Thai dắt theo con bé Thơm ra đi, đáp chuyến xe khách chạy ba ngày một chuyến lên các vùng khai hoang, theo một dải đường quân sự làm gấp và bị bỏ dở, có quãng ngắn đã rải sỏi, có quãng chỉ kịp xây cầu, cống, mới là một vệt đất bây giờ mọc rậm rạp những rặng cây chó đẻ. Hai mẹ con xuống xe ở một nhánh dường chữ Y có chiếc cầu gỗ. Thai đứng ngơ ngác một hồi, ngước mắt nhìn lên những tầng núi đá bên tay trái lại cá bên tay phải con đường. Một ông già đội chiếc mũ phớt đã thủng chóp, dúm dó từ trong mé núi bên trái đi ra, một tay xách con cầy hương một tay xách khẩu súng:
– Cụ ạ – Thai chạy qua chiếc cầu gỗ đến gặp ông già – cụ chỉ cho cháu dường đi vào vùng núi Đợi.
– Núi Đợi phải không. Nó kia kìa! Đi lộn lại một đoạn có cái xác xe cháy thì rẽ. Ở đây người ta không gọi như trước nữa đâu. Chị có hỏi thăm thì chú ý.
– Gọi là gì ạ?
– Phải gọi là vùng Tử sĩ. Chị có biết vì sao có cái xe cháy nắm đó không? Xe chở anh em vào trong vùng núi Đợi để chôn cất. Sáng ngày ra chưa vào đến nơi thì máy bay nó đến…
Thai dắt con đi quay trở lại đến gần một cây số mới gặp chiếc xe cháy. Người ta đã tháo hết những bộ phận nào có thể tháo gỡ. Một đám đông người đáp chuyến xe cùng hai mẹ con Thai nhưng xuống trước bây giờ lại gặp nhau ở đây. Thai lại gặp một cảnh quen thuộc của những hồi còn trẻ đang ở dưới làng. Lại xoong nồi, dao rựa, những chiếc chiếu gập đôi bắt khum trong một bên quang thúng có đứa trẻ mắt thao láo ngồi nhìn ra cảnh núi non đầy lạ lẫm. Hai con chó, một con vàng và một con đen, có lẽ cuồng cẳng trong lúc ngồi ô tô, đang rượt nhau dọc đường cái. Gia đình nào cũng có người mặc áo lính, không bên này thì bên kia. Một người đàn bà ngồi bệt bên vệ đường, lục trong một chiếc làn mây lôi ra một chiếc áo lính ngụy rằn ri cáu đen mồ hôi, một bên vai phái của tấm áo trận nòng súng cà vào rách xơ được trải lên cái đùi mập mạp vận quần đen, chị lại lục chiếc làn lôi ra một mảnh áo quân phục bộ đội cũng rách nát, lựa một miếng đem đặt úp lên chỗ vai áo rằn ri rách. Người đàn bà ngắm nghía, nghiêng nghiêng mái đầu một lát rồi mới xỏ kim. Ngồi sau lưng người đàn bà là một thằng bé tóc xoăn tít, đen như cột nhà cháy đang ngủ gà ngủ gật, vẫn ôm khư khư trong hai bàn tay một cái bát hương. Bỗng thằng bé đổ lăn kềnh xuống lòng một ông lão già mặt mũi dăn deo nhưng hai con mắt nhìn ra chung quanh lúc nào cũng tươi cười, đàng sau cố chiếc áo dạ màu cứt ngựa của ông lão giắt một phong hương đỏ có in hình ông Phật ngồi trên toà sen.
– Chị, – Thai hỏi người đàn bà đang chăm chú vá áo, – đoàn khai hoang ta sắp đi vào đâu?
– Vào vùng núi Tử sĩ. Bà cũng muốn vào trong ấy?
– Vâng. Bà con ta đã đi thăm đất rồi chứ?
– Còn thăm với nom gì nữa! – Ông già nói, cúi xuống giũ giũ cả một mớ cát lẫn chân hương đứa cháu vừa đánh đổ lên tấm áo dạ cứt ngựa. – Chúng tôi đã lên một lần rồi, làm được hai vụ, thậm chí có người đã làm nhà làm cửa trên ấy, dưng rồi lại phải kéo nhau về.
