Đôi mắt người xưa – Chương 6

Hiền vừa khóc vừa kể hết chuyện mình cho vợ chồng Giáo Hoài nghe. Bé Lệ nằm ngũ trên chiếc ghế tràng kỷ. Vợ Giáo Hoài, dù không mấy ưa Hiền, nhưng trước hoàn cảnh của nàng cũng thấy thương tâm và tình gia tộc nổi lên, trước sự khổ đau của đứa cháu bị gạt gẫm. Bà lấy khăn đắp cho bé Lệ và ngồi cạnh đó lắng nghe câu chuyện của Hiền. Ngọn đèn dầu để trên tràng kỷ tỏa sáng khắp nhà. Đêm lần về khuya.

Giáo Hoài vẫn lặng thinh không nói gì cả, từ lúc mà Hiền bắt đầu thuật những chuyện ở Sài Gòn. Hiền kể đến chỗ Vũ mướn biệt thự riêng cho nàng ở, rồi nàng lại bỏ đi thì vợ Giáo Hoài kêu lên:

– Kìa! Sao con làm vậy? Cậu Vũ xem chừng còn yêu thương con lắm mà. Bỏ đi sao phải?

Hiền ngước lên nhìn bà Giáo:

– Thưa mợ! Anh ấy không còn thương con đâu. Mà thật sự thì từ trước đến nay anh ấy cũng chẳng hề thương con.

Vợ Giáo Hoài chận lời nàng:

– Con đừng nói vậy! Không thương mà lại có con với nhau. Cậu Vũ còn nghĩ mà nhìn con là… là được lắm rồi.

Hiền lắc đầu:

– Anh ấy chẳng yêu thương con thật tình đâu. Đó chẳng qua là phút bồng bột của tuổi trẻ. Con gặp lại anh Vũ con hiểu tất cả.

Vợ Giáo Hoài chắc lưỡi:

– Con dại quá! Ai đời, cậu Vũ nghĩ đến như vậy là quý lắm rồi, sao lại bỏ đi.

Hiền buồn bã:

– Thưa mợ! Anh Vũ đã có vợ có con. Mộng Ngọc là vợ chính thức của ảnh. Con có ở lại cũng chẳng sống chung nhau được.

Vợ Giáo Hoài tiếp:

– Sao con đòi hỏi nhiều vậy? Mình nghèo mà! Cậu Vũ còn yêu thương con là quý lắm rồi, tính chuyện “cầu cao” ích gì đâu. Miễn cậu ấy lo cho hai mẹ con được đầy đủ. Mợ chỉ sợ không được như vậy nữa đó?

Giáo Hoài thường khi rất nể vợ, nhưng trước những lời vô lý, cũng phải bực mình:

– Kìa! Chuyện của cháu đang rối rắm, thủng thẳng tính giúp nó, đừng nói mà không suy xét.

Vợ Giáo Hoài không vừa gì, đáp lại ngay:

– Tôi nói gì mà không suy xét. Bộ tôi nghĩ quấy hả? Ngày nay, cậu Vũ đỗ đạt rồi. Người ta làm bác sĩ mà. Cậu ấy còn nghĩ đến mình là phúc đó, còn muốn gì hơn? Làm bé, làm mọn như vậy không sướng thân sao?

Hiền cúi mặt, nước mắt tuôn tràn. Nàng biết bà Giáo không ưa mình, nhưng trước những lời trắng trợn đó nàng hết sức tủi thân. Bà Giáo xúi nàng làm bé Vũ. Trời! Nàng không thể nào sống như vậy được. Còn Mộng Ngọc? Còn những lời đã hứa với ông Thiện?

Hiền ngước nhìn bà Giáo:

– Thưa mợ. Thà là con bỏ đi, chớ làm bé anh Vũ, con không chịu được.

Bà Giáo chừng như phật ý lắm, nên đứng dậy bỏ ra nhà sau. Hiền nghe tiếng bà nối vọng lại:

– Hứ! Cũng cái giọng “cầu cao”. Được như thế là may lắm rồi làm bộ gì nữa…

Hiền đau đớn xót xa, nhưng đành im lặng. Nàng hy vọng Giáo Hoài sẽ giúp nàng tìm một lối đi. Giáo Hoài thở dài:

– Cháu đừng chú ý đến những lời của mợ cháu. Làm bé cho Vũ ư? Đâu có được. Cậu chỉ sợ một điều…

Thấy Giáo Hoài ngập ngừng. Hiền hỏi:

– Thưa cậu! Điều gì?

– Cháu nói thật cho cậu biết nghen! Đừng giấu giếm…

– Thưa cậu, cứ hỏi.

– Con có còn yêu Vũ không?

Hiền cúi mặt. Nàng không biết phải nói thế nào bây giờ. Tấm lòng của nàng đối với Vũ từ trước đến nay không hề thay đổi. Có yêu Vũ, nàng mới đợi chờ rồi đi tìm chớ?

Giáo Hoài hỏi tiếp:

– Cậu hỏi để cháu xét kỹ lại lòng mình lần cuối cùng, cho khỏi phải ân hận về sau. Rất có thể một ngày nào đó, cháu thấy quyết định hôm nay quá vội vàng. Từ đây, một mình bơ vơ, thêm đứa con nhỏ dại, mà trong lòng lại mất hết niềm hy vọng, cháu sẽ khổ sở nhiều hơn đó.

Hiền lặng thinh suy nghĩ. Nàng hình dung đến những ngày sẽ tới mà thấy chán ngán vô cùng. Nàng bỗng nhìn Giáo Hoài:

– Con cũng biết rồi đây con sẽ phải khổ lắm, nhưng con không thể nào ở với anh Vũ được đâu cậu. Sống như thế con cũng chẳng hạnh phúc gì mà còn gieo sự khổ đau cho một người đàn bà khác.

– Bà Mộng Ngọc?

– Vâng! Chính ông thân của bà đã đến tìm con và yêu cầu con đừng làm khổ bà.

Giáo Hoài thở dài, không hỏi nữa. Hiền cúi xuống đuổi muỗi cho bé Lệ. Một lúc, ông Giáo hỏi:

– Bây giờ, cháu định sao? Về đây sống như trước ư?

Hiền lắc đầu:

– Con chưa biết tính lẽ nào. Nhưng chắc là không về đây ở được, cậu à!

Giáo Hoài ngạc nhiên:

– Sao vậy?

– Con chắc thế nào anh Vũ cũng tìm đến. Con định về gặp cậu, rồi đi ngay.

– Nhưng cháu đi đâu mới được chớ?

Hiền đáp nhỏ:

– Con mong cậu giúp con tìm một nơi ở tạm trong ít lâu. Con sẽ kiếm việc làm để sống qua ngày.

Giáo Hoài nhìn cháu, thương cảm vô cùng. Hiền bây giờ thật là bơ vơ, chỉ còn biết trông cậy vào sự giúp đỡ của ông. Phải chi vợ ông cũng thương Hiền hết tình thì dễ tính biết mấy. Đằng này, hai vợ chồng lại thường hục hặc nhau về chuyện của Hiền. Giáo Hoài chợt nghĩ đến cha Hiền! Thiệt ông sắt đá làm sao? Ông quyết định từ bỏ Hiền thì không ai có thể nói ra nói vào được. Đã hơn tám năm rồi, kẻ ăn người ở trong nhà, ai lỡ nhắc đến tên Hiền cùng bị ông thét mắng, đừng nói chi đến chuyện khuyên ông cho Hiền trở về nhà. Mẹ Hiền đã mất lâu rồi, nhưng ông vẫn bằng lòng sống trong sự cô độc hẩm hiu. Đã mấy lần, Giáo Hoài bảo Hiền liều về nhà lạy ông chịu tội, nhưng lần nào ông cũng bảo đóng cổng không cho vào. Ông cho Hiền là đồ “lang chạ”, làm nhục nhã tông môn! Riêng Giáo Hoài, người đã chứa chấp Hiền, ông cũng tuyệt giao luôn và không nhìn bà con nữa. Nhưng trong hoàn cảnh của Hiền hiện tại, Giáo Hoài hy vọng cha nàng, khi biết rõ sẽ tha thứ cho nàng.

Ông nghĩ thế nên bảo Hiền:

– Hay cháu về nhà với cha cháu.

Hiền lắc đầu:

– Cha cháu! Không hy vọng gì đâu cậu! Đã nhiều lần lắm rồi. Con đã van xin hết lời, lạy gần sói trán, nhưng nhứt định, cha cháu chẳng thứ dung.

Rồi nghẹn ngào, nàng tiếp:

– Đối với cha cháu thì cháu là kẻ đã làm bại hoại gia phong, làm nhục nhã danh giá của ông. Chỉ còn có chết mới đền tội được.

Giáo Hoài lặng thinh, trước nỗi đau của Hiền. Giờ đây Hiền không còn gì nữa hết, không còn ai hết. Mẹ chết rồi, nàng chỉ còn trông cậy vào cha thì cha không nhìn nhận. Nàng chỉ yêu một người thì nay người ấy lại có vợ, có con. Tiếng mõ điểm canh vang lên về phía cuối làng, lẻ loi đơn độc.

Hiền ngước nhìn Giáo Hoài:

– Cậu không tính giùm cháu được sao? Cháu cần ở tạm một ít lâu.

Giáo Hoài gật đầu:

– Có chớ! Cháu hãy đưa con Lệ vào buồng nghỉ, sáng cậu sẽ liệu cho.

Hiền lắc đầu:

– Con sợ anh Vũ tìm xuống đây ngay đó cậu. Rồi đây ảnh sẽ van nài, con không cầm lòng được…

Giáo Hoài thở dài:

– Coi bộ cháu còn thương Vũ nhiều lắm, làm sao xa được?!

– Dạ được mà cậu! Con đã quyết định rồi! Con sợ hờ như vậy thôi.

Giáo Hoài lặng thỉnh như tìm trong trí nhớ những nới ông có thể tạm gởi Hiền, một vài tháng. Ông chợt nhớ đến tiệm may của một người bạn ở chợ Cái Bè, nên mừng rỡ bảo Hiền:

– Được rồi, may quá… cháu qua Cái Bè ở tạm ít lâu được đó.

– Nhà ai vậy cậu?

