Ngọc nát châu rơi – Phần 21

Đây nói qua Hoàn Ngọc Ẩn lấy được một miếng xương trên đầu của nàng Bạch Tuyết được rồi thì vững lòng, chàng lại thấy có nàng Lệ Thủy tận tâm giúp chàng mà giữ bịnh thì càng khoan khoái trong lòng hơn nữa.

Mười một giờ trưa nàng Lệ Thủy để phiên gác cho thầy điều dưỡng rồi cùng Hoàn Ngọc Ẩn và quan lương y Rít-sa dùng cơm và khi xong bữa, Hoàn Ngọc Ẩn khuyên nàng Lệ Thủy để phiên gác cho chàng mà đi nghỉ vì nàng đã thức dồn dập nhiều đêm rồi.

Vợ chồng Đỗ Hiếu Liêm và Lục Tặc xuống đến Vũng Tàu là một giờ trưa, Hoàn Ngọc Ẩn gặp mặt cả ba thì đi ra khỏi phòng nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: ‘Đang thời nàng còn nằm mê và nóng vùi, bịnh của nàng dễ sợ lắm.”

Hoàn Ngọc Ẩn day lại nói với Lục Tặc rằng: “Nầy Lục Tặc, em có vào thăm thì đi nhón gót đừng lậm khua động và chớ có liếng xáo không nên đa, cần kíp để cho chị ba của em nằm an, bịnh nầy hiểm nghèo lắm.”

Vợ chồng Đỗ Hiếu Liêm và Lục Tặc vào thăm nàng Bạch Tuyết một giây lâu rồi ra ngoài ngồi nói chuyện với Hoàn Ngọc Ẩn.

Nàng Lệ Thủy hay tin có vợ chồng Đỗ Hiếu Liêm xuống thì ra khỏi phòng mà chuyện vãng.

Hoàn Ngọc Ẩn hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Bạn tính chừng nào trở về Vĩnh Long?”

“Tôi tính chiều nầy về Saigon nghỉ một đêm rồi mai sáng lên đàng cho sớm.”

“Nếu vậy thì bạn hãy nghỉ tại nhà tôi, chẳng có sự chi đâu mà phòng ngại. Có năm Mạnh ở trên nhà, người sẽ tận tình hậu đãi.”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Anh em thân thiết đã biết lòng nhau, thì còn có chi mà ngại.”

Nàng Lệ Thủy thấy Hoàn Ngọc Ẩn trở vào phòng thăm nàng Bạch Tuyết thì ngồi nói chuyện riêng cùng vợ chồng Đỗ Hiếu Liêm, nàng Lệ Thủy hỏi rằng: “Chẳng hay thầy hai và cô lên Saigon chơi hay là có chuyện chi?”

Đỗ Hiếu Liêm bèn đam chuyện tính lên rủ nàng đi qua Pháp quốc mà thuật lại. Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Vậy chớ thầy là không dè, anh Hoàn Ngọc Ẩn sẽ về ở Saigon gần hai năm nay sao?”

“Tôi nào có biết đâu, vợ tôi nó biết, song nó kín miệng như bình đến chừng lên Saigon, ngẫu nhiên tôi gặp anh Hoàn Ngọc Ẩn tại nhà ảnh thiệt mới chưng hững. Chẳng rõ khi nàng Bạch Tuyết có phước mạnh lại đặng hay là bạc mạng mà ly trần, và chừng anh Hoàn Ngọc Ẩn rảnh rang mọi việc có toan xuất dương một lần nữa du học cho thành danh không, hay là ảnh nhứt định cuối cô rồi ở nên này toại hưởng giàu sang học chi cho lao lực.”

Nàng Lệ Thủy suy nghĩ một hồi rồi nói: “Thế nào tôi cũng khuyên chàng du học cho thành danh, chớ để chi thiên tư tài mạo mà học chẳng tột đường công danh thì đánh tiếc biết bao nhiêu.”

