Suốt một đêm dài Mộng Ngọc không tài nào nhắm mắt. Nàng hết đứng lại nằm, băn khoăn với nỗi niềm cay đắng, xót xa. Vũ đã ra đi thật rồi và có lẽ không bao giờ trở lại! Đi tìm Vũ để nài nỉ chồng quay về với mẹ con nàng ư? Để làm gì? Một khi Vũ đã không còn biết nghĩ đến vợ con, thì chàng trở về, cũng chỉ là sự bắt buộc.
Mộng Ngọc chợt nghĩ đến hoàn cảnh của một bạn gái: hai mươi năm ăn ở với chồng mà không có lấy một mụn con. Người chồng yêu một người đàn bà khác để tìm con nối dõi. Bạn nàng nhận sự ra đi của chồng như một chuyện không may nhứt đời mình… và âm thầm sống trong sự khổ đau, với tấm lòng đầy tự trọng.
Mộng Ngọc không cho chuyện làm của anh chồng kia là phải, vì nàng hấp thụ nền văn hóa Âu Tây, rất sùng thuyết một vợ một chồng trước pháp lý và dư luận. Tuy nhiên, người đàn ông đó rời bỏ vợ nhà cũng còn lý do, có nguyên cớ để giải bày với thân bằng, quyến thuộc. Chớ như Vũ! Vì cớ gì chàng bỏ vợ nhà để yêu thương một người đàn bà khác? Nàng cũng có con với chàng và lúc nào cũng giữ tròn đạo vợ. Tại sao Vũ lại đành lòng bỏ nhà đi? Hay là tại nàng chưa có con trai để nối dòng dõi cho Vũ? Không, nàng không tin như thế! Có bao giờ Vũ tỏ ý thắc mắc về vấn đề con trai, con gái đâu. Chàng yêu thương bé Dung như trứng mỏng, từ khi con mới lọt lòng.
Mộng Ngọc không tin như thế và cũng chẳng tìm thấy một lý do nào khác. Nàng chợt nhớ đến câu chuyện mà Vũ đã kể cho nàng nghe hôm nào. Có thể thiếu phụ là người yêu cũ của Vũ trước kia chăng? Nếu thế sao từ bấy lâu, nàng không nghe Vũ nói tới, chàng quên mất người xưa hay vì lý do người ấy có con mà chàng giấu giếm nàng? Theo lời Vũ thì anh “chàng sinh viên” trong chuyện không biết người yêu đã có con, nên mới cưới vợ khác. Chuyện ấy cũng còn có lý, nhưng tại sao từ khi chàng về nước, người thiếu phụ kia không tìm đến? Hay là họ đã thầm lén với nhau từ lâu mà nàng vẫn không hay biết?
Mộng Ngọc phải sát nhập câu chuyện của Vũ đã kể với hoàn cảnh của gia đình hiện nay, để tìm lối giải quyết. Nàng nghĩ suy suốt một đêm dài, không hề chợp mắt ngủ. Trời sáng dần. Nàng nghe tiếng khua động ở nhà bếp mới hay là đêm đã tàn.
Thế là Vũ không về!
Mộng Ngọc thở dài buồn bã. Nàng bước ra phòng khách định đi rửa mặt và lo buổi ăn sáng cho bé Dung trước khi nó đến trường. Nhưng vừa đến bên ngoài, nàng thấy đầu choáng váng rất khó chịu. Mộng Ngọc ngồi ngay xuống chiếc ghế nệm để cho khỏi té. Nàng dựa mình vào lưng ghế nhìn lên tường. Bức ảnh kỷ niệm chụp hai vợ chồng khi mới về nước, còn sờ sờ đó. Cả hai cùng tươi cười sung sướng bên nhau. Chỉ mới đây mà cảnh tình kia chừng như xa xôi quá. Bỗng có tiếng chuông gọi cổng. Mộng Ngọc nhìn đồng hồ tay thấy đã bảy giờ hơn.
Không lý Vũ trở về. Nàng định đứng lên ra mở cổng, nhưng thấy chung quanh mình bàn ghế xoay tròn. Chị bếp từ nhà sau chạy lên hỏi Mộng Ngọc:
– Hình như có ai gọi cổng?
– Phải! Chị ra xem ai vậy?
Chị bếp vừa lấy chìa khóa vừa bảo nàng:
– Chắc ai đến lấy thẻ khám bệnh chớ gì?
Mộng Ngọc đang hy vọng Vũ trở về, nên nghe lời chị bếp nói thì thở dài chán nản. Nàng gọi chị bếp:
– Nếu người ta lấy thẻ thăm bệnh, chị nói hôm nay bác sĩ không làm việc nghen!
Chị bếp vâng dạ đi ngay. Mộng Ngọc lại ngả mình vào lưng ghế. Chị bếp đoán có lẽ đúng. Nếu Vũ trở về sao không về sớm hơn mà để đến giờ nầy?
Nàng ngồi phắt dậy, khi thấy bóng Vũ qua cửa kính. Chàng đi thẳng vào nhà với vẻ nghiêm nghị thường ngày. Tự nhiên, Mộng Ngọc thấy lúng túng khác thường. Nàng không biết mình nên ngồi đây để đón Vũ hay chạy vào phòng ngủ, nằm yên lặng làm như không hay biết gì hết. Nhưng qua phút đột ngột ban đầu, Mộng Ngọc cố lấy lại sự bình tĩnh. Nàng ngồi yên trên ghế, nhìn thẳng về phía chồng, trong khi Vũ bước lên thềm gạch vào trong. Chàng vào phòng khách, thấy Mộng Ngọc thì đứng dừng lại, có vẻ bỡ ngỡ. Mộng Ngọc gượng đứng lên nói:
– Anh mới về! Anh…
Rồi nàng yên lặng. Vũ bước đến bên nàng cũng không biết phải mở lời như thế nào. Chàng thoáng thấy Mộng Ngọc có vẻ xanh xao liền hỏi:
– Sao em xanh quá vậy?
Mộng Ngọc gượng cười nói:
– Chắc tại em… không ngủ được suốt đêm qua.
Nàng ngồi xuống tiếp:
– Em thấy hơi chóng mặt.
Vũ ngồi cạnh bên nàng và chưa biết nói gì. Chàng đã sắp sẩn bao nhiêu câu nói, nhưng khi gặp Mộng Ngọc chàng thấy khó mở lời. Mộng Ngọc ngước nhìn chồng cất tiếng:
– Em biết thế nào mình cùng về với mẹ con em.
Vũ chưa biết nói sao thì Mộng Ngọc đã tiếp:
– Em tin tưởng như thế vì có lẽ đâu anh rời bỏ mẹ con em mà không một lời từ giã. Dù gì em cũng đâu có lỗi với anh.
Mộng Ngọc nói đến đó thì nghẹn lời. Vũ nín lặng. Trước khi trở về nhà, chàng cũng nhận thấy hoàn cảnh sẽ khó khăn hơn, khi Mộng Ngọc vẫn thương yêu, quý trọng mình. Chàng đâu có thể xử ép Mộng Ngọc như vậy được. Vũ quay đi nơi khác khẽ thở dài. Một lúc chàng nói:
– Lúc nào, anh cũng nhớ là mình mang ơn ba rất nặng. Nhưng em nghĩ xem, anh làm sao chịu đựng được những lời miệt khinh của ba. Anh ra đi để cho ba thấy rằng anh vẫn có thể tự lập.
Mộng Ngọc nhìn chồng. Nàng đã biết rõ cái nguyên cớ mà Vũ định ra đi, còn chuyện cha nàng lớn tiếng miệt khinh chàng ở trong phòng chỉ là cái cớ để chàng dựa vào đó mà thực hành ý định. Nghĩ đến đó, Mộng Ngọc cảm thấy chua xót vô cùng! Nếu thế thì tình yêu của nàng và tình thương của con, không có nghĩa gì đối với Vũ? Tuy vậy, nàng cũng cố dằn lòng, để vượt qua giờ phút nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình. Mộng Ngọc khẽ nói:
– Suốt đêm qua, em không thể nào ngủ được. Cứ nằm xuống là em nghĩ đến anh. Em đi đi, lại lại trong phòng kia, nghĩ suy nhiều việc. Ba đã nói không đúng! Em nhìn nhận như vậy…
Vũ chận nàng lại:
– Mộng Ngọc! Ba đã nói hết với em rồi ư?
Mộng Ngọc lắc đầu, chỉ tay về phía cánh cửa hông:
– Không! Chiều hôm qua, em đứng ở kia. Em đã nghe rõ tất cả câu chuyện.
Vũ sửng sốt:
– Vậy là em đã hiểu hết?
– Vâng! Em đã biết. Bởi thế em rất khổ tâm. Dù anh rời bỏ nhà nầy em cũng không thể có chồng khác được! Ba nói mà ba quên nghĩ đến tình cảm của em. Không phải không có người hành động như ba nghĩ: “họ sẽ đến xin cưới em vì cái sản nghiệp của ba”, nhưng mà em đâu có thể yêu thương một người nào khác ngoài anh. Suốt đời em chi biết yêu thương một người chồng với sự đồng ý của gia đình và pháp luật. Hơn nữa chúng ta đã có con với nhau.
Vũ ôm lấy đầu. Chàng và Hiển cùng đã có con với nhau vậy! Những lời của Mộng Ngọc vừa rồi đủ xoa dịu lòng chàng. Chính Mộng Ngọc cũng nhìn nhận thái độ quá đáng của ông Thiện, Bây giờ chàng còn trách ông thế nào được nữa. Vũ bối rối vô cùng! Chàng không biết phải nói với Mộng Ngọc như thế nào về chuyện Hiền. Mộng Ngọc bỗng nói:
– Chiều hôm qua lúc anh đi rồi, ba có gọi em ra để nói hết sự tình, chuyện anh và người thiếu phụ kia.
Vũ lặng thinh chăm chú nghe lời vợ. Đây là lúc quan trọng nhứt đời chàng. Mộng Ngọc tiếp:
– Em cũng đã nói hết lòng mình. Đêm qua, ba không về và nói là đi tìm anh.
Vũ kêu lên:
– Ba còn tìm anh để làm gì?
– Ba cũng nhận thấy sự “không đúng” của mình rồi, anh à! Chắc anh cũng không nỡ trách ba lâu.
Vũ đáp nhỏ:
– Anh biết nói gì bây giờ? Trong lòng anh hiện giờ bối rối như tơ vò, chắc em cũng đã hiểu hết hoàn cảnh của anh.
Mộng Ngọc gật đầu:
– Vâng! Cô Hiền. Nhưng em còn thắc mắc một vài điều.
Thấy Mộng Ngọc vẫn dịu dàng và tỏ ra biết nghĩ đến Hiền. Vũ vui mừng lắm. Chàng hỏi:
– Em thắc mắc chuyện gì?
Mộng Ngọc nhìn thẳng vào mặt chồng:
– Anh nói thật hết cho em nghe đi! Đừng giấu giếm điều gì cả.
Vũ cười buồn:
– Bây giờ còn gì phải giấu giếm nữa.
– Anh biết cô Hiền từ bao giờ? Có phải câu chuyện “chàng sinh viên ở Pháp cưới vợ rồi về nước gặp người yêu cũ” là chuyện của anh và Hiền chăng?
Vũ gật đầu:
– Đúng vậy! Anh không biết phải giải thích thế nào cho em hiểu, nên mượn câu chuyện kia để dò ý của em.
Mộng Ngọc thở ra. Nếu vậy Hiền là người yêu của Vũ, trước khi gặp mình! Mộng Ngọc khẽ nói:
– Em cũng hồ nghi như thế. Chớ không lẽ anh lại yêu cô Hiền sau ngày cưới em? Nhưng vì lẽ gì anh không nói thật cho em biết?
Vũ đáp:
– Anh đã nói chính anh cũng không ngờ Hiền đem con đến đây.
– Từ bao giờ hả anh?
– Vào khoảng một tuần nay! Hiền bồng con đến gặp anh trong giờ làm việc. Thật hết sức bất ngờ. Ngày xưa anh còn trẻ, hành động không nghĩ suy, nhưng trước hoàn cảnh của Hiền, anh không đành lòng để cho mẹ con nàng phải khổ hơn nữa.
Mộng Ngọc lặng thinh một lúc rồi nói:
– Nếu vậy, khi ở Pháp anh không còn nghĩ đến cô Hiền hay yêu thương cô ấy?
Vũ nín lặng, hồi tưởng lại thời gian trên đất Pháp. Đúng là lúc ấy, chàng không nghĩ gì đến Hiền. Chàng tưởng Hiền cung quên mình rồi nào ai ngờ, nàng thôn nữ kia vẫn chờ đợi trong sự khổ đau. Vũ gật đầu:
– Đúng như thế. Lúc ở Pháp hay hồi về nước, anh không có tin tức gì của Hiền. Làm sao anh rõ được Hiền đã có con với anh?
Mộng Ngọc lặng thinh. Nếu là chuyện người khác, chắc nàng đã có ý trách người đàn ông “dễ quên” kia. Đã yêu thương ấp ủ người ta qua những đêm dài, mà khi xa rồi lại quên hẳn. Thật đáng trách. Nhưng đằng nầy, người đàn ông kia lại là Vũ, chồng nàng!
Vũ không “bội bạc” người ta thì đâu có gặp nàng hiện tại, nếu chàng giữ vẹn tình yêu với Hiền thì làm sao nàng khỏi khổ? Mộng Ngọc thở dài, cắn lấy môi. Vũ nhìn vợ, muốn nói gì lại thôi. Khi trở về nhà, chàng nghĩ mình sẽ có cớ làm “to chuyện” với vợ, nếu Mộng Ngọc tỏ ý bênh vực ông Thiện, miệt khinh mình. Nhưng thái độ hiểu biết của Mộng Ngọc đã thay đổi hết “thế cờ”. Nàng cũng ngầm trách cứ cha đã nặng lời với Vũ. Vì thế chàng không biết dựa vào đâu để xử ép Mộng Ngọc! Nàng rất khéo cư xử với chàng. Mộng Ngọc không tỏ ra ghen tức với Hiền mà còn can đảm chấp nhận những sự việc đã xảy ra. Nàng cũng không một lời trách cứ Vũ! Qua cách cư xử của vợ, Vũ biết mình lâm vào chỗ khó khăn! Làm sao chàng giải quyết cho ổn thỏa đôi đàng? Riêng Mộng Ngọc, nàng tuy ngồi bên Vũ nhưng ý nghĩ làm việc không ngừng. Nàng phân tách tâm lý của Vũ và nghĩ rằng hiện tại, chàng lo cho Hiền và bé Lệ, cũng chỉ vì muốn chuộc lại lỗi lầm xưa. Chớ thật ra chàng không còn yêu Hiền như hồi trước. Mộng Ngọc nghĩ thế nên cất tiếng:
– Em hỏi anh câu nầy, xin anh nói thật với em.
Vũ không biết Mộng Ngọc sẽ nói điều gì, nhưng cũng gật đầu:
– Hỏi đi.
– Giờ, anh có còn… yêu cô Hiền như trước kia không?
