Đôi mắt người xưa – Chương 2

Ông Thiện bước vào bên trong phòng giấy của hãng thầu rồi mà vẫn chưa hết hoang mang. Nếu một người nào khác, dù rất thân thiết với gia đình, kể lại chuyện đó, chắc ông cùng không tin!… Đằng này chính mắt ông trông thấy thì còn bào chữa vào đâu được nữa. Có thể như thế được sao? Lúc nãy, ông đã không tin ở đôi mắt mình, nên quay xe trở lại chỗ quán kem một lần nữa và ông đã thấy rõ Vũ đang ngồi với một thiếu phụ và một đứa bé. Có điều thiếu phụ và đứa bé không phải Mộng Ngọc và bé Dung! Ông Thiện hết sức thắc mắc. Người đàn bà ấy là ai? Và đứa bé gái đối với Vũ như thế nào? Ông Thiện ngồi xuống ghế lấy ống píp ra nhồi thuốc. Bao giờ cũng vậy, hễ có chuyện cần suy tính thì ông lại lấy ống píp ra nhồi thuốc. Vợ mất đã lâu, ông chỉ còn mỗi một mình Mộng Ngọc nên ông rất bận tâm về hạnh phúc của con. Từ khi chọn Vũ làm con rể, ông rất ưng ý. Vũ luôn luôn tỏ ra đứng đắn và biết nghĩ đến gia đình. Mộng Ngọc hạnh phúc là ông Thiện mừng rồi. Nhưng trưa nay, lúc từ nhà đến hãng thầu, ông qua đường Pellerin và thấy Vũ đang ngồi trong quán kem với một thiếu phụ xa lạ, ông ngạc nhiên lắm.

Ông Thiện không phải là người hẹp hòi, khe khắc. Ông sống nhiều nên rất dễ dãi với con rể. Thường khi thấy Vũ không thích đi chơi đâu hết, ông còn bảo chàng:

-“Bác sĩ” xem chừng quá đứng đắn, lỡ có gặp những chứng bệnh của “thời đại” bây giờ thì làm sao trị!

Mỗi lần ông nói như thế, Vũ chỉ cười không trả lời. Theo quan niệm của ông, người đàn ông có lân la đến các vũ trường hay hộp đêm cũng không hề gì hết. Vì khi đó, họ mặc nhiên ý thức là chuyên qua ngày, qua buổi. Dù có “thân thiết” với các vũ nữ đi nữa cũng chỉ là chuyện đầu môi, chót lưỡi! Rời vũ trường, xa hộp đêm, khi về nhà họ không còn luyến tiếc hay bận bịu gì khác! Nhưng đàng này Vũ không lui tới các nơí ăn chơi như thế mà lại đi chung với một thiếu phụ đã có con. Điều đó đủ chứng tỏ chuyện hệ trọng chớ không phải là chuyện vui chơi “đàng điếm”. Chắc Vũ đã có người đàn bà thứ hai đi sâu vào cuộc đời. Như vậy có nghĩa là hạnh phúc của con gái ông đang bị đe dọa. Ông Thiện đứng lên, đi về phía bàn rót nước uống. Tự nhiên ông phải bận lòng suy nghĩ vì một chuyện không đâu! Biết người đàn bà đó có phải là người yêu của Vũ không? Lúc nãy, khi trở lại lần thứ hai, ông Thiện định vào giáp mặt Vũ, nhưng ông cho thế là quá hấp tấp. Cứ lặng lẽ dò xét chàng, sẽ chắc chắn hơn. Nhưng bây giờ ngồi đây, ông Thiện mới thấy tiếc trường hợp đó. Phải chi ông đi vào trong quán cho Vũ thấy mặt thì chàng hết chối cãi. Chớ mai đây gặp Vũ ông có hỏi, chắc chắn chàng sẽ không nói sự thật.

Ông Thiện chợt nghĩ đến con! Không biết Mộng Ngọc đã có nghi ngờ gì chưa? Mới tuần trước, ông sang dùng cơm với vợ chồng Vũ, để bàn việc cất bệnh viện, ông thấy gia đình con vẫn êm ấm. Có lý nào mới mấy ngày mà đã xảy ra điều không hay! Ông Thiện ngả lưng vào thành ghế nhìn lên trần nhà. Ống không biết mình có nên hỏi thẳng Mộng Ngọc chăng? Biết chừng đâu nàng có những nồi buồn riêng mà vẫn giấu giếm ông.

Ông Thiện đứng phắt dậy và thấy cần phải gặp Mộng Ngọc để tìm hiểu những điều lo nghĩ của con. Dù mến Vũ, ông cũng phải biết rõ về người đàn bà đã đi chung vơi chàng hồi trưa nầy.

Ông Thiện xách “can” ra khỏi phòng giấy. Người quản lý ngạc nhiên khi thấy ông chủ mới đến lại đi. Đáng lý ra ông phải ở lại hãng để giải quyết bao nhiêu chuyện cần kíp! Nhưng ông Thiện có vẻ vội vã lắm, hình như có điều gì quan trọng đang ám ảnh ông.

Ông Thiện đến nhà Vũ, liền đi thẳng vào trong. Mộng Ngọc vừa thức giấc thấy cha đến thì ngạc nhiên lắm. Nàng chạy ra đón cha:

– Ba không đến hãng sao?

Ông Thiện tươi cười:

– Có chớ! Ba đi ngang nên tạt vào thăm các con…

Rồi ông hỏi một cách tự nhiên:

– Chồng con đã sang phòng mạch chưa?

Mộng Ngọc quay nhìn về phía cửa hông:

– Dạ hồi trưa nầy lại có bạn mời đi ăn cơm… Ảnh bảo sẽ về trễ và làm việc luôn.

Ông Thiện càng nghi ngờ hơn:

– Nói vậy hồi trưa đến giờ con chưa gặp chồng con?

– Dạ chưa! … Nhưng chắc ảnh đã về làm việc rồi. Ba có cần gặp, con đi kêu ảnh.

Ông Thiện ngồi xuống ghế, lắc đầu:

– Không cần. Ba hỏi vậy thôi, chớ có định gặp thằng Hai chi đâu!

Rồi ông lại hỏi:

– Buổi trưa nó thường đi luôn như vậy sao?

– Dạ … cũng… một vài khi, bạn bè mời ăn cơm…

Ông Thiện khẽ hỏi:

– Họ không mời con sao?

– Dạ không, hình như mấy người bạn trai của anh ấy thì phải. Họ không muốn đàn bà dự vào chuyện bàn bạc của họ, ba à.

– Vũ nó nói với con như vậy?

Mộng Ngọc ấp úng:

– Dạ… Anh ấy không nói rõ, nhưng con đoán như thế.

Ông Thiện nói nửa đùa nửa thật:

– Con cứ bỏ nó đi một mình mãi, có ngày khổ đa con.

Mộng Ngọc nhìn cha lộ vẻ không hiểu:

– Ba nói thế là ý sao?

– À, thì nó rảnh tay rảnh chân, có mèo mỡ, vợ bé vợ mọn.

Mộng Ngọc cười tin tưởng:

– Không đời nào đâu ba! Chồng con không phải là hạng người như vậy!

Ông Thiện cười te:

– Chắc dữ hông! Ba khuyên con tin thì tin nhưng phải phòng…

Mộng Ngọc nhìn cha:

– Theo ý ba, con phải làm sao bây giờ? Chẳng lẽ anh Vũ đi đâu con cũng theo đó? vợ chồng không tin cậy lẫn nhau làm sao thương yêu được ba? Nhưng riêng con thì con tin anh Vũ không bao giờ lừa dối con!…

Ông Thiện nín lặng. Qua những câu đối đáp của Mộng Ngọc, ông đoán là nàng chưa nghi ngờ chuyện gì hết!

Mộng Ngọc bỗng tiếp:

– Mà ba nghĩ xem! Con có đi theo anh Vũ cũng chẳng ích gì! Một khi chồng hết thương thì cố giữ cho lắm cũng chỉ buồn lòng nhau.

Ông Thiện trố mắt nhìn nàng:

– Con nói thế nghĩa là chịu ép lòng nếu Vũ muốn cưới vợ bé?

Mộng Ngọc lắc đầu:

– Dạ không! Con phòng hờ vậy thôi… Giả thử anh Vũ hết thương con thì con có làm gì đi nữa cũng chẳng ích gì? Vợ chồng ăn ở với nhau là do tình với nghĩa. Dầu chán nhau rồi cũng còn cái nghĩa kéo dài suốt đời. Riêng con, điều quan trọng là lúc nào cũng hết dạ yêu chồng, săn sóc giúp đỡ không để sơ sót một điều gì cả. Nếu lỡ anh ấy sinh tâm nầy, khác như ba nói thì đó là lỗi của anh ấy.

Ông Thiện không ngờ con gái ông có tấm lòng trung hậu đến thế. Mộng Ngọc được nuông chiều từ nhỏ và cũng xuất dương du học, hấp thụ nền văn minh tây phương, nhưng vẫn giữ được nếp luân lý cổ truyền. Ồng Thiện chợt nghĩ đến người vợ chẳng may vắn số. Mộng Ngọc không từng được mẹ dưỡng nuôi, dạy dỗ, nhưng tánh tình rất giống bà.

Ông nhủ thầm:

– “Mộng Ngọc toàn vẹn như thế mà Vũ còn nghĩ đến hình ảnh nào khác được sao?”

Mộng Ngọc đột nhiên hỏi:

– Thưa ba! Tại sao hôm nay ba lại hỏi con những điều đó?

Ông Thiện mim cười để che giấu sự lúng túng của mình:

– Có gì đâu! Ba muốn biết vợ chồng con có được hạnh phúc không vậy mà! Ba chỉ sợ con không dám nói với ba những chuyện buồn lòng.

Mộng Ngọc cười hồn nhiên:

– Dạ, con đâu có giấu ba việc gì. Anh Vũ rất xứng đáng với lòng tin yêu của ba từ trước đến nay.

Ông Thiện gật đầu:

– Ba vẫn biết thế…

Thái độ của ông Thiện khiến Mộng Ngọc để ý nghi ngờ. Nàng nghĩ chắc có chuyện gì xảy ra nên cha mới hỏi nhiều như vậy. Mộng Ngọc rụt rè:

– Thưa ba!

Ông Thiện quay lại:

– Con hỏi gì?

– Chắc có chuyện gì ba mới sang đây! Sao ba lại giấu con?

Ông Thiện thầm khen sự thông minh của con gái:

– Không! Có chuyện gì đâu! Sao con lại nghĩ ba giấu con?

– Con thấy hôm nay ba khác hơn mọi hôm. Chắc có chuyện gì ba chưa tiện nói ra… Chuyện gì vậy ba?

Ông Thiện cười:

– Con nhỏ này lạ thật! Ba đã nói không có chuyện gì hết mà. Cứ theo hỏi hoài.

Có tiếng xe chạy vào trong sân biệt thự. Ông Thiện và Mộng Ngọc cùng nhìn ra thấy Vũ đang tắt máy rồi xuống xe. Mộng Ngọc nhìn đồng hồ, hơn ba giờ rưỡi. Nàng thoáng ngạc nhiên sao chồng về trễ như vậy? Ông Thiện chăm chú nhìn dáng điệu của Vũ với đôi mắt dò xét. Vũ định đi thẳng qua phòng mạch, để làm việc, nhưng chợt nhìn thấy cha vợ, liền đi thẳng vào nhà, nét mặt tươi vui.

Ông Thiện nhủ thầm:

– Chắc là đưa “cô kia” đi đâu đó rồi mới về nhà!

Vũ bước lên thềm cúi đầu chào ông Thiện:

– Thưa ba mới qua! Hôm nay, ba không lại hãng sao?

Ông Thiện nói mát:

– Lâu lâu mình cũng phải hơi khác hơn ngày thường một chút chớ con!

Vũ cười nhìn cha vợ, không chứ ý đến lời nói xa xôi của ông. Mộng Ngọc khẽ hỏi chồng:

– Chắc mình chưa qua phòng mạch?

– Chưa em ạ! Anh bận việc nên về trễ quá. À, nãy giờ cô Liễu có qua kiếm anh không?

– Dạ không!

Vũ gật đầu: – Chắc cũng không có “ca” bệnh nào cần kíp!

Ông Thiện bảo Vũ:

– Thôi con sang làm việc đi, đừng để bệnh nhân chờ đợi. Con đi chơi như vậy luôn sao?

Vũ đáp:

– Dạ không! Hôm nay có người bạn mời ăn cơm.

Ông Thiện không để Vũ nói hết lời:

– Ba đã biết! Vợ con mới vừa nói với ba.

Vũ cúi chào ông Thiện một lần nữa rồi đi thẳng sang phòng mạch. Mộng Ngọc nhìn cha và nhận thấy vẻ băn khoăn trên gương mặt của ông. Nàng không hiểu chuyện gì đang làm bận lòng cha, nhưng chắc chắn có liên quan đến Vũ. Mộng Ngọc cảm thấy lo ngại bâng quơ và cũng nhờ thế mà nàng chú ý đến hành động của chồng.

Từ một tuần nay, Vũ thường đi luôn nhưng không rõ đi đâu? Mộng Ngọc lại ít khi tìm hiểu công việc của chồng, song nàng cũng hơi lạ là Vũ vắng nhà nhiều hơn trước.

Ông Thiện hỏi con:

– Con có để ý thấy mấy lúc sau này Vũ thay đổi tính tình không?

Mộng Ngọc chưa hiểu rõ ý cha. Nàng đoán chừng cha muốn hỏi đến phản ứng của Vũ về chuyện “tiền bạc” bỏ ra cất bệnh viện hôm trước.

Nàng lo ngại:

– Thưa ba… Con… Không thấy có gì khác. Hôm trước chắc ba phiền anh ấy về chuyện xây cất bệnh viện?

Ông Thiện lắc đầu:

– Không! Chuyện đó có gì ba phải phiền đâu? Ba muốn biết giữa con và Vũ có xảy ra chuyện gì buồn lòng không?

Mộng Ngọc cười:

– Dạ không có chuyện gì hết ba à! Lúc nào, chúng con cũng hòa thuận với nhau!

Ông Thiện nín lặng và thấy chưa cần phải cho Mộng Ngọc biết gì hết. Bổn phận của ông là phải dò xét Vũ. Ông cần biết người đàn bà đi với Vũ là ai?

Ông Thiện đứng lên nói:

– Thôi ba về đây!

– Ba không ở lại chơi với các con sao?

– Ba còn phải về hãng thầu giải quyết một vài việc.

Mộng Ngọc đưa cha ra đến cửa ngoài rồi chờ ông lên xe, nàng mới trở vào. Tự nhiên nàng liếc về phía phòng mạch của Vũ.

Nàng nhớ lời cha khuyên lúc nãy:

– “Con cứ bỏ nó đi một mình mãi có ngày khổ đa con!”

Nàng không biết cha vui miệng mà nói hay trách khéo nàng? Mộng Ngọc rất tin tưởng chồng, nên nghĩ đến việc theo sát bên chồng để dò xét, hay gìn giữ chàng, tránh xa sự quyến rũ của những người đàn bà khác, nàng thấy chán ngán! Mà không lý Vũ lại để ý đến một bóng hình kiều diễm nào sao? Mộng Ngọc không tin, nhưng lời khuyên của cha vẫn làm cho nàng thắc mắc.

Trong khi đó, ở phòng mạch, Vũ hỏi cô Liễu:

– Có bệnh nhân đang chờ ở ngoài không cô?

Liễu nhìn ra phía cửa đáp: – Dạ có hai người, thưa bác sĩ.

Vũ thay “blouse” rồi bảo Liễu:

– Cô đưa họ vào!

Chàng lần lượt xem mạch cho bệnh nhân, trong lúc Liễu sửa soạn ống tiêm như thường lệ.

Trưa hôm qua, Vũ đến rước Hiền và bé Lệ đến nhà mới. Mẹ Liễu đã có lời cầm cộng Vũ để Hiền ở đó, nhưng Vũ nhứt định từ khước, viện lý làm phiền bà và Liễu, một khi Mộng Ngọc biết rõ sự thật. Thật ra Vũ muốn đưa Hiền đi nơi khác vì chàng sợ nàng biết rõ chuyện trước Mộng Ngọc. Bà mẹ Liễu xem chừng rất thương yêu Hiền! Có thể một ngày nào đó bà sẽ nói hết sự thật.

Liễu biết Vũ lo ngại điều đó, nên không muốn cầm Hiền ở lại nữa! Nàng nói riêng với mẹ:

– Má đừng giữ cô Hiền ở lại thêm. Chuyện riêng của bác sĩ Vũ khó khăn lắm! Cứ để yên cho ông ấy tự giải quyết lấy, mình có giúp được thì giúp, không thì thôi.

Hồi sáng này nàng chỉ hỏi Vũ là nơi Hiền ở có yên không thì Vũ mỉm cười đáp:

– Yên lắm cô à! Hiền muốn mời cô đến nhà chơi.

Liễu chỉ cười, trong lòng bắt đầu khó chịu, Vũ nói gì thì nói, bây giờ, cảnh của Hiền, nào có khác chi cảnh làm bé, làm mọn. Điều đáng buồn hơn là Hiền vẫn không hay biết gì hết và cứ tưởng lầm mình là người yêu duy nhứt của Vũ.

Liễu nhớ đến những lời mẹ nàng đã trách Vũ:

– “”Ai biểu ông ấy gây ra làm chi? Bây giờ phải lãnh lấy hậu quả chớ!”

Nàng thấy hoang mang trong lòng! Biết đâu chính Vũ không muốn giải quyết dứt khoát chuyện Hiền và muốn sống với hai người yêu cùng một lúc!?

Bên ngoài đã hết bệnh nhân. Liều khép cửa phòng lại và sắp soạn những hộp thuốc trên bàn. Vũ ngả lưng vào thành ghế nhìn Liễu, rồi hỏi:

– Cô có rảnh không cô Liễu! Hiền mời cô tối đến chơi. Liễu lắc đầu:

– Dạ, tối nay tôi bận, thưa bác sĩ.

Liễu quyết định từ đây không dự vào chuyện riêng tư của Vũ nữa. Nàng là người làm công, đành rằng Vũ đối xử tốt với nàng, nhưng trước việc này, Liễu thấy phật ý lắm. Sở dĩ nàng giúp Vũ hôm trước là tin tưởng chàng sẽ tìm cách giải quyết cho êm đẹp giữa đôi đàng. Chớ nàng đâu có ý “đồng lõa” với Vũ để làm khổ Mộng Ngọc và cả Hiền nữa.

Vũ vẫn không để ý đến thái độ của Liễu, tươi cười nói:

– Tôi mướn cái “Vi-la” đó đẹp lắm cô Liễu! Có sân rộng và có nhà xe nữa. Hôm nào rảnh cô đến chơi. Từ chiểu hôm qua đến giờ, Hiền nhắc đến cô luôn.

