Đây nói qua Đỗ Hiếu Liêm và nàng Đặng Nguyệt Ánh ở Saigon đi xuống Long Hải tìm không gặp nàng Lệ Thủy thì lấy làm lạ vô cùng, hai vợ chồng đi luôn qua Vũng Tàu hỏi thăm các nhà hàng và khắp nơi cũng không gặp nên ngả lòng phải trở về Saigon đam tin buồn ấy cho Hoàn Ngọc Ẩn biết. Hoàn Ngọc Ẩn đặng tin đó thì cắn răng châu mày giậm chơn không hiểu chuyện gì bí mật như thế, chàng chấp tay sau đít đi tới đi lui trong như điên như dại.
Chàng thở than mà rằng: “Đến thuở nầy tôi chẳng tưởng đến nàng Lệ Thủy, chỉ thương tiếc em nuôi của tôi là nàng Bạch Tuyết, không rõ nàng sống thác thể nào, còn xác của nàng bây giờ ở đâu.”
Hoàn Ngọc Ẩn vốn thông linh tính trời, việc chi dầu bí mật kính nhiệm đến đâu chàng còn độ ra thay, huống lựa gì việc nầy mà chàng tìm không ra mối.
Ấy cũng vì nỗi nầy nỗi nọ mà chàng loãng trí, khiến cho vương rối tợ tơ vò, càng tìm phăng lấy mối lại càng làm thêm cho ra rối rắm. Trên ba ngày sau, cạn gần hết lệ sầu chàng mới tìm ra một việc mà đã mười giờ rưỡi khuya rồi, chàng nóng lòng bèn lấy xe hơi nhà cậy năm Mạnh đi với chàng nhắm đường ra Vũng Tàu dung ruổi.
Chàng đạp hết máy xe lướt dặm như bay, xe chạy tránh mấy cái xe chạy ban đêm dọc theo đàng nhiều khi tưởng phải đụng, lại gặp nhiều khoảng đường quanh quẹo như rắn bò chàng cầm tay bánh quá tài, cắt xẻo mà cho xe chạy lấy một bực, năm Mạnh là tay gan ruột mà hôm đó cũng phải nổi óc cùng mình vì không biết chàng điên hay là tỉnh, nếu sơ sẩy một chút thì chắc không còn tánh mạng.
Bởi vậy lâu lâu năm Mạnh kêu chừng Hoàn Ngọc Ẩn giả nói chuyện thử coi chàng tỉnh hay là say thì Hoàn Ngọc Ẩn trả lời rằng: “Anh năm sợ chết sao? Không hại gì, anh đừng lo, nếu mình tới số thì chết chớ chạy đâu cho khỏi, còn chưa tới số thì dầu có cho xe chạy xuống hố cũng không hại gì mà. Anh đừng có nói chuyện vì làm cho tôi lo ra thì e phải có sự rủi ro.”
Xe hơi chạy khỏi Long Thành chừng được mười cây số và đang khi chạy chừng một trăm ba chục cây số một giờ, thình lình ở bên đường có một con chi rất lớn chạy băng ngang qua đường, tưởng tránh khỏi xe hơi không dè sức xe chạy như tên bắn nên bị xe đụng ngay vào hông nghe một cái rầm. Năm Mạnh thấy xe xẹt vào lề may nhờ Hoàn Ngọc Ẩn lẹ tay thắng nhẹ nhẹ vừa trở tay bánh xe qua tránh cái mũi xe ra khỏi đụng vào một cây cao.
Hoàn Ngọc Ẩn la lên rằng: “Anh thấy tài tôi chưa?”
“Dạ thấy, con gì lộn xộn đụng đó thầy?”
“Con Mang, nó bị đụng văng có trên năm thước chắc bị gãy xương và chết tươi rồi. Thây kệ nó mình cứ việc đi luôn hơi nào ngừng xe lại mà coi làm gì cho mất ngày giờ.”
“Tôi nghe xe hơi của mình kêu rè rè, thầy ngừng lại coi bị hư chỗ nào đó.”
“Phải đa, tôi nghĩ cái vè che đất phía tả bị đụng mạnh cúp vào nên cạ nơi bánh. Tôi phải ngừng lại coi sửa, kẻo cạ bánh thì mòn vỏ rất mau đi phải hiểm nghèo.”
