Yên chi hổ – Phần 2

Cách ít ngày sai Đỗ Hiếu Liêm đi thăm một người bạn hữu ở Chợ Lớn, lâu khi gặp mặt nên người bạn hữu của chàng cầm ở lại nhà dùng cơm tối. Đêm đó trời mưa nên Đỗ Hiếu Liêm phải ở lại nhà người bạn đàm đạo đến khuya vào khoảng 12 giờ khuya mới kiếu được ra về. Chàng thuê một cái xe kéo theo đường đá đỏ mà về Saigon, khi xe chạy gần đến miệt Chợ Đũi, thình lình có một cái xe hơi chạy qua khỏi xe kéo chừng hai chục thước rồi ngừng lại.

Cách vài phút đồng hồ sau xe của Đỗ Hiếu Liêm chạy đến chỗ cái xe hơi đậu. Đỗ Hiếu Liêm thấy dạng năm người đàn ông vạm vỡ đang đứng vây chung quanh một người Langsa vì trời thì tối đen, hột mưa thì còn rơi lác đác, sao nhờ trời chớp liền mà Đỗ Hiếu Liêm thấy được một người đang cầm súng lục liên đưa ngay vào mặt người Langsa và nói rằng: “Tiền bạc ở đâu ông phải lấy đưa hết cho tôi bằng nghịch mạng thì phải bị tôi bắn nát óc.”

Đỗ Hiếu Liêm vừa nghe vừa thấy thì giả đui điếc để cho xa [hu kéo đi luôn chừng mười thước rồi chàng nói nhỏ với xa phu rằng anh cứ việc kéo xe chạy luôn chừng một cây số chờ tôi. Nói vừa dứt lời Đỗ Hiếu Liêm liền nhảy xuống lề đường mà bò riết lại chỗ xe hơi đậu. Đến nơi chàng liền nằm sát dưới cỏ mà kiếm coi đứa ăn cướp cầm súng đứng chỗ nào.

Đang khi đó người Langsa sợ hại tánh mạng bèn giở dưới nệm xe hơi mà lấy lên một cái cặp da đựng đầy giấy bạc mà trao cho đứa chánh đảng. Đỗ Hiếu Liêm thấy vậy liền đứng dậy tức tốc đánh vào mép tai của đứa ôm cặp da trên cỏ. Khi đó bốn đứa kia nhảy lại vây chàng mà đánh, Đỗ Hiếu Liêm không chút sợ sệt, một mình chàng đánh đá tưng bừng chàng đánh vừa nhào hai đứa ăn cướp thình lình chàng bị một mũi súng lục liên bắn trúng nhầm chơn phải té quị. Tiếng súng vừa nổ thì có một cái xe hơi khác chạy tới biết chuyện chẳng lành bèn ngừng lại.

Trên xe có vài người Langsa bước xuống, năm đứa ăn cướp thấy chuyện bất thành thì ra hiệu lịnh với nhau mà đào tẩu, chẳng kịp lượm cái cặp da đựng tiền. Vừa rã đám ăn cướp người Langsa lượm đủ số bạc trong bao và thấy Đỗ Hiếu Liêm vì liều mình làm việc nghĩa phải bị bắn trọng bịnh nên lập tức đỡ chàng lên xe chở vào dưỡng đường Chợ Lớn xin quan lương y cứu cấp.

Khi quan thầy mổ lấy đạn cho Đỗ Hiếu Liêm rồi và khiêng xuống để nằm dưỡng bịnh phòng nhứt thì người Langsa đi theo đến phòng ngồi mà nói chuyện. Người bắt tay Đỗ Hiếu Liêm nói những lời đa tạ ơn ấy thì Đỗ Hiếu Liêm cười và nói rằng: “Có chi mà ông phải lắm lời khen ngợi và đa tạ tôi vậy. Tôi ra tay làm việc nghĩa nầy chẳng qua là nghĩa vụ của đấng râu mày, dễ nào thấy việc trái tai gay mắt mà ngoảnh mặt bỏ qua hay sao?”

“Thầy danh tánh là chi xin nói cho tôi biết?”

“Tôi tên là Đỗ Hiếu Liêm cựu học sanh y viện cao đẳng Hà Nội.”

“Tôi đây tên là Ết-mông Bích-cô (Edmond Biscot) làm đại lý cho nhiều hãng buôn bán lớn bên Pháp quốc mà bán sĩ hàng hóa cho các nhà buôn trong Chợ Lớn và Saigon. Nếu tôi chẳng nhờ thầy tiếp cứu thì số bạc một muôn đồng trong bao da của tôi phải mất. Vậy tôi xin thầy nhậm lấy số bạc năm trăm đồng nầy mà tưởng đến lòng biết ơn của tôi.”

Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Ông khéo nói thì thôi, ông có mướn tôi đánh mấy đứa đón đường đó bao giờ mà ông phải trả tiền công. Xin ông chớ ngại, dầu mà tôi có chết vì làm được việc nghĩa thì tôi cũng vui lòng. Nếu tôi thi ân cho ông mà nhận lãnh số tiền nầy thì tôi có phải là nghĩa sĩ đâu.”

