Cỏ lau – 3

Tôi đặt đứa trẻ xuống. Tự nhiên tôi hơi ngượng với nó đồng thời cảm thấy một chút hơi hướng của một người đàn bà mà ký ức đầy hoang vắng của tôi còn giữ gìn được cùng với những ngày tháng, những khung cảnh tôi đã đánh mất.

Tôi chợt nhớ lại ngày ấy cưới Thai về bên nhà tôi xong, tuy chỉ còn phép được ở nhà có mấy ngày nhưng tôi tranh thủ làm được khối việc cho cha tôi. Sáng nào tôi và Thai cũng đánh chiếc xe trâu vào rừng chặt củi. Có hôm hai đứa chống chiếc thuyền gỗ ngược dòng sông Đồng Vôi lên những vùng thung lũng tận trong khe núi, mãi tối mịt mới về. Dạo ấy đang giữa tháng mưa, con sông Đồng Vôi trước làng ngập đầy nước ăm ắp, gia đình nào cũng hạ những chiếc thuyền buộc úp sau vách liếp xuống đế đi đào sắn hoặc đi cắt tranh về dọi nhà. Thai mảnh khảnh như chiếc lạt mà sức dai hơn tôi . Cả ngày đi làm, tối về lại đi gác, đi hội họp với anh chị em du kích Có hôm mãi gần nữa đêm mới mò về gõ cửa buồng cành cạch: “Anh Lực, anh Lực”. Tôi đã choàng thức dậy nhưng lại giả vờ ngáy rất to. Thai vòng ra sau nhà lấy báng súng gỗ vào vách liếp chỗ đầu giường. Cha tôi nằm ngoài hè phái lên tiếng: ‘Mi ngủ chi mà ngủ như chết vậy Lực?” Thai biết thừa tôi dang trêu cô nên liền đánh tiếng: ‘Anh ấy ngủ say lắm, vậy thì con trở ra ngoài trạm gác ngủ với các chị em vậy?”. Tôi cố nhịn cười, lần dậy đi rón rén tới kéo cái then cài cửa. Tôi quẹt diêm châm đèn nói nghiêm trang:

– Em đưa cái báng súng anh coi nào?

– Cái báng súng làm sao?

– Coi nó có vỡ mất không?

Thai trả miếng:

– Cứ tưởng là anh kiên gan. Người ta vừa dọa đi ngủ ngoài trạm gác đã vội vàng nhảy bật dậy.

Tôi nhìn chiếc răng khểnh như con mắt nghịch dưới ánh đèn cứ lấp lánh:

– Chồng con rồi mà còn gác xách. Tôi không cho vợ đi ngủ ngoài trạm gác đâu. Du kích với lại du quéo!

– Anh không nên đưa chuyện ấy ra mà đùa, Thai tắt đèn, vừa đặt mình xuống bên cạnh đã giang tay ôm ngang ngực tôi – vài hôm nữa anh đã phải đi rồi! Hay là ngày mai anh ở nhà cho khỏe lấy sức mà đi đường. Một mình em đi dỡ sắn cũng được.

– Anh đi với em – tôi nói rất nhỏ – hai đứa chúng mình còn ở với nhau được mấy hôm nữa đâu.

– Mai em vào tận trong chân núi Đợi, cũng phải chống thuyền mất già một buổi mới vào thấu tới nơi, vất vả lắm!

Sáng ngày sau, tôi buộc hai vắt cơm vào đầu bơi chèo ra đi từ lúc còn tờ mờ đất. Cái bến dốc thẳng. Một hàng bậc chạy ngoằn ngoèo lát bằng những phiến đá ong sứt sẹo phủ đầy rêu. Cứ từng quãng dọc bờ sông lại hiện ra một khoảng tối sẫm hình vuông vức – những khu vực dân các xóm đã khoét lõm xuống đế lấy đá ong từ mùa khô con sông Đồng Vôi cạn thấy đáy. Tôi lần từng bậc đá đưa tay sờ cái cọc buộc dây neo thuyền. Chiếc thuyền của cha tôi đóng từ thời mẹ tôi còn sống đã nát, lại lâu chưa xảm lại, qua một đêm nước đùn vào xâm xấp bụng chân. Tôi đặt chân vào lòng thuyền, nước buốt như cái đai sắt ôm một vòng quanh hai bắp chân, tê dại. Một con cá măng to dại dột nhảy vào trong thuyền từ hồi đêm thấy động vội vã ném mình lên. Tôi đưa tay chộp nhưng bị hụt? cái lườn con cá óng ánh vẽ một đường sáng chênh chếch ngay trước mặt tôi, một mùi tanh ẩm ướt xộc lên mũi, con cá hút chết văng mình được ra ngoài sông. “Thật phúc tố cho mày!” Tôi kêu lên một tiếng tiếc rẻ và đứng doạng chân tát nước.