– Tiệm may Hương Hoa của bạn cậu. Cháu học may luôn. Ở đó có dạy cắt đồ Tây, áo dài nữa. Để cậu biên thư giới thiệu cháu.

Hiền mừng lắm. Nàng chỉ mong tìm được một nơi ở tạm để lánh mặt Vũ thôi. Bà Giáo tuy ngồi ở nhà sau, nhưng vẫn để ý nghe câu chuyện giữa Hiền và chồng bà. Chừng nghe Giáo Hoài tính cho Hiền sang ở tạm bên Cái Bè thì đôi mắt bà vụt sáng hẳn lên. Nếu Vũ tìm xuống đây, bà sẽ không ngần ngại chỉ chỗ ở của Hiền.

***

Vũ qua “Bắc”, cho xe đậu ngoài lộ đá rồi đi bộ vào nhà Giáo Hoài. Người lân cận trong xóm, chừng như xa lạ đối với chàng tất cả. Không một ai nhìn ra được Vũ, “cậu học trò” ngày xưa. Chàng đi gần đến nhà Hoài càng thấy nôn nao khác thường. Vũ bước lên thềm nhà, nhìn thấy Giáo Hoài thì kêu lên:

– Anh… Anh Hoài.

Rồi chàng đứng dừng lại không nói thêm được lời nào nữa. Giáo Hoài nhìn ra:

– Kìa, cậu Vũ! Trời, lâu dữ hôn. Sao không thấy về chơi? Vào đây. Vào đây…

Vũ bỡ ngỡ bước vào gian nhà cổ kính mà chàng đã sống qua mấy tháng hè, gần 10 năm trước. Không có gì thay đổi: vẫn bộ tràng kỷ đó, vẫn mấy câu liễn đối, bức hoành phi. Vẫn chiếc võng ở góc nhà mà chàng thường nằm đọc sách. Cảnh vẫn y nguyên như trước nhưng tâm tình con người đã khác xa. Tấm lòng của Giáo Hoài đối với chàng chắc là không còn được như xưa nữa! Thấy Vũ có vẻ ngỡ ngàng, Giáo Hoài bước xuống tràng kỷ nắm tay chàng kéo vào, rồi cố lấy giọng thân mật nói:

– Ngồi xuống đây. Bộ lạ lắm sao? Cũng y như hồi trước mà. Thế nào? Học hành đỗ đạt ra sao? Cậu thiệt tệ quá. Sao không thư từ gì hết vậy?

Vũ theo Giáo Hoài ngồi xuống tràng kỷ mà vẫn chưa mở lời được.

Giáo Hoài chợt nhớ đến vợ, liền quay lại gọi:

– Mình ơi! Có cậu Vũ xuống chơi nè.

Vợ Giáo Hoài chừng như chỉ đợi có thế, từ nhà sau đon đả đi lên:

– Cậu Vũ. Hèn lâu dữ đa. Bây giờ nghe nói cậu đỗ đạt rồi hả.

Vũ đứng lên cúi chào vợ Giáo Hoài, gượng cười:

– Dạ thưa… đỗ cũng gần hai năm rồi.

Vợ Giáo Hoài nói một hơi dài:

– Ờ, nghe nói cậu đi Tây, đi u gì đó mà. Bây giờ chắc cậu khá lắm hả? Cậu tệ quá!

Giáo Hoài trừng mắt chận lời vợ:

– Mình…

Rồi ông cố lấy giọng vui vẻ:

– Mình bảo trẻ lo làm cơm ăn, chắc cậu Vũ còn ở chơi với mình mà.

-Tôi không nói chắc anh cũng biết tôi xuống đây làm gì rồi.

Giáo Hoài làm ra vẻ ngơ ngác:

– Cậu… nói gì tôi chưa hiểu?

Vũ tiếp ngay:

– Hiền có về đây không anh? Mong anh đừng giấu tôi. Tôi khổ quá anh à.

Giọng nói của Vũ tha thiết quá khiến Giáo Hoài không trả lời ngay được. Riêng vợ Giáo Hoài có vẻ ái ngại, liếc nhìn chồng rồi đi lần xuống nhà sau.

Vũ lại hỏi:

– Hiền có về nhà không anh? Tôi tìm nàng khắp nơi mà không gặp.

Giáo Hoài nghĩ đến lời cầu xin của Hiền đêm hôm qua thì lắc đầu bảo Vũ:

– Hiền đâu có về đây. Cháu nó lên Sài Gòn tìm cậu. Tôi có được tin gì đâu.

Vũ khổ sở quá nên không còn đủ sáng suốt để nhận định lời nói không thật của Giáo Hoài. Chàng ôm lây đầu:

– Hiền đi đâu hở trời? Tôi cứ đinh ninh nàng đã tìm về đây.

Giáo Hoài đã lỡ nói dối Vũ, nên đành hỏi luôn:

– Hiền gặp cậu rồi phải không? Nhưng sao nó lại bỏ đi?

Vũ ngước lên nhìn Giáo Hoài:

– Lỗi ở tôi hết anh à! Tôi ân hận vì đã bỏ rơi Hiền và để cho nàng phải mỏi mòn chờ đợi suốt bao năm.

Giáo Hoài đã hiểu rõ hết tự sự nhưng vẫn làm bộ hỏi:

– Tại sao bảy, tám năm nay, cậu không thư từ gì hết vậy?

Vũ khổ sở nói:

– Tôi tệ bạc lắm! Hoàn cảnh mới đã làm cho tôi quên Hiền, quên những ngày vui vẻ ở đây. Tôi về Sài Gòn rồi gặp dịp may sang Pháp du học.

Chàng kể lại hết quãng đời đã qua, từ khi cưới Mộng Ngọc rồi đỗ đạt về nước. Đến khi gặp lại Hiền thì mọi việc đã ngang trái lắm rồi. Vũ không giấu giếm một sự gì cả và thuật cho Giáo Hoài nghe bằng một giọng hết sức thành thật. Hoài đã được Hiền kể lại một lần rồi, nhưng vẫn ẩn nhẫn ngồi nghe.

Vũ bỗng nói tiếp:

– Tôi khổ quá! Hoàn cảnh của tôi bây giờ thật hết sức khó khăn. Hiền vì tôi mà chịu bao điều cay đắng.

Giáo Hoài rất cảm động trước những lời thành thật của Vũ, nhưng dù sao, ông cũng phải giữ lời hứa với Hiền. Thỉnh thoảng, Hoài lại thở dài. Nếu Vũ gặp Hiền đưa về Sài Gòn, để làm bé sao?

Vũ bỗng hỏi Giáo Hoài:

– Anh nghĩ xem Hiền đi đâu? Ngoài ở đây ra, nàng, còn có thể đến ở tạm đâu ít lâu chăng?

Giáo Hoài khó nói quá. Ông ngập ngừng đáp:

– Thật ra thì Hiền cùng đâu quen biết với ai!

Ngừng lại một phút, Giáo Hoài tiếp:

– Theo ý tôi thì cậu không nên tìm kiếm Hiền làm gì nữa.

Vũ ngạc nhiên ngó Giáo Hoài:

– Sao vậy hả anh? Tôi… tôi muốn Hiền không phải khổ nữa mà.

Giáo Hoài lắc đầu:

– Hoàn cảnh của cậu bây giờ khó khăn lắm. Có tìm gặp Hiền cũng chẳng giải quyết được gì. Không lẽ cậu đem nó về làm bé sao?

Vũ lặng thinh, không nói gì được nữa. Mặc dù chàng không có ý đó, nhưng hoàn cảnh của chàng hiện tại, làm sao khác được? Chàng và Mộng Ngọc đã chính thức làm hôn thú với nhau, nếu gặp được Hiền, dù muốn dù không, nàng cũng đành phải nhường nhịn Mộng Ngọc?

Vũ đáp lời Giáo Hoài:

– Tôi không có ý định đó! Sự mong mỏi của tôi là hiện giờ phải tìm cho ra Hiền, để nàng khỏi phải sống vất vả.

Hoài gượng cười:

– Cậu đem Hiền về mà sống trong cảnh trái ngang như vậy, Hiền nó càng khổ hơn.

Vũ thở dài lòng buồn bã vô hạn. Rốt cuộc thì chàng vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn không lối ra. Giáo Hoài muốn phá tan bầu không khí nặng nề đó, nên hỏi sang chuyện khác:

– Cậu xuống bằng gì?

– Dạ, bằng xe nhà. Tôi đậu ngoài lộ đá.

Giáo Hoài hình dung đến cảnh sông giàu sang sung sướng của vợ chồng Vũ, rồi nghĩ đến mẹ con Hiền. Từ nay, trên đường đời chắc chắn là hai mẹ con nàng sẽ còn phải khổ nhiều hơn trước. Nhưng nếu Hiền chịu về với Vũ, chắc gì nàng lại được hạnh phúc? Mộng Ngọc là con gái nhà giàu, lại có học! Nàng đủ “mánh lới” để làm khổ Hiền. Giáo Hoài còn xuống nhà bếp dặn dò vợ:

– Mình nhớ kỹ, đừng đá động gì đến chuyện con Hiền nghen.

Người vợ khó chịu:

– Cứ dặn hoài hà. Bộ người ta điên sao chớ! Hay là ông không tin tôi?

Giáo Hoài cất tiếng nhỏ nhẹ:

– Mình sao khó tánh quá! Tôi nhắc mình như vậy mà.

Rồi Giáo Hoài trở lên nhà nói chuyện với Vũ. Ông không muốn luẩn quẩn mãi ở chuyện của Hiền, nên kể cho Vũ nghe những thay đổi ở ấp Phước Định trong vòng bảy tám năm nay. Ông Giáo nói đến nhiều tên ngươi và nhiều địa điểm mà Vũ chỉ nhớ mang máng thôi. Dùng cơm xong, Vũ định ra xe trở về Sài Gòn, nhưng bà Giáo có ý muốn chàng ở lại:

– Mấy khi cậu về chơi, không ở với vợ chồng tôi được một ngày sao?

Giáo Hoài có vẻ không bằng lòng thái độ của vợ, nhưng vẫn niềm nở bảo Vũ:

– Chiều mát tôi đưa cậu ra Xóm Vàm, hay vô Xóm Cầu Sắt chơi. Nhiều anh em cứ hỏi thăm cậu.