– Sao vậy ạ?
– Không tranh nhau được với cỏ lau.
– Ngày xưa cháu đã tùng vỡ đất ở đấy, thấy cũng có gì khó lắm đâu.
– Ngày xưa làm sao bì được với bây giờ. Chị cần phải thấy rằng khi cỏ lau đã được xương thịt người tưới bón…
– Thưa cụ, bà con ta đã bỏ về rồi sao bây giờ lại trở lên?
– À, chẳng những người ta trở lên mà những người chưa lên lớp này cũng ùn ùn kéo lên. Thật là vui đáo để. Người ta đang đánh nhau vỡ đầu vì tranh giành đất ở trong kia kìa. Là bởi vì anh em bộ đội đang cần di chuyến mồ mả. Họ phải dọn hết cỏ lau. Đất cát được lật lên hết. Thế là tranh nhau, chỗ nào có đất đã được dọn hết cỏ lau là người ta lao vào tranh nhau. Người thành phố sống bằng cửa hiệu, còn cái người nông dân chúng tôi sống bằng đất. Mà hòn đất sống bằng cái gì? Đất lại sống được bằng cốt nhục của tổ tiên, ông bà cha mẹ đã gửi lại. Còn đất ở trong vùng cỏ lau kia lại còn được tưới bón bằng cốt nhục anh em bộ đội giải phóng. Tội nghiệp anh em đã hy sinh vì nước, lại đem xương thịt tưới bón cho vạt đất khai hoang chúng tôi đế cây lúa, cây sắn mọc. Cho nên bà coi đó, mặc dầu rằng chưa có gì bày cỗ cúng bái nhưng chúng tôi nhà nào cũng mang theo bát hương cùng mấy thẻ hương để đốt lên cho anh em!
Một người đàn ông lún phún vệt ria đen nhánh, nửa người trên đế trần, ôm trên cánh tay lực lưỡng một con lợn bột, đến ngồi sát bên người đàn bà đang vá áo, quay lại cười cười sau vệt ria:
– Còn cốt nhục đám chúng tôi, họ có thắp hương không?
– Bảo thằng Mỹ nó thắp cho. Nhưng thằng Mỹ không còn ở đây nữa thì tôi cũng thắp. Cả các anh cũng tưới bón cho hòn đất.
– Bọ thì lúc nào cũng hòn đất, hòn đất. Coi hòn đất quý hơn vàng.
– Vậy thì khẩu súng mới là vàng? Ừ thì tôi già tôi lẩm cấm, lẩn thẩn. Dưng mà tôi coi các anh cả một lũ đấy, cầm súng bao nhiêu năm giờ lại quay về với hòn đất. Phía bên các anh cũng vậy mà phía bên bộ đội giải phóng cũng vậy.
Anh lính ngụy choàng cánh tay lên vai người đàn bà đang vá áo, gân cổ cãi ông lão:
– Tôi chỉ về với mụ đàn bà này.
– Đàn bà cũng là đất. Phàm cái gì thấm nước, phải có nước mới sống được đều thuộc về thổ, mộc hết. Đấy anh coi, đàn bà phải chứa đầy nước mắt trong người mới là đàn bà. Đàn bà cũng như đất cát màu mỡ, cây cối tươi tốt. Thanh niên các anh bây giờ mê súng đạn còn như tôi hồi trẻ chỉ có mê gái.
Đường đi vào là một lối mòn của dân đi cắt lau, lượm củi, có quãng đi men theo chân núi đá. Con bé Thơm sau khi nghe chuyện ông lão cứ phải bậm miệng lại để khói cười phá lên bởi một ý nghĩ đầy quái gở vừa nảy ra trong cái đầu của nó. Thai cầm tay con đi sau ông lão hay chuyện lúc bấy giờ đang quay sang hỏi:
– Chị dắt cháu vào trong ấy để làm gì?
– Dạ, con đi thăm… một người.
– Người chết hay người sống?
