Cho rõ khí hùng – Phần 26

“Tôi biết, Ba Hoành là bạn học võ một thầy với tôi. Phải đa, anh cũng nên đi mời anh Ba đi xuống dưới chơi. Ảnh vời tôi chưa biết ai giỏi hơn ai, vì bấy lâu kết làm anh em nên không lẽ tranh đấu với nhau. Thôi anh chẳng cần gì đi tìm ảnh làm gì, để mai tôi đi kiếm ảnh và rủ anh đi chơi, hể tôi mời thì ảnh đi liền.”

“Anh dám chắc sẽ mời ảnh được không?”

“Sao lại không được, tôi biết tánh Ba Hoành là tay háo thắng, nếu ảnh hay tin có cuộc đấu võ thì đi liền mà. Anh hãy tin bụng tôi, trong năm ngày thì có hai vợ chồng tôi và ảnh xuống Saigon.”

“Thiệt chắc đa, nầy là miếng giấy tôi có biên tên đường và số nhà của cô chủ tôi. Anh hãy giữ giấy nầy đặng khi xuống Saigon tìm nhà cho dễ. Tôi kiếu anh đi về cho sớm kẻo cô tôi trông đợi.”

“Phải, anh an lòng, tôi chẳng dám nói sai đâu.”

Hai Dõng bèn mở hộp lấy ra một cái giấy năm đồng và nói: “Đây anh tạm lấy năm đồng nầy làm tiền phí lộ.”

“Được như vầy thì có chi quí bằng.”

Đây nói qua nàng Lệ Thủy đăng bài chiêu mộ võ sĩ trong các báo quốc âm được ba tuần thì tiếp được ba cái thơ tới xin biên tên vào sổ võ sĩ đặng chờ ngày tỉ thí. Trong ba cái thơ đó có một cái thơ của vợ Năm Mạnh tên là Hồng Hoa, một cái thơ của một người Cao Man lai tên là Tăn Muôi và một người Annam tên là Nguyễn Tranh Châu. Nàng lệ Thủy có ý mừng thầm vì Hai Dõng đi lên Tân Khánh, về có nói với nàng chắc làm sao cũng có vợ chồng Mười Long và Ba Hoành xuống. Nàng Lệ Thủy bèn gởi thơ cho Tăn Muôi, Nguyễn Tranh Châu và Hồng Hoa hay đến ngày kỳ hẹn phải tựu đến nhà.

Nàng Lệ Thủy nói với Hai Dõng rằng: “Tôi tưởng chẳng cần phải để cho đàn ông và đàn bà tranh đấu với nhau mới chọn được người tài. Tốt hơn thì đàn ông đấu với đàn ông, đàn bà với đàn bà, như thế thì tôi lựa được một người đàn ông và một người đàn bà giúp tôi thì đủ.”

Ha Dõng nói rằng: “Dạ thưa cô tính như vậy thì rất hay, phen nầy Nghĩa Hiệp có tài cho thế mấy cũng phải bị hạ.”

Nàng Lệ Thủy nói: ‘Tôi đây chẳng ngu ngốc gì, nếu tôi muốn gìn hoàn ngọc nầy thì tôi giấu đi, làm sao Nghĩa Hiệp biết mà tìm, nhưng vì người chí khí anh hùng nên muốn chọn người siêu quần bạc tụy thử tài với người chơi. Tôi đây cũng có khí tượng anh thư, hà cư xử khiếp nhược để cho người chê bai hay sao?”

Nàng Lệ Thủy nói vừa dứt lời bỗng có thằng Chuột đem đưa cho nàng một cái thơ và nói: “Dạ thưa cô, thơ nầy của một người phắc-tơ (pacteur) ở nhà thơ đem lại.”