Liễu nhìn thẳng vào mặt Vũ, định hỏi chàng sẽ giải quyết chuyện giữa Hiền và Mộng Ngọc ra sao, nhưng nghĩ kỹ, nàng lại thôi. Liễu quay lại, cúi chào Vũ:

– Thưa bác sĩ, tôi về.

– Chào cô.

Vũ không hiểu được cảm tưởng của Liễu đối với mình trong lúc này, nên dặn dò thêm:

– Cô Liễu nhớ đến chơi với Hiền, số nhà X, Trần Quốc Toản.

Liễu gật đầu:

– Dạ… hôm nào rảnh, tôi sẽ đến thăm cô Hiền.

Liễu mở chốt cửa, Vũ gọi giựt lại:

– Cô Liễu?

– Dạ, thưa bác sĩ.

– Hôm nay cô không đến chơi với Hiền được ư? Nàng về nhà mới, còn…

Liễu lắc đầu:

– Thưa bác sĩ, tôi bận quá…

Nàng bước ra ngoài khép cửa lại. Vũ thở dài, đứng lên cởi “blouse” rồi trở qua nhà. Hình ảnh quen thuộc mỗi ngày lại hiện ra trước mắt chàng. Mộng Ngọc đang ngồi chỉ cho bé Dung học trên “đi văn”. Chị bếp dọn cơm. Bé Dung thấy cha về, tuột xuống đất, ôm chân cha gọi:

– Ba… Ba về!

Vũ bồng con lên, hôn vào má, trong lúc đó Mộng Ngọc xếp tập của con lại, tươi cười nhìn chồng.

Mộng Ngọc bảo bé Dung:

– Con xin lỗi ba đi…

Bé Dung liếc nhìn mẹ rồi khoanh tay thưa:

– Con xin lỗi ba.

Vũ ngạc nhiên nhìn vợ rồi hỏi con:

– Việc gì, con phải xin lỗi ba?

Bé Dung phụng phịu cúi mặt. Mộng Ngọc cười giải thích:

– Hồi trưa, bé Dung thức dậy, không thấy mình, không biết sao lại khóc đòi ba, em dỗ thế nào cũng không nín. Em phạt đứng quay mặt vào vách đến 5 phút.

Vũ ôm chặt bé Dung vào lòng, hôn lên má:

– Ờ! Người ta đòi ba mà cũng phạt nữa.

Mộng Ngọc tiếp:

– Em đã cắt nghĩa cho biết, khóc như vậy là có lỗi. Ba có việc phải đi con ở nhà còn có má. Chừng đó “cô” mới chịu nín!

Bé Dung mắc cỡ úp mặt vào vai cha, Vũ nhìn Mộng Ngọc, có cảm tưởng như nàng đang trách khéo mình. Mộng Ngọc vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên:

– Mình rửa mặt rồi ăn cơm…

Vũ thả bé Dung xuống, đi về phía phòng rửa mặt. Chàng nghĩ đến Hiền và bé Lệ. Giờ này chắc hai mẹ con đang dùng cơm. Hồi trưa, chàng có bảo Hiền, sợ mình bận việc, không đến được. Hiền không nói gì, mà chỉ nhìn quanh nhà rồi bảo chàng: – Nhà rộng quá! Em có hơi sợ.

Vũ thấy tội nghiệp nàng, nên lúc nãy mới có ý mời Liễu đến nhà với Hiền. Biệt thự mới mướn, ngoài chị bếp và ông già gác cổng, trong nhà chỉ có mẹ con của Hiền. Nàng lại quá bỡ ngỡ trước sự sống mới. Từ bao lâu nay, Hiền sống trong cảnh thanh đạm, nên có vẻ ngại ngùng khi bước vào ngôi biệt thự mà Vũ mới mướn. Nàng đã hỏi Vũ:

– Nhà này của ai mà sang trọng quá vậy anh?

Đến lúc Vũ cho biết mẹ con nàng sẽ ở đó, Hiền lắc đầu nói:

– Em sợ lắm! Nhà rộng quá, em không thích đâu anh. Phải chi em và con được ở một căn phố nhỏ như của cô Liễu cũng đủ rồi.

Vũ phải giải thích điều tiện lợi, khi ở biệt thự, nàng mới chịu nghe. Song giờ đây, Vũ thấy lo lắng không biết Hiền ở đằng ấy có yên chăng? Chàng trở ra phòng ăn thì Mộng Ngọc và bé Dung đang ngồi sẵn ở bàn. Vũ kéo ghế ngồi xuống rồi nhìn bé Dung cười nói:

– Con cũng ngồi bàn nữa ư? Sao không để chị vú đút cơm cho.

Mộng Ngọc đáp thay con:

– Hồi trưa con cũng đòi ăn một mình đó.

Bé Dung đứng thẳng trên ghế, rồi chồm vào bàn. Mộng Ngọc rầy con:

– Đừng đứng lên như vậy, mẹ không cho ngồi bàn nữa đó.

Bé Dung sợ sệt nhìn mẹ rồi ngồi xuống ghế. Vũ chợt nghĩ đến mẹ con Hiền. Không biết bé Lệ ăn cơm có còn phải đút chăng? Hồi trưa, chàng đánh liều đưa hai mẹ con Hiền đi ăn kem, chàng thấy Thanh Lệ cầm muỗng múc kem “đàng hoàng” lắm! Thanh Lệ lớn hơn Ngọc Dung hai tuổi nên chững chạc hơn là phải. Mộng Ngọc để ý nhìn chồng:

– Hình như anh có gì lo nghĩ?

Vũ lắc đầu:

– Không có gì đâu!

Rồi chàng hỏi Mộng Ngọc:

– Hồi chiều ba đến chơi có việc gì không mình?

Mộng Ngọc đáp:

– Dạ không có chuyện gì hết. Ba đi ngang nên tạt vào thăm mình… À, ba…

Thấy vợ ngập ngừng, Vũ hỏi:

– Ba… sao hả mình?

Mộng Ngọc muốn nhắc lại câu dặn dò của cha lúc chiều nhưng e ngại không nói. Chừng Vũ hỏi, nàng buộc lòng phải trớ sang chuyện khác:

– Ba cho biết về chuyện xây cất bệnh viện…

Lần đầu tiên, Mộng Ngọc nói không thật với chồng, dù là một chuyện không hại gì, song nàng cùng lo ngại lắm. Lỡ ra, Vũ hỏi tới nữa nàng không biết phải nói sao? Nhưng Vũ không để tâm đến chuyện đó. Chàng nhìn đồng hồ, và hết chén cơm, buông đũa đứng lên. Mộng Ngọc chú ý đến cử chỉ của chồng! Hôm nay, sao chàng ăn cơm mau như vậy kìa?

Chàng vào phòng rửa mặt, rồi trở ra bảo Mộng Ngọc:

– Mình cho con ngủ sớm, anh đến đằng nầy một chút!

– Anh đi đâu vậy?

– Anh đến thăm người bạn ở Pháp mới về?

– Ai vậy mình? Em có quen không?

Vũ lúng túng đáp:

– Anh này trước ở Lyon, em không biết… đâu?

Mộng Ngọc nhìn chồng:

– Lúc này, anh có việc đi luôn. Cả ngày con mới gặp anh một lần.

Rồi nàng mỉm cười:

– Hồi trưa, ba cũng nói nữa đó…

Vũ lo lắng:

– Ba nói sao em?

– Ba bảo em để anh đi một mình hoài, có ngày khổ đa!

Vũ nín lặng. Chàng không hiểu được ông Thiện thốt ra câu đó vì vô tình hay cố ý? Chắc là ông nói đùa với Mộng Ngọc cho vui chớ không có ý gì khác.

Mộng Ngọc ngước nhìn chồng, thấy Vũ lộ vẻ suy nghĩ thì quay đi nơi khác. Nàng ân hận đã nói với chồng một câu mà lẽ ra không nên nói. Rất có thể Vũ buồn vì nàng đã chứng tỏ sự thiếu tin tưởng!? Trái lại, Vũ muốn biết rõ ý nghĩ của Mộng Ngọc, khẽ hỏi:

– Ba nói thế với ý gì hả mình? Sao mình lại phải khổ?

Mộng Ngọc khó giải thích tường tận, để Vũ khỏi hiểu lầm.

– Ba sợ anh rảnh tay rảnh chân rồi “để ý” đến các cô khác!

– À ra thế! Riêng em nghĩ thế nào?

– Nghĩ gì hả anh!

– Về câu nói của ba.

Mộng Ngọc cười:

– Có gì em phải nghĩ! Em bảo ba anh không phải là hạng người ích kỷ đến làm khổ vợ con đâu… vả lại, lúc nào em cũng giữ tròn bổn phận đối với anh.

Vũ xúc động vô cùng. Mộng Ngọc thật đáng yêu và khôn khéo. Gần năm năm qua, nàng ít khi làm phật ý chàng. Bao giờ nàng cũng chiều chuộng, thương yêu chồng, như lúc mới biết nhau. Tự nhiên, Vũ cảm thấy minh có lỗi với Mộng Ngọc rất nhiều. Đáng lý chàng phải nói thật với vợ về câu chuyện của Hiền và bé Lệ. Trong phút giây sôi nổi trong lòng, chàng suýt nói hết cho vợ biết. Nhưng suy nghĩ kịp, chàng thấy chưa phải lúc. Chàng muốn có một thời gian ngắn, để giải thích rõ ràng cho Mộng Ngọc hiểu. Nàng phải được “chuẩn bị tình cảm”, trước một sự thật quá bất ngờ. Bé Dung ăn cơm xong, tuột xuống ghế, chạy đến bên Vũ:

– Ba… Ba đi đâu vậy ba? Không ở nhà kể chuyện đời xưa sao ba?

Mộng Ngọc la con:

– Dung! Không được quấy rầy ba. Đi rửa tay đi.

Bé Dung sợ mẹ, rời xa Vũ nhưng đôi mắt vẫn nhìn về phía chàng. Vũ cảm thấy khó chịu trong lòng. Cả tuần nay, chàng bỏ hết cái lệ kể chuyện đời xưa cho con nghe. Thường khi, sau bữa cơm, chàng đọc sách báo xong là kể chuyện “Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn” hay “Thằng bé Tí hon” cho bé Dung nghe. Đêm nào cũng thế, riết rồi thành thói quen cho bé Dung và cả chàng nữa. Bỗng dưng chàng bỏ cái lệ đó, con không nhắc nhở làm sao được!

Mộng Ngọc thấy chồng lộ vẻ băn khoăn sau lời nói của con thì cười:

– Anh sửa soạn đi kẻo trễ. Lát nữa, em sẽ thay anh kể chuyện “đời xưa” cho con nghe.

Vũ mỉm cười, ngồi xuống ghế:

– Thôi, trưa mai anh đến thăm anh ấy cũng được.

Mộng Ngọc đến sát bên chồng:

– Sao anh không đi? Tại em kể lại câu nói của ba làm anh buồn phải không? Ba nói chơi thôi, chớ không có ý gì đâu?

Vũ nắm tay vợ kéo sát vào mình:

– Không phải vậy! Tại anh không muốn đi bây giờ, thế thôi.

– Hay là tại con làm anh buồn.

– Có lẽ đúng! Anh không buồn con nhưng anh buồn anh! Cả tuần nay anh bận việc luôn nên xa rời con quá.

Mộng Ngọc sung sướng vô cùng. Nàng gỡ tay chồng nhìn xuống nhà bếp:

– Anh để em dọn cơm đã. Chị bếp lên kìa. Kỳ hông…

Vũ cười nhìn vợ. Chàng vẫn thấy Mộng Ngọc hiền dịu, duyên dáng như hồi mới cưới. Rồi chàng lại nghĩ đến Hiền và bé Lệ. Đêm nay không hiểu hai mẹ con có ngủ được chăng?

***

Hiền nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Biệt thự rộng thênh thang, lạnh lẽo. Nàng kéo mền trùm lên đến ngực. Mền mới mua nên mùi nỉ còn hăng hắc. Hiền vẫn thấy lạnh trong người. Nàng xoay qua ôm con, mong tìm ra hơi ấm quen thuộc. Bé Lệ vẫn ngủ say, không hay biết gì hết. Tay nó còn ôm con “búp bê” mà hồi trưa Vũ đã mua cho.

Nàng nhớ đến Vũ, đến những lời chàng đã nói đêm hôm trước:

– Anh ân hận lắm! Thật tình anh không ngỡ em vẫn chờ đợi anh bao năm trời nay. Con và em phải chịu khổ là lỗi ở anh. Tha lỗi cho anh nghen! Từ nay em và bé Lệ không phải khổ nữa.

Hiền cảm động lắm. Bao nhiêu buồn phiền gần như tan biến hết. Nàng muốn nói với Vũ những lời thứ tha chân thật nhưng cổ nàng như nghẹn lại. Hiền chỉ nhìn chàng rơm rớm nước mắt. Lâu lắm, nàng mới bảo Vũ:

– Em không có ý trách phiền gì anh đâu! Bao lâu nay, em chỉ mong mỏi một điều là con được gần gũi bên anh thôi… Ngày nay, em đã mãn nguyện rồi.

Hiền mỉm cười một mình. Nàng nói với Vũ như thế, chớ thật ra “má con Lệ” cũng muốn ở gần “cha nó” nữa. Nàng chợt nghe có tiếng chân bước trên sỏi đá, trong sân biệt thự. Chắc Vũ đến. Chàng hẹn hồi trưa sẽ đến với mẹ con nàng. Hiền đến bên cửa sổ nhìn ra. Nàng không thấy Vũ đâu. Người gác cổng già vừa xách đèn đi khuất phía sau vườn. Hiền buồn bã trở vào giường ngồi thừ người ra. Đã một giờ hơn. Tại sao Vũ không giữ đúng lời hứa với mẹ con nàng? Chắc chàng quá bận việc hay không thể rời nhà đến đây được! Hiền rất băn khoăn.

Trưa hôm qua, Vũ đưa nàng và bé Lệ về đây thì nhà đã được dọn sẵn. Buổi tối, chàng còn đến, gần 11 giờ khuya mới về, Không hiểu sao đêm nay, Vũ hẹn mà không tới. Nàng thấy lo sợ bâng quơ. Hai người đã yêu nhau sáu, bảy năm trời nay, nhưng không lúc nào Hiền được hưởng trọn vẹn hạnh phúc bên người yêu. Nàng cứ phải lo sợ những tai họa có thể xảy đến cho hai người.

Ngày xưa, khi hai người bắt đầu yêu nhau, nàng lo lắng phập phồng vì sợ cha mẹ bắt gặp và chia rẽ duyên đôi lứa. Rồi sáu, bảy năm qua, nàng sống trong sự đợi chờ mong nhớ. Tình xưa hôm nay lại bừng dậy trong tim. Nàng thấy băn khoăn lo một thảm họa khác xảy đến. Có thể là cha mẹ Vũ sẽ không bằng lòng cho nàng về sống trong gia đình cũng nên. Hiền không biết ông bà có hẹp lượng như cha nàng chăng? Tuy nhiên, khi nghĩ đến Vũ, Hiền lại thấy vững lòng tin… Dù có khổ sở đến đâu, được sống bên Vũ, nàng cũng không màng.

Hiền nằm xuống và chỉ nghĩ đến người yêu. Giờ này không biết Vũ đang làm gì và có nhớ đến mẹ con nàng chăng? Đáng lý ra, Vũ phải đến đây, đêm hôm nay, chớ nhà lạ và trống trải quá nàng làm sao ngủ được! Hiền chợt nhận thấy mình đòi hỏi quá nhiều. Mấy hôm rồi, được gặp Vũ, nàng còn nghĩ vầy, nghĩ khác, chớ sáu, bảy năm qua không được gần chàng, nàng cũng đành chịu vậy thôi. Vũ làm việc nhiều, cần phải ở nhà ngủ cho lại sức chứ! Hiền nghĩ thế nên không còn chờ đợi Vũ đến nữa.

Hiền lại nghĩ đến câu chuyện đã bàn bạc với Liễu hôm trước. Nàng sẽ nhờ Liễu chỉ dẫn cách thức làm việc trong phòng mạch. Nàng muấn đỡ đần Vũ một tay, trong việc săn sóc bệnh nhân. Nhưng còn bé Lệ! Nếu nàng phải đến phòng mạch của Vũ mỗi ngày thì Thanh Lệ sẽ gởi cho ai trông nom? Ờ, thì nàng cứ dắt bé Lệ theo, để được gần gũi với cha mẹ. Phòng mạch của Vũ rộng chán, để bé Lệ chơi một bên cũng được vậy! Con nàng ngoan lắm, nàng bảo gì nó cũng nghe theo. Không phá rầy Vũ đâu! Hiền suy tính viển vông và quyết tập tành cho quen công việc giúp đỡ chồng. Nàng kéo mền trùm lên ngực và cứ mãi nghĩ đến những ngày vui sắp tới rồi ngủ quên lúc nào không biết.

Buổi sáng, nàng thức giấc là xuống bếp nấu nước, khuấy sữa cho con. Ở nhà quê, mỗi sáng nàng chỉ cho bé Lệ ăn cơm nguội, nhưng từ hôm lên trên nầy, Vũ bảo nàng cho con uống sữa tốt hớn.

Nàng xuống đến nhà dưới thì chị bếp cất tiếng hỏi:

– Thưa bà…

Hiền cười dễ dãi:

– Sao cứ gọi tôi bằng “bà” mãi vậy? Tôi nói rồi dì xem tôi như con cháu được rồi.

Chị bếp lắc đầu: – Bà dạy thế, chớ tôi dâu dám! Ông bác sĩ biết được thì rầy tôi.

Hiền lắc đầu, bênh Vũ:

– Không đâu! Anh Vũ không có tánh đó đâu! Dì bằng tuổi mẹ tôi mà kêu tôi bằng “bà” coi sao được!?

Chị bếp mỉm cười nhìn nàng lộ vẻ thương yêu, trìu mến. Đã từng đi làm công nhiều nơi, chưa lần nào chị gặp một bà chủ dễ tính như Hiền. Xem chừng bà chủ nầy không quen lối sống giàu sang! Mới ở đây chưa đầy hai hôm mà chị thấy mến Hiền rất nhiều. Nhứt là bé Lệ. Nó lễ phép với tất cả mọi người và rất dễ thương, chớ không giống như trẻ con nhà giàu khác.

Hiền đến chỗ bếp thì thấy ấm nước đã sôi. Chị bếp hỏi:

– “Bà” định làm gì?

Hiền quay lại nói:

– Tôi muốn khuấy sữa cho bé Lệ!

– “Bà” để tôi lo cho.

Hiền khẽ nói:

– Dì không gọi tôi bằng tiếng khác được sao? Dì kêu tôi như vậy, tôi ngượng lắm.