Vũ ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt vợ. Tại sao Mộng Ngọc hỏi chàng câu đó khi chàng đã dám rời bỏ gia đình đi với Hiền? Mộng Ngọc biết Vũ ngạc nhiên về câu hỏi của mình nên tiếp:
– Không! Anh đừng nghĩ ngợi gì khác. Hãy trả lời câu hỏi của em đi. Anh có còn yêu Hiền không?
Vũ cúi đầu không đáp. Mộng Ngọc hỏi bất ngờ quá. Nếu không yêu làm sao chàng lại mướn nhà cho Hiền và con chàng ở? Nếu không yêu làm sao cha nàng bắt gặp hai người rồi lớn liếng mạt sát chàng? Mộng Ngọc hỏi tiếp:
– Nếu anh thật tình còn tha thiết yêu Hiền như xưa, em xin thề là em không làm bận bịu anh.
Mộng Ngọc nghẹn ngào không nói thêm được nữa, Nàng đã cố gắng hết sức mình để thốt ra những lời đó. Vũ nhìn vợ. Chàng bồi hồi xúc động. Thật Mộng Ngọc cũng không khác gì Hiền, hai người đều xứng đáng cả. Chàng biết ở với ai và xa ai? Hiền nghĩ đến hạnh phúc của Mộng Ngọc và Mộng Ngọc cũng không nỡ làm khổ Hiền. Cả hai người đều biết nghĩ cho nhau và chỉ làm khổ chàng thôi! Có thể đây là sự trừng phạt của họ đối với Vũ! Mộng Ngọc cố gượng tiếp:
– Em chỉ sợ anh không suy xét kỹ rồi gây sự khổ cho nhiều người. Em và con thì… đành rồi. Chỉ sợ anh và cô Hiền cũng không tìm lại được những ngày hạnh phúc đã trôi qua.
Vũ lặng thinh suy nghĩ. Nhờ câu hỏi của Mộng Ngọc mà chàng có dịp xét lại lòng mình. Chàng còn yêu Hiền như ngày xưa chăng? Vũ chưa bao giờ tự hỏỉ mình như thế! Chàng gặp lại Hiền, nhìn thấy con là chàng nghĩ đến việc chuộc lại lỗi lầm xưa, ngoài ra không nghĩ gì khác. Chàng muốn Hiền được sống bỉnh yên, vui sướng như cái thuở chưa biết chàng. Chàng muốn Hiền được hạnh phúc hơn để bù đấp lại những ngày khổ nhục đã qua. Thật ra, Vũ không thấy mình còn yêu bồng bột say mê như thuở đầu tiên mới gặp Hiền. Nhưng nỗi khổ của nàng và cảnh bơ vơ của con từ bao lâu nay, bắt buộc chàng phải lo nghĩ đến trách nhiệm. Mộng Ngọc nhắc chồng:
– Em vẫn đợi câu trả lời của anh.
Vũ ngẩng lên nhìn nàng nói:
– Em hỏi một câu khó khăn như thế, làm sao anh trả lời ngay được. Nhưng anh có thể nói với em là anh không vì say mê Hiền mà lo lắng cho nàng. Anh… không thể để mẹ con nàng sống bơ vơ như trước kia. Anh thấy…
Vũ không nói hết câu. Mộng Ngọc cúi mặt nghẹn lời. Nàng rất khổ tâm, nhưng phải ráng bình tĩnh để giúp chàng, giúp mình thoát qua cơn khủng hoảng trầm trọng. Nàng khẽ đáp:
– Em cũng biết thế. Và em có dám nói gì đâu. Em chỉ muốn biết thực lòng anh đối với cô Hiền như thế nào để tìm một phương cách giải quyết cho êm đẹp.
Vũ lặp Lại lời nói của Mộng Ngọc:
– Giải quyết cho êm đẹp!
– Vâng. Em đã nghĩ suốt đêm qua về anh, về cô Hiền và em đã nảy ra nhiều ý kiến có thể giúp chúng ta tìm ra hướng giải quyết.
Vũ hỏi:
– Phương cách nào hả em?
Mộng Ngọc nhìn thẳng vào mặt chàng nói:
– Em có nói ra, cũng mong anh đừng hiểu lầm ý nghĩ của em. Em nói ra chỉ vì muốn tránh sự khổ chung của gỉa đình chớ không phải chỉ mong cho em được vẹn toàn hạnh phúc.
Vũ gật đầu tin tưởng:
– Anh hiểu lòng em mà. Anh đâu có thể nghĩ quấy cho em. Em cư xử thế nầy đã là cao quý lắm rồi.
Rồi Vũ bảo vợ:
– Mộng Ngọc! Em cứ nói thẳng ra đi, đừng ngần ngại gì cả.
Mộng Ngọc ngước nhìn chồng, ngập ngừng cất tiếng:
– Có phải anh cũng nhìn nhận lòng mình không còn yêu Hiền tha thiết như xưa chăng?
Vũ gật đầu và nôn nao muốn biết ý nghĩ của vợ. Mộng Ngọc tiếp:
– Sở dĩ anh giấu em và lo lắng cho Hiền cũng chỉ vì… muốn chuộc lại lỗi lầm xưa!
Vũ không ngờ Mộng Ngọc có thể xét đoán một cách sâu xa như vậy. Mộng Ngọc chậm rãi tiếp:
– Theo ý em… thì cô Hiền… cũng… không khác gì anh.
– Nghĩa là sao?
– Nghĩa là… cô ấy… cũng không vì… yêu anh như ngày xưa mà đến đây…
Rồi không để Vũ kịp hỏi lại, Mộng Ngọc tiếp:
– Em dám chắc… cô Hiền tìm kiếm… anh, không phải để mong nối lại mối tình xưa cũ?
Dù đã có lời nói trước của Mộng Ngọc, Vũ nhìn nàng bằng đôi mắt khác thường. Mộng Ngọc biết Vũ sẽ hoang mang trước câu nói của mình, nên điềm đạm nói:
– Em nói thế, sau khi xét đoán hành động và hoàn cảnh đã đưa Hiền đến đây.
Vũ khẽ hỏi:
– Em xét đoán thế nào?
– Nếu muốn nối lại mối duyên ngày trước tại sao Hiền không đến gặp anh sớm hơn, khi anh ở Pháp mới về?
– Nàng ở trong làng xa, đâu có tin tức về anh.
Mộng Ngọc vụt hỏi:
– Thế tại sao bây giờ nàng biết anh ở đây?
– Nhờ tình cờ có người đọc báo thấy tên anh ở mục quảng cáo phòng mạch nên mới chỉ cho nàng.
Mộng Ngọc nhận định theo ý mình:
– Anh quên là lúc mình về nước, ba đã vận động các báo loan tin ư?
Rồi nàng chỉ tay lên bức ảnh hai vợ chồng chụp chung nhau, treo trên tường:
– Bức ảnh kia đã được đăng báo, anh nhớ không? Hiền không thấy thì chắc cũng có người khác thấy chớ.
Vũ nhìn vợ lắc đầu:
– Tại em chưa biết hết hoàn cảnh của Hiền, nên mới nói thế! Từ lúc biết nàng có thai bé Lệ thì cha đuổi nàng ra khỏi nhà. Chỉ có bà mẹ thương tình và người cậu họ xa giúp đỡ qua hồi sinh nở. Bà mẹ hiện giờ cũng đã qua đời. Còn gia đình người cậu cũng không còn giúp được nàng như xưa nữa.
Mộng Ngọc tươi ngay nét mặt:
– Đó! Chính vì nhừng lý lẽ đó mà em dám quyết chắc cô Hiền không phải vì quá yêu anh mà tìm đến đây, để nối lại tình xưa.
Vũ lặng thinh nhìn vợ, thầm đoán được phần nào ý nghĩ của nàng. Chàng nghiêm nghị hỏi:
– Theo ý em… Hiền tìm anh để làm gì?
Mộng Ngọc thành thực xét đoán sự việc với lòng mong ước giữ vẹn hạnh phúc gia đình mà không gây thiệt thòi cho Hiền, chớ nàng đâu có ý xử ép Hiền. Nàng hy vọng mọi việc đều đúng với sự suy luận của mình để hoàn cảnh ba người không đi đến chỗ bi thảm. Nhưng khi thấy Vũ có thái độ khác thường thì nàng nín lặng, không muốn nói gì thêm. Vũ hỏi lại:
– Sao em không trả lời anh?
Mộng Ngọc nhìn thẳng vào mặt chồng:
– Em đã nói trước với anh, đây là những ý nghĩ riêng của em. Em suy luận hoàn cảnh của chúng ta để tìm một cách giải quyết cho êm thắm. Nhưng nếu anh có ý nghi ngờ em quá ích kỷ, chỉ muốn gìn giữ hạnh phúc cho mình thì thôi, em không dám bàn thêm nữa.
Vũ lắc đầu:
– Em hiểu lầm thái độ của anh. Anh nào có ý nghĩ gì khác. Em hãy nói hết ý em đi.
Mộng Ngọc:
– Theo ý em thì cô Hiền tìm đến với anh chỉ mong được đùm bọc chở che.
– Nghĩa là…
– Không phải cô ấy đến để xin nối lại mối duyên xưa mà chỉ vì con, vì Thanh Lệ…
Ngừhg một phút, Mộng Ngọc tiếp:
– Nếu ở vào địa vị của Hiền, em cũng làm như thế. Hiền bơ vơ quá không còn biết nương tựa vào đâu mới nghĩ đến anh. Chắc Hiền không muốn bé Lệ phải khổ sở hơn nữa. Nếu vì tình yêu đối với anh thì em tin Hiền không chờ đến ngày giờ này.
Vũ nhìn vợ không nói gì hết. Những lời của Mộng Ngọc không phải là không có lý. Biết chừng đâu chỉ vì con mà Hiền mới tìm đến đây… Chàng nhớ lại thái độ của Hiền trong đêm qua. Nàng đã vào phòng mà còn đóng kín cửa là với ý gì? Nếu yêu chàng như ngày xưa, với lòng tha thiết muốn gặp lại chàng thì Hiền đâu có thái độ như thế. Chàng bỗng nghĩ đến câu nói mà Hiền vô tình thốt ra đêm qua:
– Em đã nói với anh là em sẽ trở về quê sống yên lành như trước. Rồi em sẽ lấy chồng như bao nhiêu thiếu phụ khác.
Câu nói đó thật là đột ngột. Còn thương yêu mình, tại sao Hiền lại nghĩ đến chuyện lấy chồng?
Vũ nhìn Mộng Ngọc hỏi:
– Theo ý em, Hiền chỉ muốn cho bé Lệ hạnh phúc thôi ư?
– Em chỉ nói những gì em nghĩ! Em muốn được gặp Hiền chẳng biết có nên không?
– Không nên đâu em.
Rồi chàng hỏi:
– Trong hoàn cảnh nầy em định giải quyết sao?
Mộng Ngọc nín lặng một lúc mới nói:
– Nếu thật tình Hiền chỉ muốn cho bé Lệ được hạnh phúc thì hoàn cảnh chúng ta không khó giải quyết! Bé Lệ là con của anh mà. Nó có khác gì con của em. Bổn phận của em là phải lo cho bé Lệ cũng như lo cho bé Dung,
Mộng Ngọc nghĩ mình có thể thay Hiền săn sóc cho bé Lệ. Ý Ngọc muốn Hiền giao bé Lệ lại cho vợ chồng nàng? Mộng Ngọc tuy giàu tình thương nhưng nàng ở địa vị một thiếu phụ giàu có, là vợ chính thức của Vũ, nên đâu có thể cảm thông được tâm hồn một thiếu phụ như Hiền. Chưa chắc gì Hiền chịu rời con một thời gian ngắn, đừng nói chi đến suốt đời! Riêng Vũ đang ở trong một tình thế khó xử. Cả hai người đàn bà yêu chàng và được chàng yêu đều xứng đáng! Chàng không biết nên sống với ai và làm sao cho người rời xa mình khỏi khổ?! Nghe Mộng Ngọc nói rõ ý nghĩ mình, chàng thấy hy vọng. Thật ra, nếu Hiền không còn tha thiết sống chung với mình và chỉ mong cho bé Lệ hạnh phúc thì còn gì dễ giải quyết hơn! Đối với Hiền, chàng sẽ đổi tình yêu ra tình bạn và sẽ giúp đỡ như một người anh đối với em. Chàng thề sẽ dựng tạo hạnh phức tương lai cho Hiền như đối với em gái của chàng. Còn bé Lệ con chàng, nó sẽ được sung sướng, đầy đủ như bé Dung. Vũ tin tưởng Mộng Ngọc sẽ làm tròn bổn phận đối với Thanh Lệ, dù nó là con riêng của chàng. Càng nghĩ, Vũ càng thấy sự suy luận của Mộng Ngọc rất đúng. Nhiều lần chính Hiền đã nói với chàng:
– Đời em còn kể làm gì nữa! Em chỉ mong sao cho Thanh Lệ không phải bơ vơ như những trẻ không cha!
Có lẽ vì vô tình, nên chàng không thấu hiểu được ý nghĩa câu nói của Hiền. Nàng muốn con được hạnh phúc hơn là muốn chắp nối mối tình xưa. Hai người đã xa nhau lâu quá rồi, tình yêu cơ hồ đã phai lạt!? Chàng cũng thấy mình là người đáng trách, chớ còn Hiền, nếu quả thật không còn yêu chàng nữa cũng là hợp lẽ. Mộng Ngọc bỗng hỏi:
– Anh nghĩ thế nào?
Vũ đáp:
– Em nghĩ cũng có phần đúng. Anh cần xét rõ ý định của Hiền, xem có quả thật nàng chỉ muốn cho Thanh Lệ được hạnh phúc thôi chăng? Chắc em… cũng không nỡ để con anh phải sống bơ vơ.
Mộng Ngọc nhìn chồng với đôi mắt hiền từ:
– Anh khỏi phải lo điều đó. Vả lại nếu bé Lệ về đây, Dung nó sẽ đỡ lẻ loi. Đôi khi em thấy con rất buồn vì chỉ chơi một mình.
Vũ chợt nhớ đến ông Thiện. Liệu ông có đồng ý cho Mộng Ngọc nuôi bé Lệ không?
Chàng ngẩng lên nhìn Mộng Ngọc, ngập ngừng:
– Anh ngại… ba… không đồng ý.
Mộng Ngọc lắc đầu:
– Chắc là ba sẽ không nói gì đâu. Ba chỉ mong mỏi có một điều là em được sống hạnh phúc. Sau việc hôm qua, em chắc rằng ba sẽ không xen vào chuyện riêng của chúng ta nữa.
Hai người cùng yên lặng. Bỗng Mộng Ngọc nói:
– Em muốn nói với anh điều nầy.
– Gì vậy em?
– Em muốn anh giúp cô Hiền thật nhiều, trong lúc nầy. Đừng để cô ấy phải khổ.
Vũ chợt nghĩ ra một điều liền hỏi Mộng Ngọc:
– Nếu Hiền… không muốn xa bé Lệ… thì em tính sao?
Ngọc nhìn chồng hỏi lại:
– Anh nói gì em chưa hiểu?
