Nàng Lệ Thủy ngồi giữ Đỗ Hiếu Liêm suốt đêm, tâm thần dã dượi, ấy là lần thứ nhứt nàng thức ngồi mòn mỏi sáng đêm, đến khi nàng nghe tiếng chim thảnh thót trên nhành, tiếng ồn ào ngựa xe ngoài ngõ, canh năm đã tàn, trời chơn ác mọc thì vui mừng không xiết.
Nàng vừa trông Hoàn Ngọc Ẩn đến bỗng nghe tiếng gõ cửa nên lật đật đứng dậy. Cửa mở ra nàng thấy Hoàn Ngọc Ẩn sắc mặt vui tươi, bước vào chào nàng và nói: “Có lẽ nàng thức trọn đêm nay thật là mệt lắm.”
“Dạ thưa em không quen thức đêm, nên mệt mỏi không cùng, thế mà em vui lòng lắm.”
“Đêm nay Đỗ Hiếu Liêm có tỉnh lại không?”
“Dạ thưa có, chàng tỉnh lại hồi ba giờ, em có cho chàng uống thuốc rồi đó chàng cũng nằm mê lại.”
Hoàn Ngọc Ẩn bước lại chẩn mạch, đoạn nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Không sao, nàng hãy đi nghì để tôi chích cho chàng một mũi thuốc có lẽ phải khá nhiều.”
Trong khoảng mười giờ trưa Đỗ Hiếu Liêm tỉnh lại, chàng mở mắt ra thấy Hoàn Ngọc Ẩn ngồi cận bên giường. Trong mình của Đỗ Hiếu Liêm lúc nầy có hơi khỏe lại, chàng hỏi Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Hoàn huynh xin nói cho tôi biết nhà nầy là nhà của ai và tại sao mà tôi bị bịnh như vầy. Tôi nhớ lại đêm hôm tôi thức giấc thấy nàng Lệ Thủy ngồi tại chỗ của anh đây mà cho chừng tôi.”
Hoàn Ngọc Ẩn rờ đầu Đỗ Hiếu Liêm đoạn nói rằng: “Bạn hãy nằm an, nhà nầy là nhà của nàng Lệ Thủy.”
“Ủa sao anh chẳng chở tôi về lại để ở tại đây vậy?”
“Bạn đừng có nói chi hết để tôi thuật lại cho bạn nghe những lời của nàng Lệ Thủy phân với tôi khi tôi đến cứu cấp bạn.”
Hoàn Ngọc Ẩn bèn thuật lại cho Đỗ Hiếu Liêm biết rằng nàng Lệ Thủy bắn lầm nên chi nàng ăn ăn và lo buồn lắm, sau đó Hoàn Ngọc Ẩn lại nói: “Bạn chẳng nên trách nàng làm gì, ấy là nàng muốn giết Thanh Long giùm cho bạn đó.”
Đỗ Hiếu Liêm thở ra và nói: “Tôi chẳng phiền nàng về sự lầm lạc ấy, nhưng tiếc vì Thanh Long sẩy tay tôi, tức vì gặp dịp mà trả thù cho cha tôi chẳng đặng.”
Nói dứt lời Đỗ Hiếu Liêm châu mày ứa lụy, Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy khuyên rằng: “Xin bạn phải bảo thân làm trọng, bạn chớ rầu, cũng chớ giận, ngày nào nó còn sống thì làm sao bạn cũng sẽ gặp dịp trả thù. Lại nữa bạn chớ nóng về, nấu bây giờ chở bạn đi thì động trong mình e tánh mạng phải nguy, bạn phải tạm ở bên nầy ít ngày chừng khá rồi tôi sẽ chở bạn về nhà mới tiện.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Hoàn huynh ôi! Tôi tưởng ít nào cũng mười lăm hai mươi ngày tôi mới khá lại được, thế thì làm sao tôi đi tựu trường.”
“Bạn chớ lo, để tôi gởi thơ ra Hà Nội xin phép quan đốc học chừng nào bạn mạnh rồi sẽ xuống tàu.”
“Vậy cũng được rồi, còn anh đi trước phải không?”
Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi đáp: “Không, tôi chẳng đi.”
“Ủa sao lạ vậy?”
“Tôi tính thôi học.”
Đỗ Hiếu Liêm tỏ sắc buồn đoạn thở ra và nói: “Tôi biết rồi, anh vì …”
“Ý bạn đừng tưởng quấy!”