Ánh sáng buổi mai nứt ra từ một vệt lô nhô của bờ cây chạy dọc theo gờ đất ở bên kia. Bờ bên kia có tiếng í ới gọi thuyền xin sang ngang. Tôi bắt khum hai bàn tay lên miệng làm loa gọi sang cái khoảng tranh tối tranh sáng:

– Đi quá lên một quãng có cầu đấy!

– Chúng tôi mắc xe máy không qua cầu tre được. Nhờ cho qua một chút.

Tôi chèo thuyền sang. Dưới một lùm tre um tùm uốn vồng hình đuôi gà trống có một tay thanh niên gầy gò đứng bên chiếc xe máy sơn đen, đang hút thuốc lá. Thằng Nhi không vận kaki xám như mọi ngày mà mặc một bộ bà ba đen đã cũ như kiểu cán bộ dân chính ở chiến khu.

– Anh Lực mà tướng ai – thằng Nhi luống cuống, lúng túng – tôi có nghe tin đám cưới anh với chị Thai… đã định vẽ mừng anh chị.

Dắt xe xuống thuyền xong nó giành lấy chiếc bơi chèo trên tay tôi.

– Cậu cứ ngồi – tôi lạnh lùng – thuyền nhà mình, mình chèo quen rồi.

Tôi chèo thuyền trở về được một lúc mới thấy Thai ra bến, mang theo lủng củng nào dao rựa, xoong nồi, chiếu đắp. Thai vừa bước xuống thuyền vừa xuýt xoa vì rét, hai con mắt lấp lánh sau vuông khăn đen ôm chặt đôi má đỏ ủng. Không hiếu sao tôi thấy bực cả với Thai, cầm sợi dây neo thuyền ướt sũng vất đánh uỵch vào giữa khoang:

– Đi thôi, sao em ở nhà lâu vậy?

– Em phải dọn dẹp, thu xếp nhà cửa một chút.

– Em có gặp thằng Nhi vừa dắt xe đi lên không?

-Có.

– Chắc là em bận đứng nói chuyện với hắn nên mới lâu vậy?

Thai cắn chặt môi:

– Em với hắn có gặp nhau thì em cũng không nhìn mặt hắn. Không phải bây giờ mà ngày trước cũng vậy thôi.

Lát sau khi thuyền đã tách ra khỏi bến được một quãng, lên gần đến quãng cầu tre, Thai mới lấy lại được giọng vui vẻ:

– Em ngó chừng ở bên anh mãi cũng chẳng nổi đâu, ghen bóng ghen gió khiếp đi.

Mãi nửa chiều thuyền mới lên thấu vùng núi Đợi, một vùng núi đá dựng đứng đầy vắng lặng, chim kêu vượn hót cũng không, chỉ có núi đá và núi đá nối nhau chạy dài dọc sông ôm lấy một cái thung lũng mọc độc một thứ cỏ lau đang trổ một trời hoa tím nhạt.

Ngay chỗ bến thuyền chúng tôi ghé vào là một cái chân núi ngổn ngang những tảng đá màu trắng như phấn, phần lớn đã bị nước đánh rữa ra và đóng vón trở lại màu vàng như sáp chảy.

Ngọn núi sát bờ sông không cao lắm, nửa phần trên là đá xám xen lẫn một vài vệt đá trắng, từ thời khai sơn lập địa đã có bàn tay công phu của người thợ đá nhà trời đẽo gọt những thớt đá bằng phẳng rồi đem xếp chồng lên nhau theo một đường chênh chếch, cắm vào giữa kẻ điểm xuyết một vài thân cây cố thụ vặn vẹo. Ở tận trên chóp đỉnh, chỗ vừng mặt trời chiều lóe sáng màu thép chảy, một hòn đá dựng đứng cứ vàng rực lên, vừa thoạt trông đã có thể hình dung giống như một người đàn bà bế đứa con trước ngực.