Chị bếp cười:

– Tôi kêu bằng “mợ” vậy!

Hiền gật đầu ra dáng bằng lòng:

– Phải đó! Như vậy dì phải kêu anh Vũ bằng “cậu”.

Chị bếp lo lắng:

– Biết kêu vậy, ông bác sĩ chịu hông?

Hiền quả quyết:

– Dì đừng lo. Anh Vũ hiền lắm. Ngày xưa về dưới quê tôi, ai anh cũng kêu bằng bác hết hà. Dì lớn tuổi rồi, kêu như vậy có gì lạ đâu.

Chị bếp tò mò hỏi:

– Đêm hôm, hình như bác sĩ không về hả “mợ”?

Hiền gật đầu có vẻ buồn:

– Anh ấy ở bên nhà “ba má” tôi.

Rồi nàng cầm ấm nước, bước nhanh lên nhà trên. Thật ra nàng cũng không hiểu vì sao Vũ không đến?

***

Liễu ngồi đợi trước văn phòng của ông Thiện, trong lòng hồi hộp băn khoăn. Anh tùy phái bảo nàng ngồi chờ có trên năm phút rồi mà nàng vẫn chưa được vào. Hồi sáng, lúc nàng đến phòng mạch làm việc, ông Thiện điện thoại mời nàng buổi chiều đến gặp ông, vào khoảng hai giờ, nghĩa là trước giờ nàng đi làm. Liễu lo lắng không biết có chuyện gì mà ông Thiện muốn gặp mình? Nàng thưa với mẹ về chuyện đó thì bà cụ nói:

– Không chừng ông Thiện muốn mướn con làm thêm chớ gì?

Liễu cũng hy vọng như thế, vì thường khi Mộng Ngọc có lời khen nàng trước mặt cha. Tuy suốt ngày, làm ở phòng mạch của Vũ, nhưng Liễu vẫn mong muốn được làm thêm sổ sách vào buổi tối, để kiếm thêm tiền. Bởi thế mà đúng hai giờ kém mười lăm là nàng có mặt ở văn phòng hãng thầu của ông Thiện.

Đã hai giờ mà nàng vẫn chưa được giáp mặt ông Thiện. Hình như ông đang có khách. Không biết ông có còn nhớ giờ hẹn với mình chăng? Nàng định hỏi anh tùy phái một lần nữa thì thấy cửa phòng ông Thiện mở ra. Khách vừa bắt tay ông ra về.

Nàng đứng lên cúi chào. Ông Thiện đã nói:

– Mời cô vào trong nầy.

Liễu bước vào phòng, ông Thiện đóng cửa lại bảo Liễu:

– Cô ngồi chơi. Xin lỗi đã để cô đợi lâu.

Liễu lễ phép:

– Dạ thưa ông… có gì đâu. Cháu chỉ sợ trễ giờ làm việc ở phòng mạch.

Ông Thiện nhìn nàng lắc đầu:

– Không sao đâu! Tôi muốn hỏi cô chút chuyện thôi.

Liễu nhìn ông. Ông Thiện trở vào bàn viết, ngồi xuống ghế đốt thuốc hút, nét mặt đăm chiêu. Liễu đoán chừng không phải ông Thiện gọi mình đến đây để mướn làm thêm công việc. Tuy nhiên, nàng vẫn chưa rõ ông muốn nói chuyện gì!

Ông Thiện cất tiếng:

– Tôi biết cô là người tốt nên mới nhờ cô một việc. Tôi không dám nghĩ đến vấn đề trả ơn cho cô vì đây thuộc về chuyện riêng tư trong gia đình tôi.

Liễu ngơ ngác nhìn ông Thiện, không hiểu ông muốn nói gì.

Ông Thiện nghiêm giọng hỏi Liễu:

– Cô có mến Mộng Ngọc không?

Liễu ngập ngừng:

– Dạ! Cháu rất mến bà bác sĩ! Nhưng sao ông lại hỏi vậy?

-Vì chuyện này có liên quan đến hạnh phúc của Mộng Ngọc. Đáng lẽ, tôi không nên làm phiền cô, nhưng không biết phải nhờ ai bây giờ.

Liễu rất sợ! Chết rồi. Chắc ông Thiện và Mộng Ngọc đã nghi ngờ mình tiếp tay với Vũ trong việc Hiền. Nhưng sao hai người hiểu rõ chuyện đó được?

Ông Thiện tiếp:

– Cô ở gần Vũ… Chắc không lạ… với những người người nó thường giao du. Tôi muốn nói đến một người đàn bà. Liễu biết ngay ông định hỏi dò mình. Nàng đáp :

– Thưa ông. Ngoài các bệnh nhân, cháu… ít thấy ai đến phòng mạch của bác sĩ. Việc giao du của ông Vũ, cháu làm sao biết hết được.

Ông Thiện nói thêm:

– Người đàn bà đó có một đứa con. Tôi không rõ nhà ở đâu!

Liễu lắc đầu:

– Thật tình… cháu không nhớ nổi, vì bệnh nhân nhiều lắm.

Ông Thiện nín lặng. Liễu nói cũng phải. Ông muốn hỏi dò Liễu về người đàn bà đã đi với Vũ, nhưng xem chừng Liễu không biết gì hết. Ông Thiện chợt nhận thấy mình quá ngây ngô. Nếu có người yêu, Vũ điên dại gì nói với người nữ у tá của mình.

Liễu vẫn lặng thinh. Nàng đã hiểu rõ ông Thiện bắt đầu nghi ngờ Vũ, không khéo nàng sẽ bị lôi cuốn vào một chuyện không đâu.

Ông Thiện bỗng hỏi:

– Chắc cô thường không để ý đến việc riêng của Vũ.

Nàng lắc đầu cười:

– Thưa ông! Cháu giúp ông Vũ săn sóc bệnh nhân thì chỉ biết lo phận sự của mình.

Ông Thiện gật đầu:

– Đúng! Tôi xin lỗi đã làm phiền cô. Nếu cô xét đến sự âu lo của một người cha, trước hạnh phúc của con mình, chắc cô cũng thông cảm cho tôi.

Liễu nhìn ông với vẻ kính trọng:

– Cháu hiểu lắm! Cháu không dám phiền ông đâu.

– Thôi! Cô có thể đi làm được rồi. Điều tôi mong là cô đừng nói cho Vũ biết tôi đã mời cô đến đây.

Liễu lặng thinh một lúc, đáp:

– Dạ … Cháu sẽ làm vừa lòng ông.

Nàng đứng lên chào ông Thiện rồi bước ra ngoài. Ông Thiện trở vào bàn viết, ngồi xuống ghế. Mấy hôm nay ông cố ý dò xét Vũ, nhưng cũng không hiểu được gì hơn. Ông lại nghĩ tới Liễu và đinh ninh nàng cũng biết ít nhiều. Song trái với ý nghĩ của ông, Liễu không giúp được gì hơn. Nàng che giấu cho Vũ chăng? Hay là nàng thật tình không biết! Rất có thể Vũ đã mua chuộc nàng? Có thể như thế lắm! Nếu vậy cô ta sẽ nói cho Vũ biết sự nghi ngờ của ông. Vũ sẽ có đủ thời giờ để tìm cách đối phó.

Ông Thiện trách mình quá hời hợt, không tính toán kỹ rồi hãy gọi Liễu đến. Trong khi đó, Liễu đạp xe nhanh về phòng mạch, nhưng nàng cũng bị trễ hơn mười phút. Nàng khóa xe ngoài hành lang bước vào. Những bệnh nhân đang chờ trong phòng khách, đều ngước mắt nhìn Liễu. Nàng cúi chào mọi người rồi đến cửa phòng mạch gõ cửa. Có tiếng Vũ bên trong:

– Cứ vào!

Liễu mở chốt cửa, xô nhẹ vào trong. Nàng thấy Vũ đang ngồi ở chỗ bàn viết. Chắc là Vũ đợi nàng, nên chưa tiếp một người khách nào cả. Liễu chào Vũ rồi cất tiếng:

– Xin lỗi bác sĩ. Tôi có việc… Không…

Vũ đứng lên mỉm cười:

– Cô khỏi phải ngại.

Liễu đi thay “blouse” rồi hai người bắt đầu làm việc. Ba, bốn bệnh nhân lần lượt ra, vào. Vũ thăm mạch, xem qua bệnh tình của họ rồi cho thuốc. Chàng không trao đổi với Liễu một lời nào. Liễu nhìn Vũ nghĩ đến những lời ông Thiện đã nói lúc này. Vũ xem mạch đến bệnh nhân thứ năm, bỗng quay lại bảo Liễu:

– Cô trao giùm tôi cái máy đo huyết áp.

Liễu lo ra, nên không nghe tiếng bác sĩ. Một lúc, Vũ quay lại nhìn Liễu, thoáng vẻ ngạc nhiên:

– Kìa, cô Liễu!

Liễu giựt mình cất tiếng:

– Dạ thưa bác sĩ!

– Cô có nghe tôi nói gì không?

Liễu lúng túng:

– Bác sĩ bảo chi ạ?

Lần đầu tiên, từ ngày Liễu vào làm ở đây, Vũ mới thấy nàng lo ra như vầy. Chắc có chuyện gì không hay đã xảy đến cho nàng. Chàng lặp lại:

– Tôi nhờ cô đưa giùm cái máy đo huyết áp.

Liễu vâng dạ rồi lấy máy trao cho Vũ. Nàng thấy Vũ châm chú nhìn mình thì quay mặt đi. Hai người lặng thinh làm việc cho đến hết giờ. Chờ người khách cuối cùng bước ra cửa Liễu mới nói:

– Xin lỗi bác sĩ về chuyện lúc nãy.

Vũ hỏi:

– Cô Liễu! Hôm nay có chuyện gì mà xem chừng cô thẫn thờ vậy?

– Dạ, không có chuyện gì đâu!

Vũ lắc đầu:

– Cô đừng giấu tôi! Hồi nào tới giờ, tôi chưa từng thấy cô lơ đãng, khi làm việc. Tại sao hôm nay, cô có thái độ lạ lùng vậy?

Liễu cúi đẩu không nói gì hết. Nàng phân vân không biết có nên nói cho Vũ nghe chăng? Lúc nãy, nàng đã hứa với ông Thiện là không cho Vũ biết gì hết! Liễu chợt nghĩ đến Hiền. Nàng rất thương Hiền và không thể nào làm ngơ trước nỗi đau khổ của người thiếu phụ dịu dàng đó. Thật tâm, nàng cũng không muốn nói sự thật cho Vũ biết, nhưng không thể để Hiền chịu thêm nhiều thử thách cam go. Thà nói rõ sự thật cho Vũ biết và đòi hỏi ở chàng một giải pháp ổn thỏa cho Hiển khỏi bị dằn vật. Vũ lại hỏi:

– Cô nghĩ gì đó? Có thể cho tôi biết được không? Đối với cô, tôi không giấu điều gì hết mà.

Liễu đáp:

-Thưa bác sĩ! Tôi không có gì phải lo cả. Tôi chỉ lo cho bác sĩ thôi.

Vũ sửng sốt:

– Lo cho tôi? Chuyện gì vậy cô?

– Chuyện cô Hiền.

– Hiền làm sao? Trời, cô nói ngay đi.

Liễu đáp:

– Ông Thiện vừa mời tôi qua văn phòng.

– Ba tôi?

– Dạ! Ông điện thoại hồi sáng, bảo tôi đến gặp ông lúc hai giờ. Bởi vậy tôi mới đi làm trễ.

Vũ lo lắng:

– Ba tôi gọi cô chi vậy?

– Tôi nói ra rồi bác sĩ liệu mà tính. Nhớ là đừng để ông biết tôi nói lại đó. Ông đã bắt tôi phải hứa.

– Được rồi, cô khỏi phải lo. Tôi sẽ không làm phiền cô đâu. Ba tôi hỏi việc gì?

Liễu tiếp lời:

– Hình như ông đã nghi ngờ bác sĩ và cô Hiền.

– Đâu có lẽ.

– Lúc đầu, tôi cũng nghĩ như bác sĩ, nhưng ông dò hỏi như thế này không nghi ngờ sao được.

– Ba tôi hỏi sao?

– Ông hỏi tôi có biết rõ những người bác sĩ giao du không? Ông muốn hỏi đến một thiếu phụ đà có con…

– Làm sao ba tôi biết được kìa?

Liễu lặng thinh lắc đầu. Vũ hỏi tiếp:

– Rổi cô trả lời sao? – Tôi nói là tôi không biết gì hết.

Hai người cùng im lặng. Một lúc, Liễu nhìn thẳng vào mặt Vũ:

– Thưa bác sĩ! Như vậy đủ thấy là ông đã nghi ngờ bác sĩ không chung thủy với bà nhà. Sớm muộn gì ông cũng tìm ra manh mối.

Vũ đáp nhỏ:

– Tôi hiểu rồi, cô Liễu à!

Liễu lại nói:

– Thưa bác sĩ! Đáng lý tôi không nên xen vào chuyện nầy! Nhưng tôi thấy nếu bác sĩ không sớm giải quyết chuyện cô Hiền, sẽ phải khổ nhiều hơn nữa. Rồi đây, ông Thiện và bà Mộng Ngọc biết được nhà riêng của cô Hiền thì còn lôi thôi. Cô Hiền quá hiền hậu, thật thà. Tôi sợ cho cô ấy lắm. Tôi nghĩ bác sĩ nên tính cách nào cho ổn thỏa để giúp cổ ấy bớt khổ trên đường đời.

Vũ ôm lấy đầu. Chàng cũng biết rõ như vậy lắm! Nhưng phải giải quyết thế nào đây?

Liễu ngước nhìn Vũ, tiếp:

– Cô Hiền đã khổ nhiều rồi, bây giờ bác sĩ đừng nên để cổ chịu đựng thêm những thử thách đớn đau!

Vũ ngẩng lên nói:

– Cô Liễu! Tôi đâu có ý muốn làm khổ Hiền thêm.

– Đành rằng thế, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cô Hiền nào khác chi người “vợ thứ” của bác sĩ ! Liệu cô có tránh được những tai họa không?

Vũ kêu lên:

– Cô Liễu! Cô hiểu lầm rồi! Tôi không có ý coi Hiền như… người vợ thứ hai… đâu. Tôi không… Chàng nín lặng… Vũ không nói những điều chỉ có bạn trai mới tâm tình với nhau thôi. Liễu lại là một thiếu nữ chưa thành lập gia đình! Liễu như đoán hiểu điều đó nên cúi mặt. Có tiếng động ở phía cửa hông. Mộng Ngọc dẫn bé Dung sang và nhìn hai người mỉm cười. Bé Dung gọi cha:

– Ba… Ba ơi!

Mộng Ngọc thoáng nét băn khoăn. Đã gần sáu giờ rươi, phòng mạch đóng cửa từ lâu, sao cô Liễu vẫn chưa về? Có lẽ đây là điều âu lo mà cha nàng đã báo trước với nàng?! Mộng Ngọc vội xua đuổi ý nghĩ đó ngay. Nàng hiểu rõ Liễu. Cô là một thiếu nữ đứng đắn, tính tình đoan trang, chớ không phải hạng gái trắc nết.

Nàng khẽ hỏi:

– Cô chưa về sao?

Liễu lúng túng đáp:

– Dạ! Tôi cũng sắp về.

Rồi Liễu sửa soạn đồ đạc, cúi chào vợ chồng Vũ, bước ra ngoài.

Vũ ôm bé Dung vào lòng, hôn lên má con. Mộng Ngọc khẽ bảo chồng:

– Ba ở bên nhà mình đó anh!

– Vậy à? Sao mình không ở bển với ba?

– Ba bảo em đi gọi anh!

Vũ nhớ những lời Liễu nói, trong lòng âu lo. Có thể ông sẽ hỏi chàng về chuyện đã nghi ngờ! Nếu ông hỏi trước mặt Mộng Ngọc thì tai hại vô cùng.

Vũ bảo Mộng Ngọc:

– Thôi mình về em.

Mộng Ngọc dẫn bé Dung theo sau chồng. Hai người rời khỏi phòng mạch thì đã thấy ông Thiện ngồi ở ghế “salon” nhìn về phía họ.

Vũ cúi chào:

– Thưa ba mới qua.

Ông Thiện ngó Vũ thấy chàng không đổi sắc diện thì tin là Liễu không bép xép. Nếu nàng thổ lộ cho Vũ biết câu chuyện ban trưa, chắc “cậu ta” không bình thản như vậy đâu? Ông Thiện đã đoán lầm! Đã biết cha vợ nghi ngờ nên Vũ cố định tĩnh tâm thần.

Ông Thiện khẽ hỏi:

– Họa đồ bệnh viện đã xong. Ba đem cho con хеm, coi có sửa đổi gì không?

Vũ thở ra nhẹ nhõm. Ông Thiện mở cặp da, lấy bức họa đồ đưa cho Vũ. Chàng cầm lấy nhìn vào những hàng gạch chi chít, nhưng trí óc nghĩ đâu đâu. Ông Thiện giải thích tỉ mỉ cho Vũ nghe chỗ nào là hành lang, chỗ nào là phòng lạnh, phòng mổ, phòng rọi kiếng, phòng bệnh nhân v.v… Vũ dạ dạ cho lấy có, chớ chàng không chút để tâm. Chàng chỉ nghĩ đến sự nghi ngờ của ông Thiện! Làm sao ông biết được việc mình và Hiền? Còn Mộng Ngọc? Nàng có để ý gì chăng? Chàng nhìn về phía vợ. Mộng Ngọc, đang sấp soạn các món ăn trên bằn, nhưng Vũ biết nàng vẫn theo dõi câu chuyên giữa mình và ông Thiện. Ông Thiện có vẻ thỏa mãn về bức họa đồ, nên bảo Vũ:

– Bệnh viện cất xong nhiều người sẽ “ngán” lắm! Chưa có bệnh viện nào lớn bằng.

Rồi không để cho Vũ kịp trả lời, ông tiếp:

– Họa đồ xong, ba nhìn sơ qua đã thấy đỡ hơn lúc mình dự tính cả triệu bạc.

Vũ khẽ nói:

– Nếu tốn quá thì thôi ba à! Đợi vài ba năm nữa cũng không muộn.

Ông Thiện xếp bức họa đồ, lắc đầu nói: – Sao được con? Tốn thì tốn cũng phải làm. Bệnh viện xây cất sớm chừng nào, tốt chừng nấy. Ba nghe phong thanh một nhóm bác sĩ nào đó cũng đang dự định cất bệnh viện lớn lắm. Mình phải trù liệu trước họ, mới gây tiếng vang rộng lớn! Nhiều khi, họ thấy bệnh viện mình, rồi bỏ “projet” cũng nên.

Vũ thở dài… Đến như việc xây cất bệnh viện mà ông Thiện cũng nghĩ đến phương cách cạnh tranh!