“Vậy chớ vì ý gì anh nói rằng thôi học?”
Hoàn Ngọc Ẩn ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: “Tôi nhứt định ngày nào bạn mạnh rồi tôi sẽ đưa bạn xuống tàu đi ra Hà Nội, còn tôi ở lại ít ngày đặng lo giấy tờ xuất dương sang Pháp quốc du học.”
Đỗ Hiếu Liêm chẳng nói lời gì nữa, chàng bèn nhắm mắt lại dường như suy nghĩ và có ý lo lắng.
Năm ngày sau, Đỗ Hiếu Liêm nhờ Hoàn Ngọc Ẩn cần mẩn thuốc men nên trong mình khá nhiều. Một ngày kia Đỗ Hiếu Liêm thấy Hoàn Ngọc Ẩn đến, thì giả ngủ đặng dò thế sự. Hoàn Ngọc Ẩn đứng bắt mạch, bỗng đâu ở ngoài, nàng Lệ Thủy bước vào.
Nàng Lệ Thủy nói: “Bữa nay thế bịnh của thầy hai thể nào?”
Hoàn Ngọc Ẩn đáp lời nhỏ rằng: “Đừng nói chuyện lớn để chàng nằm nghỉ, bữa nay chàng yếu trong mình nhiều.”
Rồi đó Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Lệ Thủy bèn nhắc ghế đem lại gần cửa sổ ngồi nói chuyện. Đỗ Hiếu Liêm lén mở hé đôi mắt ngó hai người một chập lâu và nói thầm rằng: “Không xong anh Hoàn Ngọc Ẩn đã lụy vì nàng Lệ Thủy rồi, ta phải liệu kế gỉ mà ngăn cản ảnh.”
Một ngày kia Đỗ Hiếu Liêm nằm trên giường gần bên thì có nàng Lệ Thủy ngồi trên một cái ghế mây trên tay có cầm một cuốn truyện “Tây du” và đọc cho chàng nghe khuây lãng.
Một chập sau Đỗ Hiếu Liêm nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Bữa nay trong mình tôi khá nhiều, ấy là nhờ cô cần mẩn lo lắng và anh Hoàn Ngọc Ẩn tận tâm vì tình bằng hữu, tôi đây biết lấy sự gì mà báo đáp ơn sâu của cô cho xứng?”
Nàng Lệ Thủy nói: “Xin thầy chớ lo điều ấy; cũng vì tôi mà thầy phải nằm liệt như vầy, tôi phải làm sao trọn nghĩa vụ mới đáng, lẽ thì thầy phiền trách tôi chớ có gì mà gọi rằng thọ ơn.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tôi xin hỏi cô vì ý gì mà cô chọn tài võ sĩ, theo ý của tôi tưởng cô chủ ý lựa một người võ nghệ cao cường đặng giúp cô trong công chuyện chi đó song chẳng tiện cho cô nói ra sớm, nếu phải như vậy xin cô cho tôi biết ắt may là tôi có thế giúp ích cho cô đặng.”
Nàng Lệ Thủy ngồi tự nghĩ rằng: “Ta chẳng nói ra còn đợi chừng nào, thế mà ta phải dùng lời khôn ngoan thì mới trông chàng giúp ta.”
Nàng Lệ Thủy bèn nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Thưa thầy, số là tôi có một hoàng ngọc điệp lớn lắm, thật là của báu trên đời, ngọc nầy của Đặng Giao Hoan là tay giàu có, người cho tôi và có làm giấy hẳn hòi, nhưng không rõ có một người nào xưng tên là Nghĩa Hiệp gởi thơ buộc tôi phải trả lại cho cha của Đặng Giao Hoan. Tôi không khứng chịu là vì tôi có quyền giữ làm của chớ chẳng phải sang đoạt của ai, Nghĩa Hiệp bèn gởi cho tôi một cái thơ cho hay ngày nào giờ nào người đến lấy, người dám nói trước rằng người đến nhà một mình chẳng đem khí giái chi cả, lại thách đố tôi làm sao giữ hoàng ngọc đó cho khỏi người lấy đặng …”
Đỗ Hiếu Liêm đón lời hỏi rằng: “Ủa hay nầy cho Nghĩa Hiệp! Vậy chớ nàng chịu phép hay là cãi ý người.”
