1 – Nghèo rớt mồng tơi
Nhiều người vẫn nhầm tưởng mùng tơi ở đây là cây mùng tơi mà chúng ta vẫn thường nấu canh hay dậu mùng tơi trong thơ Nguyễn Bính.
Nhưng thật ra, mùng tơi hoàn toàn khác với những gì bạn nghĩ. Trước đây người nông dân khi ra đồng thường khoác một chiếc áo được đan từ lá cọ để che nắng che mưa gọi là áo tơi. Phần trên cùng của áo tơi được khâu lại để luồn dây đeo qua vai gọi là mùng tơi.
Với những người rất nghèo, họ cứ đeo mãi một cái áo tơi cho đến khi phần dưới rách nát, rụng tơi tả còn mỗi cái mùng tơi sắp rớt (rụng) ra mà vẫn phải sử dụng. Cho nên câu trên muốn nói đến người rất nghèo, nghèo đến tột cùng.
2 – Đều như vắt chanh
Chúng ta vẫn thường nói “đều như vắt chanh”, nhưng thực ra câu này không có ý nghĩa. Vì vắt quả chanh thì làm sao mà đều được.
Với những bạn sinh ra trước những năm 7x, các bạn sẽ được biết đến hình ảnh nhà tranh vách đất. Khi lợp mái tranh, người ta sẽ đan những lá cọ (hoặc lá dừa) vào với nhau thành một vắt gọi là vắt tranh. Từ những vắt tranh này mới được đưa lên mái nhà để lợp. Với những người thợ giỏi, họ biết sắp xếp các lá đều nhau nên vắt tranh rất đều và đẹp.
Đều như vắt tranh ý nói làm một cái gì đấy mà sản phẩm rất đồng đều.
3 – Lang bạt kỳ hồ
Khi nghe câu trên nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh một người sống phiêu bạt giang hồ, nay đây mai đó. Nhưng thực ra, đây là một câu thành ngữ Hán-Việt. Lang là con Sói, bạt là giẫm đạp, kỳ là đại từ chỉ chính con sói, hồ là vạt yếm dưới cổ.
Vậy Lang bạt kỳ hồ có nghĩa là con Sói dẫm vào chính cái yếm của nó. Ý nói người náo đó đang rất lúng túng, quẩn quanh không tìm ra lối thoát.
4 – Con cà con kê
Thoạt nghe nhiều người nghĩ ngay là con gà, con kê, tức muốn ám chỉ một người nói vòng vo vì con gà với con kê thực ra là một.
Nhưng nghĩa gốc của nó lại hoàn toàn khác. Ngày xưa làm nông nghiệp, người dân sau khi gieo cây cà, cây kê, đến thời điểm nhổ lên để trồng ra luống người ta cũng buộc lại thành từng bó như bó mạ được gọi là con cà, con kê. Việc trồng cà, trồng kê rất mất nhiều thời gian và tỷ mẫn vì phải tách từng cây trong bó ra rồi mới trồng.
Câu con cà con kê ý nói rất dài dòng, không biết bao giờ mới dứt như công việc trồng cà, trồng kê.
5 – Chạy như cờ lông công
Thoạt nghe cứ tưởng cờ lông công chỉ là một từ ghép nghe cho nó vần. Nhưng thực ra cờ lông công là một loại cờ hiệu được sử dụng từ thời xa xưa.
Ngày nay, việc trao đổi thông tin đã có hòm thư điện tử, bạn chỉ cần soạn thảo và một cái nháy chuột là xong. Tuy nhiên, từ thời xa xưa, khi việc di chuyển còn khó khăn thì việc trao đổi thông tin mất rất nhiều thời gian. Khi cần chuyển một thông tin hỏa tốc, người lính trạm dùng tín hiệu là một lá cờ có gắn thêm lông đuôi con công, gọi là cờ lông công. Vì là thông tin hỏa tốc nên người lính trạm khi gắn cờ này thường chạy rất nhanh, chạy qua chạy lại rất nhiều chặng đường.
Vì vậy, để nói đến những người suốt ngày chạy khắp nơi ngoài đường, hoặc chạy vội vã người ta thường sử dụng thành ngữ chạy như cờ lông công.