Trước những lời mời mọc tha thiết đó, Vũ đành ở lại. Buổi trưa, chàng nằm thiu thiu trên võng, trong lúc Giáo Hoài ra vườn sau thì vợ Giáo Hoài lân la đến bên gọi nhỏ:

– Cậu Vũ… Cậu…

Vũ giựt mình mở mắt, thấy vợ bạn đưa ngón tay lên miệng ra dấu bảo chàng im thì Vũ ngạc nhiên lắm. Chàng ngồi dậy, khẽ hỏi:

– Chuyện gì vậy chị?

– Con Hiền…

Vũ sửhg sốt kêu lên:

– Hiền… Hiền làm sao chị?

– Nó có về đây nữa! Về hồi đêm hôm qua.

– Thiệt ư! Bây giờ nàng đâu rồi? Sao anh Giáo…

Vợ Giáo Hoài lắc đầu bĩu môi:

– Ảnh nói gạt cậu đó. Tại con Hiền khóc lóc dặn dò cho nên ảnh làm theo ý nó.

Vũ bàng hoàng nhìn vợ Hoài, hỏi nhanh:

– Hiền đâu rồi chị? Ở trong buồng hả?

Chàng vừa nói vừa đứng lên, vợ Hoài lật đật trả lời:

– Không! Nó đi Cái Bè hồi sáng rồi.

Vũ lặp lại câu nói của vợ Giáo Hoài:

– Hiền đi Cái Bè? Chi vậy hả chị? Bao giờ Hiền mới về?

Vợ Giáo Hoài liếc mắt qua cửa sổ, nhìn ra vườn, thấy chồng chưa vào nên yên tâm nói:

– Ảnh đem gởi con Hiền bên Cái Bè, để nó tránh mặt cậu đó.

Vũ chợt hiểu ra tự sự. Thì ra chính Giáo Hoài cũng không muốn chàng gặp Hiền.

Chàng hỏi vợ Hoài:

– Hiền qua Cái Bè rồi ở nhà ai hả chị? Tôi phải đi tìm ngay mới được.

Vợ Giáo Hoài bước đến bên cửa sổ, trông chừng ra vườn một lần nữa mới bảo Vũ:

– Cậu nói nhỏ nhỏ vậy! Đừng cho anh ấy biết khó lòng lắm. Ảnh gởi Hiền ở tiệm may Hương Hoa. Cậu xuống chỗ bến chợ, hỏi thăm người ta là biết liền.

Vũ đứng lên nói:

– Tôi đi liền bây giờ nghen chị? Tôi trở ra Vĩnh Long rồi tôi đi lộn về Cái Bè.

Vợ Giáo Hoài lắc đầu:

– Khoan đã cậu Vũ! Cậu làm thế ảnh nghi ngờ đó. Cứ ở chơi thũng thẳng rồi đi. Hiền ở lại tiệm đó chớ không đi nữa đâu.

Vũ ngồi xuống võng, trong lòng hết sức phân vân. Đi liền bây giờ chi cho khỏi Giáo Hoài nghi ngờ vợ đã thót mét với mình. Chàng ngước nhìn vợ Giáo Hoài và nhớ hết những lời Hiền và bé Lệ đã nói. Đúng là vợ con Hoài không ưa Hiền. Mà thật sự cũng nhờ thế mà chàng mới biết được nơi Hiền đang ở. Trong khi đó, Hoài ở ngoài vườn đi vào. Vợ Hoài không thấy kịp chồng nên đành đứng đó.

Giáo Hoài vô tình không chứ ý đến thái độ của vợ, chàng hỏi Vũ:

– Cậu có uống nước dừa không? Dừa xiêm ngọt lắm.

Vũ đang nôn nao trong lòng, nên chỉ gật đầu lấy сó. Giáo Hoài liền bảo vợ:

– Mình bảo trẻ nhỏ nó đi hái dừa ở gần cây ô môi đó.

Vợ Giáo Hoài chỉ mong có thế, để lấy cớ ra nhà sau. Nhưng trước khi đi, chị còn nhìn Vũ, như ngầm bảo đừng nói gì với Hoài hết. Vũ ngồi yên cố phân tách tình cảm của bạn đối với mình. Hoài không thấy chàng đang hối hận thật tình sao? Giáo Hoài chợt để ý đến thái độ của Vũ. Sao chàng không nói gì hết mà cứ chăm chú nhìn mình?

Hoài khẽ hỏi bạn:

– Có chuyện gì vậy cậu?

Vũ giựt mình, cố giữ lấy vẻ bình tĩnh:

– Tôi nghi Hiền trở về Sài Gòn. Tôi muốn về ngay bây giờ.

Vũ nói rất khéo nhưng Hoài cũng để ý. Chàng hỏi lại bạn:

– Cậu định về Sài Gòn ngay bây giờ sao?

– Vâng!

Hoài nghĩ đến vợ và thái độ của cô ta lúc nãy. Lúc chàng ở ngoài vườn vào thì vợ chàng đang đứng nói chuyện với Vũ. Cô ta nói gì mà tự dưng Vũ đòi về Sài Gòn ngay. Giáo Hoài giận lắm! Nhưng chàng chỉ bảo Vũ:

– Cậu tưởng tượng thôi, chớ chắc Hiền không quay về trên ấy đâu. Cậu có biết vì sao không?

Vũ ngập ngừng hỏi:

– Sao vậy anh?

– Vì cậu còn có vợ cậu, người mà cậu chánh thức cưới hỏi. Thà là Hiền sống bơ vơ một mình còn hơn chịu đựng hoàn cảnh trái ngang, vả lại…

Giáo Hoài ngừng lại một phút mới tiếp:

– Vả lại… bình như cậu chưa bao giờ thật dạ yêu Hiền.

Vũ kêu lên:

– Trời! Sao anh dành nói vậy? Tôi không yêu Hiền thì tìm nàng để làm gì?

Giáo Hoài gằn giọng:

– Cậu tìm chỉ để cho lòng mình khỏi phải ân hận thôi.

– Anh mà cũng nghĩ như vậy sao? Chính Hiền đã bảo tôi câu đó. Nhưng không phải vậy. Lòng tôi… tôi hiểu mà. Hiền ngờ oan cho tôi rồi lại bỏ di. Có lẽ vì thế mà anh nỡ giấu…

Giáo Hoài hỏi ngay:

– Cậu bảo sao? Tôi thế nào?

Vũ thấy mình lỡ lời nên lặng thinh cúi mặt. Chàng có muốn nói ra điều đó đâu, nhưng trong lúc bực tức chàng không giữ được.

Giáo Hoài hỏi lại:

– Cậu bảo tôi nỡ giấu cái gì? À! Hay cậu cho tôi giấu Hiền…

Vũ thấy đã đến lúc không thể lặng thinh được nữa nên nghiêm sắc mặt nhìn Hoài:

– Phải! Anh đã giấu chỗ ở của Hiền.

Vợ Giáo Hoài từ nhà sau lên, nghe thoáng qua những lời ấy, vội vàng trở xuống bếp. Hoài bàng hoàng ngồi xuống ghế. Chàng mới thử ý Vũ thôi, không ngờ đó là sự thật. Cũng lại vợ chàng! Vũ tiếp tục nói:

– Sao vậy anh Hoài? Anh không nhìn thấy tấm lòng của tôi sao? Tôi đang khổ tâm lắm. Nếu không tìm ra Hiền, có lẽ suốt đời tôi không còn thiết đến việc gì nữa hết. Hiền đã về đây trong đêm hôm qua mà, sao anh nỡ giấu tôi?

Giáo Hoài thở dài, lấy thuốc ra vấn hút. Chàng thở khói đánh phào một cái rồi nói:

– Ý cháu Hiền là như thế! Chớ tôi đâu muốn giấu cậu làm gì? Hiền đã khổ nhiều rồi. Nó không muốn cậu đeo đuổi nữa.

– Anh Hoài. Sao Hiền không chịu hiểu là tôi muốn chuộc lại lỗi lầm xưa?

– Một điều rất tai hại mà tôi cần nói cho cậu rõ là Hiền quả quyết từ trước tới nay cậu không hề yêu nó. Chính điều đó làm cho nó tủi nhục mà ra đi.

Vũ kêu lên:

– Trời ơi! Sao Hiền lại có thể nghĩ như vậy được?

Rồi chàng nghẹn lời, trong lòng xót xa nhiều lắm. Quả tình, thái độ của chàng chứng tỏ lòng chàng không thật yêu Hiền. Ngày xưa, cũng ở nơi nầy, Hiền đã hiện ra trong sự trong trắng hồn nhiên. Chàng yêu nhan sắc của Hiền như yêu một cái gì đẹp nhứt trên đời. Sự bồng bột của Vũ “chóng phát chóng tàn”. Trước kia, chính chàng cũng không thể phân tách được lòng mình… Giờ đây, qua bao thử thách, Hiền đã thấy rõ Vũ và chàng cũng tự hiểu mình. Giáo Hoài bỗng cất tiếng:

– Cậu Vũ à! Bao giờ tôi cũng xem cậu như bạn hay là em út của tôi. Việc Hiền xảy ra, tôi là người bị phiền hà hơn hết nhưng cậu thấy có bao giờ tôi đi tìm cậu hay trách móc gì chăng? Tôi hiểu cái tuổi thanh niên mà. Nhưng bây giờ…

Vũ ngẩng lên nhìn bạn hỏi:

– Bây giờ thế nào anh?

– Tôi khuyên cậu đừng nên đi tìm con Hiền nữa. Bởi vì tìm thấy nó, cậu cũng không giải quyết được gì đâu? Cậu không thể bỏ được vợ cậu, mà Hiền thì nó chỉ đòi hỏi một tình yêu chân thật và trọn vẹn. Tánh nó coi vậy mà khó lắm đó cậu.

Hoài nín lặng, với tay lấy bình trà rót vào tách. Buổi trưa ở làng quê im vắng quá. Vũ nghe cả tiếng hát ru em của ai ở bên kia bờ tre vọng lại. Chàng nghĩ đến bé Lệ và tội nghiệp cho Hiền. Từ nay, hai mẹ con sẽ làm gì để sống?