– Người sống ạ.
– Vậy thì tôi có lời mừng cho chị. Trông tôi đây này, răng rụng đã gần hết. Thằng địch bẻ đi mấy chiếc, tự nó già lão rụng đi mấy chiếc. Thèm chui vào đất nhưng ông trời chưa cho. Chao ôi, thời buổi khủng khiếp, mấy đời người mới có một lần. Người trẻ thì chết, toàn hai mươi, mười tám, còn người già thì sống. Vi – đột nhiên ông già gọi thằng bé cháu đen như cột nhà cháy ôm cái bát hương – đội cái áo này lên đầu kẻo nắng. Mày tưởng mày tài chịu nắng hứ? Nó là dòng giống Mỹ châu Phi đó chị ạ. Mẹ nó là con dâu tôi. Còn chồng con dâu tôi, tức là con trai tôi, nó đang ôm cái cặp da đi trên đầu kia kìa! Nó bây giờ là chủ tịch xã cơ đấy. Nói giấu gì chị, đến cả tôi cũng phải sợ nó. Nó là cán bộ nằm rừng về – ông lão cầm thẻ hương khoát một vòng ra phía trước – trong mười mấy gia đình đi khai hoang đây, nhà nào mà chả đào hầm cho nó rúc, nhà nào mà nó chả ăn mòn bát mòn đũa nhà ngươi ta, có chị lại còn cho nó ngủ. Có người đi tù Côn Lôn, Phú Quốc vì nó. Vậy mà đến bây giờ nó chẳng thương người ta, nó chả thèm đoái hoài đến một ai đang lâm vào cành khốn khó. Con mắt nó không còn biết nhìn nữa mà chỉ còn biết quắc lên. Cái miệng nó không còn biết cười nói, mà chỉ còn biết quát tháo, gầm gừ. Nó không còn biết thương người. Đến vợ nó bị lính Mỹ da đen hiếp, giá tôi không ra sức can ngăn thì ngày xưa nó đã giết.
– Trời ơi, bây giờ vợ chồng ra sao hở cụ?
– Bây giờ nó có quyền ông chủ tịch, tôi không can ngăn được. Nó đã đuổi đi. Đứa con dâu tôi mới rồi đây đã toan nhảy xuống giếng tự vẫn. Còn nó thì bây giờ, gái cả làng, chú tịch lấy ai chả được. Nó sắp có vợ mới.
Ông lão bỗng im như hến lát lâu, lại mới nói:
– Nhưng cái cô đẹp nhất làng được nó phải lòng cũng là đứa con gái tử tế hiền lành. Dưng tôi xem ra cái hạng người ác từ đất mới mọc ra này, cái hạng như thằng con trai tôi, nó cứng rắn lắm! Nó có tính mê gái nhưng không mê đến quên hết ráo như đám già chúng tôi ngày còn trẻ. Nó mê mà vẫn tỉnh. Là bởi vì nó còn mê quyền lực, mê làm lên chức tước cao hơn. Chị ạ, đời tôi đã chứng kiến bao điều ác. Dưng lần này mới chứng kiến cái ác nó mọc ra từ trong máu, trong thịt mình.
*
* *
Nhóm thanh niên đã đào thấy hài cốt Phi. Họ phải đào một vùng rộng hon mẫu đất mới tìm thấy. So với tấm sơ đồ vẽ hết sức cẩn thận lấy vật chuẩn là một hình người đàn bà bằng đá cõng con thì bộ cốt đã xê dịch hàng mấy trăm thước. Hòn đá vẫn đứng đó một chỗ giữa trời không xê dịch, hay là chính Phi đang đi lang thang trong lòng đất? Anh đi tìm gì? – Tôi nghĩ một mình. – Hay là anh đang đi tìm tôi?