– Hiền rất thương con. Dù muốn bé Lệ được hạnh phúc, chắc nàng cũng không nỡ rời con và giao nó cho anh. Đành rằng Hiền không còn yêu thương anh tha thiết như xưa, nhưng nàng cũng không muốn sống xa con.
Mộng Ngọc lặng thinh. Nàng không nghĩ đến trường hợp khó khăn đó. Cũng có thể Hiền không còn yêu thương Vũ, nhưng nàng muốn sống với con dưới sự đùm bọc của Vũ? Nếu gặp trường hợp đó, nàng mới biết tính sao đây? Vũ tiếp lời:
– Chắc Hiền không chịu giao con cho vợ chồng mình đâu. Nàng yêu thương bé Lệ hơn hết ở trên đời. Anh thật khó nghĩ quá.
Mộng Ngọc bỗng nắm lấy tay chồng:
– Anh đừng bận tâm nữa. Chúng ta mới nghĩ như thế, chớ chưa rõ ý kiến của Hiền mà? Em mong được gặp cô Hiền một lần để chúng em thấu hiểu lòng nhau.
Vũ có vẻ nghĩ ngợi. Thật ra, chàng không muốn Mộng Ngọc gặp Hiền. Dù Ngọc rất thương yêu chồng và giàu tình thương người, nhưng đàn bà ai lại không ghen!? Chưa gặp mặt Hiền, nàng còn đủ bình tĩnh để suy nghiệm lý lẽ phải trái. Và Hiền cũng thế… Cuộc gặp gỡ giữa hai người có thể sẽ đưa đến những hậu quả không hay. Vũ lắc đầu bảo Mộng Ngọc:
– Thôi em. Anh thấy không lợi ích gì đâu? Để anh gặp lại Hiền và tìm hiểu nàng cho rõ ràng hơn.
Mộng Ngọc biết mình nói thêm cũng vô ích. Vũ vừa đứng lên thì có tiếng bé Dung gọi:
– Ba.
Vũ quay lại, bé Dung từ cửa phòng chạy ra, ôm chầm lấy chân cha nó! Vũ cúi xuống bỗng con lên, hôn vào má. Bé Dung bỗng hỏi cha:
– Đêm qua, ba đi đâu? Con đợi ba thiệt là khuya.
Vũ nhìn Mộng Ngọc như ngầm hỏi tại sao bé Dung biết được chàng không có ở nhà? Mộng Ngọc lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Vũ chưa biết nói sao, bé Dung lại tiếp:
– Hôm qua, ba hứa cho con đi chơi rồi ba cũng không cho. Con thức đợi ba về đó.
Rồi nó nói nhỏ để mình Vũ nghe:
– Con thức ở trong mùng mà không cho má biết.
Vũ chợt hiểu nên bảo con:
– Ba bận nhiều việc nên chưa dẫn con đi được. Để rồi ba bù lại…
Mộng Ngọc sợ con hỏi lôi thôi, bận lòng Vũ nên bảo con:
– Thôi Dung, con đi uống sữa rồi đi học.
Bé Dung sợ mẹ, rời tay Vũ, nhưng đi một khoảng, nó quay lại bảo cha:
– Ba nhớ nghen ba.
Vũ bận nghĩ nhiều việc, nên gật đầu với con mà không hiểu nó dặn dò điều chi. Chàng bảo Mộng Ngọc:
– Anh bây giờ thật khổ! Với em và bé Dung anh không tròn bổn phận, mà với Hiền và bé Lệ anh cũng chẳng ra gì! Anh ân hận về thái độ vô trách nhiệm của mình. Thuở ấy anh còn trẻ quá, nào hiểu được những điều tai hại mà mình phải gánh chịu mai sau.
Mộng Ngọc không nói gì mà chỉ nhìn Vũ với đôi mắt thiết tha. Đã hiểu hểt hoàn cảnh khó xử của chồng, Mộng Ngọc đã không còn oán trách mà chỉ muốn giúp chồng thoát cảnh khó khăn.
Vũ bỗng đứng lên nói:
– Thôi anh đi nghen em!
Mộng Ngọc hỏi:
– Anh đi đâu bây giờ?
– Anh đến gặp Hiền để tìm hiểu ý của nàng. Nếu đúng như sự suy đoán của em thì hoàn cảnh chúng ta sẽ không khó giải quyết.
Tự nhiên, Mộng Ngọc lo ngại bâng quơ. Nàng nhìn Vũ như muốn nói gì rồi lại thôi. Vũ thoáng ngạc nhiên trước cử chỉ của vợ:
– Có việc gì không em?
Mộng Ngọc ấp úng nói:
– Em… muốn nhắc nhở anh điều nầy: “Dù sao… anh cũng… đừng xa hẳn… mẹ con em”!
Vũ bồi hồi xúc động. Chàng biết nói gì bây giờ khi mà mẹ con Hiền cũng đang cần đến sự đùm bọc che chở của chàng, Nhưng trước vẻ lo âu của người vợ đã từng chìa xẻ với chàng những nỗi buồn, vui, lo lắng, Vũ không cầm lòng được. Chàng nắm tay Mộng Ngọc thật chặt và nói:
– Em không lo! Rồi thì đâu cùng sẽ vào đó.
Vũ muốn hứa hẹn cho Mộng Ngọc an lòng, nhưng không hiểu sao chàng không nói được nên lời. Chàng vừa bước ra cửa thì nghe tiếng xe chạy vào sân. Chàng thoáng thấy ông Thiện đang ngừng xe, bước xuống. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ khiến Vũ không biết mình phải có thái độ thế nào?
Trong khi đó, ông Thiện đã lên khỏi bậc thềm và đã nhìn thấy Vũ. Ông đi thẳng vào và nói to lên:
– Kìa con! Ba đi tìm con khắp nơi. Con…
Vũ đứng dừng lại, nín lặng không biết nói gì. Ông Thiện đưa tay nắm lấy tay chàng tươi cười nói:
– Hãy bắt tay đã. Ba cần nói chuyện với con rất nhiều. Ba hy vọng thế nào con cũng trở lại. Ở đời, ai không có lúc nóng giận phải không con?
Vũ nhìn thẳng vào mặt ông Thiện:
– Dạ.
Rồi chàng nhìn đồng hồ tay:
– Thưa ba! Hiện giờ con còn nhiều việc riêng chưa giải quyết xong. Xin phép ba, con đi đằng nầy.
Ông Thiện bỡ ngỡ trước câu nói của Vũ rồi nhìn về phía con gái. Mộng Ngọc chỉ lắc đầu như ngầm bảo ông đừng nên giữ Vũ ở lại. Vũ nói xong không đợi ông Thiện đáp lời, bước nhanh ra cổng. Ông Thiện nhìn theo Vũ, hỏi Mộng Ngọc:
– Vũ đi đâu vậy con? Nổ vẫn còn phiền giận ba sao?
Mộng Ngọc ngồi xuống ghế thở dài:
– Hiện giờ, chắc ảnh còn buồn ba lắm!
– Nhưng nó đã trở về nhà, sao con để cho nó đi như vậy? Con đã nói gì?
Mộng Ngọc ngước nhìn cha:
– Con chỉ hy vọng tìm một lối thoát để cứu vãn hạnh phúc gia đình. Cô Hiền đúng là người yêu của Vũ, trước khi ảnh sang Pháp.
Ông Thiện gật đầu nói:
– Chắc đúng như vậy rồi. Bây giờ, cô kia mang đứa bé đến làm gì? Muốn bêu xấu Vũ hả?
Mộng Ngọc lắc đầu:
– Không phải vậy đâu ba! Nếu cô ấy muốn làm xấu anh Vũ để yêu sách này nọ thì con đâu có lo. Dù gì con cũng thương yêu chồng con và không thể để mất anh ấy. Đàng nầy… cô ấy lại rất dễ mến, điềm dạm. Điều đó mới đáng ngại. Con chỉ hy vọng…
– Con hy vọng thế nào?
– Con hy vọng Hiền không còn yêu Vũ nữa mà đến đây chỉ vì tương lai của đứa con. Con sẽ nuôi đứa bé ấy như con ruột cùa mình, để anh Vũ không còn buồn phiền, ân hận…
Ông Thiện lấy thuốc ra hút, vẻ mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Một lúc ông nói:
– Ờ! Có gì khó. Để Vũ về nhà lần nữa ba cho người nom theo nó. Thế nào cũng biết nhà cô ấy. Chừng gặp mặt cô ta rồi, con liệu cho cô ấy một số tiền là xong chuvện.
Mộng Ngọc chận lời cha:
– Ba!
Nàng rất khổ tâm. Mỗi mỗi việc gì, cha nàng cũng nghĩ đến cách giải quyết bằng tiền. Thực tế ở đời ai cũng cần tiền để sống, nhưng không hẳn tiền có thể mua chuộc được tất cả. Huống chi đây là tình cảm của con người, làm thế nào định được “giá cả”. Ồng Thiện vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình:
– Con có nói, ba mới nghĩ ra! Chắc cô ta chỉ cần cho đứa bé có nơi nương tựa mới tìm đến đây. Nếu con không muốn giáp mặt người đàn bà đó thì cứ để ba. Ba cho họ vài ngàn đồng là xong (tiền tính theo giá trị của năm 1950 ở Sài Gòn .
Mộng Ngọc không thể nín thinh được nữa. Nàng bảo cha:
– Con xin ba đừng hành động gì khác. Hiền không phải là hạng người tham tiền đâu.
Ông Thiện lắc đầu:
– Làm sao con biết được tánh ý “người ta” khi chưa giáp mặt. Vả lại cô ta còn hy vọng gì ở Vũ nữa chớ, khi mà vợ chồng con đã có hôn thú hẳn hoi. Người không tham tiền và biết tự trọng chẳng ai tìm đến gây sự khó khăn cho gia đình người ta như vậy đâu?
Mộng Ngọc không nói thêm gì nữa. Nàng biết cha chỉ vì hạnh phúc riêng của mình, nên trở thành bất công! Theo lời Vũ, Hiền cùng không biết là chàng đã có vợ, có con. Nếu đúng vậy thì Hiền đâu phải là hạng người không biết tự trọng như cha nàng nghĩ. Ông Thiện bảo Mộng Ngọc:
– Con đừng buồn phiền nữa! Thế nào chuyện nầy cũng được giải quyết êm xuôi. Con cứ để ba.
Mộng Ngọc vẫn giữ thái độ như trước:
– Con xin ba đừng tính gì hết, cứ để yên cho chúng con tìm cách gỡ rối cho nhau.
– Gỡ rối gì? Con liệu mà nghe lời thằng Vũ. Mấy thằng đàn ông hễ mê gái rồi thì trăm thằng như một, hứa hẹn với vợ con lung lung. Nào là “để chầm chậm anh giải quyết”, “anh đâu có thể làm bức người ta được”, “cái gì cũng từ từ chớ, anh đã lỡ với người ta rồi mà”. Con ơi, chết đa con. Nghe nó rồi ôm hận.
Mộng Ngọc nghẹn ngào trước những lời khuyên nhủ của cha. Nàng tin Vũ không phải là hạng người như vậy. Vả lại chàng cũng không hứa hẹn càn bướng như cha nàng tưởng. Chàng chỉ nói thật hoàn cảnh của Hiền và cũng hy vọng sớm giải quyết những chuyện rối lòng. Ông Thiện đứng lên tiếp lời:
– Con quá hiền nên Vũ mới lộng đến thế. Theo như đàn bà khác thì từ hôm qua tới nay, “con bé” ấy không dễ gì ở yên. Con sao… ba rầu quá.
Mộng Ngọc ngước nhìn cha gượng cười:
– Ở đời, mỗi người một tánh, ba à! Cũng không chắc gì làm ồn lên mà giữ được chồng. Con đã từng thấy nhiều bà, quá ghen rối tự làm xấu hố mình và làm nhục chồng. Con không thể hành động như vậy.
Ngừng lại một phút, Mộng Ngọc tiếp:
– Ba nghĩ xem khi chồng đang say mê một hình ảnh kiều diễm nào khác, tức nhiên trong lòng còn gỉữ rất ít “tình cảm” đối với mình. Nếu con làm dữ, hỗn hào với chồng, chỉ tổ làm mất đi “chút ít” cảm tình còn sót lại. Con… nghĩ khác. Dù gặp nhiều khó khăn, con cũng quyết làm cho chồng yêu thương trở lại.
Ông Thiện cất giọng lo âu:
– Ba sợ con không thành công được. Con càng nín thinh, nó càng làm tới.
– Không đâu ba! Con không tin anh Vũ là hạng người như thế. Con xét kỹ, anh ấy không vì say mê đàn bà mà bỏ vợ con.
Ông Thiện thở dài đi qua đi lại trong phòng, không biết phải giúp con như thế nào! Chính ông cũng không chắc mình xúi Mộng Ngọc làm ầm lên mà giữ được Vũ!? Không khéo lại mang tai tiếng chẳng ích gì! Còn để yên cho Vũ muốn làm gì thì làm thật cũng đáng ngại lắm. Đột nhiên ông Thiện nghĩ đến cha Vũ, người bạn thân thiết của ông ngày xưa. Nếu cha Vũ còn sống, mà gặp hoàn cảnh nầy thế nào ông cũng cùng bàn bạc để tìm cách giải quyết. Mộng Ngọc thấy cha lộ vẻ ưu tư, khẽ nói:
– Ba đừng lo nhiều như vậy! Rồi thì đâu cũng vào đó.
Ông Thiện hỏi lại nàng:
– Thế là con không cần đến sự giúp đỡ của ba.
– Con đâu dám nói thế. Nhưng hiện thời con xin ba để yên cho chúng con. Không sao đâu ba à!
Ông Thiện gật đầu:
– Con muốn thế nào cũng được! Miễn sau nầy con đừng phiền trách ba không nói trước. Theo ý ba thì Vũ không thể rời xa người đàn bà kia một cách dễ dàng đâu. Nó “lậm” quá rồi.
Rối ông nhìn Mộng Ngọc tiếp lời:
– Nhưng sao con lại sợ, không dám giáp mặt cô kia?
– Không phải con sợ! Ý con cũng muốn thế nhưng anh Vũ không chịu!
– À! Dĩ nhiên là nó không chịu rồi. Thì con đến một mình, đừng cho nó biết. Ba sẽ liệu cách cho con giáp mặt “cô ấy”
Mộng Ngọc phân vân suy nghĩ! Nàng tin tưởng nếu mình gặp được Hiền, câu chuyện ngang trái giữa ba người sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Nhưng ý Vũ không muốn, nàng biết tính sao? Nghe lời cha thì sẽ phật ý Vũ! Rồi khi gặp mặt Hiền, nếu câu chuyện được giải quyết êm xuôi không nói làm gì, bằng ngược lại, Vũ sẽ đổ hết trách nhiệm cho nàng! Ông Thiện khẽ hỏi:
– Con tính sao? Có muốn gặp “cô ấy” không?
Mộng Ngọc nhìn cha với đôi mắt âu lo:
– Con sợ phật ý ảnh lắm ba à! Lúc nãy, con có nói mấy lần, ảnh đều không chịu.
– Như vậy, nó bỏ con và bé Dung để theo người đàn bà kia con cũng đành lòng sao?