Tôi kéo cuộn dây từ giữa lòng thuyền đem cột vào một phiến đá trắng, dậm lút trên lớp đá phấn bị nước làm phân rữa cứ dính bết vào hai bàn chân không. Thai đi sau, gánh hai cái sọt đựng dao rựa, cơm nắm và một chiếc chiếu gập đôi. Thấy tôi cứ đảo mắt ngơ ngác nhìn khắp bốn phía, Thai liền hỏi:

– Anh đã lên đây lần nào chưa?

– Rồi. Nhưng từ ngày anh hãy còn nhỏ. Anh đi theo mẹ – tôi ngửa mặt ngắm hòn đá đứng chênh vênh trên cao – người ta bảo vùng núi vọng phu, hay núi Đợi là đây phải không?

– Phải đấy anh ạ! Hóa ra bây giờ anh mới biết thật. Hòn núi Đợi này là còn thấp đấy, nhưng hòn ở sâu phía trong kia, cao hơn nhiều. Những hôm nào trời quang đứng dưới làng ta cũng trông thấy. Anh ạ, người ta bảo rằng người đàn bà ấy đợi chồng đi đánh giặc bao nhiêu năm, lâu lắm mà không về, ngày nào cũng bế con lên núi đứng ngóng, lâu ngày hoá thành đá.

– Sao không ở nhà mà đi cày đi bừa, – tôi trêu Thai, – việc gì phải trèo lên núi mà đứng cho rét?

– Anh nói ngang như cua, đấy là chuyện đời xưa.

– Nay mai anh ra ngoài Bắc, vậy lúc nào nhớ anh, em đứng ngóng ớ đâu?

– Thì giờ rỗi đâu mà em đứng ngóng anh? Đừng hòng nhé, nhớ thì có nhớ nhưng người ta còn phái đi gác xách, đi trẩy tiêu, đi đặt hom sắn, đi cắt tranh về dọi nhà. Còn phải mắc trăm công nghìn việc ấy chứ?

Chúng tôi cột thuyền đế đẩy, hai vợ chồng gồng gánh len lỏi đi sâu vào giữa rừng lau, nơi có những vạt đất cha tôi và thằng Hệ đã vỡ.

Mặt trời đã chìm trong đám sương mù lại chợt nhô ra giữa hai kẽ hai rặng núi đá đằng xa. Ở đây không khí thật thoáng đãng. Hoa lau phơ phất trên nền xanh uyển chuyến của rừng lau, thân cây lau cúi rạp xuống từng đợt, ánh lá xanh loáng lên dưới ánh mặt trời rồi trở màu sẫm huyền bí trong vô vàn tiếng lá chạm nhau xào xạc. Càng đi sâu vào đất càng tốt, rừng lau càng dày và cao, những vạt sấn tăng gia của vùng xuôi lên đứng xa trông như những mụn vải màu sẫm vá vào nền rừng, vài vệt cỏ lau mới đốt phô màu đất đen xỉn, lởm chởm gốc cây cháy lẫn màu cỏ mới nhú lên xanh xanh nhọn hoắt.

Từ những vạt sắn tăng gia nhìn lên khắp bốn phía trời, hòn vọng phu đứng nhan nhản. Tôi lấy làm lạ lùng quá, thật là đủ hình dáng, đủ tư thế, cả một thế giới đàn bà đã sống trải bao thời gian qua, chiến chinh dường như đang tụ hội về đây, mỗi người một ngọn núi, đang đứng một mình vò võ, chon von trên các chóp núi đá cao ngất, người ôm con bên nách, người bế con trước ngực, người cõng con sau lưng, người hai tay buông thõng xuống, mặt quay về đủ các hướng, các ngả chân trời có súng nổ, có lửa cháy.

Hai chúng tôi bắt đầu dỡ sắn. Được chừng nào Thai lại xếp vào sọt gánh ra bến đổ vào khoang thuyền. Mãi gần tối, Thai giục tôi nghỉ tay. Tôi vào rừng nhặt củi. Thai nhóm lửa. Hai vợ chồng chúng tôi ngồi bên cái bếp mới bắc tạm bợ giữa trời. Tôi cầm thanh củi chọc chọc xuống đất.

– Em coi này, đất tốt quá chừng, vô khối là đất mà chỗ nào cũng chỉ độc có giống cỏ lau mọc. Khi nào kháng chiến xong ta có thế mở một cái nông trường ở đây.

Thai hỏi lơ đễnh:

– Nông trường là thế nào hả anh?

– Như năm bảy cái đồn điền của thằng Rê-vây gộp lại.

