Lịch sử một cuộc đất: Khám lớn Sài Gòn (1886-1953) – Đại học Văn Khoa (1957-1967) – Thư viện Tổng hợp (1968-nay)

Du khách hoặc bạn đọc đến tham quan và tìm hiểu Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, chắc sẽ được nhiều người giới thiệu về Một cuộc đất lịch sử nằm ở Trung tâm Quận 1.

Địa chỉ Cuộc đất ngày nay là số 69 Lý Tự Trọng, Phường Bến Thành, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Bài viết này Giới thiệu sơ lược về Lịch sử của Cuộc đất này, một dòng lịch sử đặc biệt.


Giai đoạn 1886 – 1953: Khám Lớn Sài Gòn

Công trình tọa lạc trên nền đất mà xưa kia là chợ Cây Da Còm.  Theo Trương Vĩnh Ký, sở dĩ chợ có tên Cây Da Còm, vì nó nhóm dưới gốc một cây da nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. Xưa, nơi đây chuyên bán trống, bán lọng, yên ngựa, và mão tú tài.

Sau đó, nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn cho khởi công xây dựng vào năm 1886. Đến năm 1890 thì  công trình hoàn thành.

Ban đầu, khám đường dài 30m và rộng 15m. Ở giữa có lối đi rộng 2 m chạy dọc giữa hai dãy khám. Mặt chính được rào bằng những song sắt. Tường khám sơn màu đen, phía trên cao có trổ cửa, cũng có lưới sắt.

Thiết kế như vậy, vừa thông hơi, vừa để lính canh từ bên ngoài có thể quan sát bên trong phòng giam. Tuy nhiên, vì thiếu ánh sáng, vệ sinh kém, và vì số tù nhân ngày một tăng lên, nên trong phòng giam rất ngột ngạt, luôn phát sinh dịch bệnh.

Tại Khám Lớn Sài Gòn, thực dân Pháp có đặt một máy chém cao 4,5 m, lưỡi dao nặng 50kg được đưa từ Pháp sang năm 1917.

Vào khoảng năm 1925, mỗi lần thi hành án tử hình, người quản lý khám, cho đặt máy chém giữa đường, khoảng 5 giờ sáng, thì việc đã xong. Lập tức, họ cho xe vòi rồng đến xịt nước để tẩy rửa dấu vết.

Năm 1953, Khám Chí Hòa, Sài Gòn (Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh ngày nay) hoàn thành. Nhà cầm quyền cho di dời tất cả tù nhân từ Khám Lớn Sài Gòn sang đó.

Sau đó tòa nhà bị phá hủy, kết thúc một thời kỳ tăm tối của cuộc đất trung tâm này.


Giai đoạn 1957 – 1967: Đại học Văn Khoa

Cổng Đại học Văn Khoa – Đường Nguyễn Trung Trực

Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa là Trường Đại học Văn khoa Việt Nam thành lập vào năm 1949. Hoạt động của Trường trong những năm kế tiếp bị gián đoạn vì tình hình chính trị. Mãi đến năm 1955, Trường Đại học Văn khoa mới được ưu tiên phát triển.

Do vị trí thuận lợi và được ưu tiên phát triển nên Cuộc đất – khu tứ giác của Đại học Văn Khoa lúc bấy giờ có nhiều hội đoàn đến đóng đô. Điều này tạo nên những sinh hoạt văn nghệ khá sôi động.

Một thời kỳ tiêu biểu cho các hoạt động thanh niên sinh viên, văn hóa, xã hội v. v.


Tại đây vào những năm đầu thập niên 60 hình thành môt hội quán gọi là quán Văn. Lời kể của Hoàng Xuân Sơn một trong những người sáng lập:

” Trong ý nghĩ tình cờ nào đó của một ai đề xướng. Nhóm Sinh Viên Văn Hóa đứng ra thành lập Quán Văn. (Ông Đỗ Tăng Bí xác nhận qua điện thư ý kiến cho ra đời Quán Văn là của ông).”

Lịch sử một cuộc đất: Khám lớn Sài Gòn (1886-1953) - Đại học Văn Khoa (1957-1967) - Thư viện Tổng hợp (1968-nay)
Quán Văn những ngày đầu mới thành lập

Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc, là một trong những tụ điểm sinh hoạt văn nghệ tiên phong của thanh niên sinh viên học sinh. Các hoạt động rất có khí thế, có sức lôi cuốn mãnh liệt và tạo được nhiều tiếng vang trong những năm dài biến động.

Có thể nói không ngoa: Chính Quán Văn đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của giới trẻ và người mộ điệu. Từ Thanh Lan/ Từ Công Phụng đến Khánh Ly/Trịnh Công Sơn v.v. và nhiều ca nhạc sĩ, thi sĩ khác nữa.

Sinh hoạt văn nghệ từ Quán Văn như một bàn đạp, dần đi sâu vào các khuôn viên đại học, đoàn thể. Quán Văn là tiền thân của Thằng Bờm, Hầm Gió, Hội Quán Cây Tre, vv.

Năm 1967 trường đại học văn khoa được dời về số 10 Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng, Q.1)


Giai đoạn 1968 – nay: Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh

Thư viện Quốc Gia (Tên gọi trước năm 1975) được xây dựng dựa vào đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện. Và sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật – Kiến trúc sư Lê văn Lắm.
Thủ tướng Trần Văn Hương đã đặt viên đá đầu tiên để khởi công. Công trình hoàn thành vào cuối năm 1971.  Ngày 23-12-1971, Thư viện Quốc Gia được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 2-1972.
Kinh phí xây dựng lên đến 177 triệu đồng. Nhà thầu xây cất phải dùng tới 100.000 công thợ, 500 tấn sắt và 27.000 bao xi măng ròng rã 3 năm. Công việc xây cất mới hoàn thành với diện tích 7070 m2 bao gồm hai khối:
  • Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m. Bao gồm một tầng hầm, một tầng trệt và hai lầu, một sân thượng ở lầu hai.
  •  Khối thứ hai nằm ở trung tâm. Hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43m, chứa tài liệu.
Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ. Công trình có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Lúc này thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài liệu.

Viên đá ghi lại Sơ lược dấu mốc lịch sử được đặt bên phải sảnh vào của Thư viện (sát cột đèn).

Để tìm hiểu thêm về hoạt động của Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp Tp. Hô Chí Minh.  Vui lòng xem website chính thức: www.thuvientphcm.gov.vn/

Viết một bình luận

error: Content is protected !!