Thành cổ Gia Định – Thời kỳ 1698 – 1790

Tác giả: Lê Nguyễn

Nguồn: trích trong sách “Thành cổ Sài Gòn và mấy vấn đề về triều Nguyễn”, Nhà xuất bản Trẻ – 1998

Về từ nguyên của Sài Gòn, các nhà nghiên cứu đã tốn nhiều tâm trí và giấy mực để thảo luận về những giả thuyết khả dĩ nhất, nhưng đến nay khó nói được rằng cách giải thích nào là hoàn toàn có tính thuyết phục.

Điều có thể dễ dàng nhất trí với nhau hơn là địa danh Sài Gòn đã có từ khá lâu. Trong Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức – làm quan hai triều Gia Long và Minh Mạng – có nhắc đến một trận đánh diễn ra vào năm 1674, quân của Chúa Nguyễn đã phá vỡ ba lũy của người Chân Lạp là Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang.

Năm 1968, nhằm xác lập chủ quyền trên những vùng đất hoang sơ ở phía Nam đã được người Việt từ các xứ Thuận, Quảng vào khai phá, Chúc Nguyễn Phúc Chu đã: “… sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ độ thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh …” (Đại Nam thực lục tiền biên – Viện sử học – Hà Nội, 1961, tr.153-154).

Từ thời điểm này, Sài Gòn đã chính thức trở thành một địa danh nằm trên lãnh thổ nước Đại Việt.


Gia Định: Thời kỳ 1698 – 1790

Như đã trình bày ở trên, năm 1698 không phải là thời điểm đánh dấu sự hiện diện của những người Việt đầu tiên trên vùng đất Gia Định. Thời chúc Nguyễn Phúc Tần (1648-1686), đã “… sai tướng vào khai thác phong cương ở nơi bằng phẳng, rộng rãi, tức là chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho quan Tổng tham mưu cư trú, lại đặt dinh Tân Thuận, Cai bộ và Ký lục ở, lại có quân trại hộ vệ, ngăn ra từng khu rào, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm chia lập làng xóm chợ phố …” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Nha Văn hóa – Saigon 1972, Tập Hạ, tr.73-74).

Năm 1679, các cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vì bất phục nhà Mãn Thanh đã dẫn 3.000 quân sang Đại Việt, xin chúa Nguyễn cho định cư làm dân Việt. Chúc Nguyễn đã cho họ vào vùng Đông Phố (đúng ra là Giản Phố), chia nhau ở Lộc Dã (Đồng Nai) và Mỹ Tho (Định Tường), sống bằng nghề làm ruộng và lập ra phố phường buôn bán, lôi cuốn nhiều người ngoại quốc như Nhật Bản, Java (Chà Và) đến tụ hội đông đúc.

Như vậy có thể hiểu năm 1698 là một mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành một cơ cấu chính quyền tương đối hoàn chỉnh, nhằm tập hợp và bảo vệ những lưu dân Việt đã có mặt trên vùng Sài Gòn trước đó vài mươi năm.

Căn cứ vào tài liệu của Trịnh Hoài Đức (sách đã dẫn), có thể thấy rằng ngay những thập niên trước năm 1698, chính quyền Đại Việt ở Đàng Trong đã thiết lập đồn lũy tại Sài Gòn, vị trí lập đồn (gần chợ Điều Khiển sau này) là vùng đất giới hạn bởi các con đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai – Tp. HCM ngày nay, nơi được coi là một trong những địa điểm “bằng phẳng rộng rãi” nhất thời bấy giờ.

Trước năm 1744, đơn vị hành chánh địa phương cao nhất ở Đàng Trong vẫn là hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, theo hệ thống cai trị chung của nhà Lê, dưới đơn vị xứ là dinh, phủ, huyện, tổng, thuộc, xã.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát tiến hành một bước “đột phá” mới, chính thức lên ngôi vương, đúc ấn “Quốc Vương” thay cho ấn “Quốc Công”, làm lễ lên ngôi ở Phủ chính Phú Xuân và chia riêng Đàng Trong ra 12 dinh, 1 trấn, đặt huyện Tân Bình (phủ Gia Định) làm Phiên Trấn dinh và huyện Phước Long (cùng phủ Gia Định) làm Trấn Biên dinh.

