Lầm to nên mới … – Phần 8

Nghĩa Hiệp một tay che khuất mặt một tay cầm trường kiếm thủ, Hoàn Ngọc Ẩn nói lớn lên rằng: “Nghĩa Hiệp! Tôi biết mặt anh rồi.”

Nghĩa Hiệp trả lời: “Anh thấy thì không hại gì, nàng Lệ Thủy và Đỗ Hiếu Liêm không thấy kịp thì thôi.”

Khi hai người ráp lại đánh vùi với nhau được một chập, Nghĩa Hiệp lui lần lại cửa sổ đánh riết một hồi thừa thế nhảy ra ngoài. Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy cười rồi day lại hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “Nàng thấy tài tôi chưa?”

Nàng Lệ Thủy nghe hỏi có ý thẹn châu mày rồi ngó xuống đất. Thình lình Nghĩa Hiệp nhảy cửa sổ trở vô trên mặt có một cái mặt nạ khác.

Hoàn Ngọc Ẩn day lại hỏi rằng: “Nghĩa Hiệp còn muốn đánh với tôi nữa sao?”

“Không đâu! Tôi với anh vốn là bạn học một thầy khi xưa ở bên tàu, lạ gì tôi không biết tài của anh hồi thuở còn đang học. Khi nãy tôi đánh với anh là muốn thử anh coi bây giờ anh có bỏ phế không luyện tập võ nghệ thường ngày chăng.”

Hoàn Ngọc Ẩn cười xòa nói: “Võ nghệ là một môn thể tháo rất hay, lẽ nào tôi bỏ không luyện. À còn anh trở vào muốn sự gì xin nói cho tôi biết.’

“Tôi xin lấy hoàn ngọc.”

Hoàn Ngọc Ẩn day lại hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “Nghĩa Hiệp nói như vậy nàng tính lẽ nào?”

Nàng Lệ Thủy nói: “Em không bằng lòng.”

Nghĩa Hiệp cười gằn rồi nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Nầy Hoàn huynh, xin anh nghe tôi nói hết câu chuyện nầy rồi anh nghĩ lại coi có phải là tôi vì việc nghĩa mà làm chăng? Nếu như nàng không đành lòng trả, tham chi của hoạnh tài thì tôi chê lắm, còn như Hoàn huynh không phân giải điều ngay chánh cho nàng thì tôi đáng chê luôn vậy.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Anh cứ việc nói cho tôi nghe. Nghĩa Hiệp phải biết cho tôi rằng thuở xưa khi tôi còn ở bên Tàu, thầy của chúng ta có nói với tôi rằng ‘Ngọc Ẩn ờ con! Thầy nghe nói con lạc loài cha mẹ, nếu không nhờ ông Anh-be nuôi nấng đến bây giờ thì con trôi nổi khốn khổ biết là bao nhiêu nên thầy thương con lắm. Thầy thấy con tuy còn nhỏ mà có chí khí anh hùng và lại dõng lực, nên thầy bằng lòng lắm. Thầy muốn truyền hết võ nghệ của thầy lại cho con, sau đó thầy xin con một điều, điều đó dầu mà thầy có thất học ở chốn dạ đài con giữ đặng, thì thầy cũng ngậm cười luôn. Con có bằng lòng hay không?’ Nầy anh Nghĩa Hiệp! Anh còn nhớ những lời tôi trả lời với thầy tôi không? Tôi nhớ khi đó có anh đứng gần thầy và nghe rõ câu chuyện ấy?”

Nghĩa Hiệp cười rồi nói: “Sao lại không nhớ! Anh vỗ ngực trả lời với thầy rằng ‘Ngọc Ẩn trọng ba ngôi: Quân, sư, phụ. Ngọc Ẩn xin bằng lòng dầu mà Ngọc Ẩn có nát gan tiêu phổi việc chi làm cho vui lòng thầy thì Ngọc Ẩn vỗ ngực ra tay. Ngọc Ẩn vỗ ngực trước mặt thầy lần thứ nhứt đây là lời thề của Ngọc Ẩn.’ Có phải những lời đó chăng?”

Hoàn Ngọc Ẩn cười chúm chiếm và nói rằng: “Nghĩa Hiệp anh thật nhớ dai quá! Những lời nơi miệng tôi nói ra mà tôi không nhớ được như anh. Tôi xin anh còn nhớ những gì khá nói hết cho tôi nghe, sau đó anh muốn buộc tôi điều gì chánh lẽ về vụ hoàng ngọc nầy thì tôi xin vâng.”

