Thành cổ Gia Định – Thời kỳ 1790 – 1835

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ -1998


Thời kỳ Nguyễn Ánh – Gia Long (1790-1835)

Tháng 6 năm 1789, Giám mục Bá Đa Lộc lên tàu La Méduse, đưa Hoàng tử Cảnh trở về Đại Việt. Thỏa ước ký ngày 2-11-1787 với triều đình Pháp về việc Pháp thuận giúp Nguyễn Ánh 1500 quân và một số vũ khí, tàu bè không thi hành được vì nhiều trở lực. Thay vào đó, Bá Đa Lộc vận động được một số sĩ quan, viên chức Pháp đi theo mình sang Đại Việt, trong số này, có thể kể: Đại tá Công binh Olivier de Puymanel, Đại tá Bộ binh Laurent Barizy, Despiaux và một số viên chức khác như Vannier, de Forsant, … một số sử liệu, kể cả bộ Đại Nam thực lục chính biên và bộ Quốc triều chính biên toát yếu đã nhầm lẫn khi cho rằng những người này đến Đại Việt theo lệnh của vua Pháp Louis XVI trong khuôn khổ thỏa ước đã ký năm 1787; trên thực tế, họ đến Đại Việt với tư cách cá nhân, trên cơ sở tự nguyện cộng tác với Nguyễn Ánh. Với số người này, Giám mục Bá Đa Lộc có ý định thành lập tại Sài Gòn một toán huấn luyện nhằm đào tạo cho Nguyễn Ánh một lực lượng quân sự nòng cốt.

Trong lúc đó, chúa Nguyễn Ánh đang nuôi ý định thiết lập một thành lũy kiên cố tại đây, nên sự có mặt hai chuyên viên kỹ thuật là Olivier de Puymanel và Le Brun đã được ông tận dụng vào việc này.

Ngay trong năm 1789 họa đồ thành do Olivier thiết lập được Nguyễn Ánh chấp thuận. Thành xây theo hướng kết hợp những yếu tố dịch lý phương Đông  với những mô hình kiến trúc thành trì của phương Tây (theo kiểu Vauban).

Tháng 3 năm 1790, thành được khởi công xây dựng và hoàn thành ba tháng sau đó. Bộ Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn đã mô tả thành như sau:

“.. Thành đắp theo kiểu Bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái Miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở.

Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên làm tòa vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu lệnh cho các quân …

Tám cửa thành đều xây bằng đá ong; phía Nam là cửa Càn Nguyên và cửa Ly Minh; phía Bắc là cửa không Hậu và cửa Khảm Hiểm; phía Đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấn Chỉ; phía Tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt.

Ngang dọc có tám đường, Đông sang Tây dài 131 trượng 2 thước; Nam sang Bắc cũng thế; cao 13 thước, chân dầy 7 trượng 5 thước.

Phía ngoài thành là hào, hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước, có cầu treo bắc ngang.

Chu vi ngoài thành là 794 trượng.

Ở ngoài là đường phố chợ búa, dọc ngang la liệt đều có thứ tự ..

Về phía Pháp, sự kiện này được lãnh sự Pháp tại Quảng Đông (Trung Quốc) là De Guignes kể lại trong báo cáo đề ngày 29-12-1791 gửi về Bộ Ngoại giao Pháp. Trong đó có đoạn dịch như sau:

“.. Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cung cấp cho nhà vua một họa đồ thành phố được củng cố. Ngay sau đó, nhà vua muốn xây dựng một thành lũy, mặc dù điều này đòi hỏi một thời gian thuận lợi hơn. Ông đã phải làm phiền nhiễu người dân, triệt hạ nhà của họ và giao cho 30.000 người công việc củng cố một nơi mà ông hy vọng là sẽ rút về trong trường hợp bị thất thế. Dân chúng và nhiều quan lại rất bất bình. Các ông Olivier và Le Brun gặp nguy hiểm vì là tác giả của dự án. Giám mục Bá Đa Lộc đã phải đưa họ về nhà ông ở để tránh nguy hiểm cho họ.  ..” (Malleret – BSEI 1935, tr.34-35).


