Lê Quang Định, tự Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai, sinh năm Canh Thìn (1767). Nguyên tổ gốc ở huyện Phú Vang, Thửa Thiên. Cha ông tên là Sách, làm Thủ ngự ở nguồn Đà Bồng, mất trong lúc Lê Quang Định còn nhỏ. Nhà nghèo, Quang Định theo anh là Hiến vào huyện Bình Dương, Gia Định. Có y sinh Hoàng Đức Thành đem lòng thương, gả con gái cho.
Lê Quang Định theo học trường của Xử sĩ Võ Trường Toản. Ông kết thân với Ngô Nhơn Tĩnh và Trịnh Hoài Đức rồi lập “Bình Dương thi xã”, nổi danh phong nhã. Ngoài tài thơ, Quang Định còn viết tốt và vẽ tài.
Năm Mậu Thân (1788), ông được tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Ánh, làm Hàn lâm viện Chế cáo, chuyên việc khuyến nông. Sau, ông sung chức Đông cung Thị giảng rồi thăng Hữu tham tri bộ Hình, từng theo quân đi trông coi việc lương.
Năm Canh Thân (1800), Lê Quang Định cùng Nguyễn Văn Nhân phò Đông cung Cảnh ở giữ Gia Định.
Năm Nhâm Tuất (1802), Lê Quang Định lãnh chức Hiệp trấn Thanh Hoa. Rồi sau ông thăng Thượng thư bộ Binh, sung chánh sứ, cùng đi sứ với hai vị phó sứ Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát, sang nhà Thanh trần tình về việc đổi quốc hiệu là Nam Việt.
Vua Thanh sai Quảng Tây Án sát sứ Tề Bố Sâm sang phong và đổi lại là Việt Nam (thay vì Nam Việt).
Năm Bính Dần (1806), Lê Quang Định lãnh sắc làm sách Đại Việt nhất thống dư địa chí gồm 19 quyển, khảo đủ đồ tịch trong nước, từ kinh sư vào Nam tới Hà Tiên, ra Bắc tới Lạng Sơn, nhất nhất đều biên chép hết.
Năm Kỷ Tụ (1809), Lê Quang Định đổi làm Thượng thư bộ Hộ kiêm quản Khâm thiên giám.
Năm Canh Ngọ (1810), Lê Quang Định coi sắp đặt bộ Điền thổ.
Năm Quý Dậu (1813), Lê Quang Định mất, đặng 54 tuổi. Ngày đưa tang ông, có cả chiến thuyên đi hộ tống.