“Phải đa, nhờ cô khuyên giải thì chắc là ảnh nghe theo. Nếu cô khuyên ảnh được thì tôi phục cô lắm.”

“Xin thầy và cô an lòng.”

Quang âm thấm thoát, Hoàn Ngọc Ẩn tận tâm giúp quan lương y Rít-Sa lo lắng thuốc men cho nàng Bạch Tuyết đặng một tuần nhựt thì xem tánh mạng của nàng đặng vững, thế mà chàng thấy nàng Bạch Tuyết trí não lảng lơ, dường như chẳng còn nhớ được những sự gì xảy ra khi trước. Nàng trở nên khờ khạo như một đứa trẻ chừng năm ba tuổi nói năng cười cợt không nghĩa gì. Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy lấy làm xót nàng nên chi rầu buồn lắm. Đặng mười ngày sau nàng Bạch Tuyết mạnh lại được nhiều nên đi đứng ra vào như thường.

Nàng Lệ Thủy đi qua Long Hải bổ dưỡng tinh thần được chừng mười lăm bữa liền trở qua Vũng tàu thăm nàng Bạch Tuyết.

Hoàn Ngọc Ẩn thấy nàng Lệ Thủy đến thì tỏ sắc buồn mà rằng: “Tôi tận tâm lo lắng cho nàng Bạch Tuyết thật cũng may cho nàng gần thiệt mạnh lại rồi, nhưng mà trí khôn đã mất rất nhiều và trở nên khờ khạo lắm.”

Nàng Lệ Thủy nghe nói bèn bước vào phòng của nàng Bạch Tuyết thì gặp nàng đang ngồi giở một tập hình bán đồ (catalogue) mà coi thì đi ngay lại mà rằng: “Chào cô ba mạnh giỏi thể nào?”

Nàng Bạch Tuyết nghe có tiếng người lọt vào tai bèn day lại và khi thấy nàng Lệ Thủy thì cười chúm chiếm và trả lời lại rất tỉnh tuồng rằng: “Khá lắm, tôi nhớ dường như có quen biết với cô nhiều lắm.”

“Tôi tên là Lệ Thủy.”

“Toi cũng nghe đến tên ấy nữa.”

Nàng Lệ Thủy bước lại ngồi một bên nàng Bạch Tuyết và nắm tay nàng vuốt ve và hỏi rằng: “Trong mình cô lúc nầy còn đau đớn nhọc nhằn không?”

Nàng Bạch Tuyết rờ đầu và nói: “Còn đau mà dễ chịu.”

Nàng Bạch Tuyết nói dứt lời và thấy nơi cườm tay của nàng Lệ Thủy có đeo một chiếc vàng nhận hột xoàn quá đẹp thì nắm tay nàng lên xăm soi dường như muốn lắm. Nàng Lệ Thủy thấy vậy thì cổi ra rồi đeo vào cườm tay của nàng Bạch Tuyết thì xem bộ nàng hớn hở lạ thường.

Nàng Lệ Thủy thấy trời mát mẻ vừng kim ô gần chen lặn ngoài mặt bể thì nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: Trời quang mây tạnh tôi muốn dẫn cô ba đi dạo trên bãi biển chẳng biết có hại gì không?”

Hoàn Ngọc Ẩn đáp: “Được, cô hãy rủ thử coi nàng chịu đi không.”

Nàng Lệ Thủy nắm tay nàng Bạch Tuyết và nói: “Cô đi chơi với tôi không?”

“Đi, tôi muốn đi lắm.”

Nàng Lệ Thủy bèn đồng cùng Hoàn Ngọc Ẩn dẫn nàng Bạch Tuyết đi ra bãi sau gần đó mà hứng gió. Đến nơi nàng Bạch Tuyết trông ra ngoài khơi thấy mấy lượng sóng đua nhau tấp vào bãi thì xem bộ vui vẻ lắm, nàng chấp tay đứng ngó một hồi rồi ngồi trên bãi cát mà chơi.

