Đôi mắt người xưa – Chương 5

Vũ ngừng xe trước cổng biệt thự, chị bếp bước xuống, cất tiếng gọi:

– Chú Hai… mở cổng, ông đem xe vô.

Chú gác dan đang thiu thiu ngủ giấc chiều, bỗng choàng tỉnh, lồm cồm bò dậy:

– Ai đó? Thím Ba hả? Đi đâu dữ vậy?

Khi ra đến bên ngoài, nhìn thấy Vũ đang chờ cho xe vô, chú lật đật mở cổng. Chị bếp nhìn vào nhà trong, khẻ hỏi:

– Bà có hỏi tôi không?

– Sao lại không? Thím đi lâu quá mà!

– “Người ta” tìm không ra phòng mạch của bác sĩ, chớ bộ đi chơi sao?

Chú gác dan ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao đi tìm bác sĩ mà thím nói là đi chợ?

– Thì “người ta” không muốn bà biết.

– Ờ há! Nhưng bà đâu có tin thím đi chợ.

Chị bếp ngơ ngác nhìn chú Hai, trong lúc Vũ chạy xe vào trong sân. Chàng xuống xe bước mau vào nhà, trong lòng nôn nao hơn bao giờ hết. Chị bếp đã kể cho chàng nghe hết nổi lòng Hiền, khiến Vũ bàng hoàng trước một sự thật. Vũ bỏ ngang công việc trong phòng mạch, trước sự ngạc nhiên của Liễu rồi đi ngay. Chàng biết mình không khéo xử trí, đã tạo thêm nhiều ngang trái nữa rồi. Vũ định gặp Hiền, nhìn nhận sự lầm lẫn của mình và mong nàng tha thứ lần chót. Chàng vào bên, trong cất tiếng gọi:

– Hiền! Em Hiền…

Không có tiếng đáp. Biệt thự lặng trang. Vũ có ý nghi ngờ, bước thẳng vào phòng Hiền. Trong phòng chẳng còn ai! Bé Lệ cũng chẳng còn nằm ở trên giường, cửa tủ mở tung ra. Vũ biết có chuyện không lành, nên bước ra cửa sổ gọi chị bếp:

– Dì Ba!

Chị bếp đã được chú gác dan cho biết Hiền đã ra đi nên chết điếng trong lòng. Chừng nghe tiếng Vũ gọi, chị chạy nhanh vào nhà. Vũ thấy chị liền nói:

– Nguy rồi dì. Hiển đã bỏ đi.

Chị bếp vừa thở vừa nói:

– Dạ chú gác dan cũng vừa cho tôi biết. Mợ dẫn cháu Lệ đi và có đem va li theo nữa.

Vũ mất hết bình tĩnh, nói to lên:

– Kêu chú ấy vào đây!

Chị bếp sợ hãi chạy ra gọi người gác cổng, trong lúc Vũ buông mình ngồi xuống chiếc ghế gần cửa sổ. Hiền đã đi rồi. Mà đi đâu mới được chớ? Chắc là nàng có nói với người gác dan. Không lý nàng ra đi mà chẳng nhắn nhủ với mình một lời nào sao? Dù là một lời trách cứ! Chú Hai lo lắng bước vào nhà, nhìn Vũ, chị bếp theo sau. Vũ nghe tiếng chân hai người, quay lại hỏi:

– Bà đi đâu chú?

Chú gác dan lắc đầu:

– Dạ… Tôi không biết! Bà và cháu Lệ ra cửa có xách va li nữa, rồi bảo tôi đi kêu xe.

Vũ nóng nảy hỏi tiếp:

– Bà có dặn dò gì không?

Chú ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Dạ có.

– Dặn điều gì?

– Dạ, bà bảo tôi, hãy coi nhà cẩn thận.

Vũ biết người gác cổng không hiểu gì hết, nên khoát tay:

– Thôi, chú ra ngoài đi. Cám ơn chú.

Chú Hai riu ríu vâng lời. Nhưng chú vừa ra đến cửa thì Vũ đã gọi giựt lại:

– Chú Hai!

– Dạ.

– Bà đi hồi nào? Lâu chưa?

Chú nín lặng như để nhớ lại rồi nói:

– Dạ lâu rồi. Ông khách về một lúc thì bà đi.

Vũ và chị bếp đều kêu lên một lượt:

– Ông khách?

– Khách nào hả chú?

Chú gác dan lắc đầu nói:

– Dạ tôi làm sao biết được. Ông ấy già rồi, coi có vẻ sang trọng lắm!

Vũ tưởng mình điên lên được. Chàng đứng dậy đi về phía chú Hai, hỏi lớn:

– Ông khách ra làm sao? Chú nói lại cho tôi nghe coi. Ổng vào đây để làm gì?

Chú Hai sợ sệt:

– Dạ… Chị… chị bếp đi được một lúc thì ông… ấy tới gọi cổng, hỏi có phải nhà bác sĩ không? Tôi nói bác sĩ không có ở nhà, ông ấy bảo chỉ muốn gặp bà thôi và… nói là bà con với bà…

Vũ kêu nhỏ:

– “Bà con” với Hiền! Mà là ai?

Chàng nhủ thầm: “Không lý giáo Hoài? Người này gỉà rồi kia mà! Vậy thì là ai? Hay là cha ruột của Hiền? Làm thế nào cha Hiền biết được Hiền đang ở đây mà tìm đến? Hơn nữa, ông đã từ bỏ nàng rồi kia mà? Nàng ở cùng làng, ông còn không nhìn, đừng nói chi đi nơi khác”. Vũ lại hỏi chú gác dan:

– Bà đi bằng gì?

– Dạ, bằng xích lô.

Vũ ngẫm nghĩ: “Có thể Hiền ra xe để về dưới quê chăng?” Chàng vội bảo chị bếp và chú gác dan:

– Tôi phải tìm Hiền mới được.

Chàng bước ra khỏi phòng. Chị bếp chạy theo sau gọi:

– Thưa ông! Ông định đi đâu?

Vũ đáp:

– Tôi ra bến xe! Chắc Hiền đi về dưới chớ chẳng đâu xa.

Chị bếp lắc đầu nói:

– Mợ ấy không về quê đâu?

Vũ dừng bước, quay lại:

– Sao vậy?

– Hồi sáng này mợ bảo tôi là bác sĩ biết rành ở nhà quê lắm, mợ mà về đó, ông tìm ra ngay. Bởi thế, mợ nhờ tôi tìm một nơi khác.

Vũ ngồi phịch xuống chiếc ghế “sa lông”. Đột nhiên, Vũ nhìn thấy một gói giấy để trên bàn. Chàng mở га хеm và bất ngờ nhìn thấy một bó giấy bạc. Chú Hai và chị bếp đều kêu lên:

– Tiền!