Vũ bảo Giáo Hoài:

– Không đâu anh Hoài! Thế nào tôi cũng phải tìm gặp Hiền để chuộc lại lỗi lầm xưa. Tôi xin thề sẽ coi Hiền như một người em để chăm lo, săn sóc cho nàng.

Hoài lặng yên suy nghĩ. Vũ nôn nao chờ đợi ý kiến của bạn. Hoài nói:

– Tôi chỉ sợ Hiền không đồng ý.

– Anh Hoài. Tại sao nàng không chịu? Tôi có đòi hỏi gì đâu?

– Hiền không đồng ý cho cậu xem nó như em gái, chỉ vì lòng nó vẫn con yêu cậu.

Vũ lặng thinh. Tâm hồn của Hiền xem thế mà không giản dị như chàng tưởng. Lòng vẫn yêu mình, mà Hiền cương quyết lánh xa.

Vũ đứng phắt vậy, bảo Hoài:

– Không! Anh giận thì tôi đành chịu, chớ thế nào tôi cũng phải gặp Hiền. Tồi cần giải bày hết lòng mình rồi tùy nàng định đoạt.

Hoài biết mình không thể cản ngăn bạn được, nên khẽ hỏi:

– Cậu đi bây giờ sao?

– Vâng. Tôi không thể chần chờ lâu hơn nữa được.

– Chắc cậu đã biết rõ Hiền ở đâu rồi chớ?

Vũ đáp nhỏ:

– Chị bảo ở tiệm may Hương Hoa bên Cái Bè. Có đúng không anh?

Hoài gật đầu:

– Đúng đó. Vợ tôi nghe lóm chuyện thiên hạ thì tài lắm.

Vũ nhớ đến vợ Hoài. Thế nào hai vợ chồng cùng cắn đắng nhau về chuyện này. Chàng bảo Hoài:

– Chuyện này là tại tôi cứ hỏi tới hỏi lui, chị mới thố lộ ra. Lỗi là lỗi ở tôi, anh đừng phiền trách chị tội nghiệp. Thôi, tôi đi đây.

Hoài nói nhanh:

– Khoan! Ở lại uống nước dừa rồi hãy đi. Xe hơi lộn về Vĩnh Long rồi đi Cái Bè không bao lâu đâu.

Vũ lắc đầu:

– Thôi, cám ơn anh thật tình đó. Nhưng trong lòng tôi bây giờ nôn nao quá. Tôi phải gặp Hiền mới yên lâm được. Tôi chỉ mong một điều là đừng vì chuyện của tôi và Hiền mà anh chị phiền lòng nhau.

Giáo Hoài lắc đầu:

– Không sao đâu. Cậu đừng lo.

Vợ Hoài đã nghe rõ hết những lời trao đổi giữa hai người, nên bước lên nhà trên, để gặp Vũ trước khi chàng đi. Tuy nhiên, chị ta cũng làm ra vẻ không hiểu gì hết, cất tiếng hỏi Vũ:

– Kìa cậu Vũ! Cậu đi về sao?

Hoài biết tính vợ, nên không nói gì cả, trong lúc Vũ đáp:

– Vâng. Tôi đi đây chị. Bao giờ rỗi rảnh, có lên Sài Gòn mời anh chị đến phòng mạch của tôi chơi.

Hoài gượng cười nói:

– Chắc còn lâu lắm tôi mới lên Sài Gòn được.

Cả ba người cùng cười. Hoài muốn xách nón đưa Vũ ra xe, nhưng chàng ngăn lại:

– Anh khỏi nhọc công mà. Tôi làm phiển anh chị nhiều lắm rồi. Anh chị cũng nên tha lỗi cho.

– Có gì mà cậu nói thế.

Vũ cúi chào hai vợ chồng bạn một lần nữa rồi ra cửa. Đợi chàng đi khuất bên kia chiếc cầu cả hai mới trở vào. Giáo Hoài lại bàn vấn thuốc hút. Vợ chàng có vẻ ngại ngùng không dám mở lời. Hằng ngày, chị ta vẫn thường ăn hiếp chồng, nhưng mới rồi chị làm quấy, nên có hơi xấu hổ. Giáo Hoài lặng thỉnh, ngồi hút thuốc, trí nghĩ ở đâu đâu. Ông không biết Hiền có gặp chủ tiệm may Hương Hoa không? Không hiểu giờ nầy hai mẹ con đang làm gì và có biết, một người đang lao xe vùn vụt đến để gặp mặt. Khi Hiền gặp Vũ rồi, nàng có thể trách mình không kín miệng chăng? Giáo Hoài rất áy náy trong lòng vì không giữ tròn lời hứa với Hiền. Nhưng thật tình, chuyện nầy xảy ra là ngoài ý muốn của chàng. Hoài không bày tỏ đầu đuôi… thì Vũ cũng tìm được nơi Hiền đang ở vậy!?

***

Vũ lái xe vào thị xã Cái Bè, trời đã mờ mờ tối. Chợ Quận không có điện, nhưng nhờ các tiệm buôn đốt đèn măng-xông nên cũng được sáng sủa phần nào. Vũ cho xe chạy chầm chậm trên đường bờ sông, đưa mắt nhìn hai bên lề tìm tiệm may Hương Hoa. Lòng chàng hồi hộp hơn bao giờ hết.

Theo lời vợ chồng Hoài, nhứt định Hiền và bé Lệ đang ở đây, chớ không đi đâu xa. Chàng nôn nao quá, không biết mẹ con Hiền có chịu trở về với chàng không? Nếu Hiền từ chối Vũ, không biết làm thế nào cho nàng xiêu lòng.

Vũ hy vọng Hiền không đối xử với mình như thế. Nàng còn yêu mình mà. Vũ có thể chắc chắn được điều đó.

Vũ hết sợ chuyện này đến chuyện khác. Nếu Hiền không đến đây thì thật chàng mất dấu Hiền và không còn biết đâu mà tìm. Chàng vụt thắng xe. Một đứa bé đang băng qua đường, suýt chút nữa đã chạm vào đầu xe của chàng. Nó thấy Vũ thắng lại thì ngước lên cười rồi chạy biến trong bóng tối.

Vũ thở dài. Chàng nghĩ đến bé Lệ. Nếu không cha, đời sống của nó sẽ như thế nào? Hiền bận lo làm việc kiếm tiền, chắc không thể nào chăm sóc con cho chu đáo được. Tự nhiên, đứa bé vừa cản đầu xe lúc nãy khiến chàng nhớ đến con tha thiết. Vũ nhìn hết nhà nầy đến nhà khác vẫn chưa thấy tiệm may Hương Hoa. Chàng cho xe trở đầu lại rồi nhìn một bên phố thôi. Nếu không gặp, thì chàng sẽ quay đầu xe một lần nữa để nhìn xem dãy phố bên kia. Xe chạy chậm chậm khiến những người ở hai bên phố ngạc nhiên nhìn theo.

Ở một Quận nhỏ như thế nầy, ít khi họ thấy một chiếc xe sang trọng chạy tới, chạy lui. Người lái xe định tìm ai mà cứ cho xe lù lù tới lui. Vũ chợt thấy hai chữ Hương Hoa trên một tấm bảng hiệu. Chàng nhìn vào quả đúng là một tiệm may. Có mấy cô gái đang làm việc dưới ánh đèn. Vũ cho xe đậu sát vào lề rồi ngừng lại, mở cửa bước xuống. Chàng chưa vội vào tiệm may mà chỉ đưa mắt tìm kiếm Hiền. Ba cô gái đang ngồi may, còn một cô đứng cắt. Vũ bước vào tiệm. Mấy cô đều dừng tay, ngước lên nhìn.

Vũ khẻ chào và hỏi cô ngồi gần nhứt:

– Tôi muốn hỏi ông chủ?

Cô gái nhìn Vũ trân trối, trong lúc các cô khác tủm tỉm cười với nhau. Vũ không hiểu mình có cử chỉ gì lố bịch mà họ tỏ thái độ như vậy. Chàng nghiêm sắc mặt định hỏi một lần nữa thì cô gái đối diện với chàng nói:

– Thưa ông… dạ… tiệm may này, có chị em tôi không hà.

Vũ ngạc nhiên nhìn cô gái rồi hỏi lại:

– Vậy là ở đây không có ông chủ?

Cô gái lắc đầu không đáp. Một bà sồn sồn từ trong bước ra, cúi chào Vũ, hỏi:

– Ông hỏi ai?

– Thưa bà tôi muốn tìm người thân. Họ chỉ đến tiệm may Hương Hoa này tìm ông chủ. Đây đúng là tiệm Hương Hoa mà.

– Phải! Nhưng các cháu ở nhà nó làm lấy. Nhà không có đàn ông. Tôi là chủ đây.

Các cô vụt cười rộ lên. Vũ mới hiểu tại sao lúc nãy họ cười mình. Chàng bỡ ngỡ nhìn bà chủ tiệm, không biết nói gì hơn. Thế mà Hoài lại chỉ chàng đến đây?

Bà chủ bỗng nói:

– À, phải rồi! Hay là ông chủ trước. Tôi dọn về đây đã hai tháng. Ông Tính sang lại cho tôi. Đáng lý tôi đổi bảng hiệu, nhưng thấy tên Hương Hoa cũng hay nên các cháu bảo để vậy. Phải rồi, chắc ông quen ông Tính?

Vũ hy vọng hỏi:

– Ông Tính bây giờ ở đâu, thưa bà?

– Tôi không rõ nữa! Con ông ấy chết nên ổng thấy thua buồn, sang tiệm may rồi bỏ xứ. Tội nghiệp, có hai cha con…. Cô bé ấy đẹp lắm mà chết thật đáng buồn.

Vũ vụt hỏi:

– Thưa bà. Từ sáng đến giờ có ai đến kiếm ông chủ tiệm này không?

Bà chủ lắc đầu:

– Dạ, không thấy. Mà… chắc tại tôi đi khỏi.

Cô gái nói chuyện lúc nãy khẽ cất tiếng:

– Có một người đến hỏi ông Tính, má à.

– Vậy hả.

Vũ mừng rỡ:

– Phải một thiếu phụ không cô?

– Dạ đúng! Bà ấy có dẫn theo một em bé.

– Cô ấy đâu rồi, hả cô?