Nàng Lệ Thủy day qua nói nhỏ với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Tôi thấy cô ba tôi lấy làm thương xót vô cùng, tội nghiệp nàng ngồi vọc cát chơi như một đứa bé chừng năm sáu tuổi, thầy tưởng còn cứu cho nàng phục trí khôn ngoan như xưa đặng không?”

Hoàn Ngọc Ẩn lắc đầu và nói: “Nàng vốn là em nuôi của tôi tuy thương nàng vô tận, tôi đã hết tình cứu cấp lo hết phương rồi, chỉ còn cầu xin ơn trên nhỏ xuống cho nàng thì có trông được cứu nàng đó thôi.”

Nàng Lệ Thủy ngồi lại bãi cát gần nàng Bạch Tuyết phía tả thì Hoàn Ngọc Ẩn cũng đi lại ngồi bên phía hữu của nàng. Nàng Bạch Tuyết cười và nói: “Ở đây mát quá, tôi muốn ở đây hoài.”

Rồi đó nàng nắm bàn tay của nàng Lệ Thủy và nói: “Sao bàn tay cô trắng lại no tròn như vầy, còn tôi không được như vậy.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Tay cô cũng trắng và non nớt thua gì bàn tay của tôi, nhưng vì cô đau hơn nửa tháng nay nên mất máu quá xanh mét.”

Một chập sau Hoàn Ngọc Ẩn thấy nàng Bạch Tuyết ngồi chơi một mình bèn đi lại ngồi gần nàng Lệ Thủy và nói rằng: “Hôm nay nàng Bạch Tuyết bịnh mười phần giảm đặng hết tám chín, tánh mạng của nàng qua khỏi lúc nguy rồi, tôi rất vui mừng và tôi thấy nàng cũng vui chung với tôi đó. Tôi dám chắc trong một tuần nữa thì mấy chỗ vít của nàng Bạch Tuyết đều lành cả. Nhơn dịp hôm nay tôi xin hỏi nàng cho rõ chẳng biết cớ chi mà từ ngày tôi mạnh lại được rồi thì tôi coi tình nàng lợt lạt với tôi lắm, hoặc là nàng bây giờ được giàu sang không ai dám sánh mà nàng chẳng muốn đoái tưởng đến tôi chăng?”

Nàng Lệ Thủy cười và đáp: “Thầy chớ có nghi vậy mà lầm, thầy vốn là ân nhơn của tôi, tôi càng nhớ đến ân của thầy chừng nào thì lại càng tủi phận.”

“Nàng tủi là tủi làm sao?”

“Tôi tủi là thầy đối với tôi như thế, song tôi chẳng biết lấy chi mà đền đáp.”

“Thi ân bất cầu báo, nàng biết lòng tôi xin chớ ngại. Tôi muốn hỏi nàng một điều là về duyên nợ đôi ta, nàng tính chừng nào làm lễ nghinh hôn cho rỡ ràng một chút.”

Nàng Lệ Thủy suy nghĩ một hồi rồi cười và nói: “Việc đó xin thầy chớ trông mong đến làm gì?”

“Ủa nàng nói sao lạ thế, hay là nàng phụ bạc tôi rồi.”

“Không phải vậy đâu, tôi tự nghĩ không xứng đáng phối hiệp lương dươn cùng thầy nên tôi mới thốt lời như vậy.”

‘Cớ chi mà không xứng đáng, nàng khá giải cho tôi tường.”

“Xin thầy thử nghĩ, như tôi sánh duyên cùng thầy thì được rồi, song tôi phải so sánh với nàng Bạch Tuyết đây coi ai xứng đáng hơn.”

“Nàng so sánh mà chi vậy?”