Ông Thiện cười tin tưởng:

– Ba không định làm thì thôi. Khi đã bắt tay vào việc nhứt định phải hơn thiên hạ.

Mộng Ngọc vẫn để ý lắng nghe câu chuyện giữa cha và chồng. Nàng thấy rõ vẻ không hài lòng trên mặt Vũ. Nàng thoáng nét buồn. Hình như Vũ không còn mến phục cha nàng như trước nữa. Chàng vẫn giữ lễ độ với ông Thiện, nhưng trong đôi mắt chồng, Mộng Ngọc đọc thấy cả một sự khinh thường. Mộng Ngọc rất đau lòng trước cảnh đó. Nàng nhớ rõ ngày xưa, trước khi Vũ sang Pháp, chàng có như vậy đâu! Mỗi lần đến nhà nàng, lúc ở đường Calmette, Vũ có vẻ ngượng nghịu như một thí sinh qua kỳ thi vấn đáp.

Mộng Ngọc nhớ có lần cha đã nói đùa:

– Qua bên Pháp ráng học nghe cháu. Đừng mê “đầm” mà khổ cho ba cháu…

Lúc ấy Vũ cúi mặt, tai đỏ bừng trông thật tội nghiệp! Mộng Ngọc thở dài. Vẻ ngượng nghịu của Vũ, sau những lời khuyên nhủ của cha thuở ấy, gieo vào lòng nàng mối cảm tình tha thiết. Nhưng ngày tháng qua nàng không hiểu sao, Vũ lại giảm lần hồi sự kính mến, cảm phục cha nàng? Mộng Ngọc biết rõ lòng cha, lúc nào cũng muốn cho các con được giàu sang, hạnh phúc. Có lẽ Vũ không thích phương cách làm giàu của ông chăng?

Ông Thiện bỗng hỏi Vũ:

– Con có muốn sửa đổi gì không? Để chừng ba xây cất xong lại thêm ý kiến thì khó sửa lắm đó.

Vũ lắc đầu:

– Việc xây cất xin tùy theo ý ba. Ba có kinh nghiệm nhiều hơn con.

Ông Thiện thích ý, trước sự nhún nhường của Vũ:

– Ba biết vậy, nhưng cũng hỏi qua con, để sau này, con khỏi phải trách.

– Đời nào con dám.

Ông Thiện đứng lên:

– Thôi ba về đây.

Mộng Ngọc quay phắl lại:

– Kìa! Ba không ăn cơm với tụi con sao?

Ông Thiện lắc đầu:

– Ba phải về hãng, vì có hẹn với khách hàng.

Mộng Ngọc bước đến bên cha:

– Ba qua hãng rồi lát nữa trở về đây, con dọn cơm ba ăn.

– Thôi! Khéo lo dữ hông! “Cô” làm như tôi không có chỗ ăn cơm vậy. Liệu mà lo cho chồng kìa. Không để “cơm không lành… canh không ngọt đó…”

Ông Thiện nói xong cười vang lên. Đành rằng đó là câu nói chơi nhưng Vũ cảm thấy khó chịu! Hai vợ chồng đưa ông Thiện ra tới cửa ngoài mới trở vào. Cả hai im lặng đi bên nhau, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng. Vũ nghĩ đến câu chuyện mà Liễu đã nói lúc chiều. Ông Thiện đã nghi ngờ mình có người yêu, nhưng chắc chắn chưa biết rõ là ai, nên chưa có thái độ với mình…

Mộng Ngọc thì lại nghĩ đến sức khoẻ của cha già. Nàng khẽ bảo Vũ:

– Ba lớn tuổi rồi mà làm việc nhiều quá, em ngại lắm.

Vũ cười nhìn vợ: – Có ai bắt buộc ba đâu? Tại ba thích như vậy, em không thấy sao?

Mộng Ngọc bước vào phòng ăn thì thấy bé Dung đã ngồi sẵn trên bàn. Cô bé nhìn thấy cha mẹ vào, nói lớn:

– Ăn cơm đi má! Con đói bụng.

Mộng Ngọc mỉm cười:

– Coi, xấu chứng đói chưa? Ba chưa ngồi vào bàn mà.

Bé Dung phụng phịu:

– Chớ hồi trưa không có ba đó. Con cũng ngồi ăn trước vậy.

Vũ nhìn con, không ngờ bé Dung lại thốt ra câu đó. Mộng Ngọc cả cười:

– Dung không được nói vậy! Ba có việc, thì má và con mới ăn trước chớ.

Vũ không nói gì, kéo ghế ngồi vào bàn mỉm cười. Bé Dung thấy cha vẫn ngồi yên, thì hỏi:

– Ba không ăn sao? Con nói vậy chớ đợi ba ăn mà.

Vũ cầm đũa lên, bảo bé Dung:

– Ba ăn nè.

Mộng Ngọc không hiểu sao, chồng lại không được vui trước những lời ngây ngô của con. Nàng rón rén ngồi xuống ghế rồi cầm đũa. Mộng Ngọc có biết đâu Vũ đang khảo sát lại lòng mình và tự thấy thiếu bổn phận đối với gia đình. Đành rằng chàng không thể bỏ mẹ con Hiền bơ vơ, nhưng cũng không nên để Mộng Ngọc và bé Dung phải buồn khổ. Chàng biết liệu sao trước tình cảnh nầy? Nói thật cho Mộng Ngọc biết tự sự để tìm phương cách giải quyết ư? Vũ nhìn vợ. Gia đình đang yên ấm, câu chuyện kia được nói ra khác gì một cơn bão tố nổi lên giữa bầu trời quang đãng. Chàng nghĩ chỉ còn có cách chuẩn bị lần lần tình cảm của Mộng Ngọc, trước khi bắt nàng chịu đựng một chuyện quá sức nàng.

Vũ chợt nghĩ ra một chuyện, định nói ra để thăm dò tình cảm của Mộng Ngọc.

Chàng ngước nhìn vợ nói:

– Em! Hồi trưa đến thăm người bạn mà anh nói mới ở Pháp về, anh nghe một chuyện thật lạ…

Mộng Ngọc ngạc nhiên:

– Chuyện gì hả mình?

Vũ tiếp:

– Không biết gặp tình cảnh như vậy, mình phải giải quyết ra làm sao?

Mộng Ngọc ngừng nhai:

– Tình cảnh thế nào?

– Trong lúc ăn cơm, có người kể cho anh nghe một chuyện rất thương tâm. Đó là hoàn cảnh “người bà con” của anh ấy!

Mộng Ngọc chăm chú nghe lời chồng và thấy Vũ kể chuyện có vẻ lúng túng quá. Một người bạn kể chuyện người bà con mà chàng nói mãi không vô đề được. Mọi khi, muốn kể chuyện gì cho nàng nghe, Vũ tỏ ra lưu loát và có duyên lắm. Vũ không ngờ Mộng Ngọc đã có ý nhận xét về mình. Chàng tiếp tục câu chuyện:

– Anh bạn đó là con của một ông Tuần ở ngoài Bắc.

Mộng Ngọc hỏi lại:

– “Anh bạn” nào hả mình? Bạn của mình hay “người bà con” của anh ấy!

– Không! Anh nói là “người bà con” của anh bạn đó chớ!

Mộng Ngọc mĩm cười, Vũ càng lúng túng hơn. Vả chàng cũng nhận ra mình đặt chuyện rất kém! Nhưng đã lỡ nói ra, chàng đành tiếp tục câu chuyện:

– Anh ấy trước khi sang Pháp đã có quen với một cô thôn nữ ở cùng quê… Hai người dan díu với nhau không được bao lâu thì anh ấy sang Pháp du học. Mối tình đứt đoạn.

Mộng Ngọc ngạc nhiên hỏi:

– Sao lại đứt đoạn? Đã yêu nhau thì dù có ngăn sông cách núi cũng chờ đợi nhau chớ!

Vũ cất giọng buồn buồn:

– Cô thôn nữ ấy cũng nghĩ như em, nên cứ mỏi mòn trông đợi. Còn anh kia thì tưởng đâu, khi xa nhau, không tin tức gì nhau thì tình yêu đã phai nhạt.

– Ảnh không gởi thư về cho cô thôn nữ ấy sao?

– Không!

Mộng Ngọc cười lắc đầu:

– Em sợ “mấy ông” quá! Như vậy thì anh ấy không khỏi mang tiếng “sở khanh” đâu? “Các ông” thì dễ quên chớ đàn bà khi đã yêu là nhớ suốt đời.

Vũ cúi mặt lặng thinh. Câu nói vô tình của Mộng Ngọc làm cho chàng khổ tâm lắm? Dù cho chàng có tự bênh vực mình bằng mọi lý lẽ cũng không che giấu được hành động thiếu thành thật đối với Hiền. Khi gặp Hiền, chàng yêu tha thiết, nhưng trong lòng không hề nghĩ đến việc thành lập gia đình! Rồi trong phút giây bồng bột của tuổi trè, chàng làm khổ đời Hiền!

Mộng Ngọc hỏi chồng:

– Rồi sao nữa mình?

Vũ bận nghĩ ngợi xa xôi nên không nghe tiếng của vợ. Mộng Ngọc ngạc nhiên hỏi lại:

– Kìa anh! Thế rồi sao nữa?

Vũ giựt mình quay lại. Chàng nghĩ đến câu chuyên đã bịa ra, tiếp lời:

– Thế rồi anh ấy cưới vợ, một bạn đồng học ở Pháp.

Mộng Ngọc ngắt lời chồng:

– Anh ấy học ngành nào hả mình?

Vũ lúng túng khộng biết cho “nhân vật” tưởng tượng của mình học ngành nào? Chàng nói càn:

– Anh ấy học ngành điện, đã đỗ “kỹ sư điện”…

Mộng Ngọc lại hỏi:

– Còn cô kia?

Vũ ngập ngừng:

– Cổ nào hay biết gì đâu mà vẫn đợi người yêu trong 5, 6 năm trời.

– Sao lại chờ đợi lâu đến thế? Một hay hai năm là biết người ta có thật tâm với mình không rồi! Người ta quên mình thì nên làm lại cuộc đời.

– Khốn nỗi “cô ấy” lại có con.

Mộng Ngọc kêu to lên:

– Có con? Có con với anh ấy?

– Phải!

Mộng Ngọc buông đũa xuống bàn, tay chống lên cằm. Nàng xúc động mạnh trước câu chuyện Vũ vừa kể. Nàng nói:

– “Cô ấy” chịu nín thinh như vậy sao? Cha mẹ cổ đâu mà không đi tìm anh ấy.

Vũ đáp giọng xa xôi:

– “Cô ấy” hiền hậu lắm! Là một thiếu nữ ở làng quê, “cô ấy” chưa từng lên tỉnh. Cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, cô ấy mới đùm đậu ở nhà bà con. Chờ anh ấy trở về.

Mộng Ngọc nóng lòng hỏi:

– Rồi sao hả mình?

– “Cô ấy” tìm gặp “người cũ” sau khi được biết tin anh ấy ỏ Pháp về. Thật ngỡ ngàng vì chính anh ấy cũng không ngờ là mình đã có con.

– Rồi ảnh giải quyết ra làm sao?

Vũ nhún vai lắc đầu:

– Anh ấy bây giờ bối rối quá! Người vợ chánh thức cũng đã có con.

Mộng Ngọc lặng thinh không hỏi nữa. Nàng thấy tội cho nàng thôn nữ nhẹ dạ kia. Sao lại kiên tâm chờ đợi một con người bội bạc như thế?

Vũ liếc nhìn vợ:

– Theo ý em, anh ấy phải giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lẻ?

Mộng Ngọc cười:

– Em làm sao hiểu được. Ít ra em cũng phải biết tình cảm của anh ấy hiện giờ chớ! Anh ấy có tội nghiệp cho “hòn máu” bị bỏ rơi của mình chăng? Có còn… yêu thương người thôn nữ ấy không? Và đối với người vợ chánh thức, anh ấy có tìm thấy hạnh phúc không?

Vũ có nghĩ ngợi một lúc mới nói:

– Theo lời bạn anh thì anh ấy khổ lắm. Vừa hối hận ăn năn chuyện trước, vừa không biết tính sao trong hoàn cảnh ngang trái nầy. Người vợ chính thức rất xứng đáng với anh ấy… Mà anh ấy cũng không thể bỏ rơi mẹ con người yêu cũ… vì cô ta đã vì ảnh mà khổ một đời…

Mộng Ngọc gật đầu:

– Kể ra thì anh ấy cũng biết nghĩ đó, nhưng đã trễ lắm rồi. Thật là ngang trái.

Bé Dung ăn cơm xong, tuột xuống ghế. Mộng Ngọc bảo con:

– Con bảo chi vú rửa tay cho.

Vũ nhìn vợ, chờ đợi ý kiến của nàng! Mộng Ngọc bỗng hỏi chồng:

– Hiện giờ, hai người đàn bà đã gặp nhau chưa hả anh?

Vũ lắc đầu:

– Chưa! Anh ấy chưa muốn cho họ gặp nhau, trước khi tìm ra phương kế giải quyết.

Ngừng lại một phút, chàng tiếp:

– Vả lại, “người vợ chính thức” rất xứng đáng với chồng! Anh ấy không muốn làm khổ vợ. Còn cô kia lại cũng rất đáng thương, hiền dịu và luôn luôn tin tưởng người yêu vẫn chung thủy với mình.

Mộng Ngọc thở ra:

– Thật tội nghiệp! Kể ra thì cô thôn nữ nhẹ dạ kia rất đáng thương… Nhưng mà… hoàn cảnh đã đổi thay hết rồi… Không lý anh ấy phải cưới luôn “hai bà”!

Vũ nhìn Mộng Ngọc khẻ đáp:

– Không đời nào anh ấy có ý nghĩ đó!

Mộng Ngọc ngạc nhiên:

– Sao anh biết được lòng dạ người ta!

Vũ ấp úng nói:

– Thì anh nghe… bạn anh nói vậy!

Mộng Ngọc lặng thinh một lúc rồi nói:

– Theo ý em, anh ấy nên… tìm hiểu cả hai người đàn bà.

– Tìm hiểu thế nào?

Mộng Ngọc bỗng cười, lắc đầu:

– Nhưng thôi… khó quá, em cũng không biết tính sao?

Vũ gượng cười nhìn vợ và không nói thêm gì nữa! Chàng lo ngại Mộng Ngọc sẽ nghi ngờ mình.

Mộng Ngọc khẽ nói:

– Trường hợp thật khó giải quyết… Em chưa từng thấy cảnh của ai giống như vậy!

Vũ cùng nói theo vợ:

– Phải… Kể ra cũng hi hữu lắm!

Mộng Ngọc bỗng đứng dậy bảo chị bếp:

– Dọn cơm xuống, chị bếp ơi!

Có tiếng dạ ở dưới nhà… Vũ rời bàn ăn bước ra sân ngoài. Chàng muốn hứng gió một lúс cho thư thái tâm hồn. Việc dò xem tình ý của vợ, không có kết quả gì rồi! Chàng bịa ra câu chuyện giông giống với hoàn cảnh của mình, để hỏi ý Mộng Ngọc, nhưng nàng cũng không tìm ra cách giải quyết. Lúc mới kể chuyện nàng bênh vực “người thôn nữ nhẹ dạ” quyết liệt, nhưng về sau, trước cảnh ngang trái, hai người đàn bà đều đáng thương, nàng cũng đành chịu! Vũ chợt nghĩ đến Hiền và bé Lệ. Giờ nầy, chắc hai mẹ con cũng đã ăn cơm và đang trông ngóng chàng. Hồi trưa, chàng đến thăm Hiền, hai mẹ con mừng rối rít. Chàng xúc động trước những lời chân thật của Hiền:

– Đêm hôm qua, em đợi anh mãi… Khuya thiệt là khuya mà em vẫn không ngủ được.

Rồi nhìn quanh nhà, nàng tiếp:

– Nhà này rộng quá! Tối ngủ thiệt là lạnh… Phải chi anh kiếm cho em một căn phố nhỏ, mẹ con em ở cũng được vậy.

Vũ đã hỏi nàng:

– Em không thích ở đây sao?

– Thích lắm chớ nhưng sang trọng quá… vả lại những lúc không có anh… em sợ…

Vũ cười và dối nàng là mình phải ở nhà trong ít lâu, để chờ dịp nói với gia đình. Hiền tin ngay những lời chàng nói. Nàng đã bảo Vũ:

– Dù biết ban đêm anh ít khi đến được với mẹ con em, nhưng chắc tối nay em cũng lại không ngủ được nữa! Mỗi một tiếng động ở trước sân là em lại nhìn ra…

Vũ thấy thương cảm vô cùng khi nhớ lại những lời nói của Hiền lúc trưa. Chàng thở dài bước vào nhà. Vũ chỉ nghĩ đến sự cô độc của Hiền.

Mười một giờ hơn. Vũ xếp sách lại, quay nhìn về phía phòng ngủ của vợ chồng chàng. Bé Dung đã đi ngủ từ lúc 9 giờ, sau khi nghe chàng kể dứt câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”.

Lúc Mộng Ngọc dỗ con ngủ xong, trở ra bảo chàng:

– Mình đi nghỉ đi.

Vũ lắc đầu chăm chú nhìn vào trang sách:

– Em ngủ trước, anh đang xem dở đoạn sách.

Mộng Ngọc đã quen với tánh ý của chồng, nên không nói gì thêm mà đi về phòng.

Thật ra, đêm nay Vũ tuy ngồi đọc sách, nhưng tâm trí lại nghĩ đâu đâu. Những lời thật thà của Hiền, chàng càng nghĩ đến, càng thấy thương nàng. Từ dưới quê lên đây, không được mấy hôm, gặp người yêu chưa nói hết nỗi khổ lòng trong những năm đợi chờ, mong nhớ, rồi lại sống bơ vơ với con trong một tòa nhà trống lạnh. Mấy lần Vũ muốn đến với Hiền, nhưng tìm mãi không có lý do để đi. Nếu Mộng Ngọc hỏi đến, chàng biết nói sao? Nhưng đêm nay, có nằm ở nhà chàng cũng không tài nào nhắm mắt. Mỗi lần nghĩ đến Hiền và bé Lệ chịu trơ trọi trong tòa biệt thự lộng lớn thì lòng chàng se thắt lại.

Ngày mai, chàng nhứt định sẽ nói với Liễu một lần nữa, mong nàng đêm đêm, đến chơi với Hiền, cho nàng đỡ sợ… Vũ cũng nhận thấy mình nhờ vả Liễu như vậy là quá nhiều, song chàng không biết tính sao nữa? Không lý mỗi đêm đều bỏ nhà đến với Hiền?

