Nguyễn Hữu Cảnh với sự sắp đặt nền hành chính tại Đồng Nai – Gia Định

Tác giả: Nguyễn Đình Tư

Nguồn: Thư viện Tổng Hợp Tp. HCM


Mùa xuân tháng 2 năm Mậu Dần (1698) Nguyễn Hữu Cảnh, bấy giờ là trấn thủ dinh Bình Khang, được lệnh của chúa Nguyễn dẫn quân lính lên đường vào Nam. Sử không cho biết ông đi bằng đường nào, nhưng chúng tôi nghĩ là đường bộ, vì bấy giờ phủ Bình Thuận đã được thành lập gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa vào năm trước. Nhân chuyến đi này, ông sẽ hành quân kết hợp để kiểm tra luôn các phủ huyện mới đặt dưới quyền của ông về mặt hành chính và an ninh.

Đường bộ lúc bấy giờ từ Khánh Hòa vào Nam phải tho đờng thiên lý, tức quốc lộ 1A ngày nay. Nhưng đến căn cứ 6 thì rẻ ra phía biển Hàm Tân, men theo bờ biển đi vào bà Rịa, qua huyện Xuyên Mộc, huyện Long Đất đến thị xã Bà Rịa bây giờ. Từ đó, đoàn quân có thể tiếp tục đường bộ lên Long Thành, lên Biên Hòa qua sông Đồng Nai sang Thủ Đức, qua sông Tân Bình (hay Bến Nghé), đóng quân tại đồn Dinh ở Tân Mỹ. Hoặc từ thị xã Bà Rịa, xuống thuyền theo sông Thị Vải ra cửa Gành Rái, vào cửa Cần Giờ, theo sông Lồng Tàu đi lên sông Sài Gòn, vào rạch Thị Nghè và đổ bộ lên đồn Dinh ở Tân Mỹ. Sữ không cho biết lộ trình của cuộc hành quân này, nên chúng tôi đoán như thế.

Vào đến miền Nam, Nguyễn Hữu Cảnh đặt bản doanh tại đâu? Sử không cho biết. Bấy giờ có ba địa điểm có thể đóng bản doanh được. Đó là, Mô Xoài tức Bà Rịa, Đông Phố hay Giản Phố tức Biên Hòa và Bến Nghé tức Sài Gòn ngày nay. Trong ba địa điểm đó, chúng tôi đoán là ông chọn Bến Nghé. Vì sao? Mô Xoài tuy có lưu dân kỳ cựu hơn, nhưng lại ở gần biển, đường đi xa hơn, không tiện kịp thời đối phó với tình thế nếu có diễn biến phức tạp. Đông Phố tuy lúc đó là trung tâm thương mại quan trọng, nhưng đa số dân cư lại là người Hoa, chưa tin cậy được. Chỉ có Bến Nghé có đủ điều kiện hơn cả. Nơi đây đã có lưu dân sinh sống nhiều năm, có đồn binh đóng quân từ năm 1674, có các sở thuế từ 1623 đủ tài chính hay quân lương cung cấp hậu cần cho quân lính, mà lại ở vào vị trí trung tâm, đường đi ra Mô Xoài, lên Đông Phố hay xuống Vũng Gù đều thuận tiện và khoảng cách tương đối bằng nhau.

Vì đây là lần đầu tiên ông vào Đồng Nai – Gia Định, nên việc phải làm trước hết là nghiên cứu địa lý thiên nhiên, sông núi, ao hồ, đường sá và địa lý nhân văn: dân cư, mật độ dân cư từng vùng, thánh phần dân tộc, thành phần xã hội. Sau đó ông mới phân định ranh giới, thành lập các đơn vị hành chính, chỉ định các nơi cần đặt đồn tuần và cửa tấn.

Sử chép: “Bắt đầu đặt phủ Gia Định. Sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay). Mỗi nơi đều đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy binh bộ tinh binh và thuộc binh” (1).

Tài liệu chỉ cho biết là có một phủ, hai huyện, hai dinh, 4 tổng của huyện Phước Long là Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An, và 4 tổng của huyện Tân Bình là Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc, Thuận An; còn số thôn ấp thì không rõ. Điều đáng tiếc là trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: Mục dư địa chí, Phan Huy Chú cho biết số xã, thôn, phường của hai huyện thuộc phủ Bình Thuận, mà lại không cho biết rõ thôn phường của hai huyện thuộc phủ Gia Định! Chúng ta biết từ năm 1698 là năm Nguyễn Hữu Cảnh vào thiếp lập nền hành chính ở Đồng Nai – Gia Định cho đến năm 1779 Nguyễn Vương khôi phục phần đất Nam Bộ trải qua 81 năm, không thấy có sự thay đổi nào về hành chính.

