Cách hai bữa sau đang khi ngồi bàn ăn, Cẩm Tú nói với Đặng Song rằng:
– Chừng nào chúng ta giao bôi hiệp cẩn rồi thì chàng phải kiếm một chỗ tiểu tinh.
Đặng Song nghe lời thốt thình lình, lấy làm lạ như bưng tai sấm nổ. Hỏi rằng:
– Nàng mựa đừng giả ngộ, kiếm tiểu tinh mà để làm chi. Tôi thương nàng chẳng biết lấy chi cân cho đặng? Vợ chồng mới tình đương nồng mặn, nếu thêm người người cũng ra lòng riêng tây. Ấy là mới về người ta kìa, chớ dạ tôi thương nàng hoài, ngày dầm tháng thấm càng thương thâm thúy. Chớ chẳng phải như kẻ thường tình, ở với nhau lâu mà bớt điều yê ái, trí lo ra kiếm vợ bé cho phỉ tình. Vả lại làm trai hai vợ thì hại cho mình, lấy sự thiệt mà nói vì đa mái hại trống. Bát trong sóng còn có khi động, huống chi lớn bé mà chẳng rầy rà? Tôi dám xưng biết dạ đàn bà, phần nhiều, lòng khê hác, nước đời sâu sắc. Khiến trong nhà như đám giặc, ghen tương, phân áo, rẽ bâu. Nếu sanh con thì dòng lớn dòng thứ nó tranh nhau chẳng dễ đâu, trong nước Nam gương trước mắt biết bao mà kể. Người Âu châu một chồng một vợ là điều quí, ước ao ta phải noi gương. Vua chúa ta xưa có tam cung, lục viện mà còn thêm một trăm con mái mới lạ dường, vua ráng hết sức mà rưới võ lộ không phỉ cho nên bên Tàu mới có Tần Cung Oán. Còn nàng hình dung mạnh dạn chắc sẽ sanh con rân rát chớ chẳng lẽ không. Nói cùng mà nghe, như không con, thì ta xin một đứa nuôi cho hủ hỉ lúc già, chớ nhứt nguyện tôi không thèm vợ bé.
– Thiếp chả phải luận trong lẽ ấy. Vì dẫu có cưới gả rồi thiếp cũng ăn chay chẳng cho lửa bén hương. Chàng cứu thiếp nên thiếp phải nưng khăn sửa trắp mà đền nghĩa vẹn toàn, chớ việc chung gối xin chàng thứ dung cho thiếp. Vì thiếp đã hư đời, nhớp kiếp, ở lầu xanh mà khỏi bị mất đồng trinh thì thiếp biết, chớ chàng làm sao rõ thấu sự ẩn vi. Chàng rất thương, thiếp càng thẹn lắm thay, thiếp chẳng đáng cho chàng yêu mến quí trọng dường ấy. Như chàng thật thương thiếp, xin cho thiếp làm bạn cầm kỳ vậy, ấy là tình trong còn bề ngoài thì đãi nhau theo điệu phu thê. Chàng trượng phu mà thiếp không đáng mặt thuyền quyên, chẳng phải thục nữ mà quân tử hữu cầu thiệt là uổng lắm!
– Sự trinh tiết của nàng còn chắc cứng, vì hồi hôm cha cùng thầy và tôi có đi đến nhà Tú bà. Bởi lời nàng xin cho nên tới đó mà đáp ơn, khi gần kêu cửa thì nghe tiếng Tú bà đang luận bàn cùng một người khách. Cha và thầy cùng tôi kề tai vào vách, nghe Tú bà nói với khách lời nầy: “Công tử đổ đường ở dưới Bạc Liêu lên tới đây mà không gặp mèo cho xứng thiệt là đáng tiếc. Phải chi công tử đến đây cho kịp, có Hương Huê sạch lịch hơn người. Bị Đặng Song là một tay phú gia tới cưới rồi. Từ nàng về đây thì mới gặp có một mình Đặng Song công tử ấy thôi. Đóa trà mi đó chưa có con ong nào khác tới mở đàng đi lối về”. Dường ấy, cái đồng trinh của nàng đã thấy, rất hạp với cái sự tin của tôi.
– Chàng thương mà nói bướng cho rồi, người đời, khi thương ai dầu xấu cách nào cũng cho là tốt. Cho nên có câu “cơn thương thương vội, cơn lìa lìa xa”.
Nguyễn Phong nói tiếp:
– Cháu mựa nhiều lời mà đau lòng Đặng gia. Lời Tú bà nói thì bác và cha cháu đều nghe rõ ràng, chẳng phải chàng đặt chuyện.
Vợ Nguyễn Phước thốt rằng:
– Con đã nói đợi lịnh cha mẹ nay cha mẹ đã ưng lòng. Sao con còn tính chuyện lòng vòng, làm khó dễ phiền dạ chồng của con vậy? Khi trước con đà làm quấy, song mẹ cha dung phen thứ nhứt. Bận ni còn thói ăn quen, chớ trách mẹ, nghe không, Cẩm Tú? Vì con mà mẹ cha hình cú rũ, thảm sầu gần cởi tóc đi rồi!