Buổi chiều đó khắp vùng thung lũng cỏ lau có những dải nắng đi qua rặng núi đá lờm chởm có tên là rặng Mành Mành chiếu xuống mặt đất như những thanh chấn song cưa sổ. Khoảng một trung đội của đoàn chính sách và Phi Phi cùng số bạn bè đứng vây quanh một cái huyệt nhỏ. Chiếc tiểu sành phủ lá Quốc kỳ đã được Phi Phi cùng với Phận khiêng đặt xuống huyệt. Thanh niên họ làm cái gì đều được quyết định chóng vánh, đột ngột. Trước đây chỉ một buổi, chúng tôi đã chuẩn bị đưa Phi lên xe về nghĩa trang thì mấy người họ chụm lại trao đổi với nhau điều gì đó. Sau đó Phận chạy đến gặp tôi xin cho Phi cứ nằm lại đây, coi như ngôi mộ riêng. Và họ lại đề ngôi mộ cần táng của Phi nằm đúng như trong sơ đồ mộ chí đã vẽ hồi chôn cất.
Nỗi đau mất mát trong lòng người đàn bà lắm khi chả khác nắm cỏ trong dạ dày loài nhai lại. Phi Phi tưởng đã khóc hết nước mắt khi mới nhận được tin Phi mất. Nhưng trong âm thầm nước mắt lại sinh như con nước sinh, cả trong khi đứng chường mặt ngoài ngã ba, cả trong những lúc cô cười nói, chớt nhả, chài hết mọi người, chế nhạo hết mọi người, những giọt nước mắt vừa mặn chát vừa cay chua.
Người con gái cầm vo tròn mảnh vải đỏ trong lòng bàn tay dùng làm khăn lau giọt nước mắt lẫn lộn với đất cát, những ngón tay tỏe ra kê dưới má, hai con mắt như từ một thế giới tâm tường xa xôi tận đâu đâu hơi nghiêng nghiêng, hai hàng mi đẫm ướt phủ rợp hai lòng con ngươi đăm chiêu, đầy ảo não hết nhìn xuống cái lỗ khoét trong đất, lại ngước lên nhìn cái vật chuẩn đánh dấu ngôi mộ, một hình người đá cõng con đứng giữa cái nắng xiên khoai buổi chiều.
– Tôi dại, mới mười tám tuổi chưa có chồng, tôi không dám đẻ con – Phi Phi kể lể chậm rãi, thật thà đến mức thật khó nghe trong những lúc như thế này, vừa nói với mọi ngươi đứng chung quanh, vừa nói với Phi đang nằm trong đất, vừa nói với hình người bằng đá đứng giữa trời – người nào cũng bảo tôi là đứa con gái ngỗ nghịch như con trai nhưng kỳ thực tôi lại non gan sợ người đời chê cười, tôi không dám đẻ đứa con với anh ấy. Tôi bí mật đi phá thai ở nhà đốc tờ riêng khi anh ấy ra đi mới được một tháng. Giọt máu anh ấy. Đứa con của anh ấy. Giá đứa con của tôi với anh ấy còn thì cháu nó đã ba tuổi. Giọt máu của anh ấy cho tôi mà tôi lại đem hủy đi. Tôi thật ngu dại…
Tôi bước lên mấy bước, trong ruột đầy bồn chồn. Những chiếc rễ cỏ lau xoắn xuýt đầy sức sống nằm lẫn lộn trong đất mới được đào lật lên trên cái gò đất đỏ như máu, đang xông lên một mùi ngai ngái, hăng hắc mà người lính đã ngửi suốt đời cầm súng, lúc đào công sự, lúc làm lán ở, lúc ăn lúc ngủ, cho đến khi nằm xuống. Tôi đứng trước mặt Phi Phi. Lúc bấy giờ sau khi như sực tính cô cầm lá cờ đã ướt đẫm nước mắt vuốt lại cho phẳng, đem trải trở lại trên cái nắp tiểu bằng đất nung già vì thế mà hơi vênh.
Phận đứng sau xốc lại cổ chiếc sơ mi nhàu nát, bần thiu. Sau mấy lượt xốc lại cặp kính trắng, Phận “ê hèm, ê hèm” mấy tiếng mà tôi đoán là muốn ra hiệu cho Phi Phi đứng lên. Không khí đã có vẻ lễ nghi trang trọng bắt đầu từ lúc tôi trong bộ quân phục mùa đông với cặp quân hàm ba sao hai gạch trên ve áo, bước lên mấy bước.