Cô gái lắc đầu nói:

– Dạ, tôi tiếp cô ấy ở đây. Cô ấy đưa thư, tôi tưởng của má tôi nên bảo ngồi chờ. Cho đến trưa, má tôi không về, tôi mở ra xem, té ra không phải. Họ gởi thư cho ông Tính…

Vũ thấy choáng váng. Thật ngoài sức tưởng tượng của chàng. Đúng là định mạng khắt khe, đã khiến hai người xa nhau mãi mãi! Vũ ngập ngừng hỏi cô gái đã trả lời mình lúc nãy:

– Thưa cô. Rồi thiếu phụ ấy đi đâu?

– Dạ, tôi không biết nữa! Cô ấy ngồi ở đây một lúc, em bé đói bụng khóc, cô ấy mới dẫn đi.

Vũ cảm thấy xót xa nhiều lắm. Hiền và bé Lệ đã đến đây. Thế mà bây giờ, hai mẹ con như cánh chim trời. Vũ hỏi thiếu nữ:

– Cô làm ơn cho tôi biết thiếu phụ rời khỏi nơi đây lúc mấy giờ?

Thiếu nữ lộ vẻ suy nghĩ, rồi hỏi mẹ:

– Má về hồi mấy giờ?

– Ba, bốn giờ gì đó.

Thiếu nữ quay sang Vũ:

– Dạ, cô ấy đi chừng nửa tiếng đồng hồ thì má tôi về.

Vũ biết mình không hỏi thêm được gì nữa, nên chào bà chủ tiệm và mấy cô gái:

– Xin cám ơn bà và các cô. Tôi xin đi.

Mọi người đều chào đáp lại chàng. Vũ ra xe mở cửa leo lên, nhưng không biết đi về đâu? Hiền rời tiệm may này khoảng ba giờ chiều chắc nàng chưa di khỏi Cái Bè. Nhưng ở một quận nhỏ, xa lạ với chàng, Vũ không biết phải tìm nàng ở đâu? Không chừng nơi đây không có khách sạn nữa là khác. Vũ mở máy cho xe chạy. Qua ngang tiệm may Hương Hoa chàng thấy bà mẹ và các cô gái ngẩng lên với vẻ sững sờ rõ rệt. Họ không tưởng được người vừa vào tiệm mình lại giàu có, sang trọng đến thế Vũ quần kiếm khách sạn nhưng đúng như dự đoán của chàng, ở đây không nơi nào cho ở trọ ban đêm. Có lẽ quận không mấy phồn thịnh và không nhằm đường đi nên ít khách ở xa tới. Chành đành ra bến xe hỏi thăm mấy anh lơ xe đò. Họ bận làm ăn nên không chú ý đến những gì ngoài công việc. Họ đều lắc đầu.

Vũ tuyệt vọng. Chàng lên xe nằm ngả người ra sau nệm, trong lòng thật chán nản. Thế là chàng đã mất dấu Hiền và con. Thoáng một giây Vũ nghĩ:

– “Có thể Hiền quay về Phước Thịnh không?”

Vũ lại tràn trề hy vọng. Chàng muốn quay lại Vĩnh Long ngay, nhưng sợ “huốt’ Hiền thêm lần nữa. Lỡ đêm nay nàng còn ở Cái Bè chờ sáng ra xe đi nơi khác, thì Vũ sẽ không còn biết nàng ở đâu mà tìm? Vũ nghĩ đến bến đò Cái Bè. Xưa kia, chàng cũng đã từng đi đò từ đây về Phước Định. Hỏi thăm ở bến đò thì biết Hiền có về bên Cù Lao chăng? Chàng lái xe ra bến sông rồi lần xuống cầu, hỏi thăm mấy người lái đò.

Một ông lão đáp lời chàng:

– Đò Phước Định hôm nay qua hai chiếc đều về hết rồi.

Vũ khẽ hỏi:

– Thưa ông! Đò về hồi mấy giờ?

– Thì bữa nào cũng chở xe Sài Gòn xuống là về ngay. Hôm nay hình như không có khách.

Vũ muốn chắc chắn hơn nên hỏi tiếp:

– Có chiếc nào ở trễ đến ba, bốn giờ không, thưa ông?

Ông lão lắc đầu nói:

– Tháng nầy giông gió thường nổi lên buổi chiều. Ai dám qua sông trễ vậy. Lớ quớ chìm đò chớ chẳng phải chơi đâu!

Vũ tin chắc Hiền chưa về Phước Định nên từ biệt ông lão ra chợ. Nếu Hiền không về nhà Giáo Hoài thì chỉ còn có nước đi xe lên Sài Gòn thôi. Bây giờ, cứ đón ở bến xe, chàng hy vọng sẽ gặp nàng.

Chàng có sẵn ý định trong đầu, nên gọi mấy anh lơ xe đến nói chuyện:

– Tôi có một chuyện rất hệ trọng, mong anh em giúp tôi. Tôi sẽ đền ơn.

Mấy người lơ ngạc nhiên, nhìn dáng điệu sang trọng của Vũ hỏi:

– Nếu thầy muốn mướn tụi tôi đi đánh lộn thì lầm chỗ rồi! Lơ xe này đàng hoàng lắm chớ không phải du côn.

Vũ lắc đầu đáp:

– Các anh đừng nghĩ lầm. tôi không bao giờ làm chuyện đó. Tôi muốn nhờ anh em giúp tôi một việc khác.

Mấy anh lơ xe chăm chú nghe lời Vũ và ai cũng có vẻ cảm mến thái độ nhã nhặn của chàng. Vũ tiếp:

– Tôi có người nhà vừa buồn phiền ra đi. Đó là một thiếu phụ mảnh khảnh có dắt theo một em bé chừng sáu, bảy tuổi. Nếu khuya này thiếu phụ có ra xe nhờ anh em cho tôi hay.

Mấy người trong bọn nói:

– Chuyện đó thì dễ rồi, nhưng biết thầy ở đâu mà báo tin?

Vũ đáp:

– Tôi không đi đâu xa, mà đậu xe ở góc đường kia. Người nào các anh nghi ngờ thì hỏi có phải tên Hiền không! Nếu đứng, các anh gọi tôi.

– À ! Có như vậy mới dễ kiếm chớ!

Vũ gọi người lớn tuổi hơn hết trong nhóm đưa cho một số tiền rồi bảo:

– Tiền đây, anh em uống cà phê chơi. Bao giờ tìm được người, tôi xin hậu tạ.

Mấy người lơ xe đều vui mừng cám ơn Vũ rồi tản mát đi. Vũ lái xe lại chỗ góc đường. Chàng quay kính kín mít bốn bề để khỏi lạnh lúc trời khuya. Vũ cởi áo ngoài rồi mở cửa xuống đường đi bách bộ một lúc cho giản gân cốt. Suốt ngày ngồi trên xe tù túng, chàng đã thấy khó chịu lắm rồi.

Lại một đêm, ngủ xa nhà. Vũ thở dài lấy thuốc ra hút. Thoáng một giây, chàng nghĩ đến Mộng Ngọc và con. Hai hôm rồi chắc bé Dung hỏi chàng nhiều lần lắm. Tội nghiệp nó, suốt tuần nay, chàng bận rộn luôn nên không có thời giờ kể chuyện đời xưa hoặc dẫn con đi chơi. Vũ không biết khi con hỏi đến chàng, Mộng Ngọc trả lời thế nào? Chắn chắn là nàng không nói sự thật với con.

Chàng lại nghĩ đến Hiền, nếu còn ở Cái Bè thì mẹ con nàng đang ở gần chàng. Giờ này có lẽ cả hai đã ngủ. Hiền có biết đâu lúc này, chàng còn đứng ngoài trời sương như vầy. Vũ mong mỏi Hiền sẽ ra bến xe vào lúc sáng thì mọi việc sẽ êm xuôi! Nhưng êm xuôi bằng cách nào? Vũ không dám nghĩ tới. Dù sao, đời sống của mẹ con Hiền cũng được đảm bảo hơn là đi lưu lạc bơ vơ. Vũ trở vào xe, nằm ngả mình trên nệm, định ngủ một lúc, để sáng đủ sức đi tìm Hiền.

Song phần lạ chỗ nên những tiếng động khác thường quanh bến xe cứ làm cho Vũ giựt mình luôn và không thể nào chợp mắt. Tiếng khua “lắc cắc” của người đấm bóp, vang lên trong đêm từng chập, như xoáy vào tai chàng. Vũ không ngủ được lại bước xuống xe. Đêm khuya lắm rồi! Mấy người lơ xe đã tìm chỗ ngủ.

Vài con chó đói đang giành nhau một khúc xương ở góc đường, sủa vang dậy. Đâu đây có tiếng càu nhàu và tiếng chửi đổng. Tất cả âm thanh về đêm ở đây, đều mới lạ đối với chàng. Bất ngờ mà Vũ có dịp chứng kiến sinh hoạt về đêm của một bến xe trong quận nhỏ. Có tiếng rên khe khẽ đâu đây khiến Vũ để ý.

Chàng bước lần theo tiếng rên não nuột đó và dừng lại bên một sạp ván, dùng để hàng trước khi cất lên xe. Trên sạp, một người đang nằm đắp chiếu rên hừ hừ. Cạnh đó, một đứa trẻ đang quạt lửa nấu nước. Nó ngước lên nhìn Vũ rồi lại cúi xuống quạt. Đó là một đứa bé gái chừng tám chín tuổi, đầu tóc rối nùi, quần áo tả lơi. Vũ đoán chừng cố người bệnh nằm kia, nên hỏi nó:

– Ai rên quá vậy em? Đau hả?

Nó ngước lên nhìn Vũ một lần nữa, rồi cúi xuống. Vũ tưởng nó không chịu đáp lời mình, toan hỏi tiếp thì đứa bé đã cất giọng cộc lốc:

– Má tôi đau.

Vũ ngồi xuống bên nó:

– Đau gì em? Có uống thuốc gì chưa?

– Thuốc hả?

– Ờ!

Đứa bé nhìn mẹ nó, nói:

– Tiền đâu có mà mua.

Người đàn bà đang rên vụt ngừng lại kéo chiếu xuống nhìn Vũ. Chị ta toan ngồi dậy thì Vũ lắc đầu, nói:

– Chị nằm đi! Tôi hỏi thăm cháu chớ không có gì?