“Thưa tôi so sánh rồi và tôi thương nàng Bạch Tuyết chừng nào thì tôi muốn sao cho nàng được cùng thầy vầy duyên cang lệ ấy mới phải.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Lệ Thủy nói đến đây thì dường trái tai sảng sốt đứng dậy nói rằng: “Ý không nên, nàng chớ nói như vậy. Bạch Tuyết là em nuôi của tôi, tuy chẳng đồng cốt nhục chớ tình bảo dưỡng thâm ân, tôi gọi nàng là em, nàng kêu tôi bằng anh, tình anh em của tôi ăn ở đối đãi với nhau rất đặc biệt..Hay là nàng nghi Bạch Tuyết với tôi có điều phượng chạ loan chung không nghĩ đến cang thường luân lý là chi sao? Không! Không đâu, nàng chớ nghi lầm như thế, tức là nàng cầm tôi như một người trong hạng đê tiện thích điều huê nguyệt là làm bại hoại. Nàng biết tôi thì xin khá biết lòng, chớ có nghi hoặc như vậy nữa thì phiền lòng tôi lắm.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Thưa thầy, tôi đâu dám nhận thầy và cô ba đã cùng chung gối giao đầu, tôi rất kính phục thầy là một người trọng luân lý, quí cang thường, nắm câu nhận đạo, hôm nay tôi đã cạn nghĩ rồi nên tôi muốn thầy và cô ba đây sớm lo lễ nghinh hôn, ấy là tôi nhường duyên cho cô ba đó. Thầy phải xét lại, tôi nhờ ai mới có tiền mà chồng lãnh bạc của cha tôi. Nói cho minh tôi nhờ thầy dám mạo hiểm liều mình, còn thầy nhờ ai cứu tử hườn sanh nhiều phen có phải là nàng Bạch Tuyết không?”

“Phải đó, nhưng sao nàng biết được?”

“Dạ thưa để sau rồi em sẽ phân lại hết cho thầy tường. Nếu không có nàng Bạch Tuyết cứu thầy chết ,à số bạc chưa đủ thì tôi lấy đâu mà chồng cho đủ thì tôi có được toại hưởng sang giàu đâu. Còn như thầy chết nửa chừng, sau người biết được Hoàn Ngọc Ẩn là Hiệp Liệc, người ta nhận thầy là một tay trộm cướp là một tiếng bất chánh oan khúc ấy ai đâu gỡ lấy cho thầy.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe Lệ Thủy nói thì thở dài châu mày ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: “Nàng phân vậy nghe rất chánh đáng, song xin nàng xét kỹ suy cùng. Dầu mà nàng Bạch Tuyết đối với tôi và nàng có ân trọng nghĩa dày đến đâu cũng không thế sánh duyên với tôi được.”

“Sao vậy?”

“Vì tôi chẳng có hữu tình với nàng chút nào. Chẳng phải tôi chê nàng là không xưng đáng, một nàng tài sắc như nàng dễ gì kiếm được. Song le tôi đã nhìn nhận nàng là em mấy năm nay yêu kính nhau rất phân biệt, có đâu bây giờ lại sánh duyên, thế là không kể gì luân lý.”

“Đã biết lòng chàng tốt như thế mà vì ai đâu xui khiến Bạch Tuyết lại hữu tình với chàng, đến đỗi phải xa nhau như vầy. Vậy chàng không nên kể đến việc luân lý, chấp kính phải tùng quyền mới nên, chàng há đi không rõ câu cứu nhơn nhứt mạng thằng tạo cữu cấp phù đồ sao? Tôi nói thật tôi thương chàng lắm, nhưng tôi thương Bạch Tuyết quá phải chịu ốm sầu gánh thảm mà nhường duyên nầy cho nàng. Thôi thôi chàng đừng có nói lời gì nữa cả.”

Lệ Thủy nói đến đây thì trời đã hoàng hôn, nàng đứng dậy nắm tay Bạch Tuyết ra về kẻo bị nhiễm phong sương.

Hoàn Ngọc Ẩn cũng đứng dậy nối gót mà ruột dần gan thắt.

error: Content is protected !!