– Huệ, Huệ.
Phận gọi tên thật mà không dám gọi cái tên đùa hàng ngày. Mọi người đứng chung quanh đều thấy trên người Phi Phi có một cái gì chương chướng vào lúc này, tôi cũng thấy đó là mấy tờ giấy bạc kẹp trong cái kẹp tóc cùng với mái tóc cuộn lên một cách cẩu thả phía sau đầu, trong lúc xắn quần phạt gốc lau. Cái đuôi tóc cứ vẩy vẩy khiến mấy tờ giấy trăm đồng màu đỏ cũng nhảy nhót theo. Chỉ có người đứng ngoài thấy chứ Phi Phi nào có biết gì, cô đang quan tâm với cái nắp tiếu sành không được bằng. Cô cuốn mấy lá lau gập làm tư, làm tám chêm vào, xòe mười ngón tay ẩn thử, chiếc nắp tiểu vẫn gõ xuống thành tiểu lạch cạch, cô rút chiếc cặp tóc kéo theo cà mái tóc sổ ra, cầm luôn mấy tờ giấy bạc cùng cái cặp tóc nhét đệm vào.
Tôi đứng im, vừa nhìn Phi Phi vừa nhìn Phi – người liên lạc của tôi trong khoảng cách thời gian hơn ba năm về trước. Ngày bấy giờ lúc Phi nhảy ra khỏi cái cửa hầm chữ Y, một lần nữa tôi thét gọi quay trờ lại nhưng đến bấy giờ đạn pháo tăng 57 ly, 37 ly lẫn lưới đạn trọng liên cối xay bốn nòng trên nóc các xe thiết giáp đã chụp lấy Phi. Nó bắn đến ù tai, long óc, nó bắn dày đến nỗi hòn gạch, mấu gỗ cũng không kịp rơi xuống đất. Cũng không còn là bắn nữa mà đang băm vằm, đang xé nhỏ cái mặt đất tráng. Tất cả cái lưới lửa đối đầu với cả một tiếu đoàn chúng tôi đêm tập kích bây giờ nó đem chụp xuống đầu một người.
Lúc Phi ngã xuống bị thương nặng có mấy anh em ở trong một chiếc hầm gần đấy rất dũng cảm nhảy ra kéo anh xuống hầm. Họ kéo Phi về hầm được nhưng địch nhìn thấy, lại bắn, lại thêm một người bị thương và một người hy sinh.
Tôi quyết định nói hết. Phi Phi bằng việc làm đã gợi ý cho tôi cần phải nói ra hết tất cả sự thật tôi là một con người của chiến tranh. Không màu mè, không giáo đầu, tôi kể lại vắn tắt nhưng hết sức thật thà, không hề gượng nhẹ một lời nào cho mình tại sao tôi đã giết một con người. Tại sao tôi đã giết Phi người chiến sĩ liên lạc của tôi và ít nhất là thêm một đồng chí của mình nữa ở cái góc thành Đông Nam. Giá lúc bấy giờ, trước đó chỉ mấy phút, người chiến sĩ khôn ngoan hơn, biết mím miệng: Đừng có góp lời bình luận về trận tập kích thất bại, hoặc bình luận sau lưng mà không nói ra trước mặt tôi như mọi người vẫn làm, hoặc giả anh là một kẻ lính dốt nát chỉ biết tuân lệnh ngoài ra chẳng biết gì, không nói trúng vào những điều tôi đang muốn giấu:
Trong khi chuẩn bị trận đánh tôi chỉ có ra lệnh mà không kiếm tra và nhát gan sợ chết trong một lúc trận đánh quá ác liệt, đã để cho xe tăng địch khống chế được cái tha ma, khi mà chúng ồ ạt phản kích vào lúc nửa đêm. Hoặc giả trước đó giữa tôi và người trưởng của tôi, chính ủy trung đoàn, trong tình thế chiến đấu của đơn vị đầy quyết liệt, chúng tôi không ai để bộc lộ mình ra hết, không đế xảy ra những hục hặc, đòn phép, thậm chí kèn cựa địa vị, lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng chính ủy lấy cớ tôi được tiếng là xông xáo và am tường quân sự đế phái tôi đi tổ chức và chỉ huy trận phản kích là một trò chơi nham hiểm nhằm nhiều mục đích một lúc.
