Gia Định Thành – Thời Tả Quân Lê Văn Duyệt

Tác giả: Nguyễn Phước Thọ, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay năm 2008


Gia Định Thành vào đầu thế kỷ XIX bao gồm những trấn sau: Phan An (tức Sài Gòn sau này), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang), và Hà Tiên. Cả năm trấn kể trên đều đặt dưới quyền của Tổng trấn Gia Định Thành, người có toàn quyền về các mặt hành chánh, quân sự, tư pháp. Ngoài ra, Tổng trấn còn có quyền thanh tra mọi việc ở trấn Bình Thuận.

Thủ phủ Gia Định Thành bấy giờ là thành Phan An. Thành được Nguyễn Ánh xây dựng vào năm 1790, sau khi chiếm được Gia Đình, kiến trúc thành được xây dựng theo kiểu Tây Phương: hình vuông, chi vi trên ba hải lý; tường xây bằng đá ong Biên Hòa, cao năm thước hai mươi phân. Ở giữa thành là cung điện của Nguyễn Vương (ở vị trí Vương Cung Thánh Đường hiện nay). Bên cạnh cung điện, phía bên trái là dinh Đông Cung; phía phải là xưởng đóng chiến thuyền và đúc đại bác. Phía sau cung điện là kho vũ khí và lương thực.

Thành có tám cửa, phía đông là Gia Định Môn và Phan An Môn; phía tây là Vọng Khuyết Môn và Công Thìn Môn; phía bắc là Hoài Lai Môn và Phúc VIễn Môn; phía nam là Định Biên Môn và Tuyên Hóa Môn. Xung quanh bao bọc thành là phố xá và nhà cửa.

Một thương gia người Trung Quốc tên là Finlayson ghé qua Sài Gòn năm 1812 đã tả lại thành phố như sau: “Tuy không còn là kinh đô nữa nhưng thành phố này vẫn làm cho du khách phải ngạc nhiên: chúng tôi không ngờ ở miền xa xôi này lại có một thị tứ to và rộng như vậy. Thành phố ở bên trái sông Sài Gòn (đi từ cửa biển vào). Khi chúng tôi xuống bến, đi hàng mấy hải lý mà chưa hết nhà cửa. Nhà làm đều sát nhau và theo hàng rất đều. Đường sá rất rộng. Có rất nhiều lạch, hai bên bờ đều là nhà cả, thuyền bè đi lại như mắc cửi. Cách đặt phố xá ở đây còn phong quang, thứ tự hơn nhiều kinh đô ở Châu Âu.

Thành phố Sài Gòn là trung tâm thương mại của cái tỉnh giàu có này. Một vài người Trung Hoa ở nước họ sang đây buôn bán rất lớn, nhưng người Cocochinois nghèo cho nên không sao buôn bán như người Trung Hoa được. Những cửa hiệu ở Sài Gòn có đủ mặt hàng: đồ sứ Trung Hoa rất đẹp, đồ sứ bản xứ xấu hơn, lụa xứ Toquin (Bắc Việt), quạt, thuốc, pháo, hương, giấy, … Tóm lại rất nhiều hàng hóa Trung Hoa … Dân dư rất đông đúc.

Sự phát triển của thành phố này và thành phố bên cạnh (Chợ Lớn) đã tiến một bước khá mạnh với chính sự thanh liêm nhưng cực kỳ nghiêm khắc của ông Khâm sai Tả quân Lê Văn Duyệt …” (theo L’Empire d’ An Nam của Jean Silvestre – trích lại từ cuốn Cuộc đời oanh liệt … Lê Văn Duyệt của Lê Đình Chân trang 60).

Tác giả Trịnh Hoài Đức đã ghi chép về đất đai và con người Sài Gòn vào những năm giữa thế kỷ XIX như sau: “Đất Gia Định rộng lớn, phì nhiêu, sản xuất đủ mọi sản phẩm, dân cư phong phú, không bao giờ lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Người Gia Định quen ăn tiêu phung phí, trong miền Gia Định rất ít người giàu có, vì cớ không ai chịu dành dụm để làm giàu cả. Nhân dân ở đây khinh rẻ tiền của nhưng rất mộ công lý. Đàn bà thì yểu địu và phần nhiều có nhan sắc. Từ Bắc chí Nam họ có tiếng là đẹp hơn cả. Họ phần nhiều thọ hơn đàn ông. Những người đã cao tuổi thường vẫn tráng kiện, chứ không cằn cỗi khôn khan (…).

Khi cõi Gia Định mới thuộc về triều đình nước Nam, thì nhân dân miền này gồm có những người An Nam miền Trung di cư vào, người Trung Hoa, người Mã Lai, thường gọi là Chà Và. Phong tục các giống đều khác nhau. Người An Nam theo phong tục Gia Chỉ (…)

“Học trò và thường dân, đàn ông cũng như đàn bà để tóc xõa xuống vai, mặc áo cánh ngắn, không có xẻ ở hai bên, khuy ở giữa. Ở xứ này người ta không biết đến quần. Đàn ông thì dùng một miếng vải quấn qua lưng và vắt qua mông (khố). Đàn bà thì dùng một miếng vải quấn chung quanh sườn. Nhà cửa đều thấp và nhỏ. Nhưng từ năm 1680 (đời Lê Ai Tôn) trở đi, người ta ăn mặc theo kiểu Minh Triều (…).”

“Người Gia Định rất thuần hậu với khách lạ. Khi có người lạ tới nhà, chủ nhà bao giờ cũng mời ăn trầu, uống trà và sau cùng là dùng cơm. Mà bữa cơm đãi khách bao giờ cũng thịnh soạn, bất luận là khách thân hay sơ hay chỉ là một người lạ mặt … (…)”.