Thấy mặt thiếu phụ tái mét vì lạnh, Vũ thương hại hỏi:

– Chị đau hồi nào?

Thiếu phụ ngập ngừng:

– Dạ, hai bữa rồi.

Vũ hỏi:

– Nhà chị đâu không về, lại ở ngoài trời như vầy chịu sao nổi.

Thiếu phụ lắc đầu:

– Dạ, nhà đâu… có ông! Tối tối, mẹ con ngủ tạm bợ ở đây. Đau thì cũng phải nằm chịu vậy.

Vũ đứng lên thở dài. Không phải chàng chưa từng nghe nói đến những cảnh khổ như thế đâu, nhưng lần này, chàng được chứng kiến tận mắt và thấy trong lòng chua xót nhiều hơn. Tự nhiên, Vũ nghĩ đến mẹ con Hiền. Có thể trong những ngày bơ vơ sẽ tới nàng và Lệ đi đến hoàn cảnh nầy chăng? Vũ chợt nghe tiếng đứa bé hỏi mẹ:

– Má ăn cháo không?

Thiếu phụ lộ vẻ ngạc nhiên hỏi con:

– Cháo đâu mà hỏi?

– Bà Sáu cho gạo. Con nấu kìa!

– Ờ! Chín chưa, múc cho tao đi.

Vũ chợt hiểu là đứa bé đang nấu cháo cho mẹ nó. Mới ít tuổi đầu nó đã biết lo giúp đỡ mẹ. Chàng cảm động lắm vì biết rằng trong những lời trao đổi cộc lốc kia, giữa hai mẹ con, ẩn chứa biết bao tình.

Vũ xem qua dáng điệu thiếu phụ rồi hỏi:

– Chị bị rét hả?

– Dạ… Lâu lâu nó làm cữ hoài, ông ơi! Uống thuốc bao nhiêu cũng không hết.

Vũ thở dài. Chàng biết thiếu phụ nói cho có nói, chớ làm gì có đủ thuốc để uống. Mỗi lẫn bị cữ rét có lẽ chị ta chỉ biết lấy sức mình chống lại… và cũng có thể uống bất kỳ thứ thuốc gì? Chắc chắn là chưa bao giờ chị được trị bệnh cho đúng phép. Ở trên cõi đời này còn biết bao nhiêu người đau không thuốc uống!

Chưa bao giờ, Vũ có những ý nghĩ sâu xa như hôm nay. Có lẽ nhờ chàng chứng kiến một cảnh sống quá não lòng. Lương tâm một bác sĩ lần đầu tiên được khơi dậy nỗi buồn thương, trước một bệnh nhân không được điều trị và không thuốc uống. Chàng nhớ ngày xưa khi bắt đầu lên Đại học, chàng nuôi trong lòng bao nhiêu hoài bão… nhưng khi ra trường rồi, cuộc sống sang giàu hạnh phúc bên vợ đẹp con khôn, cứ đẩy đưa chàng đi tới… và những hoài bão trước kia cứ lụn dần theo năm, tháng.

Bây giờ nghĩ lại mà thấy xấu hổ cho mình! Vũ lấy trong bóp ra một số tiền đưa cho thiếu phụ rồi nói:

– Đây! Chị cầm tiền này sáng mai đi tìm thầy uống thuốc cho thật hết bệnh nghen. Đáng lẽ tôi trị bệnh cho nhưng ở đây không có phương tiện. Chị nhớ nghe lời tôi… đừng tiếc tiền. Hãy trị cho lành bệnh, chị lại có sức làm ra tiền.

Thiếu phụ bàng hoàng không biết nói gì. Đứa nhỏ đang múc cháo, cùng ngừng tay nhìn Vũ. Cả hai mẹ con vừa mừng, vừa sợ. Tại sao khách lạ lại cho tiền nhiều đến thế? Ồng ta toan lợi dụng mình việc gì chăng?

Vũ đoán biết những ý nghĩ trong đầu thiếu phụ, nên vội tiếp:

– Chị an lòng và cầm tiền đi uống thuốc. Tôi chỉ giúp hai mẹ con qua cơn nguy ngặt chớ không có ý gì khác đâu.

Thiếu phụ run run cầm lấy tiền không biết mở lời sao để cám ơn Vũ. Vũ lẳng lặng trở lại xe. Trong đầu chàng nổi lên bao nhiêu ý nghĩ. Những ước vọng ngày còn trẻ, đột nhiên trở lại với mình. Từ khi về nước đến giờ, chàng chỉ làm tròn bổn phận một bác sĩ đối với các bệnh nhân đến phòng mạch của chàng. Họ được cứu giúp vì họ đủ tiền để trả công cho chàng.

Còn bao nhiêu người ốm đau khác ở ngoài xã hội, vì thiếu hụt mà phải chịu cảnh đau không thuốc uống.

Tự nhiên, chàng tin tưởng sẽ thực hiện được những ước vọng ngày xưa. Chàng nghĩ đến bạn bè đã cùng ở Pháp với chàng, hiện trở về nước và cũng mở phòng mạch như chàng. Ngày xưa, khi họp nhau ở xứ người, họ đã có lúc tâm tình và cùng chung ước vọng: học thành tài để hàn gắn ít nhiều vết thương xã hội. Nhưng, từ khi về nước đến giờ, họ không có dịp gần nhau, để nhắc nhở lại những ước vọng khi xưa. Có người cũng không muốn nhắc đến chuyện đó vì cuộc sống đã thay đổi cả rồi.

Vũ càng nghĩ, càng thấy tin tưởng hơn lên. Ông Thiện muốn lập một bệnh viện tối tân để làm cho người ngoại quốc nể mặt. Vũ nhứt định sẽ không tiếp tay với ông trong việc đó vì nhiều lẽ. Chàng không thể nào quên được thái độ của ông đối với Hiền. Vả lại, lập bệnh viện tối tân để tính tiền cho đắt hơn nữa, thì cũng vô ích… thà là cứ mở phòng mạch tại nhà riêng như chàng.

Lần nầy trở về Sài Gòn, Vũ sẽ thay đổi hẳn đời sống của mình. Chàng sẽ tìm gặp các bạn cũ và nhắc nhở đến những dự tính ngày xưa. Bây giờ, ai cũng giàu có cả rồi, ai cũng có đủ phương tiện để góp phần vào công cuộc cứu giúp bệnh nhân. Vũ tin tưởng nhiều bạn sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của mình. Và sẽ không có mấy kẻ vuốt mặt quên đi những điều hẹn ước.

Nếu đủ sức, chàng sẽ lập một bệnh viện, kêu gọi sự góp công, góp tiền của các nhà hảo tâm trong nước. Bệnh viện đó sẽ là nơi điều trị bệnh nhân nghèo khổ, không mất tiền. Và chàng tin tưởng, còn nhiều nhóm bác sĩ khác sẽ noi gương chàng và các bạn, trước việc công ích đó. Vũ nằm miên man nghĩ đến tương lai. Đột nhiên, hình ảnh của Hiền và bé Lệ lại hiện lên trong tâm tưởng của chàng. Dù có say sưa nghĩ đến việc công ích, nhưng chàng không thể nào quên được những hình bóng thân yêu đó. Vũ mệt mỏi thiếp đi lúc nào không biết. Khi chàng tỉnh dậy đã nghe quanh mình nhiều tiếng ồn ào, lao xao.

Chàng giựt mình ngồi dậy thì trời đã gần sáng. Vũ nhớ đến chuyện mình, mở cửa xe đã nghe tiếng nói:

– Kìa! Ổng thức rồi kìa.

Vũ nhìn kỹ thấy mấy người lơ xe đêm hôm qua đang đứng quanh đó. Chàng khẽ hỏi:

-Thế nào mấy anh? Có gặp không?

Người lớn tuổi hơn lắc đầu:

– Hổng thấy ai giống như vậy hết, thầy à!

Vũ xem đồng hồ đã sáu giờ hớn, nên hỏi tiếp:

– Bộ xe chạy hết rồi sao?

Nhiều tiếng đáp:

– Vâng.

– Dạ, đi hết rồi.

Vũ bước xuống xe nhìn về phía bến trống trơn. Trong lòng Vũ ngao ngán hơn bao giờ hết. Có lẽ từ đây và mãi mãi chàng sẽ không bao giờ gặp lại Hiền. Mấy người lơ xe thấy Vũ buồn bã như vậy thì không ai nói lên điều gì nữa và lảng dần đi.

Hiền không về Phước Định, không lên Sài Gòn hay đi nơi khác thì chắc chắn nàng còn ở Cái Bè, nhưng ở đâu mới được chớ! Chợ quận bé nhỏ như thế nầy, chàng không kiếm ra Hiền sao? Vũ đậu xe ở đó rồi thả bộ ra chợ. Chàng mong gặp Hiền dẫn bé Lệ đi ăn sáng.

Nhưng rồi cũng hoài công. Vũ tìm kiếm khắp nơi mà không có kết quả gì hết. Chiều hôm đó, chàng quay về Sài Gòn, trong lòng mang theo một sự buồn chán miên man…

***

Hiền đứng ngập ngừng mãi trước tiệm cầm đồ không dám bước vào. Mấy người khách đến sau nàng đã “gởi” đồ xong ra về. Có người ra cửa tiệm, còn thấy nàng đứng đó thì thoáng nét ngạc nhiên nhưng lại bước đi ngay. Hiền cũng đã từng quen với cảnh sống thiếu trước hụt sau, nhưng chưa bao giờ đi tới nước phải cầm bán những món nữ trang lưu niệm của mẹ nàng.

Nàng nắm chặt xâu chuỗi hạt vàng trong tay, nghẹn ngào chua xót. Mẹ nàng ở bên kia thế giới, chắc không bao giờ ngờ, có ngày nàng phải khốn đốn như thế này. Hiền có thể sống chật vật, nhịn ăn nhịn mặc hơn nữa để khỏi cầm bán những lưu niệm của mẹ, nhưng bé Lệ đang đau nặng, không tiền thang thuốc, dù bán đến xác thân, nàng cũng không từ. Hai ngày rồi, Lệ cứ nóng mê man, thỉnh thoảng mới tỉnh lại. Hiền đã bồng đến thầy y tá ở gần chích mấy mũi thuốc, song không thấy thuyên giảm. Thầy y tá lộ vẻ âu lo, bảo nàng:

– Tôi sợ cháu mắc bệnh thương hàn, chị liệu mà đưa đi bác sĩ.