– Trời, tiền của ai vậy?

Vũ cũng ngơ ngác nhìn hai người không hiểu chuyện gì? Chú Hai ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Chắc là tiền của ông hồi nãy để quên.

Vũ nhủ thầm: “Không có lẽ ngưởi ta lại bỏ quên một số tiền lớn như vầy. Chắc chắn bó bạc này là nguyên cớ của một chuyện gì đó?”. Vũ chợt nghĩ đến ông Thiện, cha vợ của chàng. Hay là… chính ông ấy đã đến đây? Vũ đứng thẳng lên, nắm chặt lấy gói bạc. Phải rồi! Ông Thiện đã mang tiền đến đây để mua chuộc Hiền, khiến nàng tủi nhục mà ra đi. Chàng thấy máu nóng dồn lên trên mặt. Nếu sự thực là thế, thì chàng sẽ không bao giờ tha thứ cho ông Thiện. Tại sao ông cứ chen vào chuyện riêng tư của chàng? Chị bếp thấy thái độ của Vũ như thế thì lo sợ hỏi:

– Thưa ông… tiền gì vậy?

Vũ nhìn chị, dịu xuống:

– Tôi cùng chưa biết nữa, dì Ba… Nhưng chắc chắn số bạc nầy là nguyên nhân khiến Hiền vội vã ra đi.

Chị bếp rớm rớm nước mắt:

– Tội nghiệp mợ, đi mà không biết đi đâu? Ở Sài Gòn nầy nào có quen ai? Cháu Lệ lại chưa hết bệnh.

Vũ bối rối vô cùng. Con chàng có thể trở bệnh lại lắm. Chàng không làm sao đoán được nơi Hiền sẽ tới? Không về dưới nhà, không quen biết một ai ở Sài Gòn, vậy nàng mang con đi đâu? Vũ bỗng nghĩ đến cô y tá của mình. Ờ, Hiền chỉ biết có nhà cô Liễu thôi. Hay là nàng đến đó? Có thể như vậy lắm? Mẹ Liễu cũng thương nàng mà. Chàng quay sang bảo chị bếp và chú Hai:

– Tôi đi tìm Hiền đây. Chắc nàng ở luẩn quẩn những nơi quen biết chớ không đâu xa.

Vũ bước ra xe trong lúc chú Hai chạy nhanh ra mở cổng. Chị bếp nhìn theo chàng, thầm cầu trời khẩn phật cho Vũ gặp được Hiền, chị đỡ ân hận. Phải chi lúc trưa chị đừng đi tìm Vũ và âm thầm giúp Hiền thì hoàn cảnh của nàng đâu có gì đáng ngại. Dù Hiền không được sung sướng như ở đây, nhưng cũng không đến nỗi bơ vơ. Bây giờ nàng thui thủi một mình trên dường đời nhiều cạm bẫy. Trách nhiệm phần lớn là do chị.

Trong khi đó, Vũ mở hết tốc lực cho xe thẳng đến nhà Liễu, trong lòng nôn nao hơn bao giờ hết. Nếu không gặp được Hiền ở đó thì chàng sẽ đi quanh các bến xe. Chàng nhứt định đi tìm cho được Hiền, dù phải khổ công đến thế mấy cũng vậy. Càng nghĩ chàng càng thấy quí trọng Hiền hơn. Nàng vẫn yêu chàng mà đành câm lặng ra đi cho gia đình chàng được tròn vẹn hạnh phúc. Xe đến trước cửa nhà Liễu, Vũ thắng mạnh rồi mở cửa bước xuống xe. Chàng ngẩn người khi thấy cửa rào đóng kín, bên trong không một bóng người. Vũ có cảm tưởng như cả nhà đều đi vắng. Liễu ở phòng mạch chưa về, còn mẹ nàng không có ở nhà thì đi đâu? Vũ tìm nơi để bấm chuông điện nhưng nhà nầy không có chuông, chàng cất tiếng gọi to lên:

– Có ai ở nhà không?

Thiếu phụ ở nhà kế cận bước ra cửa nhìn Vũ hỏi:

– Ông tìm ai?

– Bà cụ má cô Liễu đi đâu vắng hả bà?

Thiếu phụ đáp nhanh:

– Bà ấy đi về quê. Cô Liễu đi làm. Ông có cần nhắn gì không?

Vũ ngập ngừng đáp:

– Dạ không. Nhưng… Thưa bà…

Vũ nghi ngờ Hiền đã đến đây rồi mẹ Liễu đưa nàng về quê; song chàng không biết phải hỏi thế nào cho xuôi chuyện. Thiếu phụ thấy chàng ngập ngừng thì đứng lặng yên chờ đợi. Vũ hỏi nhanh:

– Xin lỗi bà. Không biết bà cụ về quê từ bao giờ?

– Hồi chiều hôm qua. Ờ, hồi nãy cũng có người hỏi như ông vậy.

Vũ hấp tấp:

– Người ấy như thế nào, thưa bà? Có phải là một thiếu phụ không?

Thiếu phụ gật đầu:

– Đúng! Bà ấy có dẫn theo một em bé nữa.

Vũ không để cho thiếu phụ kịp dứt lời, kêu lên:

– Hiền! Chính Hiền chớ không ai khác!

Thiếu phụ ngơ ngác:

– Ông nói chi?

– Dạ không! “Người ấy” đi đâu rồi, thưa bà?

Thiếu phụ lắc đầu nói:

– Tôi đâu biết! Bà ấy hỏi thăm má con cô Liễu, tôi bảo bà cụ về quê, còn cô Liễu đi làm. Bà ấy khóc, rồi dẫn con đi.

Vữ khổ sở quá. Chàng không biết phải làm sao để tìm gặp Hiền. Nàng đến đây không gặp bà cụ mẹ Liễu, nên tuyệt vọng mà khóc. Không biết nàng đang đi về đâu? Có thể vì quá đau khổ mà nàng đã… Ý nghĩ đó khiến Vũ rụng rời cả tay chân. Vũ vội vã đi ra xe, quên cả chào người đàn bà đã tiếp chuyện với mình. Thiếu phụ hình như cũng đã thấy vẻ bối rối trên khuôn mặt của Vũ, nên chẳng phiền, mà còn nhìn theo chàng với đôi mắt ái ngại. Vũ vừa mở cửa xe, chưa kịp leo lên, đã nghe có tiếng gọi:

– Bác sĩ! Bác sĩ!

Chàng nhìn lại thấy Liễu đang dựng xe đạp ở sau xe chàng. Liễu hỏi Vũ:

– Bác sĩ tìm tôi hả? Tôi vừa ở phòng mạch về.