Thai vẫn cầm dao lột vó sắn thoăn thoắt:

– Eo ôi, làm lụng thế nào cho xuể, cày bừa trâu bò đâu?

– Chẳng lẽ lại đi cuốc đất bằng tay như cô ấy? Em hiểu không cả cái thung lũng này chỉ cần vứt vào dăm bảy cái cày máy. Chỉ cần một người ngồi trên cái ghế đệm mồm ngậm điếu thuốc, ấn nút một cái là máy chạy ầm ầm, trong mấy buổi là biến thành ruộng cày thuộc hết.

– “Làm ăn như bên Liên Xô, Trung Quốc” là như vậy đó phải không anh? Vậy thì nhàn nhã, sung sướng quá. Nhưng mà anh đã trông thấy bao giờ chưa?

– Chưa.

– Sao anh biết tỉ mỉ vậy?

– Phải biết chứ. Bởi vì đấy là Chủ nghĩa Xã hội. Trong làng trong xóm nay mai sẽ không còn kẻ giàu, người nghèo, bước chân vào nhà nào cũng no đủ, ai cần gì có thức nấy, mọi người ăn ở với nhau vui vẻ, tử tế trên tình đồng chí với nhau cả. Em là đáng viên mà chỉ biết đi gác, đi trồng sắn, mù tịt chẳng biết gì về Chủ nghĩa Xã hội là khuyết điếm đấy!

– Thỉnh thoảng em cũng có nghe các anh ở trên về nói giống như anh. Thật là thích anh nhỉ, nhưng mà liệu có còn lâu không?

– Chả lâu đâu.

– Lúc đó vợ chồng mình ở đâu?

– Anh sẽ xin phục viên về làng. Vợ chồng mình sẽ đưa nhau lên đây. Em sẽ đi học lái máy cày.

– Còn anh?

Tôi hứng chí phét lác:

– Anh sẽ làm chủ tịch cái nông trường núi Đợi này!

– Nhưng anh biết không, ở đây có cọp, em sợ rừng lau lắm!

Mẻ sắn luộc trong chiếc nồi đất vừa kịp chín thì con giông đùng đùng kéo đến. Gió rít trên ngọn cây lau ngả rạp xuống. Gió lồng lộng như có hàng ngàn binh mã kéo qua thảo nguyên cỏ lau. Mưa ập xuống. Trên lưng chừng trời, giữa kẽ hai tầng mây đen còn sót một chút ánh sáng mặt trời vàng khé như dính chặt vào giữa cái nền trời nâu nâu vàng vàng quái dị, một hình người đàn bà bằng đá đang giơ tay chực bắt một con chim cắt đập cánh đứng im một chỗ.

Mưa bão kéo đến nửa đêm thì đột ngột tạnh. Và trăng mọc. Bầu trời, mặt đất dầy thanh vắng, hoang dại. Tôi nằm lắng nghe từng giọt nước rơi tí tách, đều đặn và chậm rãi từ những tàu lá sắn, ở đâu đó trong khoảng tối om quanh co đây bí hiểm của các dãy núi đá có không biết cơ man nào những cái khe (tất cả đều mang một cái tên là khe Bò Đái), nước chày ồ ồ suốt đêm không ngớt. Chợt nhớ câu chuyện hổ ở rừng lau, tôi rút khẩu súng ngắn lên đạn đặt bên người. Những dợn sóng cỏ lau phản chiếu ánh trăng lấp lánh như những tấm lưng mềm mại của đàn cọp đang nô giỡn. Tôi nằm sát vào Thai. Hai đứa đắp chung một chiếc áo tơi lá, nằm trên lớp cỏ lau vẫn còn ướt, cố không trở mình đế lá lau khỏi cứa vào da thịt. Thai rúc đầu vào ngực tôi ngủ rất say, mái tóc dày trải ra hong khô trên cánh tay để trần của tôi, vành mi đen sẫm khép lại thanh thản đố bóng xuống cái bầu má đầy đặn rám nắng.

Tôi nằm yên không dám động đậy cho Thai ngủ yên, để lấy sức ngày mai làm tiếp. Hai con mắt tôi không hiểu vì sao chẳng khép lại nối. Trên nền trời sáng trăng mênh mông, những hình người đàn bà bằng đá đứng câm lặng, như đã hàng triệu năm vẫn đứng thế. Sau lưng họ, mảnh trăng cuối tháng như một chiếc đĩa bằng vàng bị vỡ.

error: Content is protected !!