Tiên, Phật lại biến đi ngay.
Nàng lo sợ không biết bác sĩ Vũ có phải đi lần nầy rồi không trở lại không? Diệp Thúy không nghĩ bác sĩ là Tiên, Phật nhưng chắc đây là người “quân tử”. Ông tận tình giúp đỡ nàng rồi khi nàng lành bệnh, có tiệm sách lớn… thì ông lánh mặt luôn. Có thể như vậy không? Diệp Thúy lo lắng, băn khoăn. Rồi khi nhìn thấy Vũ mở cửa lên xe, nàng không tự chủ được, chạv vội ra đường gọi:
– Bác sĩ! Bác sĩ…
Vũ ngạc nhiên, quay nhìn lại, không biết Diệp Thúy còn quên dặn dò chuyện gì? Thúy chạy ra đến ngoài xe, ngập ngừng nói qua hơi thở:
– Bác sĩ! Dù gì bác sĩ cũng trở lại nghen…
Vũ ngạc nhiên nhìn con:
– Sao Thúy dặn dò tôi như vậy?
Diệp Thúy cúi đầu nói nhỏ:
– Tự nhiên… tôi có cảm tưởng là bác sĩ sẽ đi luôn…
Vũ chợt hiểu ra, cảm động bồi hồi. Chàng nắm chặt lấy tay con quả quyết:
– Không! Đời nào tôi để Diệp Thúy ở đây một mình. Hãy tin tôi đi. Tôi đã xem Diệp Thúy như con ruột tôi mà. Thôi hãy vào nhà đi, để nắng lắm…
Diệp Thúy nghe rõ từng tiếng một của Vũ, trong lòng tràn đầy hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên, bác sĩ Vũ nắm lấy tay nàng trong phút xúc động bồi hồi. Việc đó đủ chứng tỏ, lòng thương yêu thành thật của ông đối với nàng. Mà tại sao ông lại xem nàng như con ruột của ông như vậy? Diệp Thúy hoang mang hơn bao giờ hết. Vũ buông tay con ra nói thêm:
– Thôi, Diệp Thúy vào nhà đi. Tôi sẽ cố gắng về trước ngày khai trương mà. Nhưng… đừng đợi nhé!
Diệp Thúy mỉm cười, gật đầu:
– Dạ… Bác sĩ đi bình yên.
Vũ mở máy cho xe chạy vụt đi. Đến ngã tư chàng quay lại, còn thấy Diệp Thúy đứng bên lề nhìn theo. Chàng thấy tội nghiệp con vô cùng. Nó cô độc quá mà, không sợ chàng bỏ đi luôn sao được? Nếu trong thư Mộng Ngọc không có nhiều điểm thắc mắc đáng ngại thì chàng đâu có đi Đà Lạt ngay buổi chiều hôm nay. Được thư Mộng Ngọc, chàng lo lắng vô cùng. Mấy hôm liên tiếp, Ngọc Dung không buồn đi chơi đâu hết và con gái chàng chỉ ở trong phòng. Ngày hôm kia, lúc Mộng Ngọc viết thư cho chàng thì Ngọc Dung bỏ cả bữa cơm trưa, không ăn uống gì nữa…
Điều đó khiến Vũ lo ngại hơn hết. Tại sao Ngọc Dung có thái độ lạ lùng như vậy? Nàng không thể quên được Trân nên tỏ ý phản đối cha mẹ ư?
Vũ về nhà, sửa soạn quần áo xong, liền điện thoại cho bác sĩ Trọng. Chàng muốn nhờ Trọng giúp mình trông nom bệnh viện vài hôm. Chuông reo một lúc thì ở đầu giây nối bên kia có tiếng hỏi chàng:
– A lô! Ai đó?
Vũ đáp lời:
– Vũ đây. Anh Trọng có nhà không?
– Anh Vũ đó hả? Trợng đây. Có chuyện gì vậy anh?