Vũ lắc đầu:

– Không đâu cô Liễu! Tôi đi tìm Hiền.

– Cô Hiền đi đâu mà tìm? Bác sĩ nói sao?

Liễu sửng sốt hỏi dồn dập khiến Vũ không kịp trả lời. Nàng tiếp:

– Bác sĩ đã gặp cô Hiền chưa?

Vũ thở dài đáp:

– Hiền bỏ đi rồi cô à! Lúc nãy, theo lời người ở cạnh nhà cô thì nàng có đến đây.

Liễu băn khoăn lắm, nàng hỏi Vũ:

– Nhưng tại sao Hiền lại bỏ đi? Tôi thật không thể nào hiểu được! Còn bé Lệ?

– Bé Lệ thì Hiền cũng đem đi theo.

– Trời ơi! Cháu còn đang bệnh mà.

– Tôi khổ quá cô Liễu! Rủi mẹ con Lệ có bề nào chắc tôi phải khổ suốt đời.

Liễu nín lặng nhìn Vũ, chờ đợi những lời bày giải của chàng về việc Hiền bỏ đi. Nàng tưởng Vũ giải quyết xong xuôi cả rồi, ngờ đâu lại xảy ra cớ sự. Vũ bỗng nói:

– Tôi vì theo lời Mộng Ngọc mà gây thêm sự khổ cho Hiền.

Liễu lẩm bẩm:

– Bà Mộng Ngọc! Bà đã nói gì?

Vũ đáp:

– Mộng Ngọc không là người nham hiểm chắc cô cũng nhận thấy thế?

– Vâng.

– Không hiểu sao nàng lại có ý nghĩ là Hiền lên Sài Gòn tìm tôi không phải vì còn yêu tôi mà là vì tương lai của con.

Liễu kêu lên:

– Ý bà cho rằng cô Hiền chỉ muốn nhờ vả?

– Đúng! Nhưng tôi không tin là ý nghĩ của nàng mà là của cha vợ tôi.

– Ông Thiện?

– Phải! Ba tôi sắp đặt tất cả. Ông xúi vợ tôi nói ra ý đó để cho tôi lầm hỏi qua Hiền rồi chính ông lại mang tiền đến mua chuộc nàng.

Vũ móc túi lấy gói bạc đưa cho Liễu xem:

– Đây, cô thấy không?

Liễu đã biểu hết tự sự nhưng nàng lại nghĩ khác. Lỗi là lỗi của Vũ chớ! Tại sao chàng lại đi hỏi Hiền một điều vô lý như vậy? Chính vì chàng hỏi rõ nỗi lòng của Hiền, nên nàng mới tủi nhục mà có ý định bỏ đi. Hiền còn yêu thương chàng không? Tự nhiên, Vũ phải biết chớ! Liễu ngập ngừng hỏi Vũ:

– Nhưng tại sao bác sĩ lại nghe theo lời bà Mộng Ngọc? Cô Hiền có còn yêu thương bác sĩ hay không, chắc bác sĩ cũng đoán được chớ.

Vũ thở dài:

– Tôi chẳng để ý điều đó cô Liễu! Cho nên khi Mộng Ngọc nói rõ ý nàng, chính tôi cũng thấy có lý. Sở dĩ, tôi hỏi Hiền chuyện đó là chỉ muốn nàng làm lại cuộc đời. Chính tôi sẽ săn sóc, chăm lo cho nàng như một người anh.

Liễu nhìn thẳng vào mặt Vũ nói:

– Như vậy đủ chứng tỏ bác sĩ không còn thương yêu cô Hiền nữa.

Vũ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ muốn Hiền được hưởng đầy đủ hạnh phúc.

Liễu thở dài:

– Hiền ra đi là phải. Nguồn hạnh phúc của đời nàng là tình yêu của bác sĩ, nhưng giờ này được biết rõ bác sĩ không yêu nàng như xưa, làm sao nàng ở lại đây được.

– Nhưng tôi muốn lo cho Hiền mà.

– Hiền không cần thiết chuyện đó đâu. Nàng có can đảm nuôi con trong hoàn cảnh khổ nhục chỉ vì tin tưởng ở mối tình thủy chung của bác sĩ. Bây giờ thì…

Vũ ngồi xuống nệm xe, trong lòng khổ sở vô cùng! Chàng vụt ngẩng lên bảo Liễu:

– Tôi phải tìm cho được Hiền, cô Liễu! Trong lúc này, tôi thấy yêu thương nàng hơn bao giờ hết. Thái độ của Hiền thật là cao quí. Nàng lẳng lặng ra đi để hy sinh cho gia đình tôi tròn vẹn hạnh phúc.

Chàng cho xe nổ máy, Liễu lo sợ hỏi:

– Bác sĩ định tìm cô ấy ở đâu?

– Bất kỳ ở đâu, tôi cũng tìm cho ra Hiền.

***

Mưa đã dứt hột từ lâu, nhưng trời vẫn còn u ám. Bóng tối lan dần trong gian phòng nhỏ, nhưng Vũ không buồn ngồi dậy vặn lấy ngọn đèn.

Chàng nằm yên trong phòng, trên chiếc giường của mẹ con Hiền, tay nắm chặt phong thư mà nàng để lại. Vũ đã tìm Hiền ở khắp các bến xe, bến tàu đưa về Lục tỉnh hay miền Trung nhưng chỉ hoài công. Hiền ví như một cánh chim trời, lạc giữa không gian vô tận. Ai biết được nàng đi đâu mà tìm? Vũ về ngôi biệt thự khi trời bắt đầu mưa. Chàng không có ý định quay về nhà với Mộng Ngọc, sau bao điều ngang trái xảy ra. Chàng nhứt quyết có thái độ với ông Thiện, chớ không còn nhường nhịn nữa.

Xe vừa đến cổng rào thì chú Hai gác dan đã đội áo mưa, chạy ra mở cổng. Chú hỏi Vũ:

– Thưa ông! Ông có tìm được bà không?

Vũ lắc đầu buồn bã cho xe vọt vào trong sân. Đứng trên thềm nhà, chị bếp nhìn ra không thấy bóng Hiền ở trên xe, thì biết không còn hy vọng gì cả. Vũ vừa xuống xe vào nhà là chị đưa ngay một phong thư, nói:

– Thưa bác sĩ, thư của mợ ấy đây.

Vũ sửng sốt nhìn chị bếp rồi cầm lấy bức thư. Chàng thấy đề tên mình trên phong bì liền hỏi tới tấp:

– Ai đưa thư này? Từ hồi nào? Hiền ở đâu hiện giờ, hả dì?