Nàng Lệ Thủy bèn xé bao lấy một miếng igấy ra xem thì thấy viết như vầy:

Cùng cô nương đặng rõ,

Tôi không rõ cô nương vì ý gì nằn nằn không chịu trả hoàng ngọc lại cho họ Đặng, tôi đây đàm chê đó, hay là cô nương muốn rõ tài tôi một lần nữa. Ngày giờ đã hầu cùn rồi, còn có mười ngày, tức là đến hai mươi tây tới đây, đúng mười hai giờ khuya tôi đến thăm cô và hoàng ngọc sẽ về tay tôi. Dầu mà cô có chọn anh hùng hào kiệt khắp lục châu đến ngăn giữ cũng chẳng ích gì. Hẳn thật cô có tâm sự rất lớn buộc mình phải giữ hoàng ngọc nầy, nhưng ngày nào cô tỏ cho tôi biết, chừng đó tôi sẽ giải phân điều hơn sự thiệt cho cô nghe, bằng không thì tôi chẳng phục. Nếu phải lẽ cô nên giữ hoàng ngọc nầy thì tôi chẳng hề can dự đến nữa, còn không thì làm sao tôi cũng lấy cho đặng mới vừa lòng. Từ bữa nay cho đến hai mươi tây cô muốn tôi hầu chuyện với cô thì xin dán một miếng giấy nơi trụ cửa ngõ định ngày giờ thì tôi sẽ đến.’

Dưới ký tên: Nghĩa Hiệp.

Nàng Lệ Thủy xem thơ vừa rồi thì nét mặt dàu dàu trông dường lo lắng. Nàng thở ra và tự nghĩ rằng: “Nghĩa Hiệp chê ta gẫm ra cũng phải, nhưng biết làm sao? Ta đây đủ quyền mà giữ ngọc, đâu phải cướp giựt của ai, chớ chi ta không vì việc bí mật vi cơ đồ của ta thì sá gì hoàng ngọc nầy mà để cho nhơ danh xấu tiếng. Ta mà mất hoàng ngọc nầy thì ta phải làm nhiều việc ác mà bù chi, thôi thà ta chịu tiếng rầu hơn là làm việc ác. Còn Nghĩa Hiệp nầy là người nào mà cang cường chánh trực lắm vậy, tiếc thay ta chẳng biết người. Ta có nên mời người đến nhà mà tỏ tâm sự của ta chăng? Không, ta chẳng nên gấp làm gì. Để quá ngày kỳ hẹn, nếu Nghĩa Hiệp là người đại tài lấy được hoàng ngọc thì ta cũng nên tỏ hết tâm sự của ta cho người biết và cậy người giúp ta mà làm việc cả thể chẳng muộn gì. Nếu người là tay phải thế, ta nguyện cùng người tính việc tóc tơ, còn như người chẳng xứng duyên cùng ta thì ta mướn người giúp ta cũng đặng. Phải lắm, như vậy thì có chi hơn.”

Nàng Lệ Thủy nghĩ đến đây bỗng nhớ đến Hoàn Ngọc Ẩn thì châu mày nói một mình rằng: “Lạ kỳ! Cớ gì mà ta vẫn nhớ thương Hoàn Ngọc Ẩn hoài,  Hoàn Ngọc Ẩn chẳng thương ta, Hoàn Ngọc Ẩn đi cưới vợ. Ôi! Trên đời nầy biết bao nhiêu là trai vương tôn công tử si lụy vì ta, thế mà sao ta không thương ai cả, lại riêng để một mối tình với Hoàn Ngọc Ẩn mà thôi. Còn trách thay! Hoàn Ngọc Ẩn là người chi mà không thương ta? Ờ! Hay là người chê ta là một lả lơi với nhưng hạng người cợt nguyệt trêu hoa, là phường ong bướm. Ờ ờ phải rồi! Hoàn Ngọc Ẩn ôi! Chàng chẳng biết cho em sanh ư nê bất nhiễm ư nê, sống ở bùn mà không lây mùi bùn đó. Ngày nay ta mới biết thế lực tình là độc địa, hay là ta có duyên chi với chàng nên xui khiến ta vì tình riêng để cùng chàng mà phải vỏ vàng vóc ngọc. Hoàn Ngọc Ẩn ôi! Chàng thấy cái bóng dáng bề ngoài mà chàng chê em cũng cho là phải. Thế mà chàng đâu có rõ cái làm sự cay nghiệt của em nầy! Chẳng còn bao lâu nữa nếu mưu sự của em chẳng thành thì em đành tự ái cho rồi. Chàng ôi! Tuy em như vầy chàng đâu có rõ tấm lòng băng tuyết phi phong của em.”