Nghĩa Hiệp cười và nói: “Có chi may bằng! Nầy anh, khi thầy nghe dứt lời khí tượng của anh thì vui mừng không xiết, thầy mừng cho đến nước mắt tuôn dầm. Thầy liền ôm anh vào lòng kê miệng hun nơi trán của anh, còn tay thì để trên đầu anh mà vuốt tóc. Một chập sau thầy buông anh ra rồi giữ nét mặt oai nghi ngó ngay vào chính giữa hai mắt của anh và hỏi anh một lần nữa rằng: Hoàn Ngọc Ẩn! Con có gan ruột anh hùng chăng?”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe Nghĩa Hiệp nói đến đây thì dường như giựt mình nên đón lời hỏi rằng: “Nghĩa Hiệp anh muốn nói chi giông dẫn vậy?”

Nghĩa Hiệp đáp: “Muốn cho câu chuyện nầy kết quả, anh hãy ráng nghe tôi thuật lại hết đầu đuôi, ắt là làm cho anh tỉnh ngộ lại ít nhiều.”

Hoàn Ngọc Ẩn rờ trán rồi nói: “Anh cứ việc nói tới (1).”

Nghĩa Hiệp nói: “Khi thầy hỏi vừa dứt lời thì anh cầm cây trường kiếm giơ lên trời rồi trợn mắt nói rằng: Thưa thầy! Người khác hơn cha nuôi của tôi là thầy, tức thì tại đây thấy được cái gan của tôi là bao lớn. Tôi nói thật thầy mà truyền hết tài nghệ của thầy cho tôi, khi ngộ biến Ngọc Ẩn nầy chẳng hề lui một bước tỏ tuồng nhát gan, Ngọc Ẩn có giao chiến cùng ai chừng nào cây kiếm nầy gãy làm hai thì Ngọc Ẩn mới chịu chết. Anh nói vừa dứt lời thầy liền đứng dậy vỗ vai anh và nói với mấy người bạn học trò rằng:  Ngọc Ẩn nầy là đáng học trò của ta hơn hết. Rồi đó thầy day lại nói với anh rằng: Ngọc Ẩn con hãy cổi áo ra. Rồi đó thầy bước lại lò lửa lấy một cây sắt tròn đầu nhọn đốt cháy đỏ đem lại và nói rằng: Ngọc Ẩn có gan hay không thì sẽ biết. Dứt lời thầy cầm cây sắt viết hai chữ Nghĩa Hiệp trên ngực của anh thịt cháy nghe xèo xèo mà anh vẫn đứng tự nhiên không day động và miệng của anh lại tươi cười. Cả thảy bạn học và tôi thấy vậy đều châu mày nhăn mặt. Thầy lại nói với anh rằng: Nghĩa Hiệp là tên của thầy đặt riêng cho con đó. Ngọc Ẩn con nhờ thầy truyền hết nghề võ cho con, vậy vì cái tên quí trọng nầy trọn cả đời con phải kiến nghĩa tức vi, chừng nào hai chữ nầy lặn mất đi rồi thì con mới nên bỏ cái nghĩa vụ của tên Nghĩa Hiệp. Nói rồi thầy lấy một thứ thuốc chi rất linh nghiệm thoa vào hai chữ nầy thì trong năm ngày hai chữ khuyết vào thịt của anh lành lại và trở nên đỏ như son. Ngày nay hai chữ đó lặn mất rồi hay sao? Xin anh cho tôi coi lại.”

Hoàn Ngọc Ẩn liền mở nút áo sơ mi đưa ngực ra thì nàng Lệ Thủy, Đỗ Hiếu Liêm thấy rõ ràng hai chữ Nghĩa Hiệp viết bằng chữ Hán tự sắc đỏ như thoa son.

Nghĩa Hiệp nói: “Hai chữ còn ràng ràng, bây giờ tôi thuật tiếp những việc nghĩa khí của anh sau rồi tôi sẽ vấn anh vài câu hỏi thử coi anh trả lời sao cho biết. Khi hai chữ Nghĩa Hiệp nơi ngực của anh lành rồi thầy đi dự tiệc của thằng Sơn Đông tên là Thế Hùng cũng là một thầy võ nguyên có thù hiềm với thầy. Khi đó thầy có đem anh đi theo phải không?”

“Phải! Mà anh nhắc lại làm gì?”