Mộng Ngọc thở dài:
– Con chưa biết tính lẽ nào nhưng chắc chắn con không “bắt buộc” anh ấy ở với con, khi lòng đã hết yêu.
Ông Thiện không biết nói gì, khi con ông đã có quyết tâm như vậy. Tình cha thương con thật vô bờ bến, nhìn con chịu khổ sầu ông làm sao yên tâm được. Trên đời nầy chỉ còn Mộng Ngọc là nguồn yêu thương duy nhứt của ông, nếu cần đánh đổi hết sản nghiệp để chuộc lấy hạnh phúc cho nàng, ông cũng không từ. Nhưng khổ nỗi, hạnh phúc là một thứ vô giá không thể đánh đổi được bằng tiền.
Ông Thiện thở dài chấp nhận sự bất lực của mình.
***
Một điều làm cho Vũ an tâm, khi về đến cổng biệt thự chàng còn thấy thấp thoáng bóng Hiền bên trong cánh cửa sổ sơn màu xanh tối. Chàng chưa vội gọi cổng mà đứng lặng nhìn nàng. Hiền cúi thấp, hình như đang xếp quần áo trên “đi văn” thì phải. Vũ lại thấy âu lo! Hay là Hiền đang sửa soạn ra đi? Chàng nhớ đến điều suy luận của Mộng Ngọc:
– “Em chắc cô Hiền đến tìm anh cũng vì tương lai của bé Lệ!”
Vũ nghĩ lời vợ cũng có lý, nên định tìm hiểu rõ ràng ý tưởng của Hiền. Nếu thật nàng tìm lên Sài Gòn chỉ vì thế, thì hoàn cảnh của ba người sẽ được giải quyết dễ dàng. Chàng vừa định bấm chuông thì chú “gác dan” đã chạy ra:
– Dạ thưa ông, để “con” mở.
Vũ bảo chú:
– Này! Tôi không muốn chú xưng con như vậy đâu!
Chú Hai gãi tai đáp:
– Dạ “con” cứ quen miệng.
– Từ đây, tôi không muốn nghe như thế nữa? Bộ chú muốn “trù ẻo” tôi sao? Chú đáng tuổi cha tôi mà lại xưng “con”.
Chú Hai sợ hãi nói:
– Dạ, dạ… tôi xin nhớ. Dạ mà ông cũng đừng phiền. Tại mỗi ông chủ mỗi tánh, thật tôi không biết làm sao?
Đối với ông chủ trước tôi kêu bằng ông và còn gọi ông già, bà già ông chủ bằng “cố” nữa đó. Mấy lần tôi quên, suýt bị đuổi.
Vũ lắc đầu. Chàng đã từng thấy nhiều gia đình bắt buộc kẻ ăn người ở trong nhà kêu “tưng” lên như vậy. Chàng không hiểu sao họ có thể chịu được mà không ngượng? Vũ bỗng nói với chú Hai:
– Đối với gia đình tôi, chú khỏi phải lo điều đó. Miễn công việc giao cho chú làm cẩn thận là đủ.
Chú Hai mở khóa cổng. Vũ bước vào rồi hỏi chú:
– Từ sáng đến giờ, bà chủ có ra đây không?
Chứ Hai vội đáp: ‘
– Dạ không.
Vũ yên lòng vừa đi vào trong thì nghe có tiếng gọi phía sau lưng:
– Bác sĩ! Bác sĩ.
Vũ quay đầu lại thấy cô Liễu đang dựng xe đạp trước cổng. Chàng vội trở ra:
– Chuyện gì đó, cô Liễu.
Liễu nói:
– Không có gì quan trọng thưa bác sĩ! Tôi muốn hỏi bác sĩ một vài việc.
Vũ thấy chú “gác dan” đứng nhìn hai người với vẻ ngơ ngác thì bảo Liễu:
– Cô vào trong nhà nói chuyện tiện hơn. Hiền đang ở trong phòng.
Liễu vâng dạ rồi đẩy xe vào trong sân. Vũ đi bên nàng không nói gì cả. Khi hai người vào trong phòng khách rồi, Vũ mời Liễu ngồi và hỏi:
– Có chuyện gì vậy cô?
– Dạ, tôi muốn hỏi thăm bác sĩ, хеm bao giờ phòng mạch mở cửa lại.
Vũ lặng thinh suy nghĩ rồi đáp:
– Chắc cũng phải ít lâu nữa cô Liễu! Tôi vừa mới về nhà gặp Mộng Ngọc rồi sang đây.
Liễu ngạc nhiên vì tưởng Vũ không về nhà nữa, nên định qua báo tin Mộng Ngọc cho chàng. Đáng lý ra, nàng không nên hỏi thêm về chuyện riêng của Vũ nhưng trước cảnh nầy, nàng không khỏi tò mò. Liễu hỏi:
– Thưa bác sĩ, bây giờ bác sĩ liệu sao?
Vũ ngập ngừng:
– Tôi vẫn ở trong tình trạng nan giải cô Liễu à!
– Suốt buổi chiều hôm qua, tôi ở với bà đằng nhà. Bà buồn khổ quá, tôi không chịu được.
– Cô là người ngoài mà nói thế, còn tôi, cô biết tôi khổ đến bực nào? Đối với hai người đàn bà đều đáng thương cả, tôi biết liệu sao đây?
Liễu khẽ hỏi:
– Bác sĩ về nhà lúc sáng nầy để làm gì?
Vũ nói qua ý mình, rồi tiếp:
– Mộng Ngọc cũng không đến nỗi khắt khe với Hiền. Nhưng nàng có ý nầy.
Liễu ngước nhìn Vũ như chờ đợi câu nói của chàng. Vũ tiếp:
– Mộng Ngọc nghĩ Hỉền không còn yêu thương tôi như xưa. Hiện tại, nàng chỉ lo tương lai của bé Lệ, nên mới đến tìm tôi. Tôi nghĩ cũng có phần đúng, và muốn tìm hiểu rõ ràng ý định của Hiền.
Liễu lắc đầu nói:
– Thưa bác sĩ. Theo ý tôi thì… cô Hiền không phải đến tìm bác sĩ với ý định đó đâu?
Liễu thấy khó nói được hết lời. Vũ đáp:
– Tôi hoang mang quá cô Liễu! Nhưng để xem, tôi cần hiểu rõ ý của Hiền rồi mới quyết định việc nhà.
Cả Liễu và Vũ không ngờ là Hiền đã nghe rõ tất cả. Lúc nãy thấy Liễu vào trong sân, nàng mở cửa phòng định ra mừng bạn, nào ngờ được nghe câu chuyện kia.
Hiền đứng dựa lưng vào cánh cửa, bàng hoàng trước những lời Vũ mới thốt ra. Nàng không còn muốn ra khỏi phòng để gặp Liễu nữa. À, thì ra Mộng Ngọc đã cho rằng nàng không còn yêu Vũ và sự có mặt nàng ở đây chỉ vì tương lai bé Lệ. Tại sao Mộng Ngọc có thể quyết đoán như thế, khi chưa gặp nàng lần nào? Thật quá đáng! Nhưng xét cho kỹ, ở vào địa vị của Mộng Ngọc “bà ta” có quyền nghĩ như thế. Nàng phải bảo vệ hạnh phúc của mình chớ sao? Riêng Vũ, tại sao chàng lại cho lời Mộng Ngọc là đúng. Hiền cảm thấy uất nghẹn trong cổ họng. Nàng không ngờ Vũ không thấu được tình yêu của mình đối với chàng. Không yêu sao lại đợi chờ trong nỗi đắng cay, đến ngày giờ này? Hiền không còn gắng gượng được nữa, nàng ngồi gục xuống chiếc ghế trong góc phòng, hai tay ôm lấy đầu, nước mắt tự nhiên trào ra.
Chợt có tiếng xe đạp chạy trong sân. Hiền ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ thì thấy Liễu đã ra đến cổng ngoài. Hiền lau khô nước mắt vì biết Vũ sắp gọi mình. Hiền thấy đến lúc phải hết sức bình tĩnh và không cho Vũ biết mình đã nghe lóm được câu chuyện. Có tiếng Vũ gọi nàng ở bên ngoài:
– Hiền ơi! Em mở cửa cho anh với…
Hiền sửa lại mái tóc đưa mắt về phía giường thấy bé Lệ ngủ say thì lên tiếng:
– Dạ, anh đợi em một chút.
Hiền thở mạnh hơn, hai tay nắm chặt lại để trấn áp sự sôi nổi trong lòng. Thật ra, nàng cũng chưa biết phải đối phó như thế nào, trước hoàn cảnh nầy. Nàng muốn chờ xem Vũ xử trí ra sao? Hiền mở chốt cửa rồi lặng lẽ quay vào. Vũ theo sau nàng khẻ hồi:
– Bé Lệ thế nào em? – Dạ, con bớt nhiểu. Nhờ có bé Lệ mà hai người tránh được sự bỡ ngỡ sau câu chuyện đêm qua. Vũ không muốn nhắc đến chuyện đó hay tìm hiểu tại sao Hiền có thái độ ấy? Hiền đến bên giường con, ngồi xuống. Vũ cũng đến gần, nắm lấy tay con khẽ nói:
– Nó mát rồi nè.
Chàng tươi cười nhìn người yêu và Hiền cũng gượng cười với chàng. Hai người lại im lặng. Cả hai đều biết họ sắp nói những điều quan trọng, nhưng không ai mở lời trước được. Hiền thì muốn biết rõ Mộng Ngọc đã nói những gì mà Vũ tin tưởng. Còn Vũ, đến giờ phút nầy, chàng mới thấy việc tìm hiểu Hiền còn yêu mình hay không, chẳng phải chuyện dễ. Chàng cùng chưa biết phải mở lời ra làm sao? Hai người lại nói những chuyện không đâu. Lâu lắm, Hiền mới hỏi:
– Anh có về đằng nhà không?
Vũ gật đầu:
– Có em.
– Anh có gặp chị Mộng Ngọc?
Vũ lại gật đầu, Hiền hỏi tiếp:
– Chị ấy định thế nào?
Vũ đứng lên thở ra:
– Mộng Ngọc cũng không biết liệu sao?
Hiền thấy Vũ không chịu nói thẳng với mình những gì Mộng Ngọc đã nói, thì càng phiền lòng hơn. Một lúc, nàng tiếp:
– Anh đừng giấu em! Em đã nhận chịu số phận của em rồi mà. Em tưởng anh nên trở về với chị Ngọc là hơn. Em sẽ không làm bận lòng anh nữa.
Vũ nhìn Hiền như dò xét rồi cất tiếng:
– Em đừng nói thế! Anh đâu có thể để em và con phải bơ vơ như trước. Em đã chịu khổ nhiều rồi.
Hiền đáp:
– Chính vì em đã khổ nên không muốn một người khác phải khố như em!
Vũ im lặng, chăm chú nghe Hiền. Chàng vụt ngồi xuống bên nàng, nắm lấy đôi vai rồi hỏi:
– Hiền! Anh hỏi thật em điều nầy.
Hiền nhìn chàng khẽ gật đầu:
– Xin anh cứ hỏi.
Vũ ngập ngừng:
– Em… có còn… yêu anh không?
Hiền cúi mặt để tránh không cho Vũ thấy sự bối rối của mình. Nàng nghĩ đã đến lúc Vũ đi thẳng vào câu chuyện nhưng không biết phải trả lời như thế nào! Vũ lại hỏi:
– Hiền, nói cho anh biết. Em còn yêu anh như ngày xưa không? Hay chỉ vì con, vì bé Lệ mà em đến đây? Anh muốn em thành thật… để chúng ta sớm giải quyết những chuyện trái lòng.
Hiền nắm chặt lấy hai bàn tay để dằn cơn xúc động. Nàng muốn gào to lên cho Vũ biết là mình vẫn yêu Vũ tha thiết như buổi ban đầu. Nhưng thôi… Có nói cũng chẳng ích gì mà còn gây thêm điều rắc rối.
Vũ thấy Hiền lặng thinh, thì lại tưởng sự suy luận của Mộng Ngọc là đúng. Chàng tiếp:
– Hiền. Đừng giấu anh. Cứ nói thật lòng mình. Em đừng lo cho tương lai của con. Dù sao đi nữa, anh cũng không để cho em và con phải khổ đâu. Anh quyết chuộc lại lỗi lầm ngày trước.
Hiền không ngờ Vũ có thể nói được những lời đó. Chàng không hiểu tình yêu của mình đốì với chàng mà lại nghĩ là mình đến đây chỉ vì muốn được dựa nương? Vũ tiếp:
– Anh cũng biết mình có lỗi với em, dù có làm gì đi nữa cũng không chuộc lại lầm lỡ khi xưa. Nhưng anh thề sẽ giúp em làm lại cuộc đời. Chính anh phảỉ chăm lo hạnh phúc cho em.
Hiền ngước lên nhìn thẳng vào mặt Vũ, đôi môi nàng run run. Nước mắt tuôn trào. Vũ chợt thấy Hiền muốn khóc thì hỏi:
– Kìа em! Sao em lại khóc?
Hiền cố nuốt cơn uất nghẹn trong lòng, gượng nói:
– Em đâu có khóc. Em mừng quá mà ra nước mắt đó thôi. Anh còn biết nghĩ đến em và con anh như thế cũng nhiều lắm rồi. Từ đây, miễn bé Lệ khỏi khổ là em mãn nguyện.
Vũ nào hiểu được những điều nghĩ ngợi trong lòng Hiền. Chàng nghe Hiền nói thế thì mừng rỡ cất tiếng:
– Em yên lòng, đừng lo cho tương lai của bé Lệ. Anh sẽ chăm sóc lo lắng cho con như bé Dung. Mộng Ngọc cũng hiền dịu lắm.
Hiền ngơ ngác chưa hiểu Vũ nói thế với ý gì thì chàng lại tiếp:
– Mộng Ngọc đã nói: “Hiền không vì còn yêu anh mà tới đây đâu”, anh nghĩ có phần đúng. Ngày trước anh đối xử với em thật chẳng ra gì, làm sao em còn đợi anh đến giờ này.
Hiền nhủ thầm:
– À, thì ra Mộng Ngọc đã nghĩ thế. Và điều quan trọng là Vũ tin lời nàng. Nhưng mà thôi, mình có phiền trách Mộng Ngọc hay Vũ làm gì nữa, khi trong lòng đã có ý định hy sinh hạnh phúc cho gia đình người yêu cũ được vẹn toàn.
Vũ lại nói:
– Mộng Ngọc có ý định gặp em để tâm tình cho cảm thông nhau hơn, nhưng anh muốn biết ý đinh của em trước đã.
Hiền khẽ nói:
– Vì thế mà anh quay trở lại đây để gặp em.
Rồi không cho Vũ kịp chú ý đến câu nói có vẻ mỉa mai của mình, Hiền tiếp:
– Bây giờ anh và chị Mộng Ngọc định thế nào hả anh?
Vũ nhìn Hiền như cố tìm hiểu ý nàng rồi nói:
– Mộng Ngọc muốn cho bé Dung và bé Lệ được sống gần nhau, cho có chị có em. Và anh… mới đủ thời giờ chăm lo cho con.