Vũ bỗng đứng lên đi về phía phòng ngủ. Chàng xô nhè nhẹ cánh cửa nhìn vào. Dưới ánh đèn mờ nhạt, Mộng Ngọc đang yên giấc. Có lẽ nàng đã mê ngủ lắm rồi! Vũ rón rén trở ra ghế ngồi. Ý muốn đến thăm Hiền lại nổi dậy trong lòng chàng. Vũ ra cửa, nhưng nghĩ kỹ lại, chàng dừng bước… Nếu trong lúc chàng đi mà thình lình Mộng Ngọc thức giấc thì nàng sẽ nghi ngờ ngay. Chàng sẽ phải giải thích thế nào cho vợ tin về việc ra đi vào lúc nửa đêm? Từ trước đến nay, Vũ không hề đi thăm “bệnh nhân” ban đêm, nên cũng khó nói dối Mộng Ngọc.

Người mình, lúc có bệnh nguy cấp, ít khi đến rước bác sĩ, vì họ ngại các ông không chịu đi. Vũ biết có nhiều “đồng nghiệp” của mình đã từ chối chuyên đó. Không rõ họ để lương tâm nghề nghiệp ở đâu! Chàng chưa từng được ai gỏ cửa lúc nửa đêm, nếu có chàng sẽ không nệ hà cực nhọc.

Vũ mỉm cười một mình. Bỗng nhiên chàng hy vọng có người đến gọi mình đi khám bệnh. Chàng sẽ có dịp ghé tạt qua thăm Hiền và con. Nếu được thế, chàng làm tròn trách nhiệm với bệnh nhân mà cũng đủ bổn phận với Hiền và bé Lệ. Vũ cứ nghĩ mãi đến Hiền và thấy bứt rứt không yên. Chàng đến với mẹ con nàng một lúc rồi trở về, chắc Mộng Ngọc không hay biết gì đâu! Vũ không tự chủ được nữa nên mở cửa bước ra ngoài. Chàng toan lấy xe nhà đi, nhưng sợ động cơ xe gây nhiều tiếng động, có thể đánh thức Mộng Ngọc. Vũ đi lần ra cổng tìm xe khác để đi.

Vũ đến trước cổng biệt thự thì thấy bên trong còn ánh đèn. Chàng độ chừng Hiền vẫn còn thức. Vũ không muốn làm xao động sự vắng lặng nơi nầy, nên đến sát bên rào, gọi ngưởi “gác dan” già, ngủ ở gian nhà nhỏ bên cạnh:

– Chú Hai à! Chú Hai!

Người gác cổng, ngủ rất xẩy thức. Ông ta ngạc nhiên,khi có người gọi cổng giờ này nên lồm cồm bò dậy:

– Ai đó?

– Tôi đây!

Chú Hai nghe rõ tiếng Vũ, chạy ra ngay:

– Ông! Con tưởng ai chớ! Sao ông về khuya vậy?

– Mở cửa đi… chú!

Chứ Hai hấp tấp quay vào trong lấy xâu chìa khóa rồi lần mò mở cổng rào, khiến Vũ càng thêm sốt ruột. Chàng muốn vào bên trong thật mau, để đem đến cho Hiền một sự ngạc nhiên, nhưng tiếng léo xéo của chú Hai đủ cho Hiền hay biết rồi. Vũ đâm ra khó chịu với chú “gác dan” vì một lý do hết sức tầm thường. Cửa mở chàng đi thẳng vào trong không nói với chú một lời.

Người “gác dan” già nhìn theo bóng chàng có vẻ buồn vì tự nhận thấy mình làm phiền lòng chủ. Khi Vũ vào đến thềm nhà thì cánh cửa cái vụt mở, Hiền hiện diện trong bộ đồ ngủ xốc xếch. Vũ nhìn thấy nàng là tiêu tan hết những bực dọc trong lòng…

Hiền cười nhìn chàng:

– Nghe tiếng mở cổng em chắc là anh tới, chớ không ai khác. Em định chạy ra ngoài nhưng sợ anh rầy.

Vũ đến sát bên nàng và không tự chủ được chàng ôm người yêu vào lòng, hôn lên má:

– Tội nghiệp chưa! Em không ngủ được sao?

Hiền sung sướng ngước mắt nhìn chàng, lắc đầu:

– Em nằm mãi, vẫn không nhắm mắt được.

Rồi nàng bẽn lẽn gỡ tay Vũ:

– Để em đóng cửa. Chú Hai nhìn thấy… kỳ lắm…

Vũ cười nhìn nàng rồi bước vào trong. Hiền đóng cửa xong mới bảo Vũ:

– Bé Lệ đêm nay nó cứ trở mình và mớ mãi. Không biết cố phải nó muốn bệnh không?

Vũ lo lắng:

– Con có nóng không em?

– Dạ, hơi hầm bầm… Em định sáng nhờ chị bếp mua thuốc nóng “tàu bay” cho nó uống…

Vũ kêu lên:

– Không! Ai bảo em cho con uống như vậy? Có biết nó đau bệnh gì mà cho uống thuốc đó?

Hiền tin tưởng ở món thuốc “tàu bay” của mình:

– Nó chịu thuốc đó lắm! Mấy lần trước hơi hầm hầm em cho uống là hết ngay.

Vũ lắc đầu lia lịa:

– Trước khác! Bây giờ đã có anh, em muốn cho con uống thuốc gì cũng phải hỏi anh. Em quên anh là bác sĩ sao?

Hiền lặng yên, trong lòng cảm thấy sung sướng vô cùng. À, trước kia khác, bây giờ khác. Nàng đâu còn bơ vơ nữa mà phập phồng lo ngại. Bé Lệ có đau yếu gì còn có ba nó lo…

Vũ thấy nàng lặng thỉnh, quay lại hỏi:

– Em có chịu nghe lời anh không?

Hiền nhìn với đôi mắt thật dễ thương:

– Em nghe chớ sao lại không?

Vũ cười bảo người yêu:

– Thôi vào thăm bé Lệ một chút đi em!

Hiền gật đầu, đưa Vũ về phòng. Chàng thấy bé Lệ đang nằm trên giường. Vũ đến bên rờ đầu con. Bé Lệ cũng thường thôi, không nóng lắm. Đột nhiên chàng nhớ đến Mộng Ngọc “không biết giờ nầy mẹ con Mộng Ngọc vẫn ngủ hay đã thức giấc”. Bây giờ, chàng mới thấy rõ sự liều lĩnh thái quá của nùnh. Hiền thấy Vũ đăm chiêu nghĩ ngợi thì ngồi xuống bên chàng:

– Việc gì, anh có vẻ lo lắng quá vậy? Anh sợ bé Lệ bệnh nhiều hả… Không đâu anh… Con nít ấm đầu là thường.

Tội nghiệp Hiền tưởng đâu Vũ chưa từg có con, nên mỗi chút gì cũng lo sợ. Vũ quay lại nhìn nàng. Đôi mắt Hiền long lanh sáng, đôi môi mấp máy như muốn nó sự gì rồi lại thôi. Vũ có cảm tưởng như mùi hương xưa đang bay tòa khắp gian phòng làm chìm đắm tâm hồn chàng trong khoảnh khắc. Chàng nắm lấy tay Hiền kéo về phía mình, Hiền gục đầu lên ngực Vũ:

– Anh…

Vũ không còn nhớ gì hết:

– Em…

Rồi chàng ôm lấy người Hiền, ôm sát vào ngực mình. Hiền nhắm nghiền đôi mắt lại, sự sung sướng như tràn ngập tâm hồn nàng. Bỗng bé Lệ trở mình rên “ư hư”, mớ lời gì không nghe được. Vũ và Hiền cùng rời nhau, quay nhìn lại. Hiền khòm sát xuống mình con, gọi nhỏ:

– Lệ! Sao đó con?

Vũ rờ lên trán con, thăm chừng “nhiệt độ”. Bé Lệ trở mình, quay mặt vào vách tiếp tục ngủ. Hiền nhìn Vũ. Chàng khẽ nói:

– Không sao đâu em! Anh viết tên vài thứ thuốc. Hừng sáng, em bảo chị bếp đi mua ngay về cho con uống.

Chàng đến chỗ bàn viết, tìm một mảnh giấy trắng biên vài thứ thuốc nóng thông thường và ghi cách thức dùng phía dưới. Vũ đem toa đến bên Hiền đọc qua cách dùng cho nàng nhớ. Hiền cầm cái toa lên xem rồi cười nói:

– Em đọc được chữ mà anh!… Em có bằng tiểu học, anh quên sao?

Vũ cũng cười. Bé Lệ đã giúp chàng thoát qua một phút yếu lòng. Suýt chút nữa, chàng đã phản bội Mộng Ngọc và làm khổ Hiền thêm. Không! Chàng đâu có thể xem Hiền như “người vợ thứ”!? Chàng không có quyền “gần gũi” với Hiền, để gây thêm khổ lụy. Vũ trở lại ghế và lấy thuốc ra hút. Hiền nhìn Vũ không hiểu sao chàng lại rời xa mình? Vốn kín đáo nàng chỉ nghĩ ở trong lòng mà không hỏi Vũ. Bốn bề vắng lặng, ngoài đường không còn tiếng xe qua lại… Vũ nhìn đồng hồ đã gần một giờ đêm. Chàng đứng lên bảo Hiền:

– Thôi, anh về đây.

Hiền ngạc nhiên:

– Sao anh lại về? Không ở đây được ư?

Vũ bước đến gần Hiền, nắm lấy tay nàng nói với giọng chân thành:

– Anh không để tình trạng này kéo dài mãi đâu em. Anh đang tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.

Hiền khẽ hỏi:

– Anh đã nói với “ba má” chưa?

Vũ nghĩ khác mà Hiền lại nghĩ khác. Chàng muốn nói đến phương cách giải quyết ổn thỏa giữa nàng và Mộng Ngọc, nhưng Hiền đâu có ngờ! Vũ đành nói dối luôn:

– Chưa có dịp em à.

Rồi chàng bảo Hiền:

– Sáng hoặc trưa mai anh sẽ cho cô Liễu sang thăm bệnh của con.

Hiền nhớ đến cô nữ y tá đã giúp đỡ mình nên vội nói:

– Hổm nay, em có ý trông cô Liễu qua chơi mà không thấy? Anh nhớ nói với cô ấy là em trông lắm đó. Cô ấy có hứa với em một chuyện.

– Chuyện gì vậy em!

Hiền làm ra vẻ bí mật:

– Không! Em không nói trước đâu! Chừng nào xong xuôi, em sẽ cho anh biết…

Vũ lo lắng trong lòng. Không hiểu cô Liễu đã hứa với Hiền chuyện gì? Có liên quan đến chàng và Mộng Ngọc không? Chàng lại hỏi Hiền:

– Chuyện gì mà bí mật thế hả em? Chuyện buồn hay chuyện vui?

Hiền cười bảo chàng:

– Chuyện vui mà. Thôi, không cho anh hỏi nữa.

Vũ cũng gượng cười với nàng, nhưng trong lòng vẫn không hết thắc mắc. Chàng định gặp Liễu sẽ hỏi cho ra câu chuyện kia.

Hiền bỗng nắm lấy tay chàng, ôm vào ngực:

– Anh nhớ đến thường thường với mẹ con em. Không có anh… thiệt là buồn.

Vũ hôn nhẹ lên tóc nàng đáp:

– Anh sẽ đến thường hơn.

Chàng nói liều không suy nghĩ và cũng không biết sẽ tìm cớ gì để đến đây thường thường được. Vũ gỡ tay Hiền, hôn bé Lệ thì thấy nó nóng hơn lúc nãy. Chàng không biết làm sao có thuốc cho con uống ngay bây giờ? Phải chi gần đây có nhà thuốc gác thì tiện quá! Không lẽ chàng về phòng mạch lấy thuốc mang đến cho bé Lệ! Liều lĩnh như vậy là nguy. Mộng Ngọc sẽ biết ngay. Chàng khẽ bảo Hiền:

– Em nhớ hừng sáng là bảo chị bếp đi mua thuốc nghen.

– Dạ! Em nhớ rồi. Chỉ sợ họ chưa mở cửa thôi.

– Bảo chị ấy đợi chừng nào họ mở cửa thì mua về ngay. Thôi anh về đây.

Chàng bóp mạnh vai Hiền, rồi quay gót. Hiền đưa chàng ra đến cổng ngoài. Chú Hai “gác dan” vừa thiu thiu ngủ, bỗng thấy Vũ và Hiền đi ra thì ngạc nhiên nhủ thầm:

– “Ủa! Ổng không ở nhà đêm nay sao cà ?”

Chú không dám chậm trễ, chạy vội ra mở khóa cửa rào. Vũ nhìn người “gác dan” già khẽ nói:

– Chú Hai ráng trông coi nhà cửa. Tôi bận việc ít khi ở nhà nên gởi gấm tất cả cho chú đó. Ráng làm tròn bổn phận, mỗi tháng tôi sẽ thưởng thêm.

Chú Hai hớn hở:

– Dạ, ông khỏi lo. Ông chủ trước cũng giao nhà cho mình con… không hề xảy ra chuyện gì.

Vũ quay lại bảo Hiền:

– Thôi, em vào đi, kẻo bị cảm.

Hiền gượng cười nhưng nét mặt buồn rười rượi:

– Em sẽ vào ngay!

Vũ ra đường, đứng đợi một lúc mới có xích lô tới. Chàng đưa tay vẫy Hiền rồi lên xe đi ngay. Hiển nhìn theo bóng chiếc xe cho đến khi khuất dạng. Chú Hai khóa cổng xong, thấy Hiền còn đứng đó nên tò mò hỏi:

– Thưa bà! Ông bận việc gì mà ít khi về quá vậy bà?

Hiền nhìn chú Hai lúng tung không biết trả lời sao. Nàng đành đáp liều:

– Ở… anh ấy… làm việc suốt đêm hà. Công việc nhiều lắm, chú Hai!

Chú “gác dan” vâng dạ cho vui lòng bà chủ, chớ trong lòng chú không mấy tin. Ông ấy làm bác sĩ thì việc gì phải thức suốt đêm? Bác sĩ thường thường, ông nào cũng sướng lắm mà! Chú Hai nghĩ thế nên trong lòng cứ thắc mắc về sự đi, về của chủ. Hiển trả lời chú “gác dan” xong liền trở vào nhà. Nàng không thể đoán được những sự thắc mắc nghi ngờ trong lòng người gác cổng…

***

Liễu tìm đúng số nhà mới nhấn chuông. Nàng cẩn thận nhìn trước nhìn sau xem có ai theo mình không! Chắc chắn lúc nào ông Thiện cùng để tâm dò xét nơi trú ẩn của người thiếu phụ quen biết với con rể ông, nên khi Vũ nhờ nàng đến thăm bệnh bé Lệ, Liễu rất phân vân lo ngại. Liễu thương Hiền gặp hoàn cảnh trái ngang, nhưng nàng cũng không muốn Mộng Ngọc phải khổ! Liễu giàu tình cảm và trong lòng nàng chỉ mong sao gia đình Vũ êm ấm mãi mãi và Hiền cũng không chịu thiệt thòi gì…

Sáng nay, nàng thấy mặt Vũ đượm nhiều nét lo âu. Thỉnh thoảng, chàng nhìn nàng như muốn nói chuyện gì. Liễu nghĩ thầm, chắc là ông Thiện đã tìm ra manh mối câu chuyện kia nên Vũ mới buồn như vậy.

Chờ lúc vắng bệnh nhân, nàng mới hỏi Vũ:

– Thưa bác sĩ! Hôm nay, xem chừng bác sĩ có chuyện gì lo nghĩ?

Vũ đáp ngay:

– Bé Lệ đau, cô Liễu à! Không rõ Hiền có biết săn sóc không?

Liễu hỏi ngay:

– Cháu đau từ bao giờ? Làm sao bác sĩ biết được?

Vũ thành thật đáp:

– Cháu đau từ đêm hôm qua. Tôi có xem bệnh cho cháu nữa. Nó nóng nhưng sợ Hiền không cẩn thận…

Liễu nín lặng, nhủ thầm:

– “À, thì ra đêm qua, ông ta đã đến với Hiền! Nhưng sao ông ấy đi mãi được, cũng giỏi thiệt!”

Vũ bỗng ngước nhìn nàng:

– Cô Liễu! Chắc tôi phải phiền cô một lần nữa.

– Thưa bác sĩ, việc gì ạ!

– Mong cô giúp tôi qua thăm bệnh tình của bé Lệ, chớ hôm nay, tôi không thể nào đến được.

Liễu suy nghĩ lung lắm! Nàng thật không muốn dính líu vào câu chuyện rắc rối của Vũ, nhưng trước tình cảnh này, nàng cũng thấy xiêu lòng. Vũ nói tiếp:

– Tôi biết như vậy là làm phiền cô nhiều! Nhưng thú thiệt, ngoài cô ra, tôi biết nhờ ai bây giờ?

Liễu ngẩng lên, gật đầu:

– Thưa bác sĩ! Bác sĩ đừng ngại. Tôi sẽ đến thăm cháu Lệ. Nhưng bao giờ đi?

Vũ mừng rở nói:

– Ngay bây giờ càng hay! Bệnh nhân từ đây đến trưa chắc không có mấy người.

Liễu lo ngại nhìn về phía cánh cửa hông:

– Lỡ ra bà nhà biết tôi về sớm thế này, đâm ra nghi ngờ…

– Không sao đâu cô! Mộng Ngọc nể cô lắm.

Liễu không nói thêm nữa! Nàng cũng biết Mộng Ngọc nể trọng mình vì tánh tình và sự cần mẫn làm việc. Nhưng sự nể trọng đố cũng đến một mực độ nào thôi. Một ngày kia, Mộng Ngọc biết nàng giúp đỡ Hiền thì chắc chắn sẽ ghét nàng.

Liễu thở dài khi nhớ lại những việc đã qua và nàng hơi ngạc nhiên không thấy ai mở cổng. Liễu lại bấm chuông lần nữa. Từ trong nhà một người đàn bà đứng tuổi chạy ra, nhìn nàng hỏi:

– Cô hỏi ai?

Liễu hơi bất ngờ vì sự hiện diện của người đàn bà. Theo lời Vũ thì nàng bấm chuông, sẽ có ngưỡi “gác dan” già ra mở cổng! Nàng có thể lầm nhà chăng? Không! Đúng số mà…

Liễu nhìn người đàn bà rồi hỏi:

– Có phải đầy là nhà cô Hiền không thím?

Người đàn bà lắc đầu:

– Dạ không! Đây là nhà ông bà bác sĩ. Tôi không biết cô Hiền.

Liễu mừng rở nói:

– Bà bác sĩ chính là cô Hiền đó.

– Vậy sao? Tồi đâu biết! Cô muốn gặp mợ ấy hả?

– Phải! Bác sĩ nhờ tôi đem thuốc tới cho bé Lệ. Cháu đã bớt chưa thím?

Người đàn bà đó là chị bếp chớ không ai khác. Chị đáp:

– Dạ! Lệ bớt nóng rồi!