Chị bếp biết ông chủ hiểu lầm nên đáp ngay:

– Dạ không có ai đến cả. Thư nầy mợ để lại trong phòng đó.

– Thế ư? Thôi, cám ơn dì.

Vũ bước thẳng vào phòng. Chị bếp muốn hỏi xem chàng đã tìm Hiền ở những nơi nào, nhưng lại không dám. Chị cũng thương Hiền lắm. Chị quyết lo cho nàng mà lại không giúp được nàng. Chị ân hận vô cùng, song không còn cách nào tìm thấy Hiền được nữa. Vũ khép cửa phòng, mở thư ra đọc. Cách trình bày bức thư và nét chữ quen thuộc của Hiền khiến Vũ nao nao. Hiền có tật không bao giờ đề ngày hay địa điểm trên đầu bức thư.

Nàng cũng mở đầu bằng câu quen thuộc xa xưa:

Anh thân yêu,

Em đã nghĩ kỹ lắm rồi, mới quyết định xa anh, xa mãi mãi…

Anh không nên tìm kiếm phí công vì em và con sẽ đi thật xa, chưa biết dừng lại ở phương nào?

Bây giờ thì em yên tâm lắm vì đã tìm ra phương cách giải quyết êm thắm câu chuyện ngang trái giữa chúng mình.

Anh và chị Mộng Ngọc sẽ không còn bận lòng về em nữa. Em chỉ có lỗi là không thể để bé Lệ về ở với anh chị được. Thật tình em không muốn xa con, vì đó là nguồn an ủi duy nhứt trong đời em.

Xa con làm sao em sống được!

Thôi thế cũng tạm yên rồi! Anh chị hãy xem chuyện vừa qua như một giấc mộng không đâu, và em đã tìm đến đây như một thiếu phụ đã lầm nhà.

Tuy nhiên, em cũng cần nói ra một điều hết sức oan uổng cho mình.

Em không phải vì tương lai hạnh phúc của con mà tìm đến đây để nương nhờ và dối lòng nói yêu anh?!

Không đâu anh Vũ, em vẫn một lòng yêu anh như buổi ban đầu gặp gỡ! Nhiều năm đi qua, em có đủ can đảm để sống nuôi con cũng chỉ nhờ chút tình mong manh đó.

Giờ đây thì em đã hiểu rõ lắm rồi: Em chẳng bao giờ có diễm phúc được anh yêu và những phút gặp gỡ ngày xưa chỉ là sự bồng bột nhứt thời thôi.

Vũ có biết được đâu sự đau xót trong lòng em. Nhưng mà thôi. Có nói ra chỉ làm buồn lòng nhau, chẳng ích gì!

Kể từ nay, em và con xin vĩnh biệt anh.

HIỀN

Vũ đã đọc đi, đọc lại bức thư không biết bao nhiêu lần, lòng chàng xót xa nhiều lắm. Đã một lần, chàng làm khổ đời Hiền, chưa chuộc lại được, bây giờ lại gây thêm tủi nhục cho nàng. Hiền đi về đâu? Trời đi! Phải chi Vũ biết nơi nàng ở, chàng sẽ đến nhận chịu hết những sự lầm lỗi đã qua. Trong thư, Hiền không tỏ một chút gì phiền trách chàng và Mộng Ngọc, song những lời êm dịu của nàng cũng đủ cho Vũ đau khổ suốt đời. Vũ biết rằng từ nay, trên đường đời, chàng không thể nào quên được hình ảnh của Hiền. Nó sẽ ám ảnh chàng mãi mãi, dù những khi ở kề cận bên vợ con.

Vũ ngồi đậy bước xuống giường. Chàng đi quanh quẩn trong phòng, nơi mà Hiền và con chàng đã sống qua. Bên ngoài, trời tối mờ mờ. Xa xa, ở ngoài vòng rào, có ánh sáng phản chiếu của một ngọn đèn đường. Vũ chợt nghe có tiếng xe hơi thắng trước cổng rào, rồi tiếng chuông điện reo vang.

Vũ vội đứng lên, bước đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài rào. Chàng thấy Liễu đang hỏi chuyện chú gác dan thì trong lòng hồi hộp vô cùng. Liễu đến đây làm gì, vào giờ này? Hay là nàng đã tìm ra chỗ Hiền ở, đến báo tin cho chàng biết. Vũ toan mở cửa chạy ra sân để gặp Liễu thì chợt nhìn thấy bóng một thiếu phụ khác đứng sau nàng.

Vũ nhìn kỹ và sửng sốt kêu lên:

– Mộng Ngọc!

Thật không ngờ Liễu dẫn Mộng Ngọc đến đây. Chắc đêm nay, không thấy chàng về nhà, Mộng Ngọc lo sợ đi tìm Liễu và nài nỉ nàng dẫn đến đây.

Vũ băn khoăn không biết phải tính sao? Chàng chưa định được thái độ đối với Mộng Ngọc, sau câu chuyện đau buồn vừa mới xảy ra thì nàng tìm đến… Chàng lánh mặt không tiện mà gặp nàng cũng không biết nói gì? Chú gác dan chừng như đã biết Liễu là người làm cho Vũ, nên mở cổng cho nàng và Mộng Ngọc vào.

Vũ thấy mình không thể không gặp vợ được nên mở cửa phòng, bước ra ngoài. Chàng gặp Liễu và Mộng Ngọc ở phòng khách. Ngọc nhìn thấy chàng đã kêu lên:

– Anh!

Trong lúc ấy, Liễu cúi chào chàng rồi đi thẳng xuống nhà bếp, vì nàng thấy cần để Vũ và Mộng Ngọc nói chuyện riêng với nhau. Đúng như sự suy đoán của Vũ, lúc chập tối khi Liễu vừa ăn cơm xong thì Mộng Ngọc đến hỏi thăm nàng có biết Vũ ở đâu chăng? Vẻ mặt âu lo của Mộng Ngọc khiến Liễu không cầm lòng được. Nàng đã nói thật cho Ngọc biết là Hiền đã bỏ đi và Vũ đang đi tìm. Mộng Ngọc đứng lặng hồi lâu, không nói được một lời. Một lúc, nàng mới hỏi Liễu:

– Hiền đã bỏ đi rồi sao? Tôí không thể nào ngờ. Bây giờ, tôi không biết tìm anh Vũ ở đâu?

Liễu lưỡng lự nhiều lần, trước ý nghĩ đưa Mộng Ngọc đến biệt thự nầy. Nàng biết chắc Vũ sẽ phiền trách mình, nhưng trước nỗi khổ của Mộng Ngọc, nàng không đành lòng. Tuy nhiên, nàng cũng bảo Mộng Ngọc:

– Theo ý tôi thì bà không nên gặp bác sĩ vào lúc này. Ông đang khổ tâm lắm và rất có thể phiền giận vì những chuyện không đâu.