Hiền nhìn Vũ. Thì rа Mộng Ngọc muốn nàng phải sống xa con nàng mãi mãi. Kể ra Mộng Ngọc khôn khéo hơn nàng nhiều vì bé Lệ có về sống với cha thì Vũ không còn ân hận gì nữa. Vũ thấy Hiền lặng thinh, tiếp lời:
– Em đừng lo cho bé Lệ! Đã có anh lo cho con. Nó sẽ không bị thiệt thòi gì cả. vả lại Mộng Ngọc rất hiền dịu, nàng sẽ thay em nuôi dưỡng con nên người.
Hiền ngước mắt nhìn Vũ:
– Thế còn em… Em phải làm gì và đi về đâu?
Vũ tiếp ngay:
– Em cứ ở đây… chớ còn phải đi đâu nữa. Anh nói là sẽ lo cho em mà.
Hiền lặp lại lời Vũ:
– “Anh sẽ lo cho em!”
Mà lo như thế nào đây! Mộng Ngọc có thật tình nghĩ rằng nàng không còn yêu Vũ chăng? Hay là chỉ nghĩ thế để nàng xa Vũ mãi mãi. Rồi nếu nàng ở lại nhà nầy, Mộng Ngọc có tránh được những cơn ghen tức hay chăng? Nàng bảo Vũ:
– Không được đâu anh! Chị Mộng Ngọc nào muốn em ở đây? Dù có hiền dịu đến mấy, chị ấy cũng vẫn là đàn bà. Biết chị ấy có chịu tin em là không còn yêu anh nữa chăng?
Vũ nói ngay:
– Тhì chính Mộng Ngọc nói rõ ý đó với anh. Nàng chỉ suy luận thôi, nhưng không ngờ là sự thật.
Hiền thấy Vũ rất nông cạn trong việc tìm hiểu tâm tính đàn bà! Chàng không hiểu nổi lòng mình và cũng không thể thấu rõ ý nghĩ của Mộng Ngọc. Hiền thở dài. Vũ hỏi:
– Em nghĩ sao? Hình như em không được vừa ý?
Hiền đáp:
– Dạ đâu có. Em đang nghĩ đến những ngày sắp tới. Sống như thế, biết có yên không?
– Sao lại không yên hả em?
Hiền cười nói:
– Anh và chị Mộng Ngọc tính mà quên một điều.
– Điều gì hả em?
– Bé Lệ!
– Bé Lệ… làm sao?
Hiền đáp nhỏ:
– Bé Lệ đã lớn rồi! Biết nó chịu về ở với anh chị hay không? Nhứt là khi em còn ở trong nhà nầy. Nếu biết em ở đây chắc nó không chịu sống với anh chị đâu!
Vũ nghe lời Hiền nói cùng có lý! Nếu bé Lệ không chịu về với chàng và Mộng Ngọc thì cũng khó lắm, mặc dù Hiền đã bằng lòng. Thấy Vũ lặng thinh, Hiền tiếp:
– Chính đó mới là điều hệ trọng mà anh chị phải nghĩ tới.
Hiền đã cố gắng nhiều lắm mới nói được những lời đó, vì nàng không muốn Vũ nhìn thấy nỗi khổ trong lòng nàng. Từ nãy giờ, nàng cố ý làm cho Vũ hiểu lầm là mình rất vừa ý về cách giải quyết của Mộng Ngọc, nên không tỏ một cử chỉ phản đối nào?! Sở dĩ nàng ép lòng như thế vì đã nhìn thấv rõ một điều: Vũ không còn yêu nàng nữa! Chàng phải lo cho nàng là vì con, vì bé Lệ. Hiền khổ tâm nhiều lắm, nhưng không để lộ ra ngoài. Điều quan trọng nhứt trong đời nàng là tình yêu của Vũ mà nay cũng không còn thì nàng thiết gì nữa chớ. Nàng quay sang bé Lệ, sửa lại chiếc gối cho con. Cử động của nàng vẫn điều hoà bình thản nhưmg trong lòng nàng là cả một bãi chiến trường. Nhiều ý nghĩ xung đột nhau, có lúc nàng muốn quay phắt lại trách Vũ với những lời thậm tệ. Nhưng để làm gì mới được chớ? Rồi sẽ đi đến kết quả nào? “Người ta” tệ bạc quá! Đã không biết trọng tình yêu của nàng mà còn đang tâm chia rẽ tình mẫu tử của nàng. “Họ” chỉ tính những gì có lợi cho “họ” thôi, còn nàng thì sao cũng được. “Họ” đã muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình cho toàn vẹn mà quên đi nỗi khổ tâm của kẻ khác.
Nhưng thôi, số phần của nàng đã như vậy rồi, có than van oán trách cũng vô ích. Nàng đã ép lòng nhận chịu sự khổ đau thì phải có can đảm đi đến kỳ cùng. Vũ bỗng hỏi nàng:
– Bây giờ, biết tính sao hả em?
Chàng đoán trước Hiền sẽ không chịu giao con cho mình và Mộng Ngọc, thật không sai mấy. Đành rằng Hiền không còn yêu chàng nữa, nhưng xa hẳn con, làm sao nàng chịu nổi. Vũ cũng nhận thấy mình và Mộng Ngọc đòi hỏi quá nhiều ở Hiền. Nếu Hiền và bé Lệ ở lại đây, dưới sự chu toàn của chàng, chắc gì Mộng Ngọc lại không nghĩ suy nầy khác. Và ông Thiện… cha vợ chàng sẽ nghĩ quấy cho Hiền ngay. Một lúc sau, Vũ rất đỗi ngạc nhiên, khi nghe Hiền bảo:
– Anh không phải lo nữa! Thế nào em cũng cố gắng bảo con về ở với anh chị. Vũ nắm chặt lấy tay Hiền không biết phải nói thế nào? Hiền lặng lẽ rút tay lại, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ. Vũ khẽ hỏi:
– Em liệu con có nghe lời chăng? Hiền gật đầu: – Em bảo thế nào con cũng nghe theo. Anh đừng ngại. Hiền cúi xuống, ôm con vào lòng. Bé Lệ rên ư hư rồi lại ngủ thiếp đi. Vũ nhìn Hiền, thấy vẻ mặt của nàng thật lạnh lùng khó hiểu. Chàng vẫn không tin là Hiền chịu xa con dễ dàng như vậy! Một lúc chàng lại hỏi Hiền:
– Em! Em nói thật chớ? Em không còn yêu anh nữa ư? Nếu em còn nghĩ đến anh thì anh sẽ tính khác.
Hiền chừng như không còn dằn lòng được nên quay phắt lại nhìn Vũ đáp:
– Em đã nói rõ lòng em rồi, anh còn hỏi làm chi nữa? Tình cảm của con người, nào phải đâu một bài toán mà tính tới, tính lui. Em không phải là một hạng người như thế!
Vũ lặng thinh và linh cảm như lời nói kia là tiếng lòng đau xót của Hiền. Hay là Hiền vẫn còn yêu mình, vì tự ái mà nói thế? Chàng toan hỏi lại thì Hiền đã cất tiếng:
– Anh đừng nghĩ ngợi gì khác. Em đã nói thế nào thì ra thế đó. Em rất khổ tâm… khi phải dối lòng mình: “khi lòng đã hết yêu nhau rồi mà vẫn sống với nhau”. Nhưng trước tương lai mù mịt của con, em đành phải đến tìm anh.
Hiền nói bằng một giọng buồn buồn khiến Vũ không có ý nghi ngờ gì cả. Chàng nói :
– Anh hiểu rồi và sẽ thay em lo cho bé Lệ. Riêng em thì cứ ở nhà nầy và anh sẽ giúp em tạo lập một cuộc đời khác.
Hiền nhìn Vũ nghẹn ngào:
– Em… cảm ơn anh nhiều lắm!
Thấy Hiền muốn khóc. Vũ tưởng đâu nàng cảm động trước sự săn sóc của mình:
– Có gì đâu em! Em đừng ngại. Bổn phận của anh là như vậy.
Hiền bảo Vũ:
– Thôi đã trưa rồi, anh nên về nghỉ một chút đi… Chiều nay, chắc anh còn làm việc chớ không lẽ nghỉ mãi?
Vũ nín lặng một lúc mới hỏi:
– Em có muốn gặp Mộng Ngọc không?
Hỉền ngập ngừng:
– Dạ… Em cũng cần gặp chị ấy!
– Em định bao giờ gặp Ngọc?
– Anh để… sáng mai… anh và chị sang đây… Em sẽ nói rõ hoàn cảnh cho con nghe trong đêm nay.
Vũ hỏi:
– Em có cần anh đến để nói với con chăng?
Hiền lắc đầu:
– Thôi anh! Em tin bé Lệ sẽ nghe lời em… Thôi anh về nghỉ… Coi chừng bệnh đó.
Vữ đứng lên bảo Hiền:
– Từ nay, dù chúng ta không sống với nhau trong tình chồng vợ, anh thề sẽ lo lắng chu toàn cho em… như là lo cho em ruột của anh.
Hiền đáp:
– Dạ… Em mang ơn anh nhiều lắm.
Vù lắc đầu:
– Em đừng nói thế khiến anh tủi hổ. Bổn phận của anh là phải lo cho em, để chuộc lại lỗi lầm xưa.
Hiền gượng cười cho Vũ an lòng rồi đặt bé Lệ nằm xuống gối. Vũ nói với nàng trước khi ra cửa:
– Em cũng nên đi nghỉ một chút.
Hiền nhìn theo chàng đến khi khuất hẳn rồi mới gục đầu xuống nệm khóc. Thế là hết! Nàng đã gắng gượng nhiều lắm rồi, mới giữ được vẻ bình thản trước mặt Vũ. Bây giờ đây, nàng mới trở lại con người thật của mình. Bao nhiêu hy vọng đều tiêu tan hết. Đúng như lời cậu Giáo Hoài đã nói:
– “Thời gian qua lòng người thay đổi”
Nhưng điều làm cho nàng đau xót hơn hết là được biết Vũ không hề yêu mình, đúng với cái nghĩa của nó. Riêng nàng, lại yêu thương Vũ với tất cả tâm hồn và xem Vũ như một bóng hình duy nhứt trong đời. Khi trước, Vũ gần gũi thương yêu nàng cũng chỉ vì sự ham muốn nhứt thời chớ đâu phải tình yêu. Thế mà nàng lại đợi chờ năm nầy sang năm khác. Thật là điên dại!
Bỗng bé Lệ cựa mình thức giấc. Nó nhìn thấy mẹ đang gục đầu bên cạnh thì lén ngồi dậy nhìn. Hiền nghe tiếng động vụt quay lại, nước mắt còn đọng trên má, nàng chưa kịp lau. Bé Lệ ngạc nhiên hỏi:
– Mẹ! Sao mẹ lại khóc. Mẹ khóc hoài vậy? Con hết bệnh rồi mà. Hiền lau khô nước mất, mỉm cười với con:
– Mẹ đâu có khóc?!
– Còn không có nữa. Con thấy nước mắt của mẹ nè.
– Ờ, không phải bụi vô mắt mẹ đó.
Bé Lệ không hỏi nữa. Nó nhìn quanh quẩn trong phòng như muốn tìm ai? Hiền chú ý đến thái độ của con và biết nó tìm Vũ chớ không ai khác. Nàng hỏi:
– Con kiếm ba hả? Bé Lệ gật đầu: – Dạ! Ba con đâu rồi mẹ?
– Ba con vừa mới đi làm.
– Sao mẹ không gọi con thức dậy, trước khi ba đi?
– Chi vậy? Con thương ba lắm hả?
Bé Lệ gật đầu. Hiền ngẫm nghĩ một lúc, rồi dò hỏi ý con:
– Lệ à! Con chịu ở với ba không?
– Chi vậy mẹ?
– Тhì con thương ba, nên ở với ba chớ!
Bé Lệ vụt hỏi:
– Còn mẹ?
– Mẹ không ở với ba! Mẹ ở riêng.
– Sao vậy mẹ?
Hiền nhìn con, cất giọng đều đều:
– Có nhiều chuyện con chưa có thể hiểu được, mẹ không thể nào giải thích cho con rõ. Mẹ chỉ muốn con ở với ba, vì ba đủ sức nuôi con nên người.
Hiền chỉ ướm thử lòng con thôi, nhưng cũng thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Bé Lệ chưa hiểu ý nghĩa của câu chuyện, nhưng nghe mẹ nó không ở với ba thì nó lắc đầu:
– Con không chịu đâu! Con ở với mẹ hà.
Hiền sung sướng vô cùng, nhưng vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên:
– Con ở với mẹ sẽ chịu cực khổ nhiều lắm! Con không nhớ hồi ở nhà quê sao? Có khi sáng sớm không có gì ăn. Bây giờ về với ba, sáng sớm có sữa uống nè.
Bé Lệ suy nghĩ nhiều lắm. Hiền thấy hồi hộp lo âu. Lệ nói:
– Nhưng không có mẹ ở chung, con không chịu đâu.
– Thì có ba cũng được vậy! Con không thương ba sao?
– Thương chớ, nhưng không bằng mẹ!
Hiền ôm chầrn lấy con hôn lấy hôn để. Nàng nói trong tiếng nấc:
– Mẹ… hỏi thử con… chớ đời nào mẹ lại bỏ con… con yêu quý của mẹ…
Bé Lệ rúc đầu vào ngực mẹ sung sướng vì được yêu thương. Nó bỗng hỏi:
– Mẹ à! Mẹ không ở với ba thiệt sao?
Hiền gật đầu:
– Mẹ con mình sẽ không ở nhà này nữa.
– Rồi đi đâu mẹ? Ba không cho ở hả?
– Cho chớ, nhưng mẹ không muốn ở.