Các đơn vị hành chính cơ sở của Nam Bộ chỉ mới có thống kê đầy đủ từ năm 1818 trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Các đơn vị ấy gồm có thôn, phường, lân, ấp. Có lẽ lúc ông Nguyễn Hữu Cảnh sắp xếp nền hành chính cơ sở cũng không ngoài những danh xưng này. Lúc bấy giờ chưa có đơn vị xã, mặc dầu ở Thuận Hóa, Quảng Nam đã có danh xưng này. Điều đó, chứng tỏ các đơn vị hành chánh lúc ban sơ đất có rộng, nhưng nhân khẩu chưa nhiều. Vì vấn đề địa lý, mà buộc lòng phải kết hợp một số hộ ở trong khu riêng biệt thành một đơn vị. Tùy theo nhân khẩu hay hộ mà gọi là thôn, phường, lân, ấp (2).

Vì không có bản kê danh sách thôn, phường mà Nguyễn Hữu Cảnh đã đặt cho các đơn vị hành chánh cơ sở lúc bấy giờ, nên chúng ta không thể biết chính xác. Tuy nhiên, cứ theo cách đặt tên thôn xã ở Nam Bộ, chúng ta có thể suy đoán một số thôn phường thời Gia Long đã có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh. Cách đặt tên đó như sau: một tên thôn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh, sau dân số phát triển, ruộng đất khai phá thêm nhiều, quá mức một thôn được ấn định, do nguyện vọng của dân chúng và hào lý của thôn đó, chính quyền cấp trên bèn chia thôn ấy ra làm hai, ba hay bốn thôn khác. Khi đặt tên cho các thôn mới này, người ta vẫn giữ tên khai sinh gốc và chỉ thêm các chữ nhất, nhị, tam, tứ hay đông, tây, nam, bắc vào sau là thành tên thôn mới. Chẳng hạn như thôn Tân Sơn sau chia thành 2 thôn Tân Sơn Nhứt và tân Sơn Nhì; hạn Thông và Hạnh Thông Tây, Bình Lý thành 2 thôn Bình Lý và Bình Lý Đông, Tân Đông thành Tân Đông Đông, giáp Tân Đông Trung, giáp Tân Đông Tây; Tân Thái thành Tân Thái Đông, Tân Thái tây, Tân Thái Trung, tân Thái Nhứt, Tân Thái Nhì, Tân Thái Tam, Tân Thái Tứ, Tân Thái Nhứt Tây giáp, Tân Thái Nhị Tây giáp v.v …

Về cách đặt tên lúc ban đầu, chúng ta thấy Nguyễn Hữu Cảnh có dụng ý khi chọn các mỹ từ. Trước hết là tên phủ Gia Định. Chọn hai từ này, ý Nguyễn Hữu Cảnh muốn nói lên rằng vùng đất này từ nay đã đực xếp đặt ổn định, tốt đẹp, không còn thay đổi, xáo trộn nữa, dân chúng sẽ được an cư lạc nghiệp. Khi đặt tên cho huyện Phước Long là huyện địa đầu của Nam Bộ, ông mong muốn cho dân chúng ở đây được hưởng phước đức đầy ùn, vĩnh viễn sống trong cảnh sung túc. Ngoài cái ý ấy chúng ta còn thấy ẩn ý khác của ông là muốn tôn vinh công ơn chúa Nguyễn đối với phần đất này thật là lớn lao, tròn đầy, vì chúng ta biết chữ phước là chữ lót của họ Nguyễn từ chúa Nguyễn Phước Nguyên trở đi.

Còn cái tên Tân Bình quá rõ ràng, đây là vùng đất mới được bình định cong; dân chúng từ nay được an cư lạc nghiệp dưới sự che chở của triều đình chúa Nguyễn. Nhưng về mặt thầm kín, chúng ta thấy Nguyễn Hữu Cảnh muốn lưu lại một địa danh mà mỗi lần nhắc đến, người ta nghĩ đến ông, vì Tân Bình là quê hương thứ hai của ông, sau khi cha con ông từ giã huyện Tống Sơn theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã định cư tại đây.

Cũng trong ý nghĩa đó, khi chọn các mỹ từ đặt tên cho thôn, ông đã dùng chữ Tân và Bình đặt lên đầu, chẳng hạn như thôn Tân An, Tân Thanh, Tân Hội, Tân Mỹ, Tân Triêm v.v… Bình Lý, Bình Quý, Bình Hòa, Bình An, Bình Phước v.v… Ngoài ra ông còn dùng các mỹ từ khác để cầu sự tốt lành cho dân chúng như các chữ Hanh, An, Vinh, Phước, Long, Phú, Thạnh v.v…

Bấy giờ Nguyễn Hữu Cảnh lấy sông Sài Gòn làm ranh giới thiên nhiên cho hai huyện Phước Long và Tân Bình. Huyện Tân Bình lúc đó bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, các huyện Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, toàn tỉnh Tây Ninh, một phần tỉnh Long An ngày nay. Còn huyện Thủ Đức bấy giờ là tổng Bình An thuộc huyện Phước Long.