Nàng Lệ Thủy than dứt lời thì ngồi chống tay lên trán nửa buồn nửa rầu, dòng châu hai hàng dài vắn tầm tã tuôn dầm.

Cũng trong khoảng giờ nầy Hoàn Ngọc Ẩn ở bên nhà nhớ nàng Lệ Thủy thì thở than mà rằng: “Nàng Lệ Thủy là người thế nào, ta đây chẳng định đoán được. Ta chỉ biết người là một nàng độc địa, dụng sắc mà hại biết bao nhiêu công tử si tình. Ủa sao trong thơ của Đặng Thất Tình lại có nói rõ ràng chàng chẳng đặng trọn tình ân ái nghĩ ra thật là lạ. Còn như ta tuy ngoài mặt đối với nàng chẳng có tình chi, hẳn thật ngày đêm ta nhớ đến nàng chừng nào thì luống tương tư sầu dập. Ấy là một nàng ta ngày đêm thầm thương trộm ái.”

Hoàn Ngọc Ẩn than dứt lời bỗng nhiên nhớ đến nàng Lệ Thủy thì ngẩn ngơ trí não, chàng dậy nói rằng: “Ta phải đi qua thăm nàng mới nguôi bớt trí nhớ thương nầy, ta đến thử coi nàng tiếp rước ta làm sao?”

Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn bèn thay đổi y phục trang hoàng đoạn ra đàng kêu xe kéo đến nhà nàng Lệ Thủy.

Đến nhà Hoàn Ngọc Ẩn lầm lủi đi vào, chàng bước lên thềm bỗng gặp thằng Chuột hỏi rằng: “Nầy em, có cô em ở nhà không?”

“Dạ thưa có, thầy vào phòng khách chờ một chút, để tôi vào phòng riêng của cô tôi mà báo tin.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói nàng Lệ Thủy có ở nhà thì mừng thầm trong bụng. Chàng vào phòng kéo ghế ngồi và lấy thuốc ra đốt hút mà đợi.

Nàng Lệ Thủy đang ngồi trong phòng khối sầu chưa ta, bỗng nhiên thằng Chuột bước vào thưa rằng có Hoàn Ngọc Ẩn đến. Nàng vui mừng không cùng, nhưng liền đó nàng sực nhớ lại lời của Lục Tặc nói Hoàn Ngọc Ẩn đi coi vợ thì dửng dưng.

Nàng bèn nói với thằng Chuột rằng: “Mầy ra nói với thầy hai rằng cô nay buồn rầu việc tư không tiện ra trước khách.”

Thằng Chuột dạ lên một tiếng rồi trở lưng ra ngoài nói lại với Hoàn Ngọc Ẩn. Chàng vừa nghe thằng Chuột nói thì châu mày đứng dậy tự nghĩ rằng: “Ờ ờ phải nàng Lệ Thủy hờn ta sao đi coi vợ chớ gì? Việc nầy cũng bởi thằng Lục Tặc gạt gẫm nàng. Thằng bát nhơn thiệt, chuyện không khéo bày rằng có. Thôi ta đi về, không lẽ ta nài nỉ nàng ra tiếp rước ta. Phải chi ta dè như vầy thì có đâu ta đi đến đây chi cho dở về dở ở.”

Hoàn Ngọc Ẩn đứng ngẩn ngơ một chập mới lấy nói đội lên đầu ríu ríu đi ra cửa.


error: Content is protected !!