“Xứ này có nhiều sông lạch, vì thế nên trong 10 người thì có 9 người biết bơi. Thủy quân Gia Định có tiếng là thiện chiến. Nhà ở Gia Định phần lớn lợp ngói. Ở bến Sài Gòn, tàu thuyền thương mại ra vào tấp nập. Không một thương cảng nào trong nước có thể sánh với Gia Định. Dân Gia Định vì thế rất thạo nghề buôn bán.

Trái hẳn với dân Gia Định, người miền Vĩnh Thanh có tính cần kiệm. Họ cần cù làm ăn: cấy lúa và trồng hoa quả. Nhân dân miền này phong tục cực kỳ thuần hậu. Ai ai cũng có ruộng, có vườn. Không ai là nghèo khó thiếu ăn, thiếu mặc.”

Năm 1812 vua Gia Long cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành.

Thời gian trước khi Lê Văn Duyệt vào làm Tổng trấn, ở miền Vĩnh Thanh, sau thời gian dài loạn lạc, có nhiều vùng bọn cướp kết thành băng đảng, hoành hành rất dữ. Chúng ngang nhiên cướp giựt, đốt nhà hãm hại lương dân. Dựa vào sông lạch để hoạt động, các băng đảng này thường bắt cóc người có tiền của rồi đòi tiền chuộc, vì thế có nơi dân làng phải bỏ nhà cửa đến trốn vào các chợ lập quanh các thành trì có quan quân canh phòng. Trước tình cảnh đó, khi đến nhậm chức, Lê Văn Duyệt đã tốn rất nhiều công sức, dùng nhiều biện pháp mới dẹp yên được các băng cướp này.

Ông thường nói với các quan quân rằng: “Muốn trừ bọn cướp không gì bằng nuôi dân…. Muốn nuôi dân không gì bằng cho dân ruộng đất để cày cấy …” . Năm 1820 ông cho lập một đồn điền để những người tha phương cầu thực, những kẻ trộm cướp ra đầu thú có nơi lao động sanh nhai; hoặc cấp lương thực, trâu bò, nông cụ để họ đi khai khẩn đất hoang, tự do canh tác để thu lợi. Đất đai khai khẩn đó, mười năm sau mới phải đóng thuế.

Để khuyến khích nhân dân Gia Định gia tăng canh tác nông nghiệp, hàng năm ông cho tổ chức Lễ Tịch điền vào tháng năm hàng năm. Tại đó, Lê Văn Duyệt thay mặt nhà vua đích thân cày một thửa ruộng nhỏ (Theo Trương Vĩnh Ký, thửa ruộng đó sau này là khu vực trước Dưỡng đường người già – là khu vực Thị Nghè hiện nay).

Trong thời gian làm Tổng trấn, Lê Văn Duyệt đã dâng sớ lên triều đình Huế để xin đào kên Vĩnh Tế. Triều Đình cử Thoại Ngọc Hầu, Trấn thủ Vĩnh Thanh là người đứng ra chỉ huy thực hiện công trình vĩ đại này. Năm 1823 Lê Văn Duyệt lại cho huy động nhân công đào vét thêm cho sâu rộng hơn để tàu lớn có thể ra vào được dễ dàng.

Kênh Vĩnh Tế thực hiện dưới thời Lê Văn Duyệt là một công trình mang lại rất nhiều lợi ích. Không chỉ thuận tiện cho việc giao thông đi lại và tưới tiêu đồng ruộng mà còn tạo nên một địa thế chiến lược hết sức quan trọng, trong việc bảo vệ lãnh thổ phía Nam thời bấy giờ.  Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng …”.

Trong hai lần trấn nhậm ở Nam bộ, Lê Văn Duyệt đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài ba, ông nghiêm khắc trong việc thực thi luật pháp để xây dựng một vùng Nam bộ ổn định và no ấm. Dưới thời ông làm Tổng trấn “nhân dân Gia Định thành được yên ổn làm ăn. Lúa gạo sản xuất nhiều, nhân dân không biết đói kém là gì…” (Trích Cuộc đời oanh liệt của Lê Văn Duyệt).

Trong Tự điển Bách Khoa Việt Nam xuất bản năm 2002 ghi ông là “Một danh tướng công thần bậc nhất của Triều Nguyễn”, là “nhà chính trị xuất sắc” và là “người chính trực, ghét xu nịnh”. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của QUốc Sử Quán Triều Nguyễn viết: “Duyệt là người thâm trầm, dữ tợn, chiến đấu giỏi”.

Lê Văn Duyệt là người góp công lớn về đối nội lẫn đối ngoại. Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam mà còn phát huy thế nước nhà ra các nước lân bang, không khéo ứng xử với giới doanh nhân Phương Tây đến đây buôn bán. Đồng thời đốc thúc quân dân nỗ lực khẩn hoang, lập ấp. đắp đường, xây lũy, học văn luyện võ, tăng gia sản xuất, mở rộng giao thương … Ông được nhân dân kính trọng và gọi là thượng công.

Đến năm Nhâm Thìn (1823) (*) vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc Thành, các địa phương đều được đổi thành tỉnh. Nhưng đối với Gia Định Thành, vua vẫn để cho Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn. Điều đó chứng tỏ nhà vua rất tin tưởng vào nẳng lực lãnh đạo của ông.

Lê Văn Duyệt mất ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (năm 1932) thọ 69 tuổi. Rất nhiều thân cận với ông nói rằng cho đến lúc sắp tắt hơi tinh thần ông cũng không đổi, vẫn minh mẫn như thường.

(*): có sự nhầm lẫn, năm 1823 là năm Quý Mùi.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!