Bé Lệ ngơ ngác không rõ ý mẹ. Tại sao ba nó “tử tế” như vậy mà mẹ nó bỏ đi? Rồi đi về đâu? Trở về dưới quê ở với ông bà Giáo ư? Bé Lệ không thích chút nào hết. Nó hỏi lại Hiền:
– Rồi đi đâu mẹ? – Mẹ cũng không biết nữa. Nhưng chắc là không thể ở lại đây rồi. Hiền nằm xuống bên con, thở dài nhìn lên nóc mùng. Thật tình nàng cũng chưa biết mình sẽ đi đâu và làm nghề gì để nuôi con? Nhưng nàng không thể ở lại nơi nầy trong điều kiện mà Vũ đã nói lúc nãy. Nàng yêu Vũ và chỉ muốn làm vợ chàng chớ đâu phải đến đây để giao con cho chàng nuôi dưỡng và sống nhờ cậv sự đùm bọc của chàng. Hiền khổ lắm. Ngày xưa, nàng còn chịu đựng được bao nỗi đắng cay vì tin tưởng ở tình yêu của Vũ, hy vọng có ngày còn gặp lại chàng sẽ sống trong tình chồng nghĩa vợ. Chớ có ngờ đâu lại gặp một sự thật hết sức phũ phàng: “Vũ không hề yêu nàng. Và tình yêu ngày xưa, chỉ là mối tình dại dột qua đường”. Hiền nghĩ đến đó thì khổ tâm không chịu được. Nàng quay mặt sang bên, để mặc cho nước mắt khơi dòng. Nàng không muốn bé Lệ trông thấy mẹ khóc một cách yếu hèn. Bỗng có tiếng động ở cửa phòng, rồi tiếng chị bếp gọi nàng:
– Thưa mợ! Hiền úp mặt vào gối cho nước mắt thấm hết đi, rồi ngồi dậy, nhìn chị bếp hỏi:
– Có chuyện gì vậy dì? Chị bếp bước đến bên giường nói:
– Thưa mợ, hôm nay ông có về ăn cơm không? Hiền lắc đầu:
– Chắc là không rồi, dì à. Chị bếp quay sang bé Lệ hỏỉ: – Hết nóng chưa cưng. Làm mẹ khóc suốt đêm. Chị khòm xuống rờ trán Lệ. Nó mỉm cười nói: – Con hết rồi. Bà… cho con uống sữa đi. Hiền chợt nhớ là từ lúc bé Lệ thức giấc đến giờ nầy, nàng quên không cho con uống sữa. Chắc nó đói lắm, mới đòi như vậy. Chị bếp nhìn Hiền hỏi:
– Mợ quên cho em uống sữa? Hiền gật đầu:
– Dì khuấy sữa giùm cháu. Chị bếp chưa vội đi mà chăm chú ngó Hiền. Mấy hôm sống gần gũi với nàng, chị mến Hiền như người thân thuộc trong gia đình. Vì tánh tình Hiền khác hẳn những bà chủ trước đây. Hiền không kiểu cách và xem chị bếp như người làn công dưới tay mình. Lúc nào nàng cũng lễ độ với chị và thật tình thương mến. Nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của Hiền, chị khẽ hỏi:
– Có việc gì vậy mợ? Hình như mợ không được vui? Hiền lắc đầu không đáp. Nàng không dám mở lời vì sợ nghẹn ngào trước mặt con thì bé Lệ lại hỏi lôi thôi. Nàng muốn thố lộ chuyện riêng của mình với chị bếp lắm! Trong hoàn cảnh bi thảm nầy, nàng còn biết tâm sự với ai? “Tứ cô vô thân”, nàng thấy hiện tại chị bếp là người đáng cho nàng tin cậy hơn hết. Hiền gượng cười bảo chị bếp:
– Đâu có chuyện gì đâu? Nàng vừa nói vừa bước xuống giường. Bé Lệ hỏi:
– Mẹ đi đâu vậy, con ra với… Hiền lắc đầu:
– Không, con hãy nghe lời mẹ nằm trong phòng. Ra ngoài sớm không tốt. Nàng sửa mền gối cho con nằm ngay ngắn rồi cùng chị bếp đi ra khỏi phòng. Chị bếp có linh cảm Hiền sắp nói điều gì hệ trọng lắm, nên lặng thinh đi bên nàng. Hai người xuống đến nhà bếp. Hiền băn khoăn không biết có nên nói hết chuyện mình cho chị bếp nghe chăng? Không phải vì muốn cho người khác thương xót mình mà nàng tâm sự?! Thật ra, nàng không biết phải về đâu? Không lẽ trở lại quê nhà?! Nơi đó, Vũ biết rành lắm. Nàng về đó tự nhiên Vũ sẽ tìm được ngay. Ngoài ra, nàng còn biết đi đâu để mẹ con được sống yên lành! Chị bếp bỗng hỏi:
– Tôi xem mợ “xuống sắc” lắm! Hav là lại thức đêm, thức hôm nhiều? Chị còn muốn gợi chuyện cho Hiền nói ra những gì đang nghĩ ngợi trong lòng. Hiền ngồi xuống bên chị bếp hỏi:
– Dì Ba có thương tôi không? Dì nói thiệt đi. Chị bếp chăm chú nhìn nàng, rồi đáp:
– Tôi thành thực lắm, mợ à! Tôi không hay nói để lấy lòng người khác, dù cho tiền muôn bạc vạn cũng vậy.
– Tôi tin dì Ba là người tốt. – Nhưng sao tự nhiên mợ hỏi kỳ vậy? Hiền tiếp lời:
– Tôi đang gặp chuyện khổ tâm lắm dì. Dì có thương tôi, tôi mới dám nói. Chị bếp chợt nghĩ đến Vũ. Hay là trong đêm qua hai vợ chồng có chuyện xích mích với nhau?! Nhưng, đâu có lẽ vì chuyện giận chồng mà Hiền đem ra thố lộ với mình. Hiền là người kín đáo chớ nào phải đâu bạ chuyện gì cũng mang ra nói hết với mọi người. Chị từng thấy nhiều người đàn bà hay bép xép, đến như tật xấu của chồng cũng mang ra nói với bè bạn. Hiền không phải là hạng đàn bà như vậy! Chị bếp bảo nàng:
– Tuy biết mợ không mấy ngày, nhưng thật tình, tôi хеm như ruột rà thân thích. Mợ có chuyện gì buồn cứ nói, biết chừng đâu tôi có thể “đỡ đần” được phần nào!
Hiền nắm lấy tay chị bếp:
– Tôi cám ơn dì lắm. Tôi sẽ không giấu dì một việc gì hết.
Có tiếng bé Lệ gọi ở nhà trên, chị bếp vừa mở hộp sữa vừa nói:
– Mợ để tôi khuấy sữa cho cháu đã.
Chị chế nước sôi vào ly sữa, khuấy thật đều rồi bưng lên phòng bé Lệ. Hiền ngồi lặng yên nhìn bếp lửa đang cháy bập bùng mà liên nghĩ đến những ngày xa xưa ở thôn quê. Thuở còn con gái, nàng hay ngồi bên mẹ nghe lời dạy dỗ, cạnh bếp lửa hồng trong những ngày gần Tết. Gió lạnh thổi qua những hàng song. Bây giờ, đã xa lắm rồi cái thời thương mến đó. Mẹ nàng đã ra người thiên cổ, còn nàng đang chịu bao nỗi đắng cay của cuộc đời. Hiền lại nghĩ đến cha. Nàng biết không bao giờ ông tha thứ cho nàng vì những lỗi lầm ngày trước. Ông có khắt khe như thế cũng đáng tội cho nàng. Hiền nhở rõ những lời khuyên dạy của cha trong những đêm mưa dưới ánh đèn, trong gian nhà ấm cúng:
– “Làm thân con gái mà nhẹ dạ non lòng, nghe lời đường mật của bọn trai tơ thì có ngày hối không kịp đó con!”
Bây giờ Hiền thấm thía làm sao, khi nhớ lại câu nói của cha. Dù ông có khắt khe, Hiền cũng không dám oán trách. Nàng đáng tội quá mà! Con gái lớn lên, đường đời chưa biết, không để cha mẹ “dựng vợ, gả chồng” tự mình gieo khổ cho mình còn oán trách ai?! Hiền thở dài, nước mắt rưng rưng, khi nhớ lại những việc đã qua trong đời. Chị bếp đã trở xuống nhà và ngồi sát bên nàng hỏi:
– Có chuyện gì vậy mợ?
Hiền quay nhìn chị bép khẽ đáp:
– Tôi đang khổ lắm dì Ba! Bây giờ không biết phải đi về đâu?
Chị bếp sửng sốt nhìn Hiền:
– Mợ nói gì tôi không hiểu! Mợ định đi đâu? Sao không ở đây?
Hiền nghẹn ngào đáp:
– Tôi không còn ở đây được nữa! Tôi không ngờ mình chi là một kẻ thừa. Chị bếp há hốc mồm không thốt được nên lời. Hiền nói thế là nghĩa lý gì. Hay là nàng ghen? Chị bếp nghĩ thế nên khẻ hỏi Hiền:
– Bộ mợ nghi ngờ bác sĩ thương một người khác sao? – Còn nghi ngờ gì nữa! Sự thật là vậy! Chị bếp gật đầu:
– Thì ra ông ấy có “vợ bé”! Hèn chi không thấy về nhà. Hiền bình thản tiếp:
– Anh ấy không có “vợ bé” mà lại có vợ lớn, vợ chính thức.
Chị bếp kinh ngạc suýt kêu lên thành tiếng. Thế là nghĩa lý gì? Chị không còn hiểu được nữa. Hiền cười chua chát:
– Dì vẫn chưa hiểu sao? Tôi chỉ là một kẻ thừa mà. Chị bếp nhìn Hiền như chợt hiểu ra! Không lẽ nàng lại là vợ bé của bác sĩ Vũ sao? Thật bất ngờ! Hèn chi bác sĩ ít khi về đây cũng phải. Tự nhiên chị cảm thấy khó mở lời. Tại sao lại là người đàn bà như vậy? Trong thâm tâm chị không ưa những thiếu nữ đi thương đàn ông đã có vợ. Yêu thương như vậy là sai lầm, gây cảnh rắc rối cho gia đình người ta! Hay là Hiền không rõ được gia cảnh của bác sĩ Vũ? Cũng không có lý! Bé Lệ đã sáu, bảy tuổi rồi, làm sao từ bao năm nay, Hiền không biết được. Hiền thấy chị bếp cứ lặng lẽ nhìn mình thì biết chị đang có ý hoài nghi, nên cất tiếng:
– Dì Ba không thể ngờ như vậy sao? Tôi khổ lắm dì à! Tôi không ngờ lại lâm vào hoàn cảnh như vầy.
Chị bếp ngạc nhiên hỏi:
– Sao lại không ngờ được bả mợ? Mợ không biết bác sĩ đã có vợ sao?
Hiền lắc đầu:
– Tôi tin tưởng ở anh Vũ, nào ngờ anh lại có vợ, có con. Phải dè vậy, tôi ở luôn dưới quê, cố tìm anh ấy làm gì, để gặp sự thật quá phũ phàng.
Chi bếp băn khoăn hỏi:
– Câu chuyện như thế nào hả mợ?
Hiền từ từ kể hết sự tình, từ khi gặp Vũ, rồi nàng mang thai bị cha đuổi khỏi nhà. Nàng vẫn ẩn nhẫn nuôi con chờ ngày Vũ trở về, nào ngờ chàng sang Pháp lại cưới Mộng Ngọc. Nàng vô tình không biết mới đi tìm chàng, bây giờ đã hiểu rõ tất cả.
Chị bếp nghe qua câu chuyện đâm ra tội nghiệp Hiền. Thì ra bác sĩ Vũ bội tình xưa chớ nào phải đâu Hiền có ý định phá gia cang người khác. Hiền chỉ là nạn nhân của mối tình bồng bột tuổi thanh xuân. Lâu lắm chị mới hỏi Hiền:
– Bây giờ mợ tính sao?
– Tôi định rời bỏ nơi nầy, dì Ba à!
Chị bếp sửng sốt nhìn nàng:
– Bỏ nhà nầy mà đi! Rồi đi về đâu? Trở về quê ư?
Hiền lắc đầu:
– Không dì Ba! Tôi không về quê đâu! Còn mặt mũi nào nữa. Vả lại, anh Vũ sẽ tìm ra tôi ở nơi đó.
Chị bếp khẽ hỏi:
– Bác sĩ còn… thương, sao mợ lại bỏ đi? Rồi lấy gì mà sống, nuôi con?
Hiền đáp lạnh lùng: – Dì Ba à! Đời tôi nào khác chi một thân cây đã bị đốn ngã xuống rồi, bây giờ còn sợ gì bị cưa ra từng khúc nữa! Thà là đem con đi nơi khác rồi có khổ cực cũng cam tâm chớ ở lại đây sống trong cảnh “chồng chung vợ chạ” tôi còn đau khổ hơn!
Chị bếp nói:
– Mợ nghĩ cũng phải! Mợ đã gặp bác sĩ trước mà! Bây giờ phải tính sao chớ, đâu để mợ “làm bé” được.
– Dĩ nhiên là không có chuyện đó rồi! Chị Mộng Ngọc lại nghĩ là tôi không còn yêu thương anh Vũ, mà chỉ muốn đem con tới đây để được dựa nương.
Chị bếp gật đầu:
– Bà ấy phải nghĩ thế thôi! Điều quan trọng là bác sĩ phải hiểu rõ tình yêu của mợ.
Hiền thở dài: – Anh ấy tin lờì nói đó! Lúc sáng, ảnh hỏi tôi để đem bé Lệ về ở chung với vợ chồng anh ấy.
Chị bếp kêu lên: – Có lý nào bác sĩ làm vậy! Ông phải biết là mơ còn yêu thương nên mới đến đây chớ ! Hay là tại bà Mộng Ngọc?
Hiền tiếp lởi: – Điều đó không quan hệ đâu, dì Ba! Tôi buồn lòng một chuyện khác mà phải mang con ra đi.
– Chuyện gì hả mợ?
– Tôi mới hiểu ra là từ trước tới nay Vũ không hề yêu tôi, như tôi đã nghĩ. Vũ chỉ yêu thương tôi “qua đường” rồi quên hẳn. Tôi dại đột xem tình yêu kia là duy nhứt trong đời, nên phải khổ như thế nầy.
Chị bếp suy nghĩ một lúc mới nói:
– Theo tôi thấy bác sĩ yêu mợ lắm mà! Nếu không, sao ông ấy lại lo lắng cho mợ đủ hết vậy! Tôi mong mợ nghĩ kỹ lại.
– Không đâu dì Ba! Hiện tại, anh ấy đang ân hận vì chuyện lỡ lầm ngày trước nên muốn chuộc lại lỗi mình, vả lại, còn bé Lệ, không lẽ anh ấy bỏ con sao?
Chị bếp lẩm bẩm:
– Đành thế, nhưng bác sĩ cũng yêu mợ mà. Lúc sáng, bác sĩ có ý sợ mợ bỏ đi, nên nhờ tôi trông chừng.
– Trông chừng tôi?
– Phải. Điều đó chứng tỏ bác sĩ còn yêu mợ mà.
Hiền lắc đầu: – Không đâu! Anh ấy muốn tôi ở lại để chăm lo, săn sóc tôi như một đứa em, Anh ấy hứa sẽ lo cho tương lai của tôi về sau nầy. Trời! Nếu ở lại thì tôi chết lần, chết mòn trong một tòa biệt thự mênh mông.
Ngừng lại một phút nàng tiếp: – Anh ấy còn muốn hành hạ tôi làm chi nữa? Ở lại để chứng kiến hạnh phúc của ảnh và Mộng Ngọc ư?
Chị bếp lắc đầu: – Chắc bác sĩ không có ý đó đâu! Có thể ông ấy đã lầm, trước sự khôn khéo của bà Mộng Ngọc. Tôi chưa gặp được bà ấy nhưng có thể đoán được sự khôn ngoan của bả. Hiện giờ, nếu mợ bỏ đi, tức là mợ đã thua trí bà ta.
Hiền khẽ đáp: – Tôi đâu có ý định hơn thua với ai, dì Ba. Tôi nhận chịu số phận của mình mà.
– Sao mợ lại nói thế? Mình phải bảo vệ hạnh phức của mình chớ. Mợ phải làm cho ông Vũ biết là mợ vẫn còn thương ông ấy.
Hiền lắc đầu:
– Thôi dì! Tôi nghĩ là mẹ con tôi nên rời khỏi nơi này cho gia đình anh ấy được ấm êm.