Chị bếp liền mở cổng cho Liễu vào. Nàng nhìn quanh quẩn và ngầm nhìn nhận tòa biệt thự của Hiền đang ở thật là đẹp. Nàng hỏi chị bếp:

– Còn ông “gác đan” nữa hả thím?

– À, chú Hai đó hả. Chú vừa xin phép bà chủ để ra chợ mua gì đó.

Hai người vào đến nhà trong. Sự vắng lặng khiến Liễu nghĩ đến nỗi cô độc của Hiền. Ngủ trong nhà này ban đêm, có hai mẹ con thì thật là buồn! Nàng mới hiểu tại sao Vũ cứ mời mình đến chơi với Hiền khi rỗi rảnh.

Chị bếp đưa nàng vào trước cửa phòng Hiền, rồi nói vọng vào:

– Thưa mợ, có người ở đằng bác sĩ tới.

Hiền ngó thấy Liễu, thì chạy ra gọi:

– Cô Liễu… Trời! Mong cô mãi…

Bé Lệ đang nằm trên giường cùng trỗi dậy:

– Cô Liễu! Cô Liễu!

Sự mừng rỡ thật sự của hai mẹ con Hiền khiến Liễu cảm động lắm! Cả hai trơ trọi quá và xem nàng như người thân yêu thứ hai của họ ở giữa thành phố này. Nàng bước đến bên giường, ôm bé Lệ:

– Cháu nằm yên, đừng động đậy!

Hiền ngồi xuống theo rồi hỏi Liễu:

– Sao lâu quá không thấy cô đến chơi?

Liễu không muốn làm buồn lòng Hiền, đành nói dối:

– Tôi bận quá, lúc này cũng chẳng đi đâu hết cô ạ.

Hiền nắm lấy tay Liễu:

– Cô cũng không muốn đến với mẹ con tôi sao? Ngoài cô ra, thiệt tôi chưa quen với ai hết.

Liễu quay lại mỉm cười rồi nói sang chuyện khác:

– Thế nào, cô về đây có vui không?

– Buồn lắm cô Liễu. Tối ngày, tôi không biết đi đâu. Hai mẹ con chỉ lẩn quẩn ở trong nhà. Phần thì nhà rộng quá, thấy mình thật cô độc.

Liễu cũng đã nghĩ nhiều đến hoàn cảnh của Hiền, nhưng nghe chính miệng nàng thốt ra những lời đó lại càng thấy tội nghiệp hơn. Hiền đưa tay chỉ khắp nhà, bảo Liễu:

– Cô coi, nhà sao mà rộng quá! Phải chi ở dưới tôi có ngôi nhà lớn như vầy thì mở cửa cho trẻ con tới chơi, ồn ào suốt ngày cũng đỡ buồn. Ở trên này sao kỳ quá vậy cô? Có cổng rào mà còn mướn người giữ cửa nữa? Như vậy trẻ con muốn đến chơi làm sao dám vào?

Liễu suýt bật cười vì lời nói ngây ngô của Hiền. Nàng hồn nhiên quá, thấy thế nào, nói thế ấy, chẳng chút ẩn ý. Liễu đành đáp lời Hiền:

– Tại cô và cháu ở đây một mình. Bác sĩ sợ có sự bất trắc xảy ra, nên mới cho người “gác dan” ở đó.

Hiền gật đầu nói:

– À, tôi hiểu rồi.

Liễu thấy bé Lệ động đậy trong tay mình, liền cúi xuống hỏi:

– Thế nào, cháu đã đỡ chưa? Cô có đem thuốc đến cho cháu kìa.

Bé Lệ lắc đầu nói:

– Con không uống thuốc nữa đâu… Con hết rồi…

Hiền cũng nói:

– Tôi cho cháu uống thuốc nóng của ảnh biểu mua đó, sớm mai đến giờ thấy nó cũng đỡ.

Liễu đặt thủy cho bé Lệ, nhiệt độ không lên bao nhiêu thì cũng аn tâm. Nàng bảo Lệ:

– Cháu ráng đừng có đau, khổ mẹ cháu.

Lệ ôm cổ nàng nói:

– Cô Liễu ở luôn đây nghen!

Liễu lắc đầu:

– Cô còn phải đi làm nữa! Rồi còn bà ở nhà, chỗ bé Lệ ở hôm trước đó.

– Thì cô Liễu rước bà về đây ở luôn đi.

Liễu nheo mắt với Lệ:

– Không được đâu, ba đâu có cho.

– Đươc rồi để con nói với ba…

Hiền hỏi Lệ:

– Còn má, con không hỏi sao?

Bé Lệ lặng thinh nhìn mẹ như biết lỗi mình. Hiền cười bảo con:

– Má cũng muốn cô Liễu đến ở đây nữa.

Rồi nàng bảo Liễu:

– Cô ở đây ăn cơm. Tôi bảo chị bếp.

Liễu lắc đầu:

– Tôi không nói trước ở nhà, sợ má tôi trông.

Hiền lộ vẻ buồn, không nói gì thêm. Bé Lệ ghé sát vào tai Liễu nói thật nhỏ:

– Sao cô không ở lại ăn cơm cho má cháu vui?

Liễu cũng ghé sát vào tai nó:

– Hôm khác, cô lại ăn cơm.

Bé Lệ lại nói thêm:

– Má hay khóc lắm, cô Liễu à!

– Vậy sao?

Hiền quay lại thấy Liễu và bé Lệ nói nho nhỏ với nhau thì biết là họ nó về mình. Nàng hỏi Lệ:

– Con nói gì má đó?

Lệ sợ hải ấp úng:

– Dạ… con…

Liễu cười đỡ lời cho cháu:

– Lệ bảo tôi ở lại ăn cơm, đừng để cô buồn. Tôi hẹn với cháu hôm khác đến chơi thật lâu, rồi ăn cơm luôn. Để Chủ nhật tới này…

Hiền tỏ vẻ mừng:

– Thế nào cô cũng tới nhé! Cô quên là còn hứa với tôi một việc sao? Hôm nay mấy lần tôi muốn đưa bé Lệ đến phòng mạch tìm cô.

Liễu ngạc nhiên, không nhớ mình đã hứa gì? Nàng liền hỏi:

– Chuyện gì hả cô?

– Cô không nhớ sao? Chuyện tôi đã nói với cô hôm trước đó.

Liễu hoàn toàn không nhớ gì cả. Nàng lục lại trí nhớ, không tìm ra được việc đã hứa với Hiền. Nàng lẩm bẩm:

– Chuyện gì kìa? Thật tôi không còn nhớ nữa. Cô nói lại tôi nghe đi.

Hiền ngồi xuống bên Liễu:

– Chuyện cô hứa giúp tôi đó. Tôi muốn quen cách thức làm việc trong phòng mạch, để tiếp tay với anh Vũ.

Liễu chợt nhớ ra câu chuyện mà Hiền đã nói với mình đêm nọ, ở trước sân nhà, Liễu cười:

– Tưởng là chuyện gì chớ! Nhưng…

– Thế nào cô?

Liễu nghĩ đến việc Hiền đến phòng mạch mà lo ngại. Nàng đến đó thế nào được mà giúp Vũ. Liễu không biết trả lời sao nên cúi nhìn Lệ. Hiền lại tưởng Liễu sợ không ai trông nom con mình nên vội nói:

– Tôi cũng đã nghĩ như cô. Không biết mình đến phòng mạch giúp anh Vũ, rồi bé Lệ mới gởi cho ai. Để nó ở nhà cho chị bếp trông nom thì cũng được vậy, nhưng chắc ảnh không chịu. Tôi định mang nó theo cô Liễu à.

Liễu sửng sốt:

– Đem cháu đến phòng mạch?

Hiền gật đầu:

– Cháu ngoan lắm! Nó không hay phá phách đâu?

Liễu mỉm cười trước sự tính toán quá ngây thơ của Hiền. Đem bé Lệ đến phòng mạch của Vũ? Xem chừng Hiền không thể hiểu được những phức tạp của cuộc sống bên trong thành phố này! Hiền thấy Liễu cười thì lại hỏi:

– Cô nghĩ xem có được không?

Liễu lắc đầu:

– Không được đâu!

– Sao vậy?

– Trong phòng mạch, ngoài bác sĩ ra, mỗi ngày có hàng mấy mươi bệnh nhân ra vào. Họ đau nhiều thứ bệnh rất nguy hiểm. Bác sĩ và cả tôi nữa cũng có thể bị truyền nhiễm, đừng nói chi bé Lệ, còn nhỏ dễ bị lây lắm.

Hiền gật đầu như chợt hiểu ra:

– À… cô nói tôi mới hiểu. Con nít dễ bị lây lắm. Chắc anh Vũ không bằng lòng rồi.

Liễu đã khôn khéo lựa lời nói với Hiền và khi thấy nàng nghe theo mình thì mừng lắm. Hiền lộ vẻ buồn:

– Nếu vậy làm sao tôi giúp anh Vũ được?

Liễu thấy mình cần phải khuyên Hiền cho nàng bỏ ý định đó, để tránh sự chạm mặt với Mộng Ngọc. Nàng nói:

– Cô có ý giúp đỡ bác sĩ thật quý hóa vô cùng, nhưng theo tôi, cô không nên làm thế?

Hiền ngạc nhiên:

– Tại sao?

– Cô làm thế bác sĩ sẽ… xấu hổ với bạn bè, với những bác sĩ khác.

– Mà tôi có… làm gì hại cho anh Vũ đâu? Tôi giúp anh ấy mà.

Lỉễu gật đầu:

– Đành rằng thế! Nhưng vợ bác sĩ hầu hết đều ở nhà chăm sóc cho con, lo việc gia đình. Đâu có ai đến phòng mạch để làm việc? Cô làm ngược lại, họ sẽ cho rằng bác sĩ Vũ quá tiếc tiền, không dám mướn thêm y tá mà bắt vợ phải giúp đỡ.

Hiền bảo vệ ý mình:

– Tôi sẽ nói cho họ biết là ý của tôi. Không phải anh ấy biểu.

Liễu lại cười:

– Tôi nói là lời “nhỏ to” của họ, chớ có ai đến trước mặt mình để nói đâu mà đính chánh.

Hiền nín lặng, sắc mặt nàng dịu xuống. Liễu tiếp:

– Bác sĩ làm sao chịu nổi những lời xa xôi bóng bẩy. Cô nghĩ kỹ sẽ thấy càng gây thêm khó khăn cho bác sĩ.

Hiền đáp:

– Tôi thì tôi không sợ nhưng chỉ lo là anh Vũ lại phải khổ tâm! Tồi còn biết giúp ảnh việc gì hả cô? Không lẽ tối ngày cứ ở không như vầy? Tôi thấy buồn lắm!

Liễu thầm phục Hiền, nàng thuộc hàng phụ nữ đáng nể trọng. Dù bước sang hoàn cảnh mới, khả quan hơn không còn chật vật vì sự sống, nhưng Hiền vẫn nghĩ đến công việc. Nàng buồn chán khi phải “ngồi không” an hưởng! Thiếu gì phụ nữ được như Hiền sẽ quên ngay hoàn cảnh cũ, chỉ muốn sống sung sướng trong nhung lụa. Hiền không phải là hạng người như vậy. Liễu càng cảm mến nàng hơn.

Liễu vụt nói một câu không nghĩ trước:

– Cô buồn thì tôi sẽ đến với cô thường hơn.

– Thiệt vậy sao, cô Liễu?

– Thiệt mà…

Rồi Liễu nhìn bé Lệ. Nó đã ngủ từ lúc nào, hơi thở đều đều. Nàng sửa bé Lệ nằm ngay trở lại, lấy mền đắp lên cho nó. Hiền kéo chiếc gối của con cho thẳng, khẽ bảo Liễu:

– Tội nghiệp con tôi, gần bảy tuổi mới biết mặt cha.

Liễu thở dài, không nói gì hết! Nàng có linh cảm: “cuộc đời của mẹ con Hiền vẫn chưa hết khổ đau!” Nhưng hiện tại Liễu không muốn nói ra. Phải chi Vũ không biết hối hận vì câu chuyện ngày xưa, không biết thương yêu Hiền và bé Lệ thì nàng dễ tính lắm. Đằng này, Vũ cũng đang khổ tâm trước hoàn cảnh trái ngang và chưa tìm ra lối thoát.

Liễu nhìn đồng hồ thấy gần mười hai giờ thì bảo Hiền:

– Thôi tôi về đây!

– Bao giờ cô lại đến?

Hiền có vẻ suy nghĩ. Lỡ tối nay Vũ đến thì sao?

Liễu như hiểu ý nàng vội nói:

– Cô sợ bác sĩ tới ư?

– Dạ…

– Hôm nay, bác sĩ bận lắm, chắc là tối cũng không “về” được. Hồi sáng bác sĩ có dặn tôi nói với cô như vậy.

Hiền cười, nắm tay Liễu:

– Nếu vậy, cô xin phép bác qua ngủ với mẹ con tôi nghen. Cô ráng nói với bác, chiều đi làm về ghé đây ăn cơm rồi ở luôn đây.

Liễu chưa kịp đáp thì Hiền lại nói thêm:

– Cô Liễu. Tôi bảo chị bếp ra chợ mua thêm đồ ăn đó.

Sự tha thiết của Hiền khiến Liễu không nỡ chối từ. Nàng gật đầu. Hiền biểu lộ sự vui mừng rõ rệt. Nàng ôm ngang hông Liễu, hai người đi lần ra cửa. Liễu bỗng dừng chân, quay lại nhìn bé Lệ, bảo Hiền:

– Cô nhớ cho cháu uống thuốc, đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

***

Ông Thiện cho xe vào sân nhà vợ chồng Mộng Ngọc. Ông ôm xấp họa đồ bệnh viện bước xuống xe đi thẳng vào nhà. Mộng Ngọc đang ăn cơm với bé Dung, vội buông đùa chạy ra đón cha. Ông Thiện không thấy Vũ đâu, liền hỏi:

– Ủa! Ngài bác sĩ đâu? Đã 12 giờ rưỡi, bộ còn bệnh nhân sao?

Mộng Ngọc lắc đầu, cười:

– Dạ đâu có ba! Ảnh đi ăn cơm khách ở Chợ Lớn.

Ông Thiện chán nản ngồi xuống ghế:

– Cái thằng! Sao mà đi hoài vậy? Ba qua đây mấy lần đều không gặp nó.

Mộng Ngọc cười nhìn cha:

– Tại ba qua nhằm lúc anh ấy có việc phải đi! Sao hồi sáng, ba không điện thoại cho ảnh?

Ông Thiện không đáp lời con gái mà chỉ nghĩ đến sự vắng nhà rất thường của Vũ. Mộng Ngọc xem chừng vẫn hết dạ tin chồng. Trong lời nói của nàng không thấy chút nghi ngờ. Bé Dung tuột xuống ghế và đứng sau lưng ông ngoại. Nó hơi phật ý vì hồi đó tới giờ mỗi lần qua nhà là ông ngoại ẵm nó, rỗi mới nói chuyện với ba má nó. Hôm nay, không hiểu sao ông ngoại không để ý đến nó. Bé Dung đứng sát vào người ông Thiện, đụng vào lưng ông:

– Thưa ngoại.

Ông Thiện giựt mình quay lại, thấy mặt cháu phụng phịu thì hiểu ngay. Ông ôm lấy bé Dung nói:

– Ối chà chà! Tôi quên mất cháu cưng của tôi chớ.

Rồi ông hôn lên mặt cháu lia lịa:

– Cháu giận ông hả?

Bé Dung nũng nịu gật đầu. Mộng Ngọc nhìn con mỉm cười nhưng lại cất tiếng rầy:

– Dung không được thế! Sao lại giận ông?

Bé Dung sợ hãi nhìn mẹ rồi gục đầu vào lòng ông ngoại như tìm lấy sự che chở. Ông Thiện nháy mắt bảo Mộng Ngọc đừng rầy cháu, rồi dỗ dành bé Dung:

– Cháu đừng giận ông ngoại nữa nghe, ông ngoại sẽ đền cho cháu búp bê thật to.

Bé Dung cười ngay:

– Búp bê to hả ngoại!

Mộng Ngọc cắn môi cho khỏi bật cười trước sự khôn ngoan của con. Nàng bảo ông Thiện:

– Ba chìu cháu riết rồi nó đâm hư.

Ông Thiện khòm sát xuống bảo bé Dung:

– Con trở lại ăn cơm đi, đừng để mẹ giận!

Dung rời khỏi lòng ông ngoại đi về phía bàn ăn. Mộng Ngọc ngồi xuống “đi văn” khẽ hỏi cha:

– Ba kiếm ảnh chi vậy?

Từ nãy giờ, sự quấy rầy của bé Dung khiến ông Thiện quên mất chuyện mình. Nghe Mộng Ngọc hỏi, ông liền bảo:

– Bức họa đồ bệnh viện, ba có sửa đổi chút ít, định bàn qua cho nó biết.

– Ba có thêm gì thì thêm, cần gì phải bàn bạc vậy ba!

– Con nói vậy sao được! Ba là người cất nhà làm sao hiểu hết sự tiện lợi lúc hành nghề.

– Ba nói gì con không hiểu!

Ông Thiện trải họa đồ cho con gái хеm rồi nói:

– Đây này, ba muốn làm thêm một dãy phòng nữa để cho các “sản phụ”. Không biết thằng Vũ có chịu không? Ba muốn trong bệnh viện mình cái gì cũng có. Mộng Ngọc gật đầu:

– À! Ba muốn cất thêm bảo sanh viện ư?

Ông Thiện gằn giọng:

– Không phải cất thêm đâu! Một bệnh viện lớn phải có nhà bảo sanh chớ. Con không thấy bệnh viện Tây sao?

Rồi ông xếp họa đồ lại, thở ra:

– Mấy lần qua đều không có nó. Ba muốn khởi công cho xong để tính việc khác.

Mộng Ngọc lặng thinh, không biết nói gì bây giờ. Chính nàng cũng không rõ tại sao lúc này họ cứ mời chồng nàng đi ăn cơm luôn! Một lúc, nàng khẽ bảo cha:

– Hay ba để họa đồ lại đây cho con. Bao giờ ảnh về con hỏi kỹ rồi đưa sang cho ba.

Ông Thiện gật đầu nói:

– Cũng được. Nhưng ba muốn hỏi con!

– Thưa ba, việc gì ạ?

Ông Thiện thấy cần hiểu rõ tâm tình con gái, nên tiếp lời:

– Lúc nầy, Vũ cứ đi luôn như vậy sao?

Mộng Ngọc biết cha muốn nhắc lại chuyện trước, nên cười nói:

– Cũng thỉnh thoảng thôi ba. Ba lại trách con để anh ấy đi một mình nữa, chớ gì?

Ông Thiện lắc đầu:

– Ba không trách con đâu! Ba khuyên con nên chú ý đến Vũ, kẻo rồi có ngày phải khóc đó con ạ.