Chức quan võ cao nhất tại Gia Định thời đó là chức Điều khiển, được thiết lập lần đầu tiên năm 1731, thời chúa Nguyễn Phúc Trú. Người giữ chức Điều khiển tại Sài Gòn khi ấy là Trương Phúc Vĩnh có nha lỵ riêng ở phía Nam Phiên Trấn dinh, gọi là dinh Điều Khiển và có trách nhiệm thống lĩnh quan binh tất cả các dinh trấn phía Nam. (Đến thế kỷ 19, trước dinh Điều khiển cũ có một cái chợ mọc lên nên chợ này mang tên là chợ Điều khiển).

Năm 1753, Ký lục Bố chính dinh là Nguyễn Cư Trinh được cử chức tham mưu, điều khiển cả 5 dinh: Bình Khánh, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ (Vĩnh Long ngày nay, thành lập năm 1732) đi kinh lược đất Chân Lạp “đồn trú ở xứ Bến Nghé, kết lập dinh trại gọi là Đồn Dinh (tức nay là chợ Điều Khiển) huấn luyện quân ngũ, trù tính lương thực, lập kế khai thác đất đai …” (Trịnh Hoài Đức – Sđd – tập Trung, tr. 13).

Kể từ năm này, danh xưng Đồn Dinh được chính thức ghi vào sử sách Đại Việt, là một cơ sở chỉ huy và phòng thủ trọng yếu của các chúa Nguyễn tại đất Sài Gòn.

Năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần cử Đàm Ân hầu Nguyễn Cửu Đàm (Con trai Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân và là anh ruột bà Nguyễn Thị Canh, người đã lập cây cầu Thị Nghè hay cầu Bà Nghè gần Thảo Cầm Viên ngày nay) làm Điều khiển Gia Định, thống suất quan binh các dinh để tạo lập trật tự trị an tại địa phương.

Nguyễn Cửu Đàm đã thực hiện một công trình lớn lao chưa từng có là cho đắp một lũy đất bao quanh Đồn Dinh, chạy dọc theo rạch Thị Nghè, băng qua đường Thiên Lý (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) – Lũy đất này có tên là Lũy Bán Bích, như phân nửa bức vách thành bao bọc một phần Đồn Dinh, nửa bức vách kia là sông Bến Nghé và sông Bình Trị (rạch Thị Nghè). Đây là cơ sở phòng thủ có qui củ đầu tiên của chính quyền các chúa Nguyễn trên đất Sài Gòn, nhằm ngăn chặn hữu hiệu những cuộc tấn công (của quân Chân Lạp) có thể phát xuất từ phía Tây (hướng Tây Ninh ngày nay).

Năm 1775, khi quân chúa Trịnh tấn công Phú Xuân, thế yếu, chúc Nguyễn Phúc Thuần cùng quan quân chạy vào Sài Gòn. Năm sau (1776) em thứ hai nhà Tây Sơn là Tiết chế Nguyễn Lữ vào đánh Sài Gòn, chúa Nguyễn phải chạy về Trấn Biên. Lữ vào Sài Gòn đóng quân ở Đồn Dinh. (Sự tương tự giữa các từ tiếng Việt đã khiến cho một nhà nghiên cứu người Pháp là Jean Bouchot, trong một bài viết đăng trên tập san Hội cổ học Ấn Hoa (BSEI) năm 1926, đã nhầm lẫn một cách khá buồn cười khi giải thích tước Đông Định Vương của Nguyễn Lữ phát xuất từ Đồn Dinh, nơi ông từng đ1ong quân khi chiếm được Sài Gòn).

Suốt 10 năm, từ 1777 đến 1787, Sài Gòn liên tục rơi vào tay hai thế lực đối kháng nhau là quạn của chúa Nguyễn và quân của nhà Tây Sơn.

Đến tháng 8 – 1788, chúa Nguyễn Ánh, cháu Định vương Nguyễn Phúc Thuần (đã bị quân Tây Sơn sát hại), chiếm lại Sài Gòn từ tay Nguyễn Lữ và làm chủ hẳn kể từ đó.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!