Mộng Ngọc đáp:

– Tôi hiểu lắm cô Liễu! Nhưng thà là gặp Vũ rồi chàng có xử thế nào tôi cũng đành chịu, chớ nằm nhà mà không biết chàng đang làm gì thì tôi lại càng khổ hơn.

Liễu không biết nói sao, đành đưa Mộng Ngọc đến nơi Vũ ở. Giờ đây, qua phút bỡ ngỡ ban đầu, Vũ hỏi vợ:

– Em tìm… đến đây làm gì?

Câu hỏi của chàng lạnh nhạt quá, khiến Mộng Ngọc cảm thấy chua xót vô cùng. Nàng gượng nói:

– Anh đi mãi không về, em không lo làm sao được. Em tìm cô Liễu và đã biết chuyện Hiền bỏ đi.

Vũ ngồi xuống ghế “sa lông”, không nói gì hết, đôi mắt lạnh như băng! Mộng Ngọc cũng ngồi xuông chiếc ghế đối diện với chàng:

– Em thật không ngờ. Tự nhiên sao cô ấy lại bỏ đi?

Vũ nhìn vợ nói:

– Tự nhiên ư? Không đâu. Ở đời có chuyện gì xảy ra mả không có nguyên cớ? Hiền ra đi vì tủi nhục, vì anh đã khinh nàng, vì ba đã khinh nàng. Đây là bức thư của Hiền để lại, em đọc đi… Mộng Ngọc cầm lấy bức thư ngỡ ngàng nhìn Vũ. Sao lại có chuyện cha nàng khinh khi Hiền được kìa? Mộng Ngọc đọc hết bức thư, trong lòng cũng thấy xúc động… Nhưng nàng vẫn chưa hết thắc mắc về chuyện cha nàng khinh Hiền.

Ngọc khẽ hỏi Vũ:

– Ba đã làm gì hả anh? Em không biết gì hết.

Vũ hỏi gằn lại:

– Em không biết thật ư? Chớ không phải ba đã sắp đặt cho em khuyên anh những lời ấy sao?

– Những lời gì hả anh?

– “Là Hiền mang con đến đây cốt để nhờ vả, chớ thật sự nàng không còn yêu anh nữa!”

Mộng Ngọc sửng sốt kêu lên:

– Trời ơi! Sao anh nghi oan cho ba như vậy? Ba đâu làm những chuyện như thế. Ý nghĩ đó của em mà. Vì anh hỏi, em nói ra… Lòng chỉ mong tìm một giải pháp giúp chúng ta khỏi khổ mà cô Hiền công chẳng thiệt…

Vũ cười gằn:

– Bây giờ thì em khỏi phải lo khổ nữa vì Hiền ra đi mãi mãi. Song từ nay không hẳn gia đình ta còn giữ nguyên vẹn được hạnh phúc đâu em?

Mộng Ngọc ôm lấy đầu:

– Trời ơi! Em đâu muốn thế bao giờ? Thật khổ lòng em quá. Em đâu có ý xua đuổi cô Hiền, người đã nhiều năm khổ sở vì anh…

Vũ chậm rãi nói:

– Em thì không muốn thế, nhưng ba đã toan tính tất cả.

Mộng Ngọc nhìn thẳng vào mặt chồng, cất giọng rắn rỏi:

– Em xin anh điều đó! Đối với em, anh muốn hành hạ thế nào cũng được, vì em là vợ anh. Chớ đừng nghi oan cho ba những chuyện không đâu!

Vũ nhìn Mộng Ngọc, đứng lên đi trở vào phòng. Mộng Ngọc tưởng chàng giận mình bỏ đi, nên ôm mặt khóc. Một lúc, Vũ trở ra với gói bạc trên tay. Chàng đưa cho Mộng Ngọc rồi nói:

– Đây! Em hãy cầm lấy gói bạc này, đưa cho ba thì sẽ hiểu rõ những lời anh vừa nói.

Mộng Ngọc ngỡ ngàng nhìn Vũ:

– Tiền này của ba?

Vũ nghiêm giọng nói:

– Em cứ đưa gói bạc nầy cho ba, tự khắc sẽ rõ.

Mộng Ngọc lắc đầu thở dài:

– Sao ba làm chi vậy trời!?

Vũ không muốn nói thêm gì nữa vì những ý nghĩ của chàng về thái độ của ông Thiện sẽ làm cho Mộng Ngọc buồn phiền thêm. Bầu không khí trong phòng càng lúc càng nặng nề, giữa hai vợ chồng tự nhiên như có một bức rào ngăn cách. Mộng Ngọc chừng như không còn chịu đựng nổi sự lạnh lùng khó chịu đó, cất tiếng:

– Bây giờ anh tính sao?

Vũ ngẩng lên đáp:

– Còn tính thế nào nữa. Anh phải đi tìm Hiền, tìm con anh. Không lẽ để nó sống bơ vơ như những trẻ vô thừa nhận?

Mộng Ngọc thấy uất nghẹn lên tận cổ. Nàng đã định khuyên Vũ đi tìm Hiền ngay, nhưng chưa kịp nói ra thì chàng đã nói rõ ý đó trước nàng. Tự nhiên, Mộng Ngọc thấy buồn tủi vô cùng! Thà là để nàng khuyên Vũ đi tìm Hiền, chớ chính miệng chàng thốt ra những lời đó, không khác nào Vũ đã biểu lộ sự khinh khi nàng rõ rệt. Giờ đây Vũ chỉ còn nghĩ đến mẹ con Hiền. Nàng và bé Dung thì sao cũng được. Nàng là vợ chính thức mà, dù sao Vũ cũng nể nàng chút ít chớ! Trong lòng Mộng Ngọc nghĩ thế, tuy nhiên, trước mặt Vũ, nàng không đủ can đảm nói ra hết ý nghĩ của mình.

Nàng chỉ cất giọng nhỏ nhẹ:

– Em cũng định khuyên anh đi tìm cô Hiền đó.

Rồi nàng nói trong tiếng nấc:

– Vì… nếu không tìm ra Hiền chắc là anh sẽ khổ lắm… và rồi mẹ con em cũng chẳng vui gì! Anh cũng thấy rõ từ bao giờ đến bao giờ nguồn vui của mẹ con em cũng đều do anh mà có.

Giọng nói của Mộng Ngọc thật buồn, khiến Vũ bồi hồi trong dạ. Nhưng trong giờ phút này, sự ra đi của Hiền ám ảnh chàng nặng nề hơn.