Chị bếp thở dài:
– Mợ quá hiền. Tồi thấy mợ không nên ép lòng mình. Mợ bỏ đi là tự mình đưa đến chỗ khổ hơn. Mợ nên nghĩ lại.
Chị bếp chợt nín lặng. Hiền đã nói với giọng cả quyết như thế thì có khuyên bảo cũng chẳng ích gì! Chị bỗng nảy ra ý định: hay là mình tìm gặp bác sĩ? Chị sẽ thay Hiền nói hết những đau khổ của nàng, để Vũ đừng hiểu lầm là nàng không còn yêu thương chàng nữa. Nhưng biết Vũ có tin lời chị chăng? Mà Hiền, cũng rất có thể bỏ đi khi chị đến nhà Vũ? Chị khẽ hỏi:
– Mợ quyết định bỏ nhà nầy đi thật sao?
– Phải! Trong hoàn cảnh nầy, tôi không thể tính gì khác hơn. Tôi mong dì giúp tôi.
Chị bếp cảm động trước sự tin cẩn của Hiền. Chị thương Hiền thật tình không muốn nàng phải khổ. Đã từng bị hất hủi trong đời, chị cảm thông hoàn cảnh của Hiền hơn ai hết. Tuy nhiên chị không muốn Hiền rời bỏ nơi nầy mà đi. Ở lại, Hiền chỉ khổ tâm, nhưng được thảnh thơi hơn. Chớ một bước ra đi, không tiền bạc, không chỗ dựa nương, nàng sẽ khó nuôi con nên người. Chị bếp nói:
– Mợ cũng nên hiểu là tôi rất yêu mến mợ. Bởi thế, tôi mong mợ đừng quyết định nông nổi mà sau nầy phải ân hận. “Ra đi một bước, trăm đường khó khăn”. Mợ nên nghĩ cho thật kỹ đi. Chớ giúp mợ thì tôi có nệ hà gì.
– Tôi hiểu, dì Ba! Ở lại đây tôi cũng đến chết mất thôi.
– Nhưng cháu Lệ nhứt định sẽ có một tương lai bảo đảm.
Hiền ngờ vực:
– Chắc gì con tôi khỏi khổ?
Chị bếp nhìn nàng hỏi:
– Mợ nói thế là ý gì? Mợ sợ bà Mộng Ngọc hành hạ bé Lệ ư?
Hiền không đáp, chỉ gật đầu. Chị bếp nói:
– Mợ không phải lo. Tôi xem chừng bác sĩ cũng thương cháu Lệ lắm. Ông không để ai hành hạ con đâu. Vả lại, bà Mộng Ngọc là người khôn khéo, không điên dại gì làm phật ý bác sĩ.
Chị bếp phân bày phải trái như vậy, nhưng xem chừng Hiền không nghe theo. Nàng chỉ muốn đưa con đi nơi khác.
Hiền nói:
– Dù thế, tôi cũng không nỡ để con sống với người ta. Có nghèo đói gì đi nữa mẹ con cũng có nhau.
Chị bếp thấy lời khuyên của mình chỉ vô hiệu. Phải tính đến việc cho Vũ hay để giữ Hiền mới được. Chị biết Vũ không để Hiền ra đi? Chị hỏi Hiền:
– Mợ đã nhứt định như vậy sao? – Phải! Nếu có gì bất tiện… mà dì không giúp được, tôi cũng không phiền? Tôi có thể liệu tính được.
Chị bếp đáp nhanh:
– Không! Mợ nghĩ thế là lầm. Tôi sợ mợ phải khổ về sau nầy, nên mới khuyên mợ nghĩ kỹ hơn.
– Tôi nhứt quyết làm thế mà.
– Được rồi mợ định bao giờ đi.
– Nội đêm nay. Vì sáng sớm mai, anh Vũ sẽ tới.
Chị bếp lộ vẻ suy nghĩ lung lắm! Chị thấy Hiền tính sai, nhưng không thể cản ngăn nàng? Phải cho bác sĩ hay mới được. Ông yêu thương Hiền và con thì phải tính sao chớ! Nghĩ thế, nên chị bếp làm ra vẻ tự nhiên bảo Hiền:
– Mợ tính thế cũng được. Nhưng tôi biết giúp mợ sao đây?
– Mong dì Ba tìm một nơi nào đó, cho tôi tạm ở ít lâu. Tôi sẽ tìm việc làm hay buôn bán để nuôi con.
Chị bếp nhìn Hiền với vẻ xót thương! “Buôn bán để nuôi con”! Nàng nghĩ cách làm ra tiền để nuôi con thật là giản dị! “Buôn bán”? Mà buôn bán gì mới được chớ! Vốn liếng đâu mà làm? Vẻ thắc mắc của dì Ba lộ ra trên mặt nên Hiền hiểu ngay. Nàng tiếp:
– Lúc ở làng quê tôi buôn bán tạp hóa, dì Ba à! Bây giờ, dì giúp tôi tìm một nơi nào có thể mở tiệm được!
Ngừng một phút nàng tiếp:
– Tôi còn một ít nữ trang của mẹ cho trước khi lâm chung. Tôi quí lắm, nhưng nếu cần thiết cũng sẽ bán đi.
Chị bếp càng tội nghiệp Hiền hơn. Chị thấy cần phải cho Vũ biết tự sự, không thì sự tính toán nông nổi của Hiền sẽ gây hại cho nàng. Chị cất tiếng:
– Dạ, để rồi mình sẽ liệu sau.
Hiền lộ vẻ mừng:
– Được dì Ba thương, giúp dùm, tôi không còn phải lo nữa. Để tôi sửa soạn sẵn đồ đạc, chừng sẽ đi mình khỏi lụp chụp.
Chị bếp cứ vâng dạ, nhưng nghĩ đến cách gặp Vũ. Chị nghe nói phòng mạch của Vũ ở con đường đó, nhưng chưa đến lần nào, không bỉết có tìm ra được chăng? Nhưng lo gì, mấy anh xích lô, chắc là hiểu rành lắm?
Hiền bỗng đứng lên nói:
– Thôi, dì lo dọn cơm đi, tôi lên xem bé Lệ đã thật hết chưa? Lỡ đi giữa đường mà cháu trở bệnh thì khổ lắm.
Hiền trở về phòng. Bé Lệ đã ngủ say. Trong giấc ngủ, hơi thở của nó không được điều hòa lắm. Thỉnh thoảng nó lại rên ư hư. Hiền ngồi xuống bên con trong lòng buồn nản hơn bao giờ hết. Mới tí tuổi đầu bé Lệ đã gặp chuyện không may!
Lọt lòng ra nó không thấy cha, bây giờ lại phải xa cha mãi mãi. Nàng chợt nhớ đến Vũ. Khi được biết nàng ra đi rồi, Vũ sẽ nghĩ sao? Nàng đi mà không một lời từ giã với Vũ ư? Hiền đứng dậy, qua lại trong phòng, băn khoăn nhiều nỗi. Một lúc, nàng đến bên bàn viết và nghĩ đến việc viết thư cho Vũ. Bức thư nầy là tất cả tiếng lòng của nàng gởi lại cho chàng, Nàng cũng muốn Vũ hiểu rõ lòng mình, nhưng khi nàng ở xa rồi. Điểm quan trọng trong bức thư là Vũ phải biết bao giờ mình cũng yêu chàng và nàng lên Sài Gòn không phải để nhờ vả, như lời Mộng Ngọc đã xét đoán.
Trong khi đó chị bếp lo dọn cơm. Sau bữa cơm, chờ Hiền trở lên phòng riêng với bé Lệ, chị bếp thay áo dài gọi xích lô đi ngay. Chị nói tên đường là anh phu xích lô biết ngay, mà hỏi phòng mạch bác sĩ Vũ, anh lắc đầu. Chị bếp hy vọng tìm ra con đường thì dễ kiếm phòng mạch, nên bảo anh xích lô chạy đi. Không ngờ con đường đó rất dài và có nhiều phòng mạch bác sĩ khác. Anh xích lô đạp muốn rã giò, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn không tìm ra phòng mạch của bác sĩ Vũ. Thời khắc qua mau, giờ làm việc buổi chiều đã tới, thầy thợ đến sở làm, đi nườm nượp trên lộ. Chị bếp bắt đầu lo lắng! Đã hơn một tiếng đồng hồ rồi mà chưa tìm ra phòng mạch của Vũ, chị sợ về trễ có hại, nhưng chưa tìm được Vũ thì cũng như không! Dù gì chị cũng phải gặp Vũ. Chị không thể cầm giữ Hiền ở lại nhà!
Nhưng nếu chị bếp có mặt ở nhà ngay lúc đó, chị càng lo lắng hơn… vì có người bất ngờ đến viếng Hiền. Người ấy không ai khác hơn là ông Thiện, cha ruột của Mộng Ngọc. Ông Thiện đã tìm ra nơi ở của Hiền rất dễ dàng nhờ người tài xế thân tín.
Mấy hôm gần đây, ông bảo anh ta để ý dò xem Vũ mướn nhà cho Hiền ở đâu? Anh kia thường được chủ giúp tiền, nên quyết lòng theo dõi Vũ. Sáng nay, anh ta vừa đi ngang phòng mạch của Vũ thì gặp lúc chàng đi xích lô về nhà. Anh ngừng xe đạp rồi đón người phu xích lô ở góc đường hỏi:
– Anh đưa ông kia từ đâu về đây?
– Dạ, ông ấy gọi xe giữa đường.
– Anh đưa tôi đến đó. Đừng giấu? Anh không biết được nhà mà ông ta vừa rời khỏi hay sao?
Anh phu xích lô, chừng như sợ sệt trước vẻ bậm trợn của khách, nên đáp nhanh:
– Dạ, tôi đưa chú đi.
Rồi anh dẫn đường cho anh tài xế của ông Thiện đến nơi Hiền ở. Anh kia biết được tòa biệt thự của Hiền, liền quay về hãng, thưa lại với chủ. Ông Thiện mừng rỡ đi ngay. Ông định qua nhà bảo cho Mộng Ngọc biết, nhưng nhớ lại lời nàng đã dặn lúc sáng, ông lại thôi. Mộng Ngọc đã bảo ông:
– Ý anh Vũ không muốn cho con gặp Hiền, ba à! Con không muốn làm phật ý anh ấy.
Ông Thiện nghĩ bây giờ mình có nói với con, nó cũng chẳng dám hành động gì. Thôi thà là mình đến gặp thiếu phụ kia để nói phải trái và giúp nàng một số tiền lớn là xong. Nghĩ kỹ rồi, ông mới tự mình lái xe đến địa chỉ mà anh tài xế vừa dò ra. Ông Thiện đến vào lúc chị bếp vắng nhà và Hiền vừa viết xong bức thư cho Vũ. Ồng nhận chuông thì chú gác dan vội chạy ra:
– Thưa ông tìm ai?
Ông Thiện nhìn chú rồi hỏi:
– Đây có phải là nhà riêng của bác sĩ Vũ không?
– Dạ phải, nhưng… bác sĩ không có ở nhà.
– Tôi biết rồi. Tôi muốn gặp bà nhà.
Chú gác dan thoáng ngạc nhiên, không hiểu được ông khách là ai? Từ hôm, chú làm với “vợ chồng” Vũ đến nay, nào thấy ai đi kiếm bà chủ bao giờ? Hay là người thân của Hiền. Chú vừa mở cổng vừa hỏi:
– Thưa ông! Có phải ông là “người nhà” của bà chủ?
Ông Thiện muốn tránh sự tò mò cua người gác dan nên gật đầu đáp:
– Đúng!
Chú mở cửa, đưa ông Thiện vào phòng khách rồi đi vòng ra phía nhà sau, tìm chị bếp. Nhưng chú sực nhớ là chị bếp đã đi khỏi! Chú trở lên đứng ở trước cửa phòng Hiền, gọi nhỏ:
– Thưa bà… có khách.
Hiền đang đọc lại bức thư gởi cho Vũ, chợt nghe tiếng chú gác dan, liền mở cửa phòng hỏi:
– Ai đến vậy chú?
– Dạ tôi không biết! Ông nầy già rồi và nói là “người nhà” của bà.
Hiền lộ vẻ ngạc nhiên. Ai là người nhà của mình? Hay là cậu Giáo Hoài, thấy mình đi lâu nên lên tìm? Nàng hỏi chú gác dan:
– Chừng bao nhiêu tuổi, chú?
– Cỡ năm mươi ngoài, già hơn tôi mà!
Hiền càng ngạc nhiên hơn. Không phải cậu Giáo rồi. Cậu ấy đâu có già như vậy. Hay là cha nàng? Ý nghĩ đó khiến Hiền lo lắng nhiều hơn. Làm sao ông biết nàng ở đây được? Chú gác dan thấy nàng đứng lặng, có vẻ phân vân thì hỏi:
– Bà… có tiếp không?
– Mà có phải họ hỏi tôi không? Hay là “người ta” tìm bác sĩ.
– Dạ không, ông ấy hỏi bà mà.
Hiền vào phòng mặc thêm áo ngoài cho phải lễ rồi theo chú Hai ra ngoài phòng khách. Nàng thấy ông Thiện thì nhớ ra ngay. Cha vợ của Vũ đây mà. Ông đến đây làm gì? Hiền nhủ thầm như thế. Nàng dặn lòng hãy ráng giữ sự bình tĩnh để người ta khỏi khinh rẻ mình. Nàng cúi đầu chào ông Thiện, trong lúc đó ông cũng đứng lên chào nàng. Hiền khẽ cất tiếng:
– Xin mời ông ngồi.
Đợi ông Thiện ngồi lại chỗ cũ, nàng mới ngồi xuống chiếc ghế ở bàn viết gần bộ “sa lông”. Ông Thiện châm chú nhìn Hiền. Nàng không đẹp như Mộng Ngọc, nhưng nét hiển dịu khó ai sánh bằng. Dáng điệu thanh nhã của nàng, dù cho ông có ý khinh khi cũng không thể được. Hiền thấy ông Thiện cứ nhìn mình thì hơi khó chịu:
– Thưa ông! Ông đến đây có điều chi dạy bảo?
Giọng nàng nhỏ nhẹ từ tốn khiến ông Thiện khó mở lời. Ông đã định nói nhiều lắm trước khi đến đây. Ông muốn bày tỏ cho Hiền thấy nàng không xứng đáng với Vũ, ở mọi phương diện. Nhưng khi gặp Hiền, ông thấy mình không đủ can đảm nói ra những lời ấy. Ông cất tiếng:
– Chắc cô Hiền còn nhớ tôi…
Hiền mỉm cười buồn bã:
– Dạ… nhớ lắm chớ. Việc mới xảy ra hôm qua mà. Chính nhờ ông mà tôi hiểu được sự thật phần nào.
Hiền nói chậm rãi nhưng lời lẽ thật là khôn khéo. Nàng suy nghĩ từng câu nói và cân nhắc phải trái kỹ càng. Ông Thiện ngập ngừng:
– Tôi… đến đây… hôm nay, cũng vì chuyện đó.
Hiền đáp:
– Dạ tôi cũng đoán như vậy.