– Tôi vừa được thư Mộng Ngọc hồi sáng nầy, nên phải lên Đà Lạt ngay. Chắc tôi vắng mặt ở bệnh viện vài hôm. Anh…
Vũ chưa nói hết câu, Trọng đã ngắt lời:
– Được rồi! Mình lo giúp cho… nhưng lên Đà Lạt có chuyện gì hệ trọng lắm không? Ngọc Dung thế nào?
Thấy bạn hỏi, Vũ đành đáp:
– Cũng vì chuyện Ngọc Dung đó! Khổ quá! Đi về mình sẽ nói chuyện nhiều hơn…
Trọng lặng thinh. Chàng đã ít nhiều mất lòng tin ở Vũ nên có ý nghi bạn nghỉ phép để làm gì đó, chớ không phải lên Đà Lạt với vợ con. Trọng chỉ ngờ vực trong lòng như vậy, mà không nói ra. Vũ đâu biết bạn không tin mình? Chàng vui vẻ bảo Trọng:
– Thôi anh nghỉ trưa đi… Không dám làm phiền anh nhiều hơn.
– Đâu có gì, chỗ anh em mình mà. Anh đi bình yên.
Vũ gác máy điện thoại, ngả lưng vào thành ghế. Chàng nhìn lên tường, chiếc đồng hồ chuông đã chỉ một giờ hai mươi lăm phút. Vũ gọi tài xế đưa mình lên phi trường, sau khi dặn dò mấy người giúp việc tin cẩn trông nom, coi sóc nhà cửa cho cẩn thận.
Phi cơ cất cánh rồi, Vũ mới thấy lòng mình bình thản trở lại. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa chàng sẽ gặp mặt Mộng Ngọc và Ngọc Dung . Vũ nhớ đến bức thư của vợ nên lấy ra xem. Từ sáng đến giờ, chàng xem đi, xem lại bức thư nầy không biết mấy lần:
Đà Lạt…
Mình,
Đáng lý ra, em đã viết bức thư nầy cho mình vào ngày hôm qua, nhưng em lại chần chừ, không muốn mình phải lo âu…
Nhưng… Ngọc Dung có thái độ lạ lùng quá, em không biết phải xử trí ra làm sao! Cả hai ngày, hôm qua và hôm kia nó ít khi ra khỏi phòng. Em bảo nó đi chơi với em lên Suối Vàng, nó cũng không đi… Em hỏi gì thì nó lễ phép trả lời chớ không có vẻ vui tươi hay “nũng nịu” như mọi khi…
Em lo quá mình à! Không hiểu trong lòng Ngọc Dung có biến chuyển gì không?
Hồi trưa nầy, nó lại không ăn cơm. Dung cáo bệnh, không xuống bàn ăn. Em sợ ba đề ý rồi bận lòng, nên phải nói dối là con bệnh…
Tội nghiệp, ba lên phòng thăm hỏi và bảo nấu cháo cho Ngọc Dung. Em biết con không đau nhưng phải hết sức khéo léo để ba khỏi nghi ngờ rồi lo lắng buồn phiền. Chính em thật tình cũng không hiểu tại sao Ngọc Dung lại làm ra như vậy? Em bảo nó đi bác sĩ với em thì nó không chịu đi mà chỉ nói:
– Con không có sao đâu mẹ? Chỉ hơi khó chịu trong mình thôi!
Ngọc Dung vẫn gượng cười, gượng nói, nhưng em biết là nó đang khổ tâm nhiều lắm! Bởi thế mà em lo lắng vô cùng. Được thư nầy, nếu có thể, anh lên Đà Lạt ngay vì theo em, mình cần giải quyết chuyện Ngọc Dung, chớ không thể chần chờ được nữa. Đã hơn ba tháng trôi qua rồi mà em xem chừng Ngọc Dung vẫn chưa có thể quên được Trân. Hay là chúng ta đã lầm, đưa con lên trên nầy đó anh? Cảnh núi đồi, gió lạnh, sương mù, tiếng thông reo vi vút là những hình ảnh gợi nhó đến “tình yêu”. Em đã nói với mình một lần về chuyện đó, nhưng mình bảo rằng Dung cần một nơi yên tĩnh, sau một cơn xáo trộn tâm hồn… Em không dám cãi ý mình, nhưng em thấy không có lợi cho con. Mặc dù Ngọc Dung đã biết rõ Trân là một tên “sở khanh”, lừa đảo ái tình của bao nhiêu cô gái khác, nhưng nó vẫn đinh ninh Trân yêu nó thành thật. Chỉ riêng mình nó thôi! Mỗi lần Trân tìm lên đây, tuy nó không cho gặp mặt để vừa lòng mình, nhưng khi Trân về rồi, em thấy Dung buồn lắm!