Hiền choáng váng cả mặt mày khi nghe những lời đó. Bé Lệ bị thương hàn. Trời ơi! Nàng phải làm sao bây giờ? Người mà nàng nghĩ đến đầu tiên là Vũ nhưng rồi nàng lại xua đuổi ý nghĩ đó ngay. Dù gì nàng cũng lo liệu cho con, chớ không muốn làm bận lòng ai cả. Ba ba tháng qua rồi, từ ngày lên Cái Bè, không gặp người chủ tiệm may mà Giáo Hoài đã giới thiệu, Hiền đem con về Mỹ Tho sống tạm bợ ở ngoại ô. Nàng không còn muốn gặp ai nữa hết, nhứt là Vũ.

Chiều hôm ấy, ở Cái Bè, sau khi xuống bến đò không còn một chiếc ghe nào cả, Hiền lo lắng trong lòng vì ở kẹt lại đây, mẹ con nàng biết đùm đậu nơi đâu. Nàng đang lang thang dẫn con tìm khách sạn thì bất ngờ gặp bà Sáu một người bạn của mẹ nàng trước kia. Bà Sáu có chồng “khách trú” mở tiệm bán chạp phô ở chợ nầy. Nhờ chỗ quen biết cũ, Hiền xin bà Sáu cho ở tạm một đêm rồi mai nàng sẽ về Phước Định. Bà Sáu sẵn lòng giúp nàng vì cũng hiểu rõ phần nào hoàn cảnh của Hiền. Bà còn muốn Hiền ở chơi ít lâu với bà, nhưng qua đêm ấy Hiền cảm thấy bất tiện vì hình như bà Sáu muốn làm mai nàng cho người em chồng của bà, đang giúp việc trong tiệm.

Sáng sớm, Hiền cám ơn bà Sáu rồi xin phép dẫn con đi. Nhưng khi qua ngang bến xe, nàng chợt thấy chiếc xe của Vũ. Hiền run rẩy cả chân tay, bé Lệ không hiểu chuyện gì, lo sợ hỏi mẹ:

– Gì vậy mẹ?

Hiền cố gắng gượng cho con khỏi để ý rồi bước đi mau. Nàng vào một quán nước, cho con ăn điểm tâm, nhưng sự thật là để trấn tình lòng mình. Vũ có mặt ở Cái Bè? Tại sao biết nàng đang ở đây? Hiền đoán chắc Vũ đã xuống Phước Định và hỏi dò vợ chồng Giáo Hoài mới biết nơi nàng đến… Bây giờ Hiền không biết phải lánh mặt nơi nào, để khỏi phải gặp Vũ.

Nhứt định là không thể về làng được nữa rồi! Hiền nhớ mình đã dặn dò cậu Giáo nhiều lần, không hiểu sao cậu lại nói hết cho Vũ nghe để chàng tìm sang đây? Hiền không tin Giáo Hoài đã thật thà chỉ chỗ ở của nàng, mà chắc là bà Giáo chớ không ai khác. Có lẽ Vũ đã đến tiệm may Hương Hoa và vì không thấy nàng nên mới đậu xe ở đó để đi tìm. Bây giờ nàng phải liệu sao chớ chẳng lẽ ở đây để gặp Vũ? Giáp mặt chàng rồi sợ nàng không đủ can đảm để bỏ đi. Trời vừa sáng, có muốn về Phước Định cũng không có đò… mà ra bến xe đi Sài Gòn thì ngại gặp Vũ.

Không lẽ nàng lại quay về tiệm chạp phô của Bà Sáu ? Đã từ giã đi rồi còn trở lại thiệt là kỳ. Nhưng nếu hai mẹ con nàng ở lại Cái Bè thì nhứt định Vũ sẽ tìm thấy ngay. Một chiếc xe “lô” nhỏ rề rề trước tiệm nước và người lơ ngồi phía sau cất tiếng hỏỉ vang lên:

– Ai… Mỹ Tho. Ngã ba Trung Lương?

Hiền đứng phắt dậy gọi lớn:

– Xe ngừng lại.

Mấy người ngồi trong quán đều nhìn nàng. Hiền không chú ý đến họ mà chỉ nghĩ đến phương tiện để rời khỏi Cái Bè. Nàng trả tiền xong, bồng bé Lệ và xách va li ra xe.

Nàng khẽ nói:

– Mình đi nghe con.

Lệ nhìn chiếc xe lô hỏi mẹ:

– Đi đâu vậy má.

– Đi Mỹ Tho.

– Chi vậy?

Hiền không biết phải trả lời với con như thế nào, vì chính nàng cũng chưa rõ mình đi Mỹ Tho để làm gì? Nàng sợ phải giáp mặt Vũ, nên đi đâu cũng được miễn rời khỏi Cái Bè ngay. Hiền cũng không muốn cho con biết là cha nó đang có mặt ở đây. Khi hai mẹ con lên xe rồi, bé Lệ còn hỏi nàng:

– Mình đi Mỹ Tho chi vậy?

Hiền đành phải đáp:

– Đi sang đó ở. Con chịu hông?

Bé Lệ nhìn mẹ:

– Ở với ai vậy má?

– Thì má ở với con, con ở với má, được hông?

Một bà ngồi gần bên Hiền, nghe hai mẹ con nói chuyện với nhau, vụt phì cười. Bà thấy bé Lệ kháu khỉnh, nên hỏi Hiền:

– Cháu mấy tuổi rồi cô?

– Dạ gần bảy tuổi đó!

Bé Lệ vụt hỏi mẹ:

– Má à. Sao không về Sài Gòn với ba con?

Hiền sợ người chung quanh hiểu biết chuyện riêng của mình nên trừng mắt ngó con. Bé Lệ sợ mẹ cúi mặt. Hai mẹ con chỉ trao đổi với nhau bằng khóe mắt, nhưng bà lão ngồi gần bên cùng chú ý thấy. Bà không nói gì nhưng để ý nhiều đến hai mẹ con Hiền. Lúc xe đến chợ Mỹ mọi người đều xuống, bà lão thấy Hiền có vẻ bỡ ngỡ, tay xách va ly, tay dắt con, mắt nhìn dáo dác thì thương hại hỏi:

– Cô có nhà quen ở đây không?

Hiền nhìn bà lào thấy khuôn mặt hiền hậu của bà thì tin tưởng ngay. Nàng lắc đầu:

– Dạ… cháu…

Bà lão thấy mình đoán đúng, liền tiếp:

– Cô đến đây có việc gì?

– Dạ… không…

– Không! Vậy cô định đi đâu?

Hiền kéo con vào sát mình rồi đáp:

– Cháu muốn tìm một nơi ở tạm trong ít lâu.

Bà lão lặng thinh nhìn Hiền, rồi nói:

– Nếu cô không nghi ngờ gì tôi… thì tôi xin chỉ cô một chỗ ở.

Hiền mừng rỡ nói:

– Thưa bà. Được thế còn gì bằng. Nhưng bà làm ơn chi giùm chỗ rẻ rẻ… chớ cháu không dư tiền nhiều.

Bà lão gật đầu:

– Tôi hiểu lắm!

Bà lão kêu xe lôi đưa bà và mẹ con Hiền trở ra Ngã ba Trung Lương. Đi một đỗi chưa đến Ngã ba, bà bảo xe ngừng lại rồi đưa mẹ con Hiền về nhà bà ở sát mé lộ. Ở đây, cảnh sống nửa chợ, nửa quê, nên Hiền vừa lòng lắm. Bà lão thật tình tốt bụng và ai ở trong xóm cũng đều quí mến. Họ gọi bà bằng bà Hai, nên Hiền cũng bắt chước gọi theo.

Chồng bà chết đã lâu, con cái của bà đều có chồng có vợ hết rồi, người nào cũng ở riêng. Bà ở một mình với đứa cháu họ xa, sống nhờ vườn cây hương hỏa. Bà Hai muốn mẹ con Hiền ở chung với bà, nhưng Hiền ngại sự chung đụng lâu ngày sẽ làm sứt mẻ tình thương, như giữa nàng và vợ Giáo Hoài trước kia. Nàng tìm cách từ chối khéo và nhờ bà Hai kiếm cho một căn nhà nhỏ, ở gần đó.

Ba tháng đi qua, cảnh sống của nàng thật êm đềm. Bà Hai và lối xóm đều mến tánh tình của Hiền nên giúp đỡ tận tình. Hiên giữ ý, không vì thế mà lợi dụng lòng tốt của mọi người. Số tiền dành dụm hết lần hồi, nên Hiền rất lo âu. Nàng định xoay sở làm ăn để nuôi con. Bà Hai cũng hiểu đại khái về gia cảnh của nàng nhưng thấy Hiền quá giữ ý, bà không hỏi thêm. Bà cứ tưởng Hiền ở đó rồi thỉnh thoảng chồng đến thăm để lo lắng cho mẹ con nàng. Bà nghĩ lầm là Hiền “làm bé” cho một ông nhà giàu nào đó.

Đến lúc Hiền cho biết sự sống thiếu hụt của mình, bà Hai ngạc nhiên hỏi:

– Thế ra, cháu không còn ở với… ông ấy sao?

Hiền lắc đầu đáp:

– Dạ, con lánh mặt mà đi đó, bà ạ!

Bà Hai thở dài nói:

– À, thì ra vậy! Được rồi, cháu cứ ở đây, mình “có mắm ăn mắm, muối ăn muối” lo gì? Chừng nào dì đói thì mẹ con cháu đói.

Hiền cảm động trước những lời nhân hậu ấy, nhưng bà Hai cũng không mấy khá, thêm mẹ con nàng là thêm gánh nặng. Nàng toan tính làm đủ mọi chuyện để kiếm tiền nuôi con, nhưng rốt cuộc rồi cũng chưa có việc nào xong. Bà Hai thỉnh thoảng lại bảo cô Lành, cháu bà, mang gạo, khô, mắm muối, cho mẹ con Hiền. Bà giúp Hiền như thế là nhiều lắm rồi. Hiền cũng biết vậy. Và để đền đáp lại ơn bà. Hiền thường vào nhà làm việc vặt vạnh giúp đỡ bà. Nàng làm vườn, tưới cây, trồng trọt cũng như cô Lành khiến bà Hai đã mến càng mến hơn. Nhưng đột nhiên, bé Lệ lâm trọng bệnh, Hiền lo lắng vô cùng. Nàng nghe thấy y tá bảo nó bệnh “thương hàn” thì muốn điên luôn.