“Ấy! Để cho tôi nói hết. Khi đi thì thầy nghi có chuyện không hiền thế mà khi dự tiệc thầy quên không để ý. Đến khi đánh tửu đà quá chén, thằng Thế Hùng mới buông lời nhục mạ thầy nên chi thầy nổi nóng đạp bàn ngã lăn. Thằng Thế Hùng bèn ra hiệu một tiếng thì có mười đứa học trò của nó nhảy ra vây thầy mà đánh. Thầy đi có đam theo cây gậy nhưng vì bị rượu vào bụng quá nhiều, sức mười giảm hết tám không thế nào cự địch lại. Khi đó anh rút cây trường kiếm hét lên một tiếng dữ dội rằng: Loài chồn lũ áo! Bây chớ hung hăng, bây ráng coi tài của Nghĩa Hiệp. Một mình anh xung đột huơi kiếm đâm chém nghe vùn vụt. Anh đánh trọn nửa giờ mà che chở cho thầy, bọn đó bị bịnh rất nhiều xem mòi kinh khủng, nhưng không may đánh riết một chập nữa cây kiếm của anh gãy làm hai đoạn. Tưởng là anh chết trong trận nầy, theo như lời của anh nói với thầy ngày trước. Khi gãy kiếm rồi, thuở đó anh còn nhỏ tuy sức yếu hơn bây giờ mà anh cũng xách nổi bốn chục kilos. Anh lẹ trí lấy gậy của thầy ngăn đỡ sau đó anh thừa thế bắt một đứa học trò nhỏ của Thế Hùng chuyển hết sức bình sanh giở hỏng nó lên trời mà đỡ thương cho anh và thầy, kế đó có lính chạy tới mới dẹp yên trận đó. Rồi một trận đó cái tiếng Nghĩa Hiệp vang rền Quảng Đông toàn tỉnh, cho đến tỉnh Sơn Đông cũng nghe thay. Sau anh còn làm nhiều việc khác nữa, ai bị anh vả vào mặt một cái, thì cái bàn tay in dấu đến chết: người đều gọi là ‘bàn tay của Nghĩa Hiệp”, nên chi kẻ hung phạm bất nhơn nghe đến tên Nghĩa Hiệp thì rụng rời kinh khủng. Từ ngày anh theo dưỡng phụ của anh cách biệt nước Tàu mà về Nam kỳ đến nay, và cách hai năm sau tôi chẳng còn nghe cái tên Nghĩa Hiệp làm việc nào xứng đáng.”

Nàng Lệ Thủy nghe nói đến đây ngạc nhiên, nàng mới rõ Hoàn Ngọc Ẩn là tay anh hùng đúng bực. Nàng lại lấy làm lạ nên hỏi Nghĩa Hiệp giả rằng: “Nghĩa Hiệp là cái tên riêng của anh Hoàn Ngọc Ẩn còn người là Nghĩa Hiệp gì nữa, tôi hiểu không đặng?”

Nghĩa Hiệp giả cười và đáp: “Xin nàng ráng nghe câu chuyện của tôi và Hoàn Ngọc Ẩn thì sẽ rõ đầu đuôi.”

Nghĩa Hiệp giả day lại nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Nầy anh, anh về Nam kỳ được sáu năm thì thầy thất lộc các bạn học trò của thầy lo việc tống táng long trọng nhưng người người tiếc thầm vì vắng mặt anh. Tôi đây đánh điển tín cho anh hay tin nhưng nhằm lúc anh đau nặng, các bạn học trò tính không tiện là hoàn linh cửu của thầy lâu mà chờ anh trở qua chủ đám. Khi đó anh có xin dưỡng phụ hai trăm đồng mua mandat gởi qua, đạo làm trò như anh xử như vậy là chánh đáng. Đây tôi nói sang qua chuyện hoàng ngọc lại vì sao tôi muốn lấy. Ờ Hoàn Ngọc Ẩn tên riêng là Nghĩa Hiệp! Tệ cho anh là ngần nào! Anh vì mang một khối tình nặng trĩu trong lòng mà quên cái nghĩa vụ đối với cái tên của thầy đặt cho anh và trên ngực anh còn ràng ràng đó.”

Hoàn Ngọc Ẩn giả tuồng biến sắc hỏi rằng: “Anh nói cái chi lạ vậy?”


(1) Hoàn Ngọc Ẩn muốn cho Lệ Thủy và Đỗ Hiếu Liêm rõ tài của mình, nên để cho Nghĩa Hiệp giả thuật hết câu chuyện của chàng nổi danh tại Hồng-kông khi chàng còn ở bên Tàu với ông Anh-be là dưỡng phụ (có thiêt) chớ không phải chàng thêu dệt.

error: Content is protected !!