Như vậy có phải mình lầm không anh?
Em rầu quá! Có mỗi một đứa con gái mà đường tình duyên của nó sao trắc trở mãi. Bỏ cả một năm học rồi mà cũng chẳng giải quyết được gì.
Thôi em xin dùng bút! Anh liệu thu xếp được thì lên trên nầy vài hôm. Có anh, em đỡ phần lo…
Vợ anh,
Mộng Ngọc
Vũ thở dài, xếp bức thư lại. Chàng hiếu rõ nỗi lo âu của vợ trong lúc nầy, nên không dám chậm trễ mà phải đi ngay. Thật không rõ Ngọc Dung định làm gì? Trước ngày đưa con lên Đà Lạt chàng đã giải thích rõ ràng mọi việc với con. Chàng đã cho Ngọc Dung gặp mặt những cô gái vì Trân mà hỏng cả một đời. Chàng chỉ còn thiếu có việc nói rõ Diệp Thúy là chị ruột của nó! Ngọc Dung nhìn thấy tâm địa hèn mạt của Trân nên mới đồng ý lên Đà Lạt ở ít lâu, hầu xa lánh Trân. Sự ra đi đó, một phần có ý kiến của Ngọc Dung nữa! Tự nhiên sao hôm nay, lại có thái độ khác! Vũ nhớ những lời trong thư của vợ:
– “Hay là chúng ra đã lầm… mà đưa con lên trên nầy. Cảnh núi đồi, gió lạnh, sương mù, liêng thông reo… là hình ảnh gợi nhớ đến “tình yêu”.
Mộng Ngọc nói có lý. Ngọc Dung đã biết rõ Trân là tên “sở khanh”, nhưng hắn lại là người mang đến cho nó “tình yêu” buổi ban đầu, xây tạo trong lòng nó biết bao ước vọng… Vì lẽ đó mà đôi khi Ngọc Dung nhớ đến Trân, nhớ đến kỷ niệm ban đầu gặp gỡ, và nó cố tìm ra những lý lẽ để bênh vực Trân, “biện hộ” cho người mà nó đã lỡ một lần yêu! Ngọc Dung bước chân vào đường tình như một người mới tập đi. Trước khi đi vững vàng chững chạc, ai ai cũng phải vấp ngã vài lần. Có ngã đau như vậy, khi dẫm chân trên con đường “vợ chồng”, họ mới biết mà tránh những bước “lỗi lầm”! Chính chàng ngày xưa, đã bước những bước chập chững tai hại. Tập đi chưa vững mà lại muốn chạy cho mau đến nơi đến chốn, nên phải “lạc” vào con đường “oan trái”, gỡ mãi không ra.
Vũ thở dài, nhìn ra ngoài cửa kính. Sương mù trắng xóa dưới kia. Thỉnh thoảng phi cơ lại lẫn vào mây, vì bay cao hơn ngọn núi. Có những khoảng trống. Vũ đã nhìn thấy rừng thông. Phi cơ đến Liên Khương thì trời còn sớm. Khí lạnh vùng Cao nguyên như chụp lấy người chàng… Vũ khoác áo ngoài rồi xách cặp đến chờ xe “Car” của hãng hàng không về Đà Lạt.
