Trương Vĩnh Ký – Làm báo như thế nào?

Bài viết của nhà văn – nhà báo Sơn Nam, đăng trên báo Văn hóa Nghệ Thuật, số ra ngày 22-06-1994


Trương Vĩnh Ký vừa được giao trách nhiệm điều hành Gia Định Báo – tờ công báo của chế độ thuộc địa vừa thành hình, thì ngay trong số 3, ngày 24-1-1870 đã đăng một “tờ chạy” (thông cáo) nguyên văn như sau:

“Quan lại Bộ Thượng Thơ gởi lời cùng thấy thông ngôn, thầy giáo tập đặng hay: Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn ở một chỗ nên không có lẽ mà biết cho hết các việc mới lạ các nơi trong sáu tỉnh mà làm ra cho thiên hạ coi: nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở như:

  • Chuyện ăn cướp, ăn trộm
  • Bệnh hoạn tai nạn
  • Sự rủi ro, cọp bắt, sấu ăn
  • Cháy chợ, cháy nhà
  • Mùa màng thế nào
  • Tại sợ, nghề nào thạnh, vân vân …

Nói tất một lời là những chuyện mới là đáng đem vô nhựt trình cho người ta biết. Viết rồi thì phải đề mà gởi về cho Gia Định Báo Chánh Tổng tài ở tại Chợ Quán. Gởi tờ làm vậy thì khỏi tốn tiền, miễn là đề ngoài bì như vầy thì thôi:

Monsieu Le Directeur de l’ Intérieur

(Serice du Gia Định Báo)

Quyền Lại Bộ Thượng Thơ ký, L.Langier”

Tôi suy luận thông cáo nói trên do Chánh Tổng tài dạng Tổng Biên tập soạn ra tại nhà riêng ông ở Chợ Quán. Lại Bộ Thượng Thơ nắm quyền hạn rộng lớn về nội chính, sau gọi Dinh Hiệp lý (trụ sở sau này ở đối diện Thư viện Viện Khoa học xã hội Sài Gòn, cánh cửa sắt hãy còn hai chữ tắt D.I); Nam kỳ là thuộc địa riêng nên có chức vụ Thượng Thơ. Vài số báo sau, số 5, ngày 16-2-1870, Trương Vĩnh Ký viết bài giải thích; ta hiểu đây là cách đào tạo thông tín viên, chọn những người từng học ở nhà trường, quen làm bài tác văn:

“… Từ này sắp tới, ta trông cậy sẽ có nhiều chuyện người ta coi, vì nhờ có tờ chạy cho các thầy giáo tập quốc ngữ và các thầy thông ngôn các nơi trong cả sáu tỉnh mỗi tuần hay là nửa tháng thì chạy tờ về mà học lại những chuyện các nơi các tỉnh để làm vô Gia Định Báo cho thiên hạ hay.

Những chuyện làm hay, nói xuôi, đủ đều có ý chỉ nhằm cách, nhằm thức thì ta sẽ đề tên người làm ký, còn những cái nào khác hoặc nói không được xuôi lời nói, hay nói mà lặp đi lặp lại khó nghe thì sẽ doàn lại cho dễ nghe. Lại cũng có khi nhiều chuyện quá, nếu để y theo tờ các thầy gởi về thì kẻ đọc nhựt trình coi không xiết mà lại sinh nhàm lờn thì ta sẽ gộp lại làm một chuyện dài nối đuôi cho dễ coi ….

Xin các thầy chớ quên đề ngày đề chỗ cho hẳn hòi. Phép làm chuyện phải kể tại chỗ nào? Ngày nào? Tháng nào? Nhơn cớ làm sao? Ban đầu làm sao? Khúc giữa thế nào? Sau hết ra việc gì? Lợi hay là hại, may hay là rủi, v.v…

Như thầy nào có ý gởi đem vô nhựt trình mà đề tên mình ký lấy thì xin nói trong tờ chạy về cho rõ: Vì chuyện nào có người ký tên vô thì là của người ấy, sau có điều gì hay dở người ta bắt lý hay là sinh điều cãi lẫy kiện cáo thì phải chịu lấy …”

Xin trích nguyên văn một bản tin đăng Gia Định báo khoảng một tháng sau (ngày 24-3-1870), không đặt tít; ta có thể tạm gọi là chuyện Ma nhát ở Long Thành (Biên Hòa) do một giáo tập – tức ngạch thầy giáo trường tổng viết:

“Tại làng Bình Dương, có một người ngoại (hiểu là không theo đạo Thiên Chúa – S.N) tên là Chánh, ngày 30 tháng Chạp rước ông bà, qua ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới là năm Canh Ngũ nhắm đứng bóng mới dọn đồ lên bàn thờ mà cúng. (Người có đạo tin rằng hễ chết thì không còn ăn uống như người sống thì ai cũng không thấy, cũng chẳng ai tin). Khi người ấy vái lạy xong xả rồi ngó lên thấy đồ ăn thì hết mà mà không thấy ai ăn, thì nội nhà lấy làm lạ lắm, rồi lại thấy có hai cái răng lại càng sững sờ và sợ quá, mới chạy kêu lối xóm đến coi, vậy có lẽ gọi răng ấy là ngọc rất quí đã đến nhà cho, có kẻ lại cho rằng ấy chẳng phải là ngọc quý song nó là ma quỷ đó.

Khi ấy, htie6n hạ nghe mà chạy đến coi rất đông, liền có đất, có đá cục vãi vào nhà như mưa mà không thấy ai quăng, bấy giờ ai ai đều tin là ma mà thôi! Ma ấy chỉ quăng người nhà mà thôi. Quăng trúng người con trai sưng cánh tay, rồi lại trúng nhằm bàn tọa người dâu không đi đâu đặng.

Giáo tập Trần Văn Kim”.

Gia Định Bá số 7, ngày 1-3-1870 đăng tin, không tít, tôi xin tạm đặt là Nhà nước Lang Sa bắt đờn bà con gái.

“Năm nay, đặng mùa lúa mà mắc khiến thiên hạ bày ra à đồn rằng: nhà nước Lang Sa bắt đờn bà con gái, cho nên nội miệt ruộng không ai dám gặt lúa, mắc ở nhà giữ vợ con, còn tối lại đờn bà con gái cho tới bà già đều ẵm bồng nhau ra đồng bái, bờ bụi mà ngủ, không dám ngủ trong nhà, ai đi sợ cho đến đỗi thấy mã-tà (lính mã tà – S.N) hay là ai đội cái khăn trắng hoặc là cái nón trắng đi vọi xa xa thì nói chắc người Lang Sa đi bắt, lại nổi mõ la lên rồi đua nhau chạy trốn hết, bỏ nhà bỏ cửa, rồi một chập lâu  thấy hoặc con chó trắng hay là con chi lớn di thấp thoáng thì la lên nói người ta bắt, lại chạy lại nổi mõ lên, hỏi lại té ra là con chó.”

Bài này không ghi tên tác giả, ta thấy tuy Pháp chiếm xong cả Nam Bộ nhưng lòng dân vẫn chưa yên. Bấy giờ, vì sợ nắng nóng vùng nhiệt đới, người Pháp thích dùng màu trắng. Câu văn thời xưa dài dòng, tòa soạn Gia Định Báo dường như chẳng biên tập lại cho kỹ.

Trong thông báo dạy cách viết bài, ta chẳng thấy đề cập đến nhuận bút. Lúc mới chào đời, báo chí Sài Gòn đã thích đăng chuyện “giựt gân”!

Nguồn: Thư viện Tổng hợp Tp. HCM

Viết một bình luận

error: Content is protected !!