Tôi không kể ra những điều về người chỉ huy. Nhưng tôi nói ra hết những điều về mình: Chỉ vì một con giận với người khác, lại một chút tư thù đầy nhỏ nhen với người lính mà tôi đã đưa người lính đi vào chỗ chết.
Tôi thấy hai bên má bỏng rát, mắt đổ hoa, Phi Phi nhảy bổ vào tôi như một con thú đầy giận dữ giang tay tát tới tấp, vừa tát vừa nguyền rủa: “Thế mà tôi cứ nhầm là ông tốt! Hóa ra mày là kẻ giết người!” Những người lính của tôi cùng cả đám thanh niên thản nhiên đứng để cho tôi chịu trận một lúc mới ào ào nhảy qua cái huyệt lôi Phi Phi ra giữa lúc cô đang gào lên: “Cho tôi mượn khấu súng. Tôi bắn chết…
… Tôi ngẩng lên, giật nảy mình bởi một loạt tiếng lách cách của quy lát thúc viên đạn vào nòng súng. Một tổ ba người lính của bộ phận nghi lễ ăn mặc tề chỉnh không biết từ lúc nào đã đến đứng sắp hàng ngang chỗ cuối huyệt đất, ngay trước mặt tôi.
Trợ lý chính trị của đoàn, không biết từ đâu vừa ló ra ghé vào tai tôi: “Làm đi anh!”
Khói nhang đã bay cuộn lên ngào ngạt. Ba người lính nghi lễ ép nòng ba khẩu tiểu liên AK vào hông, đứng thẳng đơ, mặt mũi như tượng. Phi Phi cuống quýt quay trở về chỗ đứng bên một cô bạn gái “phe phẩy”, đang vội vã quấn lại mái tóc. Không biết từ lúc nào không khí lễ nghi đã bao trùm lên, làm cứng nhắc mọi nét mặt, cử chỉ.
Trong không khí trang nghiêm và đầy thiêng liêng xúc động, tôi chỉ có quyền được phép ăn nói hành động theo thủ tục nghi lễ. Tôi bất lực không thế quay ngược vòng quay đầy nghiêm ngặt của một cái guồng máy nghi thức đang cuốn theo hết tất cả mọi người. Người chết đã chết, chẳng thế ngồi dậy dưới huyệt để nói lên sự thật, vậy anh hãy nói điều gì cho người sống nghe thấy yên tâm, mãi mãi ghi nhớ người thân của mình đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhiệm vụ, vì cuộc sống tốt đẹp ngày mai của người đang sống, hãy đừng làm người sống đau khổ hom.
Và cả với tôi, điều đó cũng chỉ có lợi.
Tôi cuống lên, lục hết các túi. Đáng lẽ công việc này là của phó đoàn Phong. Từ trước đến giờ Phong đã làm quen nhưng hai ngày nay Phong lại phải chạy đi khắp các cửa.
May sao, đồng chí trợ lý chính trị đã tinh ý tìm cách tuồn cho tôi một bản khác. Đấy là một bài điếu văn đã được đánh máy sẵn, chỉ cần lắp thêm tên họ, do chính đồng chí trợ lý chính trị của đoàn, người văn hay chữ tốt nổi tiếng soạn thảo đầy công phu.
Lễ cải táng Phi tiến hành theo nghi thức lễ an táng, đặc biệt còn có ba loạt tiểu liên bắn chỉ thiên sau khi tôi đọc điếu văn xong và trước khi lấp đất lại.
*
* *
Phi Phi gọi rất khẽ:
– Em, Thơm, chạy ra đây với chị.
Tiếng con bé chúa nghịch lúc này đang thì thầm:
– Mạ em đang ở trong này.
– Không được vào đấy, em chạy ra đây với chị.