Ngồi trên chiếc “Car” chạy “cà rịch cà tang”, Vũ ân hận là mình không đánh điện tín gấp cho Mộng Ngọc đem xe ra đón tận phi trường. Như vậy sẽ đỡ mất thì giờ hơn! Nhưng ngược lại, chàng không báo tin mà lên bất ngờ sẽ làm cho Mộng Ngọc và Ngọc Dung vui mừng hơn. Và đúng như dự đoán của chàng, hai mẹ con Dung nhìn thấy chàng đều mừng đến nghẹn lời. Ông Thiện, cha vợ chàng lại đi xuống đồn điền ở Blao, nên buổi tối, “tiểu gia đình” của Vũ đoàn tụ, trong bầu không khí tự do hơn.
Ngọc Dung nói cười, hỏi cha rối rít về chuyện Sài Gòn, nhưng dưới mắt Vũ, nàng làm sao che giấu được sự gương gạo! Mộng Ngọc thỉnh thoảng nhìn chồng như thầm bảo:
– “Đó anh thấy chưa? Em nói có sai đâu.”
Vũ chú ý từng cử chỉ, lời nói của con, trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười tươi vui. Chàng làm như không quan lâm đến vẻ gượng gạo của con. Sau buổi cơm tối, Ngọc Dung về phòng riêng, Vũ mới bắt đầu hỏi vợ:
– Thế nào mình? Có hiểu vì sao Ngọc Dung có thái độ như vậy không?
Mộng Ngọc lắc đầu:
– Em không hiểu được, mình à. Tối ngày, nó cứ rúc ở trong phòng không chịu đi đâu hết, Lúc nãy, con Dung gượng cười, gượng nói với mình đó, chớ mấy hôm nay, mặt nó cứ dàu dàu…
– Anh cũng thấy rõ điều đó. Trong thư, em nói Ngọc Dung bỏ cơm phải không?
– Vâng! Em đã dỗ dành hết lời, nó mới chịu xuống phòng ăn mấy bữa nay.
Vũ khẽ hỏi: – Em có hỏi con, vì sao nó làm vậy không? – Có chớ! Nhưng nó chỉ nói là khó chịu trong người thôi. Nhưng theo em thấy thì…
Thấy Mộng Ngọc ngập ngừng, Vũ hỏi lại ngay: – Em thấy thế nào? – Em thấy Ngọc Dung lưỡng lự phân vân trước một việc gì đó, mà không quyết định được.
– Mà chuyện gì?
– Em đâu biết. Sở dĩ em nói thế là có nhiều khi ngồi đọc sách bên cạnh em, Ngọc Dung gọi nhỏ “mẹ”. Em ngẩng lên hỏi con muốn nói gì thì Ngọc Dung lại lắc đầu không nói thêm. Em nghi quá, mình à.
– Em nghi điều gì?
Mộng Ngọc nhìn chồng, khẽ đáp: – Em nghĩ Ngọc Dung không thể nào xa Trân được, nên nó muốn xin về Sài Gòn.
Vũ ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi: – Em lấy gì làm chắc mà nói vậy? – Hôm nọ, em có đọc qua một đoạn nhựt ký của Ngọc Dung… – Nhựt ký nói gì? Mộng Ngọc khẽ đáp: – Em không nhớ hết, nhưng đại ý là nó diễn tả “sự cô độc trong tâm hồn”, trong những ngày xa cách Sài Gòn. Ngọc Dung đã “nhân cách hóa” Sài Gòn như một người yêu. Giọng văn của nó buồn lắm, đủ chứng tỏ sự thành thật trong tâm hồn.
Vũ lặng thinh không nói gì thêm. Đúng như sự nhận xét cửa Mộng Ngọc: Chàng đã lầm mà đưa Ngọc Dung về chốn Cao nguyên nầy. “Đồi núi, sương mù, rừng thông hiu hắt” càng làm cho tâm hồn con chàng thêm trống trải. Nó càng lánh xa Trân bao nhiêu lại càng thấy gần hơn. Vũ lầm, quá tin tưởng ở con. Chàng tưởng khi nó đã khinh Trân rồi thì tình yêu sẽ dứt. Chớ có ngờ đâu “tình yêu” cũng có thể “tái phát” như một cơn bệnh trầm kha. Ở đời vẫn thường có những kẻ yêu nhau trong hờn ghen, cay đắng. Vì tình yêu chính là sự khủng hoảng tâm lý đến giai đoạn trầm trọng nhứt. Mộng Ngọc thấy chồng vẫn lặng thinh suy nghĩ liền nói:
– Mình nghĩ sao?
