Ông huyện kia đắc chỉ ra ngồi huyện nơi kia. Mà ông ấy là người thanh liêm lắm, cho nên không dụng lễ mễ của ai, lấy một đồng, đem cửa trước cũng không xong, đem cửa sau cũng không lọt. Bà huyện thấy chồng không có ưa, thì cũng không dám lãnh lấy của ai vật gì.
Có cái làng kia nhờ ông huyện lắm, mà đền ơn nghĩa không được. Hễ đem tới giống gì, giống gì bất kỳ, vàng bạc tiền của gì, ông cũng không thèm gì hết; tức mình mới đem đút cho bà huyện. Mà bả cũng rằng rằng quyết một, một hai không dám lãnh. Ngài tôi thanh liêm, tính không có chịu, tôi mà có lấy nữa, sau rầy tôi. Làng càng nài, xin bà cất, nhậm lấy lễ, biểu trẻ thâu cho.
Bà thấy làng năn nỉ, cầm lòng không đậu, thì bày rằng: “Ông huyện tôi, ngài là tuổi tí; vậy làng có bụng làm vậy thì thôi, làng có muốn, thì về đúc một con chuột bằng bạc đem tới đây, để tôi chịu khó, tôi nói giùm cho, họa may có được chăng.”
Vậy làng nghe lời, về đúc một con chuột cống đặt ruột bằng bạc ròng, đem vô. Bà huyện lãnh lấy cất đi, không dám nói với chồng hay.
Đến sau khi ông huyện thôi làm quan, về hưu trí, thì nghèo; nhiều khi túng ngặt thiếu trước thiếu sau. Mà bà huyện thì lấy con chuột chặt lần ra mà bán, lấy tiền mua sắm ăn sắm mặc.
Bữa ông huyện nói với mụ rằng: “Bây giờ ta túng xây túng xài hơn thưở trước khi ta còn làm quan lắm; mà mụ lấy đâu mụ mua ăn mua mặc làm vậy?”
Thì bà huyện mới học lại chuyện làng đem của đền ơn, mà không lấy: “Thưở ông ngồi huyện, làng kia mắc ơn ông, mà tới năn nỉ đem lễ vật, mà tôi không chịu, họ nài quá tôi mới bày cho họ về đúc con chuột bạc đem dưng, vì ông là tuổi tí. Bậy giờ nhờ con chuột ấy, tôi chặt một khi một ít bán đi mà tiêu dùng.”
Thì ông huyện mới tiếc mới nói rằng: “Vậy sao bà không có nói là tuổi sửu, cho họ đúc con trâu. Phải nói vậy, bây giờ chẳng khá khiền đi ai?”