Tôi nghe tiếng bước chân con bé giậm trên vạt đất đầy lồi lõm, mãi còn nghe loáng thoáng:
– Ở đây là đâu hả chị Huệ?
– Vùng núi Đợi, người ta hay gọi vậy.
– Núi gì mà lắm núi trông như hình người. Vậy chị làm gì ở đây.
– Chị… chơi…
– Vậy thì chị Huệ cho em ở đây chơi với chị.
– Không nên đâu… em phải chơi… những nơi khác.
Vừa mới đến từ chiều đến giờ mà đã hai lần Thai gục vào tôi khóc rấm rứt, nhắc lại cái đêm Thai cùng ông già tôi và thằng Hệ, nửa đêm đi ăn trộm cái xác cúa tôi ngoài sông Đồng Vôi về.
Tôi hỏi thăm về cái chết của thằng Hệ, được biết rõ hon những năm chiến đấu giữa vùng sâu đầy dũng cảm thầm lặng, nhưng chẳng bao giờ thấy đài phát thanh hay báo chí nói đến trung đội du kích thoát ly của thôn Đồng Vôi chúng tôi.
– Anh Lực ạ, em đã nói cho cha biết là anh có thế… hãy đang còn sống.
– Ông già anh có bảo gì không?
– Cha khóc.
– Coi chừng ông già anh có tin không?
– Không. Cha bảo: Hồi nào mày cũng cứ nằm mê thấy nó rồi tưởng thật.
Tôi bùi ngùi nhớ ông già tôi lâu nay đang ở với vợ chồng Thai dưới cái thị trấn Thành Cổ.
– Sau đây rồi em tìm cách nào đưa ông già anh lên đây với anh. Tội nghiệp…
– Anh hãy về gặp cha ở nhà em dưới phố. Cha già nua bắt cha lên đây làm gì.
Tôi không muốn nói cho Thai biết ông Quảng đã lên gặp tôi và có cuộc nói chuyện trên khu nghĩa trang, chỉ hỏi Thai một cách vui vẻ:
– Còn đứa con gái rất thông minh của em đã mách với em những gì.
– Anh không biết chứ – Thai bỗng cười – nó thuộc tên nửa thị trấn, quen hết các bà hàng quà bánh. Hôm ấy em ở chợ về à nó thuật lại tỉ mỉ hết, không những tường thuật mà lại còn bình luận. Nó kể nó đã dẫn anh ra ngoài mộ anh với mộ chú Hệ như thế nào, rồi anh không dám dẫn nó vào chợ thế nào.
– Nhưng còn em, em có tin là anh còn sống không?
– Lạ thật, lúc nào em cũng cứ tưởng như anh hãy còn sống. Suốt bao nhiêu chục năm rồi như vậy. Em vẫn sống với anh, nhưng lúc sáng ngày bước chân ra đi, em lại chỉ phấp phỏng hy vọng một đôi chút nào thôi.
Chiều nay, lúc chúng tôi ỏ đám cải táng cho Phi ra, cậu trợ lý chính trị đang đứng bên tôi bỗng đưa tay chỉ về phía trước.
– Lại thêm một người đàn bà dắt con đến kìa! Tôi ngước lên nhìn thấy một người đàn bà mặt mũi trắng nhợt, đã thất thần đi như chạy về phía tôi, tôi cũng thất sắc nhận ngay ra Thai. Tự nhiên Thai buông tay con bé, miệng cứ há ra, lảo đảo, hai chân ríu lại như tự nhiên bị trói. Giữa sự ngạc nhiên của mọi người và cũng chẳng còn thiết nghĩ đến ý tứ, tôi chạy tới bế ngang người Thai, một tay đưa ra bế con bé lại gần. Cái con bé Thơm sợ quá đã suýt khóc.