Vũ thở dài, bảo vợ:
– Còn nghĩ thế nào nữa? Để rồi anh sẽ hỏi thẳng Ngọc Dung chớ suy luận nhiều thì cũng không đúng được.
Mộng Ngọc hỏi tiếp:
– Ví dụ, con nó đòi về Sài Gòn tiếp tục học, mình nghĩ sao?
– Cái đó thì tùy nó. Hồi bàn tính lên Đà Lạt, cũng có ý kiến của Ngọc Dung, mình quên sao?
– Đành thế! Nhưng về Sài Gòn, thằng Trân vẫn đeo đuổi rồi mới làm sao?
Vũ nín lặng. Chính chàng cũng đang bối rối không biết liệu tính thế nào. Tự nhiên mà chàng thấy mình bất lực, trước việc bảo vệ đứa con gái thân yêu khỏi rơi vào tay một tên “sở khanh” đểu giả. Chàng đứng lên nhìn ra ngoài cửa kiếng. Dưới kia là hồ Đà Lạt, những ngọn đèn ống xanh lơ, giăng mắc quanh hồ, chiếu tỏ lên một vùng sáng rộng.
Vũ thấy lờ mờ, hai bóng người ngồi nép bên một chiếc băng, gần nhà thủy tạ. Chắc là một đôi tình nhân đang độ yêu nhau đằm thắm?! Tự nhiên mà chàng lại mong họ bước đi những bước vững vàng. Buổi sáng, Vũ bảo Ngọc Dung lấy xe đưa mình đi thăm thắng cảnh Đà Lạt. Không phải vì mới lên đây lần đầu tiên mà chàng đi viếng cảnh đẹp. Thực ra, Vũ muốn ra ngoài hai cha con nói chuyện với nhau dễ dàng hơn. Ngọc Dung có linh cảm cha sắp nói với mình một chuyện gì đó. Vả lại, nàng cũng muốn gặp riêng cha, thố lộ tâm tình. Xe rời khỏi nhà trọ, chạy dọc theo con đường bao bọc quanh hồ.
Mặt trời đã lên cao, khí lạnh tan dần, sương mù đọng trên mặt hồ cũng biến đi hết, cảnh vật buổi bình minh thật là rạng rỡ. Vũ ngồi yên trên xe, nhìn ra ngoài trời. Ngọc Dung chăm chú lái xe, không nói một lời. Hình như cả hai đều sợ mở lời trước. Một lúc, Vũ bỗng hỏi:
– Con định đưa ba đi đâu đây?
Ngọc Dung chỉ tay về phía trái:
– Chỗ kia có cánh rừng thông đẹp lắm ba.
Vũ gật đầu:
– Đúng rồi. Tây, họ gọi là rừng Ái Tình chứ gì?
-Vâng!
Vũ cười nói:
– Họ tạo ra những nơi lạ quá: hồ Than Thở, rừng Ái Tình… ở gần nhau… Chắc yêu nhau, thề thốt với nhau trong cánh rừng kia rồi cùng nhau ra đây than thở?
Ngọc Dung nhìn cha, gọi nhỏ:
– Ba!
Nàng ngập ngừng bẽn lẽn. Vũ mỉm cười tiếp lời:
– Mà con không thấy họ rắc rối sao? Tây hồi xưa, nó lập ra những chỗ nầy là biết gợi đúng tâm hồn lãng mạn của lớp nam, nữ thanh niên trưởng giả, ăn không ngồi rồi.
Ngọc Dung chận lời cha:
– Bộ “ăn không ngồi rồi” mới nghĩ đến tình yêu sao ba?