Mộng Ngọc vẫn một lòng tin chồng:

– Con tin anh ấy! Không đến nỗi Vũ say mê một hình bóng khác bỏ mẹ con con đâu. Ba nhớ là vợ chổng con yêu nhau rồi mới cưới mà.

Ông Thiện lặng thinh trước những lời khẳng định của con gái. Mộng Ngọc có biết đâu chính ông tạo hoàn cảnh cho hai người yêu nhau mà. Trước kia, ông mến cha Vũ vì tính cương trực nên mới giúp đỡ Vũ ăn học thành tài. Khi Vũ đã nắm chắc tương lai, ông mới nghĩ đến hạnh phúc của Mộng Ngọc.

Mộng Ngọc bỗng nhìn cha:

– Thưa ba, hình như ba còn giấu con chuyện gì?

Ông Thiện lắc đầu:

– Không! Có gì ba phải giấu con?!

– Sao ba cứ mãi khuyên con trông chừng anh Vũ! Bộ người đàn ông nào… cũng vậy hết sao ba?

Ông Thiện cười:

– Không phải ai ai cũng phụ phàng vợ! Đó chẳng qua là một cuộc thử thách có “lời”… “Vốn” nhà đã sẵn, họ lân la với người đàn bà khác có “lỗ lã” gì đâu!? … Không được yêu thì lại quay về với vợ.

Mộng Ngọc cũng cười:

– Ba nói y như là chuyện buôn bán.

– À! Đàn ông nghĩ thế, nên nhiều khi phải mắc đó con. Chớ đời, có ai muốn mang lấy tiếng phụ phàng đâu! Cứ “lân la” với đàn bà khác với ý nghĩ có “lời” mà vợ con có lúc phải chịu khổ! Lỡ gặp đứa khôn ngoan khéo léo hơn vợ nhà hay “nó” có con bất ngờ thì đành chịu. Rồi vợ một, vợ hai gây cảnh khổ lòng.

Mộng Ngọc lặng thinh suy nghĩ. Nàng xét kỹ thấy Vũ không phải hạng người như vậy… Hồi ở Pháp, cũng như từ lúc về nước đến giờ, Vũ có mang tai tiếng gì đâu! Chàng cũng không bề quen bạn gái, đừng nói chi đến chuyện có người yêu!

Nàng nhìn cha cất tiếng:

– Anh Vũ không phải hạng người như vậy đâu ba.

Ông Thiện cười, úp mở:

– Ba không chắc rồi đa.

– Nhưng con tin tưởng như vậy… Vợ chồng ăn ở với nhau năm, sáu năm rồi, con không hiểu được anh ấy sao?

– Ba đây còn không tin nổi ba nữa! Đừng nói thằng Vũ… Chung quy ba muốn con thận trọng là hơn. Đối với đàn ông nên chặn trước là thượng sách. Đừng để rồi, có chuyện dĩ lỡ ra “họ” lại tỏ vẻ ăn năn hối hận, đổ thừa tại cái này, tại cái nọ!? Ba nói trước cho mà biết thằng đàn ông nào cũng vậy thôi, chỉ có “một sách” hà.

Mộng Ngọc cười nói:

– Ba làm con lo quá!

– Con lo là phải! Nhiều người đàn ông lấy vợ rồi thì tưởng đâu cuộc đời thanh niên đã chấm đứt… Bỗng một hôm có “giai nhân” để ý đến, nó lại muốn sống như cái thời chưa vợ.

– Anh Vũ chắc không có vậy đâu.

Ông Thiện mỉm cười:

– Ậy! Ba có nói gì đâu? Ba khuyên con đừng có thả lỏng nó, vậy thôi!

Mộng Ngọc cầm lấy bình nước rót vào tách cho cha. Nàng nhớ đến câu chuyện mà Vũ kể lại, đêm hôm nào, nên bảo cha:

– Ba biết tại sao con tin anh Vũ không? Vì anh ấy không khi nào giấu con bất cứ chuyện gì… Luôn cả chuyện bạn bè bàn tán với nhau, ảnh cũng mang về kể cho con nghe.

Ông Thiện nhìn con, cảm thấy tội nghiệp lắm! Nàng quá tin chồng mà Vũ nỡ lòng dối gạt nàng… thì ông không thể nào tha thứ. Mộng Ngọc tiếp lời:

– Chính ảnh cũng thấy cảnh hai, ba vợ là khổ mà! Hôm nọ, ảnh kể cho con nghe một chuyện thật thương lâm. Ba nghe cũng đủ tội nghiệp hai người đàn bà.

Ông Thiện tò mò hỏi:

– Chuyện gì thế hả con?

Mộng Ngọc chậm rãi kể câu chuyện anh chàng sinh viên có con rơi mà Vũ đã nói với nàng cho cha nghe. Ông Thiện nghe qua câu chuyện trong lòng hết sức băn khoăn. Có thể lả Vũ mượn chuyện người để nói chuyện mình? Trước kia, có nhiều “cha” muốn mang vợ bé về nhà, thường hay kể cho vợ nghe trường hợp tương tợ để nhờ vợ giải quyết. Câu chuyện kể ra bao giờ cũng thiên lệch về hoàn cảnh của người yêu để đòi hỏi một sự hy sinh cao quí của vợ nhà. Đàn bà ai thấy cảnh khổ của hạng “quần thoa” với nhau mà không mủi lòng, nên bày tỏ ý nghĩ của mình một cách khách quan. Thế rồi ông chồng mượn cớ ấy để đưa tình nhân về nhà.

Ông Thiện nhủ thầm:

– Có thể Vũ định dùng ván bài ấy với Mộng Ngọc? Biết chừng đâu?

Mộng Ngọc tiếp:

– Ba thấy không, trước cảnh khổ của người khác như vậy, ảnh đâu có điên gì mà dấn thân vào?

Ông Thiện không đáp, lại hỏi con:

– Sau khi nghe câu chuyện của Vũ kể, con có bày tỏ ý kiến gì không?

– Con cũng không biết giải quyết thế nào? Hai đàng đều đáng thương hết, phải không ba!

Ông Thiện hỏi lại một lẩn nữa:

– Vũ có hỏi con phương cách giải quyết chăng?

– Dạ anh ấy hỏi con hai ba lần lận.

Rồi nàng hỏi:

– Sao ba… lại hỏi con như vậy?

Ông Thiện đáp:

– À không! Có gì đâu?

Thái độ của ông khiến Mộng Ngọc đâm ra thắc mắc. Nàng thấy cha mấy lúc gần đây cũng có nhiều cử chỉ khác thường. Ông Thiện bỗng đứng lên nói:

– Thôi ba về… để con ăn cơm.

Mộng Ngọc hỏi:

– Trưa nay ba ăn cơm ở đâu?

– Ba có hẹn với mấy “mái chín” ở Chợ Lớn.

Ông quay sang bé Dung:

– Mai ông ngoại đem “búp bê” đến cho con nghen.

Bé Dung đang nhai cơm, không đáp lời được chỉ gặt đầu lia lịа. Mộng Ngọc đưa cha ra đến ngoài xe và nàng chú ý thấy nét mặt ông không được vui. Ông Thiện cho xe thẳng vào Chợ Lớn nhưng đầu óc của ông cũng bị ám ảnh bởi câu chuyện mà Mộng Ngọc vừa mới kể. Có thể là Vũ muốn thử lòng Mộng Ngọc. Nếu không, tại sao lại kể cho vợ nghe câu chuyện lạ lùng đó, rồi hỏi cách giải quyết?! Chưa chi đã dở thói phụ phàng sao! Tội nghiệp Mộng Ngọc, lúc nào cũng tin tường và thương yêu chồng. Ông Thiện vụt phì cười. Chưa nắm được bằng cớ gì rõ rệt mà ông đã lên án Vũ quá gắt gao!

Và suốt buổi ăn trưa hôm đó với mấy “mái chín” ở Chợ Lớn, ông rất ít nói, lúc nào vẻ mặt cũng đăm chiêu suy nghĩ. Những bạn bè làm ăn chung với ông từ lâu, cũng phải ngạc nhiên trước thái độ ấy. Có người vỗ vai ông nói:

– Đang toan tính “thầu” một mối nào lớn lắm hả? Sao coi bộ thẩn thờ vậy?

Ông Thiện chỉ mĩm cười, không nói gì hết. Hiện tại ngoài hạnh phúc của con gái ra, ông chẳng còn thiết gì nữa.

Chính ông đã chọn Vũ cho Mộng Ngọc và cố tạo hoàn cảnh cho hai người yêu nhau. Nếu Mộng Ngọc khổ vì chồng là do lỗi của ông! Trước kia, sở dĩ ông muốn gả con cho Vũ, phần lớn vì quý tính cương trực của bạn. Ông giúp đỡ Vũ nên người vì tin tưởng chàng sẽ gây dựng được hạnh phúc cho Mộng Ngọc.

Buổi chiều trở về hãng thầu, ông đóng kín cửa phòng riêng, không tiếp khách. Ông nghĩ đến cách cho người theo dõi Vũ từng bước, khi chàng ra khỏi nhà, nhưng sợ câu chuyện vỡ lỡ ra còn có hại cho danh giá gia đình hơn. Cuối cùng, ông nghĩ chỉ có cách sống gần gũi bên vợ chồng Vũ để dễ bề dò xét. Ông mượn cớ cần được yên tĩnh nên sang nhà con ở trong ít lâu, chắc là Vũ không nghi ngờ gì cả.

Ông Thiện rất mừng khi tìm được giải pháp đó, nên điện thoại ngay cho con gái. Giữa lúc ấy, Vũ đang làm việc trong phòng mạch. Chàng nghe tiếng chuông điện thoại reo liền dở máy lên nghe:

– Alô!

– Alô! Vũ đó hả con?

Vũ nghe tiếng cha vợ liền đáp:

– Dạ, con đây! Hồi trưa ba có qua hả ba? Con bận đi vắng.

Ông Thiện cướp lời:

– Ba có nghe vợ con nói. Mà không có chuyện gì lạ, để chiều ba qua ăn cơm, bàn bạc luôn thể.

– Dạ.

Ông Thiện bỗng nói:

– Con à?

– Dạ!

– Có vợ con ở nhà chăng?

– Dạ có, ba muốn nói chuyện với Ngọc để con gọi.

– Thôi không cần! Con biểu Mộng Ngọc dọn căn phòng phía trước, ba qua ở chơi ít lâu. Lúc nầy, ba muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi. Vũ kêu lên:

– Dạ, ba sang ở với các con hả?

Ông Thiện hỏi lại:

– Có gì trở ngại không con?

– Dạ không! Từ lâu, các con nài nỉ mà ba vẫn không chịu.

– Lần này thì ba ở lâu đó! Liệu mà nuôi. Thôi nghen! Nhớ nói lại cho con Ngọc nó hay. Lát nữa ba qua.

– Dạ!

Vũ từ từ gác máy điện thoại! Chàng hơi băn khoăn về chuyện ông Thiện sang ở với vợ chồng mình. Từ lâu, hai vợ chồng tha thiết yêu cầu vì thấy ông ăn uống thất thường, nhưng ông vẫn từ khước và bảo cần được tự do, lo công việc.

Bỗng nhiên, hôm nay, ông có ý sang ở nhà chàng! Thạt là lạ. Chàng nghĩ đến chuyện Liễu đã kể lại hôm trước. Hay là cha vợ định ở gần, để dò la hành động của mình? Vũ quay lại bảo Liễu:

– Cô Liễu ạ! Ba tôi sẽ sang ở chung với vợ chồng tôi đó!

Liễu cười không đáp vì nàng đã nghe lỏm câu chuyện từ lúc nãy. Vũ hỏi nhỏ:

– Cô nghĩ có lạ không? Từ lâu, nài nỉ cách mấy ổng cũng chẳng chịu qua!

Liễu đáp:

– Chắc phải có lý do gì đó, bác sĩ!

– Tôi chắc ông định trông chừng tôi.

– Có thể! Câu chuyện hôm nọ, tôi đã nói, chắc bác sĩ còn nhớ.

– Nhớ chớ! Bây giờ, cô khuyên tôi phải làm sao?

Liễu đáp nhỏ:

– Tưởng bác sĩ nên thận trọng hơn. Và tìm cách giải quyết cho sớm. – Tôi đang định nói thật ra cho Mộng Ngọc biết. Tôi đã thử kể cho nàng nghe một câu chuyện tương tợ như thế.

Liễu tò mò hỏi:

– Rồi bà nhà có ý kiến gì chăng?

Vũ lắc đầu:

– Mộng Ngọc cũng đành chịu! Nàng chỉ trách người đàn ông không chung thủy. Mà nàng trách cũng phải! Tôi đáng tội lắm.

Vũ thở dài, đứng lên nhìn cánh cửa kiếng ngầu đục. Tầm mắt bị chận lại khiến Vũ càng khó chịu hơn. Liễu ngó Vũ không nói gì hết. Nàng đã thấy trước những khó khăn có thể xảy đến cho Hiền. Nàng chỉ biết tội nghiệp Hiền thôi! Nếu ở vào địa vị của Vũ, nàng cũng không biết phải giải quyết cách nào?

Vũ cất giọng buồn rầu:

– Đã như vầy thì tôi đánh liều, đến đâu hay đến đó. Không lý bỏ rơi Hiền và để mẹ con nàng bơ vơ.

Liễu nhận thấy Vũ cứ luẩn quẩn mãi trong vấn đề đó. Lúc thì khổ tâm vì Hiền, khi lại tội nghiệp Mộng Ngọc. Rồi một ngày nào đó chắc chắn không ai thoát khỏi cảnh khổ lòng! Nhứt là Hiền, thật là đáng tội. Nàng nói:

– Thưa bác sĩ! Tôi rất lo cho cô Hiền.

– Cô tưởng tôi không lo sao?

– Tôi không có ý nói thế! Đêm qua, nằm nghe cô ấy tâm tình, tôi thật xúc động… Cô Hiền rất tin tưởng tình yêu của bác sĩ. Suốt đêm cô ấy chỉ bàn bạc đến tương lai, chi mong được ở gần bên bác sĩ để giúp đỡ. Tôi sợ lắm!

Vũ vội hỏi:

– Cô sợ điều chi?

– Một ngày kia, cô Hiền biết rõ bác sĩ đã có vợ con, chắc cô ấy không chịu đựng nổi nữa.

Vũ thở dài, ngồi xuống ghế. Liễu tiếp:

– Trong lúc bác sĩ đang rối tôi còn nói thêm những lời đó thật không phải. Nhưng tôi muốn bác sĩ hiểu thấu lòng tin tưởng của cô Hiền.

Vũ đáp nhỏ:

– Tôi hiểu lắm, cô Liễu à! Tôi càng khổ tâm khi Mộng Ngọc cũng đặt hết niềm tin ở tôi. Nàng không thể ngờ tôi đà từng ấp ủ, thương yêu một người đàn bà khác! Hiền vả Mộng Ngọc đều đáng thương, đáng trọng như nhau. Tôi biết liệu thế nào?

Liễu lắc đầu nhìn Vũ. Giờ làm việc đã hết, nàng lẳng lặng thay “blouse” để về nhà! Nàng đến gần Vũ:

– Xin phép bác sĩ, tôi về.

Vũ thẫn thờ gật đầu, nhưng một lúc chợt nhớ ra mình quên dặn Liễu ghé bên Hiền, bảo qua cho nàng biết đêm nay chàng không đến được. Vũ bước ra hành lang tìm Liễu nhưng nàng đã đi tự bao giờ. Chàng chán nản trở vào phòng mạch không biết làm sao báo tin cho Hiền, để nàng khỏi phải lo! Chàng chậm rãi qua nhà bằng cánh cửa hông như thường bữa. Mộng Ngọc đón chồng tươi cười:

– Hôm nay, anh có đi chơi đâu không?

Vũ ngạc nhiên, hỏi lại :

– Anh không đi đâu hết! Có chuyện gì vậy em!

Mộng Ngọc tươi cười :

– Dạ, có chuyện gì đâu! Hôm nay, em làm món ăn ngon lắm, sợ anh hẹn ăn cơm khách thì nguy cho em.

Vũ âu yếm:

– Món gì vậy mình?

– Đố anh biết?

-Tôm hùm!

Mộng Ngọc cười lắc đầu:

– Không! Món này anh thích lắm mà!

Vũ lẩm bẩm:

– Món gì kìa? Cá chẽm chiên?

– Không phải nữa!

– Thôi anh chịu thua.

Mộng Ngọc cười nheo mắt với chồng:

– Vậy mà hổng biết! Gà nấu canh chua!

– À, phải rồi! Em biết ý anh lắm!

– Trời! Em không biết ý anh thì còn ai nữa?

Vũ lặng thinh trước vẻ vui thích hồn nhiên của Mộng Ngọc. Chàng chợt nghĩ đến Hiền. Lúc nào nàng cũng ao ước được sống bên chàng để săn sóc từng miếng ăn, thức uống. Mộng Ngọc thấy Vũ tự nhiên nín lặng thì hỏi:

– Hôm nay, ở phòng mạch có gì làm mình khó chịu không?

– Có gì đâu! À, ba vừa điện thoại nói sẽ sang nhà mình ở trong ít lâu.

Mộng Ngọc mừng rỡ nói:

– Thiệt hả mình? Ba ở luôn bên nầy? Không ngờ ông già lại đổi ý!

– Ba bảo dọn gian phòng phía trước. Lát nữa, ba tới.

Mộng Ngọc khẽ đáp:

– Đồ đạc trong phòng đủ cả. Em biểu chị bếp quét dọn sạch sẽ là xong.

Mộng Ngọc gọi chị bếp dặn dò:

– Chị dọn phòng ngủ phía trước cho sạch, lát nữa ông qua đó.

Chị bếp vâng dạ, đi ra. Mộng Ngọc lại hỏi chồng:

– Bộ anh nói riết ba xiêu lòng hả?

– Việc gì mình?

– Việc ba sang ở với vợ chồng mình!

Vũ lắc đầu:

– Không đâu! Mấy hôm nay, anh đâu có gặp ba, tự nhiên ba gọi điện thoại đó. Mộng Ngọc ngẫm nghĩ một lúc:

– Lạ thiệt! Mình nài nĩ ổng hết ngày này qua ngày khác mà ổng nhứt định không chịu ở. Bỗng nhiên, lại sang. Lắm lúc em không hiểu nổi ba.

Vũ cười:

– Thắc mắc làm gì? Biệt thự này cũng chính ba xây cất cho vợ chồng mình. Ba muốn đi hay ở lúc nào lại chẳng được.

Mộng Ngọc lắc đầu:

– Anh nói thế ba nghe lại phiền đó! Sao anh hay bận tâm về những chuyện không đâu?

Vũ nghiêm giọng:

– Như chuyện gì hả mình?