Mộng Ngọc bỗng nói:

– Em nghĩ, anh nên trở về nhà rồi mình liệu cách tìm kiếm sau! Chớ anh ở đây thế này…

Ngọc chưa nói hết câu, Vũ đã lắc đầu:

– Em khỏi phải bận tâm. Anh cần được yên tĩnh một mình. Thôi em về nghỉ đi.

Mộng Ngọc muốn nói rõ ý mình là chỉ mong chàng về cho con khỏi trông, nhưng nghĩ kỹ nàng lại. thôi. Nàng biếl giữa lúc nầy, chồng nàng đang gặp cơn khủng hoảng trầm trọng trong tâm hồn, không khéo vợ chồng sẽ cãi nhau to. Nàng không muốn thế bao giờ…

Vũ quay ra phía nhà sau gọi:

– Dì Ba ơi!

Chị bếp chạy lên hỏi:

– Thưa ông gọi chi?

– Dì nói với cô Liễu lên tôi nói chuyện.

Rồi chàng bảo Mộng Ngọc:

– Em yên lòng về nghỉ. Đừng lo lắng nữa.

Mộng Ngọc đứng lên không nói gì hết. Vũ bảo nàng hãy yên lòng về nghỉ. Mà không lo làm sao được trong hoàn cảnh này? Vũ đi tìm Hiền, việc ấy đã đành, nhưng chàng có tìm được Hiền hay không nàng cũng vẫn phải khổ. Nếu không gặp Hiền, chàng sẽ khổ tâm nhiều lắm và mẹ con nàng từ đây chỉ là những cái bóng mờ đi bên cạnh cuộc đời chàng. Còn nếu tìm gặp Hiền, Vũ sẽ xử trí ra sao? Chàng đem Hiền về ở với mẹ con nàng chăng? Hay là chàng mướn luôn tòa biệt thự này cho Hiền ở? Những ý nghĩ đó càng làm cho cõi lòng Mộng Ngọc tan nát rã rời! Liễu vừa bước vào phòng, Vũ đã nói:

– Nhờ cô đưa vợ tôi về nhà.

Liễu nhìn Mộng Ngọc cất tiếng:

– Dạ!

Mộng Ngọc buồn bã nhìn Vũ:

– Thôi, em về.

Nàng biết mình có ở lại, nói thêm gì cũng vô ích, bởi vì giữa hai vợ chồng còn biết bao ngang trái… Nàng lẳng lặng bước ra cửa. Liễu theo sau, không nói một lời. Vũ bỗng gọi:

– Cô Liễu!

Liễu cất tiếng dạ rồi quay trở vào. Vũ nói:

– Luôn tiện, tôi cho cô hay mình đóng cửa phòng mạch trong ít lâu. Tôi cần phải đi tìm Hiền. Nếu có rảnh, cô đến chơi với vợ tôi và xem như là làm việc cho tôi vậy.

Liễu gật đầu nói:

– Thưa bác sĩ ! Tôi xem chừng bà nhà cũng khổ tâm lắm!

– Tôi hiểu! Nhưng hiện thời còn có người đang khổ hơn. Tôi biết phải làm sao?

Trong khi đó, Mộng Ngọc đã ra đến cổng rào. Liễu chào Vũ lần chót:

– Thưa bác sĩ, tôi về.

Vũ gật đầu nhìn theo bóng Mộng Ngọc… Xe chạy một đỗi xa mà hai người không ai nói với ai một lời nào cả. Liễu quay nhìn sang Mộng Ngọc. Nàng ngồi dựa lưng ra phía sau, gương mặt trầm lặng, u buồn. Chiếc xe chạy vụt qua một ngọn đèn đường, ánh sáng chiếu vào trong xe đủ cho Liễu nhìn thấy trên đôi má của Mộng Ngọc có ngấn lệ. Liễu cảm thấy xúc động trước sự đau khổ thầm lặng của nàng. Liễu muốn khuyên Mộng Ngọc một vài lời, nhưng không biết phải nói thế nào? Mộng ngọc chợt cất tiếng:

– Cô Liễu!

– Dạ!

– Cô thấy rõ hiện giờ anh Vũ không còn nghĩ gì đến nỗi khổ của mẹ con tôi chăng?

Liễu khẽ đáp:

– Thưa bà! Có lẽ vì sự ra đi của cô Hiền quá đột ngột, cho nên…

– Tôi cũng biết! Chắc hiện giờ, cô Hiền cũng đang đau khổ lắm. Nhưng cô nghĩ xem mẹ con tôi nào… có tội gì mà phải hứng chịu cảnh nầy?!

Ngừng một phút, Mộng Ngọc tiếp:

– Kể từ nay về sau, chắc gia đình tôi không còn hạnh phúc như xưa nữa. Hình ảnh của Hiền sẽ là bức rào ngăn cách giữa tôi và Vũ. Tôi biết làm thế nào bây giờ?

Liễu cố аn ủi nàng:

– Thưa bà! Theo ý tôi, bác sĩ sẽ không làm khổ bà đâu. Lúc nãy, ông còn dặn dò tôi hãy thường đến với bà, những lúc ông đi vắng…

Mộng Ngọc mỉm cười buồn bã:

– Anh Vũ làm thế là để khỏi ân hận thôi. Nhưng cô nghĩ xem có phải anh ấy đòi hỏi ở tôi nhiều quá chăng? Có người đàn bà nào trên cõi đời nầy, chịu đựng được cái cảnh như tôi? Ai có thể ngồi yên cho chồng đi tìm người yêu cũ mà không ghen tức. Cuộc tìm kiếm nầy sẽ kéo dài đến bao giờ? Và trong thời gian nầy, tôi sẽ phải ngóng trông chồng như “đá vọng phu” ư? Có phải là vô lý không hả cô Liễu?

– Dạ.

– Thế mà tôi nhận chịu số phận mình không chống đối, không kêu ca. Trời ơi!

Mộng Ngọc quay sang bên, nước mắt lại tuôn tràn xuống má. Nàng lẩm bẩm như nói với chính mình:

– Tôi nhận chịu được cảnh nầy bởi vì Vũ là chồng tôi. Tôi yêu Vũ và sẽ yêu mãi mãi suốt đời.

Liễu thở dài. Nàng không tưởng được trên đời nầy, lại có người tốt phúc như Vũ. Chàng yêu hai người đàn bà đều đáng trọng như nhau. Lòng hy sinh của họ thật là cao đẹp. Mộng Ngọc bỗng hỏi Liễu:

– Theo ý cô, tôi phải hành động như thế nào cho hợp lẽ bây giờ?