Vũ có cảm tưởng con gái mình sắp mở ra một mặt trận chống đối lại cha trên quan điểm “ái tình”…
Chàng thấy mình cần phải dè dặt và uyển chuyển để khuyên giải con:
– Ba nói là phần đông như vậy, con à. Chỉ có lớp người trưởng giả mới có quan niệm ái tình một cách cầu kỳ rắc rối. Người bình dân lao động quan niệm tình yêu giản dị hơn nhiều. Không ai chịu khó phân tách lòng mình một cách tỉ mỉ như:
Làm sao giải nghĩa được tình yêu?…
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
Nó chiếm hồn tà bằng nắng nhạt…
Ngọc Dung nhìn cha, không ngờ ông còn nhớ những câu thơ tình mười mấy, hai mươi năm về trước!
Vũ nói tiếp:
– Ba quên mất câu chót rồi, nhưng đại thể là như vậy. Những tâm hồn “cầu kỳ” đó, phải có những nơi như Rừng Ái Tình để thề thốt nặng lời và phải có Hồ Than Thở để mà khóc hận khi xa nhau chớ!
Vũ nói xong, cười vang lên một cách hồn nhiên, nhưng tiếng cười của chàng làm đau lòng Ngọc Dung. Nàng lặng thinh, nét mặt rầu rầu. Đến một khoảng trống, tự nhiên nàng ngừng xe lại, úp mặl lên “vô lăng”. Vũ sững sờ nhìn con, không biết vì sao nó lại làm thế?
Chàng hỏi nhỏ:
– Dung. Sao vậy con? Ba…
Ngọc Dung nghẹn ngào:
– Ba nói… con mới thấy rõ. Có lẽ con sống theo “quan niệm” mà ba ghét. Con còn “cầu kỳ” lắm. Con đã đi một mình trong Rừng Ái Tình, con đã than thở với mặt hồ kia, khi chiều lặng xuống.
Vũ nhìn con thương hại:
– Ba nói là nói vậy… chớ ba không có ý nghĩ gì đến con cả.
– Thưa ba, con hiểu lắm.
Vũ lặng thinh, nhớ đến một câu trong thư của Mộng Ngọc:
“Có lẽ chúng ta đã lầm. Đồi núi, sương mù, rừng thông hiu hắt là những hình ảnh gợi cho Ngọc Dung nhớ đến tình yêu…”
Chàng thấy đã đến lúc hỏi Ngọc Dung:
– Con!
Ngọc Dung ngước nhìn cha, lau khô nước mắt. Vũ nhìn về phía trước thấy một dãy nhà mát, liền bảo con:
– Con cho xe đến đó, mình xuống nói chuyện nhiều hơn.
Ngọc Dung làm đúng theo ý cha. Hai cha con xuống xe, đi vào nhà mát.
Vũ thấy mình nín thinh một lúc nữa thì khó mở lời, nên vội hỏi con:
– Ngọc Dung! Ba đã đoán hiểu phần nào tâm trạng của con. Má con cũng có nói cho ba nghe. Tuy vậy, cũng không bằng chính con nói rõ cho ba biết những điều u ẩn trong lòng.
Ngọc Dung lặng thinh nhìn xa về phía cánh rừng. Gió sớm len vào ngàn thông vi vút. Dung nghĩ đến sự trống trải của tâm hồn mình từ mấy tháng qua. Nàng cố chống chỏi với lòng mình để vượt qua giai đoạn khó khăn nhứt trong tình yêu. Nhưng đến giờ đây, nàng cũng chưa hết khổ! Không phải nàng còn tha thiết yêu Trân, vắng chàng là nàng buồn khổ? Nàng chỉ thấy lòng mình quá cô độc thôi.
Nhứt là mỗi lần, nghe nói Trân lên Đà Lạt tìm mình, nàng lại nhớ đến những lời yêu đương trao đổi cho nhau buổi ban đầu. Tuy cố lánh mặt Trân, khi Trân về rồi nàng lại thấy buồn hơn. Nàng biết Trân xấu xa, đểu giả với bao nhiêu thiếu nữ khác, nhưng với riêng nàng. Trân chưa có hành động nào tồi tệ. Trân có vẻ thương yêu nàng thành thật lắm, nếu không, tội gì chàng cứ đeo đuổi theo mình. Những ý nghĩ đó khiến nàng thấy băn khoăn rồi lần lần lại nghĩ đến sự đau khổ của Trân!