Mộng Ngọc muốn nhắc lại chuyện xây cất bệnh viện và những thắc mắc của Vũ đêm hôm trước, sau câu nói không suy nghĩ của mình. Nàng lại sợ nói ra, khiến Vũ phiền thêm.

Nhưng khi Vũ hỏi lại một lần nữa, Mộng Ngọc đành phải nói:

– Ba sẽ phiền lòng vì anh hay bận tâm về những điều không đáng.

– Anh có bận tâm việc gì đâu?

– Của ba làm ra, sớm muộn gì cũng là của chúng mình! Chúng ta là con mà, có gì anh phải thắc mắc. Như chuyện xây cất bệnh viện hôm trước.

Vũ nghiêm sắc mặt:

– Thôi em đừng nói nữa! Anh đã khổ tâm nhiều vì chuyện đó. Có cần nhắc nhở nữa chăng?

Chàng bước mau về phòng riêng đóng ập cửa lại. Mộng Ngọc sững sờ, nhìn theo chồng, trong lòng buồn bã khác thường. Nàng chỉ giải bày mà Vũ giận dữ như thế sao? Nàng có lỗi với chồng không? Một bàn tay nhỏ nhắn nắm lấy tay nàng:

– Má! Sao chưa ăn cơm hả má?

Mộng Ngọc quay lại nhìn bé Dung gượng cười cho con khỏi để ý đến sự buồn phiền giữa cha mẹ:

– Con đói bụng ăn trước nghen ! Ba má còn đợi ông ngoại.

Bé Dung reo lên:

– Ngoại qua hả má? Con sắp có “búp bê” mới rồi. Chừng nào ông ngoại qua?

– Ngoại sắp đến đó. Và ông ngoại sẽ ở luôn với mình.

– Vậy hả má?

Bé Dung biều lộ sự vui mừng rõ rệt. Mộng Ngọc mỉm cười nhìn con sung sướng. Dung nói:

– Con cũng đợi ngoại nữa!

Mộng Ngọc lắc đầu:

– Không được, con à.

– Sao vậy má?

– Ngoại nhiều công việc! Không chắc ngoại đến đúng giờ. Con còn bé phải ăn cho đúng lúc. Mẹ bảo chị vú làm cơm riêng cho con nghen.

Bé Dung gật đầu và ngó ra cửa rào, mong ông ngoại nó đến. Trong khi đó, Vũ cũng thấy sự vô lý của mình. Tạỉ sao chàng lại nổi nóng bất thường như vậy?

Mộng Ngọc chỉ giải bày thôi, chớ nào có nói gì đâu. Vũ thở dài. Có lẽ bị dồn ép nhiểu chuyện nên tâm tính của chàng đâm ra bất thường. Chàng vừa mở cửa phòng bước ra ngoài thì thấy Mộng Ngọc đi về phía mình. Hai vợ chồng bỡ ngỡ nhìn nhau và cùng mĩm cười một lượt. Vũ bước đến bên vợ:

– Anh trẻ con quá! Đương không lại nóng giận hết sức vô lý.

Mộng Ngọc cúi đầu:

– Lỗi ở em! Em hay đề cập đến những chuyện mà anh không thích. Từ đây, em sẽ cố tránh làm phiền lòng anh.

Vũ nắm lấy tay vợ:

– Không đâu, tại anh hết mà.

Bỗng có tiếng ông Thiện nói vọng vào:

– Chà! Âu yếm dữ hông?

Mộng Ngọc và Vũ cùng giựt mình quay lại:

– Ba!

– Thưa ba mới qua.

Mộng Ngọc bước đến gần cha đỡ lấy mấy gói đồ trên tay ông, rồi nhìn ra sân hỏi:

– Ba đến bằng gì mà con không nghe tiếng xe.

Ông Thiện nói:

– Xe hư, mới đưa đi sửa. Phải đi xích lô đạp đó.

Bé Dung nghe tiếng ông ngoại, từ phía nhà sau chạy ùa lên:

– Ngoại! Ngoại! “Búp bê” con đâu?

Ông Thiện quên mua “búp bê” cho cháu nên lúng túng không biết trả lời sao? Ông nói:

– Ờ… Ờ… Còn con “búp bê” của cháu tôi nữa nè.

Bé Dung nhìn ông ngoại hiểu ngay, nên gỡ tay ông, phụng phịu:

– Thôi đi. Cứ ờ… ờ… Ngoại quên rồi chớ gì?

Mộng Ngọc phì cười bảo con:

– Dung! Không được hỗn con.

Ông Thiện dễ dãi:

– Con đừng rầy nó. Ngoại có lỗi phải cho nó trách chớ. Có đâu lại “đàn áp” người ta dữ vậy.

Bé Dung gỡ tay ông Thiện bước ra xa. Vũ ngồi xuống bên con khẽ bảo:

– Con lại xin lỗi ngoại đi.

Dung nhìn cha, thấy sắc mặt nghiêm nghị của Vũ thì ríu ríu khoanh tay thưa:

– Con xin lỗi ngoại.

Rồi nó lại nói thêm:

– Con không chơi với ngoại nữa đâu!

Mộng Ngọc nạt đùa:

– Bé Dung! Hư quá vậy con.

Ông Thiện cười ha hả, ôm chầm lấy cháu. Ông bảo Mộng Ngọc và Vũ:

– Đừng rầy cháu tao mà. Bây sao hay “làm tình làm tội” nó quá. Ờ! Mai ngoại mua “búp bê” thật đẹp cho con nghen.

Mộng Ngọc khẽ bảo Vũ:

– Ba nuông chìu con Dung quá. Thét rồi nó đâm hư cho anh coi.

Ông Thiện đáp:

– Trẻ con là thế đấy. Đừng mỗi chút mỗi rầy.

Mộng Ngọc toan nói thì Vũ ra hiệu cho nàng im lặng, vì chàng không muốn cha vợ phật lòng. Ông Thiện bỗng quay lại hỏi Vũ:

– Thế nào hả “bác sĩ”?

Vũ lo ngại:

– Thưa ba. Việc gì ạ?

– Con chưa nghe vợ con nói chuyện ba định cất thêm nhà bảo sanh ở trong bệnh viện sao?

– Dạ thưa ba, có! Tùy ba liệu thôi. Mình đủ sức thì cất thêm có hại gì?

Ông Thiện cười nói:

– Đủ sức hay không là do con chớ! Con chăm lo, coi sóc bệnh viện chớ đâu phải ba… Ba chỉ có việc xây cất lên thôi.

Vũ ngẫm nghĩ một lúc nói:

– Thưa ba! Kể ra thì không có gì để do dự. Con chỉ cần tìm thêm người cộng tác. Nhưng con muốn nhắc nhỏ ba một điều…

– Điều gì hả con?

– Xây cất bệnh viện đã phải xuất vốn nhiều. Song chưa đáng ngạỉ bằng sắm đồ đạc, dụng cụ bên trong. Ba nên nhớ, một bệnh viện như thế phải có đủ phòng: Phòng rọi kiếng, phòng mổ, phòng chụp hình, phòng lạnh, phòng sanh v.v… Bao nhiêu máy móc, dụng cụ phải mua sắm… Thứ nào cũng nặng tiền lắm.

– Có nghĩa gì mà con bận tâm. Sắm không nổi một lần thì thủng thẳng mình cũng có đủ.

Vũ nói:

– Chính vì thế mà con muốn thưa với ba, thà mình làm nhỏ, rồi lần lần mình sẽ xây cất thêm. Chớ…

Ông Thiện cướp lời chàng:

– Con tính thế thì còn quảng cáo và cạnh tranh với ai được nữa! Thứ bệnh viện năm, bảy phòng đó đầy dẫy khắp nơi. Có ai chú ý đến đâu?!… Ba muốn sao bệnh viện của mình xây cất xong là người ngoại quốc đến xứ này cũng phải nể phục.

Vẻ cương quyết của ông Thiện khiến Vũ không dám bàn bạc thêm. Chàng nhủ lòng cứ để cha vợ muốn xây cất thế nào cũng được! Mọi việc, ông Thiện làm như cần ý kiến của Vũ, nhưng thật sự ông đã quyết định cả rồi! Ông Thiện trải họa đồ ra và bắt đầu chỉ cho Vũ xem những nơi ông xây cất các phòng sanh. Vũ vâng dạ cho ông vui lòng, chớ thật tâm chàng không chú ý gì hết. Mộng Ngọc rất tinh mắt! Nàng thấy rõ chồng, tuy ngồi đó nhưngg trí nghĩ đâu đâu… Ông Thiện vô tình không chú ý đến điều đó, cứ nói thao thao với Vũ về những dự tính của mình.

***

Hiền bồng bé Lệ trên tay, nước mắt ràn rụa. Nàng cảm thấy tủi thân hơn bao giờ hết. Hồi chiều này, bé Lệ hết nóng, chạy khắp nhà, tự nhiên lại trở bệnh, nó mê man nói xàm rồi còn làm kinh nữa… Hiền lo sợ cuống cuồng và chỉ biết khóc với con. Thuốc nóng mà Vũ bảo nàng mua cho con uống không công hiệu gì hết! Nàng tính nhờ chị bếp đến tiệm thuốc bắc mua thuốc nóng “tàu bay”, nhưng nhớ lời Vũ nàng lại thôi.

Tội nghiệp chị bếp cũng thức với nàng. Mấy lần, chị bảo Hiền:

– Bác sĩ hiện ở đâu, mợ chỉ nhà, tôi đi gọi cho. Bệnh tình cháu Lệ xem chừng nặng lắm!

Hiền chỉ nhớ mang máng con đường đến phòng mạch của Vũ nên không dám chỉ cho chị bếp. Vả lại không chắc gì Vũ ở phòng mạch. Sợ chàng về nhà cha mẹ thì cũng như không! Nàng ngầm trách Vũ không chỉ cho nàng biết nhà cha mẹ chàng ở nơi nào? Bây giờ nếu đến phòng mạch, thì có thể hỏi thăm người xung quanh, biết Vũ ở đâu. Nhưng lỡ ra bé Lệ làm kinh trong lúc nàng đi vắng rồi mới làm sao? Đêm nay, Vũ bận việc gì mà không về với mẹ con nàng? Còn Liễu nữa, phải chi có Liễu cũng đỡ lo. Trời gần sáng, chị bếp quá mệt mỏi nên ngủ thiếp đi trên chiếc ghế bành. Bé Lệ hơi mát trở lại. Nó cựa mình tỉnh giấc, khiến Hiền mừng rỡ lắm.

Lệ mở mắt nhìn mẹ rồi đòi ăn:

– Má. Con đói bụng.

Hiền rối rít gọi chị bếp:

– Dì ơi! Dì.

Chị bếp choàng tỉnh, tưởng có chuyện gì nên hỏi dồn dập:

– Có việc gì không mợ?

Hiền chỉ bé Lệ nói:

– Cháu nó tỉnh rồi đây nè.

Chị bếp ngồi xuống bên giường, nắm lấy tay Lệ, thấy mát rượi thì cười:

– À! Bớt nóng rồi há. Đừng làm cho má sợ nữa nghen cháu.

Bé Lệ một mực đòi ăn:

– Bà ơi! Con đói bụng… Má…

Hiền bảo chị bếp:

– Dì khuấy giùm cho cháu một ly sữa.

Chị bếp vâng dạ, đi ngay. Hiền cúi xuống hôn lên má con:

– Lệ chờ khuấy sữa nghen. Con bớt nóng má mừng lắm…

Bé Lệ nhìn quanh quẩn trong nhà, rồi hỏi mẹ:

– Ba đâu há má?

Hiền đáp:

– Đêm nay, ba không về.

– Sao vây má?

– Má đâu biết! Chắc là phải ở nhà với ông bà nội.

Bé Lệ nín lặng một lúc rồi hỏi:

– Sao con chưa lần nào gặp ông bà nội vậy má?

Hiền ấp úng không biết trả lời sao, vì chính nàng cũng chưa từng được gặp cha mẹ Vũ. Nàng đáp liều:

– Chừng nào, con hết bệnh, ba má sẽ đưa con đến thăm nội.

Bé Lệ lại hỏi:

– Ông bà nội thương con không má?

Hiền đáp liều không cần suy nghĩ:

– Thương chớ sao không.

Bé Lệ không hỏi nữa, mà lại nhìn ra phía cánh cửa ăn thông xuống nhà dưới. Nó có ý trông ngóng chị bếp:

– Lâu quá… vậy má! Con đói bụng quá hà.

Hiền đứng lên bảo con:

– Con nằm yên, má chạy xuống, thúc dì ấy.

Bé Lệ sợ hải nắm lấy tay nàng:

– Hông! Má đừng đi. Con sợ.

Hiền ngồi xuống bên con, khẽ hỏi:

– Con sợ gì?

Bé Lệ không đáp, chỉ nhìn quanh khắp gian phòng, với đôi mắt sợ sệt. Hiền hiểu ngay là con sợ sự trống lạnh của gian nhà. Nàng ôm lấy bé Lệ bùi ngùi. Chính Hiền, một đôi khi cũng cảm thấy lo sợ bâng quơ, Chị bếp bưng ly sữa lên, tươi cười bảo Lệ:

– Sữa đây rồi! Cháu uống đi.

Bé Lệ gượng ngồi dậy, cầm ly sữa uống từng muỗng. Sữa nóng làm cho nó đổ mồ hôi và cảm thấy tỉnh táo hơn lúc nãy. Lệ nói chuyện liền miệng. Hiền và chị bếp chỉ cười với nó, dù trước một câu vô nghĩa. Đợi Lệ uống hết ly sữa, Hiền bảo con nằm xuống, lấy mền đắp lên mình nó:

– Ráng ngủ một chút nghen con!

Thanh Lệ cười, gật đầu và hình như cũng mỏi mệt, nó thiếp dần đi. Bên ngoài, trời sáng lần lần. Có tiếng con chim sâu kêu lẻ loi, ngoài cây vú sữa. Hiền và chị bếp nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng để bé Lệ ngủ yên. Hai người ra đến bên ngoài, chị bếp khẽ hỏi Hiền:

– Mợ định cho cháu uống thuốc gì?

Hiền đáp:

– Thường khi nó nóng như vậy thì tôi cho nó uống thuốc “tàu bay”! Nhưng anh Vũ không chịu… Chắc là phải chờ anh ấy về đã.

Chị bếp lo ngại nói:

– Lỡ ra bác sĩ không về mới làm sao?

Hiền lo âu:

– Tôi cũng không biết phải làm sao nữa? Hôm qua, lúc ảnh ở đây thì Lệ đã hết nóng. Ai ngờ đến tối nó lại trở bệnh. Chắc thế nào trưa nay ảnh cũng về mà!

Chị bếp không dám nói nữa. Chị sợ khơi thêm nỗi khổ tâm của Hiền. Sau mấy ngày ở chung nhau, chị cũng hiểu phần nào gia cảnh của Vũ và Hiền, nhưng chị không biết là Vũ đã có vợ con. Chị cứ ngờ hai người yêu nhau mà chưa có sự chấp nhận của gia đình. Chị bếp bỗng nói:

– Hay là mợ để tôi đến phòng mạch cho bác sĩ hay tin!

Hiền nhìn chị bếp, lộ vẻ suy nghĩ:

– Tôi sợ dì kiếm không ra phòng mạch thôi. Tôi nhớ mang máng con đường…

Chị bếp ngạc nhiên hỏi:

– Ủa, mợ chưa đến chỗ làm việc của bác sĩ sao?

Hiền nói:

– Tôi đến với Lệ một lần rồi. Nhưng mà… Dì mua một tờ báo là có địa chỉ của anh Vũ. Lúc trước, cũng đọc báo, mới tìm ra anh ấy.

Chị bếp trố mắt nhìn Hiền, không nói thêm gì. Chị đi từ sự ngạc nhiên nầy đến sự ngạc nhiên khác. Hai người yêu nhau có con với nhau rồi, mà lại tìm nhau qua bài quảng cáo trên báo! Thật lạ lùng.

Hiền bỗng nói:

– Nhưng thôi dì à! Xem chừng bé Lệ cũng bớt nóng rồi. Mình đến phòng mạch sẽ làm cho anh ấy lo ngại thêm.

– Cái đó tùy ý mợ! Riêng tôi thấy cháu Lệ nóng đến làm kinh mà không uống thuốc thêm thì ngại lắm.

Hiền băn khoăn không biết tính sao? Đã từng đến phòng mạch, nàng thấy Vũ phải tiếp rất nhiều bệnh nhân. Nếu đến cho chàng hay tin bé Lệ bệnh nhiều, chi cho khỏi chàng phải lo sợ, rồi ngưng tiếp khách để đến với con. Nàng không muốn Vũ bận tâm vì mẹ con nàng như thế. Hiền bảo chị bếp:

– Để rồi tôi liệu. Xem cháu có nóng lại không?

Nàng quay về phòng con. Chị bếp theo sau nói:

– Mợ nên đi nằm một chút! Suốt đêm, mợ thức với cháu coi chừng bị bệnh đó.

Hiền mỉm cười:

– Không sao đâu dì! Tôi thức như thế là thường.

– Mợ uống sữa không? Tôi khuấy cho nghen.

Hiền không thấy đói, nhưng trước sự ân cần của chị bếp, nàng không muốn phụ lòng:

– Dạ, dì khuấy giùm tôi đi.

Chị bếp nhanh nhẩu đi xuống bếp. Hiền bước đến bên giường, nằm xuống với con. Nàng rờ trên trán Lệ lại thấy nó nóng hừng hực như hồi hôm. Hiền ngồi phắt dậy! Nàng phải liệu sao, chớ đâu để con trong tình trạng nầy. Để chị bếp đi gọi Vũ chăng? Khó lắm! Chị ấy chưa từng đến phòng mạch của Vũ, lỡ đi lạc càng phiền hơn. Chị bếp bưng sữa trở lên thì Hiền nói:

– Cháu nóng trở lại rồi dì!

Chị bếp để ly sữa xuống bàn, rờ đầu bé Lệ, cất giọng lo lắng:

– Sao mà nó mát, rồi nóng bất thường như vậy kìa! Tôi ngại quá mợ. Mợ để tôi gọi bác sĩ…

Hiền lặng thinh nhìn con rồi vụt nảy ra một ý nghĩ. Hay là nàng bồng bé Lệ đến phòng mạch cho Vũ xem, như vậy sẽ đỡ phiền cho chàng hơn. Nàng bảo chị bếp:

– Tôi đưa bé Lệ đến phòng mạch của anh Vũ nghen?

Chj bếp gật đầu:

– Ờ, phải đó! Mợ cần tôi đi theo không?

Hiền lắc đầu:

– Tôi đi một mình được. Dì gọi giùm xe và mua cho tôi một tờ báo để tôi tìm lại địa chỉ phòng mạch của anh Vũ.

error: Content is protected !!