Ông Thiện vụt hỏi:
– Cô nghĩ sao?
– Dạ nghĩ gì ạ?
– Câu chuyện hôm qua đó?
Rồi không để cho Hiền kịp đáp, ông tiếp:
– Cô nghĩ sao về trường hợp của ba người hiện nay? Con gái tôi đang khổ sở vô cùng.
Hiền cười nhạt:
– Thưa ông! Tôỉ cũng cảm thông được nỗi lòng của bà Mộng Ngọc. Nhưng tôi thật cũng không sung sướng gì hơn?
Hiền cảm thấy nước mắt muốn trào ra sau câu nói đó, nhưng cố dằn xuống cho ông Thiện không thấy mình quá kém hèn.
Ống Thiện cất tiếng:
– Tôi… biết tôi đến đây như thế nầy là không phải. Nhưng không lẽ trước nỗi khổ của con, tôi lại làm ngơ? Cô cũng rõ là tôi chỉ có một đứa con?
Hiền ngước nhìn ông Thiện. À, thì ra “người ta” muốn kêu gọi đến lòng thương người của nàng đây! Họ sắp đặt thật khéo léo, nhưng làm sao qua mắt nàng được? Một mặt Mộng Ngọc bảo với Vũ là Hiền đã hết yêu chàng và đến đây chỉ để dựa nương. Mặt khác, cha nàng đến nhà dùng tình cảm lung lạc lòng nàng. Hiện giờ thì Hiền có cần gì nữa đâu. Nàng sắp sửa ra đi rồi, có giận hờn oán trách “người ta” cũng bằng thừa, Hiền khẽ nói:
– Xin lỗi ông! Chẳng hay ông đến đây có ý gì? Mong ông cho biết.
Ông Thiện ngập ngừng:
– Tôi đến đây… để bàn với cô… một giải pháp ổn thỏa… cho cả ba người, Vũ sẽ không phải khó xử. Con tôi đỡ buồn rầu… mà cô cũng không hẹp hòi gì.
Hiền lạnh lùng cất tiếng:
– Ông định thế nào?
Ông Thiện lặng thinh một lúc, như để nghĩ trước những lời mình sắp nói:
– Xen vào chuyện riêng của gia đình con tôi là điều vạn bất đắc dĩ. Nếu tôi có lời gì không phải, mong сô bỏ qua cho.
Hiền gật đầu, nàng thầm phục sự khôn khéo của ông Thiện. Nàng cũng nôn nao muốn biết ông định giải quyết ra sao?
Ông Thiện bỗng nói:
– Bây giờ, mong cô trả lời cho tôi vài câu hỏi.
– Dạ.
– Có phải cô và Vũ đã gặp nhau… trước khi Vũ sang Pháp không?
Hiền đáp nhanh:
– Dạ đúng! Chắc bà Mộng Ngọc cũng đã hiểu chuyện đó.
– Vâng! Nhưng tôi muốn hỏi cho chắc chắn hơn. Thế cũng là điều đáng mừng, vì nếu cô và Vũ mới biết nhau đây, thật khó xử lắm!
– Ông nói thế với ý gì?
Ông Thiện không đáp ngay câu hỏi cua nàng, lại tiếp:
– Từ đó đến nay, hai người không hề liên lạc thư từ với nhau phải không?
– Vâng.
Ông Thiện nhìn thẳng vào mặt Hiền nói:
– Như vậy chắc là tình yêu xưa không còn đậm đà như buổi ban đầu phải không cô?
Hiền đứng phắt dậy, đôi tay run lên. Nàng không ngờ ông Thiện dám hỏi nàng một câu như thế. Thật là sỗ sàng bất nhã. Ồng Thiện chừng như cũng thấy phản ứng trong đôi mắt nàng nên vội nói:
– Mong cô bỏ lỗi cho. Tôi đường đột như thế vì…
Hiền lắc đầu, cất giọng nghẹn ngào:
– Xin ông đừng nói nữa. Tôi hiểu lắm! Ông và bà Mộng Ngọc cùng chung ý nghĩ với nhau. Tôi đã biết ý ông rồi.
Rồi hình như đã tìm lại được sự bình tĩnh, nàng ngồi xuống ghế, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Ổng Thiện ngỡ ngàng trước sức phản ứng đó và dù có yêu thương con đến mực nào ông cũng phải nhìn nhận là Hiền còn yêu Vũ tha thiết. Nhưng đã lỡ rồi, dù sao ông cũng phải nói hết ý mình, hoạ chăng mới giữ được hạnh phức cho con. Ồng cất tiếng chậm rãi:
– Cô Hiền! Cô khoan giận tôi đã. Tôi cũng biết là hoàn cảnh ba người hiện giờ thật khó xử. Tôi mong cô nghĩ suy cho… cho phải lẽ hơn. Mộng Ngọc và chồng nó đang sống trong cảnh hạnh phúc êm đềm. Con gái nó, bé Dung, cũng đã 4, 5 tuổi rồi. Tự nhiên, mà gặp cảnh nầy…
Hiền gục xuống, ôm lấy đầu. Nàng không muốn nghe gì nữa hết. Tại sao “người la” lại nghĩ đến hạnh phúc riêng của họ mà không nghĩ đến nàng? Dù chỉ nghĩ đến chúi ít thôi. Nàng đã yêu Vũ trước mà. Nàng cũng có con với Vũ vậy. Tại sao người ta không nghĩ tới? Ông Thiện thấy nàng vẫn lặng thinh, nói tiếp:
– Hoàn cảnh đó, tôi mong cô giúp cho… Ý cô thế nào để giải quyết chuyện nầy! Nếu cô không còn yêu Vũ mà chỉ vì tương lai của cháu bé thì tôi sẽ hết sức lo liệu!
Hiền ngước mắt nhìn ông Thiện cười nhạt:
– Nghĩa là tôi phải giao con cho bà Mộng Ngọc, để bé Lệ và bé Dung có chị có em.
Ông Thiện ngạc nhiên nhìn Hiền không hiểu sao nàng đoán được ý mình? Hiền tiếp:
– Tôi đã được anh Vũ cho biết ý đó rồi, ông khỏi phải bận lòng nữa.
Ông Thiện định lấy gói bạc đã đem theo, nhưng lại ngập ngừng không dám. Ông xem chừng Hiền không phải là người cần tiền như ông đã nghĩ khi ở nhà. Ông biết khó mà mở lời để nói với nàng về chuyện đó. Tuy nhiên, ông rất thắc mắc, không hiểu Hiền có ý định như thế nào? Nàng có chịu để bé Lệ ở với vợ chồng Vũ không? Hiền bỗng đứng lên:
– Thưa ông! Ông đến đây có việc gì khác chăng hay chỉ có chuyện đó.
Ông Thiện vẫn giữ vẻ điềm đạm:
– Tôi mong cô xét rõ hoàn cảnh của ba người rồi quyết định cho sáng suốt. Chuyện nầy nếu để bể ra, danh giá của Vũ không còn gì cả.
Hiền lắc đầu nói:
– Còn nhiều điều khác làm cho tôi khó nghĩ hơn ông ạ! Nếu chỉ vì danh giá của Vũ thì giải quyết rất dễ dàng.
– Bây giờ cô định sao?
– Tôi cũng chưa biết nữa! Nhưng ông an lòng đi, bà Mộng Ngọc sẽ không phải khổ đâu?
Ông Thiện tươi ngay nét mặt:
– Cô nói thật chớ? Được thế tôi mang ơn cô nhiều lắm.
Rồi ông ngập ngừng tiếp:
– Tôi không biết lấy gì đền đáp ơn cô. Chỉ có… Hiền thấy ông thò tay vào túi lấy ra một gói giấy, để lên bàn. Nàng chưa hiểu cha vợ Vũ định làm gì? Ông Thiện bỗng nói:
– Tôi chỉ xin gởi cô chút ít nầy, mong cô nhận cho, đề phòng ngày sau…
Ông Thiện không nói được hết câu và tự thấy mình trơ trẽn trước sự im lặng của Hiền. Thật sự thì lần lần Hiền mới hiểu ra. Nàng bước lùi lại lẩm bẩm:
– Tiền ư? Không? Ông hãy cất đi… Tôi không cần đâu.
Ông Thiện đẩy gói bạc về phía nàng cất giọng chân thật:
– Mong cô cầm lấy cho tôi yên lòng…
Hiền nghiêm sắc mặt:
– Ông nên giữ lấy tiền, tôi đã nói là ông khỏi bận lòng, bà Mộng Ngọc sẽ không phải khổ đâu!
Rồi nàng nói thật nhanh:
– Bây giờ tôi xin lỗi ông, tôi bận nhiều việc khác.
Hiền bỏ chạy vào phòng, đóng chặt cửa lại. Ông Thiện bỡ ngỡ nhìn theo rồi lẳng lặng ra cửa. Ông để gói bạc trên bàn, không buồn mang về. Hiền vừa vào đến phòng trong thì ngồi xuống ghế ôm mặt khóc. Trời ơi! Người ta khỉnh khi nàng đến thế là cùng. Tiền! Tiền! Họ chỉ biết dùng thứ đó để mua chuộc lòng người thôi! Nhưng đối với nàng thì không có gì mua chuộc được đâu? Dù có đói rách, nàng cũng quyết giữ lòng trong sạch để nuôi con. Hiền chợt cảm thấy như có bàn tay của ai để lên vai mình! Nàng giựt mình ngẩng lên thì thấy bé Lệ đang ngước mắt nhìn mẹ. Nó hỏi giọng lo âu:
– Sao mẹ khóc hoài vậy?
Hiền gượng cười, ôm con vào lòng, không còn chối cãi với con được nữa… Bé Lệ lại hỏi:
– Sao vậy mẹ?
– Ơ, tại mẹ buồn…
– Sao mẹ cứ buồn hoài vậy? Hồi đó ở dưới nhà quê, mẹ cùng hay buồn và hay khóc… Bây giờ lên Sài Gòn ở gần ba, mẹ cũng khóc…
Hiền nói một câu như nói với chính mình:
– Có lẽ đời mẹ là cuộc đời đầy nước mắt, dù có đến đâu, mẹ cũng phải khóc thôi. Nhưng con đừng hỏi nữa. Mẹ đang bận nghĩ nhiều chuyện, để mẹ suy tính coi.
Bé Lệ không dám hỏi nữa, nó rời khỏi tay mẹ, để tìm con búp bê mà Vù đã mua cho nó hôm nọ. Nó ôm búp bê vào lòng rồi lấy tay vuốt nhẹ lên mái tóc giả. Thỉnh thoảng, nó lại nhìn mẹ. Trí nghĩ non nớt của nó cũng hiểu lờ mờ là mẹ đang buồn lắm. Hiền mở cửa phòng nhìn ra, thấy ông Thiện đã đi rồi thì yên lòng hơn. Nàng cất tiếng gọi chị bếp:
– Dì Ba ơi! Dì Ba.
Nàng gọi hai lần như thế nhưng không có tiếng đáp. Hiền rất ngạc nhiên! Chị bếp đi đâu mà không cho nàng biết? Chú gác dan từ ngoài chạy vào hỏi:
– Thưa bà, gọi ai?
Hiển hỏi chú:
– Chú Hai có thấy chị bếp đâu không?
Chú “gác dan” ngập ngừng nói:
– Dạ… Thím ấy nói đi ra chợ.
Hiền lộ vẻ băn khoăn:
– Dì Ba đi chợ làm gì? Sao không nói cho con hay?
Chú gác dan sợ bị quở trách, nên nói ra hết những lời chị bếp đã dặn dò, để khỏi liên lụy:
– Dạ. Không biết thím đi đâu mà dặn tôi, chừng nào bà hỏi thì nói đi chợ. Ý thím không muốn bà biết…
Câu nói sau cùng của chú gác dan làm cho Hiền suy nghĩ. Tại sao chị bếp lại dặn dò như thế? Hay là… Một ý nghĩ vụt hiện đến khiến nàng lo âu! Không chừng chị ấy đang đi tìm Vũ. Nàng hỏi chú gác dan:
– Chị bếp đi từ bao giờ?
– Dạ, hồi ăn cơm xong.
Hiền càng nghĩ càng thấy mình nghi ngờ đúng, nên bảo Chú Hai:
– Chú cho tôi biết như thế đủ rồi. Cám ơn chú.
Nàng khép cửa phòng lại, trong lòng phân vân hơn bao giờ hết. Chắc là chị bếp đi tìm Vũ. Lúc nãy, chị đã phản đối ý định ra đi của mình. Hiền cũng biết chị bếp không phải ghét bỏ gì mình, nhưng lại sợ mình đi rồi phải khổ. Bây giờ nàng biết liệu sao? Hiền chợt nghĩ đến Liễu. À, chỉ có Liễu và mẹ là có thể giúp mình thoát qua giờ phút khó khăn nầy. Nếu thật tình chị bếp đã đi tìm Vũ để báo tin thì lát nữa đây thế nào Vũ cũng sẽ về. Mẹ con nàng phải rời khỏi tòa nhà nấy sớm chừng nào hay chừng nấy. Nàng trở lại tủ lấy quần áo, đồ đạc của con bỏ vào chiếc va ly nhỏ mà Vũ đã mua cho nàng hôm trước. Bé Lệ thấy mẹ sắp soạn đồ đạc thì tò mò đến sát một bên:
– Mẹ định đi đâu vậy?
Hiền quay sang nhìn con nói:
– Mình đến nhà cô Liễu chơi nghe con.
– Dạ.
Hiền đưa chiếc áo len cho con bảo:
– Con mặc áo lạnh đi. Con chưa thật hết bệnh mà!
Bé Lệ vừa mặc áo vừa nói:
– Ba có đi không mẹ?
– Không!
– Sao vậy mẹ?
Hiền không muốn cho con nghĩ quấy, đáp nhanh:
– Ba bận việc nhiều lắm!
Hiền lấy bức thư đã viết sẵn cho Vũ, để lên bàn rồi dắt con ra cửa. Chú gác dan nhìn thấy Hiền lộ vẻ ngạc nhiên. Hiền vẫn giữ vẻ nghiêm nghị như mọi ngày và bảo chú Hai:
– Chú gọi xe giùm tôi.
Người gác dan vâng dạ mở cổng đi gọi xe. Một lúc, chú trở về với một chiếc xích 1ô đạp. Chú Hai định hỏi Hiền, хеm nàng định đi đâu, nhưng chú ấp úng mãi, không nói ra lời. Chú nhìn chiếc va li của mẹ con Hiền, cũng thầm đoán được là nàng sắp sửa đi xa. Nhưmg làm sao biết được nơi nàng sẽ tới. Hiền lên xe rồi, mới quay lại bảo chú Hai:
– Chú trông chừng nhà cẩn thận nghen.
Chú gật đầu đáp:
– Thưa bà khỏi lo… Nhưng bà…
Chiếc xe vụt chạy đi, Hiền quay nhìn nơi khác. Chú Hai tin là bà chủ nghe tiếng nói của mình nhưng sao bà không trả lời? Xe chạy khuất ở đầu đường, chú mới quay vào trong lẩm bẩm:
– Đi đâu mà đi hết nhà vậy kìa?!