Liễu ngập ngừng đáp:

– Thưa bà. Thật tôi… không biết phải giúp ý kiến như thế nào? Hoàn cảnh của bà thật khó khăn.

Mộng Ngọc thở dài:

– Tôi thì không còn màng gì nữa cô Liễu, nhưng bé Dung, rồi đây thế nào cũng có ngày nó sẽ hiểu được chuyện nầy.

Hai người cùng yên lặng. Xe chạy đều đều trên con đường khuya vắng. Anh tài xế vẫn nín thinh lo phận sự mình.

Mộng Ngọc khẽ hỏi Liễu:

– Nếu anh Vũ tìm được cô Hiền thì hoàn cảnh của tôi rồi sẽ ra sao? Chắc là Vũ phải sống “một cảnh hai quê” mất.

Liễu lắc đầu:

– Không đâu bà! Tôi biết tánh tình cô Hiền. Tuy nàng là một thôn nữ chất phác, nhưng tâm hồn cũng đáng mến lắm. Nhứt định Hiền không bao giờ chịu sống cảnh đời ngang trái đó.

Mộng Ngọc trầm ngâm một lúc mới nói:

– Tôi chỉ mong gặp được cô Hiền một lần thôi. Rất có thể hoàn cảnh chúng tôi sẽ giảm bớt khó khăn.

Liều gật đầu:

– Chính tôi cũng nghĩ thế.

Xe gần đến nhà Liễu, anh tài xế quay lại hỏi nàng:

– Cô về nhà bây giờ chưa?

Liễu chưa kịp đáp, Mộng Ngọc đã bảo nàng:

– Bác về quê chắc ở nhà một mình buồn lắm. Hay là cô đến đằng tôi.

Liễu gật đầu:

– Dạ cũng được.

Anh tài xế nghe Liễu nói xong, liền cho xe chạy luôn về biệt thự của Mộng Ngọc. Xe vào đến trong sân thì Ngọc đã thấy cha nàng đứng đợi trước thềm, vẻ mặt âu lo rõ rệt. Mộng Ngọc nhớ ngay đến gói bạc mà Vũ trao cho nàng lúc nãy. Trong lúc ra về vì quá hấp tấp, nàng bỏ quên gói bạc trên bàn. Ông Thiện thấy con xuống xe liền hỏi:

– Con đi đâu về khuya vậy? Kìa, có cả cô Liễu nữa…

Mộng Ngọc cố giữ vẻ tự nhiên, bước đến gần cha đáp:

– Dạ, con đi tìm anh Vũ.

Ông Thiện đã biết là Vũ tối nay không về nhà, nhưng không rõ Ngọc đi tìm ở đâu?

Ông hỏi thêm:

– Vũ ở đâu mà con tìm?

Mộng Ngọc nhìn cha đáp mau:

– Con vừa đến nhà cô Hiền.

Ống Thiện mở to đôi mắt nhìn nàng. Mộng Ngọc lặng lẽ bước vào nhà. Ông Thiện theo sau, trong lúc Liễu đi thẳng ra phía nhà bếp. Nàng không muốn nghe câu chuyện trao đổi giữa cha con Mộng Ngọc.

Ông Thiện khẽ hỏi con:

– Vũ có ở nhà đó không?

Mộng Ngọc ngồi xuống ghế gật đầu:

– Dạ có.

– Còn cô Hiền. Cô ấy có thái độ ra sao?

Mộng Ngọc nhìn thẳng vào mặt cha, đáp:

– Hiền đã đi rồi, ba à!

Ông Thiện kêu lên:

– Vậy sao?

Rồi ông gật gật đầu, có vẻ vừa ý lắm. Mộng Ngọc vụt hỏi cha:

– Ba! Tại sao ba lại làm thế?

– Ba có làm gì đâu? Hả?

– Sao ba đi đến nhà cô Hiền mà không cho con biết?

Ồng Thiện chợt hiểu ra:

– A… Đến nhà cô Hiền! Tưởng việc gì?

Rồi ông im lặng! Ông cũng định nói thật hết cho Mộng Ngọc nghe. Không ngờ nàng đã biết trước.

Mộng Ngọc lại hỏi:

– Ai chỉ cho ba biết nhà cô Hiền? Cô Liễu hả? Sao không cho con hay?

– Ba có người của ba, dễ gì mà hỏi cái cô Liễu! Ba cũng định cho con hay, nhưng nghĩ lại, ba đến đó một mình tiện hơn.

– Ba làm chi vậy? Bây giờ Hiền ra đi rồi, có phải khổ cho con không?

Đến lượt ông Thiện ngạc nhiên nhìn con:

– Mộng Ngọc! Sao con lại phải khổ? Hiền đi là hạnh phúc gia đình con sẽ được toàn vẹn chớ?

Mộng Ngọc lắc đầu không nói nên lời.

Ông Thiện vẫn vô tình nói tiếp:

– Thật ra, cô Hiền cũng là người tốt đó con ạ. Ba đưa cho cô ấy một số tiền mà cô ấy không nhận, cổ hứa chắc với ba là sẽ không làm bận lòng con nữa. Bây giờ, cô ấy ra đi để giữ đúng lời đã hứa. Thật đáng khen.

Mộng Ngọc khẽ nói:

– Còn số tiền mà Hiền không nhận, ba biết…

Ông Thiện như chợt nhớ ra:

– Số tiền đó ba để lại trên bàn. Dù cô ấy không nhận nhưng mình cũng để lại cho cổ làm lộ phí chớ.

Mộng Ngọc thở dài:

– Số tiền đó vẫn còn nguyên vẹn, ba à!

– Cô ấy không mang đi sao? Ba tưởng…

– Dạ, cô ấy không lấy đâu và chính anh Vũ đã tìm thấy gói bạc của ba.

Ông Thiện kêu lên:

– Vũ!

Tự nhiên, ông cùng thấy câu chuyện xoay sang chiều hướng khác. Vũ lại tìm thấy gói bạc thì nhứt định sẽ có thái độ với ông.

Mộng Ngọc tiếp:

– Anh Vũ gởi gói bạc cho con, bảo đem về đưa cho ba, nhưng rồi con cũng lại bỏ quên ở trên bàn.

Nàng định nói thêm một câu mai mỉa hoàn cảnh của cha con nàng:

– “Thật là cha con mình giống nhau ở điểm đó”.

Nhưng rồi nàng lại thôi. Nàng mai mỉa ai bây giờ mới được chớ! Đổ tội cho cha làm cho hoàn cảnh thêm rắc rối sao? Không! Cha nàng làm thế vì quá thương nàng, lo lắng cho hạnh phúc của nàng. Ông Thiện hỏi con:

– Thằng Vũ có ý gì không? Nó trách cứ ba lắm chớ gì?