Đến bây giờ chúng tôi đang ngồi sát bên nhau trên một đồng cỏ lau phơi nắng đã héo rũ bên bờ con sông Đồng Vôi mà mùa khô đã vắt kiệt đến giọt nước cuối cùng đáy sông trơ ra. Tôi đưa mắt nhìn dọc chân dãy núi đá phấn tìm cái hòn đá hai mươi bốn năm về trước tôi đã cột dây neo thuyền. Trăng đầu tháng mọc phía sau lưng hình người đàn bà bằng đá từ lúc mặt trời lặn, tôi ngước nhìn lên một chiếc thuyền vàng đi chòng chành giữa nền trời. Dưới trăng đám thanh niên đang hát. Đêm nay, Phận cùng nhóm bạn chơi thân với Phi ngày trước cùng các cô bạn gái “phe phẩy” của Phi Phi đang ngồi với nhau một đêm cuối cùng. Ngay mai tất cả họ sẽ từ biệt Phi ở lại đây và từ biệt lẫn nhau, mỗi người đi một ngả. Tiếng hát lẫn tiếng đàn bập bùng.
Điều đó sẽ xảy ra
Em biết và anh biết
Một mai anh chiến thắng trở về.
Làn da sạm màu sương gió.
Em bổng vùng chạy đến bên anh
Rồi cười rồi khóc.
Anh, người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng dãi đâu.
Anh, người chiến sĩ mái tóc sương và gió bạc màu.
Thai đứng dậy cầm tay tôi dắt đi giữa lòng con sông Đồng Vôi ở cái khúc thượng nguồn, tưởng như chúng tôi cứ thế đi suốt đêm sẽ về đến làng. Hai mươi bốn năm, cả tôi và Thai đều đã già. Chúng tôi đã đánh mất nhau suốt cả một thời trẻ tuổi, nhưng trừ phi kẻ sống người chết, bây giờ gặp lại nhau chúng tôi không thế nào quen được trông thấy mỗi người có một cuộc đời khác. Chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Tôi không dám nghĩ đến ngày mai Thai lại trở về với gia đình. Tôi biết rằng chỉ có người đàn bà đang đi bên cạnh, giữa đáy con sông khô này mới có thể xoa dịu bao nhiêu vết thương mà chiến tranh đã để lại trong lòng tôi. Hồi này tôi không ngủ được, mỗi đêm là một chuyện tự thú.
Thai quay sang tôi, vẫn hai con mắt đẹp nồng nàn:
– Anh Lực, anh nghĩ thế nào cho em hả anh?
– Không thế được đâu em ạ. Em không thể bỏ con, bỏ gia đình.
– Em sẽ van xin với anh ấy cho em được nuôi nấng mấy đứa con em. Anh ấy thương cho thì được, bằng không em cũng tay trắng trờ về với anh. Vớt vát còn mấy năm tuổi già, em sống với anh.
– Anh liệu ông ta không thuận đâu Thai ạ.
– Thuận thì khó thuận. Quá lắm thì em quỳ xuống lạy anh ấy… xin cho em trở về với anh.
Tôi cầm tay Thai dắt đi quay trở lại. Tôi nhìn đăm đăm một ngọn đèn của gia đình ai vừa thắp trong ngôi nhà đất của những người đi khai hoang. Tôi đi sát vào Thai, tìm lại hơi thở cũ, hơi hướng cũ, lại tìm một chỗ trú nấp cho linh hồn mình, vẫn biết một cách đau đớn rằng cuộc sống đã an bài, Thai chẳng dễ thay đổi được hoàn cảnh. Và rồi cuối cùng giữa những hình người đàn bà bằng đá đây cô đơn giữa trời xanh đứng nhìn xuống một vùng thung lũng đất đai được tưới bón đã trở nên phì nhiêu, có một người lính già sống suốt đời ỏ đấy cùng với một ông bố, trồng sắn, gieo lúa trên một vạt đất có một ngôi mộ, thỉnh thoảng một mình chèo một chiếc thuyền gỗ xuôi sông Đồng Vôi về làng chơi.
Tôi lại nghe tiếng Phi Phi sau một lùm có lau:
– Em, Thơm, chạy ra đây với chị nào.
Tiếng con bé nghịch ngợm lúc này đang reo ầm ĩ:
– Chị Huệ lại đây. Em tìm được mạ em đây rồi.
11-1987
In theo bản in Cỏ lau của NXB Văn học, 1989.”