Hoàn Ngọc Ẩn ngừng xe lại rồi chàng và năm Mạnh xuống coi thì thấy cái vè bị đụng móp và bể. Cả hai ráng hết sức bình sanh xuống sửa một hồi rồi bước lên xe dung ruổi. Xe hơi chạy xuống đến Vũng Tàu là mười một giờ rưỡi khuya, mấy nhà hàng và nhà nào cũng đều đóng cửa. Hoàn Ngọc Ẩn bèn cho xe hơi đến nhà hàng lớn ở tại Vũng Tàu (Grand Hotel du Cap) thì thấy trên thềm còn ba người Langsa đang ngồi đánh bài Băng-cô uống rượu.
Hoàn Ngọc Ẩn lật đật nhảy xuống xe hơi chạy vào dỡ nón chào ba người Langsa và nói rằng: “Đêm khuya, xin lỗi quí ông cho phép tôi hỏi thăm quí ông có biết ở đây có nhà quan lương y nào có rước bịnh về nhà cho thuốc không?”
Một người Langsa vậm vỡ sức lực mạnh lắm, quạu quọ nạt Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Ê đi ra, chú chớ vô đây mà làm rộn chúng tôi.”
Hoàn Ngọc Ẩn tiếp rằng: “Vì có việc, xin ông có biết thì nói dùm làm ân.”
“Con heo, tao biểu chú mầy đi ra sao chú mầy còn nói cái gì nữa hử, chú mầy muốn hửi mũi giày phải không?”
Hoàn Ngọc Ẩn vẫn có tánh cang cường lại nghĩ mình có việc vào năn nỉ hỏi thăm, nhưng sao anh tây nầy ngang tàng lỗ mảng, thì khí nộ xung lên, chàng trợn mắt đáp lời lại rằng: “Chú là người Langsa, nhưng sao lỗ mảng và không biết phép lịch sự, chú giỏi đánh hoặc đá tôi thử coi.”
Người Langsa lỗ mảng ấy liền đứng dậy xô ghế ngã ra rồi nhắm ngay Hoàn Ngọc Ẩn mà phóng như con cá lóc, quyết xáng đầu vào ngực của Hoàn Ngọc Ẩn cho té nhào.
Hoàn Ngọc Ẩn lẹ mắt rút bộ về lách mình qua một bên đợi cái đầu anh tây vừa lủi tới, chàng tay trái bắt tréo, cập vào nách còn tay mặt chàng lòn qua hông vác anh tây lên vai và ném ra phía sau làm cho anh tấy té bò càng trẹo chơn đứng dậy không muốn nổi.
Hoàn Ngọc Ẩn đứng chống nạnh cười ngất và nói: “Nầy con bò, tôi muốn hửi cái mũi giày chú lắm, sao chú không cho tôi hửi thử.”
Hai người Langsa kia thấy Hoàn Ngọc Ẩn sức mạnh lạ thường lại võ nghệ giỏi nên chẳng dám binh vực người bị vật nhào đó.
Hoàn Ngọc Ẩn day lại hỏi rằng: “Còn hai ông, có ai biết nhà một quan lương y tôi hỏi đó không?”
Trong hai người Langsa ấy có một người lẹ miệng chỉ con đàng và nhà cho Hoàn Ngọc Ẩn đi. Hoàn Ngọc Ẩn cả mừng lật đật chạy ra ngoài đàng thót lên xe hơi nhắm đàng cho chạy tới.
Chẳng bao lâu xe chạy đến nhà, Hoàn Ngọc Ẩn nhảy xuống xe đi ngay vào cửa ngõ gặp một anh chà Bengali đang ngồi hút một hơi thuốc trong một cái ống điếu dài và có một cái nồi rất lớn.
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi anh bảy rằng: “Ê phải nhà nầy của quan lương y Rít-sa không?”
Anh chà Bengali phà thuốc khói bay ngui ngút rồi đáp: “Khuya rồi thầy hỏi làm chi, giờ nầy chẳng có cho ai vào, có muốn sự gì thì mai sáng sẽ trở lại.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói thầm rằng: “Bộ thằng chà nầy muốn bay hàm hay sao mà.”
Chàng lại dằn tâm hỏi nữa rằng: “Chú làm ơn nói giùm cho tôi biết coi mấy bữa rày có người đàn bà nào bị bịnh về xe hơi lật, chở vào ở trong nầy không?”
Người chà gác cửa nhớ lại lời quan lương y Rít-sa dặn chẳng nên cho ai biết nên lắc đầu mà rằng: “A lê đi đi, không có đâu mà hỏi.”
Hoàn Ngọc Ẩn đứng gãi đầu rồi hỏi nữa rằng: “Mà anh nói thiệt hay là nói dối nếu anh nói dối anh tính sao với tôi?”