Ông Ết-mông nghe Đỗ Hiếu Liêm nói những lời khẳng khái thì cảm mến chàng vô cùng. Ông lấy đồng hồ trong túi ra coi thì thấy hai giờ sáng bèn nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Thầy ở lại dưỡng bịnh tôi đi báo tin nầy cho sở tuần thành Cholon rõ rồi về luôn Saigon, mai sáng lối tám giờ tôi sẽ đến thăm.”

Qua ngày mai đúng tám giờ ông Ết-mông đi với một người Langsa mặt oai nghi và một bà đầm nét mặt có vẻ ôn hòa thuần hậu đến thăm Đỗ Hiếu Liêm.

Chàng vừa chào hỏi thì ông Ết-mông chỉ bà đầm và nói rằng: “Người nầy là vợ tôi”, đoạn chỉ ông tây lạ mặt và nói “còn ông nầy là em vợ của tôi đang kiêm thời làm quan chánh sở cảnh sát Saigon, người đi theo tôi trước là thăm thầy và sau cần dùng nói chuyện với thầy về vụ năm đứa ăn cướp đêm hôm đó. À mắc nói chuyện mà tôi quên lửng đêm nay thầy ngủ yên không và nay có dấu gì khá chăng?”

Đỗ Hiếu Liêm đáp rằng: “Đêm nay tôi ngủ không an vì nơi vít nhức nhối quá, thế mà không sao, chẳng bao lâu tôi sẽ mạnh lại như xưa.”

Quan chánh sở cảnh sát bèn kéo ghế lại ngồi gần Đỗ Hiếu Liêm hỏi tên họ và quê quán đặng biên vào cuốn tập nhỏ. Ông nghe chàng nói tên họ thì ngạc nhiên mà nói rằng: “Ủa! Nói vậy thầy đây là người lúc trước đánh Thanh Long nhào xuống và bắt được hai đứa đồng lõa của nó mà. Tôi có coi tờ phúc bẩm của quan chủ quận Vũng Liêm ngày trước nên nay còn nhớ. Tôi nghe danh thầy văn võ song toàn thật là một dịp may tôi gặp mặt thầy tại đây.”

Đỗ Hiếu Liêm chuyện vãn với quan chánh sở cảnh sát một giây lâu rồi ông hỏi chàng rằng: “Lúc nầy thầy đã ra trường đi làm việc rồi phải không?”

Đỗ Hiếu Liêm châu mày thuật hết việc tai biến cực kỳ vì Thanh Long cho ông nghe sau đó chàng nói rằng: “Thưa ông, lòng tôi sở mộ vào ty mật thám trước là chủ ý bắt cho được thằng Thanh Long mà rửa hờn sau là trừ đạo tặc đang kiêm lẫy lừng lắm.”

“Được như vậy quí hóa biết bao nhiêu nhưng mà thầy xét lại, trách nhiệm của một tay trinh thám lớn lao và hiểm nguy lắm, người có học thức rộng xa như thầy có au mà xin vào ty nầy. Tôi cũng có được nhiều tay mật thám Annam mạo hiểm và mưu trí lắm, nhưng phần đông là người biết nói tiếng tây vừa đủ hiểu mà thôi. Nghề trinh thám là nghề cực khổ hiểm nghèo chết sống vô chừng, nhưng không mấy ai biết trọng đãi mấy tay trinh thám, thật là đáng phiền quá. Tôi e thầy lãnh cái trách nhiệm đó mà nhẹ thể đi chăng? Vả lại thầy cũng biết làm nghề nầy lương bổng ít lắm, tốt hơn thầy kiếm chỗ làm việc tiền lương một tháng tám chín chục một trăm có phải là khá nhiều hơn chăng?”

Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Thưa ông, tôi cũng choán rõ điều ấy nhưng mà thù nhà sôi sụt trong tâm, tôi nhứt định một tay tôi bắt cho được thằng Thanh Long mới nghe. Tôi xin ông giúp cho tôi lãnh được chức mật thám ngoại ngạch, nghĩa là tôi sẵn lòng luôn, giúp cho sở cảnh sát mà không lạm dự tiền lương, làm như mấy tay đại danh trinh thám ngoại ngạch bên Pháp quốc. Nếu có vụ nào bí mật ông cần dùng tôi phụ giúp thì tôi tận tâm đem hết tài nghề mà diệt trừ tay hung phạm bất lương.”

“Theo như ý thầy muốn như vậy thì tôi mừng lắm, nhưng thầy phải hiểu nghề nầy cần phải có thiên tư tài mạo mới được.”

“Dạ phải, ráp việc làm mới biết tài người thợ, tôi nguyện mạnh rồi sẽ giúp ông tra xét một hai vụ thử coi thể nào.”

“Được lắm dễ chừng thầy thiệt mạnh lại thầy làm một cái đơn gởi cho tôi, thì tôi sẽ phê mà gởi cho quan Nguyên soái Nam kỳ.”

Muốn rõ Đỗ Hiếu Liêm nổi danh trinh thám ra thể nào và Hiệp Liệt là tay ăn cướp có nghĩa xin coi Cuốn 11.

error: Content is protected !!