11 – Nguyễn Sinh trở về

Nội nhà có hỏi thăm có gặp Nguyễn Sinh chăng, Hồ Hải thở dài than vắn. Anh ta rằng mình đi lính đó, là có ý qua tìm Nguyễn Sinh, đặng mà đoái công thục tội. Nhưng mà hơn mấy năm trường, vắng bặt âm hao, không thông tin tức.

Qua ngày sau, mặt trời mới vừa rựng mọc, Hồ Hải từ giã mà đi nói chuyện gấp, hễ công chuyện hoàn thành thì trở lại chẳng sai.

Không dè mới năm giờ chiều, nội nhà đang ngồi dùng cơm, bỗng nghe trước ngõ có xe hơi tốp máy. Trong giây phút thì có tiếng gõ cửa. Nguyễn Phong ra lịnh cho vào.

Mà ngạc nhiên thay, sững sờ thay! Nhìn trân thay!

Có một ông quan còn trai, ăn mặc chỉnh tề, bước vô một cách rất khoan thai, tay thì cặp một vị phu nhơn bận đồ đầm, dung nhan ai thấy cũng lạnh mình vì sắc nước hương trời chói rạng. Vừa thấy Nguyễn Phong và vợ chồng Nguyễn Phước, thì hai vị ấy liền quì mà chào hỏi.

Chư độc giả thử nghĩ coi ai đó vậy?

Còn Nguyễn Phong, vợ chồng Nguyễn Phước và Cẩm Tú chạy lại ôm ông quan một ấy và đỡ dậy, cả nhà khóc mướt cùng nhau, có một mình Đặng Song hơi ướm lụy mà thôi. Ông quan một đó chẳng phải ai đâu, ấy là Nguyễn Sinh vậy. Bởi rứa cho nên cha con, mẹ con, bác cháu, anh em mừng rỡ hết tình, vui hết bực mà lại có pha nước mắt.

Thuở biệt ly đau phiền cũng dữ, cơn đoàn viên hân hỉ láng lai. Thuật hàn huyên, hỏi đủ mọi việc dông dài, sự cảm xúc của mọi người trong khi ấy khó mà tỏ được. Còn phu nhơn đó thì đứng cười chúm chím, ngó Đặng Song và Cẩm Tú phần nhiều.

Nguyễn Phước hỏi:

Còn vị phu nhơn nầy là ai vậy? Quen lớn với con hay là vợ của bằng hữu chi chi? Ở bên Tây với trẻ mà về hay là đầm lai bên Đông Pháp?

– Thưa nàng vốn con nhà Hồng Lạc, giả trai qua bển tùng chinh, cũng bị sanh cầm nhốt chung cùng nhau một dinh, bởi đồng bang, đồng mạnh và đồng chưởng nên thương nhau mà kết nguyền phu phụ. Con cũng biết giá thú bất cáo là có tội, song gặp nghịch cảnh và lúc biến quyền, không rõ sống thác giờ nào, nên cùng nhau vàng đá lời giao, trông may được tha về sau sẽ thưa với cha mẹ.

Nội nhà nghe nói gái giả trai thì càng nghi hơn nữa. Mẹ Nguyễn Sinh mắt thì ngó chăm chỉ vị phu nhơn đó, miệng thì hỏi Nguyễn Sinh:

– Ở bển bấy lâu, con có gặp Hồ Hải lần nào chăng? Vì nó cũng có đi tùng chinh vậy?

Nói rồi thuật hết đầu đuôi tại sao mà Hồ Hải đi Tây trợ chiến.

Nguyễn Sinh tính bề, nếu để lâu e sanh ra sự giễu cùng cha mẹ, mà mang lụy lỗi ngời, chàng bèn chỉ phu nhơn đó mà nói:

– Ấy là Hồ Hải chớ ai? Xin cha mẹ xem tường cho kỹ?

Hồ Hải thấy nói thiệt rối thì lật đật quì:

– Xin cha mẹ, bác, Đặng gia và cô nương miễn chấp.

Bây giờ nghe tiếng quả thiệt là tiếng của Hồ Hải, thì nội nhà biết bao nhiêu lấy làm lạ, làm kỳ.

Nguyễn Phước nói:

– Sự nầy dẫu cho thần quỉ cũng nan tri thôi, có thật là Hồ Hải thì nguồn cơn con hãy tỏ. Chớ như việc vậy dầu trời cũng rõ, làm cho con trai gần ba mươi năm rồi trở lại làm đàn bà! Thật xưa nay chẳng có ai như vậy đa, đâu con hãy phân sự thiệt.