Tiện đây cũng cần nói thêm các cấp hành chính mà Nguyễn Hữu Cảnh đặt trên đất Đồng Nai – Gia Định có trái với thủ tục đã được áp dụng trong phương pháp duyên cách của miền ngoài. Đó là phủ cao hơn dinh. Theo như cách sắp xếp của chúa Nguyễn ở vùng Thuận Hóa và Quảng Nam vào đến Khánh Hòa, phủ ở dưới dinh, do dinh quản lý. Trái lại ở đây phủ Gia Định lại quản lý hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Đó là điều chúng tôi chưa tìm được câu giải thích. Mong các bậc cao minh chỉ giáo cho.

Cũng cần nói thêm là sau khi sắp xếp xong nền hành chính của phủ Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh rút quân về dinh Bình Khang vì ông là trấn thủ ở đó. Như vậy là ông đã để lại một số người văn quan và võ quan đảm nhiệm các chức vụ cai trị ở phủ và các dinh, các huyện. Rất tiếc là sử không chép danh tính của các vị đó, nên ngày nay chúng ta không biết được ai, chỉ biết đứng đầu dinh Phiên Trấn có Giám quân, có viên Cai bạ và viên Ký lục phụ tá. Vậy lúc đó trụ sở ở đâu? Theo sách Gia Định thành thông chí thì trụ sở đóng ở thôn Tân Lân thuộc tổng Bình Trị huyện Bình Dương. Nay truy cứu các tên thôn thời Gia Long trong Gia Định thành thông chí cũng như địa bộ của tỉnh Gia Định lập năm 1836 (3) không tìm thấy thôn Tân Lân. Còn “tại huyện Tân Bình thuộc tỉnh thành Gia Định có quan Trấn thủ, người ta gọi đó là dinh Phiên Trấn. Dinh này có một viên ký lục, một viên cai án và một viên tri bạ. Ty Tướng thần lại có một viên Câu Kê, hai viên lại ty, ba viên cai lại, bảy viên thủ hợp và mười người ty lại” (4). Tại huyện Phước Long cũng vậy. Như thế là huyện Tân Bình, phủ Gia Định và Phiên Trấn đều đóng chung một nơi và đều do bộ sậu quan chức trên đây điều khiển.

Công việc sắp xếp nền hành chính đi đôi với lập bộ đinh và bộ điền. Về bộ đinh do sự kê khai của hào lý từng thôn ấp, tổng kết lại toàn phủ Gia Định có trên 40.000 hộ ước tính khoảng 200.000 nhân khẩu. Còn số điền cũng do lời khai của từng hộ, chứ chưa thực hiện việc đo đạc. Rất tiếc là sử không cho biết số sào mẫu, mà chỉ cho biết mở rộng thêm 1.000 dặm.

Một điểm khác cũng cần ghi nhận ở đây là vùng Mô Xoài sau thời điểm này được đổi làm đạo Hưng Phước, không biết vào năm nào. Chúng ta đọc được danh xưng này trong sách Đại Nam thực lục tiền biên khi chép truyện Tên khách buôn người Trung Hoa là Lý Văn Quang làm loạn ở dinh Trấn Biên (Biên Hòa) (5).

Sau khi đặt xong nền móng hành chính, Nguyễn Hữu Cảnh cho người đi khắp các địa phương từ Nam Bố Chính trở vào Nam, vận động và chiêu mộ những người dân nghèo khổ, xiêu tán vào phủ Gia Định lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Ông lại cho quy tụ số người Hoa đã đến làm ăn buôn bán từ năm 1680 tại Trấn Biên thành một xã riêng đặt tên là xã Thanh Hà, còn những người Hoa làm ăn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, nay còn đình Minh Hương, Gia Thạnh ở đường Nguyễn Hoàng, quận 5. Từ đó người Hoa trở thành dân hộ chính thức của ta tức là công dân nước Đại Việt.

Thật là một chính sách rộng rãi, mục đích chính là lôi cuốn người dân từ các dinh trấn miền ngoài vào đây làm ăn, khai khẩn đất hoang biến vùng đất hoang vu vắng vẻ thành vựa lúa nuôi sống cả dân tộc mai sau vậy.


(1) Đại Nam thực lục tiền biên, sđd. Trang 153-154. Tinh binh là lính chính qui, am tường trận mạc và thoát ly theo đơn vị. Thuộc binh là lính địa phương, cũng theo đơn vị đóng đồn, nhưng được ở gần nhà, gần quê.

(2) Trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Đầu cho biết lưu dân người Việt lúc mới vào đây làm ăn kết hợp lại thánh man và nậu (trang 149). Chúng tôi nghĩ man chỉ dùng để chỉ các buôn, sóc người thiểu số, chứ không áp dụng cho người Kinh. Còn nậu thì như giáp, xóm hay ấp. Trước Cách mạng Tháng 8 một số nơi như Nghệ An còn cùng đơn vị nậu.

(3) Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Gia Định, Sđd.

(4) Phủ biên tạp lục tiền biên, Sđd, trang 275, tập I.

(5) Đại Nam thực lục tiền biên, sđd. Trang 210.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!