Thằng chà Bengali xách cây ba ton to bằng bắp tay của anh ta đưa cho Hoàn Ngọc Ẩn coi và nói: “Thầy đi hay không thì nói một tiếng, thầy có thấy cây nầy không?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói thì cười xòa rồi thò tay vuốt lỗ mũi thằng chà một cái và nói: “Bộ anh bảy mầy muốn thị oai sao mà?”
Thằng chà gác cửa nổi giận lôi đình bèn huơi gậy mà đánh Hoàn Ngọc Ẩn.
Cây gậy vừa huơi lên khỏi đầu, Hoàn Ngọc Ẩn lẹ tay nắm cái chéo chăn của anh chà Bengali giựt một cái làm cho sút sổ ra, anh ta giựt mình buông cây gậy chụp cái chăn kéo lên, bỗng bị Hoàn Ngọc Ẩn để một thoi nơi cằm liền té quị xuống chết giấc.
Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Anh bảy ôi, tại anh toan đánh tôi nên tôi phải đánh anh, thôi anh nằm ngoài nầy hứng gió, tôi đi vào một lát sẽ ra.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời bèn đi ngay vào cửa.
Cũng chính là đêm Hoàn Ngọc Ẩn đi đến nhà thương của quan lương y Rít-sa, nàng Lệ Thủy ngồi canh giữ nàng Bạch Tuyết đến khuya mới tỉnh lại. Bạch Tuyết thấy nàng Lệ Thủy ngồi dựa bên giường thì vói nắm tay nàng hôn một cái và nói: “Cô hai ôi, có lẽ nào cô thương tôi đến thế, hôm nay là đêm thứ ba cô đều thức đủ mà canh giữ lấy tôi như vầy, tưởng cho niềm cốt nhục cũng không ai tận tình được vậy.”
Nàng Lệ Thủy nghe mấy lời của nàng Bạch Tuyết nói thì dường như lương tâm khoan khoái. Nàng rằng: “Cô hãy an lòng nằm nghỉ, tôi đối với cô chẳng có bà con quen thuộc gì, nhưng vì kiến nghĩa tức vi ấy là nghĩa vụ của con người vậy. Nói cho chánh mà nghe, tôi đối với cô mỗi người gìn riêng một ác cảm đó.”
Nàng Bạch Tuyết nghe nàng Lệ Thủy nói dứt lời thì nói trong bụng rằng: “Do theo lời nàng nói tấc là nàng ghen lầm anh Hoàn Ngọc Ẩn tư tình âu yếm cùng ta. Phải chớ, lâm như ta cũng phải ghen nữa mà, đàn bà ai chẳng như ai, ớt nào ớt lại chẳng cay, nàng ghen lầm cho là phải. Máu ghen nó có thế lực mạnh vô cùng nó có thể làm cho một người đàn bà sanh tâm độc ác, hiếm chi tấn kịch huyết lưu cũng vì lửa ghen ngúng dậy, máu ghen nung nấu trong lòng có thể làm cho một người đàn bà cùng tâm loạn trí. Ta đã biết nó độc đến thế, nhưng sao nàng Lệ Thủy chẳng hại ta mà thôi, lại còn lo cứu tử hườn sanh cho ta. Hay cho nàng, ta đáng kính phục nàng đó. Nàng Lệ Thủy ôi, tôi tưởng lại một người đàn bà như nàng trên đời nầy hiếm có được hay sao.”
Nàng Bạch Tuyết tự nghĩ như vậy thì xúc cảm không cùng, nàng thương nàng Lệ Thủy vô hạn, nàng kính phục nàng Lệ Thủy vọ cùng nên khôn cầm giọt lệ đặng. Nàng lại nói thầm rằng: “Nếu nàng Lệ Thủy cư xử được như vầy thì thật là xứng đáng sánh duyên cùng Hoàn Ngọc Ẩn.”
Nàng Lệ Thủy ngồi thấy nàng Bạch Tuyết rưng rưng lụy ngọc thì hỏi rằng: “Có chuyện chi mà cô khôn cầm giọt lệ đặng vậy?”
Nàng Bạch Tuyết nói dối rằng: “Đầu của tôi nhức nhối quá, chịu không thấu nên nước mắt phải chan hòa thể nầy.”
“Vậy thì cô hãy nằm nhắm mắt lại mà nghỉ.”
Dứt lời nàng Lệ Thủy dỗ cho nàng Bạch Tuyết uống vài muỗng thuốc, rồi ngồi lại trên ghế, kế đó nàng Bạch Tuyết nói rằng: “Thưa cô, do theo lời cô phân khi nãy, tôi độ ra chắc là vì ghen tương chi đó mà cô nói rằng cô đối với tôi có ác cảm phải không?”