– Thưa, nói ra lẽ hổ hang không xiết, hai mươi mấy năm con giả dạng con trai. Nguyên hồi mẹ con đương có thai, thì ông nội của con có hứa rằng nếu sau sanh sản cháu trai thì ông sẽ cho của cháu hai ngàn mẫu ruộng. Nghe hứa vậy ai mà chẳng muốn? Nên cha mẹ cháu toa rập với bà mụ mà nói rằng trai ngõ hưởng gia tài cho trọn.

Song năm 1907, ông của con thọ khổn, vù hùn hiệp với Minh Câm Công ty, mà bị họ kẻ nói rằng theo Nhựt Bổn, vì ông Gilbert Trần Chánh Chiếu làm đầu hội nầy. Ổng cho con đi du học bên Nhựt, nên bị việc chẳng may, ông Chiếu hết tiền, nhà cửa, mà ông của con cũng hao hết mấy muôn bạc. Sự ấy tuy hao tài tốn của mà không đáng tức.

Qua năm 1908 lại nổi lên Thiên Địa Hội gần cùng khắp Nam Kỳ. Từ thứ dân cho tới quan kia, bên văn võ phần nhiều theo “húi”. Kèo vàng, kèo xanh, kèo đỏ. Ấy là khổ hao của họ Hồng. Mỗi người đều phải làu thông câu “vạn vọng biểu huynh lai chỉ giáo, Hồng môn tiểu đệ thị bất tri. Nghĩ Annam làm việc ngu si, hội ấy của bọn cách mạng nhà Thanh bày đặng quyên tiền bên đất Việt. Người mình kiến thức rất hẹp, theo làm chi mà tốn bạc tốn tiền? Lại đánh nhau giành “ngủ hổ” nầy kia ăn tết, lân xanh, lân vàng chém như chém chuối.

Lâu lâu có một thằng Chệt làm đầu húi, tới góp tiền nói rằng vâng lịnh ở Cholon truyền. Góp nội tỉnh nầy cũng có lẽ hơn 15, 20 muôn bạc. Tiền ấy để sắm thần công, đại bác, để đạp đổ đế quyền bên Tàu. Té ra Annam làm mọi cho bên Tàu, nghĩ cũng thiệt thòi lắm bấy.

Ông của con hay tin vậy, vào hội nầy tốn biết mấy ngàn đồng. Sau bị kẻ rằng liên can tới đám Thiên Địa Hội ở làng Song Vinh mà sở mật thám đã bắt còng, ông của con trút hết thảy gia tài sự nghiệp mới khỏi tù rạt.

Bị vậy nên nghèo xẩu mình mà thác, nghĩ tới đây cháu oán ba thằng Thiên Địa Hội biết chừng nào. Rứa nên, cha mẹ hết được hưởng gia tài, mà con cũng phải giả trai hoài vậy.

Ngày con xin đi lính tình nguyện, quan thầy thấy con đường đường diện mạo. lẫm lẫm oai phuông thì cho đi liền không coi chi ráo. Con chắc mình trước nên con mới dám xin đi, và con mặc đồ đờn ông thì con giống hịch nam nhi, bởi giả trai hồi mới đẻ và có tướng mạo phe trai nữa.

– Ôi! Tụi bây quá dữ! Gạt ta hơn mấy năm trường. Khác nào như thừa tướng họ Lương bị Tô Ánh Tuyết và Mạnh Lệ Quân gạt vậy. À thôi! Việc đó đã đành có đó, sao còn dắt Cẩm Tú làm chi?

– Thưa vì có thơ ni, cô Ba quyết tự tử cho nên con phải đem đi mà cứu mạng. Chẳng dè việc lộng giả thành chơn mà sanh ra khốn nạn, thiếu chút nữa con cũng mạng vong, mà cô Ba cũng không rồi.

Cẩm Tú nghe mắc cỡ vô hồi, vì mình nhè má phấn mà mình muốn trao thân gở phận. Bị vậy mà làm thinh lẳng lặng, cúi mặt chẳng dám nhìn ai. Hồ Hải nghe nhắc chuyện Cẩm Tú làm tuần, cúng tế mình thì cười thầm và nghĩ cho Cẩm Tú cũng đa tình lắm. Hồ Hải nói mình giữ cái thơ là cố ý ngày giải oan cho mình và Cẩm Tú luôn thể, vì dắt nhau đi là muốn cứu mạng người, chớ thuở nay chưa có điều chi cùng nhau làm bại hoại phong hóa.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!