Vũ lại hỏi con:
– Ngọc Dung! Thế nào? Con không muốn nói cho ba biết sao? Từ Sài Gòn, ba lên đây cũng chỉ vì con. Sao con lại bỏ ăn, bỏ ngủ, cho má con lo âu, buồn phiền như vậy? Có chuyện gì con nên nói thẳng với ba?
Ngọc Dung chưa kịp đáp thì Vũ đã hỏi tiếp:
– Con còn yêu Trân lắm phải không?
Thiếu nữ ngước nhìn cha ngập ngừng đáp:
– Thưa ba! Con… khổ quá!
– Vì sao vậy?
Vũ hỏi cho có hỏi, chớ chàng biết Ngọc Dung không trả lời ngay được. Chắc chắn con chàng đã khổ vì phải xa Trân! Thật là vô lý! Nhưng có nhà hiền triết nào đó, đã nói: “Con tim có những lý lẽ riêng của nó!”. Kể ra cũng khó giải thích vì sao chàng thanh niên nầy yêu thương cô thiếu nữ nọ và ngược lại?
Họ hợp nhau ở những điểm tình cảm, tâm lý, thể xác… hay gì gì nữa mà chỉ có họ mới cảm nhận với nhau thôi. Ngọc Dung yêu Trân, đau khổ vì Trân khi đã biết rõ hắn chỉ là một tên sở khanh hèn hạ thì còn gì vô lý hơn!
Vũ thở đài tiếp lời:
– Ba thật không ngờ con nặng lòng yêu thương một kẻ không ra gì?
Ngọc Dung bỗng lắc đầu, nói:
– Thưa ba! Con không phải vì quá yêu Trân mà khổ đâu!
Vũ ngơ ngác nhìn con:
– Ngọc Dung, con nói gì lạ vậy?
– Dạ… Con đã hiểu rõ Trân nhiều lắm rồi… nên theo đúng lời hứa hẹn với ba là không cho anh ấy gặp mặt.
– Điều đó ba đã rõ.
Ngọc Dung tiếp lời: – Nhưng… thưa ba. Có nhiều khi con bất nhẫn quá. Trân lên đây không dám vào. Có đêm lại đứng ngoài rào, trời lạnh như dao cắt ruột, thấy thật tội, Trân cứ đứng như thế cả tiếng đồng hồ, nhìn lên cửa sổ phòng con.
Vũ bĩu môi: – Cậu ta đóng kịch khá quá! – Sao ba bảo là “đóng kịch” hả ba? Nhiều lần như vậy đó, thật con bất nhẫn vô cùng. Biết chừng đâu, Trân đối xử hèn hạ với các cô gái khác mà lại thành thật yêu con.
Vù lặng thinh nhìn con, một lúc chàng mới nói: – Ba không chắc như vậy đâu? Mà… con kể lại những việc đó để làm gì? Con yêu thương Trân trở lại vì những sự việc ấy ư?
Ngọc Dung lắc đầu: – Thưa ba! Không phải hoàn toàn như thế! Nhưng con bất nhẫn lắm. Và… gần đây… tự nhiên, con thấy mình cô độc quá, tâm hồn trống trải vô cùng.
Vũ gật đầu: – Ba hiểu lòng con lắm. Bởi thế mà con bỏ ăn, bỏ ngủ chớ gì? Ngọc Dung thở dài: – Không đâu ba… Tuy có khổ, nhưng con đâu đến đỗi làm như thế. Hôm nọ, con khó chịu trong mình thiệt đó ba, nhưng má lại tưởng con có ý không ăn cơm, nên viết thư cho ba. Cũng nhờ vậy mà ba mới lên trên nầy để con gặp được ba, nói hết lòng mình.