“Dạ thưa tôi có biết Nghĩa Hiệp là ai, không lẽ vì lời nói khẳng khái như vậy mà sợ rồi chịu phép hay sao?”
“Nàng dùng phương pháp gì mà ngăn cản?”
Nàng Lệ Thủy bèn thuật lại cách sắp trận của nàng cho đến khi Nghĩa Hiệp lấy được hoàng ngọc. Đỗ Hiếu Liêm kinh ngạc nói rằng: “Nghĩa Hiệp thật đại tài, không biết người lấy hoàng ngọc nầy rồi trả lại cho người ta hay là đoạt luôn.”
“Dạ thưa không phải Nghĩa Hiệp nầy có lòng bất chánh đâu, người lấy rồi trả lại đem trả cho tôi và buộc tôi đem trả vì người nói trong thơ rằng người chẳng muốn tôi giữ hoàng ngọc đó vậy thôi. Sau người hẹn với tôi ngày 20 tây mới qua rồi đây người sẽ đến lấy một lần nữa. Tôi thấy Nghĩa Hiệp tài tình quá nên quyết tìm cho được một tay võ sĩ đặng trừ người, hay đâu tôi gặp thầy mà rủi đâu xảy đến khiến cho tôi bắn lầm mà thầy phải nằm bết bấy lâu.”
“Nếu vậy Nghĩa Hiệp đã lấy hoàng ngọc rồi sao?”
“Dạ thưa chưa, người gởi cho tôi một cái thơ nói rằng tôi gặp được thầy là tay võ nghệ siêu quần, nhưng rủi phải bị viên đạn vô tình, không lẽ người là đấng anh hùng thừa dịp nầy mà lấy hoàng ngọc thì té lẻ như sợ thầy nên gởi thơ cho tôi khuyên ráng săn sóc thầy cho mau mạnh, chừng đó người sẽ định ngày giờ đến lấy. Nghĩa Hiệp nói như thế thì chắc là người khi dễ thầy chẳng xứng tay đối thủ vậy?”
Đỗ Hiếu Liêm cười gằn rồi nói: “Nếu Nghĩa Hiệp ỷ tài như thế, tôi đây xin nguyện chừng mạnh rồi sẽ cùng người một trận, tôi dám nói trước rằng Nghĩa Hiệp mà gặp tôi thì làm sao tôi cũng gỡ cái mặt nạ của người cho biết là ai.”
Dỗ Hiếu Liêm nói dứt lời bỗng nhớ lại Hoàn Ngọc Ẩn thì lấy làm lạ hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “Ủa việc nầy có lý nào Hoàn Ngọc Ẩn chẳng can dự gì hết vậy?”
Nàng Lệ Thủy nói: “Tôi nhắm chẳng cho chàng biết làm gì, tánh chàng lãnh lơ vả lại dầu mà chàng có hay đi nữa cũng chẳng ích chi, võ nghệ cao cường như Trần Vô CƯơng, tài phóng dao như Dương Ái Sắc, bắn hay như tôi mà còn chẳng làm chi đặng Nghĩa Hiệp thay, Hoàn Ngọc Ẩn chẳng có tài chi cả, ích lợi gì mà cho chàng hay, tất làm cho chàng lo lắng tội nghiệp.”
Đỗ Hiếu Liêm cười xòa rồi nói: “Nàng lầm rồi đó, anh Hoàn Ngọc Ẩn võ nghệ mấy ai thắng nổi, người mạnh lắm, một tay giở nổi sáu bảy chục kilos, tôi nói thật, tôi đây tưởng không thế nào tinh thông vĩ nghệ hơn người.”
Nàng Lệ Thủy nghe D(ỗ Hiếu Liêm nói thì mừng rỡ không cùng, nàng nói: “Thật vậy sao? Trời ôi, tôi có dè ở đâu!”
“Tôi tưởng tốt hơn nàng cậy người giúp giùm thì làm sao Nghĩa Hiệp cũng phải bị hại.”
“May lắm, may lắm, để tôi sửa soạn đến nhà chàng bàn tính lập tức đặng trừ Nghĩa Hiệp cho sớm, nếu chàng chịu thì tôi cho Nghĩa Hiệp hay thử coi người tài tình đến bực nào nữa.”
Nói rồi Lệ Thủy liền đi qua bên phòng của nàng trang điểm y phục và dạy sốp-phơ đem xe hơi ra đi.