Về những cơ sở trong thành Gia Định, đoạn sử trên trong Đại Nam thực lục chính biên mô tả khá rõ. Căn cứ vào bản đồ Gia Định do Trần Văn Học (quan lại triều Gia Long) lập 1815 cùng một số tư liệu của người Pháp sau này, có thể xác định vị trí thành Gia Định thời Gia Long trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay như sau:

  • Tường thành phía Đông hướng ra đường Lê Thánh Tôn
  • Tường thành phía Tây hướng ra đường Nguyễn Đình Chiểu
  • Tường thành phía Nam hướng ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
  • Tường thành phía Bắc hướng ra đường Đinh Tiên Hoàng

Thời Minh Mạng, các cửa Chấn Hanh và Cấn Chỉ đổi thanh Phục Viễn môn và Hoài Lai môn; các cửa Tốn Thuận và Đoài Duyệt đổi thành Tịnh Biên môn và Tuyên Hóa môn; các cửa Càn Nguyên và Ly Minh đổi thành Gia Định môn và Phiên An Môn; các cửa Khôn Hậu và Khâm Hiểm đổi thành Củng Thần môn và Vọng Khuyết môn.

Căn cứ vào kích thước ghi trong Đại Nam thực lục chính biên, thành Gia Định 1790 hình tám góc, tính theo hệ mét, chiều dài từ Đông sang Tây và từ Nam qua Bắc đo được 525m, chiều cao tường thành 5,20m (về sau Tổng trấn Lê Văn Duyệt củng cố bằng cách cho xây nối thêm khoảng 0,60m nữa), chân thành rộng 30m, hào rộng 42m, sâu 5,60m,..

Vật liệu chính dùng xây thành là những tảng đá ong lấy về từ dinh Trấn Biên (Biên Hòa) có kích thước 0,34m x 0,34m x 0,11m. Trung tâm thành là khu vực Nhà thờ Đức Bà ngày nay.


Trong khoảng thời gian tồn tại 45 năm (1790 – 1835) thành Gia Định thời Gia Long cũng từng trải qua nhiều biến đổi. Theo Trịnh Hoài Đức (sđd), năm 1809, sau khi thu phục Phú Xuân, Nguyễn Ánh cho triệt hạ nhà Thái Miếu trong thành, chở cây gỗ quí về Huế.

Năm 1809, lại cho Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân xây một tòa Vọng cung trong thành để các quan đến làm lễ trong những ngày Lễ Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ,.. Sau đó dựng hành cung cho vua đến ở khi có dịp tuần du về Phương Nam. Sau hành cung là công thự dành cho Tổng trấn, Hiệp Tổng trấn và Phó Tổng trấn. Khu công thự này ở khoảng đường Thái Văn Lung ngày nay, hướng về vườn Tao Đàn (ngày trước còn gọi là vườn Ông Thượng), nay là Công viên Văn hóa Thành phố.

Năm 1832, sau khi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho đổi tên trấn Phiên An (vua Gia Long đổi Phiên Trấn dinh thành Phiên An trấn vào năm 1808) thành tỉnh Phiên An, thành Gia Định thời Gia Long có tên là thành Phiên An.

Cuộc nổi dậy và cố thủ của binh lính dưới quyền Lê Văn Khôi trong thành vào những năm 1833-1835 chứng tỏ thành có một mức độ kiên cố nhất định, khiến cho triều đình Huế phải vất vả suốt hơn hai năm trời mới đánh chiếm được thành.

Sau đó, vua Minh Mạng cho san phẳng toàn bộ thành Gia Định và xây một thành mới nhỏ hơn ở phía Bắc thành cũ. Từ đó, thành cũ được gọi là Gia Định phế thành.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!