Vũ nhìn Ngọc Dung, đặt hết tin tưởng vào con:
– Bây giờ, con muốn thế nào? Có định… nối lại tình xưa với Trân không?
Giọng nói của Vũ thật nghiêm nghị, khiến Dung không dám trả lời ngay. Nàng nín lăng một lúc rồi cất tiếng:
– Thưa ba… Con đã xét kỹ lòng mình và cũng có đủ lý trí xét đoán hành động cùa Trân. Con thấy đã đến lúc không cần phải lánh mặt Trân nữa. Con muốn xin phép ba trở về Sài Gòn tiếp tục học lại.
Vu lo ngại hỏi:
– Nếu Trân vẫn đeo đuổi theo con thì sao?
– Con không còn mù quáng trong tình yêu hay bồng bột như buổi ban đầu nữa. Ba cứ tin ở con. Con không để Trân làm hại đâu.
Vũ chưa kịp nói thì Ngọc Dung nhìn thẳng vào đôi mắt của cha cất giọng rắn rỏi:
– Con muốn có thời gian thử thách Trân…
Vũ phân vân nhìn con. Ngọc Dung đang định “đốt lửa thử vàng” đây mà. Chàng phải tính sao bây giờ? Vũ chợt nghĩ đến Diệp Thúy. Có nên nói cho Ngọc Dung biết chuyện đó ngay bây giờ không? Vũ nhận thấy không dễ dàng gì… Còn bao nhiêu ngang trái trong lòng Diệp Thúy. Nếu Ngọc Dung tin tưởng ở lời chàng, yêu thương Diệp Thúy như chị ruột, không nệ hà dĩ vãng của Diệp Thúy, thì không sao… Bằng ngược lại, Ngọc Dung khinh bỉ chị, thì không còn gì khổ tâm cho chàng hơn.
Vả lại, chính Diệp Thúy cũng chưa biết rõ chuyện ngày xưa thì làm sao nó chuẩn bị tình cảm trước khi giáp mặt Ngọc Dung. Rồi còn Mộng Ngọc nữa. Liệu vợ chàng có yêu thương Diệp Thúy như con ruột của mình không ? Hay lại buồn khổ âm thầm để rồi gia đình chàng sẽ mất hẳn niềm vui.
Ngọc Dung bỗng hỏi cha:
– Ba nghĩ con về Sài Gòn học lại có được chăng? Chớ không lẽ con ở mãi trên nầy?
Vũ chậm rãi đáp:
– Lúc trước, ý ba cho con lên đây để lánh xa Trân một thời gian… Vì ba tin con giàu nghị lực có thể vượt qua những nỗi buồn phiền… Không ngờ con lại khổ sầu thêm vì quá cô độc…
– Thưa ba. Chuyện đó chỉ là một trong những yếu tố khiến con muốn về Sài Gòn.
– Con liệu học kịp các bạn không?
– Thưa ba, con chắc còn học kịp.
Vũ lặng yên suy nghĩ. Chàng nhủ thầm:
– “Thì cứ để Ngọc Dung về Sài Gòn cũng được. Nó hiểu Trân nhiều quá, thằng kia cũng khó làm hại nó. Vả lại, cũng cần cho Ngọc Dung gặp Diệp Thúy trong trường hợp cần thiết. Khi chị em nó ở gần nhau thì Dung không còn lưu luyến Trân nữa!”
Chàng ngước lên, bảo Ngọc Dung:
– Cái đó tùy ý con. Ba đã nói nhiều rồi. Bây giờ, con tự liệu lấy. Con nên nhớ lời nầy thôi: “Cả một tương lai rực rỡ có thể sụp đổ hết chỉ vì một phút yếu lòng hay một quyết định nông nổi”.
Ngọc Dung ngước mắt nhìn ra xa. Thật trong lòng nàng đang hoang mang lắm. Đi học lại thì chắc chắn nàng học được, nhưng nếu Trân cứ đeo đuổi theo nàng, Dung sợ mình khó thể từ chối mối tình tha thiết của Trân?!