Bà Hai mỗi ngày đều có ra thăm Lệ. Bà đưa một số tiền để Hiền chạy thuốc cho con, nhưng Hiền từ chối vì thấy mình đã nhờ vả bà quá nhiều:

– Thưa dì… con còn tiền đủ lo thuốc cho cháu mà. Dì bận bịu vì con quá hiều rồi.

Bà Hai lắc đầu:

– Cháu đừng nói thế mà dì phiền lòng. Hãy cầm tiền này lo cho cháu Lệ.

Túng thế, Hiền phải cầm số bạc bà Hai. Nhưng tiền kia chỉ đi bác sĩ được một lần là hết. Bác sĩ khuyên nàng lo đưa cháu lên bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn điều trị. Hiền nghe nói rụng rời cả tay chân. Hàng về nhà chỉ biết ôm con mà khóc. Tiền đâu để đi Sài Gòn trị bệnh cho con. Nhưng nàng giấu biệt, không dám nói chuyệo đó cho bà Hai biết.

Bất đồ, nàng nghĩ đến xâu chuỗi hạt vàng của mẹ để lại, có gần bốn chỉ. Nàng cầm xâu chuỗi, nước mắt chảy quanh. Đây là vật thân yêu cuối cùng của mẹ đã để lại cho nàng. Bây giờ cũng phải mang đi cầm bán. Chắc mẹ ở suối vàng cũng không nỡ phiền giận nàng! Hiền cứ ngập ngừng mãi trước cửa tiệm cầm đồ nhưng sau cùng cũng phải vào. Ông chủ hơi sồn sồn, ngồi trước cán cân, ngẩng lên nhìn nàng hỏi:

– Cầm gì đó?

Hình như ai bước vào tiệm nầy, lão cũng hỏi câu thông thường ấy. Hiền đưa sâu chuỗi hạt vàng qua hộc cửa nhỏ chỗ hàng song bằng cây, khẽ nói:

– Tôi muốn cầm vật này.

– Vàng hả?

– Dạ.

Lão cầm xâu chuỗi lên, nhấc nhấc thử хеm nặng nhẹ rồi bảo Hiền:

– Không đầy nửa lượng đâu!

Hiền thật thà đáp:

– Dạ… hồi đó má tôi làm có bốn chỉ.

– Chắc đeo lâu rồi hả.

– Dạ cũng lâu rồi.

Lão làm ra vẻ sành sỏi:

– Ờ, đeo lâu thì tự nhiên nó “mòn” đi.

Hiền nào hiểu sự thật có đúng như vậy chăng, nhưng cũng vâng dạ. Người chủ tiệm cầm đồ hạ mắt kiếng xuống liếc nhìn Hiền. Chừng như thấy nàng có vẻ quê mùa, lão cất giọng nghiêm nghị:

– Mà chuỗi này có phải của cô không?

Hiền nhìn sững lão ta, gật đầu đáp:

– Dạ… phải. Sao… ông hỏi kỳ vậy?

– À, ở đây tôi phải hỏi kỹ, nhiều khi gặp đồ gian thì hại cho tôi sao?

Hiền bị chạm lòng tự ái, nói lớn lên:

– Ông đừng nói thế? Đồ của tôi đem đến cầm mà ông muốn ám chỉ gì vậỵ. Hay tại ông thấy tôi quê mùa, muốn “bắt nạt”. Ông cầm hay không trả lại tôi.

Thấy Hiền cũng không vừa gì, ông ta đấu dịu:

– Kìа cô! Tôi nào có nói gì đâu .Vậy chớ cô muốn cầm bao nhiêu!

Đến phiên Hiền lúng túng, không biết phải trả lời sao? Nàng hụt tiền lo thuốc cho con thì chạy cầm đồ chớ giá cả nàng nào biết thế nào. Người chủ tiệm lại hỏi thêm:

– Cầm bao nhiêu? Cô nói đi.

Nàng định nói “bảy trăm đồng”. Nhưng không biết số tiền đó quá nhiều hay ít. Có được bảy trăm, nàng mới có hy vọng chạy chữa cho con. Thấy người chủ tiệm hất hàm toan hỏi lần thứ ba thì Hiền nói:

– “Bảy trăm” (Giá trị đồng tiền hồi năm 1950 ở Sài Gòn được không ông?

Lão ta nhìn thẳng vào mặt Hiền với đôi mắt tự nhiên, nên Hiền không thể đoán được mình có nói đúng giá hay chàng? Thật ra giá vàng đang lên, mà Hiền đòi hỏi như thế là quá ít, song ngưởi chủ tiệm có dại gì mà nói thêm. Lão ta gật đầu nói:

– Thôi được rồi! Cô đưa “lách xê” cho tôi.

Hiền hơi bất ngờ trước câu hỏi đó. Cầm đồ mà cũng phải trình giấy thông hành nữa sao? Nhưng xét kỹ không có hại gì cho mình, Hiền liền đưa giấy cho người chủ tiệm. Hắn ta ghi tên họ cùa nàng vào sổ rồi lấy tiền trao cho Hiền nói:

– Ở đây, tôi cầm lời ít thôi: 10 phân, cô liệu chuộc sớm, đừng để quá 6 tháng thì mất đó. Vài ba tháng đến trả tiền lời rồi thay giấy khác.

Hiền về đến nhà, bé Lệ vẫn nóng mê man. Cô Lành ngồi túc trực bên nó, thấy nàng về liền nói:

– Cháu nói sảng bậy bạ, chị à!

Hiền rờ đầu con, nét mặt lo âu. Nàng quay sang Lành:

– Tôi định đưa cháu lên nhà thương Chợ Rẫy. Bác sĩ khuyên thế đó.

Trong khi ấy, bà Hai cũng vừa ra tới. Bà dở nón xuống hỏi ngay:

– Cháu Lệ thế nào?

Hiền khẽ đáp:

– Dạ cháu vẫn không bớt, dì à! Con định đưa cháu lên Sài Gòn. Bác sĩ khuyên như thế! Họ nghi nó bị thương hàn. Nó nóng quá độ.

– Thương hàn là bệnh gì?

Cô Lành nói nhỏ bên tai bà:

– Bệnh ban cua lưỡi trắng đó.

Bà Hai sửng sốt kêu lên:

– Ý trời! Bệnh đó hả. Ờ! Nó nóng quá đây mà. Con liệu đưa cháu đi đi. Chừng nào?

– Dạ, con định đi liền bây giờ!

Bà Hai có vẻ lo nghĩ:

– Cha… lứa chuối nó mới bỏ cọc làm sao?

Rồi bà quay sang cô Lành:

– Con chạy lên nhà thím Hương sư Thoại bảo đưa trước cho dì một mớ, rồi mai bẻ chuối tính luôn thể.

Cô Lành toan đi thì Hiền ngăn lại:

– Thôi cô!

Bà Hai ngạc nhiên hỏi Hiền:

– Sao vậy?

Nàng nhìn Bà Hai cảm động:

– Dạ… Con có tiền.

Bà Hai nhìn nàng nghi ngờ:

-Tiền đâu con có?

Hiền thở ra:

– Dạ… Con cầm xâu chuỗi của mẹ con.

– Cầm chi vậy hông! Dì bảo dì có tiền mà.

– Con nhờ vả dì nhiều quá rồi. Như vậy coi không tiện.

– Cái gì mà không tiện. Thôi được. Có đi thì đi cho mau mắn. Lần nầy về. Dì không cho ở riêng nữa. Dì trả nhà lại, hai mẹ con vô ở với dì và con Lành, Nhà có cháu Lệ cũng đỡ quạnh hiu.

Lành cũng mến mẹ con Hiền, nói thêm vào:

– Chị đem cháu vào ở chung, không có gì ngại cả.

Hiền cảm động rơm rớm nước mắt trước mối cảm tình sâu xa đó. Đời nàng tuy lao đao, lận đận, nhưng cũng có nhiều may mắn bất ngờ. Nếu không gặp bà Hai trên chuyến xe đi Mỹ Tho thì không biết cuộc đời nàng đã ra sao rồi?

Nàng cất tiếng:

– Con bây giờ thật bơ vơ, tứ cố vô thân chỉ còn trong cậy vào tình thương của dì và cô Lành.

– Cháu đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Hãy lo cho bé Lệ hết bệnh đã. Mà cháu định lên đó rồi ở đâu?

Hiền chỉ lo ngại mình lên Sài Gòn sẽ gặp Vũ hoặc ông Thiện, Mộng Ngọc hay cô Liễu. Nếu gặp họ thì nàng khó tính lắm. Đã bỏ đi rồi mà còn trở lại làm gì cho thêm phiền! Nhưng bệnh tình bé Lệ trầm trọng quá, nàng không lên Sài Gòn cũng không được. Nàng vội đáp lời bà Hai:

– Dạ, chắc là con đem cháu vào nhà thương rồi ở luôn trong ấy với nó.

Cô Lành nói:

– Liệu có xin vô được không, chớ em nghe nói nhà thương Chợ Rẫy khó vô lắm.

Hiền cất giọng lo ngại:

– Tôi cũng chưa đến đó lần nào cô à. Nhưng… người ta sao mình vậy chớ. Không lẽ bệnh cháu nặng mà họ để cháu chết ở ngoài đường sao?

Bà Hai rầy nàng:

– Ậy! Đừng nói vậy không nên.

Bà Hai tánh hay kiêng kỵ, nên nghe Hiền nói lỡ lời thì suýt xoa mãi:

– Ăn nói phải giữ lời. Các cô bây giờ sao muốn nói gì thì nói hà.

Hiền cúi xuống ôm con như ngầm nhìn nhận sự vô ý của mình.

Bà Hai bảo Lành:

– Thôi, về lo cơm cho chị Hiền mầy ăn, rồi hẳn đi. Hiền nghe giọng nói dịu dàng cửa bà mà nhớ đến những lời khuyên dạy của mẹ ở những ngày xa xưa.

error: Content is protected !!