– Thưa mẹ, ưng chàng thì con cũng vưng lời, trẻ không dám cãi. Chớ việc con xin chàng cưới vợ bé là việc tư của con, nên con mới dám khuyên chàng. Nay cha mẹ can gían con mô dám nói nữa. Song việc động phòng xin chàng đợi ít tháng nữa. Họa may có tin tức của anh thiếp chi chăng. Anh thiếp đã đi mấy năm trường, bị sanh cầm mà không chắc là chết. Còn nhà nước khải hoàn lâu lắm, nếu anh thiếp còn, có lẽ đổi tù giặc, thì ảnh cũng đã trở lại đất Pháp rồi. Nếu quả vầy, anh thiếp đặng phản hồi, thì trong đám cưới có mặt cha mẹ, bác và anh, lấy làm hữu hạnh cho thiếp lắm.
– Nàng tính vậy vui lòng tôi biết mấy, vì tôi cũng muốn dây dưa họa may nhờ trời cho anh Hai được về. Cưới nàng mà không có mặt anh Hai, theo cái tánh tự nhiên của tôi, thì tôi rất buồn bực.
– Thiệt chàng là tài đức, làm rể con cũng đúng bực với cha mẹ thiếp. Mấy ngày rày trọng đãi biết bao, cơn mẹ thiếp bất tỉnh nhơn sự, chàng tận tâm săn sóc. Nay lại tưởng tới anh Hai của thiếp, ơn chàng biết kiếp nào phai?
Tối bữa đó, Đặng Song dắt Cẩm Tú đi coi hát cải lương. Mới vô coi vừa được nửa tuồng, nhằm chỗ rất cụp lạc, vui lắm, hay lắm mà Cẩm Tú lật đật kêu Đặng Song theo ra bén gót, hai người lên xe hơi chạy riết về nhà. Đặng Song hỏi Cẩm Tú hát hay mà sao lại bỏ đi ra, Cẩm Tú chẳng đáp mà lại chứa chan giọt lụy. Về tới nhà Cẩm Tú chẳng kịp thay đồ, nhào vô mùng bụm mặt mà khóc. Đặng Song thấy Cẩm Tú sắc buồn mảng diện bèn ngồi gần bên han hỏi căn do.
Cẩm Tú làm thinh bộ mặt héo xàu, thở dài thở vắn, kêu Đặng Song nói:
– Hồi nãy, thiếp đang coi hát tới màn thứ ba, có một gã mua giấy hạng nhứt đi vô. Thiếp thấy rõ ràng là Hồ Hải chẳng sai. Nhưng mà không biết quả hay là tại mắt thiếp coi chẳng thiệt. Cơn thấy thiếp lòng quặn đau chẳng xiết, nhớ lại khi bôn tẩu cùng nhau. Sự tự nhiên cái cảnh hồi đó nó đồ lại rất u sầu, thiếp lui chơn trở gót mau mau, kẻo chàng Hồ thấy thì sanh điều bất trắc.
– Ủa! May dữ a! Nói vậy thì Hồ huynh chưa thác, vậy mà bấy lâu lưu lạc nơi nào? Thôi! Mình ở nhà để tôi tới đó kiếm coi, đêm nay thứ bảy hát tới sáng, chắc ảnh còn ở đó. Ôi lấy cái hình nầy đem theo nhìn ảnh.
Nói rồi chạy riết ra kêu xe kéo đi một hồi.
Cẩm Tú sợ run cho nên chạy theo không được mà dặn ít lời, bèn té xỉu trên mền mà nghỉ mệt.
Nguyên Cẩm Tú thừa ưa gặp Hồ Hải thì cảm xúc biết bao.
Thấy Đặng Song lấy cái hình chạy đi kiếm Hồ Hải, thì run lập cập gần té nhào, muốn cản lại mà mở miệng không ra tiếng. Vì trí tưởng Đặng Song đi kiếm Hồ Hải đặng có sanh chuyện rầy rà. Nếu hai chàng có xảy việc ra, sự hộ, hôn điền thổ không phải dể.
Đặng Song lên xe biểu chạy dông một nước, ít phút đồng hồ đã đến rạp hát cải lương. Chàng chạy vô tìm ngó tứ phương, theo ghế hạng nhứt, không thấy ai giống cái hình Hồ Hải. Khi ấy chàng rất nóng nảy, nhảy lên xe biểu chạy trở về. Gần tới nơi thấy một gã nam nhân, đi qua đi lại trước cửa ngõ mình mà có ý dòm hành việc chi vậy.
Đặng Song lại gần nhìn rõ ràng là Hồ Hải, vội vàng rằng:
– Anh có phải là Hồ huynh chăng?
Đáp rằng:
– Thưa phải. Mà sao nhân huynh lại biết tánh danh của tôi?