Mộng Ngọc lặng thinh. Ông Thiện hỏi tiếp:

– Có phải không Mộng Ngọc? Tại sao nó trách ba mới được chớ! Lỗi lầm của nó chưa ai nói tới, nó còn trách ai? Nó gạt gẫm cha con mình từ bao lâu nay, mình cũng bỏ qua mà. Ba chỉ muốn cho gia đình yên vui thôi.

Mộng Ngọc lo sợ nhìn cha. Nàng biết cha và chồng nàng gặp nhau bây giờ sẽ có hại lắm. Ai cũng giữ phần phải của mình thì cảnh gia đình tan nát mất. Vũ cho là cha nàng xua đuổi Hiền, còn ông Thiện thì cho Vũ gạt gẫm cả hai cha con. Sự mâu thuẫn ấy nhứt định sẽ đưa đến một kết qua bi đát. Mộng Ngọc không muốn giữa Vũ và ông Thiện có sự xung đột với nhau: ai phải, ai quấy, nàng cũng nhận lấy sự đau khổ một mình.

Nàng nhìn cha, rơm rớm nước mắt:

– Thưa ba… Con xin ba đừng nói thế. Bây giờ chuyện dĩ lỡ rồi, ba có làm thẳng ra, cũng chỉ gây khổ cho con. Ba cứ để cho con liệu tính. Con sẽ cố nhẫn nhục, chịu đựng. Rồi một ngày kia, con tin tưởng…

Mộng Ngọc nghẹn ngào không nói thêm được nữa. Dù hết lòng tin tưởng, nàng cũng thấy rõ những ngày sẽ tới thật cam go. Nàng và bé Dung sẽ trải qua bao nhiêu thử thách?!

Ông Thiện nhìn con trong lòng dịu bớt cơn phiền giận. Ông nói:

– Con muốn thế cũng được. Ba sẽ làm đúng theo lời con. Kể ra thì ba xen vào chuyện riêng của gia đình con như vậy cũng nhiều rồi. Con nên nhớ là ba chỉ vì hạnh phúc của con.

– Thưa ba, con hiểu! Nhưng trong hoàn cảnh nầy, nếu ba làm thẳng quá, con sợ có hại…

– Vũ nó dám bỏ nhà nầy mà đi luôn chớ gì?

Mộng Ngọc thở dài:

– Con không tin anh Vũ phũ phàng với vợ con như thế, nhưng…

Thấy nàng ngập ngừng, ông Thiện hỏi:

– Nhưng sao?

– Nhưng từ đây hình bóng của Hiền sẽ là bức rào ngăn cách giữa vợ chồng con. Con chắc không thế nào anh Vũ quên được Hiền và bé Lệ. Ba nghĩ xem còn gì khổ hơn khi sống bên chồng mà chồng chỉ nghĩ đến một hình bóng xa xôi nào?

Ông Thiện lặng thinh, ngước nhìn lên trần nhà. Bây giờ, ông mới nhận thấy hết sự khó khăn trong hoàn cảnh gia đình con gái. Mộng Ngọc yêu chồng tha thiết như vậy thật là khổ. Theo như lời nàng nói, dù cho Vũ có phũ phàng thế mấy, nàng cũng vẫn một mực yêu chồng.

Ông Thiện lặng lẽ nhìn con, biết mình nói thêm gì nữa cũng vô ích. Không lẽ mình lại đi khuyên con đừng yêu chồng nó nữa hay sao? Lâu lắm, ông mới nói:

– Ba thật hết sức khổ tâm trước hoàn cảnh cùa con, nhưng ba không biết giúp đỡ con như thế nào đây? Ba đã cố gắng hết sức mình nhưng chắc con cũng thấy rõ là chỉ đem đến cho con sự buồn phiền, khó nghĩ thôi. Ba đành để cho con liệu tính. Từ nay, ba sẽ không chen vào việc riêng của gia đình con nữa.

Rồi ông đứng lên nói:

– Bây giờ thì ba đi về hãng.

Mộng Ngọc hỏi mau:

– Sao ba không ở lại đây?

– Ba sẽ không gặp chồng con trong ít lâu.

Mộng Ngọc tha thiết nói:

– Ba đừng đi! Con chắc anh ấy cũng biết nghĩ chớ. Ba đi như thế nầy, khác gì ba giận con.

– Con đừng nói vậy. Ba không giận con đâu.

Ngừng lại một phút, ông Thiện hỏi:

– Con có biết tại sao ba dọn về nhà nầy ở với con, mấy lúc sau nầy không?

Mộng Ngọc nhìn cha đáp:

– Ba đã nói là muốn được nghỉ ngơi trong ít lâu.

Ông Thiện lắc đầu:

– Không đâu con. Sở dĩ ba đến đây là vì ba nghi ngờ thằng Vũ bớt yêu thương con. Ba muốn nó không còn đi vắng nhà luôn như lúc trước. Nhưng bây giờ thì sự có mặt của ba rất vô ích vì Vũ đã ngang nhiên đi tìm người yêu cũ của nó.

Mộng Ngọc khổ sở lắm. Ông Thiện tiếp:

– Thôi ba đi đây. Tuy nhiên, con đừng quên là lúc nào cũng có ba ở bên cạnh con. Bao giờ con thấy cần đến sự giúp đỡ của ba thì hãy gọi.

Ông Thiện bước ra cửa, Mộng Ngọc theo sau cha, nghẹn ngào, không nói được. Chính nàng cũng nhận thấy giữa lúc này, cha và chồng nàng gặp nhau không có lợi. Tuy nhiên, để cha đi như thế nầy, nàng thấy bất nhẫn lắm. Ông Thiện cho xe ra cổng rào rồi mà Mộng Ngọc vẫn thẫn thờ nhìn theo. Chợt có tiếng chân ai đến sau lưng nàng. Mộng Ngọc quay lại nhìn và thấy Liễu đang đi tới.

Liễu hỏi nàng:

– Ông đi rồi sao?

– Đi rồi cô Liễu. Ba tôi không muốn gặp anh Vũ.

Liễu gật đầu:

– Ông nghĩ thế rất phải. Nếu ông và bác sĩ gặp nhau, sao tránh khỏi có sự xung đột.

Hai người trở vào nhà. Suốt đêm hôm ấy, Mộng Ngọc nằm trằn trọc không ngủ được. Nàng kể cho Liễu nghe bao nhiêu kỷ niệm khi hai vợ chồng còn sống trên đất Pháp: những mùa đông lạnh trong phòng ấm, những tháng hè ở Côte d’Azur”.

Gần đến sáng, hai người mới chợp mắt.

error: Content is protected !!