Nàng Lệ Thủy suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: “Cô còn đau nặng xin cô chớ muốn rõ việc ấy làm gì. Tôi chỉ nói cho cô rõ một điều là dầu ghen dầu không, tôi chỉ nguyện cứu cô làm nghĩa đó thôi.”
Nàng Bạch Tuyết nằm suy nghĩ một hồi rồi thở dài một cái mà lưng lẻo tròng thu, nàng day qua nắm tay nàng Lệ Thủy mà rằng: “Thưa cô tôi xin hỏi: chẳng hay anh Hoàn Ngọc Ẩn ở đâu chẳng thấy đến thăm tôi.”
“Vì cô có lời dặn nên tôi chẳng dám cho hay.”
“Dạ thưa cô, tôi muốn biết một việc xin cô làm ơn nói giùm, chẳng hay phải cọ là người khi trước đã có lời thề non hẹn biển cùng anh Hoàn Ngọc Ẩn không?”
“Tôi không lẽ nói dối, hẳn thật tôi trước kia là người tình của Hoàn Ngọc Ẩn đã thệ hải minh sơn nhưng trách thầm cho ai phủi lời non nước đam thói bạc tình nên làm cho tôi nuốt thảm ngậm sầu quyết một từ đây chẳng còn giữ một mối tình cùng chàng nữa.”
Nàng Lệ Thủy thấy nàng Bạch Tuyết nằm mê lại thì ngồi cầm trí nghĩ suy một giây lâu thở ra và nói thầm một mình rằng: “Do theo lời nàng Bạch Tuyết cạn kể nỗi thật tình thì tệ cho ta là có mắt mà không tròng, hẹp suy mới nghi lầm như thế. Trời ôi, bây giờ tôi mới rõ Hoàn Ngọc Ẩn giữ dạ sắt đinh không quên lời non nước. Ờ ta nhớ lại rồi, thuở ta cạn tỏ tâm sự đoạn trường của ta cho chàng hay rồi thì chàng vỗ ngực mà nói rằng: Nghĩa Hiệp nầy làm cho trời nghiêng núi ngã không được, chớ việc chi người làm đặng thì Nghĩa Hiệp nầy làm đặng. Thật quả Hiệp Liệc là Nghĩa Hiệp mà Nghĩa Hiệp là Hoàn Ngọc Ẩn, dụng quyền biến lo đủ số bạc cho ta. Ờ thật là chàng vì ta mà dám bạo gan như thế, biết mấy phen tưởng chàng phải chết chớ việc không thành, biết mấy trận tưởng ngày nay chàng còn ở chốn khám đường chớ có đâu được tự do thong thả. Vì ta tấc là vì tình, gẫm lại ngoại trừ Hoàn Ngọc Ẩn thì có ai mà thật tình dám liều mình vì ta đâu. Ôi! Thế mà ta lầm lạc tưởng chàng đà có nơi sửa túi nưng khăn, lầm lạc tưởng chàng phụ bạc ta mà mây thầm mưa trộm cùng người tài sắc là nàng Bạch Tuyết. Tệ cho ta biết là dường nào, tệ là vì nỗi ghen tương ta nặng lời cay đắng làm cho chàng phải căm tức mà sổ huyết ngã ra bất tỉnh. Thiệt phải, chớ chi chàng không chịu tiếng oan thì có đâu chàng tức tối đến thể ấy. Phải rồi chàng hết tình cùng ta thì là thật phải người cho ta trăm năm tơ tóc. Ờ … ờ, ý mà không nên ta phải xét lại, phải thương người bạc hạnh là nàng Bạch Tuyết đây, gẫm ra chính là nàng xứng duyên cùng Hoàn Ngọc Ẩn hơn ta, nàng đáng vầy cuộc tơ tóc hơn ta vì nếu không có nàng thì Hoàn Ngọc Ẩn hôm nay đâu còn sống, và nếu Hoàn Ngọc Ẩn chết thì số bạc của cha ta không lấy ra được, thế thì cái thân ta có ra gì đâu. Ờ nếu như ta là một người biết xử nghĩa cho vuông tròn thì ta phải làm cách nào cho hai người sum hiệp trúc mai, còn phần ta thôi cam đành ở như vầy trọn đời mới phải cho. Mà trước khi ta muốn việc ấy cho thành thì ta phải lo làm sao cho nàng Bạch Tuyết mau mạnh lại rồi thì ta lo mới được cho.”
Nàng Lệ Thủy nói vừa dứt lời bỗng nghe tiếng chốt cửa khóa động, nàng giựt mình day mặt lại thì thấy một người mở cửa bước vào. Lệ Thủy nhìn kỹ lại thì thấy là Hoàn Ngọc Ẩn thì sửng sốt.