– Có hình đây nhơn huynh hãy coi.
– Ôi! Hình của tôi. Do nào về tay nhân huynh được? Nếu vậy Nguyễn tiểu thơ vô phước làm sao đây, nên hình mới rớt rơi? Khiến đồ vật tư nhơn, tiểu thô ôi có biết?
– Nguyễn tiểu thơ bây giờ là nội trợ của tôi, thiệt hữu phúc vô cùng, chớ không phải vô phúc như nhơn huynh nghi đa!
– Nói vậy nhơn huynh đi với tiểu thơ hồi nãy đây mà! Tôi mắc nhìn Nguyễn tiểu thơ lắm cho nên xem nhơn huynh không rõ, xin miễn chấp.
– Tôi mô dám chấp, xin mời dời gót ngọc vô tư tệ trang.
– Thưa cám ơn. Nay tôi rõ Nguyễn tiểu thơ phú quí giàu sang, bấy nhiêu đó cũng đủ cho tôi cổi tấm lòng sầu muộn. Xin cho tôi cáo từ sớm, vì mai nầy tôi còn trở về Trà Vinh.
– Xin chớ từ, tôi mời thỉnh thiệt tình. Chẳng phải đặt bẫy mà anh sợ.
– Tôi chẳng sợ chi hết, chỗ chiến trường tôi từng trải mấy năm. Thôi, tôi thấy anh thật dạ, thật lòng, xin đi trước cho tôi nối gót.
Cẩm Tú nghỉ một giây bớt mệt, ra đứng trước cửa mà ngó chừng, xốn xang xem một phút như một năm. Bỗng thấy Đặng, Hồ vào đến, Cẩm Tú dường giấc chiêm bao chưa tỉnh, đứng trân trân vì cảm xúc tràn trề.
Hồ Hải rằng:
– Chào tiểu thơ! Mừng tiểu thơ mạnh giỏi!
Cẩm Tú còn làm thinh chẳng nói, Đặng Song lại vỗ vai mà hỏi:
– Sao không chào đáp cho Hồ huynh?
Cẩm Tú đang giữa đôi tình, bắt chước Túy Kiều, nói rằng:
– Chào chàng Hồ đó, là người ngày xưa.
Đương hỏi han chưa rồi sau trước, Nguyễn Phước giựt mình thức nghe, chờ dậy coi có chuyện chi đây, mà đôi trẻ chừng nầy chưa ngủ. Ra gặp mặt xiết bao mừng rỡ, hỏi chào nhau tở mở hân hoan.
Hồ Hải hỏi thăm đôi cụm song đàng, nghe còn mạnh giỏi chàng vui chẳng xiết. Mỗi người đều thuật việc mình, thiệt có chỗ làm cho lụy rơi, có chỗ làm cho miệng cười. Hồ Hải xin lỗi Nguyễn Phước tha tội, Hồ Hải lại tạ ơn Đặng Song và nói rằng nếu chẳng có Đặng Song thì Cẩm Tú c9a4 lầm tay kẻ độc. Tội ấy về, Hồ Hải chịu, vì cah2ng dắt nên Cẩm Tú mới dám đi.
Nhưng mà Đặng Song lại nói Hồ Hải là ân nhơn của va, rằng nếu không có Hồ Hải thì Cẩm Tú đã cam bề tự ải. Nếu như vậy thì va già đời quyết không cưới vợ, vì va quyết rằng không còn ai đức hạnh và tài mạo bằng Cẩm Tú.
Cho nên va lấy nhiều tiền bạc mà tạ ân, Hồ Hải không lấy mà lại nói, nếu dùng tiền bạc mà đãi nhau như rứa, thì hổ thẹn lắm. Hồ Hải nói anh ta vì nghĩa mà thôi chớ tiền bạc như đồ phấn thổ, trong việc ngãi nhơn dừng dùng tới nó làm chi. Đặng Song biết chàng là bực trí tri, càng vì nể, lại càng yêu mến. Hồ Hải thấy Đặng Song chẳng ghen tương, biết là người quân tử trượng phu, cho nên vui dạ ở chơi hai bữa.
Trong cơn Hồ Hải ở đó, thì Đặng Song hậu đãi lắm. Đặng Song biểu Cẩm Tú bổn thân châm rượu mà dâng và biểu Cẩm Tú đàm đạo với Hồ Hải, nói rằng tình cũ nghĩa xưa, mựa đừng yểm cựu nghinh tân. Hồ Hải thâm cảm thạnh tình, còn Cẩm Tú thấy chồng thành thực đáng bực chí quân tử, đại trượng phu nên Cẩm Tú lấy thiệt lòng mà trò chuyện tất tình cùng Hồ Hải. Song hai đàng là đứng bình lễ quân tử, những điều cầm sắt bỏ ráo, duy lấy lễ chủ khách mà tung hô, đối đãi, cử chỉ cùng nhau mà thôi.